Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Thần tích - Thần phả Miếu Đồng Cổ, thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội

Thần tích- thần phả Miếu Đồng Cổ, thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội
Trước cứ tưởng chỉ có 1 Miếu Đồng Cổ ở trên Thụy Khê, Tây Hồ. Sau này đi điền dã sưu tầm và dịch vụ nhiều, thì ngay mé Tây kinh thành cũng có 1 miếu Đồng Cổ rất là to ở làng Nguyên Xá(nay là xã Minh Khai), Từ Liêm. Làng xóm xưa giờ thành Phường thành Quận cả chả biết đâu đâu. Nay có bản Thần tích Photo, chữ đá thảo. Dịch rồi mà chưa thấy bản dịch nằm ổ nào. Nay xin đăng tạm lên.
















I.                  Giới thiệu văn bản:
1. Văn bản: Tam Thai Sơn Linh Tích, nguyên bản chữ Hán chép tay. Chữ thảo rất khó đọc, chất liệu giấy Dó cũ. Nguyên văn gồm 12 tờ (24 trang).
Bia ngoài đề: 扶演社阮舍村Phù Diễn xã Nguyễn Xá thôn[2]; Mục lục thần phả .
Hiện trạng nhiều tờ bị sắp xếp lộn xộn không đúng thứ tự, gây khó khăn cho Giám định và phiên dịch.
2. Nội dung: chép sự tích núi thiêng Tam Thai sơn ở huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, tức thần tích Đền Đồng Cổ. Thần hiển linh từ thời Hùng Vương. Trải các đời đều có công lao giúp nước, rất là linh ứng. Các triều đại đều có sắc phong ban tặng.
3. Chép hầu như gần đủ các đợt sắc tặng từ đời Lý đến đời Lê Trung Hưng. Các sự kiện tra cứu tương đối khớp với Chính sử. Các chữ kiêng húy đời Nguyễn như Hoa華, Thì時 đều không tránh đổi hay bớt nét. Có thể giả định đây chính là bản sao gốc trong giai đoạn cuối thời Lê - đầu Nguyễn[3].

II.               Dịch nghĩa và chú thích:
TAM THAI SƠN LINH  TÍCH
(DẦU THIÊNG NÚI TAM THAI)
          Thời Hùng Vương, vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, quân theo đường núi tiến đến chân núi thôn Khả Lao huyện Yên Định[4] thì dừng đóng. Đêm vua nằm mơ thấy có vị Thần nhân nói với vua rằng:
          “Nguyện đem theo trống đồng, dùi đồng đi giúp quân vua đánh giặc”.
          Vua tỉnh giấc, theo y lời. Đến khi giao chiến với quân Chiêm, thấy trên không trung như có tiếng kiếm kích đồng giao tranh nhau. Quân Chiêm thua to, quân vua toàn thắng khải hoàn. Sắc phong cho thần là: ĐỒNG CỔ TỪ ĐẠI VƯƠNG 銅鼓祠大王(chuyện chép trong sách Di biên[5]).
          Đến đời Lý Thái Tông, khi vua còn là Thái Tử, được vua cha Lý Thái Tổ sai đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Khi quân đến Trường Sa, đêm đỗ thuyền nghỉ, khoảng sau canh 3, vua mộng thấy một người đàn ông mặc võ phục, tay cầm kiếm thưa với vua rằng:
         “Tôi là chủ núi Đồng Cổ, nghe tin chúa thượng Nam chinh, xin được theo quân lập công”.
           Thái Tông mừng mà đồng ý cho theo, quả nhiên hành quân thu được toàn thắng. Bình được Chiêm Thành, ban sư về kinh, Thái Tông bèn cho chọn đất tốt trong Kinh thành để lập đền thờ. Còn chưa định được chỗ nào. [1a]
Đêm lại mộng thấy thần báo, chỗ đất bên phải trong thành phía sau chùa Thánh Thọ là nơi có duyên trước. Thái Tông y theo mệnh cho lập đền thần trong Kinh thành mé bên phải chùa Từ Ân[6].
Khi vua cha Thái Tổ băng hà, quần thần xin Thái Tông lên ngôi. Thần đã sớm báo mộng trước, báo cho Thái Tông biết ba vương là Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Vũ Đức vương có âm mưu làm chuyện phạm nghịch, xin vua có chuẩn bị để phòng ngự. Thái Tông tỉnh ra, sai bề tôi trong cung là Lê Phụng Hiểu chống giữ. Phụng Hiểu vung kiếm xông thẳng đến cửa Quảng Phúc, giết chết Vũ Đức vương, lấy áo chiến đem về báo công. Nội nạn được dẹp yên, đúng như điềm thần ứng mộng. Thái Tông lấy làm lạ lắm.
Năm Thiên Thành thứ nhất (1028) ra chiếu ban cho thần làm Thần chủ việc kết minh trong thiên hạ (Thiên hạ chủ minh天下主盟), ban thêm vương tước. Mỗi lần làm lễ hội minh trong miếu cho đắp đàn treo kiếm chiến chỗ trước thần vị, đọc lời thệ rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tiêu diệt”. Các quan từ cửa Đông Môn đi vào qua trước thần vị làm lễ uống máu, cứ hàng năm như lệ.
Từ thời Quốc triều ta gây dựng, trước trải các đời Ngô, Đinh, Lê ba họ ấy [1bcòn chưa tường chính thống kỉ cương, kẻ loạn thần tặc tử còn ý phản nghịch chưa hết, lòng trung mới thế, nên suy tôn thần vương làm chủ việc Minh thệ. Người người đều kính sợ linh thần, biết trước được lòng người ngay chính, nên không dám manh tâm hai lòng phản trắc. (Trích trong sách Quốc sử và các sách Trích quái, U linh).
Đến đời Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2 (1226), vẫn theo lệ cũ của triều Lý. Hàng năm ngày mùng 4 tháng 4, Tể tướng hội họp bách quan, từ lúc gà gáy đã tụ ngoài cửa thành. Khi trời còn chưa sáng thì vào trầu, nhà vua ra ngự phía trái điện Đại Minh. Trăm quan triều phục trầu bái, rồi ra ngoài cửa tây thành, đến trước đền thần làm lễ hội minh, uống máu ăn thề, lấy máu viết lời tuyên thệ rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan thanh bạch, có trái lời thề này, thần minh chu diệt”. Tuyên thề xong, quan Tể tướng kiểm duyệt các quan, thiếu ai thì phạt 5 xâu tiền. Ngày hôm ấy, dân bốn phương tụ hội xem đông nịch, là một ngày lễ lớn. (Việc trích trong Quốc sử).
Thời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Trùng Hưng, sắc phong thần làm: Linh Ứng Đại Vương靈應大王. Năm thứ 4 (1288), lại gia phong thêm 2 chữ: Chiêu Cảm昭感. [2a].
Thời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long năm thứ 21 (1313), lại gia phong 2 chữ: Bảo Hựu保佑, vì có công ngầm giúp vậy. (trích trong Việt U Linh Tập).
Thời Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế, năm Hồng Đức thứ nhất (1470), mùa đông tháng 10, Vua đi đánh Chiêm Thành ở phương nam, có sai quan đến tế đảo với thần. Khi đánh nhau với giặc, ở trước trận ẩn hiện như có quân binh đánh giúp quân ta chiến thắng vậy. Khi phá xong Chiêm Thành, đem quân khải hoàn, vua phong cho thần là: Đồng Cổ Điện Chủ Minh Đại Vương銅鼓殿主盟大王.
Các triều đều có gia phong:
Dực Chính Thuận Hòa Thông Tế Lẫm Liệt Hiển Hựu Quảng Đức Chương Tín Mặc Vận Khuông Hóa Phổ Huệ Tĩnh Nạn Định Quốc Hoằng Phúc Tuy Hưu Trinh Nghị Nhung Công Hộ Quốc Thâm Vật Diên Huệ Trùng Nhân Phổ Bác Uy Minh Khâm Triết Ưu Nghiêm Hoằng Lễ Đôn Nghĩa Đoan Túc Cung Ý Tuy Hựu Diễn Khánh Bố Đức[7] (62 chữ, không rõ phong từ triều nào)
Đầu đời Trung Hưng, năm vua Kính Tông Huệ Hoàng Đế năm Hoằng Định  thứ 2 (1601), ngày mùng 2 tháng 6, gia phong [2b]12 chữ là: Khoan Hồng Thông Duệ Tuyên Từ Hưng Tường Trợ Thắng寬洪聰睿宣慈興祥助勝. Lời sắc lại rằng: Ngũ nhạc tinh linh[8], muôn thửa miếu đường, núi sông tọa trấn. Khí thế hùng tráng muôn nghìn dặm, xông vượt sóng trào dòng sông sâu. Sắc là Uy Linh Đại Trợ威靈大助. Ba năm trợ giúp công lớn, đáng được gia phong.
Ngày 22 tháng 2 năm thứ 12 (1611), có công trừ tai giải hạn cho dân, có ân với nước khôi phục nước nhà. Thực là nhờ sức thần ủng hộ. Gia phong 4 chữ là: Quảng Hi Chí Đức廣禧至德. Lời sắc rằng: Khí bẩm tinh anh núi sông hun đúc. Nghe mà chẳng thấy, nhìn mà chẳng hay[9]. Trí diệu sâu thay, giải hạn trừ nguy công lao sáng rõ sự nghiệp như nhà Hạ, thờ tự được nổi như ở đời Ngu[10].
Năm thứ 19 (1618), núi Khả Lao vô cớ bị sụt. Mệnh quan đến cáo tế (trích trong Quốc sử)[11].
Đời vua Thần Tôn năm Vĩnh Tộ thứ 1 (1619)[12], ngày 25 tháng 6, có lệnh chỉ của chúa Đô Nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng phụ Bình An vương[13] cho bản xã [3acó đền được đặt chức Lại thu thuế cung thần, cung Lại. Người làng Nguyễn Xá[14] có 27 người (cung thần thuế 3 người) để phụng sự việc đền thờ thần.
Ngày 20 tháng Giêng năm thứ 2 (1620), vì có hiển linh giúp nước. Gia phong 4 chữ: Sùng Huệ Thuần Hựu崇惠純佑. Lời sắc rằng: Thông minh ngay thẳng, hương lửa cao bay. Nhìn mà chẳng thấy nghe mà chẳng hay[15]. Mênh mang như ở trên cao, giải tai trừ họa linh thanh hiển hách, công lao giúp dập rõ ràng. Lệ đáng bao phong ghi trong tự điển.
Ngày 29 tháng Giêng năm thứ 6 (1624). Chúa thượng là Nguyên soái Tổng quốc chính Thanh Đô vương[16] có lệnh chỉ cho dân Nguyễn Xá hàng năm các hạng tiền thuế quý, thuề hộ phân và sưu sai các thứ được miễn trừ.
Ngày 20 tháng 2, năm thứ 7 (1625)[17], có công hiển ứng ngầm giúp quốc gia. Được phong 2 chữ: Hiển Linh顯靈. Lời sắc rằng: Đất trời nên tú khí, núi thiêng dục tinh anh. Bẩm tư chất rất lạ rất thiêng. Lại trắc giáng lên xuống thường ân thường huệ. Phúc lộc cảm ứng tự nhiên. Ngầm phù mệnh nước Việt ta, lễ có đăng trật trong tự điển. [3b].
Ngày 24 tháng 2, năm thứ 8 (1626), giặc Mạc đến hàng, giúp nước có công[18].  Phong cho 4 chữ: Tuyên Từ Huệ Hòa宣慈惠和. Lời sắc rằng: Đất trời dưỡng dục sông núi đúc thành. Linh thanh hiển hách, mêng mang trên cao, trừ tai đuổi hạn, công lưu sáng rõ. Thực nhiều công phù hộ, đáng ghi gia bao phong điển lễ.
Ngày 17 tháng 11, năm thứ 9 (1627), chúa Thanh Đô vương có lệnh chỉ cho bản xã tuyển sái phu 18 người lo việc của bản đền.
Tháng 4 mùa hạ năm Long Đức thứ 1 (1629)[19], có hạn, mệnh sai quan đến tế cầu được mưa (việc chép trong Quốc sử).
Ngày 26 tháng 7, lại cầu được mưa, gia phong 4 chữ: Tế Thế Đạt Hiếu濟世達孝. Lời sắc rằng: Khí bẩm ngũ nhạc, trí sáng trăm loài. Đức thịnh ở trên mêng mang rộng lớn. Tế tự hưởng đến muôn đời. Công giúp dập tỏ linh, mạch nước dài hiển hách trăm năm. Nay lại cầu được mưa. Đáng ghi bao phong tự điển [4a].
Ngày mùng 6 tháng 8, năm thứ 2 (1630), lệnh chỉ cho Cai hợp, Lệnh sử, Phó đoán sự, Quế Lĩnh tử Đỗ Đình Khoa, lĩnh Thủy binh thuyền đưa đồ tế khí đến cho dân Nguyễn Xá giữ gìn việc tế tự.
Ngày mùng 2 tháng 10 năm ấy (1630), chúa Thanh Vương thấy điện miếu bị hư hại, lệnh chỉ cho Văn chức chỉ huy Thiêm sự Nhân Thọ nam Nguyễn Tất Thủ, Xá nhân Chỉ huy Đồng tri Lương Thụy tử Nguyễn Đăng Dụ, Tướng thần Tự thừa Khánh Nham nam Nguyễn Bá Phùng đốc suất dân đinh trong huyện Yên Định kiếm gỗ lim, tìm ngói miếng, để làm 5 gian chính đường của điện miếu và nhà Xuyên đường hình chữ Công 3 gian, một tòa nghi môn, 6 gian Túc yết[20] và Trù phòng[21] cùng tường bao 4 bên, làm cho thật bền chắc.
Ngày 29 tháng 3, năm thứ 4 (1632), vì triều thần bàn luận chuyện lập Thế tử để trọng quốc thể. Là việc lớn trọng đại. Nên gia phong cho 4 chữ: Dương Vũ Phù Tộ揚武扶祚. Lời sắc rằng: Mêng mang trên cao, hiển hách linh thiêng, nhìn mà không thấy, nghe mà không hay. Đức thần cực lớn lao thay [4b] 
Đảo thì ứng cầu thì đạt. Như cảm ắt thông. Các đời thế thần gìn giữ[22], lễ phong trong Tự Điển[23], văn chép cử hành.
Năm ấy, phong Sùng Quận Công Trịnh Kiều làm Tiết Chế Sùng Quốc Công[24], lại gia phong 4 chữ là : Hậu Trạch Trọng Nhân厚澤重仁.
Ngày 27 tháng 5 năm thứ 5 (1633), muốn thu khí hòa của trời đất, nên trai giới sảnh cung khắc kỷ thực ý cầu đảo, gia phong 4 chữ là: Dực Vận Tán Trị翊運贊治. Lời sắc rằng: Thực không kém với cái đức lớn của thần, nhiều lần chống tai đuổi hạn gắng công, muôn đời uy linh có công giúp dân giữ nước. Trăm năm miếu tế, mạch nước sâu dầy trợ chép lễ văn đề cử. Bao phong.
Ngày 24 tháng 5 năm thứ 6 (1634), thành tâm cầu đảo được ứng mưa lành[25]. Gia phong 4 chữ là: Cương Nghị Hùng Đoán剛毅雄斷. Lời sắc rằng: Dấu tích của tạo hóa, tinh linh của Âm Dương, hun đúc bởi Ngũ nhạc Tam quang[26], được chính khí, diệu hóa bách vi, thông vạn loại[27]. Nghiệm hữu hiển linh, nay nhân thời cảm thông, ghi điển bao phong.
Ngày 27 tháng 3 năm Dương Hòa 3 (1637), nghiệm có linh ứng giúp nước cứu dân, lại gia phong [5a]
bốn chữ : Tuy Lộc Diễn Phúc綏祿衍福. Lời sắc rằng: Đức lớn thịnh thay, thực không quá với sự linh nhìn không thấy, nghe không hay[28], mêng mang như ở trên cao, cảm ắt thông, cầu ắt ứng điều nguyện, linh hiển giúp dập có công nên đề cử bao phong, gia phong 6 chữ: Tích Mưu Khuông Quốc Hựu Dân 積謀匡國佑民.
Ngày 28 tháng 12 năm thứ 8 (1642), có việc đem quân đánh đảng giặc, thu phục lại biên cương. Có công giúp đại quân toàn thắng[29]. Gia phong 6 chữ: Bảo Dân Trợ Thuận Uy Anh保民助順威英. Lời sắc rằng: Đất trời dựng dục, sông núi kết tinh. Bẩm linh khí chất thiêng từ trời, anh linh khôn đoán. Giúp nước vững bền bằng Thái Sơn, ngầm trợ hiển linh thần, hưởng tế tự còn lưu trong Hoàng điển[30].
Đời vua Chân Tông Thuận Hoàng đế, năm Quý Mùi niên hiệu Phúc Thái thứ 1 (1643), ngày mùng 2 tháng 12, có sắc chỉ cấp cho bản xã, binh dân các hạng. [5b] 
Phụng sự đền miếu của làng Nguyễn Xá được miễn thuế quý[31] và các việc phu dịch. Lại ban cho thuế ngạch Quan điền[32], thuế đất bãi dâu vàng (Hoàng Tang châu thổ)[33], thuế đò, chợ các hạng để cung tiến việc hương khói (Nay vẫn còn bia đá bên đây[34]).
Ngày 17 tháng 7 năm Ất dậu thứ 3 (1645), hiện rõ linh ứng có công giúp mệnh nước, tăng vương thọ, giữ yên ngôi kế vị của nước nhà. Gia phong 6 chữ: Hoằng Mô Quảng Nghiệp Phong Công宏謨廣業豊功. Lại tăng thêm 4 chữ là: Kính Thiên Pháp Tổ敬天法祖. Lại thêm 6 chữ: Anh Linh Bảo Dân Trợ Uy英靈保民助威. Lời sắc ở trên rằng: Linh thông hiển hách, mênh mang trên cao, tai giải hoạn trừ, bảo cảnh một phương. Cầu tất ứng đảo tất thông. Phụng tế trăm năm, công lao giúp nước. Lễ đáng gia phong. Lại gia phong 6 chữ: Thịnh Đức Hiển Thông Diệu Cảm盛德顯通妙感 (do bản chính sắc bị khuyết[35]). [6a] 
Ngày mùng 2 tháng 10 năm Mậu Tý, thứ 6 (1648), hiển linh trừ gian khử ác. Cầu được như ý, giúp nước có công. Gia phong 4 chữ: Thần Thánh Tán Thành神聖贊成. Lời sắc rằng: Đức bẩm thông minh, tư kiêm chính trực[36]. Hương khói lẫy lừng. Rõ mà không thấy không nghe[37]. Hiển hiện vi diệu, nhiều phen giải ách trừ tai có công. Mệnh nước được tăng cường, Tự điển chép ghi đáng được gia phong.
Ngày 28 tháng 2 năm Ất sửu, thứ 7 (1649). Nhờ Hoàng thiên quyến mệnh, bảo hộ Vương gia, hiệp giúp Đế thất sinh được Hoàng tử. Khiến dòng giống được thịnh dài mãi mãi. Thực nhờ lực thần phù trì, đáng gia phong. Gia phong 6 chữ: Khoát Đạt Khoan Nhân Minh Trí豁達寬仁明智. Lời sắc rằng: Tính hay chính trực đức vốn thông minh. Được tinh anh của hai khí, thăng giáng khôn đo. Giúp tông xã nối phúc dài muôn ức vạn năm. Có công giúp giập nên đáng bao phong. [6b] [38] 
Lại đổi cho 10 chữ là: Thịnh Đức Hiển Thông Diệu Cảm Thần Thánh Tán Thành盛德顯通妙感神聖贊成, thành 6 chữ là: Vĩ Đức Hùng Tài Đại Lược偉德雄才大略.
Đời vua Thần Tông năm Khánh Đức thứ 4 (1652), ngày 29 tháng 2 năm Nhâm Thìn, có công ngầm giúp Vương phủ được Thiên triều tấn phong Phó Quốc vương[39]. Được nước gia phong 6 chữ: Trung Chính Túy Tinh Thần Vũ中正粹精神武.
Năm Thịnh Đức thứ 2 (1654), ngày 5 tháng 10 năm Giáp ngọ. Chúa Thanh Vương thấy điện miếu lâu năm bị sụt hỏng, lệnh dụ cho Thị Nội Giám tước là Nghĩa Hầu Lê Đình Kiên đốc dân đinh trong huyện lên vùng núi các nơi tìm mua gỗ lim loại xanh tốt để về dựng điện miếu. Dân hai xã Vệ Quốc, Quốc Bàng làm khán thủ[40] được miễn sưu dịch.
Ngày 6 tháng 7 năm Ất mùi, thứ 3 (1655), có công ngầm giúp hoàng gia thịnh trị, giúp vương thất vững bền, sĩ tốt thêm tăng uy vũ [7a]nhuệ khí trừ đảng gian ác, giúp đại quân thu thắng vạn toàn, thu phục lại giang sơn nhất thống, rất là linh ứng[41]. Gia phong 6 chữ: Phù Quốc Tán Mưu Trợ Uy扶國贊謀助威.
Ngày 6 tháng 4 năm thứ 4 (1656), Chúa Thanh Vương lại ngự ban 3 tòa kiệu và các đồ Tế khí. Giao cho dân làng Nguyễn Xá giữ gìn (hiện còn bia đá[42]).
Ngày 13 tháng 5 Nhuận năm ấy, có công ngầm giúp đại quân đánh dẹp yên phương Nam, trừ giặc cuồng bạo, thu được toàn thắng, linh nghiệm rõ ràng[43]. Gia phong 6 chữ: Thông Minh Chính Trực Uy Linh聰明正直威靈.
Ngày 11 tháng 9 năm Đinh dậu, thứ 5 (1657). Có công giúp mạch hoàng gia lâu dài, phúc ấm vương thất tiếp nối. Trợ đức vương kế truyền chính vị, giữ yên thiên hạ, ngầm trợ uy vũ phấn khích sĩ binh tinh nhuệ khí thế tiếu trừ nghịch đảng. Thu thắng vạn toàn, thống nhất giang sơn. Linh ứng được gia phong 6 chữ: Hộ Thế Thi Hiệu Hồng Huân護世施號洪勳. (lại phong nữa)[44] [7b] 
Được 10 chữ là: Thuần Tín Minh Nghĩa Trợ Thắng Đại Đức Thùy Viễn 惇信明義助勝大德垂遠. (nhưng nguyên bản bị rách khuyết).
