Nhớ câu Nan đắc hồ đồ 难得湖涂của
Trịnh Bản Kiều, nghĩ đến cái hồ đồ của
Thánh nhân.
Ảnh đi điền dã cũng GS Ngô Đức Thọ (Xưa có cái ảnh ở TVQG chụp cùng bác, giờ tìm không thấy)
Xưa mới tập tọe vào
nghành Hán Nôm, một sinh viên đơn giản sống trong môi trường học tập bó hẹp. Không được tiếp xúc học hỏi các bậc cao nhân. Tôi chưa
được biết GS Ngô Đức Thọ. Sau này được Viện trưởng Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu GS
Ngô Đức Thọ là cán bộ đầu nghành của Viện nghiên cứu Hán Nôm, tôi cứ ớ người ra,
vì định vào nghành Hán Nôm mà không biết những người đầu nghành là ai. Được làm
việc ở Ban Văn bản học do GS Thọ là Trưởng ban. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về
bác. Nhưng ấn tượng với tôi là cách diễn đạt rất hóm hỉnh sâu sắc, nhưng rất tế
nhị và mộc mạc của một chất Nghệ, rất Nghệ. Sau này càng ngày càng được làm việc
cùng bác khiến tình cảm của tôi giành cho bác vừa là kính trọng bậc bề trên của
nghành nhưng cũng đầy tình cảm của bậc cha chú. Nghe tin bác được nhận Giải thưởng
về Dịch thuật của Quỹ Phan Châu Trinh, trong lòng tôi bật lên một cảm xúc. Chà
chà thật là chuyện hay kỳ ngộ, giải thưởng vinh dự của quỹ mang tên nhà Chí sĩ
cách mạng hoạt động cho dân chủ dân quyền Phan Châu Trinh lại được trao cho
cháu đích tôn của nhà Chí sĩ cách mạng hoạt động cho duy tân đổi mới đất nước
Ngô Đức Kế. Mà cụ Phan Châu Trinh và cụ Nghè Ngô lại là bạn đỗ Đồng khoa năm
1901. Cụ Ngô đỗ Tiến sĩ, cụ Phan đỗ Phó bảng. Sau này phong trào Duy tân nổ ra
cả 2 cụ cùng bị ra Côn Đảo năm 1908. Sau khi cụ Phan mất năm 1926, cụ Nghè Ngô
cảm phục tấm gương yêu nước của người bạn đồng khoa mà giành tâm huyết biên tập
lại trước tác của cụ Phan xuất bản thành tập Phan Tây Hồ di thảo. Tưởng tượng ra cái cảnh bà Chủ tịch quỹ - cháu
ngoại cụ Phó bảng Phan trao giải cho cháu nội cụ Nghè Ngô cũng thấy được cái cốt
cách của những dòng họ học hành.
Nghành Hán Nôm từ khi thành lập đến nay,
thú thực còn nhiều nhìn nhận đánh giá khá e dè của giới khoa học. Thậm chí ngay
cả người học - dạy Hán Nôm thôi nhiều khi cũng ngã lòng không biết đường hướng
nào mà đi. Có người chỉ coi Hán Nôm như phương tiện để nghiên cứu, còn thì ra vẻ mình là chuyên môn khác. Nhưng nhìn vào GS Thọ, thì thấy một tấm gương cả cuộc đời cống hiến
cho di sản Hán Nôm, mà có lẽ những bước cơ bản của nền móng Hán Nôm học có thể bắt
đầu từ GS Ngô Đức Thọ chăng?. Có người coi Hán Nôm là chỉ là dịch thuật văn bản
cổ, có người coi là văn học cổ, có người cho là bảo tàng thư tịch, có người cho
là văn hóa cổ, ... Chả đâu vào đâu. Nay cứ nhìn vào các công trình nghiên cứu của
GS Thọ thì thấy hết Hán Nôm là gì. Đấy là quỹ Phan Châu Trinh mới trao cho GS
giải Dịch thuật thôi đấy nhé. Chứ cứ như tôi thì trong các công trình nghiên cứu
của GS đủ cả Sử học, Văn học, Ngôn ngữ, Văn tự học, Văn bản học, Bia ký, Chữ
húy, Khoa bảng, Tôn giáo, .... Mà làm công trình nào GS cũng say mê. Xin kể ra
đây một số mà tôi biết: Cơ sở Văn bản học
Hán Nôm, Chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Đại Việt Sử ký toàn thư, Văn
bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử giám, Thiền uyển tập anh, Nam triều công
nghiệp diễn chí, Đồng Khánh địa dư chí, Hoàng Việt hưng long chí, Thái Đình Lan
và Hải Nam tạp trứ, Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919, Từ điển Di
tích Lịch sử Văn hóa Việt Nam, Tây Dương gia tô
bí lục, Con đường thành Phật, .... Và nhiều bài nghiên cứu công
trình khoa học mà có định hướng cho nhiều chuyên
ngành khoa học chuyên sâu khác nhau.
Nhớ câu chuyện cũ giờ kể lại làm kỷ niệm. Trước
có lần chở bác đi mua 1 cái ghế dựa văn phòng, ra phố Hàm Long ê hề tràn trề
các cửa hàng cửa hiệu. Có 1 cửa hàng ở cuối phố, mặt tiền rộng đẹp. Thời này ai
cũng thấy mặt tiền là giàu khiếp cỡ nào. Bác Thọ vào hỏi mua, 1 bác già phong độ
dân hàng phố, cũng trạc tuổi bác Thọ bước ra chào mời. Trông dáng vẻ cũng là
người có tiền có ăn học. Bác Thọ hỏi, thấy trạc trạc mình thì cũng bắt chuyện hỏi
thăm tuổi tác, ... xã giao thôi. Rồi hỏi thăm cửa hiệu này là của ông hay là
nhà mình thuê. Ông bác kia trả lời rất chi là ``khiêm tốn`` là của nhà tôi,
nhưng ánh mắt không giấu được vẻ tự hào. Bác Thọ cười hài hước, chắc cũng vì có
tôi ở đấy nên bác quay sang nhìn nhẹ tôi rồi nheo đôi mắt tròn của bác, môi dưới
hơi chìa ra 1 tí: Tôi sẵn sàng đánh đổi cả
cuộc đời lao động của tôi để đổi lấy cái cửa hàng của ông, ông có đổi không?
Ông bác kia đỏ mặt, cười hể hả, nói mấy câu cho qua chuyện. Chỉ là câu chuyện
vui, nhưng tôi nghĩ là bác ``đùa với tôi chứ ``không phải ông bác kia. Hai bác
cháu cũng thu xếp ngã giá mua ghế rồi thuê xe ôm chở về tận nhà cho bác.
Nay thì ``cái cửa hàng`` của bác đã được
Quỹ Phan Châu Trinh trao giải Dịch thuật vì những đóng góp xuất sắc của bác trong
dịch thuật và truyền bá Văn hóa Hán Nôm. Ở xa xin chúc mừng Bác.
Nhớ câu Nan đắc hồ đồ 难得湖涂của Trịnh Bản Kiều,
nghĩ đến cái hồ đồ của Thánh nhân.
Châu Âu, 25-3-2014. Khuyết Điểm Kim viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét