Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Một lời giải oan cho địa danh Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn/ Brian

Một lời giải oan cho địa danh Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn
https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/1864793747104912?pnref=story
Bài viết dài. Chắc là bạn lại phải ngồi ăn tô bún riêu mà đọc cho hết quá. Ai kêu bạn mê sử làm gì ? Hơ hơ ...
Ngày nay, nhờ sự bùng nổ của mạng lưới Internet và sự phổ biến rộng rãi của các bộ sách sử chữ Hán nước nhà được dịch sang Quốc Ngữ, mà người trẻ Việt Nam đã và đang được mở mang kiến thức của mình rất nhiều về những sử kiện nước nhà. Nhưng trong việc mở mang kiến thức này, cho đến nay, mình vẫn chưa thấy có một vị thầy, một giáo sư, một sử gia nào, trong lẫn ngoài nước, đã viết và nêu lên đúng và đủ cho người trẻ, trong đó có mình, về địa danh Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn.
Dĩ nhiên, bạn phản luận rằng đã có vài bài viết về sự khác nhau giữa địa danh Thăng Long 昇龍 trước thời Nguyễn và Thăng Long 昇隆 vào thời Nguyễn. Nhưng mình hỏi bạn, có đúng là các bài viết này đều DỪNG LẠI ở việc diễn giảng sự khác nhau trên không ? Chưa có một ai lên tiếng về những gì người ta đã phân tích sai và hiểu sai về địa danh Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn cả. Có lẽ các nhà nghiên cứu không muốn viết thêm về điều này vì sự nhạy cảm của nó. Nhưng đáng buồn, là ngày nay, từ đầu đường ra xó chợ, từ góc phố tới báo chí nhà nước, người ta đều đánh giá rất cao cụm từ Thăng Long 昇龍 thời tiền Nguyễn. Và đáng ngạc nhiên hơn cả, là người ta còn trích đoạn bài viết của sử gia Trần Huy Liệu về địa danh Thăng Long, và gần đây nhất, là việc vào năm 2010, còn có cả một nhóm trí thức thuộc hàng đại thụ của nước nhà như nhà văn Tô Hoài, GS Hoàng Tụy, GS Vũ Khiêu, GS Vũ Tuyên Hoàng, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Chủ tịch LHHVHNT Hà Nội nhà thơ Bằng Việt, GS Sử học Phan Huy Lê, TTK Hội KHLS Việt Nam Dương Trung Quốc và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã nêu lên việc kiến nghị với nhà nước phục hồi tên Thăng Long 昇龍 cho thủ đô Hà Nội.
Nhưng có thật là những gì nêu lên trong bài viết của sử gia Trần Huy Liệu, được viết vào những năm 1960s, đã viết đúng và đủ về sử kiện xoay quanh địa danh Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn không ? Hoàn toàn KHÔNG. Đáng kinh ngạc hơn nữa, là ông đã viết SAI HOÀN TOÀN từ trên xuống dưới khi bàn về những sử kiện xoay quanh địa danh Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn. Đây, theo bài viết với tựa đề Thăng Long - Hà Nội với nhiều tên gọi trên trang mạng http://thanglong.gocom.vn/…/thang-longha-noi-voi-nhieu-ten-…, còn viết rõ "Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội cho biết: "Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở tại nơi cũ là Phú Xuân (tức Huế - TM), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyến làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ "Long" là Rồng thành chữ "Long" là Thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "rồng" (Trần Huy Liệu (chủ biên). Lịch sử thủ đô Hà Nội, H. 1960, tr 81).".
Vậy khi mình đọc Đại Nam Thực Lục, là bộ sử quan trọng vào bậc nhất khi ta nghiên cứu về nhà Nguyễn, thì các sử kiện trên đã được chép ra sao ?
. KHÔNG ! Đoạn "Gia Long ... không ra Thăng Long" là không có thật. Theo ĐNTL tập 1, năm 1802, khi ra quyết định cho quan Nguyễn Văn Thành chức Tổng Trấn Bắc Thành, vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long) đang ở Thăng Long giải quyết đủ chuyện, mà trong đó việc phong chức cho quan Nguyễn Văn Thành là việc vua đã ban lệnh trước khi ngài về lại Phú Xuân.
. KHÔNG ! Đoạn "đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc" là không có thật. Theo ĐNTL tập 1, thì chính nhà Tây Sơn đã đổi địa danh Thăng Long đã có ngàn năm thành Bắc Thành trước đó.
. KHÔNG ! Đoạn "Kinh thành đã chuyển làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi" là không có thật. Đến mãi năm 1805, khi thành Thăng Long được đắp lại, thì vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long) mới lệnh cho đổi tên địa danh Thăng Long 昇龍 trở thành Thăng Long 昇隆. Từ năm 1802 đến năm 1805, Thăng Long 昇龍 vẫn là Thăng Long 昇龍.
. KHÔNG ! Đoạn "Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long" là không có thật. Chính vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long) đã lấy lại tên Thăng Long sau khi tên Thăng Long đã bị dẹp đi bởi nhà Tây Sơn trước đó.
. KHÔNG ! Đoạn "lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "rồng"" là không có thật. Chưa có sử gia nào dám nhận định chắc chắn về lý do đằng sau của sự đổi chữ Hán của từ Long này.
Nên bạn thấy đó, sử gia Trần Huy Liệu đã viết sai gần như 100% các sử kiện liên quan đến địa danh Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn. Nó cho thấy, hoặc là ông tuy là chủ tịch hội KHLS Việt Nam thời bấy giờ, nhưng có thể ông KHÔNG biết chữ Hán để mà hiểu rõ khi phân tích, hoặc giả ông KHÔNG đọc kỹ sử kiện, hoặc đáng buồn hơn, ông BẺ CONG cả ngòi bút của một sử gia, mà đáng lẽ trên cương vị là chủ tịch hội KHLS Việt Nam, ông không thể nào viết một bài viết sai lầm về sử kiện đến vậy.
Còn đáng buồn hơn, là các trang mạng tại Việt Nam ngày nay trích đoạn tràn lan về bài viết này của ông. Cả Wikipedia về Thăng Long cũng dẫn theo câu nhận xét của ông về Thăng Long. Nhưng xưa nay, mình chưa thấy ai nêu lên việc ông viết sai nhiều đến vậy là đáng chê trách. Vậy nếu bạn có bao giờ đọc bài của ông phân tích về các sử kiện quanh việc thay đổi địa danh Thăng Long thời Nguyễn, bạn cũng nên lưu ý là những phân tích từ sử gia Trần Huy Liệu, nguyên chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, là sai và hoàn toàn có hại cho sự hiểu biết về sử kiện nước nhà. Bài viết đáng phê phán này của ông đã và đang DÃ SỬ HOÁ và DỐT HÓA người Việt ta về sử. Bạn nên cẩn trọng khi đọc nó.
Và dĩ nhiên, nếu đúng là sử gia Trần Huy Liệu chưa hề viết như người ta đã trích đoạn từ quyển Lịch sử Thủ đô Hà Nội, thì mình xin lỗi ông và yêu cầu các cơ quan nhà nước bắt buộc các trang mạng, trong đó có cả các trang mạng nhà nước, cập nhật lại cho việc trích đoạn đáng chê trách này.
====
Vậy còn việc kiến nghị với nhà nước phục hồi tên Thăng Long 昇龍 cho thủ đô Hà Nội của các bậc đại thụ vào năm 2010 thì sao ? Thì mình xin tác giả chính của bản kiến nghị này, là KTS Trần Thanh Vân nên xem lại nhận xét của ông. Đó là câu nhận xét "Mặt khác, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu "Gia Long" tức "nhà giàu", như vậy nhà vua chỉ quan tâm đến sự sung túc mà không quan tâm đến thế con rồng bay lên trời cao nữa." Mình không hiểu vị KTS này học chữ Hán ra sao, chứ giảng Gia Long 嘉隆 thành ra "nhà giàu" thì theo mình là có đủ vấn đề về hiểu đúng và đủ cụm từ Gia Long hoặc Thăng Long. Tại sao ? Vì nếu bạn đọc sử, bạn sẽ thấy rõ:
1. Thăng Long 昇龍 tức rồng bay lên, trong cả mấy trăm năm thời Lê Trung Hưng đều toàn chiến tranh cả. Các chúa Trịnh đã ép vua Lê mãi và triều chúa Trịnh ở Thăng Long cứ mãi Bắc phạt Mạc, Nam công Nguyễn trong các thời gian đầu đầy gian khổ. Nước nhà chia đàn xẻ nghé đọc lại còn thấy buồn cho tình cảnh nước ta lúc ấy.
2. Thăng Long 昇龍 tức rồng bay lên thời Tây Sơn đã bị triều Tây Sơn xóa sổ với cái tên không thể nào quê hơn là Bắc thành. Bạn lưu ý là triều Tây Sơn là một triều đại đã và đang được chế độ tại Việt Nam đánh giá cao là triều đại của nông dân, của áo vải cờ đào. Nhưng trớ trêu là triều Tây Sơn này lại là triều đại đi đến đâu cướp bóc khủng khiếp tới đó để có tiền nuôi sống chính quyền quân đội của họ, song song với việc cướp bóc, triều Tây Sơn cũng là triều đại "cõng rắn cắn gà nhà" qua việc toa rập ăn chia với hải tặc Tàu Ô cướp bóc giết người kinh khủng vùng vịnh Bắc Bộ và phong chức tước cho các thủ lãnh của nhóm hải tặc này để bọn họ làm nhóm hải quân chính đánh nhau với quân chúa Nguyễn. Và giờ bạn biết thêm rồi đó, chính triều Tây Sơn cũng là triều đại đã xóa sổ tên Thăng Long ngàn năm và thay vào đó là tên Bắc Thành. Ngược lại, chính vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long) đã cho xây lại thành Thăng Long, lấy lại tên Thăng Long (và đổi sang dùng chữ Long mới), lẫn việc dẹp loạn giặc hải tặc Tàu Ô và bắt các thủ lĩnh Tàu Ô trả về Tàu. Bạn có thấy tức cười không ?
3. Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn, ngoài sự hiểu biết thông thường là sự thịnh vượng lên cao, nó còn có ý nghĩa đẹp hơn nhiều mà có lẽ bạn không biết. Chữ Thăng 昇 còn đồng nghĩa với chữ Thăng 升 này, mà chữ Thăng 升 này có ý nghĩa là Thăng Bình 升 平 tức thời thái bình đó bạn. Nên Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn không hẳn chỉ là sự thịnh vượng lên cao như bạn thường biết, mà Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn có thể cần được hiểu đúng hơn là niềm mơ ước của vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long) cho sự "thanh bình thịnh vượng" của vùng đất văn vật Thăng Long. Tại sao bạn có thể nghĩ là ước mơ thanh bình, thịnh vượng của địa danh Thăng Long 昇隆 lại yếu hơn nhiều so với ý nghĩa của địa danh Thăng Long 昇龍 là rồng bay lên ? Rất có thể, vào đầu đời vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long), Thăng Long đã không còn là Thăng Long, mà chỉ là một bộ sườn rỗng tuếch do chiến tranh, nên có lẽ, chính vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long) đã thấy sự hoang tàn, sự khổ đau của người Bắc, sự tan thương của vùng đất văn vật nước ta, nên ngài đã đổi tên Thăng Long tức rồng bay lên thành ước mơ Thăng Long 昇隆 cho sự thanh bình thịnh vượng để người dân được ấm no sau bao nhiêu năm chiến tranh đói khổ ? Bạn mà làm vua đã chắc nghĩ về dân hơn ngài chưa để mà bạn đánh giá là Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn dìm hàng Thăng Long 昇龍 thời tiền Nguyễn ? Bạn có chắc việc đổi cách viết này là đáng xấu hổ không ? Mình mời bạn suy gẫm lại vậy.
Mình còn đọc đâu đó, người ta đề cao Thăng Long 昇龍 là rồng bay cao mới đáng tự hào. Thế nhưng bạn nghĩ lại xem, Thăng Long 昇龍 tức rồng bay cao để mà làm gì, khi mà Thăng Long chỉ còn bộ sườn rỗng tuếch ? Thăng Long 昇龍 tức rồng bay cao để mà làm gì khi người dân không có cơm ăn áo mặc ? Thăng Long 昇龍 tức rồng bay cao để mà làm gì khi cuộc đất này không có cả sự thanh bình thịnh vượng để mà có được cảnh "Dập dìu tài tử giai nhân. Ngựa xe như nước áo quần như nêm" ? Ở Mỹ mình được dạy về cách nhìn thực tiễn về ước mơ và hoài bão, đó là "Vision Without Execution Is Just Hallucination" tức dịch nôm na là "hoài bão mà không thực hiện được thì chỉ là ảo giác". Nên mình thích cụm từ Thăng Long 昇隆 của vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long) lắm. Nó rất thiết thực, rất nhân văn. Nó nói lên ước mơ cho sự thái bình thịnh vượng ở cuộc đất ngàn năm văn vật đã bị người ta dày xéo hơn cả trăm năm này. Nên mình không hiểu khi vị KTS Trần Thanh Vân lẫn các học giả đại thụ tại Việt Nam kia đưa ra kiến nghị đổi tên thủ đô Hà Nội với tên Thăng Long 昇龍, họ có giải pháp gì để cho người dân Hà Nội được sống trong thái bình, thịnh vượng không ? Để giúp cho những bà con nghèo có công ăn việc làm không ? Để nhà nhà từ xóm sau ra ngõ trước đều có tiếng cười lời ca cho sự ấm no không ? Hay họ chỉ nêu lên để cho dân ta chỉ ăn một cái bánh vẽ Thăng Long 昇龍 mà ngày nay còn có trường hợp tương tự là người Việt còn đàm tiếu về việc một lãnh tụ của nước ta đi đâu cũng khen mỗi tỉnh thành là đầu tàu, là Paris, là Singapore, mà ngay cả vấn đề cống rãnh cũng không giải quyết được gì cả, đáng xấu hổ khi nhắc đến tên của ngài.
Nên bạn suy nghĩ lại xem, bạn có chắc địa danh Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn là dìm hàng địa danh Thăng Long 昇龍 thời tiền Nguyễn không ? Hay là người trẻ nên trước tiên hãy có những ước mơ thực tiễn như vua Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long) lo cho dân giàu nước mạnh, lo cho quốc gia được thanh bình, thịnh vượng. Đó mới đúng là tiêu chí của tuổi trẻ đúng không bạn ? Đó mới đúng là kẻ lo cho dân, vì dân đúng không bạn ? Đó mới đúng là a government for the people, of the people, by the people đúng không bạn ?
Và cuối cùng, mình cũng để lại cho bạn một điều suy gẫm. Đó là ở các nước đồng văn, chữ Long 龍 thật sự có đủ mặt đủ nơi cả, nhưng bạn có biết chữ Long 隆 này mới là chữ được các học giả sử học biết nhiều nhất không bạn ? Tại sao, vì chữ Long 隆 này chính là niên hiệu của vua Càn Long 乾隆 đó bạn. Bạn mà đi hỏi các nhà sử học về các nước đồng văn, 100 người chắc là cả trăm người tức 100% đều biết vua Càn Long 乾隆 là ai, và ai cũng khen vị vua Càn Long 乾隆 này cả. Nhưng trong số các học giả này, bạn nghĩ sẽ có bao nhiêu người biết về địa danh Thăng Long 昇龍 nghĩa là rồng bay lên của ta ? Và mình chắc chắn với bạn, trong thế giới sử học, chỉ duy nhất ở Việt Nam là có một nhà nghiên cứu, tức vị KTS Trần Thanh Vân, chê chữ Long 隆 là "nhà giàu", "chỉ quan tâm đến sự sung túc mà không quan tâm đến thế con rồng bay lên trời cao nữa". Vì hóa ra là vua Càn Long 乾隆 bên Tàu, lại "chỉ quan tâm đến sự sung túc mà không quan tâm đến thế con rồng bay lên trời cao nữa" hay sao ? Hình như sử chép là vua Càn Long chính là vị vua mở rộng đất đai Trung Quốc rộng nhất trong lịch sử của nước Trung Quốc đúng không bạn ? Mà nếu đều này đúng, thì nó cho thấy, chắc vua Càn Long khi lấy niên hiệu Càn Long 乾隆 không chỉ là "chỉ quan tâm đến sự sung túc mà không quan tâm đến thế con rồng bay lên trời cao nữa" đúng không bạn ? Và vì vậy, việc đánh giá của vị KTS Trần Thanh Vân lẫn các cây đại thụ tại Việt Nam nghĩ chữ Long 隆 này tầm thường tới mức độ "chỉ quan tâm đến sự sung túc mà không quan tâm đến thế con rồng bay lên trời cao nữa", theo ý kiến riêng của mình, là chỉ cho việc các học giả này thật sự DỐT MÀ LẠI SÍNH CHỮ, thì theo bạn mình có nói quá không ?
Nên hay là bạn xem lại cụm từ Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn xem ? Vì không chừng, bạn đã, đang và sẽ đọc những phân tích đáng ngờ từ những nguồn mà đáng lẽ là bậc dân chi phụ mẫu, những bài viết và cách thuyết trình của họ phải đúng và đủ hơn về dịa danh Thăng Long 昇龍 thời tiền Nguyễn và Thăng Long 昇隆 thời Nguyễn. Nhưng ngày nay, người trẻ như bọn mình mà muốn đi tìm một bậc thầy Hán Nôm chịu khó đọc sử thật kỹ, khách quan, khiêm nhường, và dạy ta đúng và đủ về sử, để ta thương thêm nhiều về ông bà và các tiền nhân của nước Việt ta, thật là khó còn hơn mò kim đáy biển đúng không bạn ?
Vậy bạn có bao giờ nghĩ, sử nước ta mà có được hiểu đúng và đủ hơn sau này, chính là do những người trẻ như bọn mình đang đam mê học hỏi và chịu khó dạy nhau không ? Hay là bạn vẫn nghĩ là sử nước ta là trách nhiệm ở đâu đó, của ai đó, với học vị nghe rất kinh khủng, nhưng không hẳn những vị này đã hiểu đúng, hiểu đủ và quan trọng hơn, khách quan và đủ kiến thức rộng và sâu để mà giảng dạy lại cho người trẻ đang tung bay trên thế giới, để người trẻ Việt Nam ta dấn thân múa kiếm giữa chốn giang hồ chấn oai thiên hạ ? Bạn nghĩ các nhà "học giả" viết sử và phân tích sử như vậy đã có đủ "kiếm khí" để mà dạy ta đúng và đủ về sử nước ta chưa ?
Nên nếu bạn là fan của Thăng Long 昇龍 rất đẹp và trách vua Nguyễn Thế Tổ (vua Gia Long) đã dìm hàng Thăng Long 昇龍 qua việc đổi tên thành Thăng Long 昇隆, có lẽ bạn cũng nên suy nghĩ lại bạn nhỉ ? Không chừng địa danh Thăng Long 昇隆 đẹp và có trách nhiệm hơn nhiều so với những gì bạn đã đọc và nghĩ đó. Và nếu bạn nghĩ là bạn đúng khi trách cứ vua Nguyễn Thế Tổ (vua Gia Long) qua việc đổi tên này, mời bạn thoải mái lên tiếng phản luận từ phương diện Hán ngữ lẫn đưa ra các chứng cớ sử kiện. Còn viết như các sử gia kia thì mình thật sự chê là có vấn đề về kiến thức sử học bạn ạ.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Một bữa trưa hè tháng 7 oi bức tại California ... "Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai" ....
Brian
x

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét