Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Dự án Hán-Anh ( Phạm Thị Hoài - September 6, 2017)

Dự án Hán-Anh


Những năm cuối 80, khi thập kỷ cộng sản tương tàn ở châu Á dần kết thúc, Việt Nam sắp rút quân khỏi Cam Bốt và chuẩn bị lên đường tới Thành Đô, tôi xin đi học chữ Hán ở Hà Nội. Với giấy giới thiệu của Viện Sử học. Đó là những đêm ngay trước Đổi Mới.
Giấy giới thiệu ở Việt Nam là một thủ tục kinh dị, phiền hà và vô nghĩa ngang nhau, song lần ấy nó có vẻ không đơn thuần là hình thức. Cả lớp ba chục học viên toàn nâu sồng, ngoài tôi và ba người khác. Ba vị trần thế này thường ngủ gật. Công an mật, ni sư ngồi cạnh tôi đoán thế. Có lần tôi đến chỗ một người, hỏi thẳng, anh là an ninh à? Anh ta lườm. Ngoài các nhà sư và một nhân viên tư liệu chưa tiết lộ âm mưu viết văn là tôi, dường như cả xã hội không giới thiệu thêm ai đi học chữ Hán. “Tập đoàn phản động Bắc Kinh” khi đó không còn là một cụm từ nóng, song vẫn chưa nguội hẳn.
Động lực của tôi không có gì sâu xa. Khi ấy tôi mới đi du học về, dùng tiếng Việt còn chưa thuần thục mà ở môi trường làm việc, cứ hít vào là Lịch triều với Loại ngữ, thở ra là Toàn thư với Cương mục. Tôi phát bực, quyết đi học để khỏi ngồi nghe sấm. Sau những ngang bằng sổ thẳng đầu tiên và vài chục bộ thủ, chẳng mấy chốc tôi đã bỏ túi kha khá, từ “cử đầu hồng nhật cận, đối ngạn nhất chi mai” đến “yên ba thâm xứ đàm quân sự, dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”, những bài khóa cơ bản của chương trình. Trừ Ngục trung Nhật ký, thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh rất thích hợp cho người Việt mới nhập môn Hán ngữ.
Song tôi đã đắc chí quá sớm. Cũng chẳng mấy chốc, chữ vào thế nào lại ra tuồn tuột thế ấy. Tôi không có cách nào nhớ nổi mặt chữ, ngoài trên dưới trăm chữ tối thiểu của tối thiểu. Nghiến răng chấp nhận cả chiết tự cũng chẳng khả quan hơn, có thể vì tôi vốn không ưa đánh đố và giải đố. Những chữ có thể dùng chiết tự mà luận ra được chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ và đã bị làm thí dụ minh họa đến xơ xác; trong đó tôi ghét nhất chữ “an”, cô nàng dưới mái, nó luôn khiến tôi nghĩ đến Nora và Nhà Búp-bê của Ibsen. Phần chữ Hán khổng lồ còn lại, bạn chỉ có thể thuộc nếu bạn không làm một việc gì khác trong đời ngoài ngắm nó từ sáng đến tối và trước khi đi ngủ bỏ ra ngắm vài chục lần nữa. Nhưng thuộc không phải là hiểu. Thậm chí đọc thông viết thạo cũng chưa là một bảo đảm nào hết. Ni sư ngồi cạnh tôi có thể đọc vanh vách phần lớn văn bản Dụ chi tỳ tướng hịch văn và Thiên đô chiếu mà thực ra chưa “vỡ mặt chữ”, tức chẳng hiểu gì hết, trong khi tôi mù tịt mặt chữ, song nghe âm Hán-Việt lại hiểu quá nửa. Chúng tôi bổ sung cho nhau thật tuyệt vời, nhưng suốt đời phụ thuộc vào một nhà sư thì tôi không sẵn sàng. Sau một khóa, tôi bỏ cuộc, tạm biệt ba chú cá chìm ngáp ngủ. Không lâu nữa, tôi cũng chia tay thế giới của Lịch triềuLoại ngữToàn thư và Cương mục. Chẳng ai có thể sống hết những cuộc đời hấp dẫn.
Cùng thời điểm đó, nhà Hán học giàu ảnh hưởng John DeFrancis – cũng là tác giả của cuốn Chủ nghĩa thực dân và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (Colonialism and Language Policy in Vietnam, 1977) – cho xuất bản cuốn Hán ngữ. Sự thật và huyễn tưởng (The Chinese Language. Fact and Fantasy, 1986). Ba thập niên sau tôi mới biết đến nó và vừa bắt tay vào đọc vừa nghe trống ngực đập thình thịch: Ở chương nhập đề, ông kể về dự án bí mật Hán-Anh (The Singlish Affair; Singlish = Sino-English, tránh nhầm với Singlish = Singapore English). Tôi xin phóng tác gọn như sau:
Trong Thế chiến II, một ủy ban do tướng Tōjō trực tiếp chỉ đạo được thành lập, với nhiệm vụ soạn thảo một dự án mật: cải cách hệ thống chữ viết ở các nước sử dụng tiếng Anh sắp bị Nhật chiếm đóng và sáp nhập vào Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á, đầu tiên là Hawaii, rồi đến Úc và New Zealand, cuối cùng sẽ là Hoa Kỳ. Ủy ban gồm một giáo sư Nhật phụ trách và ba học giả, đại diện cho ba quốc gia đã đầu hàng Nhật: Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.
Học giả Việt tên Phi trình bày ý tưởng dùng Hán tự thay thế hệ chữ cái La-tinh ở các nước nói tiếng Anh. Ông có hai lập luận. Một: thống sứ Paul Bert từng coi chính sách đô hộ văn hóa và ngôn ngữ của thực dân Pháp ở Việt Nam là phù hợp với quy luật của lịch sử, phương Tây với tàu chiến và kỹ thuật hiện đại tất yếu nắm quyền bá chủ ở phương Đông lạc hậu. Công sứ E. Aymonier còn đề nghị thay thế hẳn tiếng An Nam quá sơ khai và thiếu tương lai bằng tiếng Pháp. Nay, cũng theo quy luật vĩnh cửu ấy, lịch sử bỏ bom lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đại Đế quốc Nhật Bản, cũng với tàu chiến hùng hậu và kỹ thuật tối tân, phương Đông quay lại đè cổ phương Tây đã suy đồi lại suy thoái. Hai: Hán tự muôn phần ưu việt. Nó sâu sắc hơn hẳn những chữ cái La-tinh thuần túy ký âm vô hồn. Nó làm nên những thành tựu huy hoàng từ thuở phương Tây trọc phú còn chưa nứt mắt. Nó đủ sức ghi những ngôn ngữ khác nhau nhất, từ tiếng Hán hay tiếng Việt đơn âm đơn lập đến tiếng Nhật hay tiếng Hàn đa âm chắp dính. Vì thế nó chắc chắn chuyển tải được các ngôn ngữ hòa kết phương Tây và vô cùng thích hợp để đảm đương vai trò là hệ thống văn tự phổ quát toàn thế giới.
Học giả Trung Quốc tên Li tán đồng nhưng đề nghị thêm, rằng các nước dùng tiếng Anh nên đi đúng con đường của các dân tộc Đông Á, nơi chữ Hán từng là văn tự chính thức hàng trăm năm như ở Nhật, Hàn, hay thậm chí cả ngàn năm như ở Việt Nam. Tuy khác là tiếng Anh đã có hệ ký tự La-tinh, song đó chỉ là một mớ ký hiệu vớ vẩn, thiếu hẳn tính mỹ thuật, không thể so với trình độ văn minh của chữ Hán. Trước hết có thể tạm giữ Anh ngữ vài năm ở tiểu học, song về lâu dài sẽ thay thế bằng Hán ngữ, tuy nhiên cũng thể tất cho đám dân hạ đẳng phương Tây đó bằng việc lưu một số từ tiếng Anh sơ đẳng. Kinh Thi là tác phẩm bắt buộc mà học trò phương Tây phải học khi mới cắp sách đến trường. Con đường Hán hóa đó rất gian nan, song có thể đặt lòng tin vào giới trí thức biết tiếng Hán: họ sẵn sàng làm tất cả để cộng tác, nhằm duy trì địa vị tinh hoa của mình, như kinh nghiệm rất dễ chịu ở các nước Đông Á đã cho thấy.
Các học giả khác lưu ý rằng với thi ca, âm điệu mới là thiết yếu. Li đồng ý rằng người Mỹ nói tiếng Hán thường giống một tai nạn, và nếu để họ ghi âm tiếng Hán bằng ký tự của họ, chẳng hạn my ma (đọc: mai ma), thì đố ai biết đó là mai táng mẹ (mai ma), mua tài mà (mại mà) hay bán ngựa (mãi mã). Học giả Nhật tên Ōno và học giả Hàn tên Kim thảo luận thêm về những trường hợp tương tự trong tiếng Nhật và tiếng Hàn, cuối cùng tất cả đều nhất trí lên danh sách một vạn từ tiếng Hán cần cấy vào tiếng Anh để làm phong phú và hoàn thiện vốn từ vựng Anh ngữ.
Bước vào chủ đề chính, ban đầu các học giả có một chút bất đồng, chẳng hạn trong thảo luận dùng chữ Hán để thể hiện những diễn đạt vốn không có trong tiếng Hán. Nên viết tên Anna với chữ ān (安) bình yên tích cực hay chữ àn (暗) u ám tiêu cực. Học giả Việt khoái chí đưa ra so sánh: viết bằng ký tự Việt, tên của vị Toàn quyền Doumer sẽ là Đù-Mẹ. Song trọng tâm công việc của ủy ban là Hán tự hóa Anh ngữ. Bốn học giả soạn ra một văn bản mẫu, bắt đầu bằng dòng sau đây:
佛爾 斯國爾恩得色文伊爾斯阿鉤
Âm Hán-Việt của nó: “phật nhĩ tư quốc nhĩ ân đắc sắc văn y nhĩ tư a câu” là một sự vô nghĩa hoàn hảo, song âm Hán gốc, “Fó ěr sī guó ěr ēn dé sè wén yī ěr sī ā gōu” thì tiết lộ một trật tự nào đó. Tinh ý có thể nhận ra fó+ěr = for, sī+guó+ěr = sgour, ēn+dé = end, sè+wén = sewen, yī+ěr+sī = yirs, ā+gōu = agou. Không nghi ngờ gì nữa, đó chính là sáu từ mở đầu Gettysburg Address, bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ: “Four score and seven years ago…” (“Tám mươi bảy năm trước…”), viết bằng chữ Hán.
Nhưng đấy mới chỉ là phần dễ dàng nhất của công cuộc xây dựng ngôn ngữ toàn cầu Hán-Anh. Sau đồng thuận về mục đích vĩ đại đó, Nhật, Hàn, Hán và Việt bắt đầu cãi nhau về phương pháp.
Việt lấy chữ Nôm ra làm mẫu. Chẳng hạn từ four, phải được viết là四佛, gồm chữ tứ (sì) biểu ý và chữ phật (fó) biểu âm. Các học giả khác phản đối kịch liệt. Tiếng Việt có gần 5000 âm mà đã mệt lử với đam mê phức tạp hóa vấn đề của chữ Nôm, tiếng Anh có trên 8000 âm mà theo cách này thì thất bại ngay từ đầu, như chữ Nôm đã thất bại thảm hại. Nhật đề xuất hệ thống chữ Kana, Hàn yêu cầu dùng bảng chữ cái Hangul và Hoa đương nhiên đặt Hán tự cổ điển trên tất cả.
Chẳng ai chịu ai, bốn vầng trán đã thêm nhiều nếp nhăn cao quý mà cuộc chiến chữ nghĩa không tìm ra hồi kết. Nhưng bên ngoài tháp ngà của họ, cuộc chiến đẫm máu bỗng kết thúc. Hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Nhật. Tướng Tōjō bị treo cổ sau khi tự sát không thành. Khối Đại Đông Á tan tành. Ủy ban Hán-Anh lẳng lặng giải tán. Thay vì học viết Gettysburg Address bằng chữ Nho, chữ Nôm, chữ Kana hay chữ Hangul, người Mỹ soạn cho Nhật một văn bản, Hiến pháp của một nước Nhật dân chủ, thay thế Hiến pháp Minh Trị.
Ơn Trời, một kết thúc may mắn, Singlish không thay thế English. Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm với Hán tự đã rắc rối đủ. Có mỗi bộ râu của Từ Hải mà chúng ta còn không biết là râu hầm hay râu hùm. Toàn bộ Shakespeare viết bằng chữ Hán – chứ không phải dịch sang tiếng Trung – sẽ thế nào?
*
Hồi kết thật của Dự án Hán-Anh còn vui hơn và khiến tôi ngã ngửa: mãi đến những dòng cuối, ở phần vĩ thanh, tác giả mới bật mí rằng tất cả những điều vừa kể chỉ là một câu chuyện hư cấu, song ngay cả người trong ngành phần lớn đều tin ngay là thật. Một trò đùa nghiêm túc để bước vào thanh toán cái hình dung lãng mạn ngớ ngẩn về sự ưu việt của Hán tự, rằng nó thậm chí có thể trở thành văn tự phổ quát hoàn cầu. Và ông cũng bật mí về cách đặt tên bốn thành viên Ủy ban Hán-Anh, trong đó vị học giả Việt Nam tên đầy đủ là Phi De Giua (viết không dấu trong nguyên bản Anh ngữ). Không khó để nhận ra đó là phiên âm của “fille de joie”, gái làng chơi. Chỉ riêng chi tiết đó cũng đủ để cuốn sách này sẽ không bao giờ được dịch sang tiếng Việt.
Về phần mình, sau khi đánh vật với sự thật và huyễn tưởng về Hán ngữ của John DeFrancis, tôi nhẹ nhõm tha thứ cho mình cái tội đã ngán mài đũng quần cùng công an mật, đã ghét những cô nàng dưới mái, đã chối phụ thuộc vào các nhà sư, đã sớm ra đi khi chưa hẳn bước vào. Chẳng ai có thể sống hết những cuộc đời hấp dẫn.
03/9/2017
P.T.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét