Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Sách Lịch sử thư pháp Việt Nam - Lời tựa (Trần Trọng Dương)


Sách Lịch sử Thư pháp Việt Nam - Tác giả Nguyễn Sử
Viết Tựa Trần Trọng Dương


LINH HỒN CỦA XÁC CHỮ (copy trên Facebook)

(thay lời bạt, cho cuốn “Lịch sử thư pháp Việt Nam” 2017, của 
Sử Nguyễn)
Trần Trọng Dương

Ngàn năm sót lại một người,
Ngồi trên chiếu rách viết lời vàng son.

(Ca dao)

Vào cái thời kim tiền, ai cũng hân hoan khởi nghiệp, lại có kẻ dở hơi giời đày đi lần mò khôi phục những xác chữ của trăm năm ngàn năm trước. Kể cũng là một hành động tự sướng tâm hồn, hay tự thỏa mãn duyên nợ trí tuệ trong một cuộc hành xác mới!
Sẽ chẳng có mấy người có thể hiểu được cái khái cảm lịch sử khi ai đó cất công trục vớt màu thời gian, như Trương Hán Siêu phủi bụi đọc bia; hay Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú vạch rêu xanh tìm lại dấu cũ tiền triều. Cuộc khảo cổ chữ nghĩa cũng giống như một trò chơi, ai bóc tách được các trầm tích thời gian, người ấy đang làm một cuộc du hành xuyên lịch sử. Mà lịch sử thì chẳng câu nệ chính trị hay chiến tranh, người Kinh hay người Thổ; lịch sử hiển hiện ở từng cái tăm, từng vảy ngữ âm, từng nét đao nét mác, cho đến mũ áo ngàn năm, thuyền bè xe cộ, đền đài lâu các… Nhặt mảnh gốm mà hiểu bàn tay thợ gốm, đọc nét chữ mà hiểu đao pháp trên đá gỗ ngàn năm. Nhìn chỉ dấu mà giải mã được linh hồn của những xác hiện vật, ấy cũng là kỹ năng mà người đời nay không mấy ai có được. 
Nhưng may ra thế kỷ trước cũng đã có ông Nguyễn Tuân ca ngợi nét chữ rồng bay phượng múa thể hiện tráng chí đời người của tử tù Huấn Cao, nên sau đấy dân chúng mới biết đến thư pháp như là cái bóng vang của một thời quá vãng. Có khi trộm nghĩ, cái lối chữ vuông như hòm theo kiểu chữ kiếm cơm (can lộc) của đám thư lại do ông Huấn Cao viết kia, hoặc là quá hợp với cái số mệnh gông cùm của ông, hoặc là quá trái ngược so với chí khí quật khởi của người vận bút. Nhưng chả ai quan tâm đến những chi tiết vụn vặt như vậy, bởi lối văn chương ma mị của họ Nguyễn đã quá khoái khẩu nhân quần. 
Đã qua rồi những hồi nồi da xáo thịt, chữ Hán được tuyên truyền như là hiện thân của bọn phong kiến phản động và lạc hậu. Nhưng vẫn còn đó cái quan niệm coi loại chữ này như là những di hại từ quá khứ, thể hiện cho tinh thần lệ thuộc của mấy kẻ được gọi là Hán nô, Hán gian. Sự gieo mầm - tưới đẫm trong ý thức hệ thượng tầng đã đơm hoa kết trái trong nhận thức ở hang cùng ngõ hẻm. Nếu trong kháng chiến, chữ nghĩa ông cha bị coi như tàn tích của ý thức hệ cũ cần phải tiêu thổ và cải cách; thì đến tao đoạn từ sau năm 1979, văn tự cũng trở thành kẻ thù trực diện. Sách vở được đem hóa vàng thiên cổ hay làm mồi cho làng pháo Bình Đà, mộc bản thế thân thay tem phiếu cho cán bộ trong lúc thiếu củi nấu cơm. Giảng viên, sinh viên khoa tiếng Trung cũng buộc phải thay nghề cải nghiệp... Người ta chống Tàu bằng cách triệt tiêu chữ Hán và cả những người biết chữ Hán. Sự giải Hoa không phải lúc nào cũng đồng nhất với việc chống Tàu, còn sự chống Tàu được trao quyền nuốt chửng tất cả. Lòng nhiệt tình lên ngôi tiếp tay cho những phá hoại từ bên trong. Chưa bao giờ thư tịch cổ và văn hóa truyền thống bị phá hủy nhanh và quyết liệt như khi chính chủ thể văn hóa ruồng giẫy nó. Trong khi, bài học giản đơn từ ngàn năm độc lập tự chủ là dùng chữ Hán để chống bành trướng đại Hán và mở mang bờ cõi thì không mấy khi được nhắc nhớ đến.
Đông Âu sụp đổ, Đông Á tái duyên. Thư pháp hai chục năm trở lại đây mới dần được khôi phục. Cái đẹp vàng son một thuở được hồi sinh dưới sự dẫn dắt của hoài niệm cố hữu và ý chỉ bản sắc dân tộc, nhưng cũng đã phủ đầy những xáo động nhộn nhạo của đời sống đương đại. Những lúc chữ nghĩa vỉa hè mới cảm thấy ái ngại cùng Vũ Đình Liên về những kiếp người mang chữ ra lề đường kiếm sống vào hồi mạt vận của Nho học. Vì thế cũng sẽ có người cho rằng, cuốn sách đang cầm trên tay chẳng qua cũng là một trò chơi xa xỉ và lỗi thời của mấy người hiếu sự cổ kim. Chữ thì cũng đã chẳng mấy ai thiết đến, lại còn cố tỉa tót cái đẹp trên bề mặt vật chất đã quá phôi pha, giống như việc quật nắp quan tài, ngắm gương mặt cổ nhân trong thoáng sát na, rồi theo khói nhang mà loãng tan vào hư thoảng! 
Liệu có ai cảm được linh hồn của những xác hình xưa cũ?
Viết ở thượng nguồn Nhuệ Giang, Từ Liêm cố huyện
25/10/2016
TTD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét