Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Liệt Huyện Đăng Khoa Bị Khảo 列县登科备考


15. Liệt Huyện Đăng Khoa Bị Khảo 列县登科备考
Tác giả PHAN HUY ÔN (1755-1786)
5 tập. Ký hiệu A. 485
Nội dung: Theo Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí, loại truyện ký), gồm 6 quyển, tác giả là Phan Huy Ôn, chép Lược truyện các vị đậu tiến sĩ xếp theo từng huyện, từng phủ, từng xã và theo Thứ tự khoa thi trước sau. Dưới mỗi tỉnh, kê rõ tổng số người thi đậu, đậu trúng gì, bao nhiêu vị, vị, đời nào bao nhiêu vị. Đến mỗi huyện cũng lại kể rõ về trong huyện ấy cũng như ở các tỉnh. Về mỗi vị thi đậu, ghi qua tiểu truyện : họ, tên, quê quán, tuổi, năm thi đậu, lí lịch làm quan, gia thế sự nghiệp văn chương và mất năm nào. v.v … Trong sách này, tác giả có khảo cứu, truyện chép tuy sơ lược, nhưng tương đối đầy đủ hơn các sách Đăng khoa lục khác. Sách chưa được in, chỉ có bản chép tay, mà bản chép tay thì tam sao thất bản, mỗi bản một khác và cũng hiếm. Thư viện Khoa học trung ương có nhiều bản chép khác nhau, trước khi đoán định giá trị từng bản, xin lược biên như sau, theo thứ tự Ký hiệu của nó.
Các bản khác nhau:
1-     A. 485. Hiện nav có 5 tập:
Tập I, gồm có 108 tờ (Khổ giấy 24x 14), tờ 8 dòng, dòng 20-25 chữ. Ở trên đầu sách đề tên: Thiên nam Lịch Triều liệt huyện đăng khoa bị khảo.
Tác giả: tiền Tiến sĩ Thiên lộc,  Chỉ am, Phan Hòa Phủ biên tập (người biên tập là Phan Hòa Phủ, đậu tiến sĩ triều trước (Lê), hiệu là Chỉ- am, người huyện Thiên lộc (nay là Can-Lộc) tức Phan Huy Ôn), thứ đến Hậu học, Lễ trai Phan Huy Sảng (Thanh Phủ) tuân đính (người sắp xếp lại là Phan Huy Sảng, hiệu Lễ trai). Tập 1 chép về các xứ sau đây
1.     Hải dương: tổng kê 572 vị, trong đó có trạng nguyên 11, bảng nhỡn 10, thám hoa 20, hoàng giáp 105, đồng tiến sĩ 373, thái học sinh 2, thí trúng 4, đăng đệ 2. Cac triều Lý 2, Trần 13, Lê (Tiền) 276, Lê trung hưng 131, Nhuận Mạc 150.
2.     Thái nguyên: tổng kê 11 vị, trong đó Hoàng giáp 3, đồng tiến sĩ 7, minh kinh 1.
3.     Tuyên quang: tổng kê 2 vị, trong đó có Hoàng giáp 1, đồng Tiến sĩ 1; đều trước Lê trung hưng.
4.     Hưng hóa: tổng kê 1 vị đồng tiến sĩ triều Mạc.
5.     Thuận Hóa: tổng kê 5 vị, trong đó Hoàng giáp 1, đồng Tiến sĩ 3, chế khoa 1. Các triều: Lê (tiền) 1, Lê trung hưng 2, Mạc 2.
6.     An quảng: tổng kê 1, đồng Tiến sĩ triều Lê (tiền).
7.     Phụng Thiên (chỉ ghi những vị sinh ở Phụng Thiên, còn các vị Tạm trú đều xếp về nguyên quán): tổng kê 36 vị, trong đó có Trạng nguyên 1, bảng nhỡn 1, hoàng giáp 6, đồng tiến sĩ 28. Các triều: Lê (tiền) 14, Lê trung hưng 13, Mạc 9.
Tập II, gồm 108 tờ (khuôn khổ như giấy tập 1). Trên đầu sách đề tên: Thiên Nam lịch triều đăng khoa bị khảo, thu tập thượng.
Tác giả: tiền Tiến sĩ Thiên lộc,  Chỉ am, Phan Huy Ôn, Hòa Phủ biên tập. Hậu học, v.v … như tập I.
Sơn Tây: Tổng kê 281 vị, trong đó Trạng nguyên 1, bảng nhỡn 6, thám hoa 4, hoàng giáp 65, đồng tiến sĩ 200, thái học sinh 2, minh kinh 1, chế khoa 2. Kể các triều: Trần 2, Nhuận Hồ 1, Lê (tiền) 128, Lê trung hưng 91, Mạc 55.
Tập III. Gồm 2 tiểu tập: tiểu tập a có 52 tờ (khổ giấy 24x17), tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 19 chữ. Trên đầu sách đề tên: Thiên Nam lịch triều đăng khoa bị khảo, thu tập trung.
Tác giả: như tập II.
Hậu học, v.v …
Nghệ An: tổng kê 145 vị, trong đó Trạng nguyên 2, Bảng nhỡn 2, thám hoa 3, Hoàng giáp 32, đồng tiến sĩ 94, chế khoa 11, đăng đệ 1. Các triều: Trần 3, Lê (tiền) 51, Lê trung hưng 87, Mạc 4.
Sau Nghệ An đến tiểu tập b, Thanh Hoa bắt đầu bằng: Thiên nam … thu tập hạ, 57 tờ, cộng cả 2 tiểu tập thì tập III gồm 109 tờ (52 + 57)
Thanh hoa: tổng kê 187 vị, trong đó Trạng nguyên 2, Bảng nhỡn 7, Thám hoa 5, hoàng giáp 33, đồng Tiến sĩ 113, chế khoa 11,  Thái học sinh 2, thí trúng 3, Hội thí hợp cách 11. Kể các triều: Trần 8, Nhuận Hồ 4, Lê (tiền) 4, Lê trung hưng 113, Mạc 7.
Tập IV. Gồm 102 tờ (khổ giấy 24x17), tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 19 chữ.
Đầu sách đề tên: Thiên Nam lịch triều đăng khoa bị khảo. Tác giả: như tập 1.
Sơn Nam: tổng kê 483 vị (Sơn Nam thượng 349, Sơn Nam hạ 134) trong đó Trạng nguyên 13, hoàng giáp 95, đồng tiến sĩ 333, chế khoa 4, Thái học sinh 6, minh kinh 3, hoành từ 3, thí trúng 2, hội thí trúng cách 1. Các triều: Lý 1, Trần 11, Nhuận Hồ 3, Lê (tiền)226, Lê trung hưng 157, Mạc 85.
Tập V. Gồm 131 tờ (khổ giấy 24x 14) tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 21 chữ. Đầu sách đề Thiên nam … bị khảo. Tác giả: như tập III.
Kinh Bắc: tổng kê 593 vị, trong đó có trạng nguyên 15, Bảng nhỡn 8, Thám hoa 23, Hoàng giáp 129, đồng tiến sĩ 409, Thái học sinh 4, Minh kinh 2, Hoành từ 1, Thí trúng 1, chế khoa 1. Các triều: Lý: minh kinh 1, Trần: Thám hoa Thái học 4, Nhuận Hồ: Thái học sinh 2, Lê(tiền) 243, Lê trung hưng 173, Mạc 170.
2-     A.1335. Có 1 tập, gồm 123 tờ, ghi 4 quyển: 3,4,5,6 về 4 xứ: Nghệ An 19 tờ, Thanh hoa 22 tờ, Sơn Nam 55 tờ, Sơn Tây 27 tờ. Sách khổ giấy bản cũ (29x17), chữ viết lối cổ rách nát, đã bồi lại, đóng gộp làm 1 cuốn. Đầu sách đề: Thiên nam Lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo, quyển chi tam.
Quyển 3: Tên tác giả như sách trên, chỉ có chữ Chỉ trai viết là Chính Trai.
Nghệ An: tổng kê 145 vị, trong đó có Trạng nguyên 2, Bảng nhỡn 2, Thám hoa 3, Hoàng giáp 32, đồng tiến sĩ 94, Chế khoa 11, đăng đệ 1. Các triều: Trần 3, Lê (tiền) 51, Lê trung hưng 87, Mạc 4.
Quyển 4: Tên sách và tác giả như trên, dưới dòng người biên tập có chua: Phan Hòa Phủ, tên viết chữ[1] là Huy Ôn, người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (Cảnh hưng, 1779).
Thanh hoa: tổng kê 177 vị, trong đó có Trạng nguyên 2, Bảng nhỡn 7, thám hoa 5, hoàng giáp 33, đồng tiến sĩ 113, chế khoa 11, thái học sinh 2, thí trúng 3, hội thí hợp cách 1. Các triều: Trần 8, Nhuận Hồ 1, Lê (tiền) 48, Lê trung hưng 113, Mạc 7.
Quyển 5: Tên sách và tác giả như các tập khác.
Sơn Nam: Tổng kê 483 (Sơn nam thượng lộ 349, Sơn Nam hạ lộ 134), trong đó có Trạng nguyên 13, Bảng nhỡn 10, Thám hoa 13, hoàng giáp 95, đồng tiến sĩ 333, chế khoa 4, Thái học sinh 6,, minh kinh 3, hoành từ 3, Thí trúng 2, hội thí trúng cách 1. Các triều: Lý 1, Trần 11, Nhuận Hồ 3, Lê (tiền) 226, Lê trung hưng 157, Mạc 85.
Quyển 6: Tên sách và tác giả như các tập khác.
Sơn Tây: tổng kê 282, trong đó có Trạng nguyên 1, bảng nhỡn 6, thám hoa 4, hoàng giáp 65, đồng tiến sĩ 200, Thái học sinh 2, minh kinh 2, chế khoa 2. Các triều: Trần 1, Nhuận Hồ 1, Lê (tiền) 128, Lê trung hưng 97, Mạc 55.
Sách chép sau đời Minh Mạng, trong sách nhiều đoạn chép việc về thời Gia Long, như truyện Lê Huy Trâm, nói “Gia Long sơ ứng triệu”(hồi đầu Gia long, lại ra làm quan), v.v… (tờ 18). Tờ 12 có ghi Tân tục, mới chép thêm tên các cụ Nguyễn Ý, … Lê Tông Quang đậu Tiến sĩ về năm Minh Mạng thứ 3 (1822)
3-     VHV.1299- Liệt huyện đăng khoa lục (Thanh –Nghệ). Sách không đánh số trang, đếm được 45 tờ (Thanh 25 + Nghệ 20), tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 26 chữ (khổ giấy 25x14). Đầu sách cũng có đề như các số A.1335, A.485 trên đây: Thiên Nam liệt triều lịch đại đăng khoa bị khảo, quyển chi … Tác giả  cũng thế, thứ đến Thanh Hoa xứ, rồi chua giống như sách Nghệ tĩnh tạp ký giả mạo (A.93, xem sau đây), sách rách đầu, rách đuôi, chỉ 3 trang đầu, chữ viết còn khá, sau đó viết xấu lắm. Tổng số Thanh Hoa có 176 vị v.v… số thi đậu về các triều cũng sa sẩn bản khác. Sách sao chép lại, sai lầm nhiều, so với các bản khác không có giá trị lắm.
4-     VHV.1289 . Sơn Tây đăng khoa lục. Sách ghi số 71 tờ, chỉ có từ tờ 13 trở đi; khổ giấy 27x17, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 19 chữ, chữ viết khá và cẩn thận. Đầu sách đề Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo. Thứ đến tên tác giả thì cũng giống như các bản khác nói trên, thứ nữa đến Sơn tây: tổng kê 282 vị, trong đó có trạng nguyên 1, bảng nhỡn 6, thám hoa 4, hoàng giáp 65, đồng tiến sỹ 200, Thái học sinh 2, Minh kinh 2, chế khoa 2. Các triều: Trần 1, Nhuận Hồ 1, Lê (tiền) 128, Mạc 55, Lê trung hưng 97(chỗ này thứ tự trước sau hơi khác các bản nói trên), nhưng trong sách cũng lại để Mạc sau cùng. Sách không có giá trị đặc biệt.
Tóm lai, sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo là sách có giá trị. Mặc dầu tác giả trích dùng nhiều tài liệu trong Công Dư tiệp ký, ta vẫn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo chắc chắn vừa về văn học, vừa về sử học, nhất là về Lịch sử ngoại giao của Việt nam. Vì rằng tác giả thường chú trọng đến các cuộc đi sứ ra ngoài của các cụ Nghè; nên tất cả các sự việc của các cụ có liên quan đến việc sang sứ nhà Thanh, hay đi sang các nước khác, đều được ghi rõ trong Tiểu truyện của từng vị.
Bản có giá trị, có thể tin được, vẫn là bản A.485 nói trên. Còn các bản khác, tuy không đủ, không có giá trị đặc biệt gì, nhưng đối với 1 bộ sách chỉ còn có bản sao chép tay thì nó vẫn có ích cho sự khảo cứu, và so sánh để tìm ra những chỗ sai lầm của người chép sách.




[1] Chữ “tự” đây là theo nghĩa Hán Việt “tên viết chữ là” tức là tên chính, trái lại với tên tục, tên gọi thường. Nó không có nghĩa như nghĩa các chữ “tự”, “hiệu”, v.v … trong văn Trung quốc cổ cũng như kim.

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

ĐẠI VIỆT LỊCH TRIỀU ĐĂNG KHOA LỤC 大越厉朝登科录

14.  ĐẠI VIỆT LỊCH TRIỀU ĐĂNG KHOA LỤC 大越厉朝登科录
Tác giả NGUYỄN HOÃN(1713-1791) 
3 quyển,  trong đó quyển nhất có ghi quyển thủ,  cộng 220 tờ(68+ 63+ 89),  khổ giấy 27 x 16,  tờ 8 dòng,  dòng 20 chữ đóng thành một quyển.  Sách viết,  có vẻ phóng ở một bản in cũ.  Ký hiệu A.379. Các bản in ký hiệu A.  1587. 
Nội dung:  Trước tiên có bài tựa Tục đăng khoa lục,  viết năm Cảnh-hưng kỷ hợi thứ 40(1779),  không thấy ghi riêng tên tác giả.  Liền sau niên hiệu ấy,  chỉ thấy biên chung:  … Nguyễn Hoãn hiệu chính … Vũ Miên(Liên-khê)... Uông Sĩ Lãng cùng biên tập và tên năm ngườ coi khắc ván...  Đầu trang đầu là tờ 4 có ghi: “Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục,  quyển chi nhất”,  rồi đến Quốc tử giám tàng bản(Mới khắc sách Đại Việt  … Bản in chứa tại Quốc tử giám).  Về mỗi khoa thi,  có ghi niên hiệu,  số người trúng cử; về mỗi người,  có ghi họ,  tên,  quê quán, gia thế,  chức nghiệp và các tác phẩm. Chỉ hiềm không thật đủ, vì chưa sưu tầm nghiên cứu được kỹ.  Riêng về Quyển thủ(14 tờ đầu quyển nhất),  dành cho các khoa thi đời Lý,  Trần.  Tờ 1 bắt đầu từ Lý Nhân-  tông,  khoa ất mão,  năm Thái ninh thứ 4(1075),  đến khoa ất tỵ, năm Trinh phù thứ 10(1185), đời Lý nhân tông (1185).
Tờ 5: Khoa nhâm thìn,  năm Kiến-trung thứ 8 đời Trần Thái-tông(1232),  đến khoa qúy dậu, năm Quang thái thứ 6(1393)  đời Trần Thuận-đế,  gồm 10 khoa. 
Tờ 10:  Phụ Hồ Qúy Ly khoa canh thìn,  năm Thánh-  nguyên năm đầu(1400),  đến Hồ Hán Thương,  khoa đầu,  năm Khai-đại thứ 3(1105),  gồm 2 khoa.  Biệt lục: Lý 1 khoa,  Trần 1 khoa. Bổ di(không đề khoa),  ghi ra ten 10 vị về đời Lý và đời Trần,  như Lý Dụng Quang,  Chu An,  Phan Phu Tiên.  v.v... 
Quyển I,  tờ 15-68: Từ khoa bính ngọ đời Lê Thái-  tổ(1426)  đến khoa nhâm tuất,  niên hiệu Cảnh-thống thứ 5(1502),  gồm 23 khoa.
Quyen II,  tờ 1-63:  Từ khoa ất sửu,  năm Đoan  khánh thứ nhất,  đời Lê Uy-mục đế(1505),  đến khoa nhâm thìn, niên hiệu Quang hưng thứ 15 (1592), gồm 37 khoa. Trong 37 khoa nay, trừ 10 khoa trước khoa kỷ Sửu, niên hiệu Minh-đức thứ 3 (1529 của Mạc Đăng Dung mở thi, có  22 khoa của triều Mạc, chỉ xen kẽ 7 khoa của triều Lê.
Quyển III, tờ 1 - 69 Từ khoa ất mùi, năm Quang hưng thứ 18 (1595), đến khoa đinh mùi, năm Chiêu- thống năm đầu (1787), gồm 67 khoa.
Riêng q. III, tờ 70-71: Đăng khoa lục hợp biên dẫn (bài dẫn sách Đăng khoa lục hợp biên) cua Lê Nguyên Trung[1], tự Chỉ-trai, viết năm Thiệu-trị thứ 3 (1843).
 Tờ 72- 81: Từ khoa nhâm tý năm Minh Mệnh thứ 3 ( 1822) đến khoa giáp thìn, năm Thiệu trị thứ 4 (1844), gồm 10 khoa.
Tờ 82: Tục khắc Đăng khoa hợp biên Tựa (Bài Tựa về khắc thêm sách Đăng khoa hợp biên) của Lê Đình Diên[2], hiệu Cúc-hiên, viết năm nhâm tuất, Tự-Đức thứ 15 (1862), có tên các người giám khắc: Nguyễn Môn, Vũ Văn Hòa
Tờ 83-93: Từ khoa Đinh mùi, năm Thiệu-trị Thứ 7 (1847) đến khoa nhâm tuất, năm Tự đức Thứ 15 (1862), gồm 8 khoa.
Theo các bài Tựa, cac danh từ ghi trên sách, bộ Đăng khoa lục này đã được khắc ván in từ thời Cảnh Hưng   và tục khắc đời Thiệu-Trị, Tự -đức, nhưng Bản này ta hiện có ở  Thư viện Khoa hoc là bản viết tay và có vẻ phóng ở 1 bản in cũ. Sách này đã tập hợp đầy đủ danh sách các vị tiến sĩ nước ta, từ đời Lý, Trần đến hết triều Lê. Còn từ triều Nguyễn thì chưa đủ. Nếu ta chỉ lấy đến hết triều Lê và phụ thêm danh sách các tiến sĩ triều Nguyễn, trong sách Quốc triều khoa bảng lục, cảa Cao Xuân Dục, thì ta sẽ có một danh sách tổng kết đầy đủ các khoa thi tiến sĩ, các người thi đậu tiến sĩ từ đầu đến cuối, khóa hẳn quyển sổ khoa cử ở nước ta. (Xem thêm Bảng phụ lục sau, về sách Khoa lục của họ Cao).
Mặc dầu bản này là Bản viết tay, phóng ở bản in cũ không khác gì bản in, tuy có nhiều chỗ sai lầm, nó vẫn có bổ ích, cho ta biết rõ các khoa thi tiến sĩ, họ tên, quê quán, sự nghiệp, sách vở, v.v …  của từng người, từ Lý, Trần đến mãi đầu đời Nguyễn.




[1] Lê Nguyên Trung tự Chỉ trai, người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, Nghệ An, đậu Cử nhân khoa Quý dậu, năm Gia Long thứ 12 (1813) (Quốc triều hương khoa lục, q.1, tờ 32a). Khi đậu Cử nhân tên là Nguyễn Huệ, sau đổi là Trung, làm quan đến Bình-Phú tổng đốc, là người bình sinh thích sách, thích học, có đức vọng đối với nhân dân.
[2] Lê Đình Diên, hiệu Cúc Hiên, đậu Tiến sĩ khoa Kỷ dậu, năm Tự Đức thứ 2 (1849) (Quốc triều đăng khoa lục,q.2, tờ 3)

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký

Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I: CÁC SÁCH THAM KHẢO. II- ĐĂNG KHOA LỤC/ Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký
13. Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký黎朝厉科进士题名碑记
http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=461
Tác giả: Lê Cao Lãng
4 quyển, chép tay, giấy bản dó (khổ giấy 28x 16), cộng 290 tờ (60+78+88+64), tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 22 chữ, đóng thành 2 tập. Trong sách không có tựa bạt, mục lục; đầu sách đề: “Nguyên Tri phủ Hoài Đức, người Cổ Đằng, Nỗ Giang Cao Viên trai biên tập”. Ký hiệu: A.109
Tên sách và nội dung:
Cả bốn quyển đều đề tên sách như trên đây, duy dòng đầu tờ 1, quyển nhất, đề: “Ngã Việt Hoàng Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi văn”, rồi đến người biên tập như trên. Dòng đầu tờ 2, quyển 2 đề: “Thanh Hóa tỉnh cương, giới phân hợp danh hiệu diên cách tịnh sơn xuyên cảnh thắng tập ký”. Thứ đến: “Nguyên Hoài Đức tri phủ Cổ đằng, Nỗ giang Cao Viên trai biên tập. Thân tử, Tú tài Cao Trí tục đính”.
Đối với tên sách ghi trên trang đây, chỉ có 1 tờ ngờ là chép lẫn. Dù sao, sự chép lẫn ấy cho ta biết thêm có bộ sách của Tác giả nói về Thanh Hóa mà ta chưa thấy.
Sách Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký là 1 bộ sách biên chép gần toàn bộ các Văn bia ở Văn Miếu Hà Nội, ghi lại tên các vị Tiến sĩ triều Lê. Trong mỗi bài văn bia này, trước hết là tài liệu nói về chế độ giáo dục của đời ấy; thứ đến là tài liệu về lịch sử lập bia tiến sĩ ở Văn miếu và danh sách các vị đậu Tiến sĩ.
Quyển 1. Từ khoa Đại bảo Nhâm tuất là năm Đại Bảo thứ 3 đời Lê Thái Tông (1442), đến khoa Minh Đức Kỷ sửu là năm Minh Đức thứ 3 triều Mạc (1529), gồm 14 khoa thi, số người thi đậu là 561 vị .
Quyển 2. Từ khoa Thuận bình Giáp dần đời Lê (trung hưng), vua Trung tông năm Thuận bình thứ 6 (1554), đến khoa Đức long Tân mùi, đời Lê Thần Tông, năm Đức Long thứ 3 (1631), gồm 19 khoa thi, số người thi đậu là 133 vị.
Quyển thứ 3. Từ khoa Dương hòa Đinh sửu, năm Dương Hòa thứ 3 (1637), đến khoa Chính hòa Quý Mùi, năm Chính Hòa thứ 24 (1703), gồm 23 khoa thi, số người thi đậu là 323 vị.
Quyển 4. Từ khoa Vịnh thịnh bính tuất, năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706), đến khoa Cảnh Hưng kỷ hợi, năm Cảnh Hưng 40(1779), gồm 26 khoa, số người thi đậu là 306 vị.
Bảng tổng hợp Tiến sĩ triều Lê theo bia Văn miếu:
Sách Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký tuy chỉ là 1 tập sách biên chép các bài văn bia ở Văn Miếu Hà Nội, trong khi  chép có sai lầm, như : “… Dĩnh Thành hầu Lê quý Đôn” (q.4, tờ 58) lại chép lầm là “Dĩnh trần hầu, v.v …”, nhưng nó đã giúp ta có được trên tay danh sách các cụ Nghè triều Lê của 82 khoa thi, gần 1323 cụ, từ năm 1442 đến 1779. Mặc dầu còn thiếu khoa cuối cùng triều Lê và các khoa thi do triều Mạc tổ chức, đó là 1 tập Khoa lục chép từ bia đá dựng từ thời đó còn lại.
Ngoài ra, thư viện khoa học còn có 1 bộ sách khác cũng chép văn bia Tiến sĩ ở Văn miếu Hà nội, nhưng không có tác dụng gì lắm. Sách ấy đại lược như sau:
Đăng khoa bi ký, 1 bản chép tay, giấy bản dó (khổ giấy 30x18) có đánh số trang 57 tờ, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 22 chữ. Trong sách không có tựa bạt, không đề người biên soạn, có 1 số tờ mục lục. Ký hiệu A.2105.
Nội dung:
Dòng chữ hàng đầu mục lục đề: “Đăng Khoa bi ký mục lục, quyển chi nhất”(cai nhị thập tứ khoa)/ Văn bia thi đậu, mục lục quyển thứ 1 (gồm 24 khoa). Dòng đầu trang thứ nhất cũng đề: “Đăng khoa bi ký, quyển chi nhất”. Nhưng nếu nhìn kỹ ta thấy rõ chữ Nhất đây vốn là chữ Nhị bị cấu đi nét trên
Mục lục ghi rõ các khoa từ Nhâm dần khoa tiến sĩ đề danh ký. Khoa Nhâm dần nàz tức là khoa thi năm Hoằng định thứ 3 (1602), đến khoa Quý mùi tức là khoa Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763). Sách này sao chép cẩn thận, chữ viết lối thảo cổ kính mà tốt, có vẻ là lối thảo triều Lê, ghi chép những bài văn đề danh của từng khoa, không có danh sách những người thi đậu tiến sĩ.
Theo những hiện tượng đó, ta thấy rõ sách này là 1 bộ sách tàn khuyết, chỉ có quyển nhị, người bán sách cũ đã cấu mất một nét đi để lừa người mua. Sách chỉ chép bắt đầu từ năm 1602 và dừng ở khoa Cảnh hưng thứ 24 (1763), không phù hợp với thực tại các bia văn miếu có từ Đại bảo nhâm tuất (1442) đến mãi Cảnh hưng Kỷ hợi (1779). Điều này chứng minh rõ có sự giả mạo. Chỉ còn chữ sao chép tốt, và nó dừng ở năm 1763, ta có thể đoán định nó là 1 bản chép từ thời Lê, sau năm 1763, cho nên thiếu các khoa sau đó.
Sách này ngoài giá trị giữ lại lối chữ, lối chép sách của ta từ Thế kỷ thứ 18, nó vừa thiếu về nội dung (chỉ có bài văn), vừa thiếu về hình thức (chỉ có quyển nhị, lại xóa bỏ 1 cách lừ dối), không có tác dụng gì cho sự nghiên cứu cả.

Đem sách này so với sách Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký của Lê cao Lãng thì sách của họ Lê tuy biên soạn sai, sao chép không cẩn thận lắm, nhưng đầy đủ hơn, có thể giúp ích nhiều hơn.

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Nhân vật chí 人物志

Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I CÁC SÁCH THAM KHẢO I- SỬ CHÍ
12. Nhân vật chí 人物志
1 tập. Sách chép tay, không có tên tác giả, không có số quyển, 142 tờ, giấy lệnh hội(khổ 32x 22), đóng thành 1 tập, không có tựa bạt, mục lục. Ký hiệu A.573.
Nội dung:
Sách không có tựa, bạt, mục lục, không thể biết tác giả là ai. Sách chép chuyện 1 số danh nhân Việt nam, ghi tên sau đây, chép khá kỹ, nghiên cứu khá sâu rộng. Mỗi vị có chép gốc tích, quê quán, sự nghiệp, văn chương. Phẩm bình về văn có ghi 1 số thơ văn có tiếng của từng vị. Ngoài ra còn trích đăng 1 số văn hay có liên quan đến vị ấy, và đôi khi có lời phê bình của tác giả vô danh viết sách này.
Tên 1 số danh nhân có truyện trong sách:
Lý ông Trọng 1-2
Khương công Phụ 2 – 4
Nguyễn Nộn 4
Mạc Đĩnh Chi 4-9
Chu An 9-32
Trần Đăng Nguyên 32 -33
Lê tuấn Mậu 33 -34
Ngô Hoán 34 -35
Nguyễn Thái Bạt 35-36
Hoàng Tá Minh 36
Trương Phu Thuyết 36
Trần Khắc Chung 36 – 37
Hàn Thuyên 37
Đặng Công Chất 37
Trần Văn Trứ 37-38
Nguyễn Xí 38-42
Nguyễn Cảnh Huy 42-48
Phùng Khắc Khoan 48-59
Phạm Đình Trọng 59 – 41
Lê Phú Thứ 91 – 108
Lê quý Đôn 109 – 129
Phụ lục: Bảo triện Hoàng giáp Trần tiên sinh (Trần Danh Án), Huấn tử thiên; Hoài bão Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo) hành trạng, Truyện Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Quý Đức, Hoàng Danh Cần.

Sách này tốt, sách tuy không đề tên tác giả, nhưng xem kỹ ta nhận thấy sách Nhân Vật chí này biên soạn về đời Thiệu trị, Tự Đức (khoảng cuối thế kỷ thứ 19). Sách chép ghi cẩn thận, nhưng người sao chép học kém, nên nhiều chữ viết sai lầm.

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌


Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I CÁC SÁCH THAM KHẢO I- SỬ CHÍ/Lịch triều hiến chương loại chí.

11. Lịch triều hiến chương loại chí  歷朝憲章類誌
Tác giả: Phan huy Chú (1782-1840)
49 quyển, sách chép tay (chữ Hán), giấy Tây (giấy học sinh khổ 31x21), viết dòng ngang theo lối mới, từ trái sang phải, từ phía trái lên phía phải, tờ 2 trang, trang 16 dòng, dòng 13 chữ, đóng thành 4 tập lớn. Bản sách này có lẽ là 1 bản chép tay lại 1 bản chép tay nào, của Sử quán Huế, vào khoảng năm 1904. Bản này chữ viết tuy cũng lầm lẫn nhiều, nhưng tương đối khá, có thể dùng thường được. Ký hiệu: A. 50 và nhiều bản khác.
Nội dung:
Sách Lịch triều hiến chương loại chí, 1 bộ sử Việt nam, chép theo lối chí của các cổ sử Trung Quốc trong Nhị thập ngũ sử (Hán, Đường thư, nhất là Tống sử, v.v…)[1] và châm chước phương án sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, có lẽ tác giả họ Phan đã được đọc toàn bộ sử của họ Lê, mà nay chỉ còn là sách tàn khuyết, cho nên có nhiều thiên giống nhau, như Văn tịch chí và Nghệ văn chí. Sách gồm có 10 loại, tức 10 chí, phân phối trong 49 quyển như sau: 1. Dư địa chí (quyển 1-5); 2. Nhân vật chí (quyển 6 - 12); 3. Quan chức chí (quyển 13-19); 4. Lễ Nghi chí (quyển 20-25); 5. Khoa mục chí (quyển 26-28); 6. Quốc dụng chí (quyển 29-32); 7. Hình luật chí (quyển 33-38); 8 Binh chế chí (quyển 39-41); 9. Văn tịch chí (quyển 42-45); 10. Bang giao chí (quyển 46-49).
Năm 1959, Viện Sử học đã biên dịch toàn bộ Lịch triều hiến chương loại chí và đã xuất bản.
Lịch triều hiến chương loại chí là 1 bộ sử Việt Nam chép theo lối chí, cả sách có 10 chí, tức là 10 loại, tất cả sự việc lịch sử từ xưa cho đến hết thời Lê, đều được chép theo từng loại. Tác giả sách này tuy chép sách theo lối chí của các sử Trung quốc, nhưng không dập theo đúng hẳn 1 bộ sử một triều đại nào. Nó có sáng tạo tính của nó, theo đúng hoàn cảnh và điều kiện riêng của sử Việt Nam. Đó là đặc điểm của bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan huy Chú.




[1] Có người không hiểu thế nào là Sử và Sử Việt nam cổ đại, theo lời người Pháp, gọi là “Encyclopedie annamite”(B.E.F.E.O. t.XXXIV, tirage à part p.31) mà cũng quá tán tụng sách này, dịch ra là một bộ Bách khoa thì sai quá.

Nghệ An ký/ theo Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I CÁC SÁCH THAM KHẢO I- SỬ CHÍ/


Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I CÁC SÁCH THAM KHẢO I- SỬ CHÍ/

10- Nghệ An ký

Tác giả Bùi Dương Lịch
Hai quyển, đóng gộp làm một cuốn, cộng 237 tờ (95+ 142), tờ 9 dòng, dòng 20 chữ. Sách in Ván khắc gỗ. Sách hiện có thiếu hẳn trang đầu, không có tựa, bạt, chú dẫn gì cả, không rõ in và khắc năm nào. Đầu trang 1 không biên tên Bùi Dương Lịch mà chỉ ghi Tồn trai Bùi tiên sinh trứ. Ký hiệu AC. 607 và A. 2989.
Nội dung:
Sách Nghệ An ký, gồm 2 quyển, có hai phần: địa línhân vật, nhưng tác giả tách làm ba: thiên chí, địa chínhân chí.[1]
Quyển 1, dành riêng cho địa lý nhưng tác giả theo lối xưa, tách ra làm 2 mục:
1. Thiên chí nói về giới phận thiên văn của Đất Nghệ An. Mục này có hai tiểu mục: a. Thiên dã (giới phận theo thiên văn, vị trí các sao trên bầu trời Nghệ An); b. Thiên khí tức là khí hậu.
2. Địa chí tức là địa lý hình Thế, có 4 tiểu mục: a. Cương vực, lịch sử địa lý và duyên cách; b. Điều lý, ghi các mạch đất, nói về các vùng cao vùng thấp; c. Núi; d. Thủy: song, ngòi, hồ, Đầm, Khơi.
Quyển 2, dành riêng cho các truyện các nhân vật người Nghệ An, sách đề là nhân vật chí. Trước khi đi vào từng chuyện của từng người, mở đầu bằng tiểu mục khí chất, nói về tâm tính và thể chất con người ở địa phương thứ đến ngữ âm, văn chương, bản tính, khí phách con người Nghệ An nói chung. Vì kinh tế kém nên Xưa kia chỉ dành riêng Nghệ An làm kho người, chuyên dùng lâý nhân lực, còn thuế má theo 1 thể lệ riêng. Thứ đến sinh lý, theo nghĩa xưa là đời sống, nói về kinh tế địa phương. Thứ đến tiểu chuyện, bắt đầu có mục Cổ Đế, nói về các vị Đế Vương quật khởi ở địa phương, như Mai Thúc Loan. Sau đó đến các văn nhân có tên trong sử sách gồm 150 vị, các võ tướng có tên trong sử sách gồm 31 vị.
Trong 181 ấy, có nhiều vị có tác phẩm Còn truyền lại, như Hồ Thông Thốc, Dương chấp Trung, Hồ Sỹ Dương, Hồ Phi Tích, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sỹ Đống, Phan Huy Ích, Phạm Nguyễn Du, Phan Huy Ôn, Bùi Dương Lịch, v. v. … Điều đáng chú ý là trong và các vị ấy có cả tiểu truyện Bùi Dương Lịch là tác giả chính sách này.
Sách Nghệ An ký là một bộ sách Lịch sử Địa lý, nhưng phần quan trọng của nó là lịch sử cuối Lê sang triều Tây Sơn. Trong hầu hết các truyện các nhân vật, tác giả thường hay tả bối cảnh xã hội về thời xảy ra sự việc lịch sử có liên quan đến từng cá nhân, nhất là một số sự việc xảy ra khoảng mấy năm cuối Triều Lê và triều Tây Sơn. Thí dụ: trong truyện Lê Văn Trương, ông chép rõ việc vô Chiêu Thống từ khi chạy sang triều Thanh, bị chúng lừa dối, đến khi đưa quan tài về chôn ở Lăng Thạch Bàn (Thanh Hóa) Xem câu kết luận của ông trong chuyện này, ta thấy rõ ý muốn của ông thiên về lịch sử thời ông được sống. “… Khủng tục sử giả vô khảo, nhân tường thuật Chi(sợ người chép sử sau này không khảo vào đâu được, nên Nhân đây xin thuật rõ). Thí dụ thứ hai: Khi chép về núi Đại hải (q.1, tờ 47) trong mục địa chí, tác giả ghi rõ gốc tích Tây Sơn ở làng Thái Lão, vì có mồ mả tổ tiên triều Tây Sơn ở đấy, và lời Nguyễn Nhạc tự nói, ông tổ 4 đời mình di vào ở trại Tây Sơn, huyện Phù Ly, Phủ Quy Nhơn. Nhân đó tác giả ghi thêm một số sự việc về chế độ hành chính, pháp chế của triều Tây Sơn, v. v. … Vì vậy, sách này Thiên trọng về nhân trí: trong 237 tờ của toàn bộ, phần nhân chí chiếm tới 142 tờ.
Ngoài ra, về các việc Dĩ Vãng khác, tác giả theo lối viết sách xưa, viện dẫn nhiều sử sách cũ, đôi khi chép theo nguyên văn. Sách hay viện dẫn, nhiều nhất là các sách khoa lục, tức Đăng Khoa lục, và sử ký. Sử ký đây phần lớn trong Sử ký tục Biên, một bộ sách chưa được in, nên sách của ông lại có giá trị đặc biệt của nó.




[1][1][1] Theo quan niệm Tam tài (Thiên, Địa, Nhân) của Nho học (Từ nguyên, Tí tập, 13)

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Phủ Biên tạp Lục 抚 边 杂 录


Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I CÁC SÁCH THAM KHẢO I- SỬ CHÍ/


9. Phủ Biên tạp Lục 抚 边 杂 录

Tác giả Lê Quý Đôn (1726 -1784)

Sáu quyển, sách chép tay, giấy lĩnh hội, giấy dó. Khổ giấy 30x 22, cộng 344 tờ (75+ 33+ 94 +45+ 52 +35), tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 20 chữ, đóng thành 2 cuốn.  Ký hiệu: A.184.
Nội dung:
Đầu sách, có một bài Tựa của tác giả, viết ngày rằm tháng 8, năm Cảnh Hưng 37 (27-9-1776), ở Phú Xuân, trong khi làm Tham Thị, tham tán quân cơ hai đạo Thuận Hóa và Quảng Nam và làm hiệp trấn Phủ Hữu Thắng ở xứ Thuận Hóa. Cuối cùng, quyển 6, có bài bạt của Ngô Thời Sĩ (tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, người Tả Thanh oai) viết ngày mùng 1 tháng 10 năm Cảnh Hưng 38 (31-10-1777) … Trong bài bạt này có đoạn Nói tóm tắt về nội dung sách: “sách này chép về hai xứ (Thuận Hóa và Quảng Nam), ghi rõ: song, núi, Thành ấp, nghạch lính, Lệ Thuế má,  nhân tài, vật sản cùng là họ Nguyễn đời nọ nối đời kia, đầu đuôi thay đổi về việc đánh dẹp, đóng quân, rõ ràng dễ biết như nhìn ngón tay trên bàn tay” (thư nội sở tái, nhị xứ Sơn Xuyên, Thành ấp, binh Nghạch, thuế lệ, nhân tài, vật Sản dữ Nguyễn Thị truyền tập chinh thú diên cách chi bản mạt, lạn nhiên như chỉ như chưởng) …
Mục thứ:
Quyển 1- a. sự tích mở mang và khôi phục hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
b. Tên và số các phủ, huyện, tổng, xã, thôn, Phường, Trang, trại hai xứ đó.
Quyển 2 - Hình thế Sông, Núi, Các thành lũy, Trị sở, đường sá, bến, trạm hai xứ …
Quyển 3- a. số ngạch công điền, tư điền, điền trang, bãi nổi và tổng số thóc gạo Trưng Thu theo lệ cũ ở hai Xứ.
b. Các quan và viên chức các ty ở các trấn, Doanh hai xứ … và thể lệ thi cử cũ (chữ đây nghĩa là trước Cảnh Hưng thời các Chúa Nguyễn).
c. Số nghạch nhân đinh, tuyển lính, tổng số các hạng lính bị giản, bắt và đóng ở các đồn và lập trường võ theo thể lệ cũ.
Quyển 4- thuế lệ các tuần ty ở ngọn nguồn, hồ, đầm, chợ đò, thuế vàng, bạc đồng,  sắt và thể lệ chuyên chở.
Quyển 5 - nhân tài và thơ văn .
Quyển 6 - sản vật và phong tục.
Sách Phủ Biên tạp lục là một bộ địa phương chí về hai tỉnh Thuận Hóa và Quảng Nam, cuối thế kỷ thứ 18, tác giả đã có công tác ít lâu trong vùng ấy, nên sách viết minh bạch gọn gang: có phương pháp, có điều tra. Đối với tài liệu lịch sử Nói chung, nhất là tài liệu cụ thể về kinh tế, sách này có một giá trị quý giá. Chỉ hiềm Nó là sách chép tay, nên có nhiều lầm lẫn về chữ viết. Khi sử dụng cần So sánh các bản chép hiện có, nghiên cứu kỹ thì mới tránh được sai lầm. Sách này đã được dịch ra Việt Văn, do nhà xuất bản Khoa học xuất bản năm 1964, nhưng khi dùng cũng phải rất thận trọng.

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Trở lại truyền thống là một mệnh đề dối trá (Copy trên Facebook Sử Nguyễn)

Tôi vốn không am tường thư họa, cũng chưa đọc những sách mà Status này nêu ra, chỉ là giống hữu tình trong cái trường văn chương thôi. Đọc thì cũng không rõ ngọn nghành ý tưởng, cả của người được phỏng vấn trong bài lẫn của người dịch nữa. Nhưng cái tiêu đề Trở lại truyền thống là một mệnh đề dối trá. Đọc đã khoái nhĩ mục lắm (Cái cảm rưng rưng nó thế). Không cứ gì nghệ thuật. Mình thấy Modern ngày nay, cái gì “chầy bửa” không “mần” được thì chúng nó lại vin vào Truyền Thống Phong Tục ngu si này nọ. Vẽ không ra cái hồn gì thì nó copy lại từ tranh dân gian. Kịch nghệ không có gì thì nó mượn lại motip dân gian. Nhạc không ra hồn gì thì lại đưa Cổ nhạc vào hòa tấu với Giao hưởng hiện đại, … Coi như sáng tạo tiên phong lắm. Khác đếch gì thằng luộc bánh Trưng bếp Gas cười khẩy thằng luộc bánh Trưng bếp củi.  Giờ đang ở Châu Âu, thấy cuộc sống Hiện đại Văn minh nhưng môi trường Tự do dân chủ là nơi để cho Nghệ thuật, Nhân sinh được phát triển mà ngẫm về cái chiêu bài Truyền thống cắn ra rả trên VTV4 (Cái loa cho người Việt ở nước ngoài, vốn là để Tuyên truyền bố láo cho chính sách Quốc nội, ru ngủ Kiều bào, nó thường hay lôi Truyền thống ra). Cũng như nhân dịp Tết đến Xuân về, đủ thứ lố bịch mang danh Cổ Truyền Dân Tộc lại lũ lượt phơi bầy trong dịp tết nhất.  Bài này tôi đọc 1 lượt, xin phép người dịch tôi dẫn lại thôi để lưu vào Blog cho sau đây có cái mà ngẫm nghĩ. Không có nguyên văn để check người dịch. Nhưng người đã hiểu mà đăng trên Facebook hẳn là đủ tự tin trình ra cho thiên hạ bằng hữu cùng quan chiêm, đâu dễ mà khen chê. Chỉ là cái ý nó trùng cái ý mà thôi.
https://www.facebook.com/tieuchi/posts/10205768173024342:0
"Trở lại truyền thống là một mệnh đề dối trá."
Ps:
Tết nhất rảnh rỗi không biết làm gì
Mùng 1 tết được nhận quà. Thật là hoan hỉ.
Bác Bảo gọi lên rủ uống rượu, đại loại bàn chuyện cổ kim linh tinh cả...^^
Về nhà lại được tặng cho xem phim về Zone9 - Hơi tiếc mình chưa từng được đến cái trung tâm này, chỉ nghe qua lời các lão giang hồ kể. Quả đúng là đại diện cho một khuôn mặt của lều nghệ thuật nước nhà. Chết non, chết yểu, không căn nguyên không nguồn gốc, đột nhiên xuất hiện và cũng đột tử bất thần. Nghệ sĩ hay bất cứ cái gì của ta cũng quá non trẻ, không nền tảng, và đương nhiên khi đối diện với quyền lực và tiền bạc thì lại quá mong manh không thể phản kháng lại.
...
Đọc cuốn The growth from the root of the oriental culture thấy nhiều bài thú vị. Ở đây tập hợp rất nhiều đối thoại của các nghệ sĩ Trung Quốc về truyền thống và hiện đại. Trong các cuộc phỏng vấn những nghệ sĩ tôi khá chú ý tới cuộc đối thoại với Dương Nhị Mân. Nhiều câu trả lờicực kỳ sắc sảo. Đối với ông, cái gọi là “Quay trở về truyền thống” là một vấn đề giả tạo, con người không thể nào quay trở lại được truyền thống, con người chỉ có thể sáng tạo nên tương lai, đây là một chân lý cực kỳ dễ hiểu vả lại chúng ta không có nhu cầu để trở về quá khứ. Chúng ta đã hiện đại hóa quân sự, đã hiện đại hóa xã hội nhưng văn hóa thì vẫn đang dậm chân ở quá khứ?
...
Tôi vốn lười dịch, cũng không thích dịch, đương nhiên điều này xuất phát từ việc dịch kém, nhưng hi vọng sẽ đây sẽ không phải là bài đầu tiên và cũng là cuối cùng trong chuyên đề này.
Bài khá dài và khá lòng vòng nếu có thời gian thì cũng đáng để đọc.
....
Cuối thế kỷ 19, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của Trung Quốc đều không tránh khỏi được hiện tượng phải đối diện với một truyền thống văn hóa hoàn toàn khác biệt là phương Tây. Từ đó đến nay, việc lựa chọn “gốc Trung mà dùng Tây“ 西 hay "Gốc Tây mà dùng Trung” 西 và làm thế nào để xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện tại, mối quan hệ giữa phương Đông và phương Tây?
Đã trở thành một vấn đề của toàn dân tộc. Đã hơn 200 năm trôi qua, chúng ta thực sự có thừa những điều kiện, có thừa trí tuệ và thừa tự tin để tiếp tục bàn lại câu chuyện đó?
Kuart (Ku): Ông là người tập trung vào việc hiện đại hóa tranh thủy mặc, ông suy nghĩ thế nào về tính hiện đại trong nghệ thuật?
Dương Nhị Mân (Y): Tính hiện đại đó chính là chúng ta đã không còn có thể lấy những bản sắc về địa lý để làm đặc trưng của nghệ thuật, Không có thể sáng tác giống như điêu khắc châu Phi đóng vai trò như một thứ đặc sắc xuất hiện ở trên thế giới. Trước thời điểm hiện đại hóa thì phương Đông và phương Tây do nguyên nhân về địa lý nên rất ít giao lưu với nhau, đặc điểm văn hóa của mỗi bên đều vô cùng rõ rệt, nhưng khi quá trình hiện đại xuất hiện sáng tạo nghệ thuật cũng phải xuất hiện hiện tượng đối thoại và giao lưu. Giống như hiện nay chúng ta ở các khách sạn, khách sạn ở Bắc Kinh và New York thì cũng chẳng khác nhau là bao, đây chính là kết quả của quá trình hiện đại hóa.
Anh cho là hay cũng được, bảo dở cũng chả sao, có điều chúng ta không thể dừng lại mãi ở quá khứ.
....
Ku: Đối với hiện tượng "Hot truyền thống" trong văn hóa và nghệ thuật ông nhìn nhận thế nào?
Y: Tôi luôn cho rằng trong khi kinh tế thì phát triển mạnh mẽ thì văn hóa của chúng ta đang đi ngược lại theo xu hướng "bảo thủ". Sự tự tin về kinh tế tạo ra cho chúng ta những tình cảm dân tộc không phù hợp, làm cho chúng ta không thể khách quan đánh giá được bản thân mình. Trào lưu "hot truyền thống" đó theo tôi nó có thể chỉ là một sự tự tin lẫn tự phụ một cách mù quáng.
Cái gọi là "quay trở về truyền thống" là một vấn đề dối trá, nhân loại không thể nào trở về quá khứ, con người chỉ có thể sáng tạo nên tương lai, đây là một chân lý vô cùng dễ hiểu. Vả lại chúng ta cũng không có nhu cầu phải quay lại quá khứ. Chúng ta không thể đã hiện đại hóa xã hội, hiện đại hóa quân sự rồi mà văn hóa vẫn còn dậm chân tại chỗ như vậy.
...
Ku: Nhưng tôi nghĩ, đối với truyền thống, chúng ta cần suy ngẫm xem những vấn đề nào có thể có ích cho hiện tại, và những gì cần phải loại bỏ.
Y: Những năm gần đây tôi đi cũng khá nhiều nơi như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ và tôi nhận thấy rằng trong việc xử lý những mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại của họ có nhiều đặc điểm khác rất xa chúng ta: Họ rất rạch ròi truyền thống và hiện tại. Truyền thống là cái đã qua, sáng tạo thuộc về hiện tại.
Ở Trung Quốc có một hiện tượng đặc biệt, giống như Chửi Khổng Tử, người ta tôn trọng ông ấy thì tôn ông ấy thành Thánh, người chê thì chửi thậm tệ, coi ông ấy làm cản trở sự phá triển của văn hoá Trung Quốc.
Ở Nhật hay phương Tây việc đi chửi một cách man rợ một người sống ở hai ngàn năm trước là một điều không thể tưởng tượng được. Đấy là sản phẩm tồi tệ của việc không tách biệt truyền thống và hiện tại.
Trên thực tế nhiều lúc chúng ta hô hào truyền thống mà thực ra thì hoàn toàn ngược lại, chúng ta không tôn trọng truyền thống mà là lợi dụng truyền thống.
Đánh bóng hiện tại là một sự bỉ bôi với quá khứ. Một xã hội mà đến sự thực còn không dám đối diện thì chúng ta còn có thể trông chờ gì ?
Hàng ngàn năm lịch sử của Trung Quốc đã nói cho chúng ta biết cái đất nước này chưa bao giờ cần truyền thống, phá hoại truyền thống có khi lại chính là truyền thống của chúng ta. Cách mạng văn hoá là một cuộc phá hoại văn hoá truyền thống man rợ, nhưng thử hỏi có triều đại nào là không thế?
Quay trở lại câu chuyện tôi cho rằng, truyền thống là quá khứ của chúng ta , chớ quan tâm nó hay hay dở, hoặc giả dẫu truyền thống đó có huy hoàng thì cũng chẳng phải do chúng ta sáng tạo nên nó. Việc của chúng ta bây giờ đó là xử lý những vấn đề hiện tại, tương lai, làm tốt công việc của mình.
...
Ku: Chúng ta không nhận thức rõ quá khứ thì sẽ đi con đường hiện tại như thế nào?
Y: Nhận thức quá khứ có phải là đọc hết lại 5000 năm lịch sử của Trung Quốc? Nếu thế chắc phải cần sống đến 200 tuổi mới làm xong được việc đó. Tôi cho rằng ở đất nước này truyền thống đã từng bước từng bước ngấm vào trong người của bạn rồi.
Bây giờ chúng ta nhắc tới truyền thống, thực ra nếu quay lại thời kỳ Dân quốc thì một số trí thức đã có những chủ trương không muốn làm cho thanh niên dành quá nhiều thời gian ở những vấn đề về quốc học mà hy vọng họ chú trọng tới những vấn đề hiện tại, suy ngẫm về tương lai. Thậm chí Lỗ Tấn cũng có những câu nói tương tự như vậy " Nếu có người hỏi tôi đọc sách gì thì tôi sẽ khuyên bạn tốt nhất không đọc hoặc đọc ít những sách của Trung Quốc" ý của ông ấy chính là sách của Trung Quốc dậy hỏng người ta.
Những câu nói này có phần là quá khích nhưng trên thực tế chính là như thế, tôi không biết người ta có thể lấy ra được bao nhiêu cuốn sách ở trước thời Thanh mà khuyên con người ta theo đuổi khoa học, theo đuổi chân lý, theo đuổi những giá trị của con người đây?
...
Ku: Nhắc tới thời kỳ dân quốc, ông nhìn nhận thế nào về thời kỳ vận động văn hoá 5-4 ? Quá trình " Tây hoá toàn diện" của phong trào 5-4 có điều gì khiến chúng ta cần phản tư không?
Y: Tôi cho rằng 54 là một cuộc vận động vĩ đại, đó là bước khởi đầu của quá trình hiện đại hoá của Trung Quốc. Tôi không cho rằng vận động 54 là Tây hoá toàn diện, mà đó là toàn diện hiện đại hoá, hiện đại hoá không đồng nghĩa với Tây hoá.
...
Ku: Ông từ nhỏ đã tiếp xúc với quốc hoạ, vì sao lại quyết định lựa chọn tĩnh vật thường nhật làm đề tài của mình?
Y: Bất cứ sự hình thành phong cách nào cũng đều là sự chín muồi của một hệ thống các kỹ thuật, không có ai có thể sử dụng những kỹ thuật cũ để sáng tạo nên những tác phẩm mới. Có điều rất nhiều họa sĩ không ý thức được điều đó, đi khắp nơi để vẽ tranh phong cảnh, muốn đột phá, vẽ một ít người dân tộc thiểu số vào, tự cho rằng thế đã là sáng tác mới. Thực ra quả táo Cezanne vẽ cũng chính là quả táo chúng ta vẽ, điều quan trọng không phải là đối tượng khác hay không mà là kỹ thuật, là tư tưởng của chúng ta có sự khác biệt.
Đối với tôi mà nói, tôi muốn vẽ những tác phẩm mà người ta chỉ cần nhìn vào là thấy đó là tác phẩm của người hiện đại vẽ. Dưới tư tưởng đó tôi tìm thấy những kỹ pháp mới để biểu hiện trên mặt tranh của mình.
...
Ku: Có ai từng hỏi ông về việc vì sao không dùng sơn dầu để vẽ những đề tài này không?
Y: Có sự khác biệt, sự truyền đạt những cảm giác hoàn toàn khác nhau, đừng cho rằng dùng sơn dầu có thể truyền đạt được những gì trên mặt tranh của tôi, đạt không được điều đó, bởi đó mới là căn tính trong văn hóa chứ không phải truyền thống mà được nhắc trên miệng của chúng ta.
Văn hóa không phải là một hình thái cố định , chỉ có khi đi qua nó mới có thể quy nạp thành một hình thái nào đó, đáng tiếc bây giờ chúng ta thường quy nạp văn hóa trong quá khứ để làm đại diện cho hiện tại, dùng hình thái văn hóa trong quá khứ để hạn chế sự phát triển tương lai của chúng ta.
...
Ku: Ông nhận định thế nào về quá trình phát triển gần một trăm năm qua của quốc họa?
Y: Nếu như nói về hội họa, trước tiên tôi sẽ nói về ngôn ngữ. Từ cổ văn đến bạch thoại đó có phải là một sự tiến bộ? Chúng ta bây giờ không còn có thể giống cổ nhân mà "chi hồ giả dã", nếu như ai còn tiếp tục "chi hồ giả dã" chắc chắn bị coi là thần kinh, đây là điều chẳng phải ai cũng biết sao. Thế nhưng trong tranh nếu ai mà vẽ "chi hồ giả dã" thì có khi chúng ta lại coi đó là thâm sâu khôn lường, đấy quả là điều rất nực cười!
Thực sự vẽ kiểu "chi hồ giả dã" cũng là cách lợi dụng "chi hồ giả dã" để làm mầu, che lấp đi sự trống rỗng trong nghệ thuật của mình. Loại tranh đó không có sức sống, không mới lại càng không phản ánh được hiện tại, nếu tính ra đó không chỉ là những tiêu bản văn hóa, mà còn là giả, ở Trung Quốc chỉ có tranh thủy mặc là có hiện tượng quái đản như vậy.
Đương nhiên cũng có người phản đối nói rằng tôi không nhìn thấy tinh thần trong đó, có điều bạn đang sống trong thời điểm hiện đại thì tinh thần của bạn cũng phải là mang hơi thở của thời đại đó.
...
Ku: Ông mong chờ gì ở người xem tác phẩm của mình?
Y: Năm ngoái tôi có tổ chức triển lãm ở Pháp, Pháp có một tạp chí về nghệ thuật rất quan trọng là "Tác phẩm nghệ thuật" họ có làm một chuyên đề "Một trăm năm hội họa Trung Quốc", bắt đầu từ Nhậm Bá Niên, bao gồm cả Từ Bi Hồng, Triệu Vô Cực, Trương Đại Thiên cho đến cuối cùng có giới thiệu đến tôi, họ cho rằng tác phẩm của tôi là một đại diện cho khuôn mặt của hội họa Trung Quốc hiện nay. Trong nước thì cũng nhiều luồng ý kiến, có những người xem thì nói rằng tranh tôi rất giống phương tây.
Nhiều lúc, người Trung Quốc cho rằng phương tây là hiện đại nhưng thực tế hiện đại chưa chắc đã là phương Tây, người Trung Quốc cũng đang sáng tạo hiện tại. Hiện đại hóa không có phân đông tây nam bắc. Cũng như chân lý thì không phân chia đông tây. Tiêu chuẩn của hiện đại hóa là dân chủ, khoa học, giầu có, bình đẳng, hiện đại hóa là để làm cho tất cả mọi phương diện đều tốt hơn, càng hạnh phúc hơn... Thủy mặc vừa phải hướng tới quá trình hiện đại hóa và có sự giao lưu về ý nghĩa thực sự với thế giới, phải có đặc điểm của riêng mình. Nghệ thuật và văn hóa không thể đánh mất đi cá tính.
Tôi cho rằng thế kỷ 21, chúng ta (trước khi) nhận rõ bản thân mình là ai, trước tiên phải nhận rõ rằng chúng ta là một phần của thế giới.
...
Ku: Ông nhận định thế nào về những tìm tòi về nghệ thuật đương đại của Trung Quốc trong ba mươi năm gần đây?
Y: Trung Quốc dùng 30 năm để đi hết lịch sử nghệ thuật hiện đại, có rất nhiều nghệ sĩ tiến hành tìm tòi nghệ thuật hiện đại, từ kỹ thuật cho đến quan niệm, có những tác phẩm rất chín muồi, đã đưa ra một khuôn mặt toàn diện của hậu hiện đại, có những lúc người ta rất cường điệu tính thủy mặc của tác phẩm, tôi nghĩ không cần thiết phải thế. Nghệ thuật bước vào thời kỳ hậu hiện đại thì những hạn chế về hình thức hội họa đã không còn quan trọng nữa.
...
Ku: Ông cho rằng ngoại trừ sự phê phán về hình thái ý thức và đặc sắc của một quốc gia, nghệ thuật đương đại của Trung Quốc có đưa ra được một góc độ văn hóa hay loại hình ngôn ngữ nào khác biệt trong đối thoại với phương Tây hay không?
Y: Hiện tại Trung Quốc hoàn toàn (chưa đạt) không có điều mà chúng ta mong đợi về sự hiện đại hóa. Nhật Bản có thể nói là một tấm gương của chúng ta, từ địa lý cho tới sự tương tự trong lịch sử và quá trình phát triển đều vô cùng gần gũi nhau. Ví dụ những tác phẩm của Yayoi Kusama từ hình thức biểu hiện thì có thấy được ảnh hưởng nào của truyền thống Nhật Bản đã có ảnh hưởng gì đối với bà ấy không? Tôi cho rằng không, những tác phẩm của bà ấy cho thấy vai trò của một nghệ sĩ chứ không phải thuần túy tính quốc gia của Nhật Bản, bà ấy là thế giới, tổ chức triển lãm ở Pháp thì người Mỹ còn bay tới để xem, vô cùng nổi tiếng.
Chúng ta cũng có những nghệ sĩ có tầm vóc thế giới, dẫu dằng đóng vai trò là một nghệ sĩ đơn lẻ họ là thành công, ưu tú, nhưng họ không tách rời được những yếu tố đã có sẵn trong quá khứ. Tôi cho rằng nghệ thuật đương đại chí ít phải có thể đạt được một ranh giới có thể giao lưu một cách sòng phẳng với thế giới, từ điểm đó mà nói Yayoi Kusama đi một con đường tương đối triệt để.
...
Ku: Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề đối diện giữa truyền thống và hiện tại, phương Đông và phương Tây ?
Y: Bất cứ sự vật nào cũng có sự sống riêng, đã có sự sống đương nhiên phải có sự kết thúc.
Chúng ta không thể bởi vì nó đã chấm hết mà cho rằng nó là dở, cũng không thể vì nó hay mà cứ đứng mãi ở đó không đi.
Da.Vinci đương nhiên là hay, Hoàng Tân Hồng cũng hay, thế có cần đến Cezanne, hay Picaso, Lý Khả Nhiễm?
Nghệ sĩ là người sáng tạo, đương nhiên khi sáng tạo của bạn trở thành kinh điển, bạn lại trở thành truyền thống cho người đi sau, và đương nhiên là truyền thống nghệ thuật của toàn bộ nhân loại.
Hiện tại chúng ta đã mang lại những giá trị cho toàn nhân loại chăng? Đương nhiên là có.
Chúng ta phải đứng ở dưới góc độ con người, lấy con người làm điểm tập trung trong sáng tạo của chúng ta.
Khi truyền thông, dư luận xã hội, bao gồm cả chính trị đang nỗ lực phân chia Đông và Tây thì đó thực sự đã xuất hiện vấn đề rồi.

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Đại Việt Thông Sử 大 越 通 史

Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I CÁC SÁCH THAM KHẢO I- SỬ CHÍ/

8. Đại Việt Thông Sử 大 越 通 史
(sách thiếu)
Tác giả Lê Quý Đôn (1726 -1784)

Thư viện khoa học trung ương hiện có 3 bản chép tay, mỗi bản có đặc điểm của nó. Xin trình bày sau đây theo thứ tự số ký hiệu của thư viện:
a/. Ký hiệu A.18 Đại Việt Thông Sử sách chép lại sách ở Sử quán Huế từ trước năm 1904. Nguyên bản có 3 tập giấy 29x15 đóng thành một cuốn. (Tập Thượng 69 tập Trung và Hạ đánh số liền nhau 116 tờ) cộng 185 tờ, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 22 chữ, có ghi tên người chép sách: Hồ Hoành (trên tờ 73), Phạm Mộng Chân (trên tờ 69).
Tập 1: tờ thứ nhất đánh số 5, ngay dòng đầu có dòng chữ “Cảnh Hưng thập niên kỷ tỵ thu trọng, Diên Hà, Quế đường Lê Quý Đôn, Doãn Hậu tự” (năm Cảnh Hưng thứ 10, năm Kỷ Tỵ tháng trọng thu (tháng 8), (1749) người Diên Hà hiệu Quế đường, Lê Quý Đôn tự Dõan Hậu viết bài Tựa).
Dòng thứ 2: “tác sử chỉ yếu” (lời bàn chính xác về việc viết sử). Bài này trích dẫn các lời của sử gia Trung Quốc như Tuân Duyệt[1], Lưu tri Cơ[2] đời Hán; Lý Cao[3] đời Đường; Trương Bật[4], Âu dương Tu[5]. Tăng Củng[6], Giang Tảo[7], Lục Du[8] đời Tống; Yết hễ Tư[9] đời Nguyên.
Thứ đến Thông Sử phàm lệ (Phàm Lệ thông sử). Mục này có 8 điều, trong đó có mấy điều sau đây là quan trọng và bao quát: Mộ điều nói: “nay viết sử, căn cứ viết từ Thái Tổ Cao Hoàng đế trở xuống đến Cung hoàng, gọi là Bản Kỉ, rồi đến các Chí, các Truyện”. Về Bản Kỉ thì tác giả nói, theo thể lệ các triều Đường, Tống . Một điều nữa nói: “điều khó trong việc viết sử, không gì Khó hơn là viết các Chí … chỉ chỉ có Tống sử là phân biệt từng điều, từng mục, sự việc rõ ràng … Nay theo đúng lối viết Chí của Tống sử.”, v.v …
Tờ 10 – 43: Đại Việt Thông Sử, quyển chi nhất, đế kỷ nhất, Thái Tổ thượng (Từ Lê Thái Tổ sinh tại Lôi Dương ngày mùng 6 tháng 8 năm Trần Xương phù thứ 9, là năm Ất Sửu (mùng 10 tháng 9 năm 1385), rồi ngày Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, ngày mùng 8 tháng giêng năm Vĩnh Lạc Mậu Tuất, là ngày Canh Thân (13 tháng 2 1418)[10] đến ngày Thái Tổ đuối hết quân Minh về nước (ngày 12 tháng 12 năm Tuyên Đức đinh mùi Đinh Mùi- ngày 29 tháng 12 năm 1427).
Tờ 44 – 46: Đại Việt Thông Sử, quyển chi nhị, đế kỷ nhị, Thái Tổ hạ. (Từ Thuận Thiên năm thứ nhất 1428 đến ngày Thái Tổ mất, 22 tháng 8 nhuận (4 tháng 10 năm 1433), đến ngày 21 tháng 9 đưa về Vĩnh Long ở Thanh Hóa (mùng 3 tháng 11 năm 14 33.
Tập 2 và 3, tờ 1 đến 116: Đại Việt Thông Sử, quyển chi … Liệt Truyện, Nghịch thần truyện. (Từ Mạc đăng Dung đến năm Vũ An thứ nhất, ngày 11 tháng 12, Mạc Mậu Hợp bị bắt (ngày 13 tháng 1 năm 1593).
b/. Ký hiệu A.1389 - Đại Việt Thông Sử, sách chép không rõ gốc từ đâu (khổ giấy lệnh hội 30 x 24), 4 tập cộng 304 tờ (78+76+80 +70) tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 20 chữ, đóng gộp làm một cuốn.
-         Tập 1, tờ 1 – 4, toàn văn bài Tựa của tác giả đề niên hiệu “Cảnh Hưng thập niên kỷ tỵ thu trọng, Diên Hà Quế đường Lê Quý Đôn, Doãn hậu tự.”
Thứ đến Tác sử chỉ yếu, Phàm lệ (như A.18).
Tờ 9 đến 38: đầu trang: Đại Việt Thông Sử, đế kỷ nhất, Thái Tổ Thượng (như A.18)
Tờ 39 đến 61: Thái Tổ hạ (như A. 18)
Tờ 63 đến 78: Nghệ Văn chí. Mục này có bài tự riêng nói thể lệ biên chép: “nay theo những điều chép trong sử cũ và các bản riêng còn lại ở các nhà riêng sao lấy tên sách, từ đầu đời Trung Hưng trở lên triều Lý, chia làm 4 loại : 1. Hiến chương; 2. Thơ văn; 3. Truyện ký; 4. Phương kỹ. Nay hãy kể rõ tên và số sách, từng quyển và nói qua về ý tác giả, khiến người xem dễ hiểu. Trong số kê ra đó, có nhiều sách chỉ còn tên mà sách thì thiếu, cũng đều chua rõ.” (Kim cứ cựu sử sở thư, cập chư , tứ loại: nhất viết Hiến Chương, nhị viết Thi văn, tam viết Truyện kí, tứ viết Phương kỹ. Cô liệt quyển trật danh số, kiếm tự tác giả chi ý, sử lãm giả dị hiểu. Kỳ Gian Đa Hữu Danh tồn nhi thực Khuyết giả việc cụ thứ chi). Có ghi 112 Bộ sách[11].
-         Tập II, tờ 1-17: trang 1 dòng đầu đề: Tiền triều thông sử, quyển chi nhị thập cửu. Bắt đầu bằng chuyện Hậu phi, có Tựa riêng, trong Tựa có liên hệ chế độ triều Lê, với chế độ Lý Trần, ghi 26 chuyện Hậu phi, từ bà và mẹ Lê Thái Tổ và từ vợ Lê Thái tổ đến vợ Cung hoàng.
Tờ 18- 27: dòng đầu trang 1: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập. Liệt truyện nhị. Đế hệ truyện, dòng dõi nhà vua, có Tựa riêng, chép 7 đời, 10 chuyện.
Tờ 28 – 50: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập nhất. Bắt đầu chuyện Lê Thạch, gồm 7 chuyện.
Tờ 51- 69: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập nhị. Bắt đầu truyện Trần Nguyên Hãn, gồm 5 chuyện.
Tờ 70 – 76: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập tam. Bắt đầu chuyện Phạm Vấn, gồm 5 chuyện.
-         Tập III, tờ 1- 21: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập. Liệt truyện. Nghịch thần truyện, có ghi các truyện: Trần Phong, Lương Nhữ Hốt, Đỗ Duy Trung, Nghi Dân, Trịnh Duy Sản, Trịnh Duy Đái, Trần Tuân, Trần Cảo, Nguyễn Kính, Nguyễn Khắc Hài, Vũ Hộ.
Tờ 22- 80: Đại Việt thông sử, quyển chi tam thập nhất. Nghịch thần truyện, Mạc Đăng Dung (Từ 1505 rồi mới đến 1527. Minh Đức nguyên niên) Đến Mạc Phúc Nguyên (1561).
-         Tập 4, tờ 1 – 70: . Đại Việt thông sử, quyển chi (?). Nghịch thần truyện, Mạc Mậu Hợp (1561)(Chính Trị tứ niên) đến Mạc Kính Hoàn, năm Phúc Thái thứ 2 (1644). Trong đoạn sau có ghi 1 số thư từ của chúa Trịnh, trao đổi với các Biên thần triều Minh, nói về việc hợp sức đánh bắt quân Mạc.
c/. Ký hiệu A. 2759 Đại Việt thông sử, sách chép tay (khổ giấy 30x 17) hai tập, số tờ mới ghi sau này: tập 1 có 132 tờ; tập 2 có số tờ ghi cũ, 102 tờ, cộng 234 tờ, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 20 chữ, chữ viết nửa chân nửa thảo, viết tốt và cẩn thận, dễ đọc. Sách này nguyên là sách của Thư viện Long Cương, nhà họ Cao ở Nghệ An, năm 1933 thư viện Bác cổ mượn về chép ra 1 bản khác, và đem bản chép lại ấy đổi lấy nguyên bản, tức là bản này (Xem: Les chapitres bibliographiques de Le Quy Don et de Phan Huy Chu của Trần Văn Giáp trang 18).
-         Tập 1, tờ 1- 8: toàn văn của bài tựa Tác sử chỉ yếu, Phàm lệ (như số A.1389 nói trên)
Tờ 9: trên đầu đề Đại Việt thông sử, quyển chi nhất, đế kỷ đệ nhất.
Tờ 36: ngay đầu tờ đề Đại Việt thông sử, quyển chi nhị, đế kỷ nhị.
Tờ 56 – 63: Đại Việt thông sử, Nghệ Văn chí, có tựa riêng của Nghệ Văn chí và tên 91 bộ sách, kế liền đến dòng chữ Tiền triều thông sử, Liệt truyện đệ nhất.
Tờ 64- 79: Hậu phi truyện, có tựa riêng, thứ đến truyện bà và mẹ Lê Lợi và từ vợ Lê Lợi đến vợ Cung Hoàng.
Tờ 80 – 88: Tiền triều thông sử, Liệt truyện nhị, đế hệ truyện, có tựa riêng gồm 7 đời, 10 truyện.
Tờ 89-109: Tiền triều thông sử, quyển Liệt truyện tam, Chư thần liệt truyện, có tựa riêng, bốn truyện các quan và các truyện phụ.
Tờ 110- 126: Tiền triều thông sử, quyển … Liệt truyện đệ tứ, Chư thần liệt truyện, có 5 chuyện các quan và các chuyện phụ.
Tờ 127-132: Tiền triều thông sử, quyển … Liệt truyện đệ ngũ, Chư thần liệt truyện, có 5 chuyện các quan và các chuyện phụ.
-         Tập II, tờ 1: Đại Việt thông sử, Nghịch thần truyện (Mạc Đăng Dung), chép bối cảnh các sự việc lịch sử từ năm 1505 đến Trịnh Tạc đánh Mạc Kính Vũ ở Cao bằng (năm Phúc Thái thứ 2, 1644). Không phải chỉ từ năm 1527 là năm Minh Đức nguyên niên, Mạc Đăng Dung lên làm vua mà từ gốc tích họ Mạc.
Tên sách:
Về tên sách bộ Thông sử của Lê quý Đôn, hầu hết các bộ sử sau nó, nhất là bộ Việt sử thông giám cương mục của Sử quán triều Nguyễn, gọi tên nó là Đại Việt thông sử. Điều này là không đúng. Trong Kinh tịch chí của Phan Huy Chú có thấy ghi 1 bộ Lê triều thông sử của Lê Quý Đôn và có thuật như sau:
“Sách Lê triều thông sử,  30 quyển, do cụ Bảng nhỡn Lê quý Đôn soạn … Bộ sách của cụ rất đầy đủ rõ ràng, có thể là 1 bộ sử hoàn toàn của 1 triều đại”(Lê triều thông sử tam thập quyển, Diên hà Bảng nhỡn Lê quý Đôn soạn … Lê công sở thư cai hợp tường bị, tức vi nhất đại toàn sử) (q.42, tờ 88)
Nay phối hợp lời chú dẫn ấy của Phan Huy Chú với lời Phàm lệ, lời trong tựa của Lê Quý Đôn, ta sẽ thấy tên đúng bộ sử của Lê quý Đôn là Lê triều thông sử và thấy rõ thêm Lê quý Đôn không có ý định soạn 1 bộ thông sử cho tất cả các Triều đại nước ta, mà chỉ là 1 bộ thông sử của triều Lê.
Lê triều thông sử của Lê quý Đôn là 1 bộ sử có giá trị: sưu tầm cẩn thận, biên soạn có phương pháp. Không những thế, bộ Lê triều thông sử này đã được chuẩn bị bằng 2 bộ loại thư của tác giả: Kiến văn tiểu lục Vân đài loại ngữ. Cố nhiên, soạn sách ấy, tác giả viết theo lập trường và quan điểm phong kiến, nhưng nó vẫn có giá trị riêng của nó: những tài liệu về xã hội để lại, thật là vô cùng quý giá. Cho nên, mặc dù tàn khuyết, nhưng phần còn lại vẫn có bổ ích cho sử học. Thí dụ các mục bản kỷ về Lê Lợi, liệt truyện về Mạc Đăng Dung, v.v … Nghệ Văn chí, đều là tài liệu về các sự việc lịch sử triều Lê. Tóm lại, nó thật là một “bộ sử tiền phong” cho bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Phan Huy Chú, theo như ông nói, đã được có toàn bộ của nó trên tay, nhiều tới 30 quyển.






[1] Tuân Duyệt, tự Trọng dự, người đất Dĩnh Xuyên, sinh cuối đời Đông Hán. Ngay thửa bé đã thích học Xuân Thu, nghĩa là Sử; khi lớn, gặp cuối đời Hán, chính thể suy đồi, ông có viết sách Thân Giám, 5 thiên, để tỏ ý mình; và theo thể Tả truyện, làm sách Hán kỷ, 30 thiên, lời lẽ gọn gàng, trình bày sự việc rõ ràng (Từ Hải, 1136)
[2] Lưu tri Cơ, tự Tử Huyền, người Bành Thành, sinh thời Đường, đậu Tiến sĩ dưới triều Vũ hậu; làm quan trong triều, kiêm tu Quốc sử, mất vào đầu hồi Khai Nguyên. Lưu tri Cơ là người chuyên học Xuân thu, giỏi về Sử. Ông thường nói sử gia có 3 điều sở trường: Tài, Học, Thức. Tác phẩm lớn của ông là sách Thông Sử, là 1 tác phẩm quan trọng cho Sử học. (Từ Hải, 190)
[3] Lý Cao, tự Tập Chi, người Triệu quận, đậu Tiến sĩ đời Đường, học lối văn chương Hàn Dũ, tính người thẳng, bàn bạc cứng cáp, nên không làm quan to. Tác phẩm: Luận Ngữ bút giải, Ngũ mộc kinh, Lý văn Công tập, v.v… (Từ Hải, 671)
[4] Trương Bật, tự Tử Trừng, người đất Hoài Nam, sinh vào khoảng trước năm 940, đời Tần Cao tổ, niên hiệu Thiên Phúc (947), làm quan triều Nam Đường, Hậu chủ (Lý Dục) vời làm Ngự sử, sau đổi làm Nội sử xá nhân; sau hàng Tống, vào làm Sử quan. Bật giỏi thơ, có 1 quyển trong Toàn Đường Thi (Văn học, 520). Cũng đầu thế kỷ X, còn có 1 Trương Bật nữa, nhưng Bật này chỉ giỏi về thơ, từ, không hề làm sử (trang 513).
[5] Âu Dương Tu, tự Vĩnh Thúc, tự hiệu là Túy Ông, khi tuổi già, tự hiệu là Lục Nhất cư sĩ, đậu Tiến sĩ khoảng năm Khánh Lịch đời Tống, làm quan to khi chết được tên thụy là Văn Trung. Âu dương Tu học rộng, thơ văn kiêm cả sở trường của cả Hàn Dũ và của Lý, Đỗ, là 1 tông phái văn học đời Tống. Tác phẩm: Tân Ngũ đại sử (sách hợp biên với Tống Kỳ), Tân Đường thư; người sau lại biên soạn thơ văn của ông làm thành Văn Trung tập (Từ Hải, 731)
[6] Tăng Củng, tự Tử cố, người đất Nam Phong, đậu Tiến sĩ đời Gia Hựu, làm quan đến Trung thư xá nhân, giỏi về Kinh Học, văn chương hùng hồn. Tác phẩm: Nguyên Phong loại cảo (Từ Hải, 653)
[7] Giang Đức Tảo (509-565), trong Văn học Từ điển không có Giang Tảo; chỉ có Giang Đức Tảo, tự Đức Tảo, người đất Khảo Thành, học giỏi, văn hay, làm Ngự sử Trung thừa đời Lương, sau làm Bí Thư giám triều Trần, v.v … Tác phẩm: Văn bút, 15 quyển; Bắc chinh đạo lí kí 3 quyển (Văn học trang 274).
[8] Lục Du, tự Vụ Quan, biệt hiệu Phóng Ông, người đất Sơn Âm, thời Tống Hiếu Tông được Tiến sĩ xuất thân. Ông được cử làm Tham Nghị, khi Phạm Thành Đại đem quân vào đất Thục. Ông yêu thích phong thổ đất Thục, nên đề tập thơ của ông là: Kiếm Nam thi tập. đời sau gọi là Kiếm Nam phái. Tác phẩm: Nhập Thục kí, Nam Đường thư, Lão học am bút kí, Phóng ông từ (Từ Hải, 1428)
[9] Yết hễ Tư (1274-1344), tự Man Thạc, người Phú Châu đất Long Hưng, sinh đời Nguyên Thế Tổ; năm Thiên Lịch (1328) mở Khuê Chương các, ông là người được chức Kinh lang đầu tiên. Khoảng năm 1333, được thăng chức Hàn lâm thị giảng học sĩ, đứng đầu biên soạn 3 bộ sử Liêu, Kim, Tống; mất trong khi làm quan, thụy là Văn An; có Văn An tập, 14 quyển, văn ông nghiêm chỉnh, giản đáng, thơ lại càng hay. (Văn học gia từ điển, tờ 901 - 902)
[10] Các bản Đại Việt thông sử đều chép là “mậu tuất xuân chính nguyệt sơ nhị nhật canh thân” (năm Mậu tuất, mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 2 là ngày Canh thân). Sách Đại việt Sử ký, Bản kỷ Thực lục (quyển 10, tờ 2) cũng chép: “mậu tuất Minh Vĩnh Lạc thập lục niên, xuân chính nguyệt canh thân” … không có chữ sơ … nhật. Vậy ngày Canh thân là ngày chính xác. Nếu vậy ngày Canh thân này không phải là mùng 2. Tính thật đúng ra, ngày Canh thân ấy là ngày mùng 8 tháng Giêng năm Mậu tuất (13/2/1418), vì mồng 1 tháng Giêng năm ấy (1418), là ngày Quý sửu, chắc chắn là chữ “Bát” chép nhầm ra chữ “Nhị” nên xin đính chính. Vả lại, sách Đại Việt sử ký chép: “canh thân đế khởi binh ư Lam Sơn … toại suất hào kiệt, kiến nghĩa kỳ … thị nguyệt sơ cửu nhật, Minh nội thần Mã Kỳ đẳng đại cư binh bức đế ư Lam Sơn … ”(Ngày Canh thân, vua khởi nghĩa ở Lam Sơn … bèn hội họp Hào kiệt dựng cờ khởi nghĩa … ngày mùng chín tháng ấy Nội thần nhà Minh là Mã Kỳ cả đem binh bức vua ở Lam Sơn …) Vậy ngày Canh thân này lại rõ ràng là ngày mồng tám, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa thì ngày hôm sau, quan quân nhà Minh đã kéo đến đàn áp.
[11][11] Về thiên Nghệ Văn chí này, chúng tôi đã nghiên cứu riêng thành 1 chuyên đề, viết bằng chữ Pháp, đề tên là Les chapitres bibliographiques de Le Quy Don et de Phan Huy Chu, xuất bản trong. Bul. De la Societe des Etudes Indochinois, năm 1938, tại Sài Gòn.