Thương nhớ Nhà
giáo Nguyễn Thị Toàn
Cáo phó của Gia đình
Cô giáo tôi tên Toàn, trùng tên trùng họ với tôi. Ngày
tôi vào cấp 3, từ lớp E nhận được 1 cái giấy cho chuyển sang lớp D. Tôi chưa hiểu
vì sao, chắc là bố mẹ nhờ người quen (là cô Hoa bên Tài vụ của Trường) xin cho
con chuyển vào cái lớp „tốt tốt“- chính là lớp cô Toàn chủ nhiệm. Cô dáng người
cao, mặt vuông, tóc cắt ngắn gọn gàng tác phong nhanh nhẹn dứt khoát. Trên lớp
cô rất nghiêm trang, nói chuyện thẳng thắn nhưng nghiêm túc. Tôi vẫn ấn tượng với
cái giọng đầy chất Quảng Bình của cô. Khi hỏi thăm về cô quê đâu, bà chị tôi
chơi với con gái cô đùa hát câu: Quạng
Bình quê ta ơi !.(bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân). Cố tình hát nặng đi. Cô rất
yêu thể thao vận động. Tôi biết trong trường có 1 phòng đánh bóng bàn mà một số
thầy cô thường tập trung chơi bóng, cô là thành viên rất tích cực. Tôi từ bé đi
học, chưa lớp nào có bạn trùng tên với tôi. Nay Cấp 3 cũng thế, mấy bạn tên Hải,
Minh, Nam, Ngọc, Hạnh, Loan, Long .... thì trùng ríêt. Tôi hí hửng là chả ai
trùng tên. Thằng Lương Hải phang cho 1 nhát, còn bà Toàn. Mày không tính bà Toàn à. Mình tịt im. Bố mẹ tôi mỗi lần
đi họp Phụ huynh học sinh về đều nói cô
giáo „Toàn“ rất thẳng thắn và mạnh mẽ. Năm lớp 10, năm thằng tổ Ba nghịch
làm lộn xộn cái khu vực gần bàn giáo viên nhất: Đức Toàn, Hải Long, Lương Hải,
Anh Minh, Thành Nam. Tôi cứ tưởng tôi không nghịch lắm, nhưng cô Toàn đến đầu
giờ học đến tận bàn phát cho mỗi thằng 1 cái giấy mời Phụ huynh. Tôi hí hửng tưởng
mình „ngoan“, nhưng đến phiếu cuối cùng, cô nói trơn tuột: Còn đây là giấy của em. Tôi lịm người.
Học hết học kỳ năm lớp 11 Cô được chuyển sang công tác
khác, „thăng“ lên Hiệu phó. Chúng tôi mừng cho cô lên quan, nhưng buồn vì không
được cô Chủ nhiệm nữa. Lớp chuyển sang cô Tuyết – cũng là 1 cô giáo tốt và nhân
từ. Tuổi trẻ mà, đang ham quen cô này bị chuyển sang cô khác thì thấy hụt hẫng
khó diễn tả (Nhại lời bài hát Một cõi đi
về của Trịnh Công Sơn: đang yêu cô
này lại nhớ đến cô kia, yêu chi loanh quanh cho đời mỏi mệt ...).
Dù không Chủ nhiệm lớp tôi, nhưng cô cũng luôn quan
tâm và rất nhớ từng bạn trong lớp. Lúc sắp chọn lựa Trường để đăng ký thi ĐH,
tôi cũng còn mơ mộng mình sẽ làm Công an để phục vụ nhân dân, truy bắt „bọn xấu“
nhưng hồ sơ điểm số chúng tôi thấp quá không đủ tiêu chuẩn. Mà lại phải nộp bản
sao Học bạ. Tôi với mấy cậu lớp khác đến xin sao lại học bạ. Cô là Hiệu phó ký
cho ngay, hình như không đúng quy định. Cô Hiệu trưởng vào nhắc nhở, hỏi. Cô
Toàn thẳng thắn nói không xác nhận cho
chúng nó thì nó nộp Hồ sơ kiểu gì. Giọng cô thẳng thắn, nói to. Mấy thằng
chúng tôi ở ngoài nghe tưởng cãi nhau, sợ re kèn. Chữ ký của cô ngay rõ ràng
không ngoằn nghèo móc lượn. Tuổi 18, chúng tôi còn trẻ con, cũng lựa kiểu chữ
ký cho oai, tôi thấy kiểu chữ của cô thật giản dị thẳng thắn như con người cô vậy.
Về sau tôi thích mà học theo lối chữ ký của cô, cũng ký thẳng tên rõ ràng:
Toàn. Ai đọc biết ngay tên người ký. Nhưng ước mộng thành người Công an nhân
dân cũng không thành. Năm thứ 2 tôi mới thi đỗ ĐH.
Bí thư đoàn lớp Trần quang Hưng tặng hoa cô
bạn gái Vũ Hằng tặng hoa cô
Quốc Dũng - Vũ Hằng chụp ảnh cùng cô Chủ nhiệm cũ
Hàng năm bạn bè cấp 3 vẫn rủ nhau ngày 20.11 đến thăm
cô, ngày Tết dân tộc nếu được tụ họp thì cũng đến chúc Tết cô. Cô cởi mở lắm. Hỏi
thăm chúng tôi con trai cô cứ hỏi „thằng Toàn“, „thằng Dũng“, ....; con gái thì
cô gọi „cái Hạnh“, „cái Phương“ ... nhưng nụ cười và tác phong của cô làm chúng
tôi tự tin hơn. Nhiều bạn học cũ trong thời gian học có những chuyện này chuyện
khác, nhưng khi 20.11 đến thì đều háo hức đến với cô như đến 1 địa chỉ đỏ: Số
10 Đinh Công Tráng. Cô như là 1 điểm tựa tình cảm, tinh thần cho lũ học sinh lớp
12D Bạch Mai niên khóa 1992 – 1995 mỗi lần đến thăm được hỏi han, báo cáo lại
những thành công, vui buồn trong công việc, trong cuộc đời. (Nhớ đến các cụ
Cách mạng ngày xưa có caí trò, thăm Bác Hồ, Bác Tôn, Bác Giáp để báo công như một
phần thưởng). Nhiều khi tôi cảm nhận thấy, có những lần đông khách, cô đã mệt mỏi,
nhưng khi chúng tôi đến cô vẫn dành cho chúng tôi những nụ cười rạng ngời và hỏi
thăm từng đứa.
Thời gian trôi nhanh, việc nhà bận rộn. Lớp chúng tôi
hơn chục năm trời vẫn đến thăm cô đều. Chúng tôi cảm nhận thấy sự chân thành của
cô, nhiều đứa lập gia đình cũng mời cô. Chuyện cưới xin thời buổi bây giờ thật
là rách việc (người ta gọi là cơm bụi giá cao mà). Nhưng những tấm lòng của học
sinh nhớ đến cô Chủ nhiệm cũ, cô đáp lại rất chân thành, cô đến hầu hết, ít ra tôi
biết là đám cưới Mỹ Hạnh và đám cưới của tôi. Còn nhớ Bác Côn- Bố Mỹ Hạnh,
trong đám cưới Hạnh, gọi mẹ Hạnh: Mẹ Sơn
ơi! Cô Toàn này!. Đủ thấy cái tình cảm của cô đối với mọi người khiến người
ta cảm nhận và trân trọng, ấm áp.
Cô Chủ nhiệm và các bạn trong ngày cưới: Ngọc, Hạnh, cô giáo, vợ chồng tôi, Mạnh, T.Hạnh, Hải, cháu Tôm con nhà bác.
Hai anh chị Trí và Trà con cô cũng sấp sỉ độ
chúng tôi. Cũng có cái ấm áp chân thành của mẹ. Khi cô về hưu rồi, có năm lớp
chúng tôi hẹn nhau đi Hát Karoke, có mời cô đi. Cô cũng đi và hòa nhập lắm. Chúng
tôi muốn cô vui.
Cô vui cùng các bạn tôi: bên trái là Nga, bên phải là Hương
Nhưng 365 ngày của 1 năm, đám học sinh chúng tôi quan
tâm được đến cô có 1 ngày. Những ngày còn lại cô bệnh tình thế nào chúng tôi
không biết được. Tôi đi xa hơn 1 năm, lúc về không đúng ngày 20.11, người nhà
có nhắc đến thăm cô Toàn. Nhưng lại với lí do này nọ tôi không đến được. Vài
tháng lại đi ngay. Tôi tiếc quá. Năm 2013, 20.11 lớp đến thăm cô, chụp ảnh.
Đăng lên Facebook. Tôi thấy cô vẫn như ngày nào, vẫn nụ cười rạng ngời, chỉ ánh
mắt hơi mệt.
Cô Toàn với Cao Thành Nam
Cô với các bạn: Tiến Ngọc, Thành Nam, Ly, Mỹ Hạnh
Các bạn tôi với cô: Ngọc Long, Tiến Ngọc, Thành Nam, Ly, Hạnh, Ngọc, Hường
Cô hỏi thăm Li (1 bạn đã chia tay lớp chuyển trường từ năm đầu lớp 10)
Mọi người cùng chụp chung
Không ngờ đó là 20.11 cuối cùng chúng tôi được thăm cô. Cô ơi! Những
ngày 20.11 các năm sau, chúng em sẽ thăm ai. Ai cũng có nhiều thầy cô để mà
thăm. Thầy - Cô cấp 2, cấp 3, Đại học, ... và nhiều nữa. Nhưng cái tình người
chân thành của người mẹ nhà giáo dành cho những đứa con nuôi hàng năm vẫn hướng
về mẹ như một điểm nhấn trong cuộc đời chúng con thì cũng tùy từng người. Cô
cũng dạy nhiều lớp, các trò cũng học nhiều thầy nhiều cô. Nhưng điểm nhấn trong
cuộc đời của chúng ta có nhau làm điểm tựa. Tin cô bệnh vừa mới biết, lo lắng vừa
nhờ Mỹ Hạnh nhắn đến cô đôi lời thì tin cô đi đã đến ngay hôm sau. Tôi đã nghĩ đến
tình huống xấu nhưng sao lòng chơi vơi. Cô ra đi cũng như bao người thân trong
họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, .... đã ra đi trước đó. Nhưng lòng chơi vơi nghĩ
về những điểm tựa, điểm mốc trong cuộc đời. Đêm nằm mơ thấy cô cười tươi, mặc áo vét
màu da trời sáng, đến thăm ăn cơm nhà tôi ở Hà Nội. Không nói chuyện gì. Ở xa,
xin viết đôi hàng làm nén tâm hương thắp trước hương hồn cô mỗi ngày Hiến
chương các nhà giáo.
11.04.2014. Taucha, Deutschland. Kim Vô Điểm viết.
Toàn, cảm ơn cậu đã viết ra những điều ở trong lòng bọn tớ. Giờ tớ mới biết tin là cậu không ở việt nam
Trả lờiXóaMộc mạc và ấm áp quá, cảm ơn bạn nhé
Trả lờiXóaKhông nên viết là cô cùng tên cùng họ với tôi.
Trả lờiXóa