GHÉC MANH TẢN MẠN KÝ - ph.2 facebooker Nam Nguyen
(trích ĐÂ AHT) Tiếp theo của: https://www.facebook.com/namhhn/posts/3944310838964157
Đầu thập kỷ 90, các chợ giời mọc lên như nấm sau mưa ỏ Đông Đức. Chợ nào cũng có vài bóng đầu đen, có nơi con cháu Hùng King làm hẳn một khu lớn. Dân Đông Đức cũ thiếu thốn đủ thứ, tiền lại mới được đổi, để trong nhà nóng như có hoả hoạn. Vậy là đem ra tiêu. Hàng hoá thời kỳ này chỉ là băng đĩa của các ban nhạc chuyên hát Schlager (một dạng bô-lê-rô trong âm nhạc Đức), quần áo, khăn trải bàn, đồ điện tử gia dụng rẻ tiền. Nguồn hàng chẳng phải đi đâu xa, dân Dresden chỉ chạy hơn 200 km sang đến West Berlin, lượn qua mấy khu phố Thổ, đong lấy một xe đủ chủng loại hàng. Hôm sau bày ra sạp, kiểu gì cũng có đôi nghìn tiền lời. Chợ có cái mở thứ 2,4,5 cái mở 3,5,7. Cứ thế sắp xếp lịch đi, không nghỉ ngày nào. Ra chợ cứ thấy sạp hàng nào màu sắc như cầu vồng, hàng hoá cái trên bàn, cái dưới đất và người bán hàng tròn xoe như con lật đật vì mặc 2, 3 lớp áo khoác thì đích thị đó là quầy của dân Giao Chỉ. Phơi nắng sương suốt ngày, về sau đây là nguồn cơn của lớp người Việt phải chung sống với máy chạy thận và thuốc trợ tim.
Ở thủ đô Berlin, nghề đi chợ cũng thịnh hành. Song tại đây có một nguồn béo bở do người Nga, gồm cả lực lượng lính Nga đồn trú cung cấp: thuốc lá. Buôn thuốc lá lãi cao. Đêm đêm trên các cánh rừng quanh Berlin, cảnh buôn thuốc giữa người Nga và người Việt thật sôi nổi. Nhiều vốn thì làm cái Minivan cũ, nhét lên 2000 tút Marlboro, West gì đó. Chạy về tới nhà tập thể, sang tay cho lực lượng bán lẻ ngay và luôn cũng đươc hơn nghìn D-Mark. Còn người bán lẻ, phải phơi mình dưới nắng mưa, băng tuyết được hưởng số lãi cao hơn. Trung bình một bao thuốc mang lại cho người bán lẻ 1,5 đến 2 đồng DM. Người Việt đứng đầy các ngã tư, ngã năm. Cứ đến đợt đèn đỏ, các phương tiện giao thông dừng là họ lao ra chào mời thuốc lá, cách tiếp thị so với lớp tiền bối phe vé ở rạp Tháng 8 Hà Nội bạo dạn gấp bội phần. Buôn thuốc lá lãi suất cao nhưng hiểm nguy không ít. Đầu tiên là hải quan và cảnh sát bắt, tịch thu thuốc, nhốt vào đồn lấy vân tay, sau đó phạt khá nặng. Cái này người Việt điếc vì họ tâm niệm lúc đó, mình có ăn đời ở kiếp ở cái xứ băng giá này đâu mà tính xa? Cố cày lấy vài chục cây vàng rồi khăn gói hồi hương, tậu con vợ, xây quả nhà là mỹ mãn rồi. Khổ cái tiền vào nhiều ham, sau có đến một, hai trăm cây vẫn chép miệng “một đời ta muôn vàn đời nó”, tội gì không mần tiếp. Về sớm sau này thằng đồng hương cùng xã về xây nhà to hơn thì nỏ biết nói với cha mạ ra răng. Có buôn lậu sẽ có cạnh tranh, mà là cạnh tranh không lành mạnh, đi kèm với bạo lực. Khởi đầu là mấy tay du côn tụ họp lại đi bắt người bán thuốc, bán xôi chè, bún phở trong các khu nhà tập thể đóng tiền bảo kê. Vì muốn yên thân, những người buôn bán này chấp nhận nộp tiền. Sau thấy dễ nuốt, mấy tay “bộ đội” này tiến đến yêu cầu cao hơn, bắn đóng hụi chết cho những địa điểm người bán thuốc lậu vẫn đứng hoạt động. Đó có thể là cửa một cái siêu thị, một cái ngã tư, ngã năm sầm uất, miễn có nhiều người qua lại. Tiền bảo kê này dựa vào doanh số của khu vực đó. Ngày bán đuọc nhiều sẽ đóng nhiều và ngược lại.
Trong số bộ đội làm nghề này nổi lên Nam “Động” và Tuấn “Hà Nội”. Kiếm tiền dễ, thấy bà con hiền lành dễ bắt nạt , mấy chú này bắt đầu làm càn. Đấm đá, chửi bới, trấn lột xảy ra như cơm bữa. Tức nước tất phải vỡ bờ, bà con tiểu thương (gọi thế cho nó lành mạnh) kiến nghị lên một số cốt cán người miền Trung đề nghi giúp dẹp đám thảo khấu đang tác oai tác quái này. Số cốt cán đa phần là những bộ đội phục viên, cựu công an cũng đang lêu lổng, đôi lúc cũng bị đám “bộ đội” Bắc kỳ đà cản mũi trong làm ăn. Nhóm này đứng lên lập hội Từ thiện, mục đích ban đầu cũng trong sáng như thời Xô viết Nghệ Tĩnh là đòi lại công bằng cho quảng đại quần chúng. Vào một ngày đẹp trời, Nam “Động” vừa khệnh khạng xuống xe trước cửa một khu tập thể của người Việt ở Berlin thì bị bốn bàn tay cứng như thép khoá chặt hai bên. Môt cú lê xiên thẳng vào bụng. Nam rũ xuống và bị kéo lê lên tầng hai khu nhà. Tại đây đã có một Thạch Sanh cầm rìu chờ sẵn. Một cú bổ của gã tiều phu này chẻ đôi phật thủ của tay giang hồ xóm, Nam giãy đươc mấy cái trên đống đậu Mơ nhầy nhụa rồi hồn du địa phủ. Mấy hôm sau, đến ku Tuấn “Hà Nội” ăn trọn băng đạn AK lúc ngồi trong ô tô. Hai vụ này làm rúng động phe Hắc đạo Bắc kỳ. Mất cả đại đội trưởng lẫn chính trị viên trong tích tắc, phe Bắc kỳ tan rã và phía miền Trung lên ngôi. Bộ đội Bắc dạt về các tỉnh mai danh ẩn tích, nín thờ chờ thời. Berlin rơi hoàn toàn vào tay quân khu Bốn.
Thiên hạ đã tưởng thế là thái bình đã trở lại, Bắc Trung Nam lại cùng ca bài như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Nhưng khi đã có “quyền bính” trong tay, người Việt đánh mất mình cũng nhanh như lúc tạo dựng tên tuổi. Băng miền Trung quay ra cắn xé, tranh giành lãnh địa làm ăn và phân hoá. Có đội thuộc Quảng Bình, đội Nghệ An, Hà Tĩnh. Rồi trong cùng một tỉnh cũng phân biệt đội Vinh, đội Thanh Chương… Đến bố ông Đinh Bộ Lĩnh sống dậy cũng không thể mời các hội này ngồi cùng mâm uống chén rượu kể cả vào ngày Quốc khánh.
Các băng nhóm miền Trung thống trị Berlin trong một thời gian khá dài. Những gương mặt tiêu biểu có thể kể đến Vân “bụng” (vụ Vân bụng bị hạ thủ đến giờ vẫn là môt ẩn số), Tịu “híp”, Trị “bờm”, Hà “lì”… Sẵn tiền mua vũ khí (súng quân đội Nga bán ở chợ đen như bán rau), em út từ quê sang tị nạn đông, cứ vài chục người là lập thành băng, tha hồ tung hoành. Nhưng để nói đến mức độ tàn bạo chắc không ai qua được Lê Duy Bảo với biệt danh Ngọc Thiện. Sang Đức năm 1993, chỉ một thời gian sau băng Ngọc Thiện đã thâu tóm 2/3 thị trường thuốc lá lậu của người Việt tại Berlin. Đỉnh điểm là vụ hành quyết 6 người Việt trong một căn chung cư tại quận Marzahn. Tất cả đều bị bịt mắt và bắn vào đầu. Vụ án này làm rúng động truyền thông và tốn không ít giấy mực của báo giới. Bắn giết trong cộng đồng người Việt là chuyện thường nhật. Đi karaoke, nhìn thằng bàn bên ngứa mắt, lôi ra cửa bắn. Đá bóng ở sân trại tị nạn, va chạm nhau, lập tức bỏ bóng… bắn người. Các sát thủ Việt học hỏi phim ảnh Hồng Kông quá nhiều, lúc hành quyết thường có những hành động kiểu Châu Nhuận Phát. Thế nên mới có vụ, chợ đang họp đông, một chú Việt nam lê khẩu AK dài hơn người ra làm một tràng thị uy. Không dùng hàng nóng bao giờ, súng giật chú ngã lăn quay trên bãi cỏ. Rồi vụ năm chú đuổi bắn một chú như phim hành động. Đối phương ngã rồi, có chú còn tiến đến làm thêm phát vào đầu, coi như chốt hạ. Sau vụ Ngọc Thiện, cảnh sát liên bang vào cuộc vì dư luận quá phẫn nộ. Cảnh sát lập hẳn chuyên án về băng đảng người Việt gọi là Soko Vietnam. Các cuộc truy quét diễn ra rầm rộ, các nhân chứng được triệu tập. Có trường hợp công tố viện chấp nhận thay đổi danh tính, nhân thân, cấp quyền cư trú cho nhân chứng để họ mạnh dạn khai ra hung thủ. Côn đồ người Việt thật ra mới ở đẳng cấp lưu manh, sánh sao được với “phia” Nga, Ý. Bắt cho vài chục chú, giã mỗi chú 1,2 án chung thân. Thế là khai hết, đổ tội cho nhau, miễn thân mình thoát cảnh ngục tù. Các băng nhóm tan rã nhanh hơn vụ Cần Vương của cụ Phan!
Cũng từ giai đoạn này, nước Đức nới lỏng quy chế định cư cho người Việt. Miễn có nhà cửa đủ rộng, thu nhập đủ sống là được cấp phép cư trú. Có giấy tờ rồi, không còn là công dân hạng ba nữa, người Việt bước vào thương trường với tư cách khác. Nhiều người lập công ty, đưa hàng dệt may, thực phẩm từ Việt Nam sang bán. Hàng quay về ban đầu là xe IFA, máy móc, thiết bị cũ, sau đó đến hàng tiêu dùng, thiết bị cao cấp hơn. Học theo gương các “soái” Nga, Ba Lan, người Việt tại Đức cũng mở chợ đầu mối, chuyên bán buôn. Có thể kể đến Vina Center ở Dresden của Dũng “con”, chợ Đồng Xuân của anh em Hiền “râu” tại Leipzig, chợ “Rhin 139” của chị Thắng. Mỗi chợ có từ vài chục đến tầm trăm quầy giao hàng. Nếu so với chợ Vòm bên Mát hoặc chợ sân vận động ở bên Vác thì quy mô kém xa. Dẫu sao người Việt đã bắt đầu có sân chơi riêng.
Từ chỗ phải đặt hàng hoặc mua lại từ Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, người Việt ở Đức đã mở xưởng may ở Việt Nam, tự thiết kế mẫu mã, chủ động tìm nguồn nguyên vật liệu để mở rộng sản xuất. Có những xưởng may ở Hải Dương, Thái Bình, Nam Định tạo ra công ăn, việc làm cho hàng nghìn người lao động. Hàng hoá tràn ngập trong các khu giao hàng. Đây cũng là lúc các đầu mối đưa hàng từ Ba Lan, Hungary… vào Đức bùng nổ. Điển hình là anh em Quân-Trường-Sơn tại Ba Lan (mà TSQ ở Hà Nội dân bất động sản nghe cũng thấy quen quen đấy). Ba anh em nhà này đã biến hoá hàng nghìn container hàng dệt may xuất xứ Việt Nam thành hàng Ba Lan ( được ưu đãi thuế) tuồn vào Đức. Thế nên đã có vụ hải quan Đức bắt được nhiều công hàng nghi vấn có xuất xứ ngoài châu Âu. Kiểm tra, giám định chán không xác định được nguồn gốc. Chỉ đến khi họ đem mảnh giấy lót phía trong phần thêu của áo len đi dịch mới biết đó là xã luận báo ở Việt Nam thì mọi việc mới vỡ lở.
Bước vào thế kỷ 21, mô hình kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Đức có thêm nghề mới: nghề làm móng - Nail. Người đưa nghề này vào Đức nghe thiên hạ đồn là Sơn Nail, một Việt kiều Mỹ. Đây được coi là ông tổ tạo ra nghề mài giũa cho hàng chục nghìn người đã và đang hành nghề khắp các hang cùng, ngõ hẻm ở Đức quốc xã. Người người cầm giũa, nhà nhà quét Gel. Có những ông nghề chính từ xưa đến nay là đi dán băng dính vào mồm thiên hạ (cướp), bẻ khoá, cậy cửa, nay cũng đi nâng niu bàn tay, bàn chân người Đức kiếm tiền. Từ chỗ chỉ làm móng, một số người thức thời chuyển sang buôn vật tư nghề nail và cũng tạo dựng nên tên tuổi như Cường Maika, Hà Nail, Luỹ Nhàn….
Nhưng nghề làm người Việt có tiếng tăm trên nước Đức lại là nghề hàng ăn. Trước năm 2000, các quầy bán đồ ăn của người Việt chủ yếu bán mấy món cơm rang, mỳ xào theo dạng ăn nhanh. Lác đác có người mở quán thì cũng theo mô hình Tàu, nghĩa là đèn lồng treo cao, câu đối, long ly quy phượng, sư tử chầu ngoài cửa tiệm như sở thú. Sau đó người Việt tiến tới mở các chuỗi hàng ăn nhanh tại khắp các siêu thị lớn, nhà ga trên nước Đức. Tiên phong cho trào lưu này phải kể đến Asia Goumet của chị Tâm “Koch”, sau này để lại cho vợ chồng con gái là Trà Thảo tiếp quản. Lúc đỉnh cao, gia đình chị Tâm có đến 80-90 quầy nằm ở những vị trí đắc địa nhất. Doanh số quầy này bù quầy kia cũng khoảng 3-4 nghìn Euro/quầy một ngày. Tiếp bước theo gia đình bà Tâm là vợ chồng Hùng Xuân với thương hiệu Asia Hung, số quầy và doanh thu cũng ngang ngửa. Có thể kể đến một vài tên tuổi khác như Thăng Long, Hùng Haiky, Cocos… Sau làn sóng tiệm ăn nhanh, được sự tiếp sức của làn sóng du lịch của người Đức đến Việt Nam, chắp cánh bởi đường bay thẳng Hanoi-Frankfurt, HCMC-Frankfurt của Vietnam Airlines, người Đức đã biết đến nền ẩm thực “nói không với dầu hào” của con dân nước Việt. Đồ ăn Việt tươi, nhiều rau và chủ yếu xào nấu trực tiếp. “Bóp chết” đồ ăn Tàu ở món nước mắm làm nên mùi vị đặc trưng, người Việt cũng thiết kế quán tiệm thật gần gũi với thiên nhiên, tận dụng tre, nứa trong thiết kế không gian bán hàng. Quán Việt mở ra với tốc độ chóng mặt, khách đông nườm nượp. Nói đến Sushi, ai cũng hình dung ra một ông như Samurai đứng sau quầy múa dao, chạy bàn là mấy Kimono lả lướt. Thưa, hình ảnh đó Diễm rồi. Quán Sushi tại Berlin giờ nằm trong tay người Việt. Cũng vung dao chém miếng Sashimi thành thục như đàn anh ở Tokyo nhưng mồm vẫn điện thoại báo con đề về Hà Nội. Cá hồi, cá ngừ đại dương, cá tuyết cũng không còn là món hàng độc quyền của mấy ông Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và kể cả Đức. Công ty Le Seafood của Sơn “lim” đã phủ hàng kín Berlin. Xe giao hàng chạy như ong vỡ tổ.
Người Việt ở Đức có giàu không? Xác định mức giàu nghèo cũng khó như đoán số đo vòng 1 của các hoa hậu Việt Nam. Như anh Hiền “râu”, chị Tâm “Koch” cũng là có của ăn của để. Bao nhiêu triệu nằm trong tài khoản cũng chẳng rõ nhưng nhà cửa, cơ ngơi cả ở Đức lẫn Việt Nam cũng không muốn đếm vì nhiều. Tỉ như Đào Minh Quang, một tay sống kín tiếng, riêng nhà tại Berlin, toàn địa chỉ đỏ, đã có vài chục cái. Còn số người Việt có 2,3 cái nhà tại Đức, thêm dăm bảy cái ở Việt Nam chắc sẽ không đếm xuể. Cơ chế của nước Đức, cộng thêm chế độ thuế má khắt khe không có đất dụng võ cho những ai nuôi mộng đế vương, làm “soái ca” như ở các nước Đông Âu cũ. Khai báo thuế không tử tế, tất sẽ có ngày cốc mò cò xơi. Nhà nước sẵn sàng làm ngơ vài năm với những ông nhập nhèm về nghĩa vụ đóng thuế. Bẵng đi vài năm, khi đã bị Sở thuế sờ đến, coi như xác định trở về Lũng Cú, đo tương lai từ mốc số 0.
Cũng không có những cuộc dịch chuyển ngoạn mục về Việt nam như anh Vượng Vin hoặc chí ít như anh Thân “địa chủ” chợ “Sân vận động”. Nước Đức chia đều cho số đông. Ai cũng có công ăn, việc làm. Nếu có chí, chăm chỉ thì có cuộc sống đủ đầy. Cái hay và cái dở của nước Đức nằm ở khâu phúc lợi xã hội. Ở đây không ai phải khúm núm trước một ông soái nào cả. Ông trả lương tử tế, tôi phục vụ ông. Bầy hầy tôi lượn, việc đầy ngoài đường. Nhỡ có đau ốm, bệnh tật đã có bảo hiểm lo, thiếu tiền nhà thì xin trợ cấp xã hội. Trẻ con đi học không phải trả xu nào, cũng không có ngày 20/11 để bố mẹ đến xếp hàng ở cửa nhà thày cô. Hết giờ làm, đi nhậu có gặp xếp cũng chỉ Hello là xong. Xếp nhiều tiền dùng bò Kobe chiêu với Macallan thì lính cũng đủ tiền làm chai John đỏ với nồi chép om dưa. Cái dở của việc nhà nước bao cấp là nó làm cho người ta ù lì hơn, AQ hơn và kém năng động. Kiểu, kệ bố mày, mày cứ lo thân mày đi, tao đã có nhà nước lo.
Bố mẹ Việt giống nhau ở đoạn nuôi dạy con cái. Ở Việt Nam thế nào thì ở Đức cũng vậy. Người Việt luôn đốc thúc con cái học hành, tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ kế tục, đúng tinh thần con hơn cha nhà có phúc của ông bà để lại. Thế hệ 2 và 3 ở Đức đã có chỗ đứng trong xã hội. Nhiều tiến sỹ trẻ, thậm chí có hàm giáo sư đã xuất hiện. Vài nơi, người gốc Việt đã tham gia chính trường. Tất nhiên không tính đến ông Roessler, cựu chủ tịch đảng FDP, kiêm phó thủ tướng Đức vì ông này ăn khoai tây và Doener là chủ yếu, cội rễ bong tróc từ lâu rồi. Lứa trẻ cũng có định hướng riêng. Có người phàn nàn, em chuẩn bị 200 ngàn Euro cho con để nó mở quán, kiếm tiền cho nhanh. Ai ngờ nó bảo, quán con không cần, nếu bố cho con vay, con sẽ sang Anh làm tiến sỹ, sau này ra làm việc, chỉ 3, 4 năm con gửi lại bố. Kể cả trong lĩnh vưc nghệ thuật, thể thao, lứa trẻ gốc Việt cũng đóng góp nhiều gương mặt.
Tản mạn về nước Đức trước thềm Noel như vậy đã. Sẽ có dịp quay lại với nước Đức kỹ lưỡng hơn cùng bạn đọc. Covid 19 lại có biến thể mới, lịch tiêm chủng bắt đầu từ ngày 27.12.2020. Già tiêm trước, trẻ tiêm sau. Lứa người Việt đạt mức xưa nay hiếm ở Đức cũng chỉ như lá mùa thu. Đa phần còn trong lứa tuổi sung sức, còn phải bươn chải. Lúc dịch giã này, đã là người Việt thì dù uống nước sông Đuống hay nước sông Elbe, câu đầu tiên chúc nhau vẫn là “vạn sự an lành!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét