Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Nguyễn Xuân Diện: Thơ Giáng bút

Thơ Giáng bút, 1 chủ đề hấp dẫn còn nhiều khoảng trống của Di sản Hán Nôm. TS Nguyễn Xuân Diện  là người đã để tâm viết bài khảo cứu này. Xin phép dẫn nguồn đăng lại Bài của anh để tham khảo.
Nguồn Tễu Blog: http://xuandienhannom.blogspot.de/2014/04/100-nam-truoc-thuong-noi-giong-than.html
Những vần thơ của các vị tiên:
100 năm trước: Thương nòi giống Thần tiên giáng bút
Khảo cứu của Nguyễn Xuân Diện
2006 
Trong các nghi lễ của người Việt thời trước, có một không gian nghi lễ khá đặc biệt rất đáng để ý là thiện đàn. Ở đấy diễn ra một  hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo là giáng bút - một hiện tượng văn hoá tâm linh có thực trong xã hội Việt Nam, tức là cầu Thánh - Thần - Tiên - Phật cho mình những bài thơ, thông qua một người có năng lực đặc biệt. Song vì nhiều lý do mà giới nghiên cứu đã coi đó là một vùng cấm và không dành cho nó một sự quan tâm thích đáng, ngoại trừ hai học giả là Nguyễn Văn Huyên (Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, 1944) và Đào Duy Anh (Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, 1989).
 Minh họa trong sách của Nguyễn Văn Huyên.
Giáng bút là hiện tượng “nhập thần” trong đó thực hiện nghi lễ cầu cúng để mong muốn có sự phán truyền dạy dỗ của thần linh thông qua văn tự (Hán Nôm) mà thư viện Viện Hán Nôm hiện đang lưu trữ 254 cuốn thơ văn giáng bút, với hàng vạn bài thơ, bài văn. 
Tài liệu có niên đại sớm nhất là năm 1825 được in tại đền Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, nay là di tích Việt Đông hội quán, số nhà 22 Hàng Buồm, Hà Nội. Về niên đại xuất hiện nhiều bản giáng bút nhất là các năm 1870 - 1898 và 1906 - 1911.

  Minh họa trong sách của Nguyễn Văn Huyên.

Năm 1825 là niên đại của tài liệu sớm nhất hiện biết trong kho sách Hán Nôm. Thế nhưng, Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) một danh sĩ, nhà khảo cứu nổi tiếng thời cuối Lê đầu Nguyễn, trong Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả(A.909) có thuật chuyện ông ngoại của mình như sau: “Cụ có thuật bói tiên, thường lấy cành đào làm thành hình mỏ hạc treo lên một cần trúc, lấy một cái sọt tre đựng đầy ắp cát sạch, đặt cần trúc bên cạnh rồi đốt bùa đọc phép, cái mỏ hạc tự nhiên chuyển động, vạch thành chữ trên cát”. Lời thuật này rõ ràng cho biết ông ngoại của Phạm Đình Hổ là người thực hiện nghi lễ giáng bút cầu văn tự. Qua đây cho thấy, chúng ta có thể vẫn tìm thấy các văn bản giáng bút có niên đại sớm hơn năm 1825 là bản xưa nhất có trong thư viện Viện Hán Nôm.
Bối cảnh chính trị văn hoá xã hội Việt Nam thời Nguyễn
Học giả Việt Nam đầu tiên quan tâm đến giáng bút có lẽ là Lê Quý Đôn. Trong khi đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) ông đã quan tâm tìm hiểu, sưu tầm được sách âm chất văn chú. Năm 1839 Âm chất văn chú được khắc in theo bản cũ do Lê Quý Đôn mang về từ Trung Quốc. Sách dày chừng 350 trang in. Nhưng bản Âm chất văn chú in năm 1839 không phải là bản in giáng bút sớm nhất mà ta thấy được trong kho sách Hán Nôm.
Ngay từ năm 1825, tại đền Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (Hà Nội) đã tổ chức khắc in bộ sách Quan Phu tử kinh huấn hợp khắc (AC. 408), 150 trang in. Sách này chép lời giáng bút của Quan Thánh đế quân (Quan Phu tử, Quan Vân Trường).
Suốt nửa cuối thế kỷ XIX, đã có nhiều Thiện đàn được mở ra ở hầu khắp các tỉnh ở Bắc bộ: Hà Nội, Nam Định, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình, Hưng Yên, Phúc Yên,...
Bút đào của Vi Thiện Đàn (Hà Nội)
Nội dung và hình thức thơ ca giáng bút càng về sau càng khác lúc ban đầu. Thời gian đầu là giáng bút của các vị thần của Đạo giáo Trung Quốc như Văn Xương Đế quân, Quan Thánh Đế quân...Các bài thơ văn giáng bút này được in trong một quyển sách và chúng không phải là văn bản có được sau một cuộc giáng bút cầu văn tại Việt Nam. Hay nói khác đi, nó chỉ như một cuốn danh ngôn mà những người tu đạo tâm niệm. Nội dung, do vậy mang tính chung chung. Văn giáng bút ở đây đều bằng chữ Hán, được diễn đạt bằng thơ luật. Về sau, do yêu cầu mới của đời sống xã hội, thơ giáng bút đã thay đổi. Các vị thần linh giáng bút không chỉ là có nguồn gốc Trung Quốc nữa, mà còn có các tiên nho liệt thánh Việt Nam, như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trưng Vương, Liễu Hạnh vv...Thơ do yêu cầu phải đến với quảng đại quần chúng nên đã có nhiều thơ lục bát, song thất lục bát. Văn giáng bút cũng phần nhiều không dùng chữ Hán mà dùng chữ Nôm. Các bản sách văn giáng bút cũng được sưu tập ngay từ đàn giáng bút và đưa đi khắc in ngay.
Có tình hình ấy là do bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ví dụ như khi các sĩ phu Hà thành lập ra hội Hướng Thiện, do Tiến sĩ Vũ Tông Phan làm Hội trưởng thì mục tiêu đặt ra là: Hướng mọi người làm việc thiện, xây dựng một lối sống tốt đẹp, theo chuẩn mực của truyền thống. Về sau, hội Hướng Thiện mở mang thêm các hoạt động văn hoá như: tu sửa tôn tạo di tích đền Ngọc Sơn...
Thực trạng kinh tế, xã hội Việt Nam từ khi Gia Long lên ngôi đến khi Tự Đức cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp tuy đang trong giai đoạn xây dựng kiến thiết nhưng đã dần được củng cố. Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và phát triển có đường hướng. Triều đình Tự Đức sau nhiều “khự nự” đã hoàn toàn bất lực trước sự lấn lướt của Thực dân Pháp và sự “đe dọa” của văn minh phương Tây. Trong triều đình ấy, nội bộ cũng đã có sự phân hóa, chia ra làm hai phái rõ rệt: Chủ chiến và chủ hòa. Vua Tự Đức thì ở phái chủ hòa. Một quan chức trong triều là Dương Khuê dâng sớ đề nghị đánh Pháp. Vua đã phê vào sớ: “ Bất thức thời vụ”, và đày ông đi sơn phòng, trông nom việc khai khẩn ở miền sơn cước.
Chỉ sau khi Tự Đức băng, thì phái chủ chiến trong đám quần thần mới dần trở nên chiếm ưu thế, bởi được vua Hàm Nghi và một trọng thần quyền thế là Trương Đăng Quế làm hậu thuẫn. Năm 1885 phong trào Cần Vương được phát động chính thức và phát triển sâu rộng khắp Trung kỳ, Bắc kỳ.
Phong trào Cần Vương đi vào suy thoái bằng sự  thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Sơn do nhà sĩ phu khoa bảng Phan Đình Phùng làm thủ lĩnh.
Từ sau năm 1897 khởi nghĩa Hương Sơn thất bại, nhiều nơi trong đất nước đã từng có những cuộc khởi nghĩa hay nổi dậy lẻ tẻ. Đòi hỏi của lịch sử về cứu nước, giành lại giang sơn tổ quốc trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Thơ văn yêu nước thời kỳ này nhằm đến một quần chúng nhân dân đông đảo. Và để phù hợp với việc kêu gọi lòng yêu nước và tự hào dân tộc, các hình thức diễn đạt quen thuộc với đông đảo bình dân được lựa chọn. Thơ lục bát và song thất lục bát được ưa dùng. Những lối nói ẩn dụ về nòi giống, tổ quốc, giang sơn ...giàu sức biểu cảm được dùng phổ biến trong các lời văn giáng bút. Các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ trong dân gian có lồng ghép thêm những nội dung mới, nhằm thức tỉnh long yêu nước.
Trong các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian, thì kê đàn giáng bút là một hoạt động tín ngưỡng đặc biệt. Ở đó con người giao tiếp với thế giới của Thánh - Thần - Tiên - Phật qua một người có biệt năng. Người này sẽ chuyển các thông điệp bằng văn thơ có nội dung khuyên bảo, răn dạy, kêu gọi của Thánh, Thần cho con người trên cõi trần gian. Hơn nữa giáng bút lại là một hoạt động tín ngưỡng ngưng kết nhiều thành tố đặc sắc của văn hoá dân gian như: thơ ca dân gian, múa dân gian, nghi thức tín ngưỡng...Tham gia vào giáng bút là tham gia vào tín ngưỡng, tham gia vào sáng tạo văn hoá văn nghệ dân gian nhằm tiếp xúc với một tiên giới trong tâm tưởng.
Cũng chính vì hoạt động giáng bút là một hoạt động mang tính tổng hợp như vậy nên đã thoả mãn được nhiều giai tầng công chúng cho dù là các nhà khoa bảng, học hành đỗ đạt cao, nhà nho ở nông thôn, cho đến tầng lớp tiểu thương nơi phố thị, nông dân chốn quê mùa. Sức sống của giáng bút cũng ở đấy. Và sức sống của việc tuyên truyền yêu nước cũng ở đấy. Nó nương vào tôn giáo, tín ngưỡng, nương vào công xã nông thôn để hoạt động và thúc giục quần chúng.
Thực dân Pháp thực sự hoang mang và bối rối khi phải xử trí với tình hình nở rộ của các Thiện đàn và các hoạt đông giáng bút ở khắp nơi. Không tìm được chứng cớ khả dĩ kết tội, đàn áp, thực dân Pháp đã mất ăn mất ngủ với các hoạt động nửa tôn giáo, nửa cách mạng đang lan tràn và phát huy tác dụng và thanh thế ở khắp nơi.

