Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG - LẦN GIỞ MẤY TRANG SỬ CŨ (Phạm Văn Ánh, ThS, Viện Văn học)

Nhà tôi ở địa phận thôn Thọ Lão, làng Đồng Nhân (xưa là Đồng Nhân châu). Là địa danh cũng có đền thờ Hai Bà Trưng rất to, lại thuộc quận Hai Bà Trưng. Đền được trùng tu lớn thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, đất rộng và giữ được hiện trạng gần như nguyên vẹn. Trường tôi học cũng là trường mang tên hai bà (nằm cạnh đền là hai trường THCSTrưng Trắc, Trưng Nhị), tôi học trường Trưng Nhị. Ngày xưa đi học, trường Trưng Nhị được xây dựng bởi sự hỗ trợ của nước bạn XHCN, cũng là một trường điểm của quận. Hồi ấy chúng tôi còn có sự kỳ thị trường này trường nọ, hay bảo nhau bọn bên Trưng Trắc gấu lắm đấy. Hàng năm lễ hội đền ngày 6 tháng 2 Âm lịch, trẻ con cứ náo nức các trò của Lễ hội, một ngày ra xem Hội mấy bận. Cũng nhiều khi tự nhủ bảo tìm hiểu về lịch sử Hai bà Trưng vậy mà chưa có lúc nào. Nay cụ Hàn lâm học sĩ Phạm Văn Ánh, vốn chữ nghĩa uyên thơm. Khi nhàn rỗi đã đem sử cũ mà chau dồi. Tôi lớ ngớ được đồng môn với cụ, đọc bài dài thườn thượt mà cảm phục cái sự bền bỉ và dài dòng ấy. Đem lại nhiều thông tin về Hai bà mà dân ta còn rất chi là truyền khẩu này nọ. Có Blog xin phép cụ Hàn Phạm đăng lại.
CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG - LẦN GIỞ
MẤY TRANG SỬ CŨ
(Phạm Văn Ánh, ThS, Viện Văn học)
1. Thư tịch Trung Quốc:
Khác với sự kiện lịch sử liên quan đến bà Triệu vốn không được ghi nhận trong các bộ sử lớn của Trung Quốc, chỉ được ghi trong các tập bút kí tư gia như Nam Việt chí (南越志) của Thẩm Hoài Viễn (沈懷遠) và Giao Châu kí (交州記) của Tấn Hân Kì (晉欣期), liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sử sách Trung Quốc ghi chép từ khá sớm.
Sách sớm nhất ghi chép về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là Hậu Hán thư (後漢書). Hậu Hán thư là sách do Phạm Việp (, 398-445), người nước Tống (420-479) thời Nam triều soạn vào thế kỉ thứ V. Ở quyển nhất, phần “Vũ Quang đế kỉ-hạ” (光武帝紀下) ghi một cách ngắn gọn các thông tin sau:
“Tháng Hai, mùa xuân năm thứ 16 [niên hiệu Kiến Vũ, tức năm 40], người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc làm phản, chiếm các thành ấp.
[…] Tháng Tư năm thứ 18 [42], sai Phục ba tướng quân Mã Viện chỉ huy Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí đánh bọn giặc Trưng Trắc ở Giao Chỉ.
[…] Tháng Tư năm thứ 19 [43], Phục ba tướng quân Mã Viện phá được Giao Chỉ, chém Trưng Trắc, nhân đó đánh phá được bọn giặc Đô Dương ở Cửu Chân, giặc hàng”.
Đến quyển thứ quyển 86, phần Nam man truyện (南蠻傳) và quyển 24, phần Mã Viện truyện (馬援傳) thông tin về cuộc khởi nghĩa này được ghi chép một cách chi tiết hơn.
Phần Nam man truyện ghi:
Năm [Kiến Vũ] thứ 16 [40], người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, tấn công vào quận. Trưng Trắc là người ở huyện Mi Linh (麊冷)[1], con gái Lạc tướng, được gả cho Thi Sách người huyện Chu Diên. Trưng Trắc là người rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật ước chế họ, Trắc căm giận nên làm phản. Vì thế người man ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Chiếm được 65 thành, tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ cùng các Thái thú chỉ biết tự giữ. Quang Vũ bèn xuống chiếu cho Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ chuẩn bị xe thuyền, tu sửa cầu đường, khai thông núi khe, trích trữ lương thảo. Năm thứ 18 [42], sai Phục ba tướng quân Mã Viện, Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí phát hơn vạn quân Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô đến chinh phạt. Tháng Tư năm sau [43], Viện phá được Giao Chỉ, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, dư đảng đều thua phải hàng. Tiến quân đánh bọn giặc Đô Dương ở Cửu Chân, phá được, chúng xin hàng. Dời hơn ba trăm tướng soái của y đến Linh Lăng, thế là đất lĩnh biểu thảy được bình định”.
Cùng sách trên, phần Mã Viện truyện viết:
Người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh chiếm mất quận, người man di ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo, cướp được hơn 60 thành ở cõi Lĩnh ngoại. Trắc tự lập làm vua. Thế là chiếu thư phong cho Phục ba tướng quân tên là Viện, phong Phù Lạc hầu là Lưu Long làm phó, đốc thúc Lâu thuyền tướng quân là Đoàn Chí tiến xuống phía nam đánh Giao Chỉ. Quân đến Hợp Phố thì Chí ốm chết, chiếu trao cho Viện nắm lấy binh quyền của Chí. Viện bèn men theo biển tiến quân, men núi mở đường trên ngàn dặm. Mùa xuân năm [Kiến Vũ] thứ 18 [42], quân đến Lãng Bạc, đánh nhau với giặc, phá được chúng, chém mấy nghìn thủ cấp, trên vạn giặc đầu hàng. Viện truy đuổi Trưng Trắc đến Cấm Khê, nhiều lần đánh bại, giặc bèn tan chạy. Tháng Giêng năm sau [43], chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, đưa thủ cấp về Lạc Dương. Phong Viện làm Tân Tức hầu, thực ấp 3 ngàn hộ. […] Viện đem trên hai ngàn lâu thuyền lớn nhỏ cùng trên hai vạn quân binh tiến đánh giặc ở Cửu Chân cùng dư đảng của Trưng Trắc là bọn Đô Dương, từ Vô Công đến Cư Phong, chém được trên 5 nghìn giặc, phía nam cõi Lĩnh kiểu đều được bình định. Viện tâu rằng huyện Tây Vu có 3 vạn 2 ngàn, địa giới xa cách triều đình đến trên 2 ngàn dặm, xin chia làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải, được chấp thuận”.
Theo các ghi chép trên đây, có thể tóm lược như sau: cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra trong ba năm, từ năm 40 đến 43. Trưng Trắc là con của Lạc tướng ở huyện Mi Linh, chồng là Thi Sách, con của Lạc tướng ở huyện Chu Diên. Trưng Trắc là người rất hùng dũng. Thái thú nhà Hán là Tô Định dùng pháp luật ước chế, do đó Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị dấy binh khởi nghĩa. Các quan cai trị người Hán ở Giao Chỉ chỉ biết tự thủ, không sao chống nổi. Từ trung tâm là Giao Chỉ, cuộc khởi gây ảnh hưởng trên phạm vi rộng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Hai Bà Trưng chiếm được 65 thành ở cõi Lĩnh ngoại, tự lập làm vua. Trước tình hình đó, nhà Hán sai Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí cầm quân đi chinh phạt. Giữa đường, Đoàn Chí ốm chết nên Mã Viện thâu tóm mọi quyền hành. Số quân do Mã Viện chỉ huy gồm hơn một vạn, đều là quân ở Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng và Thương Ngô. Hai bên giao chiến ở Lãng Bạc, quân của Hai Bà Trưng thất thế, phải rút lui. Đến năm 43, Hai Bà Trưng tử trận. Mã Viện đem hơn hai ngàn thuyền chiến cùng trên hai vạn quân tiến đánh “dư đảng” của Hai Bà Trưng là Đô Dương ở Vô Công và Cư Phong.
Theo Hậu Hán thư, đương thời “thành” là đơn vị hành chính dưới cấp quận. Hậu Hán thư, quyển 23, phần Quận quốc chí - ngũ (郡國誌五) viết:
 “Quận Giao Chỉ thành lập thời Hán Vũ đế (143tr.CN-87tr.CN), tức là nước của An Dương Vương, cách Lạc Dương 1 vạn 1 ngàn dặm về phía Nam, gồm 12 thành: Long Biên, Liên Lâu, Yên Định, Câu Lậu, Mi Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Chu Diên, Phong Khê, đặt ra vào năm thứ 19 niên hiệu Kiến Vũ [43]; Vọng Hải, được lập vào năm thứ 19 niên hiệu Kiến Vũ [43].
Quận Cửu Chân lập thời Vũ đế, cách Lạc Dương 11.050 dặm, gồm 5 thành (46.513 hộ, 209.914 khẩu): Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công, Vô Biên.
Quận Nhật Nam, thời Tần là Tượng Quận, Vũ đế đổi tên, cách Lạc Dương 13.400 dặm về phía nam, gồm 5 thành (18.263 hộ, 10.676 khẩu): Tây Quyển, Chu Ngô, Lư Dung, Tượng Lâm, Tỉ Cảnh”.
Như vậy, Mi Linh (Quê của Hai Bà Trưng) và Chu Diên (quê của Thi Sách) là hai trong số 12 thành của quận Giao Chỉ, còn Vô Công và Cư Phong là hai thành thuộc quận Cửu Chân (tức vùng Thanh-Nghệ). Địa bàn chủ yếu của Hai Bà Trưng là quận Giao Chỉ, mà quận này chỉ có 12 thành. Gộp cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam gồm 22 thành. Theo ghi chép của Hậu Hán thư, dân quận Hợp Phố cũng hưởng ứng theo. Cũng theo chính sách này, Hợp Phố có “5 thành (23.121 hộ, 86.617 khẩu): Hợp Phố, Từ Văn, Cao Lương, Lâm Nguyên, Chu Nhai” (Hậu Hán thư – Quận quốc chí). Vậy gộp thêm cả Hợp Phố mới được 27 thành. Trong khi ấy sử ghi Hai Bà Trưng thu được 65 thành ở cõi Lĩnh ngoại, không hiểu “Lĩnh ngoại” ở đây chỉ các khu vực cụ thể nào. Thông thường, “Lĩnh ngoại” chỉ khu vực hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay.
Quảng Đông đương thời về cơ bản tương ứng với các quận Nam Hải, Hợp Phố. Quảng Tây đương thời tương ứng với hai quận Thương Ngô và Uất Lâm.
Theo Hậu Hán thưQuận quốc chí: Nam Hải có “7 thành (71.477 hộ, 250.282 khẩu): Phiên Ngung, Bác La, Trung Túc, Long Xuyên, Tứ Hội, Yết Dương, Tăng Thành”.
Thương Ngô có “11 thành (111.395 hộ, 466.975 khẩu): Quảng Tín, Tạ Mộc, Cao Yếu, Phong Dương, Lâm Hạ, Đoan Khê, Phùng Thừa, Phú Xuyên, Lệ Phố, Mãnh Lăng, Chương Bình”.
Uất lâm có “11 thành: Bố Sơn, An Quảng, A Lâm, Quảng Úc, Trung Lưu, Quế Lâm, Đàm Trung, Lâm Trần, Định Chu, Tăng Thực, Lĩnh Phương”.
Như vậy toàn bộ “Lĩnh ngoại”mới gồm 34 thành, không trùng với con số 65 thành. Cộng dồn cả Lĩnh ngoại và các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam mới chỉ được 41 thành mà thôi. Hoặc giả khái niệm “thành” được dùng không thống nhất, ngoài chỉ đơn vị hành chính dưới quận còn chỉ các thành ấp cụ thể có quy mô nhỏ hơn. Đây là vấn đề quan trọng cần tiếp tục làm rõ, bởi khi làm rõ vấn đề này mới có thể biết được phạm vi ảnh hưởng thực sự của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Hậu Hán thư không ghi việc Thi Sách bị Tô Định sát hại như nhiều tài liệu Việt Nam thời sau, nhưng trong quá trình khởi nghĩa hoàn toàn không nhắc đến Thi Sách. Điều đó khiến ta tin rằng có thể sau khi Trưng Trắc lấy Thi Sách theo hình thức liên hôn giữa các thủ lĩnh Lạc tướng, là con đường liên kết các thế lực của người bản địa các vùng khác nhau để củng cố thế lực và mở rộng ảnh hưởng. Tô Định nhận thấy tình trạng đó, muốn dùng pháp chế để chế ước họ vào khuôn khổ của mình nên đã có biện pháp cứng rắn, dẫn đến việc Thi Sách bị giết. Việc này khiến cho mâu thuẫn giữa chế độ cai trị ngoại bang với các thế lực Lạc tướng trong nước bị đẩy lên đỉnh điểm, khiến Trưng Trắc và Trưng Nhị dấy binh khởi nghĩa. Cuộc nổi dậy có cả nguyên nhân muốn báo thù chồng.
Cũng là tài liệu Trung Quốc, Thủy kinh chú (水經註) của Lịch Đạo Nguyên (酈道元, 446 hoặc 472-527) thời Bắc Ngụy (380-534) ghi chép có đôi chỗ xuất nhập so với Hậu Hán thư, đặc biệt là cho rằng Thi Sách cũng tham gia khởi nghĩa. Quyển 37, “Diệp Du hà” (葉榆河, sông Diệp Du) viết:
Huyện Mi Linh bắt đầu được lập từ năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Đỉnh thời Hán Vũ đế [tức năm 111], có quan Đô úy cai trị. Sách Giao Châu ngoại vực kí (交州外域誌) viết: ‘Quận Giao Chỉ cho đến châu, vốn trị sở ở đó, tên châu là Giao Châu. Về sau, con trai Lạc tướng tên là Thi Sách lấy vợ là Trưng Trắc con gái Lạc tướng ở Mi Linh. Trắc là người có đảm lược và dũng mãnh, cùng Thi Sách dấy binh làm giặc, đánh phá châu quận, thu phục các Lạc tướng, họ đều theo, Trưng Trắc lên làm vua, trị sở đóng ở huyện Mi Linh, dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đều phải đóng thuế. Sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân Mã Viện đem quân đánh, Trưng Trắc, Thi Sách chạy vào khe núi Kim Khê, ba năm thì bắt được, lúc đó Tây Thục cũng đem quân cùng đánh Trưng Trắc, bình định được các quận huyện rồi lập ra quan Lệnh trưởng vậy”.
Lại viết:
Tháng Chín năm thứ 19 niên hiệu Kiến Vũ [43], Mã Viện tâu rằng: ‘Thần kính xin cùng 1 vạn 2 ngàn tinh binh Giao Chỉ, cùng đại binh hợp lại thành 2 vạn, 2 ngàn lâu thuyền lớn nhỏ, tự mình vào Giao Chỉ, đến nay đã đầy đủ. Tháng Mười, Viện vào Cửu Chân, đến huyện Vô Thiết, bọn giặc hàng. Tiến đến Dư Phát, tướng giặc là Chu Bá bỏ quận, trốn vào rừng sâu. Nơi ấy tê tượng tụ hợp thành từng đàn. Viện lại chia quân tiến vào huyện Vô Biên, đình Cửu Chân của Vương Mãng, đến huyện Cư Phong, tướng không hàng, bèn chém mấy trăm thủ cấp, Cửu Chân bèn yên”.
Theo đó, số quân ban đầu Mã Viện huy động gồm hơn 1 vạn, sau khi đánh bại Hai Bà Trưng, có thể số quân đã hao hụt, chỉ còn 8 nghìn, Viện xin thêm 1 vạn 2 nghìn quân tinh nhuệ ở Giao Chỉ thành 2 vạn để tấn công vào Cửu Chân. Riêng số quân tinh nhuệ ở Giao Chỉ mà Mã Viện xin tăng cường để tiến đánh Cửu Chân đã là 1 vạn 2 nghìn, cho thấy số quân vốn có ở Giao Chỉ khá lớn, vậy mà khi Hai Bà Trưng nổi dậy, “Thứ sử Giao Chỉ cùng các Thái thú chỉ biết tự giữ”, cho nên viết: “Quân bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục) cũng không phải là phóng đại.

2. Thư tịch Việt Nam
Thư tịch Việt Nam ghi các sự kiện liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đều là các thư tịch có niên đại khá muộn so với sử liệu Trung Quốc. Các sách ghi chép thuộc hàng sớm nhất hiện còn là An Nam chí lược (安南誌略) của Lê Tắc, viết tại Trung Quốc năm 1333, Việt sử lược (越史略) của tác giả khuyết danh, thế kỉ XIV (từng lưu truyền một thời gian dài ở Trung Quốc), và Việt điện u linh tập (粵甸幽靈集) của Lí Tế Xuyên (李濟川, thế kỉ XIV), cả ba đều sau Hậu Hán thư và Thủy kinh chú đến 8, 9 thế kỉ.
An Nam chí lược, quyển XV viết:
Trưng Trắc là con gái của Lạc tướng huyện Mi Linh, Giao Chỉ. Chồng là Thi Sách, con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên. Thái thú đời Hậu Hán là Tô Định dùng pháp luật chế ước họ, Trắc oán, cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh chiếm được 65 thành, tự lập làm vua, bị Mã Viện chém”.
Việt sử lược viết:
Mã Viện: Năm thứ 16 niên hiệu Kiến Vũ thời Quang Vũ triều Hậu Hán [40], con gái Lạc tướng là Trưng Trắc ở huyện Mi Linh được gả cho Thi Sách ở huyện Chu Diên. Trắc tính rất hùng dũng, làm việc không theo pháp luật, bị Thái thú Tô Định dùng pháp luật chế ước, Trắc giận, bèn cùng em gái là Nhị dấy quân Phong Châu tấn công vây hãm quận huyện, Cửu Chân, Nhật Nam đều hưởng ứng theo, chiếm được 65 thành ở ngoài vùng phía nam nhà Hán, tự lập làm vua, đóng đô ở Mi Linh. Năm thứ 17 [niên hiệu Kiến Vũ], nhà Hán phong Mã Viện làm Phục ba tướng quân đem quân tiến đánh. Năm thứ 18 [41], Viện men theo biển tiến quân, men núi mở đường đến hơn ngàn dặm, tới Lãng Bạc, giao chiến với Trưng Trắc, Trắc không cự nổi, lui về giữ Cấm Khê. Năm thứ 19 [42], Trắc càng thêm cùng khốn, bèn tháo chạy, bị Viện giết chết. Viện truy đuổi dư đảng của Trưng Trắc đến Cư Phong, họ đầu hàng, bèn lập cột đồng làm cực giới, phân đất đó thành hai huyện Phong Khê và Vọng Hải. Viện lại xây Kiển Thành, tròn như tổ kén. Năm thứ 21 [44], mùa thu, Viện trở về nhà Hán”.
Có thể nhận thấy hai sách này đều chỉ chép nguyên từ tài liệu Trung Quốc. Riêng Việt điện u linh tập của Lí Tế Xuyên ghi chép có nhiều khác biệt. Việt điện u linh tập, bản ít biến động nhất, đáng tin là bản bảo lưu được khá trọn vẹn văn bản của thời Trần, kí hiệu A.1919, phần “Lịch đại nhân quân” (歷代人君, các vị vua của các đời) có truyện “Uy liệt thuần trinh phu nhân, Chế thắng bảo thuận phu nhân” (威烈純貞夫人制勝保順夫人, Uy liệt thuần trinh phu nhân và Chế thắng bảo thuận phu nhân) viết:
Theo Sử kí và thế truyền, chị em phu nhân vốn họ Lạc, chị tên là Trưng Trắc, em tên là Trưng Nhị, là người huyện Mi Linh, Phong Châu, thời Đông Hán, chính là con gái Lạc tướng châu ta vậy. Ban đầu Trưng Trắc lấy Thi Sách ở huyện Chu Diên. Trưng Trắc là người có dũng khí và rất cứng cỏi. Đương thời Thứ sử châu ta là Tô Định, dùng pháp luật để cai trị họ, Trưng Trắc giận, cùng em cất binh đánh đuổi Tô Định, tấn công vây hãm Giao Châu ta, cho đến Nhật Nam, Hợp Phố, Cửu Chân, dân man di đều hưởng ứng theo. Lược định được 75 thành ở cõi Lĩnh ngoại, tự lập làm vua, mới xưng họ là Trưng, dựng trị sở ở Ô Diên.
Bấy giờ Tô Định chạy về Nam Hải, Hán Quang Vũ nghe tin nổi giận, biếm trích Tô Định ra vùng Đam Nhĩ, sai bọn Mã Viện, Lưu Long đem đại quân sang đánh. Đến Lãng Bạc, phu nhân cự chiến, thấy quân Hán thế mạnh, quân binh [của mình] ô hợp, e không thể nào chống đỡ trực diện được. Quân chúng cho rằng phu nhân là hạng nữ lưu, không thể thắng được giặc, bèn tan chạy. Phu nhân thế cô, liền bị vây hãm rồi mất trong trận. Về sau, thổ nhân thương tiếc, lập đền phụng thờ, trải qua các đời, được phong là phúc thần. Phàm gặp tai nạn mà cầu đảo thì không việc gì không ứng nghiệm. Nay đền thờ tại xã An Hát.
Lại nói Lí Anh Tông (1138-1175) nhân hạn hán sai Thiền sư Tịnh Giới cầu mưa thấy ứng nghiệm, trong một ngày mà mưa đã xuống, hơi mát lùa vào người. Vua mừng trông xem, chợt thấy buồn ngủ, mộng thấy hai người con gái đầu đội mũ Phù dung, mặc áo có thắt đai, cưỡi đoàn ngựa sắt, theo mưa lướt qua. Vua lấy làm lạ mới hỏi, đáp rằng: Thiếp là lai chị em họ Trưng, vâng lệnh thượng đế đi làm mưa vậy. Vua liền hỏi han khúc nôi, xin mưa gió thêm, vừa nhấc tay lên thì bỗng giật mình tỉnh giấc. Vua cảm việc đó, sắc sai tu sửa đền, bày cỗ Thái lao để cúng tế. Rồi sau đó sai sứ đón thần về phía bắc thành ở đại nội kinh thàn, lập Vũ Sư đường để phụng thờ. Sau thần thác mộng báo với vua, xin lập đền ở Cổ Lai. Vua theo lời. Sắc phong cho là Trinh linh nhị phu nhân.
Năm thứ tư niên hiệu Trùng Hưng triều Trần [1288], sắc phong Trưng Trắc làm Uy liệt phu nhân, Trưng Nhị làm Chế thắng phu nhân.
Năm thứ 21 niên hiệu Hưng Long [1313], gia ban phu nhân chị hai chữ Thuần trinh, phu nhân em hai chữ Bảo thuận. Ấy là vì hai bà có công lao âm phù vậy”.
Ghi chép trong sách này có phần giống với tài liệu Trung Quốc cũng như các sách sử cùng thời, nhưng cũng có chỗ chưa từng gặp trong các tài liệu khác. Điều đó cũng dễ giải thích vì ngay từ đầu truyện đã ghi, nội dung truyện này vốn được tiếp thu từ hai nguồn là Sử kí và lời truyền tụng trong dân gian (thế truyền). Sử kí là sách được trích dẫn thường xuyên trong Việt điện u linh tập, nhưng hiện chưa rõ là sách nào, có thể là Đại Việt sử kí (大越史記) của Lê Văn Hưu (黎文休, 1230-1322), song cũng có thể là Sử kí của Đỗ Thiện (杜善), một sử gia thời Lí. Tiếc rằng cả hai tác phẩm nay đều thất truyền nên không thể kiểm chứng được. Dầu vậy, có thể đoán rằng hai sách này đều thuộc “ngạch” chính sử, và khi ghi chép sự kiện về Hai Bà Trưng, tài liệu sớm nhất mà các tác giả không thể bỏ qua vẫn là Hậu Hán thư mà thôi. Hai cái tên “Trưng Trắc”, “Trưng Nhị” đương thời có thể chỉ là cách Hán phiên tên người bản địa, vị tất chữ “Trưng” đã là họ. Vả đối với người Việt sau này, họ Trưng rất xa lạ. Có thể vì thế, tác giả Việt điện u linh tập suy diễn từ chỗ Hai Bà đều là con gái của Lạc tướng, cho nên cho hai bà mang họ Lạc. Nhưng dù đã gán cho hai bà họ Lạc, cuối cùng vẫn không bỏ được họ Trưng như các bộ sử trước đã ghi, lại viết sau khi bình định 65 thành ở Lĩnh ngoại Hai Bà Trưng “mới xưng họ là Trưng”. Hai Bà nếu đã mang họ Lạc thì sau vì cớ gì phải đổi thành họ Trưng? Đây là tài liệu đầu tiên trong số các tư liệu hiện còn cho rằng Hai Bà Trưng mang họ Lạc. Đoạn “Đến Lãng Bạc, phu nhân cự chiến, thấy quân Hán thế mạnh, quân binh [của mình] ô hợp, e không thể nào chống đỡ trực diện được. Quân chúng cho rằng phu nhân là hạng nữ lưu, không thể thắng được giặc, bèn tan chạy”, cũng xuất hiện lần đầu. Thời đại Hai Bà Trưng, yếu tố mẫu hệ còn mạnh, người phụ nữ có vị trí quan trọng trong gia đình và cộng đồng, do đó Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa mà quy tụ được lực lượng lớn, trở thành thủ lĩnh là việc có thể lí giải được. Tuy nhiên, đến thế kỉ XIV, chế độ phụ hệ đã xác lập trong một thời gian dài, từ góc nhìn của người thời Trần và các triều Lê, Nguyễn, cố nhiên cho rằng phụ nữ thì không thể làm được việc lớn, do đó tác giả Việt điện u linh tập hoặc tiếp thu từ dân gian, hoặc bằng ý chủ quan của mình suy diễn ra đoạn văn trên, sau đó được Đại Việt sử kí toàn thư (大越史記全書, thế kỉ XV), muộn hơn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục (欽定越史通鑒綱目, thế kỉ XIX) tiếp thu.
Riêng chi tiết nói Hai Bà Trưng sau khi thắng lợi dựng trị sở (chỉ việc đóng đô) ở Ô Diên có thể có nhầm lẫn, vì Ô Diên vốn là đơn vị hành chính là “thành” (Ô Diên thành) khi đó chưa xác lập. Trong số 12 thành với tính chất là đơn vị hành chính trực thuộc quận Giao Chỉ (có thành Chu Diên, Mi Linh …) nhưng không có thành này. “Ô Diên thành” sử liệu Trung Quốc ghi nhận sớm nhất là Tùy thư – Liệt truyệt đệ thập bát (隋書-列傳第十八), soạn đầu thế kỉ thứ VIII, gắn với sự kiện xẩy ra “Năm Nhân Thọ thứ 2 [602], Lí Phật Tử ở Giao Châu làm loạn, chiếm thành cũ vủa Việt Vương, sai con của người anh là Đại Quyền chiếm cứ thành Long Biên, sai tướng của mình là Lí Phổ Đỉnh chiếm cứ thành Ô Diên”. Ô Diên vốn gắn với Lí Phật Tử và Lí Phổ Đỉnh ở giai đoạn sau, do đó chi tiết này không được các bộ sử về sau tiếp thu.
Đoạn nói việc nhân dân lập đền thờ và các sự kiện hữu quan thời Lí và Trần cũng chưa thấy xuất hiện trong các tài liệu trước đó. Đây là liệu sớm nhất hiện còn ghi việc nhân dân lập đền thờ Hai Bà Trưng. Theo đó việc lập đền thờ đã được tiến hành trước thời Lí. Đến thời Lí-Trần, Hai Bà Trưng được coi là những vị thần quan trọng, hai lần được triều Trần sắc tặng, ít nhất là hơn Hùng Vương, bởi tư liệu thời Trần chưa hề nói đến việc triều đình sắc tặng cho Hùng Vương. Hai địa danh gắn với đền thờ Hai Bà Trưng là An Hát và Cổ Lai như sách này đề cập, Cổ Lai nay thuộc làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội; An Hát có nhiều khả năng chính là chỉ đền thờ ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ ngày nay. Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên (吳士連) cũng nhắc đến di tích này. Theo đó, đền thờ Hai Bà Trưng tại Hát Môn đã có muộn nhất là từ cuối thế kỉ XIII.
Một số bản Lĩnh Nam chích quái (嶺南摭怪, vốn là sách thời Trần, thế kỉ XIV) như bản A.33 có ghi truyện về Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, Lĩnh Nam chích quái là sách ít nhất trải hơn 5 thế kỉ bổ sung và tu chỉnh (từ thế kỉ XIV đến XIX), truyện về Hai Bà Trưng trong bộ sách này có nhiều dấu vết cho thấy là truyện được đưa vào Lĩnh Nam chích quái khá muộn, không nằm trong số 22 truyện vốn định hình từ thời Trần, được bảo lưu khi Vũ Quỳnh (武瓊, 1452-1516) và Kiều Phú (喬富, 1446-?) tiến hành chỉnh lí văn bản vào thế kỉ XV. Truyện về Hai Bà Trưng chép trong sách này cơ bản tương đồng với Việt điện u linh tập, nhất là các thi tiết vốn không có trong các bộ sử trong và ngoài nước từ thời Trần về trước. Do đó, có nhiều khả năng Lĩnh Nam chích quái chép lại truyện này từ Việt điện u linh tập.
Đối với các sự kiện, nhân vật liên quan đến giai đoạn trước độc lập tự chủ, chẳng hạn như về Sĩ Nhiếp, ngoài nguồn sử liệu Trung Quốc và trong nước, Ngô Sĩ Liên đều tiếp thu từ Việt điện u linh tập. Chẳng hạn về Sĩ Nhiếp, Ngô Sĩ Liên gần như tiếp thu y nguyên phần “Sĩ Nhiếp truyện” (士燮傳) trong phần “Ngô chí” (吳誌) sách Tam quốc chí (三國誌) của Trần Thọ (陳壽, 233-297), kì dư tiếp thu từ phần “Gia ứng thiện cảm linh vũ đại vương” (嘉應善感靈武大王), tức truyện ghi về Sĩ Nhiếp thuộc phần “Lịch đại nhân quân” của Việt điện u linh tập. Phần ghi về Hai Bà Trưng cũng tương tự. Hai Bà Trưng và Sĩ Nhiếp đều được ghi trong phần “Lịch đại nhân quân” do đó, khi vào Đại Việt sử kí toàn thư đều được Ngô Sĩ Liên đưa thành một “kỉ ” riêng, mặc nhiên coi họ đều là các vị vua chính thống.
Đại Việt sử kí toàn thư (大越史記全書) viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng như sau:
Vua rất hùng dũng, đuổi Tô Định, dựng nước xưng vương, nhưng vì vua là đàn bà, không thể làm nên công tái tạo.
Tên húy là Trắc, họ Trưng, nguyên là họ Lạc, con gái Lạc tướng huyện Mi Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên (Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau. Sách Cương mục tập lãm lấy Lạc làm họ là lầm), đóng đô ở Mi Linh.
Canh tí, năm thứ 1 [40], (Hán Kiến Vũ năm thứ 16), mùa xuân, tháng Hai, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị ở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng họ Trưng.
Tân sửu, năm thứ 2 [41], (Hán Kiến Vũ năm thứ 17), mùa xuân, tháng Hai, ngày 30, nhật thực. Nhà Hán thấy họ Trưng xưng vương, dấy quân đánh lấy các thành ấp, các quận biên thùy bị khổ, mới hạ lệnh cho Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu ta sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thống các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược.
Nhâm dần, năm thứ 3 [42], (Hán Kiến Vũ năm thứ 18), mùa xuân, tháng Giêng, Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (Ở phía Tây Nhai của La Thành, gọi là Lãng Bạc), đánh nhau với vua. Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui về giữ Cấm Khê (Cấm Khê, sử chép là Kim Khê). Quân chúng cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất…
Năm Quý mão [Trưng Vương] năm thứ 4 [43] (Hán Kiến Vũ năm thứ 19), mùa xuân, tháng Giêng, Trưng nữ vương cùng em gái là Nhị chống lại với quân Đông Hán, thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì [bọn Đô Dương] đầu hàng. [Viện] bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. […]. Viện thấy huyện Tây Vu có 3 vạn 3 nghìn hộ, xin chia làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải, vua Hán nghe theo. Viện lại đắp thành Kiển Giang ở huyện Phong Khê. Thành đắp tròn như hình cái kén cho nên lấy [chữ Kiển] làm tên. Nước Việt ta lại thuộc vào nhà Hán. Ba năm sau, Viện trở về. Người địa phương thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc [nay là huyện Phúc Thọ, Hà Nội], ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có)[2].
Như vậy, đến thế kỉ XV, ngoài các chi tiết vốn có trong các bộ sử thời trước, cùng chi tiết ghi việc Thi Sách bị Tô Định sát hại trước khi Hai Bà khởi nghĩa, một số chi tiết mang tính “thế truyền” chép trong Việt điện u linh tập đã chính thức đi vào chính sử.
Bộ khâm định Việt sử thông giám cương mục (欽定越史通鑒綱目) của Quốc sử quán triều Nguyễn, thế kỉ XIX viết:
Năm Canh tí [40], tháng Hai, mùa xuân, người con gái quận Giao Chỉ là Trưng Trắc khởi binh đánh đuổi Thái thú Tô Định, tự lập làm vua.
Vương vốn họ Lạc, lại có một tên nữa là Trưng, là con gái quan Lạc tướng huyện Mi Linh, quận Giao Chỉ, và là vợ Thi Sách người huyện Chu Diên. Bà là người rất hùng dũng. Lúc bấy giờ Thái thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lị. Tô Định phải chạy về Nam Hải. Quân bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các dân tộc man, lí ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mi Linh. Các Thứ sử, Thái thú ở quận Giao Chỉ đều chỉ bảo toàn được mình thôi.
Năm Tân sửu [41], tháng Mười hai, mùa đông, nhà Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Phong làm Phó tướng, đốc suất bọn Lâu thuyền tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng Vương.
Nhà Hán cho rằng Trưng thị tự xưng làm vua, đem quân đánh các thành ấp, làm cho các nơi biên giới bị khổ sở, bèn bắt các đất Trường Sa, Hợp Phố và Giao Chỉ sắm đủ xe, thuyền, sửa sang cầu đường, khơi thông các khe suối, chứa sẵn lương thóc, phong Mã Viện làm Phục ba tướng quân, Phù Lạc hầu, Lưu Phong làm Phó tướng, đốc suất bọn Lâu thuyền tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng Vương.
Năm Nhâm dần [42], tháng Ba, mùa xuân, quân Mã Viện đến Lãng Bạc, cùng Trưng Trắc đánh nhau và phá tan được, Trưng Trắc lui giữ đất Cấm Khê.
Mã Viện ven đường biển tiến quân, qua núi đốn cây, đi hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc, đánh nhau với quân Trưng Vương. Trưng Vương thấy thế quân bên Hán mạnh nhiều, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không thể chống được. Quân của bà cũng cho rằng bà là đàn bà, không địch nổi với Hán, vì thế quân bà tự tan vỡ.
Trưng Vương cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán, quân vỡ, thế cô, đều bị thất trận chết. Mã Viện đuổi đánh tàn quân của bà là bọn Đô Dương, đến huyện Cư Phong thì hàng phục được họ. Mã Viện lập cột đồng để ghi địa giới tận cùng của nhà Hán. Khi Mã Viện về rồi, người trong nước thương nhớ Trưng Vương, lập đền để thờ Bà[3].
Rõ ràng một số chi tiết Đại Việt sử kí toàn thư tiếp thu từ Việt điện u linh tập cũng đã được Khâm định Việt sử thông giám cương mục “tái sử dụng”. Các chi tiết này cũng có ảnh hưởng đến bộ sử cá nhân là Việt sử tiêu án (越史標按) của Ngô Thì Sĩ, thế kỉ XVIII.
Việt sử tiêu án viết:
Trưng Nữ Vương họ Trưng, tên là Trắc, là con Lạc tuớng ở huyện Mi Linh, Phong Châu, vợ Thi Sách nguời huyện Chu Diên, khởi binh hai năm, đóng ở Mi Linh. Vương là nguời con gái, hô một tiếng mà đuổi được Thái thú nước Tàu, như đuổi đứa nô bộc, lấy lại đuợc đất Ngũ Lĩnh, kiến quốc tự xưng làm vua, cũng là bậc hào kiệt trong hàng nữ lưu. Nhưng mà tài đàn bà yếu ớt đang lúc vận nuớc còn bĩ, không làm trọn được công nghiệp. Trưng Trắc khởi binh đánh Thái thú Tô Ðịnh đuổi về Tàu. Xưa kia chồng bà Trắc bị Tô Ðịnh giết chết. Bà Trắc căm thù Tô Ðịnh, lại khổ vì nỗi Tô Ðịnh lấy pháp luật ràng buộc dân, bà bèn cùng em gái là bà Nhị khởi binh đánh, vây hãm châu lỵ, Tô Ðịnh phải chạy về Hán. Bà Trắc rất hùng dũng, đi dến đâu như gió lướt đến đấy, dân quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, những mán mường đều hưởng ứng theo bà, bình định được hơn 50 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua. Khi bà Trắc ra quân, chưa hết tang chồng, bà ăn mặc quần áo đẹp, các tướng hỏi bà, bà trả lời rằng: "Việc binh phải tòng quyền, nếu giữ lễ làm dung nhan xấu xí, thì tự làm giảm nhuệ khí, nên ta mặc đẹp dể làm cho thế quân hùng tráng; vả lại lũ kia thấy thế, tâm dộng, nhụt bớt chí khí tranh đấu, thì ta có dễ phần thắng". Mọi nguời tạ rằng không nghĩ kịp. Nhà Hán thấy Bà Trưng công hãm đuợc thành ấp, bèn sai quận Trường Sa, Hợp Phố sắp đủ xe thuyền, sửa chữa cầu, đường, khơi đầm khe, chứa sẵn lương thực, cho Mã Viện làm Phục ba tuớng quân, Lưu Long làm Phó tuớng, đưa quân sang đánh. Mã Viện theo bờ biển mà tiến quân, trèo núi, chặt cây, đi hơn nghìn dặm đến hồ Lãng Bạc, đánh nhau với Trưng Vương. Trưng Vương thấy quân nhà Hán thế mạnh, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi bèn lui về giữ ở Cấm Khê. Quân lính cũng nghĩ Vương là người con gái, không thể địch với tướng Hán được, đều tự vỡ chạy. Mã Viện đuổi theo đến huyện Nghinh Phong, quân Bà Trưng phải tan rã. Ðất Lĩnh Nam bình định xong, bèn lập cột đồng ở Lĩnh Nam để làm cương giới nhà Hán. Mã Viện đặt lại chế độ cũ để ràng buộc dân chúng. Sau đó Việt Lạc chỉ phụng hành việc cũ của Mã tướng quân, nuớc Việt ta lại thuộc về nhà Hán. Nguời đời sau thương mến Trưng Vương lập đền thờ hai bà ở bờ sông Hát, huyện Phúc Lộc.
[…] Sách Thông luận bàn rằng: … Mã Phục Ba làm cỏ nước Tiên Linh, phá tan đất Tham Lang, mà khi đóng quân ở Lãng Bạc, cũng phải lo xa nghĩ kỹ, náu hình ở bên hồ sâu. […] Vợ trả thù cho chồng, em giúp việc cho chị, một là tiết phụ, một là nghĩa nữ, vào cả một nhà, thế mới là kỳ. Ông vua bị mất nuớc, hoặc là bị bắt, hoặc là đầu hàng; con gái ở cảnh nhà tan, hoặc phải bỏ đi, hoặc bị tủi nhục. Bà chị mất nuớc, bà em cũng tuẫn tiết theo chị, không chịu đầu hàng cũng không chịu để bắt, người chồng ở duới đất được nhắm mắt, kẻ gian tà trông thấy thế phải cúi đầu”.
Về kết cục của Hai Bà Trưng, Ngô Thì Sĩ viết:
Xét quân Hai Bà Trưng bị thua chạy đến núi Hy Sơn, rồi không biết đi đâu. Trong đền thờ Hai Bà Trưng, phàm những đồ thờ tự đều son đen, tuyệt không có sơn đỏ, dân dịa phương ấy không dám mặc áo đỏ, những khi đến yết cáo, ai có mặc áo đỏ đều cởi bỏ đi, không ai dám xúc phạm đến cấm lệ. Tục truyền rằng Trưng Vương chết vì việc binh đao, nên kiêng sắc đỏ, vì giống như máu”.
Theo đó, Ngô Thì Sĩ cũng tin rằng Hai Bà Trưng bị chết trận. Chi tiết này cũng được Quốc sử quán triều Nguyễn tiếp thu, đưa vào trong Đại Nam nhất thống chí (大南一統志).
Đại Nam nhất thống chí, quyển XXI, tỉnh Sơn Tây, phần “Đền miếu” ghi về đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn huyện Phúc Thọ viết:
“… Lại xét, trong đền thờ Bà Trưng, phàm kỉ án và các đồ tự khí, hết thảy đều sơn then, tuyệt nhiên không dùng màu đỏ. Dân địa phương không dám mặc sắc đỏ. Những người đến lễ hoặc xem, ai mặc sắc đỏ đều phải cởi ra. Tương truyền thần mất về binh khí, nên kiêng màu đỏ giống máu[4].
Riêng chi tiết “Quân Hai Bà Trưng bị thua chạy đến núi Hy Sơn, rồi không biết đi đâu”, cũng được ghi nhận trong Lĩnh Nam chích quái (嶺南摭怪).
Như vậy, có thể thấy chính sử Trung Quốc và Việt Nam từ Hậu Hán thư đến An Nam chí lược, Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư và muộn hơn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép về khởi nghĩa Hai Bà Trưng khá thống nhất nhau. Sở dĩ có hiện tượng ấy vì các sách giai đoạn sau thường là kế thừa các sách trước, trong đó nguồn đầu tiên chính là Hậu Hán thư. Hai bộ sử chính thống là Đại Việt sử kí toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục có tiếp thu thêm một số chi tiết từ sách Việt điện u linh tập.
Riêng chi tiết sau khi thất trận, Hai Bà Trưng chạy vào núi Hi Sơn sau đó không rõ đi đâu, ban đầu chỉ thấy chép ngoài chính sử, thể hiện qua Lĩnh Nam chích quái (sau được Việt sử tiêu án tiếp thu). Còn Thiên Nam ngữ lục (thế kỉ XVII) thì cho là Hai Bà ốm rồi qua đời (Chị em nhiễm bệnh yên hà/ Nửa đêm bỏ đất ruổi ra lên giời). Việc Hai Bà Trưng tử trận được ghi thống nhất từ Hậu Hán thư đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Ngay sách tiếp thu truyền thuyết dân gian như Việt điện u linh tập thời Trần cũng ghi tương tự. Chi tiết Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tuẫn tiết chỉ thấy trong các tư liệu khá muộn trong đó có Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát (thế kỉ XIX):
Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo,
Chị em thất thế cùng liều với sông[5].
Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược cũng ghi:
Hai bà rút quân về đóng ở Cấm Khê (phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên), Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát Môn, thuộc huyện Phúc Lộc (nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát Giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng Hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý mão [43][6].
Chi tiết này không có trong các bộ sử chính thống, cũng khác với một số sách chịu ảnh hưởng sâu đậm của truyền thuyết dân gian (như Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam ngữ lục…) nhưng lại phù hợp với truyền thuyết dân gian còn lưu truyền ở một số địa phương hiện nay.



[1] Mi Linh (麊冷): Nay thường phiên là “Mê Linh”, kì thực chữ này đọc là “Mi Linh”, trong Đại Việt sử kí toàn thư, dưới địa danh này cũng có cước chú “” âm đọc là “Mi” (麊音縻-Chữ “” âm đọc là Mi). Do đó, ở đây chúng tôi gọi thống nhất là Mi Linh.
[2] Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử kí toàn thư (Bản dịch), tập I, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1993, tr. 156-158.
Phiên Ngung: tên một “thành” thuộc quận Nam Hải, nay thuộc địa phận tỉnh Quảng Đông.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Bản dịch của Viện Sử học), tập I, Nxb. Giáo dục, 2007, tr.107-109.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí (Bản dịch của Viện Sử học), tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.272.
[5] Lê Ngô Cát, Đăng Huy Trứ: Đại Nam quốc sử diễn ca (Phan Văn Hùm, Nguyễn Q. Thắng phiên âm, chú giải), Nxb. Văn học, H. 2009, tr.90.
[6] Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr.40.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét