Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Quốc Triều hương khoa lục 國 朝 鄉 科 錄


20. Quốc Triều hương khoa lục

Tác giả: Cao Xuân Dục (1842-1923)

4 quyển và quyển Thủ, phụ Tục biên quyển 5 và 6, cộng 523 tờ (33 +80+ 88+ 115+ 93 +56+ 58), khổ giấy 26 x 16, đóng thành 3 quyển. Ký hiệu A.36.

Nội dung: Trên trang đề tên sách Quốc triều Hương khoa lục, ở phía phải có ghi Thành Thái quý tỵ (1893); phía Tả: Long cương tàng bản (ván in để tại Thư viện Long Cương).

 Quyển thủ: Bài Tựa của Hoàng Cao Khải ( hiệu Thái Xuyên) đề năm Thành Thái thứ 4 (1892). Tiểu dẫn của tác giả viết năm Thành Thái thứ 5 (1893), liền sau bài Tựa, có tên người hiệu đính thứ: con trai. Cao Xuân Tiếu (hiệu Bạng-sa), con rể Đặng Văn Thụy (hiệu Mã Phong). Thứ đến bài Tổng luận về khoa cử ở Việt nam. Bài này nói qua về Lịch sử khoa cử ở Việt-nam và thể lệ nói chung về việc thay đổi của các khoa thi Hương Triều Nguyễn. Thứ đến bài Lược biên về phép thi các khoa hương, hội của các triều đại, trước Nguyễn ở Việt-nam

Quyển 1 Phàm lệ (Chín điều). Thứ đến Mục lục, có kể rõ trong từng quyển, gồm có những khoa nào, mỗi khoa có mấy trường thi: Thừa Thiên, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam- Định, v. v ...

Từ quyển I đến quyển IV quyan, từ khoa đầu tiên là khoa Gia- long Đinh mão (1807), đến Thành Thái tân mão (1891), gồm 38 khoa, 3.972 người thi đậu.

Quyển V trở đi là Tục biên, từ khoa Thành Thái giáp ngọ, năm thứ 6 (1894), đến Khải –định mậu ngọ, năm thứ 3 (1918), thêm 9 khoa có 1.254 người thi đậu. Tổng cộng từ khoa đầu thi Hương triều Nguyễn, đến khoa kết cục, gồm 47 khoa (38+ 9), và số người thi đậu là 5226 (3972 +1254). Về tổ chức thi hương Triều Nguyễn, trong toàn quốc, mỗi khoa có 6 trường hay 7 trường, có khoa 5 trường hay 4 trường tùy theo hoàn cảnh xã hội. Về mỗi khoa, tác giả chua rõ thể lệ thi cử, tên các chánh phó chủ khảo, số học sinh lấy đậu, v.v … Về mỗi người, chua rõ họ, tên, tuổi, quê quán, gia thế, chức nghiệp và các tác phẩm, v.v ... Sách này tuy chỉ là danh sách chung các hương cống, cử nhân Triều Nguyễn, từ đầu đến kết cục(1807- 1919); nhưng nó cũng giúp ta nhiều khi cần tìm một tác gia khoảng thời gian ấy.
 

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Đăng Khoa Lục Sưu Giảng 登 科 錄 搜 講


Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I: CÁC SÁCH THAM KHẢO. II- ĐĂNG KHOA LỤC/ Đăng Khoa Lục Sưu Giảng

19. Đăng Khoa Lục Sưu Giảng

Tác giả: Trần Tiến

Sách chép tay, bằng giấy bản, khổ giấy 26x 14, trong sách không chia số quyển, gồm 78 tờ (1+77), tờ 2 trang, trang 10 dòng, dòng 30 chữ, chữ cũ viết thảo khá tốt và cẩn thận. Tên tác giả mới tìm thấy qua bài khảo luận của Phạm Đình Hổ (xem bản A.3188).

Nội dung: Ngoài 77 tờ sách, có 1 tờ mục lục, ghi đủ tên 123 cụ đậu tiến sĩ, từ triều Trần đến cuối Lê, cách chép lộn xộn: có theo thế thứ, nhưng không tuyệt đối chính xác. Sau mục lục, có bài tựa, không đề tên tác giả, cũng không đề niên hiệu. Trong bài tựa, đại ý nói, ghi chép các vị đậu tiến sĩ văn chương, sự nghiệp có tiếng tăm, nghe sao chép vậy, nghe đến đâu chép đến đấy; cho nên có những mẩu chuyện về 1 cụ mà chép 2, 3 chỗ. Chuyện về Lê Quy Đôn đã thấy ở trang 37, lại thấy thêm 1 mẩu khác ở trang 63, v.v … Theo bài tựa, sách chép cùng nhiều tài liệu trong Công Dư Tiệp Ký, phần nhiều theo lời truyền thuyết, thiên về âm đức, mồ mả; nhưng ngoài sự mê tín ấy ra, cũng có nhiều chuyện về thơ văn, về đời sống riêng của các cụ Nghè xưa; ta có thể cân nhắc cẩn thận dùng làm tài liệu sử được. Như chép về Ngô Thời Nhiệm, ngoài thơ văn đặc sắc, có ghi rõ tác phẩm An Nam nhất thống chí (?) xem số 369) v.v … nói ông còn soạn sử ký triều Lê và triều Tây Sơn.

Nội dung:

Trước hết có bài tựa, tương tự bài tựa trong số sách A.3188 nói trên, nhưng sau cùng, cuối bài tựa ấy có chua : „Lê Hiển tông thế, Thượng thư Trần Tiến trứ, công Hải Dương nhân“ (quan Thượng thư, đời Lê Hiển tông, là Trần Tiến; ông là người Hải Dương).

Thứ đến Mục lục, cũng như trong sách có truyện về 122 vị đậu Đại khoa. Từ tờ 148 trở đi, có phụ lục bài Hành trình ca của Nguyễn Tú, người làng Phương Để, huyện Chân Ninh , được bổ làm Tuần phủ Phiên An (sau đổi làm Gia Định), bằng văn Nôm và 3 bài thơ Nôm, một bài của con cụ Bạch Đông Ôn (triều Nguyễn), 2 bài của Hồ Xuân Hương; 1 bài văn Tế Phạm Đình Trọng của vua Cảnh Hưng, trích trong Hoàng Việt địa dư, v.v … 1 bài hát Đào nương của cụ Dương Khuê; sau cùng có niên hiệu Tự Đức thứ 14, năm Tân dậu (1861) dựng đền Lê Tiết Nghĩa ở Hà Nội. Các truyện trong sách còn có nhiều đoạn mới chua thêm, đề niên hiệu Tự Đức mà không thấy trong bản số A.3188 như truyện Phạm Quý Thích có chua thêm năm Tự Đức thứ 6, là năm Quý Sửu, các học sinh làm nhà thờ ông ở Hà Nội (tờ 110); sau truyện Trần Danh Án, cũng có nói thêm năm Tự Đức Tân dậu (1861) làm đền Tiết Nghĩa ở Hà Nội, ông có dự trong số 33 vị được thờ, v.v … Sau truyện Nguyễn Tự Cường, có chua rõ, có 3 ông Nguyễn Tự Cường đậu tiến sĩ, một ông người làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, đậu Tiến sĩ năm Hồng Thuận thứ 6(1514); 1 ông người làng Lan Mạc, huyện Yên Lạc, đậu Tiến sĩ năm Sùng Khánh thứ 7 (1572) triều Mạc; 1 ông người làng Xuân Lôi, tức ông trong sách Đăng Khoa Lục Sưu Giảng, v.v … Những lời chua ấy không có trong bản A.3188.

Trong sách Quần Thư Tham Khảo (quyển thứ 2, trang 5 mặt sau), tác giả Phạm ĐÌnh Hổ, chép về Mạc ĐĨnh Chi, có ghi tên bộ sách khác của Trần Tiến, như sau: „… Về sự nghiệp, văn chương của MẠc Đĩnh Chi, ta sẽ thấy trong sử triều Trần và sách Cát Xuyên Tiệp Bút của cụ Trần Tiến, người Điền Trì, huyện Chí Linh, nay không nói nữa, sợ thừa …“ Xem thế, ta có thể đoán định, sách Cát Xuyên Tiệp Bút cũng như Công Dư Tiệp Ký, cùng 1 nội dung tư tưởng, cùng 1 lề lối biên chép. Vậy Đăng Khoa Lục Sưu Giảng là của Trần Tiến.

Vậy sách này, A.224, có thể là 1 bản chép lại một bản sách Sưu Giảng nào, chép vàp khoảng đời Tự Đức, khi chép có chua thêm các lời dẫn, và phụ thêm phần Phụ lục. Bản này tuy khi chép, chữ viết xấu, sai lầm nhiều, nhưng cũng vẫn Bổ ich cho sự Hiệu thù.

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

LỊCH ĐẠI ĐẠI KHOA LỤC 歷 代 大 科 錄


18 ,. LCH ĐẠI ĐẠI KHOA LỤC

Tên này có lẽ do Thư viện(?) đặt sau cho nó, trong sách không thấy có. 1 tập, 150 tờ (Khổ giấy bản cổ 27 x 19), tờ 2 trang, trang 8 dòng dòng 19 chữ. Ký hiệu A. 2119. Không rõ tên tác giả.

Nội dung: sách không đầu đuôi, không ta, bạt gì c, chép các v đậu đại khoa từ triu Lý đến khoa Chính hòa giáp tuất, năm thứ 15 (1694). Ba tờ cuối sách chép niên kỷ các vua Việt Nam, từ triều Đinh đến Cung hoàng (Lê). Dưới tên mỗi vua chua rõ ở ngôi mấy năm, có mấy niên hiệu, năm cuối cùng là năm gì. Mỗi đời vua có chua bắt đầu từ năm nào đến năm nào, gồm mấy năm, nhưng phần nhiều không chính xác.

Mặc dầu thế, phần lớn trong sách chữ viết bằng lối Tống tự, có kẻ dòng, có thể là 1 bản viết để chuẩn bị đem khắc ván in, thì nó cũng có giá trị nhiều về phương diện ấy.

ĐẠI VIỆT LỊCH ĐẠI TIẾN SĨ KHOA THỰC LỤC 大越歷代進士科實籙

Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I: CÁC SÁCH THAM KHẢO. II- ĐĂNG KHOA LỤC
17. ĐẠI VIỆT LỊCH ĐẠI TIẾN SĨ KHOA THỰC LỤC 大越歷代進士科實籙

Tên này đề ở tờ 2, trang b, 1 quyển, 103 tờ(khổ giấy bản cũ 29x 20),  tờ 2 trang,  trang 9 dòng dòng 32 chữ.  Không rõ tên tác giả.  Ký hiệu A. 2010. 

Nội dung: Trên trang 1 dòng đầu đề niên hiệu „Lê triều Dương đức nhị niên tuế tại giáp dần trọng thu(8-1674)“; dòng thứ hai: „Đăng khoa lục tục tự“.  Trong bài tự này có chỗ nói là „Tục vi đăng khoa thực lục“ không có tên người.  Cũng theo bài tựa ấy,  tác giả thuộc một nhà thế gia,  đã sưu tầm tra cứu kỹ các tài liệu làm sách này, đặt tên là Đăng khoa thực lục. Một đoạn trong bài tựa:  Tôi may đựơc nối nghiệp nhà,  nhân rảnh việc công,  muốn theo đòi các cụ xưa,  tôi bèn soạn những điều chép trong quốc sử làm ra sách này];  xét lại các tên người thi đậu,  tạc trên bia Quốc tử giám,  và sưu tầm thực lục giấy tờ cũ của các triều, ở các công sở, cùng là các sách biên chép của các nhà,  khảo cứu về từng vị,  so sánh tra xét lại quê quán,  họ hàng,  tên tuổi,  ông cha,  con cháu,  anh em,  chú cháu đã kế tiếp nhau thi đậu,  có vị chức tước cao vinh có vị sự tích đáng ghi. …

(Dư thiểm thừa thế lộc chi gia,  thích nhàn công sự chi hạ; dục kế phương tích ư tiền trình, nãi tham chi quốc sử tư soạn, chất chi Giám bi đệ danh,  cập sưu tầm chư triều,  nha thực lục, dữ chư gia di biên nhi khảo đính tra tỉ,  quán chỉ,  niên canh,  tính danh, tổ phụ, tử tôn, huynh đệ, thúc điệt, tương kế đăng khoa, hoặc chức tước vinh ưu, hoặc sự tích khả ký …)

 Thứ đến (tờ 2), một truyện Phạm Tử Hư, kể chuyện hoang đường mê tín về khoa cử.

Bắt đầu tờ 3, mới chính thức là sách Đăng khoa lục, chép từ triều Lý Nhân Tông khoa ất mão, năm Thái ninh thứ 4 (1075), có trích lời chép trong sử, như chiếu, v.v ... năm ấy có một Lê Văn Thịnh thi đậu, làm quan, v.v … và ghi rõ cả chuyện Mục Thận có liên quan đến Lê Văn Thịnh, nay còn đền thờ Mục Thận ở Tây-hồ.
Bản chất sách này là sách tốt. Một số khuyết điểm chỉ là do thời gian và kẻ vụ lợi vô lương tâm tạo ra. Thực ra, sách này vừa cổ qúy, không những chữ viết kỹ, lối cổ, mà từ năm Chính hòa qúy hợi (tờ 95) trở về sau, khoa nào cũng có chua đầu đề thi (thơ phú) khoa ấy. Nhưng tiếc rằng sách Bị tàn khuyết nhiều, người đem bán sách đánh số liều cho có thứ tự, rồi người mua bị lừa, không kiểm kỹ, cứ đem đóng thành tập. Dù sao tập này vẫn có giá trị của nó.

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

KHOA BẢNG TIÊU KỲ 科榜标奇

Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I: CÁC SÁCH THAM KHẢO. II- ĐĂNG KHOA LỤC
16. KHOA BẢNG TIÊU KỲ 科榜标奇
Tác giả PHAN HUY ÔN(1765-1786)
Sách chép tay, trong sách ghi 8 quyển, đóng thành một tập, đánh số từ 1 đến 68 tờ, khổ giấy 32x22, tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 19 chữ.
Nội dung: Đầu sách (tờ1-2) hình như là mục lục, nhưng tàn khuyết, ngay dòng thứ 2 sau tên sách đã thấy ghi Thống Nguyên bính tuất (1523), cai nhị thập lục khoa,  thì không có nghĩa gì.
Quyển 1 (tờ 3-7), Đặng khoa lục khảo, chỉ khảo từ Thiên-khánh bính ngọ (Trần Cảo) đến Cảnh-trị canh tuất (1670) trở xuống, còn về các triều Lý, Trần thì hãy tạm để lại. Có truyện 14 vị đậu đại khoa.
Quyển 2 (tờ 8-23), Quốc triều trạng nguyên khảo thượng, theo mục lục, mục này khảo về 20 vị đậu trạng nguyên triều Lê.
Quyển 3 (tờ 24), Quốc triều trạng nguyên khảo hạ, mục lục ghi tên 6 vị, nhưng chỉ có mục lục.
Quyển 4 (tờ 25 Phụ lục Trần triều trạng nguyên khảo, nghiên cứu về 9 vị trạng nguyên đời Trần.
Quyển 5 (tờ 30-40), Phụ lục Nguỵ Mạc trạng nguyên khảo, nghiên cứu về 11 vị trạng nguyên triều Mạc.
Quyển 6 (tờ 41 - 51), Hãn mặc truyền hương khảo thượng, nghiên cứu về các nhà có người đậu đại khoa luôn ba đời, theo mục lục có 13 nhà.
Quyển 7 (tờ 52-62), Hãn mặc truyền hương khảo, cũng như trên, theo mục lục có 10 nhà đậu tiến sĩ luôn, nhưng từ sau Lê trung hung.
Quyển 8 (63-68) Côn ngọc điệp đăng khảo (anh em cùng đậu đại khoa), theo mục lục và trong sách chua rõ 8 nhà có ba anh em đều đậu luôn, nhưng thực ra chỉ thấy có 7 nhà.
Theo phân tích trên đây, trong sách này, tác giả ghi những vị thi đậu tiến sĩ đặc biệt ở nước ta, các vị đậu trạng nguyên, các vị thuộc gia đình đậu tiến sĩ luôn mấy đời, anh em cùng đậu tiến sĩi trong một hay luôn mấy khoa. Còn có chỗ thấy ghi “xem mục Thúc điệt đồng khoa khảo (tờ 56), nhưng trong ​​sách không thấy có. Về mỗi vị, tác giả ghi rõ gốc tich ở đâu, tản cư đến đâu, sự nghiệp chính trị, văn chương thế nào; đại khái về tiểu truyện, tuy sơ lược nhưng khá rõ.
Về sách Khoa bảng tiêu kỳ này, trong văn tịch chí (q 45, tờ 161 b). Phan Huy Chú ghi gọn như sau: Sach khoa bảng tiêu kỳ, 4 quyển, do tiến sĩ Phan Huy Ôn soạn, nêu rõ các sự việc kỳ lạ xảy ra trong các khoa thi; hoặc khảo về các vị đậu tam nguyên trẻ tuổi, hoặc khảo về các gia đình có nhiều vị đậu tiến sĩ, v.v …  ghi chép tường tận”. Nay đem so với nội dung phân tích trên, thấy bản chép cuả ta có gồm  8 quyển, mà còn có mục còn thiếu như Thúc điệt đồng khoa khảo.

Về số quyển, thì 4 quyển hay 8 quyển đều cổ, có thể cũng như nhau, vì theo lối cổ, mỗi quyển có thượng và hạ; nhưng còn có mục còn thiếu thì không rõ, mục ấy sẽ vào quyển nào; vả lại chính mục lục cũng không đủ.