 Một Thiện đàn ở huyện Thanh Miện tỉnh Hưng Yên Hải Dương
Tại Văn Hiến đường, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Tây), năm 1930 tay sai đã về tịch thu các ván in và bộ sách Cổ kim truyền lục đã được in ấn và đang lưu hành ở đây.
GS. Đào Duy Anh, trong bài Tìm hiểu phong trào Thiện đàn đối với cuộc vận động ái quốc - Kinh Đạo Nam dài 25 trang in trong tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (Nxb Trẻ,  1989) có cho biết :
"Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh kể lại rằng trong thời gian giáng bút và ấn hành bản kinh này thì Lý trưởng và Phó lý xã Hạc Châu sợ liên luỵ nên đã báo cáo cho quan lại sở tạị. Chính quyền thực dân giao cho Bùi Bằng Đoàn bấy giờ làm Tri phủ Xuân Trường điều tra. Bùi Bằng Đoàn cho vợ có sai nha đi theo đến đàn để thử, viết một tờ sớ bỏ vào phong bì kín. Hàng ngày khách thập phương qua lại để lễ và xin kinh rất đông, nhiều người sang trọng, cho nên chẳng ai để ý đến đó là bà phủ Xuân Trường. Theo lệ thì người đến lễ đặt phong bì kín lên bàn thờ, Thánh phải giáng bút chỉ tên người ấy, có đúng thì người ta mới tin. Thánh bèn giáng bút cho ngay một câu thơ rằng:
Côn dược thiên trùng thương hải ngoại;
Bằng Đoàn vạn lý tử tiêu gian.
Thế là chỉ rõ tên Bùi Bằng Đoàn ra bằng một câu thơ, mà các nhà Nho học giỏi đều nhận là rất hay, bình thường khó có người tức tịch làm ra được, huống chi người cầm kê đây là người sức học cũng tầm thường.
Bùi Bằng Đoàn do đó tin là có tiên thánh giáng bút thực, báo cáo lên tỉnh rằng đó là việc tôn giáo thực chứ không phải là hoạt động chính trị như hương lý báo. Sau đó án sát Nam Định là Mai Toàn Xuân cũng cho vợ đến lễ để đặt phong bì kín và thử như thế. Bùi Bằng Đoàn là người Nho học có tiếng cho nên được giáng bút một câu thơ chữ. Mai Toàn Xuân xuất thân là bồi Tây nên ít học, chỉ được giáng bút một câu thơ Nôm, nhưng cũng vạch rõ cả ba chữ họ tên như vẽ ra:
Đầu cành Mai mới điểm hoa;
Non sông bốn bể đâu mà chẳng Xuân ?
Sau đó tỉnh báo cáo lên Thống sứ rằng đây chỉ là một hoạt động tôn giáo, không nên ngăn cấm. Vì thế mà bản kinh in xong vào mùa Đông năm 1923 được phát hành ở Bắc  kỳ, rồi sau đó được phát hành bằng quốc ngữ ở Nam kỳ. Các mùa hè năm 1924, 1925, 1926 ông Nguyễn Ngọc Tỉnh đều được Đồng Lạc Khuyến Thiện đàn ở Nam Định nời đến giảng kinh Đạo Namcho tín đồ của đàn ấy nghe. Nhưng đến năm 1929, trong cuộc đàn áp dối với các đảng bí mật tiến hành ở khắp bắc kỳ, chính quyền mới soát nhà mà tịch thu tất cả bản kinh còn lại và các tấm ván in để huỷ đi và bắt đàn chủ là ông Nguyễn Đức Kinh và chủ bút là ông Nguyễn Ngọc Tỉnh làm án giám".(Sđd tr.200-224).
 Trích trong sách Technique du peuple của Henri Oger (1909)
Như vậy là, các Thiện đàn trong suốt quá trình hoạt động của mình luôn gặp phải sự dò xét của thực dân Pháp và quan lại phong kiến Nam triều. Có một thực tế là chính nhờ vào hình thức giáng bút, như một hoạt động mê tín dị đoan, các bài hát bài thơ yêu nước thương nòi và nặng lòng với văn hoá dân tộc đã được lưu truyền. Các thành viên của các phong trào yêu nước đấu tranh cách mạng cũng nhờ đó mà thoát khỏi sự rình rập và đàn áp của kẻ thù.
Thiện đàn với cuộc vận động ái quốc
Giáng bút của Phù Đổng Thiên Vương
Vận động ái quốc, trước hết các nhà yêu nước kêu gọi lòng thương yêu của những người cùng nòi giống, mà ở đây cụ thể là giống da vàng con Lạc cháu Hồng cùng chung một bọc. Các thiện đàn thường tổ chức các buổi giảng kinh, các bản kinh này thường là có được sau khi xin được của mộth vị thần thánh nào đó. Thời gian đầu các vị thánh giáng bút thường là các danh thần võ tướng các thần linh của thần điện Trung Quốc, song càng về sau các vị thần giáng đàn lại là các vị danh thần võ tướng các thần linh trong thần điện Việt Nam như Tản Viên Sơn Thánh, Liễu Hạnh Công chúa, Phùng Khắc Khoan, Tô Hiến Thành, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, các Thánh Mẫu,...
Những năm đầu thế kỷ này, trước tình hình bị giặc Pháp đàn áp nặng nề, một số cơ sở vận động yêu nước tại Hà Nội và các đô thị phải chuyển về vùng nông thôn phụ cận. Một trong những cơ sở có hoạt động mạnh là Văn Hiến đường ở làng Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Tây). Văn Hiến đường hoàn thành vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1909), là nơi thờ Thái uý Tô Hiến Thành và các vị tiên hiền của làng. Thực ra thì trước đó, vào năm 1907, Thiện đàn ở đây đã cho khắc in bộ sách Cổ kim truyền lục đề tuyên truyền vận động yêu nước. Bộ sách gồm 4 tập Nguyên - Hanh - Lợi - Trinh với gần 400 bài thơ văn, bao gồm nhiều thể loại, viết bằng chữ  Hán, do tập thể tác giả đều là người địa phương sáng tác. Văn Hiến đường hiện có đôi câu đối về việc giáng bút và khắc in kinh :
Kinh điển bản tàng Tiên hiền giáng bút thuỳ kinh điển 
Cổ kim truyền lục Vãng thánh di thư diệu cổ kim

(Kinh điển bản khắc Tiên hiền giáng bút truyền kinh điển 
Cổ kim truyền lục Thánh hiền di cảo sáng cổ kim)
Tại Hạ Mỗ, không chỉ Văn Hiến đường là nơi có giáng bút mà giáng bút còn được tổ chức trong chùa Hải Giác nữa. Và  Cổ kim truyền lục chính là tập thơ văn được tập hợp sau gần 4 tháng giáng bút. Về cách phát hành thì phát cho mọi nhà, biếu tặng các nơi với mục đích: Thư lai địa địa, tuyên truyền vạn vũ (sách đến mọi nơi, tuyên truyền khắp chốn. Văn Hiến đường cũng còn là nơi bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Tháng 4 năm 1996, khi về Hạ Mỗ để lấy tài liệu tôi còn thống kê được 14 tên sách / bộ sách Hán Nôm tại Văn Hiến đường: như: Thiên ất chân kinh (in, Bảo Đại 8 ), Văn Xương đế quân cứu kiếp bảo sinh kinh (in, 1911), Ngọc Hoàng chân kinh (viết tay), Ngọc Hoàng phổ độ tôn kinh (2 bản in, Bảo Đại 8), Liệt thánh bảo cáo (in), Ngũ phúc kinh .Tập Ninh (in), Tâm pháp thiết yếu chân kinh (2 bản in, Bảo Đại Mậu Thìn), Bảo huấn hợp thiên (in, Tự Đức Bính Tý), Lã Tổ trung hiếu cáo (in, Thành Thái ất Tỵ), Dược sư kinh,...
Thơ văn giáng bút đã được lưu truyền khá rộng rãi trong nhân dân vùng xứ Đoài. Hình thức lưu truyền quảng bá thơ văn yêu nước trong khuôn khổ của một hình thức của tôn giáo, và nhất lại là trong bối cảnh xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám đã gây ảnh hưởng lớn và có hiệu quả rõ rệt.
Thiện đàn với công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc
Đóng góp của các thiện đàn trong công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc là một đóng góp quan trọng  của các thiện đàn. Đóng góp này thể hiện trên hai khía cạnh: Xây dựng,  giữ gìn nếp sống văn hoá theo chuẩn mực của truyền thống và Tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử  văn hoá, in ấn các kinh sách.
Xây dựng và giữ gìn nếp sống văn hoá theo chuẩn mực của truyền thống là một yêu cầu của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trước hết là sinh hoạt của thị dân ở đô thị. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã đặt xong nền đô hộ lên Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Sự phân hóa giai cấp diễn ra nhanh chóng trong toàn bộ xã hội. Luân lý cổ truyền cùng các giá trị đạo đức truyền thống rạn nứt trước sự xâm thực của văn minh phương Tây. Nhiều tỉnh lỵ, huyện lỵ được mọc lên bên cạnh những trục đường giao thông lớn nhỏ, kéo theo quá trình “Âu hóa” rất mãnh liệt.
Ở nông thôn bộ máy lý dịch đã trở nên tha hóa. Bức tranh nông thôn Việt Nam trong suốt thời gian hàng thế kỷ là một  khoảng tối tăm với một đời sống khổ cực và những áp bức nặng nề của bộ máy cường hào, lý dịch.
Trong tình hình xã hội như vậy việc gióng lên tiếng trống thức tỉnh cách mạng, kêu gọi chấn chỉnh nếp sống theo mẫu mực truyền thống là một công việc có ý nghĩa.
Các thiện đàn đã mọc lên ở khắp mọi nơi và hoạt động khá sôi nổi trong cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc. Các buổi giảng thiện được thực hiện đúng theo lịch đã định sẵn, có đông đảo nhân dân tham dự. Việc tu bổ và tôn tạo các di tích được nhiều người hưởng ứng, và rất nhiều văn bia hiện đặt trong các di tích đã ghi lại việc sửa chữa, tôn tạo này.
Đền Ngọc Sơn - trụ sở Hội Hướng Thiện, cơ sở in ấn tàng bản và công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc
Trong số các thiện đàn đã biết thì đền Ngọc Sơn là một cơ sở tiêu biểu nhất. Đền Ngọc Sơn không những là một cơ sở được thành lập sớm nhất, có đóng góp toàn diện nhất, là một cơ sở in ấn và tàng bản lớn nhất, mà còn có vai trò như là một trung tâm có sức lan toả rất lớn, trong phạm vi khắp cả đông bằng châu thổ Bắc bộ, nếu không muốn nói là trong cả miền Bắc.

Đền Ngọc Sơn đầu thế kỷ XX. (ảnh tư liệu)
Theo bài văn bia Ngọc Sơn đế quân từ ký do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1843 thì đền Ngọc Sơn do hội Hướng Thiện tạo dựng năm 1842. Ngoài mục đích thờ thần thánh, đây còn là nơi cho “sĩ phu kết bạn với nhau yêu cảnh này, vì mến tên hồ này việc tu dưỡng, du ngoạn, nghỉ ngơi đều có nơi có chốn”.
Từ sự thống nhất trong hội Hướng Thiện, chủ trương chấn hưng văn hoá của Hội được các nhà khoa bảng có uy tín trong hội và khắp Hà thành tán dương và coi là mục đích cao nhất của hội. Việc đầu tiên mà các nhà Nho hướng đến là hướng dẫn cho mội người tu dưỡng chính bản thân mình, trước hết là ngay là sự chính tâm (ngay thẳng) và ngăn chặn những dục vọng xấu nảy sinh trong ngay chính lòng mình.
Đền Ngọc Sơn đã được biến thành một giảng đàn là nơi mà đều đặn vào các ngày 2 và 16 âm lịch hàng tháng hội tổ chức giảng thiện. Cũng tại đây đã tiến hành các buổi giáng bút để xin những lời dạy của Thánh nhân qua một người trung gian. Các bản kinh in ở đền Ngọc Sơn đại bộ phận đều là các kinh giáng bút bằng chữ Hán, ghi lời giáng bút của các vị thần thánh có nguồn gốc từ Trung Quốc như Quan Thánh Đế Quân, Văn Xương Đế Quân. Tuy nhiên, nội dung lời văn của các bản kinh này lại rất phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội như: Tự giác ngăn ngừa các thói tham lam, độc ác, dâm loạn, gian dối..., khuyên hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người trên, thương kẻ khốn cùng, chuyên cần học tập, chăm chỉ làm ăn...Mượn lời dạy của thần tiên nhưng các bản kinh được in tại đền Ngọc Sơn không hề đưa lại một tinh thần xuất thế, lảng tránh cuộc đời thực mà ngược lại lại rất tích cực. Và có lẽ cũng chính vì thế, các kinh văn giáng bút được in ra ở đây được lưu truyền rất rộng khắp trên nhiều địa phương cho tới tận Cách mạng Tháng Tám 1945.
Một khía cạnh khác trong việc chấn hưng văn hoá dân tộc của hội Hướng Thiện ở đền Ngọc Sơn là tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử  văn hoá. Tại khu vực xung quanh Hồ Gươm, hội Hướng Thiện đã tôn tạo Trấn Ba đình, trùng tu đền Ngọc Sơn, xây Tháp Bút và Đài Nghiên... Khu vực Hồ Gươm có được khuôn mặt như ngày nay là do những lần tu bổ tôn tạo này. Không những thế, với tình cảm yêu mến Thăng Long, các nhà nho trong hội Hướng Thiện còn sáng tác biết bao áng văn thơ đề vịnh trên những di tích danh thắng Hà Nội.
Đền Ngọc Sơn là một cơ sở in ấn và tàng bản lớn nhất trong suốt khoảng 100 năm (1845 - 1945). Vậy trong khoảng 100 năm ấy tại đền Ngọc Sơn đã có bao nhiêu bộ sách ra đời và đi vào đời sống xã hội? Mới đây, Vương Thị Hường dựa vào hai cuốn sách Các đẳng kinh bản Ngọc Sơn thiện thư lược sao mục lục (A.1116),Cao Vương kinh chú giải (AC.438) cho chúng ta biết danh mục sách Hán Nôm in tại đền Ngọc Sơn gồm 246 tên sách (mỗi tên sách có thể là một bộ với nhiều cuốn) thuộc nhiều môn loại khác nhau như tôn giáo, văn học, sử học... (Tạp chí Hán Nôm số 1 -2000).
Có một điều đáng chú ý là khi chúng tôi khảo sát các sách in kinh giáng bút thì thấy có hiện tượng một số nơi (các thiện đàn) đã mượn ván in kinh giáng bút của đền Ngọc Sơn về in và phát hành.
Như vậy là trong suốt một trăm năm đền Ngọc Sơn đã là một cơ sở in ấn tàng bản lớn của cả vùng châu thổ Bắc bộ, nơi đặt trụ sở của hội Hướng Thiện với các hoạt động thiết thực trong việc chấn hưng văn hoá dân tộc. Cũng chính vì lẽ đó mà cuối năm 1945, Hồ Chủ Tịch đã đến thăm hội Hướng Thiện, trò chuyện với các hội viên của hội và căn dặn: “Các cụ đã cao tuổi mà vẫn còn giảng Thiện cho bà con theo, thế là rất quý. Tôi xin phép gợi thêm vài ý. Tôi nghĩ điều Thiện lớn nhất là yêu nước. yêu dân chủ, điều ác lớn nhất là xâm lược, áp bức. Tôi đề nghị các cụ khi giảng Thiện nên chú ý khuyên đồng bào bảo vệ độc lập, tự do và tăng gia sản xuất, xây dựng dân chủ”(Theo Nhân dân, 22 - 8 - 1990). 
Nội dung thơ văn giáng bút
 Nội dung thơ văn giáng bút cũng chính là nội dung, mục đích hoạt động của các thiện đàn. Đó là một chương trình tuyên truyền rộng khắp trong suốt thời gian nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đâù thế kỷ XX tập trung vào hai vấn đề: Kêu gọi lòng yêu nước thương nòi và Chấn hưng văn hoá dân tộc.
Kêu gọi lòng yêu nước thương nòi:
Đây là một chủ đề lớn của thơ văn giáng bút nói riêng và thơ văn yêu nước cách mạng nói chung. Trong thơ văn giáng bút, điều này được thể hiện ở những khía cạnh sau:
- Giáng bút lời của các vị anh hùng liệt nữ của dân tộc như: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Liệt nữ “Tiết hạnh khả phong” ở làng Đông Ngạc...
- Giáng bút lời của các vị thần tiên trong thần điện Việt Nam như: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Liễu Hạnh Công chúa, Từ Đạo Hạnh...
- Giáng bút lời các tiên nho, các nhà văn hoá của Việt Nam như: Tô Hiến Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Bà tổ nghề thao ở Triều Khúc...
Ngoài ra thơ văn giáng bút còn nhắc nhớ thúc giục lòng yêu nước, thương yêu giống nòi, thấy được nỗi nhục của dân mất nước.
Chấn hưng văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống mới:
Về nội dung này, thường được biểu hiện như sau:
- Đề cao việc nâng cao dân trí
- Bài bác hủ tục
- Đề cao phụ nữ (giáng bút lời Thánh mẫu cho phụ nữ)
- Khuyên sống lương thiện, thương yêu đùm bọc nhau   
- In ấn kinh sách về tôn giáo, lịch sử, văn học, ngôn ngữ
Hình thức và Nghệ thuật thơ ca giáng bút:
* Về mặt văn tự:
Bà Liễu Hạnh về trời
Thơ ca giáng bút chủ yếu viết bằng chữ Nôm - một sáng tạo của người Việt Nam, dùng ký tự Hán để ghi âm Việt nên không gặp trở ngại về mặt văn tự đối với người bình dân nhất là trong việc truyền miệng. Ta biết rằng, trong khi triều đình nhà Nguyễn tổ chức Nhà nước và các thiết chế văn hoá theo Nho giáo rập khuôn nhà Thanh Trung Quốc, thì trong dân gian, tư tưởng và văn chương bình dân lại dường như cũng có một sức sống riêng. Ví dụ rõ nhất là khắp các nơi trong nước hàng loạt các hiệu, đàn, trai, đường, lâu... đã ra đời làm nở rộ nghề in. Tại các nhà in này, mảng truyện Nôm đặc biệt phát triển so với trước đó. Thời kỳ này ngoài việc tái bản những cuốn cũ còn có thêm nhiều đầu sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần người dân. Riêng cuốn Phạm Công - Cúc Hoa, từ năm 1907 đến năm 1936, được in cả thảy 15 lần (trong phạm vi cả nước). Đặc biệt là Truyện Kiều được in cả thảy là 32 lần. Trong số 25 lần in có ghi rõ thời gian và nhà tàng bản thì có tới 16 lần được in tại Hà Nội.
Về việc sử dụng chữ Nôm và chữ Hán trong một tài liệu giáng bút, chúng ta ghi nhận một số điều sau: Có cuốn toàn Nôm, có cuốn là Hán xen Nôm. Văn giáng bút chữ Hán thường là giáng bút của các vị thần linh Trung Quốc, hoặc các vị Nho học, hoặc hướng đến đối tượng là người có chữ nghĩa. Văn giáng bút chữ Nôm, ngược lại, thường là giáng bút của các vị thần linh Việt Nam, hoặc là các thánh mẫu, hoặc dành cho đối tượng là đông đảo tầng lớp bình dân. Một vấn đề khác, văn giáng bút chữ Nôm bao giờ cũng có độ dài dài hơn các bài giáng bút bằng chữ Hán. Còn về thể loại, văn giáng bút Nôm thường chọn các thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát, hoặc các thể thơ có khả năng diễn đạt phong phú nhiều nội dung.
Thơ văn giáng bút, để đạt được mục tiêu phát hành và tuyên truyền như trong lời nói đầu bộ Cổ kim truyền lục là: “Thư lai địa địa, tuyên truyền vạn vũ” (Sách đến mọi nơi, tuyên truyền khắp chốn) thì nhất định phải dùng chữ Nôm.
 *  Về mặt thể loại:
Thơ văn giáng bút nhằm đến nhiều đối tượng khác nhau, với mỗi loại đối tượng đã dùng các thể thơ khác nhau.
Các tài liệu giáng bút thường ghi rất rõ về thời điểm giáng bút (giờ, ngày, tháng, năm) và thậm chí có tài liệu còn ghi rõ bài thơ văn giáng bút này là dành cho ai quê quán ở đâu. Ví dụ trong cuốn Bản thiện kinh (AB.355) có ghi tường tận như vậy.
Phù hợp với từng đối tượng, từng nội dung tuyên truyền, về mặt hình thức, đã có các thể thơ sau được dùng: Phú,  Thơ luật, Lục bát, Song thất lục bát, Phong dao, Hát Xẩm, Từ khúc,Hát nói (Ca trù), Gửi thư (Ca trù), Ngụ ngôn, Tiểu thuyết...
* Về việc minh họa:
Tài liệu giáng bút hiện có trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ yếu là sách in bản khắc gỗ (226 bản in / 254 bản sách) Trong đó có một số các văn bản thơ văn giáng bút hiện có tại thư viện Viện Hán Nôm có nhiều cuốn có các đồ họa. Thiết nghĩ, rồi đây những đồ họa này sẽ trở thành những tài liệu cho một công trình chuyên khảo về Đồ họa Đạo giáo nói riêng và Nghệ thuật Đạo giáo nói chung.
Kết luận: 

Với 98 Thiện đàn hiện biết tại các địa phương trong hầu khắp các tỉnh miền Bắc là nơi có lưu truyền/sáng tác/in ấn/tàng bản kinh văn giáng bút cho thấy sự hoạt động sôi nổi của các Hội Hướng Thiện, Thiện đàn trong khoảng một trăm năm từ 1845 đến 1945. Các Thiện đàn và Hội Hướng Thiện, trong đó tiêu biểu nhất là Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn đã có những đóng góp lớn trong việc chấn hưng văn hoá dân tộc.

Tư liệu thơ văn giáng bút tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn 254 cuốn. Kinh giáng bút được in nhiều vào các khoảng thời gian các năm 1870 - 1898 và 1906  -  1911. Nội dung thơ văn giáng bút cũng chính là nội dung, mục đích hoạt động của các Thiện đàn. Đó là một chương trình tuyên truyền rộng khắp trong suốt thời gian  nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX tập trung vào hai vấn đề: Kêu gọi lòng yêu nước thương nòi và Chấn hưng văn hoá dân tộc.

Văn thơ giáng bút càng về sau càng sử dụng nhiều chữ Nôm và các thể thơ ca dân gian để thể hiện các lời dạy dỗ của các thần linh đất Việt. Điều này càng khẳng định chữ Nôm vẫn giữ vai trò nhất định trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, trong khuôn khổ các phong trào yêu nước. Trong hoạt động của mình các thiện đàn đã sử dụng thành công chữ Nôm trong việc kêu gọi lòng yêu nước và chấn hưng văn hoá dân tộc. 

Một giá trị rất đặc biệt của thơ văn giáng bút cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là dưới ảnh hưởng của các phong trào yêu nước, đã làm phát khởi những biểu tượng mới trong văn hóa Việt Nam mà trước đó ít khi được nhắc đến. Đó là những biểu tượng về Quốc Hồn, Quốc Túy, Quốc Dân, Nòi Giống, Giống Lạc Hồng, Con Rồng Cháu Tiên được nhắc đến rất nhiều, rất khẩn thiết và nhằm đến đối tượng là các tầng lớp nhân dân lao động%.

Hà Nội, 2006
N.X.D

Phụ lục:
Lời giáng bút của Bà Trưng Trắc

Mấy thu gánh vác chữ cương thường,

Gia quốc căng căng một dạ cường.
Tay vớt dân đen qua khí lửa,
Lòng đầy gan thắm giãi hơi sương.
Gió đưa một giải sơn hà lại,
Sấm những ba quân tiết nghĩa vang.
Cổ miếu hãy còn bay khói nghĩa,
Dấu thơm nước bạc gửi sen vàng

Ngâm:

Thiên địa hữu tâm khai thái vũ,
Cổ giáo liệt nữ xuất hùng tư.
Ra tay xây dựng cơ đồ,
Quyên trung áo nghĩa bô bô trong mình.
Mặt trung thành dạ kiên trinh,
Đuổi xa cẩu đảng, hồ tình cho tan.
Dân vừa an, nước cũng an,
ầm tiếng sấm giang sơn xây đắp lại,
Trung nghĩa cành mấy thu đã xơ.
Vốn nhu tư mà nghạnh khái trượng phu,
Vân Nùng lĩnh, nguyệt Bạc hồ,
Trăng phơi màu trắng, hoa phô vẻ vàng.
Gió tiêu sắt bay ngang gót ngựa,
Giải giang sơn quần chất dám khoe tài.
Nghìn thu hương phức lâu đài,
Chỉ trong tiết liệt há ngoài trung trinh.
Tiếng thơm rõ kiếm sử xanh,
Gọi là lược nói tâm tình qua qua.
May gặp thấy thiên hoa sắc nở,
Đem trung trinh giải tỏ chị cùng em.

Ca:

May làm sao, vui làm sao,
Xa nghe kinh nở vẻ đào năm hoa.
Lòng lấp muốn thiên gia hầu bái,
Phận nữ nhi nào phải đấng văn nhân.
Nào tiên, nào chúa, nào thần,
Mở lòng từ mẫn ân cần dạy khuyên.
Khắp mời hết hiền viên trong nước,
Giải lòng xưa mà lạy trước thềm hoa.
Chị em tin chớ chăng là,
Đất ta lại nảy người ta một màu.
Chẳng qua kẻ trước người sau,
Cung tiên trăm lạy khấu đầu tự đe.
Vui thay xiết kể vui thay!

[Ngày 27, giờ ngọ]
Trích “Tam Bảo Quốc âm chân kinh” – Trần Quang Huy phiên âm

TS. Nguyễn Xuân Diện thuyết trình về thơ văn Giáng bút tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền - Hà Nội, ngày 9 tháng 4 năm 2010.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Thương nhớ Nhà giáo Nguyễn Thị Toàn

Thương nhớ Nhà giáo Nguyễn Thị Toàn
Cáo phó của Gia đình


Cô giáo tôi tên Toàn, trùng tên trùng họ với tôi. Ngày tôi vào cấp 3, từ lớp E nhận được 1 cái giấy cho chuyển sang lớp D. Tôi chưa hiểu vì sao, chắc là bố mẹ nhờ người quen (là cô Hoa bên Tài vụ của Trường) xin cho con chuyển vào cái lớp „tốt tốt“- chính là lớp cô Toàn chủ nhiệm. Cô dáng người cao, mặt vuông, tóc cắt ngắn gọn gàng tác phong nhanh nhẹn dứt khoát. Trên lớp cô rất nghiêm trang, nói chuyện thẳng thắn nhưng nghiêm túc. Tôi vẫn ấn tượng với cái giọng đầy chất Quảng Bình của cô. Khi hỏi thăm về cô quê đâu, bà chị tôi chơi với con gái cô đùa hát câu: Quạng Bình quê ta ơi !.(bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân). Cố tình hát nặng đi. Cô rất yêu thể thao vận động. Tôi biết trong trường có 1 phòng đánh bóng bàn mà một số thầy cô thường tập trung chơi bóng, cô là thành viên rất tích cực. Tôi từ bé đi học, chưa lớp nào có bạn trùng tên với tôi. Nay Cấp 3 cũng thế, mấy bạn tên Hải, Minh, Nam, Ngọc, Hạnh, Loan, Long .... thì trùng ríêt. Tôi hí hửng là chả ai trùng tên. Thằng Lương Hải phang cho 1 nhát, còn bà Toàn. Mày không tính bà Toàn à. Mình tịt im. Bố mẹ tôi mỗi lần đi họp Phụ huynh học sinh về đều nói cô giáo „Toàn“ rất thẳng thắn và mạnh mẽ. Năm lớp 10, năm thằng tổ Ba nghịch làm lộn xộn cái khu vực gần bàn giáo viên nhất: Đức Toàn, Hải Long, Lương Hải, Anh Minh, Thành Nam. Tôi cứ tưởng tôi không nghịch lắm, nhưng cô Toàn đến đầu giờ học đến tận bàn phát cho mỗi thằng 1 cái giấy mời Phụ huynh. Tôi hí hửng tưởng mình „ngoan“, nhưng đến phiếu cuối cùng, cô nói trơn tuột: Còn đây là giấy của em. Tôi lịm người.
Học hết học kỳ năm lớp 11 Cô được chuyển sang công tác khác, „thăng“ lên Hiệu phó. Chúng tôi mừng cho cô lên quan, nhưng buồn vì không được cô Chủ nhiệm nữa. Lớp chuyển sang cô Tuyết – cũng là 1 cô giáo tốt và nhân từ. Tuổi trẻ mà, đang ham quen cô này bị chuyển sang cô khác thì thấy hụt hẫng khó diễn tả (Nhại lời bài hát Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn: đang yêu cô này lại nhớ đến cô kia, yêu chi loanh quanh cho đời mỏi mệt ...).
Dù không Chủ nhiệm lớp tôi, nhưng cô cũng luôn quan tâm và rất nhớ từng bạn trong lớp. Lúc sắp chọn lựa Trường để đăng ký thi ĐH, tôi cũng còn mơ mộng mình sẽ làm Công an để phục vụ nhân dân, truy bắt „bọn xấu“ nhưng hồ sơ điểm số chúng tôi thấp quá không đủ tiêu chuẩn. Mà lại phải nộp bản sao Học bạ. Tôi với mấy cậu lớp khác đến xin sao lại học bạ. Cô là Hiệu phó ký cho ngay, hình như không đúng quy định. Cô Hiệu trưởng vào nhắc nhở, hỏi. Cô Toàn thẳng thắn nói không xác nhận cho chúng nó thì nó nộp Hồ sơ kiểu gì. Giọng cô thẳng thắn, nói to. Mấy thằng chúng tôi ở ngoài nghe tưởng cãi nhau, sợ re kèn. Chữ ký của cô ngay rõ ràng không ngoằn nghèo móc lượn. Tuổi 18, chúng tôi còn trẻ con, cũng lựa kiểu chữ ký cho oai, tôi thấy kiểu chữ của cô thật giản dị thẳng thắn như con người cô vậy. Về sau tôi thích mà học theo lối chữ ký của cô, cũng ký thẳng tên rõ ràng: Toàn. Ai đọc biết ngay tên người ký. Nhưng ước mộng thành người Công an nhân dân cũng không thành. Năm thứ 2 tôi mới thi đỗ ĐH.
Bí thư đoàn lớp Trần quang Hưng tặng hoa cô
bạn gái Vũ Hằng  tặng hoa cô
Quốc Dũng - Vũ Hằng chụp ảnh cùng cô Chủ nhiệm cũ

Hàng năm bạn bè cấp 3 vẫn rủ nhau ngày 20.11 đến thăm cô, ngày Tết dân tộc nếu được tụ họp thì cũng đến chúc Tết cô. Cô cởi mở lắm. Hỏi thăm chúng tôi con trai cô cứ hỏi „thằng Toàn“, „thằng Dũng“, ....; con gái thì cô gọi „cái Hạnh“, „cái Phương“ ... nhưng nụ cười và tác phong của cô làm chúng tôi tự tin hơn. Nhiều bạn học cũ trong thời gian học có những chuyện này chuyện khác, nhưng khi 20.11 đến thì đều háo hức đến với cô như đến 1 địa chỉ đỏ: Số 10 Đinh Công Tráng. Cô như là 1 điểm tựa tình cảm, tinh thần cho lũ học sinh lớp 12D Bạch Mai niên khóa 1992 – 1995 mỗi lần đến thăm được hỏi han, báo cáo lại những thành công, vui buồn trong công việc, trong cuộc đời. (Nhớ đến các cụ Cách mạng ngày xưa có caí trò, thăm Bác Hồ, Bác Tôn, Bác Giáp để báo công như một phần thưởng). Nhiều khi tôi cảm nhận thấy, có những lần đông khách, cô đã mệt mỏi, nhưng khi chúng tôi đến cô vẫn dành cho chúng tôi những nụ cười rạng ngời và hỏi thăm từng đứa.
Thời gian trôi nhanh, việc nhà bận rộn. Lớp chúng tôi hơn chục năm trời vẫn đến thăm cô đều. Chúng tôi cảm nhận thấy sự chân thành của cô, nhiều đứa lập gia đình cũng mời cô. Chuyện cưới xin thời buổi bây giờ thật là rách việc (người ta gọi là cơm bụi giá cao mà). Nhưng những tấm lòng của học sinh nhớ đến cô Chủ nhiệm cũ, cô đáp lại rất chân thành, cô đến hầu hết, ít ra tôi biết là đám cưới Mỹ Hạnh và đám cưới của tôi. Còn nhớ Bác Côn- Bố Mỹ Hạnh, trong đám cưới Hạnh, gọi mẹ Hạnh: Mẹ Sơn ơi! Cô Toàn này!. Đủ thấy cái tình cảm của cô đối với mọi người khiến người ta cảm nhận và trân trọng, ấm áp. 
Cô Chủ nhiệm và các bạn trong ngày cưới: Ngọc, Hạnh, cô giáo, vợ chồng tôi, Mạnh, T.Hạnh, Hải, cháu Tôm con nhà bác. 
Hai anh chị Trí và Trà con cô cũng sấp sỉ độ chúng tôi. Cũng có cái ấm áp chân thành của mẹ. Khi cô về hưu rồi, có năm lớp chúng tôi hẹn nhau đi Hát Karoke, có mời cô đi. Cô cũng đi và hòa nhập lắm. Chúng tôi muốn cô vui.
Cô vui cùng các bạn tôi: bên trái là Nga, bên phải là Hương
Nhưng 365 ngày của 1 năm, đám học sinh chúng tôi quan tâm được đến cô có 1 ngày. Những ngày còn lại cô bệnh tình thế nào chúng tôi không biết được. Tôi đi xa hơn 1 năm, lúc về không đúng ngày 20.11, người nhà có nhắc đến thăm cô Toàn. Nhưng lại với lí do này nọ tôi không đến được. Vài tháng lại đi ngay. Tôi tiếc quá. Năm 2013, 20.11 lớp đến thăm cô, chụp ảnh. Đăng lên Facebook. Tôi thấy cô vẫn như ngày nào, vẫn nụ cười rạng ngời, chỉ ánh mắt hơi mệt. 
 Cô Toàn với Cao Thành Nam
 Cô với các bạn: Tiến Ngọc, Thành Nam, Ly, Mỹ Hạnh
 Các bạn tôi với cô: Ngọc Long, Tiến Ngọc, Thành Nam, Ly, Hạnh, Ngọc, Hường
Cô hỏi thăm Li (1 bạn đã chia tay lớp chuyển trường từ năm đầu lớp 10) 
Mọi người cùng chụp chung
Không ngờ đó là 20.11 cuối cùng chúng tôi được thăm cô. Cô ơi! Những ngày 20.11 các năm sau, chúng em sẽ thăm ai. Ai cũng có nhiều thầy cô để mà thăm. Thầy - Cô cấp 2, cấp 3, Đại học, ... và nhiều nữa. Nhưng cái tình người chân thành của người mẹ nhà giáo dành cho những đứa con nuôi hàng năm vẫn hướng về mẹ như một điểm nhấn trong cuộc đời chúng con thì cũng tùy từng người. Cô cũng dạy nhiều lớp, các trò cũng học nhiều thầy nhiều cô. Nhưng điểm nhấn trong cuộc đời của chúng ta có nhau làm điểm tựa. Tin cô bệnh vừa mới biết, lo lắng vừa nhờ Mỹ Hạnh nhắn đến cô đôi lời thì tin cô đi đã đến ngay hôm sau. Tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhưng sao lòng chơi vơi. Cô ra đi cũng như bao người thân trong họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, .... đã ra đi trước đó. Nhưng lòng chơi vơi nghĩ về những điểm tựa, điểm mốc trong cuộc đời. Đêm nằm mơ thấy cô cười tươi, mặc áo vét màu da trời sáng, đến thăm ăn cơm nhà tôi ở Hà Nội. Không nói chuyện gì. Ở xa, xin viết đôi hàng làm nén tâm hương thắp trước hương hồn cô mỗi ngày Hiến chương các nhà giáo.

11.04.2014. Taucha, Deutschland. Kim Vô Điểm viết. 

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Trần Trọng Dương: Hán Nôm học- khoa học liên ngành để phát triển đất nước

Yêu Hán Nôm nên học Hán Nôm. Học Hán Nôm mới biết nó là cái Quốc học, cái tinh túy cổ truyền của nước ta. Thỉnh thoảng mới lên đọc IT. Bài của Trần Trọng Dương viết lâu rồi nhưng bây giờ mới đọc. Thấy hay xin đăng lại vào Blog để cùng chia sẻ tư tưởng hòa đồng. 
Nguồn: http://trantrongduong.blogspot.de/
(nhân kỷ niệm 40 năm ngành Hán Nôm, khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)


Hán Nôm học là một ngành khoa học liên kết con người hiện đại, xã hội hiện đại với lịch sử và truyền thống văn hóa. Ngành khoa học này có một độ lùi nhất định so với cách ngành sử học, triết học, văn hóa..., nhưng độ lùi đó là cần thiết cho những nghiên cứu chuyên sâu luôn được khai thác từ những tư liệu gốc (original texts).

Ở khía cạnh rộng rãi, Hán Nôm học là một khoa học liên ngành, ngoài ba chuyên ngành “chính danh” là văn bản học, thư tịch học và văn tự học ra, thì Hán Nôm học còn bao quát một phạm vi rộng lớn của rất nhiều ngành khoa học khác như trình bày dưới đây. 

Hán Nôm học là ngành nghiên cửu về cổ sử và lịch sử Trung đại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Muốn biết lịch sử Việt Nam 4000 năm ra sao chúng ta chỉ có hai ngành khoa học chính đó là Khảo cổ học và Hán Nôm học. Khảo cổ học cho ta những hiện vật của quá khứ để giải mã lịch sử của con người Việt Nam từ thuở mới xuất hiện loài người trên lãnh thổ Việt Nam cho đến các giai đoạn văn minh Đông Sơn, Óc Eo, Sa Huỳnh … Còn Hán Nôm học cho chúng ta biết các sử liệu thành văn (chữ Hán và chữ Nôm) trong khoảng thời gian 2000 năm trở lại đây. Người làm về lịch sử cổ - trung cận đại Việt Nam biết Hán Nôm cũng như đã nắm được chiếc chìa khóa vạn năng để nghiên cứu về lịch sử của dân tộc. Những bản dịch, những công trình nghiên cứu của giới Hán Nôm học trong nhiều thập kỷ qua là những thành quả khó có thể bác bỏ, ví dụ Giáo sư Đào Duy Anh với các công trình Đất nước Việt Nam qua các đời, Lịch sử cổ đại Việt Nam, giáo sư Hà Văn Tấn với các công trình Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Giáo sư Trần Quốc Vượng với bản dịch Việt sử lược, Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu, Pgs Ngô Đức Thọ với các bài nghiên cứu chuyên sâu và bản dịch nổi tiếng của sách Đại Việt sử ký toàn thư…

Đó chỉ là một số ít những công trình về lịch sử của các giáo sư các nhà nghiên cứu lão thành có sử dụng Hán Nôm như là một công cụ để nghiên cứu về lịch sử dân tộc. Những công trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với xã hội. Nó giúp nhiều thế hệ người Việt Nam hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, lịch sử xây dựng một đất nước văn hiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều công trình trong số này đã có những ảnh hưởng lớn đối với quốc tế.

Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về lịch sử tư tưởng và triết học Việt Nam. Như ta biết, tư tưởng triết học luôn luôn phải đi với ngôn ngữ - văn tự. Bởi vì, chữ viết và ngôn ngữ viết là hai nhân tố quan trọng nhất cho sự truyền bá mọi tư tưởng triết học. Ngôn ngữ là điều kiện tiên quyết và bắt buộc đối với triết học. Việt Nam trong lịch sử hai ngàn năm trở lại đây, đã sử dụng chữ Hán- tiếng Hán và chữ Nôm- tiếng Việt như là hai công cụ chính để ghi chép về tư tưởng triết học. Trong đó, các tôn giáo có ảnh hưởng rộng lớn ở tầm khu vực như Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Biết Hán Nôm, tức là chúng ta có thể nghiên cứu tư tưởng và tư duy triết học bằng NGUYÊN NGỮ. Tư duy nguyên ngữ mới là tư duy triết học.

Muốn nghiên cứu triết học trước hết phải biết ngôn ngữ gốc của mỗi một nền triết học đó. Nghiên cứu triết học Mác ta phải đọc được và tư duy triết học bằng tiếng Đức, muốn hiểu triết học Phật giáo nguyên thủy ta phải đọc được chữ Sanscrit, muốn hiểu tư tưởng Nho- Phật- Đạo chúng ta cần phải biết chữ Hán. Không những thế Hán Nôm còn là công cụ ghi chép, phiên dịch của cả đạo Thiên chúa giáo. Mặc dù Thiên chúa giáo mới chỉ vào Việt Nam từ thế kỷ XVI- XVII, nhưng ngay lập tức, các giáo sĩ phương Tây đã phải học chữ Nôm học tiếng Việt và chuyển dịch các văn bản kinh Thiên chúa sang tiếng Việt. Chúng ta có thể kể đến các văn bản Majiorica thế kỷ XVII với 4000 ngàn trang kinh điển dịch sang chữ Nôm. Đây là một nguồn tư liệu hết sức phong phú để chúng ta nghiên cứu về giáo lý cũng như lịch sử truyền giáo của Thiên chúa và nước ta. Từ những nghiên cứu toàn diện về lịch sử tư tưởng, lịch sử triết học đó, chúng ta sẽ có những tư duy hợp lý để điều chính và đóng góp thêm những giá trị vững bền cho minh triết Việt Nam và những tư tưởng có giá trị cho công cuộc xây dựng đời sống tâm linh, đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của con người Việt Nam hiện đại, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh hơn, nhân văn hơn, nhân bản hơn.

Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về lịch sử địa lý, lịch sử cương vực của Việt Nam. Như chúng ta biết, lãnh thổ Việt Nam có được như ngày hôm nay là phải trải qua 4000 năm dựng nước, giữ nước. Quá trình dựng nước không chỉ gói hẹp trong việc thành lập các chế độ nhà nước, mà còn bao hàm cả việc các nhà nước dần dần tiến hành mở rộng lãnh thổ và xác lập chủ quyền trên những vùng đất mới: “từ thuở mang gươm đi mở nước, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Những quá trình mở nước, cắm mốc chủ quyền đó đều được ghi chép lại trong các thư tịch Hán Nôm. Vì thế, Hán Nôm học góp phần xây dựng một bộ môn khoa học chuyên sâu, đó là “địa lý học lịch sử”- diễn đạt phổ thông ta gọi đó là “lịch sử hình thành lãnh thổ đất nước”.

Chính những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này sẽ góp phần quan trọng vào quá trình xác lập chủ quyền và giữ vững lãnh thổ. Như những năm vừa qua, tình hình biển Đông và các vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa luôn là những điểm nóng của đất nước. Lúc này các nhà Hán Nôm học cùng với các nhà sử học, luật học… cùng phải chung lưng đấu cật trên từng con chữ, trên từng văn bản, trên từng bản đồ để chứng minh về tính pháp lý, và chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo này. Đó là những đóng góp thiết thực và có ý nghĩa quan trọng của chuyên ngành hẹp đối với đất nước.

Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về lịch sử văn học. Việt Nam trước nay vẫn được biết đến là đất nước của thơ ca. Từ những câu ca dao, hò, vè thân thuộc từ thuở nằm nôi, ngoài việc “truyền khẩu” qua lời ru của mẹ, còn có sự truyền bản của các văn bản Hán Nôm. Truyền khẩu có chức năng như là truyền cảm xúc, truyền yêu thương; còn truyền bản bằng chữ Hán chữ Nôm thì văn tự đã tồn tại như một mã gen văn hóa có khả năng truyền qua nhiều thế hệ, truyền xuyên thời gian. Rất nhiều mảng của văn học dân gian đều được mã hóa qua các văn bản Hán Nôm.

Chúng ta đều biết công trình Truyện cổ tích Việt Nam của nguyên viện trưởng Viện NC Hán Nôm- GS Nguyễn Đổng Chi được coi như là cuốn sách làm nên tuổi thơ của bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Chúng ta cũng biết đến công trình Ca dao Việt Nam của Giáo sư Vũ Ngọc Phan. Cả hai công trình này ngoài việc sưu tầm dân gian, còn dựa trên rất nhiều văn bản chữ Nôm hiện còn lưu trữ được. Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt các tác phẩm văn học khác như Tổng tập văn học Việt Nam (42 tập) trong đó phần lớn là các văn học Việt Nam cổ trung đại do hàng loạt các thế hệ Hán học biên soạn, dịch chú. Hàng trăm cuốn sách chuyên luận, các bản dịch thơ văn của các nhà Hán học, Nôm học đã xuất bản trong vòng vài chục năm qua là những đóng góp to lớn của ngành Hán Nôm đối với nền văn học cổ điển nước nhà. Hiểu rõ hơn nền văn học của cha ông chúng ta đó là một yếu tố quan trọng để làm nên diện mạo và bản sắc của văn học Việt Nam hiện nay. 

Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Việt Nam còn được biết đến với lịch sử văn hiến lâu đời. Chữ “văn hiến” là một khái niệm gồm hai yếu tố “văn” và “hiến”. Trong đó, “văn” là “văn tự, văn chương, văn tịch, văn bản”, “hiến” là “con người hiền tài” là “nguyên khí quốc gia”. Trong bản thân khái niệm “văn hiến” đã bao gồm cả khía cạnh các yếu tố văn vật của một nền văn hóa và chủ thể của nền văn hóa đó. Khái niệm “văn hiến” còn bao quát luôn cả khái niệm “nguồn nhân lực” theo quan điểm của khoa học hiện đại. Nghiên cứu Hán Nôm học là nghiên cứu về các văn bản có ghi chép về mọi đời sống văn hóa của con người Việt Nam xưa. Văn hóa làng xã được phản ánh trong hàng ngàn khoán ước, hương ước. Văn hóa gia đình được lưu trữ trong các gia phả, tộc giả. Văn hóa tôn giáo được ghi chép các bộ sách nghi quỹ của Phật giáo, lễ nghi của Nho giáo, sách cầu cùng bùa chú của Đạo giáo… Không chỉ cung cấp nguồn tư liệu về dân tộc Kinh, Hán Nôm học còn nghiên cứu về lịch sử văn hóa của các dan tộc thiểu số Việt Nam, như Mường, Mông, Tày, Nùng,…

Các dân tộc này trong thời gian dài cũng đã sử dụng chữ Hán để ghi chép lại đời sống văn hóa của mình. Nghiên cứu Hán Nôm học như vậy đã mở rộng biên độ và đối tượng của mình để tiếp cận cả đến dân tộc học lịch sử- và lịch sử văn hóa dân tộc- hai ngành khoa học mà cho đến nay vẫn còn đang hứa hẹn. Từ những nghiên cứu ấy, Hán Nôm học sẽ góp phần giúp các dân tộc hiểu nhau hơn, xích gần lại nhau hơn, và quan trọng nhất củng cố sức mạnh đoàn kết các dân tộc anh em.

Hán Nôm học còn là ngành nghiên cứu về ngôn ngữ, về lịch sử tiếng Việt. Theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và nhiều nhà ngữ học hàng đầu hiện nay, tiếng Việt có một lịch sử 12 thế kỷ. Để nghiên cứu được lịch sử của tiếng Việt và những đóng góp của nó cho văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể nào bỏ qua một bộ phận quan trọng đó là các văn bản chữ Nôm dùng để ghi tiếng Việt từ thời Lý Trần cho đến nay. Như ta biết, tiếng Việt đã được dùng để dịch thuật kinh Phật từ thế kỷ XII, và trong suốt gần một ngàn năm, tiếng Việt luôn là ngôn ngữ của triết học, được dùng để dịch cả Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo. Tiếng Việt còn được dùng để sáng tác văn học, từ các bài phú Nôm của các hoàng đế và thiền sư đời Trần, cho đến thơ Nôm Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du… Đó là những bước phát triển quan trọng của tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ văn chương.

Để có được một kiến thức cơ bản như vậy về lịch sử tiếng Việt, chúng ta cũng phải kể đến công sức của nhiều thế hệ các nhà Hán Nôm học- Việt ngữ học nổi tiếng như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Ngọc San… Nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, làm rõ những đặc điểm của tiếng Việt qua từng giai đoạn phát triển của nó, đó chính là những đóng góp to lớn của ngành Hán Nôm học cho sự giàu đẹp của tiếng Việt. Tiếng Việt có khả năng hòa nhập với thế giới, tiếng Việt có khả năng diễn đạt được ngôn ngữ của triết học, của văn chương, của khoa học hay không, đó đều từ sự nhận thức của người Việt Nam về ngọn nguồn lịch sử của nó.

Hán Nôm học còn là ngành khoa học nghiên cứu về lịch sử của các ngành khoa học. Như ta biết, Hán và Nôm là hai văn tự chính để ghi chép lại toàn bộ đời sống xã hội của con người Việt Nam xưa. Vì thế, Hán Nôm học về bản chất chính là Việt Nam học. Ngành khoa học này nghiên cứu mọi khía cạnh của đời sống của người Việt trong lịch sử. Chúng ta muốn biết nông nghiệp Việt Nam thời cổ ra sao, cây trồng, vật nuôi thế nào, chúng ta đều phải khai thác qua các nguồn tư liệu Hán Nôm. Muốn biết người Việt Nam xưa đã biết dùng các phép toán gì, chúng ta buộc phải nghiên cứu về lịch sử toán học Việt Nam qua các tư liệu Hán Nôm còn lại. Rồi rất nhiều các ngành khác như kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật, đê điều, giao thông, y học, dược học, thú y, nông học, lịch pháp, chiêm tinh học, nhân tướng học, địa lý học, ngoại thương, ngoại giao, thương mại, khai khoáng, ứng xử tự nhiên… mọi lĩnh vực đời sống đều có thể nghiên cứu qua các tư liệu Hán Nôm. 

Những nghiên cứu ấy sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mọi khía cạnh của đời sống tinh thần, đời sống vật chất của con người Việt Nam xưa. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thấy được sẽ phải tiếp tục làm gì để kế thừa và phát huy nền khoa học, nền văn hóa cổ truyền mà cha ông ta đã dày công vun đắp. Những hiểu biết về quá khứ dân tộc sẽ giúp chúng ta biết được con đường phải đi trong tương lai. Hán Nôm học với tư cách một khoa học xã hội- nhân văn, một khoa học đa ngành, liên ngành cùng với những ngành khoa học khác sẽ góp phần tạo dựng nên những yếu tố mới, những yếu tố tiên tiến đủ để hòa nhập với thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa, nhưng những yếu tố ấy luôn có độ đằm của quá khứ, của lịch sử của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trần Trọng Dương

THỨ NĂM, NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 2012