Đời vua Huyền Tông Mục Hoàng đế, ngày 17 tháng 5 năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664). Đại Nguyên soái Chưởng quốc chính, Thượng sư Tây vương[45] có lệnh chỉ, cho dân xã Phù Diễn[46] được trông coi phụng sự đền thần, được miễn trừ các hạng thuế tiền quý, tiền hộ phân các việc. Nha môn các nơi không được nhũng nhiễu.
Ngày mùng 8 tháng 6 năm ấy, Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh, kiêm Thống quốc vụ Nghi Quốc công[47] ra chỉ, tha miễn cho dân làng Nguyễn xá các hạng thuế tiền quý, tiền hộ phân các việc. (Lệnh chỉ và Chỉ ban ra đều có bia đá.)
Ngày 18 tháng 4 năm Canh tuất, thứ 8 (1670), đánh dư đảng giặc họ Mạc, thu phục bờ cõi thành công, thần hiển oai linh trợ giúp. Được gia phong 6 chữ: Thông Minh Thần Công Thánh Đức聰明神功聖德.
Đời vua Gia Tông Mỹ Hoàng đế, ngày 17 tháng 5 năm Nhâm tý niên hiệu Dương Đức thứ 1 (1672), đem đại binh đánh dẹp giặc cuồng thu phục [8a]giang sơn về một chế độ[48]. Sai Phó cai ty, Xá nhân Vũ Nhượng tử, trai giới đến kính lễ cáo tế ở trước miếu.
Ngày 29 tháng 7 năm thứ 3 (1674), (là năm Giáp dần, năm ấy ghi nguyên lịch đã là năm niên hiệu Đức Nguyên năm đầu). Có công giúp hoàng gia bảo yên xã tắc vương nghiệp ổn định. Mệnh nước nhờ đó được trường cửu. Thật là linh ứng. Được gia phong 6 chữ là: Hiền Thánh Nhân Hiếu Công Cao賢聖仁孝功高.
Đời vua Hi Tông Hoàng đế, ngày 27 tháng 3 năm Kỷ mùi, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4 (1679), chúa Tây Vương thấy đền miếu lâu ngày bị hư hỏng. Có lệnh dụ cho bọn Thị nội văn chức lang trung Thái Dược bá Đỗ Phúc Miên, Nội giám Trẩn Lộc bá Ngô Liễn đến khảo sát, chuẩn định công trình. Theo số dân đinh liệu việc đủ để sửa sang. Ngày 21 tháng 9 năm ấy, lệnh dụ cho bọn Trấn thủ xứ Thanh Hoa là Thiếu bảo Lĩnh Quận công Ngô Hữu Dụng và Đốc đồng đạo Hưng Hóa, Giám sát Ngự sử Lê Hữu Trinh, tạm lấy tiền của quan khố 300 quan đến khảo sát. Nhân dân ở Nguyễn Xá mua lại của các tổng xã huyện Quảng Bình [8b] .
Trách sức cho huyện quan chuẩn bị đẩy đủ các hạng, theo suất mà phát tiền mua gỗ lim, trụ mộc, ngói miếng, đinh sắt các loại. Đưa về điện miếu xã Đan Nê thượng[49], rồi chọn ngày xây sửa. Một gian thượng điện hình chữ Công, ba gian trung điện hình chữ Công, ba gian hạ điện hình chữ Công với hai gian Giải hạ[50]; ba gian nhà Xuyên đường[51] bên trái với hai Giải hạ; ba gian nhà thay mã (Dịch Mã đường)[52] với 2 giải hạ, lại tu sửa tường bao bốn bên, chủ cho bền chắc.
Ngày tháng 6 năm Canh Thân, năm thứ 5 (1680), các quan Tham tụng Nguyễn Mậu Dương, Hồ Sĩ Dương có lời khải tâu rằng: Bọn Thị nội văn chức lang trung Đỗ Phúc Miên, Nội giám Ngô Liễn đến khám nghiệm khảo sát đền miếu Đồng Cổ. Các hạng tế khí được trên ban đều đã bị hỏng mọt. Nay kính xin ngự ban cho được như dấu tích cũ để dân Nguyễn Xá phụng thờ.
Ngày 14 tháng 12 niên hiệu năm Chính Hòa thứ 1 (1680), chúa Tây vương có lệnh chỉ truyền cho bọn Ty Lễ giám, Đồng tri giám sự Xá Lang hầu Hoàng Đình Tiến [9a] ,và Trẩn Lộc hầu Ngô Liễn đôn đốc việc làm các đồ tế khí. Xong việc sai quân chở về điện miếu giao cho dân làng Nguyễn Xá lĩnh giữ phụng sự các đồ tế khí ấy.
Ngày 20 tháng 3 năm Nhâm tuất, thứ 3 (1682), quan viên nhân dân, với quan Giám sát đạo Lạng Sơn, Ngự sử Trịnh Minh Lương cùng toàn xã theo lệ cũ bản đền hàng năm. Lệ tế xuân, trong tổng chỉnh biện lễ Thái lao[53] dê lợn các bàn đến tế. Năm trước quan huyện cũ  đã chia riêng các xã thôn tế riêng các đền, chỉ để cho 3 xã làm tế nhỏ ở bản đền. Đến nay quan huyện theo thế mà không sửa. Xin cho theo lệ trước để hợp lễ trong điển tế tự. Khi Phủ liêu phó cho quan ở Hạ lộ đến tra cứu. Có bọn Tham chính xứ Thanh Hoa là Nguyễn Viết Đương, Tham nghị Nguyễn Xuân Bỉnh tra xét đúng sự thực, có khải tâu lên, truyền cho được theo lệ trước.[54]
Ngày 24 tháng 6 nhuận năm Quý hợi, thứ 4 (1683), có công ngầm giúp Huân Vương Liễn, lên nối nghiệp chúa, năm giữ chính phủ, trông coi tông xã[55]. [9b]
Vững hồng đồ, thăng lễ bậc. Gia phong 6 chữ: Vọng Trọng Tán Hóa Tương Tòng望重贊化相從.
Ngày 29 tháng 7 năm thứ 19 (1698), Mậu dần, chúa Định Vương[56] có lệnh chỉ miễn trừ cho dân  Nguyễn Xá các thứ thuế tiến, thuế hộ cùng sưu sai các hạng.
Ngày 25 tháng 10 năm ấy, Khâm sai Tiết chế kiêm chưởng quốc chính Thái Úy Tấn Quốc công[57] có chỉ, cho dân Nguyễn Xá hàng năm được miễn các thức thuế tiền, thuế hộ cùng sưu sai các hạng.
Đời vua Dụ Tông Hòa Hoàng đế năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1680), ngày 10 tháng 8. Tự vương được kế thăng vương vị, coi giữ chính phủ, giúp giữ tông xã, củng cố nghiệp nước. Lễ đáng thăng trật. Gia phong 6 chữ là: Trinh Tường Gia Mỹ Khánh Huệ貞祥嘉美慶惠. Lời sắc rằng: Càn khôn gây dựng, sông núi đúc thành. Nền đức sung mãn [10a],khôn đoán anh uy. Giúp nước giúp dân vững bền cường thịnh. Âm chất tỏ tường, nối thừa mệnh lớn. Phong bao ghi trong tự điển. Ngày 26 tháng ấy, chúa An Đô vương có lệnh chỉ cấp cho dân Nguyễn Xá được miễn các hạng thuế quý, thuế hộ, đều được miẽn như cũ.
Ngày 23 tháng 9 năm Giáp thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724). Chúa An Vương[58] có lệnh chỉ chuẩn cho bản xã được miễn trừ các hạng tô thuế tiền quý, tiền hộ phân, tiền thuế quan điền được lượng trừ, lại thêm 20 suất binh để phụng giữ đền miếu.
Ngày 2 tháng 12 năm Canh tuất niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), chúa Uy Nam vương[59] có lệnh chỉ cho dân làng được chuẩn trừ như trước.
Ngày 10 tháng ấy, Tự vương lên nối ngôi. Có lễ đăng trật, gia phong cho 12 chữ là: Tuấn Đức Long Công Anh Triết Quả Nghị Quý Huệ Hoằng Dụ俊德隆功英哲果毅貴惠弘裕. Lời sắc rằng: Rạng rỡ anh linh cùng sông núi, giúp giữ dư đồ thấm [10b]đẹp muôn dân. Ngầm phù ngầm giúp, lẫm liệt như anh phong còn đó. Mạch nước nối dài, bảo vệ luân thường thuần hậu. Điển sắc đã tường, ơn trên yêu dưới. Đáng nêu điển cũ.
Đời vua Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế, ngày 24 tháng 7 năm Canh thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 1 (1740), tự vương được lên ngôi báu, coi quyền chính phủ. Giữ yên tông xã, củng cố nghiệp vua. Có lễ đăng trật đáng gia phong 6 chữ: Văn Đức Vũ Công  Anh Triết文德武功英哲 (vì bản chính bị rách).
Ngày mùng 6 tháng 4 năm Giáp tý, thứ 5 (1744), chúa Minh vương[60] có lệnh chỉ chuẩn trừ cho bản xã các hạng thuế tiền quý, tiền hộ phân các việc.
Ngày mùng 8 tháng 8 năm Đinh hợi, thứ 28 (1767), Tự vương lên nối ngôi, trông coi chính phủ. Có lễ đăng trật. Gia phong 6 chữ: Thần Uy Duệ Toán Hùng Lược神威睿纂雄略. Lời sắc rằng: Trên cao to lớn, Hiển hách linh thiêng, trừ tai giải họa. Công đức ngầm giúp một thời [11a]lưu danh lành cho vạn đại. Nay công phù hộ tiếng thơm đã rõ, sách điển hiệu sáng nên đáng nêu trong điển thờ.
Ngày 28 tháng 9 năm ấy, chúa Tĩnh Đô vương[61] có lệnh chỉ trừ miễn các hạng thuế tiền quý, tiền hộ phân các việc.
Ngày 13 tháng 10 năm Canh dần, năm thứ 31 (1770), có công hiển ứng. Gia phong 4 chữ là: Hiệu Linh Dực Thắng.
Ngày 24 tháng 3 năm Tân mão, năm thứ 32 (1771). Chúa Tĩnh Vương ngạ giá tuần thú về nơi thang mộc ấp. Gia phong  6 chữ là : Bí Sảng Diệu Linh Hiệu Thuận賁爽妙靈號順 (vì bản chính bị rách nát) [11b]. 
Ngày 17 tháng 4 năm Bính thân, năm thứ 37 (1776), chúa Tĩnh Vương có lệnh chỉ lượng trừ 20 suất lính cho lo việc phụng giữ miếu đền.
Ngày 26 tháng 7 năm Quý mão, năm thứ 44 (1783), tự vương lên ngôi, nắm giữ chính phủ. Có lễ đăng trật. Gia phong 4 chữ: Hiển Đạo Thịnh Đức顯道盛德. Lời sắc rằng:
Ngũ nhạc đúc anh linh, tam quang nuôi tú khí.
Bờ nam cương kỉ vững nghìn năm, giữ cho Ngao trụ[62] yên bền;
Biên tây linh thiêng dậy muôn thủa, ngầm giúp dân Hồng[63] khang thái.
Nên tướng[64] đã thành ơn lạ, bao phong cho đủ điển chương.
Ngày 28 tháng 10 năm Giáp thìn, năm thứ 45 (1784), chúa Đoan Nam vương[65] có lệnh chỉ cho lượng trừ 20 suất lính để cho lo việc phụng giữ miếu đền. Miễn trừ các hạng hộ dịch khác.[12a]
HẾT.

Khảo sát văn bản, dịch nghĩa chú thích từ nguyên bản lưu tại đền Đồng Cổ thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Tp. Hà Nội


Viện nghiên cứu Hán Nôm xác nhận

Hà Nội, ngày 4 tháng 6 năm 2009
Người khảo cứu, dịch chú: Nguyễn Đức Toàn




[1] Núi Tam Thai: tức là núi Khả Lao, có một số sách chép là núi Đồng Cổ.
[2] Nguyễn Xá sau đổi thành Nguyên Xá.
[3] Các sắc phong hiện còn chủ yếu là sắc phong đời Tây Sơn và đời Nguyễn. Không có sắc đời Lê, có thể bản Thần phả  này chép lại từ nguyên văn các sắc phong đời Lê, trước khi các sắc này bị hư hỏng.
[4] Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
[5] Di Biên chưa rõ là sách nào.
[6] Có thể là vị trí đền ở bên dòng Tô Lịch, nay là đền Đồng Cổ, đường Thụy Khuê.
[7] Đây là các Mỹ tự gia phong cho thần Đồng Cổ. Mỹ tự là các từ hay từ đẹp xứng với công đức tài trí của vị thần được thờ phụng. Nên giữ nguyên văn phiên âm Hán Việt và không dịch.
[8] Ngũ nhạc: 5 ngọn núi lớn, gọi là Ngũ nhạc tinh linh, ý nói là khi thiêng của núi cao chúng đúc nên Thần.
[9] Nhìn không thấy, nghe không hay: Chỉ sự linh thiêng của Thần, dù có nhìn cũng không thể thấy, có nghe cũng không biết. Rất thiêng, người thường không thể dùng mắt thường tai thường cảm nhận được.
[10] Nhà Hạ () là triều đại của vua Vũ, được miêu tả trong các ghi chép sử học cổ đại; Nhà Ngu, tức triều đại của vua Thuấn () là một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại, nằm trong Tam Hoàng Ngũ Đế. Đây ý chỉ nhờ công lao Thần phù hộ cho sự nghiệp của vua ta được yên vững như nhà Hạ nhà Ngu vậy.
[11] Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 4 năm ấy, núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê thượng, huyện Yên Định bị lở. Sai quan đến cáo tế. Bản Kỷ - Quyển XVIII/tr14a
[12] Nguyên văn chép là Vĩnh Hựu nguyên niên永祐元年 là 1735, lúc ấy Bình An vương Trịnh Tùng đã chết từ lâu. Chắc là nhầm của năm Vĩnh Tộ 1(1619), chúng tôi sửa lại.
[13] Bình An vương: Chúa Trịnh Tùng.
[14] Nguyễn Xá: nay là thôn Nguyên Xá.
[15] Xem chú số 3
[16] Thanh Vương: Chúa Trịnh Tráng có vương tước là Thanh Đô vương, gọi tắt là Thanh Vương
[17] Chữ bị mờ nét, theo thứ tự chúng tôi đoán là năm thứ 7 (1625).
[18] Theo sách Việt sử thông giám cương mục thì năm 1625, đem quân đánh Mạc Kính Cung, bắt được đem giết. Cháu Kính Cung là Mạc Kính Khoan thua chạy, dâng biểu xin hàng, triều đinh y cho trấn giữ ở biên cương. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XXXI/ tr690
[19] Nguyên văn chép là Long Đức nguyên niên (1732), theo mạch văn chúng tôi cho là chép nhầm của năm Đức Long nguyên niên (1629). Chúng tôi sửa lại. Đối chiếu thì đúng năm 1629, Mùa hạ, tháng 4, có hạn hán. Đổi niên hiệu là Đức Long năm thứ 1. Đại xá.(Toàn thư  Sđd- Bản Kỷ - Quyển XVIII)
[20] Túc yết: là nhà trai giới sửa soạn trước khi vào chính điện làm lễ.
[21] Trù phòng: Nhà bếp.
[22] Đoạn này nguyên văn có mạch chưa rõ. Chúng tôi tạm theo ý chính để diễn dịch.
[23] Tự điển: 祀典: tức điển thờ cúng của quốc gia gọi là Tự điển, chứ không phải là Tự điển để tra chữ tra từ ngày nay.
[24] “phong Tả tiệp quân dinh Thái phó Sùng quận công Trịnh Kiều làm Khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự [31a] phó chưởng quốc chính thái uý Sùng quốc công, mở phủ gọi là phủ Hùng Uy” (Toàn thư  Sđd- Bản Kỷ - Quyển XVIII)
[25] Theo Toàn thư thì năm ấy hạn nặng, phải đến đầu thu mới có mưa (Toàn thư  Sđd - Bản Kỷ - Quyển XVIII/ tr34a)
[26] Ngũ nhạc: 5 ngọn núi cao nhất gọi là Ngũ nhạc; Tam quang tức mặt trời, mặt trăng và sao gọi là Tam quang. Đây ý nói thần là tinh khí của núi sông trời đất hợp nên. Rất là linh thiêng
[27] Bách vi, Vạn loại: Là từ chỉ chung cho muôn vật trong trời đất. Ý nói Thần là bậc tinh tú hơn hết tất cả.
[28] Nhìn không thấy, nghe không hay: Chỉ sự linh thiêng của Thần, dù có nhìn cũng không thể thấy, có nghe cũng không biết. Rất thiêng, người thường không thể dùng mắt thường tai thường cảm nhận được.
[29] Theo Toàn thư thì chỉ có năm 1643, có đi đánh Thuận Hóa.
[30] Hoàng điển: cũng như Tự điển. Nói đền cái sách lớn của vua, ghi chép những chuyện trọng đại, gọi là Hoàng điển.
[31] Thuế quý: 季稅 nói tiền quý, có thể là loại thuế tính theo quý.
[32] Quan điền: ruộng quan, loại ruộng bị đánh thuế cao. Nay cũng được miễn.
[33] Nguyên văn: 黃桑洲土. có thể là chỉ đất trồng dâu mới khai khẩn ven bãi sông, cũng bị đánh thuế. Nay cũng miễn trừ cho.
[34] Trước đây ở đền có bia. Nhưng hiện nay đền Đồng Cổ ở thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm ngày nay không còn tấm bia nào. Chúng tôi cần khảo sát thêm. Có thể bia đã được chuyển đi nơi khác.
[35] Văn bản thường chú những câu như vậy, chứng tỏ các sắc phong cũ ghi chép đã bị mai một, nhân dân phải chép thêm mỹ hiệu của thần vào bản Thần phả  này.
[36] Tư chất lại ngay thẳng
[37] Xem chú số 6 tr4
[38] Thực chất theo Toàn thư thì năm ấy vua Lê Chân Tông mất, không có con, Thái thượng hoàng Thần Tông lại phục vị.
[39] Thiên triều, tức là Trung Quốc. Các vua nước ta đều chịu sự tấn phong của các thiên tử Trung Quốc. Đây nói việc chúa Trịnh Tráng được Trung Quốc phong là An Nam Phó Quốc vương. Nhờ oai linh của thần nên phong cho Thần 6 chữ dưới. Nhưng theo Toàn thư thì nhà Minh phong cho Thanh vương làm Phó Quốc vương là vào tháng 10 năm 1651.
[40] Khán thủ: chức trông coi đền miếu
[41] Chỉ việc đánh nhau với quân chúa Nguyễn ở Nghệ An.
[42] Xem chú 11 tr5. Hiện tại đền không còn bia. Khi soạn Thần phả  này bia đá hãy còn.
[43] Tháng 5 nhuận năm 1656, quân nhà Trịnh đánh nhau với quân chúa Nguyễn ở cửa biển Đại Nại, Nghệ An. Trận ấy quân chúa Trịnh thắng lớn.
[44] Năm 1657, chúa Trịnh Tráng mất, chúa Trịnh Căn lên ngôi, em là Trịnh Toàn ngầm làm phản, bị Trịnh Căn bắt, không nỡ giết, chỉ an trí trong ngục. Đây nói sự phản loạn bên trong, quân chúa Nguyễn gây sự bên ngoài, nhờ oai thần mà dẹp yên được cả.
[45] Tây vương: tức chúa Trịnh Tạc.
[46] Phù Diễn: có thời kỳ gọi là Phú Diễn. Thôn Nguyên Xá xưa thuộc Phù Diễn.
[47] Nguyên văn chép là Tuyên quốc công, chắc là chép nhầm chữ Nghi thành chữ Tuyên chúng tôi sửa lại
[48] Theo Toàn thư ghi, con Trịnh Tạc rước vua Lê Gia Tông ngự giá đi đánh Quảng Nam, sai con là Trịnh Căn đem đại quân sang sông đánh nhau với quân chúa Nguyễn. Lần ấy cũng thu được thắng lợi rồi rút quân về.
[49] Xã Đan Nê thượng: nơi đất gốc của Thần Đồng Cổ, cũng có đền thờ. Theo Toàn thư thì xã này ở huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa
[50] Nhà Giải hạ: là 2 nhà sắp lễ ở 2 bên cánh.
[51] Nhà Xuyên đường: là gian nối giữa thông từ tiền đường ra trung hoặc hậu đường
[52] Dịch Mã đường: nhà thay áo để vào hành lễ.易禡堂
[53] Thái lao: Là lễ tế lớn.
[54] Lệ tế thần Đồng Cổ là lệ tế lớn của dân trong cả 1 tổng, sau bị Huyện quan thay đổi thành lễ nhỏ của các xã tế riêng nhau. Nay dân lại xin làm theo lệ lớn như xưa. Điều tra thấy đúng sự thực, nên y cho.
[55] Ý nói Trịnh Tạc mất Trịnh Căn lên thay. Trịnh Căn có tước là Huân Vương ?
[56] Định vương: cũng là tước của chúa Trịnh Căn.
[57] Tấn Quốc công: chúa Trịnh Bính
[58] An vương hay An Đô vương: chỉ chúa Trịnh Cương
[59] Uy Nam vương: chúa Trịnh Giang
[60] Minh vương hay Minh Đô vương là chúa Trịnh Doanh.
[61] Tĩnh Đô vương, hoặc Tĩnh Vương: tức chúa Trịnh Sâm.
[62] Ngao trụ: Ý nói nền xã tắc vững bền như trên trụ chân ngao. Theo truyền thuyết cổ, cả thiên hạ nằm trên các trụ chân của một con ngao khổng lồ.
[63] Hồng dân鴻民: Chỉ dân Việt ta, thuộc dòng Hồng Lạc.
[64] Nói việc Thần là tinh anh của sông núi, tụ thành hình tướng.
[65] Đoan Nam vương: tức chúa Trịnh Tông, con trưởng của Trịnh Sâm.