Góp ý cho dịch giả Nguyễn Quang Hà về ấn phẩm Hoa trình thi tập A.2530.
Nguyễn Đức Toàn
Văn bản Hoa trình thi tập A.2530, được dịch giả Nguyễn Quang Hà biên tập- phiên âm- dịch nghĩa, trên cơ sở bản “Khải hóa” được giúp đỡ của Nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Ngọc Thanh - “người được đào tạo chính quy, bài bản về thư pháp học tại Trung Quốc” và “một đôi bài thơ” được sự góp ý của Nhà nghiên cứu Thư pháp kiêm nghiên cứu Phật giáo Lê Quốc Việt. Chúng tôi hết sức tò mò về sự tham gia của 2 nhà nghiên cứu này. Tuy nhiên, ngay bìa ngoài của ấn phẩm, đã đề rõ ràng “Nguyễn Ngọc Thanh chân hóa chữ thảo” và trong lời giới thiệu của dịch giả đã bày tỏ tri ân sự “góp ý chân thành” của Lê Quốc Việt và sự viết Lời Tựa của GS. Đinh Khắc Thuần. Vậy là Văn bản cũng như Dịch bản tối thiểu là đã có 4 người tham gia “DUYỆT閱 ”. Chưa kể đến Ban quản lý Di tích Nguyễn Du và Nhà xuất bản Nghệ An. Vậy là một công trình có sự tham gia rất đầy đủ- đông đảo các ban nghành chức năng.
Nhưng lối trình bày của Ấn phẩm này ngay từ bên ngoài cho đến bên trong đã khiến cho chúng tôi rất băn khoăn và tò mò. Sau khi tìm hiểu kỹ hơn về văn bản chữ Thảo Hoa trình thi tập. Kết hợp với bản dịch đã thành ấn phẩm của dịch giả được người quen gửi sang tận Châu Âu. Tôi thực sự bất ngờ về những thao tác, trình bày mà nhóm biên dịch đã thực hiện:
- Thứ nhất: Ngay ở bìa ngoài của Dịch phẩm Hoa trình thi tập. Người biên soạn đã bỏ qua nguyên tắc Trung Thành với văn bản gốc. Theo thứ tự trung thành với nguyên tác: Tác giả của Hoa trình thi tập là Nguyễn Gia Cát; người chép là Lý Trần Lại; người duyệt là Lê Lương Thận và Nguyễn Du. Tất cả đều đầy đủ tên hiệu, thậm chí nguyên tác đề tên Lê Lương Thận và Nguyễn Du ở hàng thấp và chữ viết bé đi. Thể hiện vị trí và tầm quan trọng khiêm nhường hơn của nhân vật được nêu. Nhưng người biên soạn sách đã sửa lại đặt Nguyễn Du lên trên Lê Lương Thận, và ưu ái đề rõ ràng tên hiệu: “Tố Như – Nguyễn Du”. Vì lý do gì? Phải chăng ông Nguyễn Du quan trọng hơn, nổi tiếng hơn các ông khác? Hay vì kinh phí của Ban quản lý Di tích Nguyễn Du nhiều hơn nên phải đề tên ông ta lên trên cả Lê Lương Thận? Tôi không lý giải được. Nhưng như chúng ta được biết theo dòng lịch sử, và quan điểm lịch sử thì thời điểm này Nguyễn Du không phải là người nổi tiếng. Thậm chí độ danh giá so với Nguyễn Gia Cát thì Nguyễn Du là rất nhỏ bé. Nguyễn Gia Cát đỗ Tiến sĩ Chế khoa đời Lê Chiêu Thống, là có danh vị trong làng khoa giáp, từng lịch duyệt các đời Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn và được cả 3 triều cất nhắc sử dụng. Còn Nguyễn Du chỉ đỗ Tam trường thi Hương (thực tế thi Hương là có Tứ trường), nhờ gia đình quyền thế mới được Tập ấm. Bản thân Nguyễn Du là con dòng thứ một trong các vợ bé của Nguyễn Nghiễm. Sau này được trọng dụng và nổi tiếng về sau. Và sự trọng dụng cũng chỉ đến chức Tham tri bộ Lễ. Hiểu theo cách nói dân dã, bộ Lễ không phải là bộ có nhiều lợi lộc:
“Nhất thì bộ Lại bộ Binh
Nhì thì bộ Hộ bộ Hình cũng xong
Thứ ba thì được bộ Công
Còn như bộ Lễ, lạy ông con về”
So sánh với Lê Lương Thận thì Nguyễn Du cũng kém hơn. Lê Lương Thận làm Hàn lâm đãi chế dưới thời Quang Trung được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Sau về hàng Gia Long cũng được cất nhắc ngay. So với cậu Ấm Du trốn tránh nơi quê ngoại, giao du trốn giáo phường, con hát, thì Lê Lương Thận vẫn hơn rất nhiều. Vậy thì sự tham gia đồng duyệt ở đây của Nguyễn Du chỉ là đề
tên cho danh giá thêm, vì mối quan hệ thân thiết giữa Nguyễn Gia Cát với Lê
Lương Thận, Nguyễn Du. Nên các cụ đưa thơ cho nhau đọc, và DUYỆT thôi. Chứ hai
cụ này hoàn toàn không thể coi là đồng tác giả của Thi tập. Không phải như dịch
giả Nguyễn Quang Hà chế biến nó thành “đứa con
tinh thần tập thể, bởi có sự tham gia đồng hiệu duyệt của Nguyễn Du và Lê Lương
Thận.” Dịch giả đã diễn chữ Duyệt 閱
ra thêm chữ Hiệu Duyệt校閱
và chú thích thêm ở trang 26: “Tức
là cùng nhau hiệu đính, đọc duyệt, và sửa chữa”. Thời điểm năm Gia Long 1802,
lúc đó Nguyễn Du chưa danh giá gì, nên chỉ đề là Tiếm Bút Đồng Duyệt僭筆同閱. Là phận ngưới dưới mà Tiếm Bút khuyên
điểm duyệt vào đó mà thôi. Việc thay đổi trật tự nhân danh trong tiêu đề cho thấy,
dịch giả đã thiếu tính Trung thực đối với nguyên bản.
|
|
- Thứ hai: Dưới dòng tên sách Hoa trình thi tập có đề dịch giả Nguyễn Quang Hà là người thực hiện các thao tác: Khảo cứu, Dịch chú, Giới thiệu. Vâng dịch giả đảm nhiệm rất nhiều khâu. Bên dưới là Nguyễn Ngọc Thanh chân hóa chữ thảo. Nhà nghiên cứu trẻ tài năng này chỉ làm mỗi một khâu Chân hóa chữ Thảo. Với nhận thức của cá nhân tôi, việc đọc được chữ Hán Chân đã là Khó, việc đọc được chữ Hán Thảo còn Khó hơn. Tiền đề ở đây có thể quy ra rằng, người đọc được chữ Hán đã Giỏi, người đọc được chữ Hán Thảo hẳn còn phải giỏi hơn. Nhưng thực tế theo bản dịch đã công bố, chúng tôi thấy nhóm Nguyễn Quang Hà đã không Chân hóa được hết tất cả các chữ Thảo trong văn bản, mà phải đoán, phải suy để trong ngoặc vuông [], thậm chí để dấu chấm hỏi (?).
Chúng tôi đặt giả thiết về mức độ tham gia công trình của 2 nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc
Thanh, Lê Quốc Việt. Liệu họ có thực sự được đọc bản thảo cho đến hết, hay dịch
giả chỉ mang chữ Hán đến hỏi, chữ này là chữ gì? chữ này là chữ gì?.
- Thứ ba: Người viết Lời Tựa là GS Đinh Khắc Thuân đã không đọc bản thảo mà viết và copy theo khảo cứu của người Biên dịch. Thông thường từ cổ xưa đến giờ, được viết Lời Tựa, Lời Đầu Sách, Lời Giới Thiệu … thường là những người sẽ đọc kỹ, hay ít nhất đọc qua tác phẩm để cảm nhận được tư tưởng tinh thần của văn bản. Người viết Tựa sẽ nắm bắt nội dung và tổng quan lại để đưa đến cho người đọc một cái nhìn chung nhất, tổng quan nhất về GIÁ TRỊ TÁC PHẨM, hay những THÀNH TỰU của người làm sách. Riêng ở Ấn phẩm Hoa trình thi tập này, tôi nhận thấy GS. Đinh Khắc Thuân đã KHÔNG BIẾT GÌ về nội dung bản dịch, mà chỉ thao thao bất tuyệt về Nguyễn Gia Cát, về Nguyễn Du, … “tài ba”, “khí phách” (Gia Cát thì đỗ Tiến sĩ đời Lê, làm quan đời Tây Sơn, hàng thần lơ láo đời Nguyễn... thì khí phách cái gì? tài ba cái gì?; Du thì Cậu Ấm đời Lê lưu vong loạn lạc mấy chục năm nhờ uy danh tiên tổ mà được dùng lại thì thử hỏi tài năng gì? khí phách gì ? )… và GS. Copy lại y trang phần Khảo luận. Trang thứ 8[1], GS viết rằng: “Hoa trình thi tập với số lượng khá khiêm tốn, cả thảy 54 bài”. Thực tế là 58 bài. GS chỉ đọc đến bài số 54;
|
|
Cũng ở trang thứ 8, do dịch giả đọc nhầm 2 chữ Vãn bối 晚輩thành Vạn Liễn, nên GS. Đinh Khắc Thuân cũng copy và đây là Vạn Liễn[2]. Thật là Thần kỳ! Vãn bối 晚輩là một khiêm ngữ từ xưng hô trong cổ văn mà đọc thành Vạn Liễn, thành tên hiệu của Lý Trần Lại. Tước hiệu của Nguyễn Gia Cát là Quỳ giang hầu 葵江侯, đọc Sai thành Tế giang hầu 細江侯.Thần kỳ và trùng hợp là, thâỳ nào trò nấy viết đâu quên đấy không thèm đọc kiểm soát lại. Qua văn phong, ý tưởng giữa GS. Đinh Khắc Thuân và dịch giả Nguyễn Quang Hà luôn nhắc việc Nguyễn Du tham gia HIỆU DUYỆT và đảo vị trí ông Nguyễn Du lên trên ông Lê Lương Thận.
Toàn bộ văn bản không có một dấu vết nào của Nguyễn Du cả, ngoài lạc khoản nhắc độc giả rằng: NGUYỄN DU ĐÃ TỪNG DUYỆT THI TẬP NÀY. Toàn bộ Lời Tựa của GS. Đinh Khắc Thuân không hề có một cảm xúc nào về giá trị thơ văn đi sứ của Nguyễn Gia Cát, nhưng lại “góp phần không nhỏ trong hoạt động bang giao của nhà Nguyễn cũng như sự nghiệp văn chương văn hóa dân tộc”[3]!
|
-
Thứ tư: Bố cục nội dung của ấn phẩm được dịch giả
trình bày:
- Lời tựa
- Lời nói đầu
- Giới thiệu về tác giả và những người tham gia hiệu duyệt tác phẩm Hoa trình thi tập
1. Dòng họ của Nguyễn Gia Cát – Khoa bảng và Danh gia vọng tộc
2. Trước tác và sự nghiệp của Nguyễn Gia Cát
3. Vài nét về Nguyễn Du
4. Về Lê Lương Thận và Lý Trần Lại
Tài liệu tham khảo
Phần Nội dung
Ở đây dịch giả trình bày 58 khổ thơ theo lối:
- Nguyên văn chữ Hán
- Phiên âm
- Dịch nghĩa
- Dịch thơ.
Nhưng kỳ lạ là, phần trình bày của ấn phẩm này, cứ bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có 8 câu, thì cứ 4 câu, người biên soạn lại nhét vào 3 dấu Hoa Thị ***? Không hiểu vì lý do gì? Một lối trình bày kém không có một tý khái niệm “phong thủy” nào! Một bài thơ 8 câu bị chém ngang lưng bởi 3 dấu Hoa thị! Phiên âm dịch nghĩa cũng vậy! Phải chăng để đọc 4 câu một cho nó dễ. Nhưng trong khi đó bài thơ thứ 3 là 1 bài Ngũ ngôn trường thiên dài ngoằng thì lại không cắt 4 câu 3 Hoa thị?
Trên đây, là 4 điều thảo luận trình bày ý kiến của riêng tôi khi mới đọc qua dịch phẩm Hoa trình thi tập của nhóm Nguyễn Quang Hà dịch. Trong đó, nhóm biên dịch đã thể hiển sự không trung thành với trật tự nguyên bản khi để sai thứ tự nhân danh trong tác phẩm, có xu hướng sùng bái cá nhân Nguyễn Du; Nhóm biên dịch đã không đọc được trọn vẹn toàn bộ văn bản, còn khá nhiều chữ chưa đọc được. Có chữ đọc sai chúng tôi sẽ thống kê góp ý ở bài khác; Người được ưu ái viết Lời tựa đã không ĐỌC, không thẩm định được Nội dung, Giá trị của bản dịch; Bố cục nội dung tùy tiện thiếu tính khoa học. Hoặc ít ra có thể lý giải được về sự thiếu sót này. Nhưng ở đây không thể nhận thấy được điều đó.
Chúng tôi xin góp ý tiếp cụ thể về chữ nghĩa trong các bài tiếp theo.
Leipzig Germany 3/2023
Cổ hoàng Nguyễn Đức Toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét