Tư liệu
sưu tầm
Cao Bằng tỉnh Thủ hiến liệt phương danh高平省首憲列芳名
(Bài gửi cho Tạp chí Hán Nôm 2017)
Nguyễn Đức Toàn[1]
Tóm tắt:
Từ năm 2001,
qua công tác dịch vụ chung, chúng tôi được tiếp cận với nhiều tài liệu Hán Nôm
liên quan đến Cao Bằng. Phần lớn những văn bản này được lưu trữ tại Viện nghiên
cứu Hán Nôm và một số thư viện khác. Song, đặc biệt có một văn bản mới sưu tầm
được và chưa từng được công bố. Đây là một tập ghi chép về địa chí – lịch sử -
văn hóa – phong tục của tỉnh, được chép lại khá cẩn thận với nét bút sắc sảo của
người thạo chữ. Qua bản sao photo không đề tên, chúng tôi đã theo dòng tiêu đề
đầu tiên tạm gọi văn bản này là Cao Bằng
tỉnh Thủ hiến liệt phương danh高平省首憲列芳名. Chúng tôi đã tiến
hành thẩm định, khảo sát văn bản để phiên âm, dịch nghĩa cho công trình chung
và nay xin được giới thiệu tư liệu này
trên Tạp chí Hán Nôm.
Tiêu đề bài viết tiếng Anh:
New Primary
Sources Review: Introduction to a manuscript temporarily titled A Name List of Governors of Cao Bang
Province
Tóm tắt tiếng
Anh
Abstract: Since
2001, reserachers of the Institute of Han-Nom Studies have chanced to access
many materials relating to Cao Bang provinces, thanks to the public service of
the Institute. Many collected texts have been stored at the Institute of
Han-Nom Studies or some other research libraries. However, a new-discovered
manuscript has never been introduced. This text records much information
relating to geography, history, culture and the customs of Cao Bang province.
That the manuscript was carefully copied indicates that the copier must have
been fluent in classical Chinese. Based on the information on the first page of
the manuscript, we temporarily named it A
Name List of Governors of Cao Bang Province. We carried out a preliminary
investigation of the text and produced an annotation translation of it. Here we
would like to introduce this source to the readers of the Journal of Han-Nom Studies.
∞…∞…∞
Ca dao
xưa có câu
Nàng về giã gạo ba giăng,
Để anh ghánh nước Cao Bằng về
ngâm.
Hoặc
câu:
Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi chảy nước non Cao Bằng.
Những
câu ca dao cổ có nhắc đến Cao Bằng, như là một vùng biên cương trọng yếu, theo
quan niệm của dân gian là nơi xa lắc, núi cao rừng sâu. Nơi có nhiều sắc dân tộc
quần cư chung sống. Sát biên giới Việt Trung, chịu chung ảnh hưởng văn hóa từ
các dân tộc pha trộn, từ Tày, Nùng, Thái, Mèo, Dao, cả người Hoa đến buôn bán nữa.
Các ghi chép cổ về Cao Bằng là những tư liệu quý để tìm hiểu văn hóa lịch sử
vùng này. Qua công tác dịch vụ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi được tiếp
cận với nhiều thể loại văn bản Hán Nôm khác nhau có ghi chép về Cao Bằng như
gia phả, sắc phong, văn bia, địa chí, trong số đó, có những văn bản có giá trị
văn học, phả học, sử liệu học, địa dư, … Nhận thấy những văn bản có giá trị,
chúng tôi đã sao chụp lại để nghiên cứu. Chúng tôi xin được giới thiệu một Văn bản
mới được sưu tầm nhằm, bổ sung tư liệu cho nghiên cứu về Cao Bằng. Đây là một tập
ghi chép về địa chí, lịch sử, văn hóa, phong tục của tỉnh, được chép lại khá cẩn
thận. Theo dòng tiêu đề đầu tiên, chúng tôi tạm lấy đề danh cho văn bản này là Cao Bằng tỉnh Thủ hiến liệt phương danh高平省首憲列芳名. Chúng tôi xin được giới thiệu
tư liệu này trên Tạp chí Hán Nôm, với những khảo sát văn bản bước đầu.
Mô tả văn bản:
Cao Bằng tỉnh Thủ hiến liệt phương danh高平省首憲列芳名là
một văn bản chép tay có khổ 28 x 17 cm. Theo thông tin trong văn bản
cho biết, sách bao gồm 72 tờ (144 trang), cộng với 2 tờ lót bìa có tiêu đề, tổng
cộng 74 tờ (148 trang). Sau khi khảo sát, phiên âm, dịch nghĩa, chúng tôi nhận
định đây là một văn bản còn nguyên vẹn, được chép lại vào năm 1955, tức năm tiếp
quản đầu tiên của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc. Lối chữ
phóng hành, sắc nét, đều tay của người chép văn bản chứng tỏ đây là bản sao của
một người thông thạo chữ Hán. Điều này có nghĩa là bản chép này, không phải loại
sách chép thường thấy của Hoch viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp.
Tờ lót
đầu tiên có thể tính là tờ bìa, với 3 dòng tiêu đề như sau:
|
Bìa 1
|
高平省首憲列芳名Cao
Bằng tỉnh Thủ hiến liệt phương danh,
重慶府上琅州印務列芳名Trùng
Khánh phủ Thượng Lang châu Ấn vụ liệt phương danh,
蒙仕承抄籙高平三忠事跡編置Mông Sĩ thừa sao lục Cao Bằng Tam trung
sự tích biên chí.
Mặt
sau đề ba chữ to: 蒙蘇陳Mông Tô Trần (Hiện
nay chúng tôi vẫn chưa xác định được đây là tên tác giả, tên của người chép
sách, hay tên hiệu của ai).
|
|
Tờ kế
bên ghi những thông tin như sau: 西一千九百五拾五年又越南民主共和拾一年Tây nhất thiên cửu bách ngũ thập ngũ
niên, hựu Việt Nam dân chủ cộng hòa Thập nhất niên (Tây
lịch 1955, cũng là năm Việt Nam dân chủ cộng hòa thứ 11)[2].
Tờ lót
thứ hai: 一千九百五拾五陽曆承抄真本Nhất thiên cửu bách ngũ thập ngũ Dương
lịch, thừa sao chân bản (Dương lịch năm 1955, thừa chép nguyên
bản).
|
|
Tờ lót trong
|
Tờ chính văn 1a
|
Thông
tin trên tờ 1a chính văn bao gồm: a)tổng số tờ sao chép: 合共內紙字柒拾貳張合寫Hợp
cộng nội chỉ tự: Thất thập nhị trương hợp tả(Gộp cả giấy chữ bên trong: gộp
chép là 72 tờ); b) một ghi chú cho biết總錄亦有Tổng lục
diệc hữu (Phần Tổng lục cũng có),
nhưng nội dung văn bản không thể hiện là những phần cụ thể nào mà chỉ chép
sơ lược độ 7 dòng nói là theo sách 天文志Thiên văn chí, với nội
dung đề cập đến hình thế cương vực nói
chung như: Trời có Sông Ngân hà, dưới đất
có ngũ hồ, tứ hải,… ; Mặt sau của tở 1 a này ghi tên 4 vị thánh bất tử của
An Nam: Tản Viên, Liễu Hạnh, Lê Mãi đại
vương, và Hưng Đạo đại vương[4].
|
|
|
|
Tờ 1b
|
Tờ 2a
|
Tờ 2b
|
Tờ 3a
|
Ở tờ 2a,
sách ghi: 承抄錄皇帝南國名號Thừa sao lục Hoàng đế Nam quốc danh hiệu.
Đây
là phần ghi lại danh hiệu các vua nước Việt từ Gia Long trở đi, cộng cả thời
Dân chủ cộng hòa là 12 đời[5].
Tờ 2b
ghi:重慶府上琅州印務列芳名Trùng
Khánh phủ Thượng Lang châu Ấn vụ liệt phương danh, tức là
danh sách tên các quan làm Ấn vụ ở châu Thượng Lang phủ Trùng Khánh từ năm 1888
đến năm 1941. Danh sách này gồm 20 người, bao gồm: Đoàn Tài/ Tri phủ 1888, Nguyễn Lương/ Tri phủ
1890, Ngọc Văn Khôi/ Tri Châu 1894, Nùng Văn Hãnh/ Tri châu 1899, Nguyễn Xuân
Kiệt/ Tri châu 1901, Nguyễn Tạc/ Tri châu 1904, Hoàng Quang Đạo/ Tri châu 1906,
Ngô Phong/ Tri châu 1907, Bế Đức Long/ Tri châu 1910, Nùng Ích Lang/ Tri châu
1911, Hà Vũ Bằng/ Tri châu 1913, Hà Văn Ngang/ Tri châu 1917, Hoàng Huy Dao/
Tri châu 1919, Đỗ Văn Bình/ Tri phủ 1932, Vũ Đức Phượng/ Tri phủ 1934, An Văn
Trọng/ Tri châu 1937, Nguyễn Văn Ích/ Tri phủ 1939, Bùi Văn Tháp/ Tri phủ 1941,
Vũ Xuân Bình/ 1943.
Cũng
trong tờ 2b, ta còn đọc được tên của 11 châu thuộc phủ Trường Khánh tỉnh Lạng
Sơn.
Tờ 3a:
高平省首憲列芳名Cao
Bằng tỉnh Thủ hiến liệt phương danh.
Đây là
mục ghi tên các quan cai trị, làm Thủ hiến ở Cao Bằng từ năm 1885 đến năm 1943,
gồm 25 người. Danh sách này bao gồm là: Nguyễn Hữu Đôn/ Án sát 1885, Phạm Văn Khôi/ Bố chính 1887, Trần Văn Ái/
Bố chính 1889, Trần Văn Vi/ Bố chính 1889, Nùng Ngọc Tường/ Bố chính 1891, Nguyễn
Lương/ Án sát 1904, Bế Thụy/ Án sát 1909, Đinh Văn Hiếu/ Quyền Án sát 1911, Trần
Gia Du/ Án sát 1912, Vi Văn Định/ Án sát 1914, Phạm Bá Dung/ Án sát 1921, Vi
Văn Định/ Tuần án 1922, Bùi Huy Tiến/ Tuần án 1923, Nguyễn Tất Tế/ Tuần án
1924, Nghiêm Xuân Quảng/ Tuần án 1925, Nguyễn Đạo Tấn/ Tuần án 1927, Bùi Bằng
Đoàn/ Tuần án 1928, Mai Toàn Xuân/ Tuần án 1928, Vũ Tuân/ Bố chính 1930, Bùi Bằng
Đoàn/ Chính án 1932, Trần Hữu Đại/ Chánh án 1933, Phạm Văn Hanh/ Chánh án 1934,
Đỗ Văn Bình/ Quyền Bố chính 1935,Vũ Đức Phượng/ Bố chính 1937, Nguyễn Bách/
1943.
Từ tờ
5a trở đi, nội dung sách mới chính thức đi vào những mô tả ghi chép địa chí – lịch
sử - văn hóa – phong tục của tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi đã khảo sát và chia tách
thành 4 mục lớn:1. Địa chí, 2. Cư dân phong tục, 3. Thần từ cổ miếu tích,
và 4. Giải độc chỉ nam. Chúng tôi khảo sát các tiểu mục, thống kê được như sau:
1.Địa
chí: 7 mục
1.
屯堡府州總社名號Đồn bao phủ châu tổng xã danh hiệu: Tên
các Đại lý, châu phủ, tổng, xã thuộc tỉnh Cao Bằng, có chép diện tích dân số
toàn tỉnh.
2.
建置沿革Kiến trí diên cách :
Diên cách tỉnh Cao Bằng.
3.
甲界省地分Giáp giới tỉnh địa phận: địa
giới giáp gần tỉnh
4.
名山Danh sơn : Núi
lớn
5.
大川Đại xuyên: Sông
lớn
6.
名岩Danh nham: Hang nổi tiếng
7.人種Nhân chủng: Tộc người, bao gồm ghi chép về 7 tộc người
2.Cư dân phong tục: bao gồm các ghi chép về nghề nghiệp, tôn giáo, trang phục của người bản địa, tổng có 14 mục(người
Thổ, Nùng, Ngạn, Mán Tiền, Mường Khao, Mán Cóc, Mường Mèo)
1.
土人婚嫁俗Thổ nhân
hôn giá tục: Phong tục cưới gả
của người Thổ[6]
2.
土人喪祭俗Thổ nhân
táng tế tục: Phong tục chôn cất
của người Thổ
3.
土人交遊俗Thổ nhân
giao du tục: Phong tục kết
giao của người Thổ
4.
土人節序Thổ nhân tiết
tự: Ngày tết của người Thổ
5.
土人奇病Thổ nhân kỳ
bệnh: Các bệnh lạ của người Thổ
6.
儂人藝業家居服飭飲食Nùng nhân
nghệ nghiệp phục sức, gia cư, ẩm thực: Ăn uống,
sinh hoạt, trang sức của người Nùng[7]
7.
儂人冠婚俗Nùng nhân
quan hôn tục: Phong tục cưới gả
của người Nùng
8.
彥人風俗Ngạn nhân
phong tục: Phong tục người Ngạn – giống người Thổ[8]
9.
蠻錢藝業家居服飭飲食言語Mán Tiền nghệ nghiệp
gia cư phục sức ngữ ngôn ẩm thực: Ăn uống, sinh hoạt, ngôn ngữ, nhà ở, nghề
nghiệp của người Mán Tiền[9]
10.
亻芒皜婚俗Mường Khao hôn tục: Phong tục cưới gả của người Mường Khao[10]
11.
蛮𧋉藝業家居服飭飲食言語Mán Cóc nghệ nghiệp gia cư phục sức ẩm thực ngôn ngữ: Ăn uống, sinh hoạt, ngôn ngữ, nhà ở, nghề nghiệp của
người Mán Cóc[11]
12.
亻芒描家居服飭飲食言語Mường Miêu gia cư phục sức ẩm thực ngôn
ngữ: Ăn uống, sinh hoạt, ngôn ngữ, nhà ở,
nghề nghiệp của người Mường Mèo[12]
13.
技藝Kỹ nghệ: Các nghề, các sản vật ở Cao Bằng
14.
異端Dị đoan : Các thầy phù thủy
3.Thần từ cổ miếu tích: Các sự tích đền miếu:
1.
除怪安民陳貴陳正婆寧傳Trừ quái an dân Trần Quý – Trần Chính – Bà Ninh truyện
2.
神衣立功Thần y lập
công: Quan Triều truyện
3.
儂土謀宋Nùng Thổ
mưu Tống: Nùng Trí Cao truyện
4.
石人顯靈Thạch nhân
hiển linh: Giang Động truyện
5.
黃陸衛民Hoàng Lục vệ
dân
6.
那侶古城Na Lữ cổ thành
7.
復和古城Phúc Hòa cổ thành
8.
二符祠Nhị Phù từ: Phù
Thắng – Phù Thiết truyện
9.
莫氏公主Mạc thị công chúa
10.
蘇貴祠Tô Quý từ
11.
平民公主Bình dân công truyện
12.
范太守祠Phạm thái thú từ
13.
鳳山祠傳Phượng Sơn từ truyện
4.解毒旨南Giải độc chỉ nam: Phép giải độc[13]
1.
虎鬚毒Hổ tu độc: độc
râu hổ
2.
酖藥毒Trấm
dược độc: độc rượu lông chim
3.
咳喘毒Cai suyễn độc: độc
ho
4.
藥蟲毒Dược trùng độc: độc
sâu
5.
毒草毒Độc thảo độc: độc
cỏ
6.
粘喉毒Niêm hầu độc: độc
bột hầu
Ngoài
ra còn có ba chuyện, đáng lẽ nên thuộc phần Thần
từ cổ miếu tích, nhưng ở đây chép dưới phần Giải độc.
1.
高平三忠事跡Cao Bằng tam trung sự tích: Sự
tích miếu Tam Trung thờ ba vị tướng hi sinh vì nạn nước ở Cao Bằng thời Minh Mệnh.
Có văn điếu của Hà Tông Quyền
2.
陳朝顯聖雷祠Trần triều hiển thánh Lôi từ: Đền
thờ Trần Hưng Đạo.
3.
駿馬山神Tuấn Mã sơn thần: đền
thờ thần ngựa (của Nùng Trí Cao)
Qua những
bước đầu khảo cứu, phân mục như trên,chúng tôi nhận định đây là văn bản Hán Nôm
mới được phát hiện về địa chí phong tục tỉnh Cao Bằng. Tài liệu này chắc chắn sẽ
bổ sung nhiều tư liệu có giá trị cho nghiên cứu về dân tộc học, phong tục, địa
danh, nhân chủng của vùng địa đầu tổ quốc này. Chẳng hạn, tài liệu này cung cấp
thông tin về địa danh các châu, phủ, huyện, tổng, xã của Cao Bằng với các núi
sông lớn nổi tiếng của tỉnh. Sách cũng đề cập đến một số các nghề nghiệp, tôn
giáo, trang phục, sinh hoạt tập quán của các tộc người bản địa, cũng như các địa
danh lịch sử, các sự tích truyền thuyết dân gian. Đặc sắc vô cùng của tài liệu
này là
những kiến thức về y học, về độc dược và giải độc của các dân tộc thiểu số. Tóm
lại, đây là một tài liệu quý, cần thiết giới thiệu, nghiên cứu và công bố để
góp phần tìm hiểu đất nước con người các dân tộc ở Cao Bằng. Chúng tôi hy vọng
sẽ có thời gian đủ để khảo cứu kỹ lưỡng và giới thiệu phiên dịch văn bản này
trong tương lai.
Tôi
xin cảm ơn TS. Phùng Minh Hiếu đã dịch giúp tóm tắt ra tiếng Anh.
Thư mục
tham khảo
1.
Cao Bằng
tỉnh thủ hiến liệt phương danh (chép tay)
2.
Cao Bằng
thực lục. A.1129 Viện nghiên cứu Hán Nôm
3.
Cao Bằng
ký lược. A.999Viện nghiên cứu Hán Nôm
4.
Cao Bằng
tạp chí. HN.46-47 Trường ĐHSP Hà Nội (bản chụp)
5.
Phạm Thị Thùy Dương/ Bước đầu tìm hiểu một số vấn đề về Cao Bằng
qua cuốn Cao Bằng thực lục. Khóa luận tốt nghiệp nghành Hán Nôm khóa 1999-
2003. ĐHQG-ĐHKHXH&NV(bản dịch của Khóa luận này chưa đầy đủ, và kỳ lạ khá
tương đồng câu chữ với bản dịch của chúng tôi, nên chúng tôi đưa vào danh mục
tham khảo. Nhưng chúng tôi không kế thừa gì từ khóa luận này)
6.
Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.Đại Nam nhất thống chí- 5 Tập. Nxb.
Thuận Hóa. 2006
7.
Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb
Văn hóa, H., 1993, 1214 tr.
8.
Trần Văn Giáp (chủ biên), Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H., tập 1,
1971, 520 tr; tập 2, 1972, 341 tr.
9. Trần
Trọng Kim.Việt Nam sử lược.
Tân Việt 1919 của
10.
Trần Văn Giáp.Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Tập I. 1971, lần 2, 1984; Tập II xuất bản
năm 1990.
11.
Ngô đức Thọ.Các
nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 NXB: Văn Học. 2006
12.
Ngô Đức Thọ. Di
tích lịch sử văn hoá, Nxb. Văn hoá.1986
13.
Đào Duy Anh.Đất
nước Việt Nam qua các đời Nxb: Khoa Học. 1964
14.
Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ
Tĩnh: Các
tổng trấn xã danh bị lãm / Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và
biên soạn; Viện nghiên cứu Hán Nôm
15.
Trịnh Khắc Mạnh, Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông
tin, H., 2007, 632 tr.
[1] Taucha, CHLB Đức
[4] Quan niệm về Tứ
bất tử hơi khác với 1 số sách. Một số sách cho rằng Tứ bất tử của Việt Nam
là: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh. Trong khi văn bản này lại
đưa vào 2 nhân vật khá mới mẻ là Lê Mãi đại vương, Hưng Đạo đại vương.
[5] Cũng tính đời Dân
chủ cộng hòa là 1đời.
[7] Người Nùng cũng
là 1 nhóm dân tộc thiểu số, sống trên dải biên giới rộng lớn của 2 nước Việt –
Trung. Có những giai đoạn lịch sử, nhóm người này hoạt động phát triển rất mạnh
mẽ, đe dọa hình thành 1 quốc gia riêng biệt giữa Việt Nam – Trung Quốc, như
thời Nùng trí Cao. Nhưng sau bị tàn lụi, chỉ còn những nhóm nhỏ sống cả Việt
Nam, Trung Quốc, Miến điện.
[9] Người Mán Tiền, thực
ra là người Dao Tiền. Do cách dùng từ Hán xưa, cũng gọi chung các dân tộc thiểu
số là Mán cả. Chúng tôi đối chiếu thì đó là người Dao Tiền, thuộc nhóm dân tộc
Dao
[10] Mường Khao, cũng
do sự dùng Hán tự ghi chép không thống nhất về các dân tộc thiểu số. Khi dùng
chữ Mán, khi dùng chữ Mường để chỉ người man mọi. Đối chiếu thì nhóm Mường
không có nhóm Khao. Chúng tôi tra ra là nhóm Tày Khao, thuộc nhóm dân tộc Thái
Trắng. Tuy gọi là Tày mà lại không thuộc về nhóm Tày của người Thổ và người
Ngạn, mà lại là nhóm Thái. Dân tộc Thái
có cả ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Miến điện, Thái Lan.
[11] Người Mán Cóc
cũng vậy. Tuy dùng từ Mán, nhưng tra cứu
thì chỉ có nhóm người Dao là có tên Cóc, như Dao Cóc Ngáng, Dao Cóc Mùn. Vậy
đây thuộc về nhóm dân tộc Dao. Người Dao cũng có ở Trung Quốc.
[12] Mường Miêu, hay
còn có thể phiên là Mường Mèo. Tức là thuộc dân tộc Miêu, ta hay gọi là người
Mèo, hay người H’Mông. Chứ không thuộc nhóm Mường. Người Mèo có cả ở Trung
Quốc, Việt Nam, Lào.
[13] Từ xa xưa truyền lại. Người dân tộc các miền ngược có
phép bùa, ngải độc rất nghiệm. Họ đã bỏ thì không ai thoát, chỉ có họ mới giải
được. Văn bản này ghi được cách làm độc và giải độc của 6 loại độc rất hiểm của
người dân tộc. Là 1 điểm rất đặc biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét