Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

So sánh hai bài thơ Cảm Xúc của Xuân Diệu và bài Là thi sĩ của Sóng Hồng

 

So sánh hai bài thơ Cảm Xúc của Xuân Diệu và bài Là thi sĩ của Sóng Hồng. 1 ông nhà thơ chân chính và một ông nhà cách mạng chân chính. Vâng sóng gió thời đại đưa hai ông vào một vòng tranh luận về quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật vị cách mệnh. Hay là văn thơ tuyên truyêǹ. Nghe trích đoạn của hai ông từ lâu hôm nay rảnh rang lôi 2 ông ra đọc. Mới thấy rằng cái chân lý cảm thụ văn thi cũng cần có chứng thực của thời gian chả khác gì sử học. Tìm hiểu thêm lai lịch điển cố thì mời các bạn xem online

 


 


 

Xuân Diệu

Sóng Hồng

 

Cảm xúc/

Là thi sĩ

 

https://www.thivien.net/Xu%C3%A2n-Di%E1%BB%87u/C%E1%BA%A3m-x%C3%BAc/poem-WKWvktcZ_7p_e0hYhUcLuA

https://nhandan.com.vn/nghe-doc-xem/la-thi-si-404216

 

Tặng Thế Lữ

Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến

Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn hương
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc...

Đôi giếng mắt đã chứa trời vạn hộc
Đôi bờ tai nào ngăn cản thanh âm
Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm...
Của xanh thẳm thấy luôn màu nói sẽ...

Tay ấp ngực dò xem triều máu lệ
Nghìn trái tim mang trong một trái tim
Để hiểu vào giọng suối với lời chim
Tiếng mưa khóc, lời reo tia nắng đọng

Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng
Đi trong sân mà nhớ chuyện trên giời
Trút thời gian trong một phút chơi vơi[1]
Ngắm phong cảnh giữa hai bè lá cỏ...

- Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả?


Nguồn: Xuân Diệu, Thơ thơ, NXB Sống mới, Sài Gòn, 1971

 

Tặng các nhà thơ Việt Nam

Nếu "thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây",
Ðể tâm hồn treo ngược ở cành cây
Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu;
Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu,
Nghĩa là van Thượng đế rủ lòng thương,
Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương,
Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ;
Nếu thi sĩ vùi đầu mài miết tả
Cặp "tuyết lê" hồi hộp trước tình yêu,
Cho cuộc đời là mộng ái cao siêu,
Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc;
Nếu thi sĩ nghĩa là đem gấm góc
Phủ lên trên xã hội đã điêu tàn,
Véo von ca cho át tiếng kêu than
Của nhân loại cần lao đang giãy giụa;
Thì bạn hỡi, một nhà thơ như rứa
Là tai ương, chướng họa của nhân quần,
Nhọc tơ lòng mà phí cả ngày xuân
Ðể ca ngợi bất công và tàn ngược;
Uốn gối trước cường quyền và mong được
Lượm hương thừa, phấn thải để qua ngày;
Khiến loài người đắm đuối và mê say,
Sống thoi thóp dưới gông xiềng nô lệ.
Không, không được! Hỡi các nhà văn nghệ,
Các nhà thơ yêu dấu của đồng bào,
Các nhà thơ trong sạch và thanh tao,
Hoa thơm ngát trong vườn xuân đất Việt!
Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;
Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
- Yêu nhân loại, hòa bình và công lý -
Cao giọng hát những bài ca chính khí
Của anh hùng đã vì nước quên mình,
Sống quang vinh mà chết cũng quang vinh,
Của Bãi Sậy, Thái-nguyên và Yên-bái...
Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới
Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch - đằng,
Ðể tâm hồn dào dạt với Chi-lăng,
Làm bất tử trận Ðống - đa oanh liệt,
Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết,
Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông;
Thả trái tim hòa nhịp với Ðô-lương,
Với Lục-tỉnh, Bắc-sơn và Ðình-cả.
Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa
Cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu
Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu,
Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ.
Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền,
Và lúc cần, quẳng bút lấy long tuyền.

Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!
Thời rượu nồng, đệm gấm đã qua rồi.
Thôi thôi đừng khóc gió với than mây,
Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ.
Dùng thi khúc mà lạnh lùng soi tỏ
Những bệnh căn xã hội đã tràn đầy;
Cùng công nông vun xới cuộc tương lai
Ðã chớm nở từ Liên-xô hùng vĩ.

     Ngoại thành Hà Nội, tháng 6-1942

 

 [1] Sau tác giả sửa thành “Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi” (Tuyển tập - tập I, NXB Văn học, 1983).

 

 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét