Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Vì sao phải học Hán Nôm?

Một khoảng thời gian không quá dài, không quá ngắn được dạy chữ Hán ở một vài nơi. Tôi cũng có nhiều suy nghĩ về cái vốn cổ này của ông cha nước Việt chúng mình (không nên đổ là của Trung Quốc không phải của mình nhé). Nhưng ngẫm thấy nó đang dẫy dụa chết đi, hay là biến thoái đi từng ngày theo nhịp sống tốc lợi đoản tín và vong lễ của đám con cháu bất lương khó dạy. Chả hiểu sao tâm tư tôi cứ trăn trở mãi, các GS các nhà KH lớn tuổi đã nhiều người bàn luận về Hán Nôm và sự học Hán Nôm rồi. Người bảo giữ kẻ bảo nên, người kêu thừa người kêu cũ. Đương nhiên vẫn là Tâm-Trí-Tài-Tiền-Thiên thời chưa đủ mạnh. Tôi thì cố nhiên, bảo vệ cái “Phái của mình” nên bênh bọn giữ rồi. Nghĩ cũng bất công cho phe kia, nhưng nhìn lại thì thấy cái gốc con người nước nào cũng vậy, đều bị hình danh lợi lộc bủa vây, nhân tính đọa lạc cả rồi học vị lợi lộc cả thôi chứ cái chí thiện của Thánh nhân mấy ai cầu nữa. May chăng có các bộ lạc người thiểu số trong rừng rậm còn cái bản thiện mộc mạc mà thánh nhân nói. Cái ham tri thức và lương tri, kẻ sĩ hơn người thường là ở đó. Viết đôi lời tâm sự về cái gốc học Hán Nôm của người Việt Nam ta vậy. Tuy có hơi rườm rà gốc rễ, nhưng có ích cho kẻ ngoài cửa mà đang nghiêng ngó. Phần nào giải thích cái chưa hiểu của người muốn hiểu hay hỏi vu vơ đấy thôi. Xin bậc túc trí đừng cười  thì đỡ cái hổ thẹn của Dã Tràng rồi.
HỌC HÁN NÔM
                                                                                     Nguyễn Đức Toàn
1. Chữ Hán là chữ của người Hán, truyền vào nước ta từ thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Lúc đó người Việt ta chưa có chữ viết riêng (văn tự riêng) nên đã sử dụng chữ Hán như 1 thứ văn tự chính thống cùng tồn tại với tiếng nói của dân tộc.
2. Như vậy, trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, người Việt Nam đã biết sử dụng chữ Hán thành thạo như người Hán ở Trung Quốc. Người Hán và người Việt có thể giao lưu, đối thoại, thư từ với nhau bằng 1 thứ văn tự thống nhất. Thể hiện tính đồng văn (thống nhất về văn tự), từ thống nhất về văn tự dẫn đến thống nhất về lãnh thổ, dần dần ở 1 mức độ cực cao sẽ thống nhất cả về ngôn ngữ, dân tộc. Đó là sự đồng hóa.
3. Nhưng, bên cạnh chữ viết đồng nhất, người Việt vẫn đã xây dựng được 1 hệ thống cách đọc chữ Hán dựa trên cơ sở phù hợp với bộ máy cấu âm và tiếng nói của người Việt, đó là cách đọc Hán – Việt. Và người Việt đã không bị đồng hóa 1 cách dễ dàng mà ngược lại, tiếp thu tinh hoa của người Hán để có thể tồn tại 1 cách khéo léo bên bậc huynh trưởng to lớn này. Người Việt thông qua ưu điểm về truyền thống đồng văn này đã trở thành 1 người Việt  tý hon đứng trên vai người khổng lồ Trung Quốc. Người Trung Quốc đứng cao đến đâu, ta đứng cao đến đó.
4. Cách đọc Hán Việt là cách đọc chữ Hán của người Việt, khác với cách đọc chữ Hán của người Hán (Hán - Hán), của người Nhật (Hán – Nhật), của người Triều Tiên (bao gồm cả Hàn Quốc: Hán – Triều; Hán – Hàn). Tuy nhiên cả 4 cách đọc Hán Hán, Hán Việt, Hán Nhật, Hán Triều hay Hán Hàn đều có 1 số đặc điểm tương đồng nhất định là yếu tố gốc Hán, và 1 số khác biệt tùy theo điều kiện của từng dân tộc cụ thể.

5. Từ sau khi nước ta giành được độc lập, sự ảnh hưởng của chữ Hán đối với tiếng Việt suy giảm. Người Việt ngày càng có xu hướng đọc chữ Hán theo cách của người Việt, tạo nên kho từ vựng Hán Việt vô cùng phong phú chiếm khoảng hơn 60% của Tiếng Việt. Các trường hợp đối với tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên – Hàn Quốc cũng tương tự với kho từ vựng Hán Nhật khoảng hơn 70%, kho từ vựng Hán Triều – Hàn khoảng hơn 80%. Còn tiếng Hán của người Hán thì phát triển theo xu hướng của người Hán, hình thành cách đọc tiếng Hán hiện đại ngày nay.
6. Từ loại văn tự của người Hán, đến thế kỷ thứ 12, người Việt đã kết hợp hệ thống bộ thủ trong chữ Hán với cách đọc Hán Việt, sáng tạo ra cách viết Nôm để ghi âm tiếng Việt. Chữ Nôm là chữ sáng tạo của dân tộc trên cơ sở chữ Hán để ghi tiếng nói của dân tộc nên còn được gọi là Quốc ngữ, hay Quốc âm. (Ta hiện còn có Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông). Phân biệt với chữ Quốc ngữ hiện nay viết theo ngữ hệ La tinh.
7. Tuy đã có chữ viết sáng tạo là chữ Nôm nhưng người Việt vẫn sử dụng chữ Hán là văn tự chính thống, còn chỉ sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn chương. Từ đó tạo thành 2 dòng văn học mang 2 đặc trưng riêng biệt mà hòa trộn lẫn trong tinh thần văn hóa Việt: Văn học chữ Hán (văn học bác học) và văn học chữ Nôm (văn học bình dân). Thời vua Quang Trung đã có ý định thay đổi dùng chữ Nôm làm chữ viết chính, nhưng không thành công.
8. Từ thế kỷ thứ 16, chữ Quốc ngữ theo ngữ hệ La tinh đã ra đời để ghi âm tiếng Việt và dần hoàn chỉnh, trở thành hệ thống văn tự tối ưu đối với người Việt.
9. Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ mới là chữ thuần túy thuộc về ghi âm, nên nhiều từ cũ, từ Hán Việt dần dần bị mai một ý nghĩa, hoặc bị sử dụng sai với ý nghĩa vốn có. Với 1 nền tảng văn hiến 2000 năm lịch sử sử dụng văn tự Hán, và gần 8 thể kỷ văn học Nôm, với biết bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần được ông cha ta xây dựng trên tinh hoa văn hóa của một dân tộc lớn và vĩ đại - Hán tộc, đang dần bị quên lãng. Người Việt sử dụng chữ Hán đã làm phong phú thêm tinh thần văn hóa Hán, lại lấy tinh thần văn hóa Hán làm giàu thêm cho tinh thần văn hóa Việt. Nhưng dân tộc Việt Nam đang bị đoạn tuyệt một cách từ từ với quá khứ vàng son. Việc dịch hết các văn bản cổ ra tiếng Việt hiện đại gặp nhiều khó khăn. Nhiều khó khăn mà những dân tộc đồng văn khác vẫn đang sử dụng chữ Hán cũng không thể giúp người Việt giải quyết, mà chỉ có thể là chính người Việt.
10. Việc dịch hết các văn bản cổ ra tiếng Việt hiện đại cũng không giải quyết được vấn đề văn hóa của người Việt. Văn hóa của người Việt sẽ được tiếp tục xây dựng bồi đắp và phát triển như thế nào trong thời hiện đại nếu thiều đi yếu tố gốc Hán. Người Việt sẽ học theo người Pháp, người Anh, người Nga hay người Mỹ, ... những nền văn hóa xa xôi hoàn toàn xa lạ với Việt Nam. Liệu có thể bổ sung thêm cho kho từ vựng tiếng Việt những từ có cách đọc Pháp Việt, Anh Việt, Nga Việt, hay Mỹ Việt .... Có thể lắm chứ, nhưng có người bệnh nào bị đau 1 bộ phận nào trong cơ thể lại muốn thay ngay bộ phận đó bằng cái khác tốt hơn mà không điều trị cho cái cũ lành trở lại chăng? Trong khi cái mà ta sẵn có đang bị mất dần mà ta chưa kịp có cái mới để bù đắp. Những tinh thần văn hóa mới của phương Tây hẳn nhiên là tốt !. Trong khi người Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên – Hàn Quốc bên cạnh việc bảo tồn phát huy cái họ sẵn có họ vẫn tiếp tục học tập tiếp thu tinh thần văn hóa mới từ phương Tây. Với bản lĩnh văn hóa cũ, các dân tộc đó đã sàng lọc cái tinh thần mới và tìm thấy những điều thích nghi phù hợp với dân tộc của họ. Thực tế các nước này rất phát triển, tinh thần văn hóa cũ không phải là trở ngại ngáng đường các đường các nước này trở thành những cường quốc. Người Việt ta có nên bắt chước các dân tộc đó? Hay tiếp thu trực tiếp, biến đổi hoàn toàn, quay lưng 180 độ với cái tinh thần cũ để đến với cái mới có vẻ tốt hơn.
11. Người Trung Quốc và người Việt có sự tương đồng về văn hóa thông qua chữ Hán. Đây chính là một màng lọc văn hóa tinh vi vô hình tuyệt vời nhất cho dân tộc ta tiếp thu tinh hoa của cả phương Đông lẫn phương Tây. Văn minh phương Tây tiếp xúc với Trung Quốc, có sự đụng độ và thể nghiệm, người Việt Nam thông qua sự tương đồng về ngôn ngữ văn tự đó là chữ Hán, từ đó có thể học tập được những cái tốt mà người Trung Quốc học được và tránh được những cái hại mà người Trung Quốc bị mắc phải. Vừa học Trung Quốc, vừa học phương Tây vừa trải nghiệm nó bằng chính văn hóa của Trung Quốc, cái tương đồng với ta. Cái còn và cái mất, cái được và cái không được đã rõ ràng? Ta có nên học Hán Nôm không?
12. Trước đây, cái tinh thần văn hóa Việt bị ảnh hưởng, bị xâm lược nặng nề bởi cái tinh thần văn hóa Hán, vì lúc đó điều kiện địa lý chi phối, ta không thể tiếp xúc với tinh thần văn hóa nào khác lớn mạnh hơn nó. Nhưng người Việt ta đã biết học hỏi như thế, cái tinh thần học hỏi của người Việt trong quá khứ là bất tốn Trung Hoa, học Trung Hoa vừa để không thua kém Trung Hoa, vừa để giống Trung Hoa, mà cũng khác Trung Hoa. Còn ngày nay, cùng với sự phát triển của giao thông, của khoa học, sự trao đổi văn hóa cũng ngày càng mạnh mẽ và dữ dội trên phạm vi toàn cầu, cái tinh thần học hỏi của ta cần càng phát huy hơn nữa. Không chỉ để không thua kém Trung Hoa mà có lẽ còn là cơ hội hơn hẳn Trung Hoa. Muốn hơn được Trung Hoa ta phải là Trung Hoa đã, muốn là Trung Hoa mà lại gạt bỏ cái tinh thần Hán học tồn tại từ lâu trong dân tộc ta là duy trì cái hình thức văn tự Hán Nôm thì liệu có là Trung Hoa được không ?
Ý của tôi không phải muốn dân ta đi theo dập khuôn Trung Hoa mà muốn dân ta hãy là chính mình, đừng để mất mình giữa thời đại gió Á mưa Âu đang gào thét. Hào khí Đông A đang ở đâu? Tinh thần Đại Việt đang ở đâu? Thật là buồn khi phải thưởng thức Bình Ngô đại cáo bằng bản dịch, cho dù chúng đã được dịch cực kỳ tuyệt vời ra chữ Quốc ngữ đi nữa, nó vẫn là bản dịch mà bản dịch chỉ là mặt trái của 1 bức thêu mà thôi. Hãy nhìn cho kỹ con đường phía trước mà bước tới. Học Hán Nôm, lợi hay hại, tương lai có thể chưa biết được, nhưng quá khứ không bao giờ mất. Một dân tộc mà không có quá khứ thì khác gì một người không còn trí nhớ.

                                                               Lời lẽ khúc khắc viết từ lâu. Deutschland tiết Trùng cửu 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét