Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Giới thiệu Văn bản CAO BẰNG THỰC LỤC 高平實錄 A.1129

Giới thiệu Văn bản CAO BẰNG THỰC LỤC  高平實錄 A.1129
(Bài gửi Hội nghị Hán Nôm năm 2018)
Nguyễn Đức Toàn
Taucha, CHLB Đức
Tóm tắt:
Cao Bằng thực lục 高平實錄, tác phẩm của Nguyễn Hựu Cung阮祐恭, soạn năm Gia Long 9 (1810). Mã ký hiệu thư viện A.1129 tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Văn bản chỉ có 1 bản chép tay, 122tr, khổ 30x20. Nội dung chính theo Thư mục giới thiệu, là chép về lịch sử địa lí tỉnh Cao Bằng, như các phần sau:
1. Chư thần lục: các thần có đền thờ ở Cao Bằng, như Khâu Sầm Bà Hoàng truyện (truyện nhà Nùng Trí Cao); truyện hai vị đại vương họ Trần (Trần Kiên, Trần Quý), v. v...
2. Kì sự lục: các sự việc lạ ở Cao Bằng, như Hiến Giang sự lục, Tiên Giao sự lục, Khắc Thiệu cổ truyện ... 
3. Sơn xuyên lục: núi, sông trong t. Cao Bằng. Phú cảnh tuần đồn nhật trình, Phú cảnh thành, tự, Phú cảnh danh lam, quân chính triều Lê, số quân các tổng thuộc 4 châu.
4. Cương giới phong tục, lịch triều nhậm trấn: lịch sử, địa lí Cao Bằng, cương giới, diên cách, thổ sản, phong tục ... Lược sử cai trị, đóng giữ Cao Bằng từ Kinh Dương Vương đến Tây Sơn. 
 

Chúng tôi tiến hành khảo sát văn bản và xin được giới thiệu sơ bộ về tác giả tác phẩm Cao Bằng thực lục A.1129 của Nguyễn Hựu Cung.
Đôi nét về tác giả Nguyễn Hựu Cung:
Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam: Nguyễn Hựu Cung, không rõ năm sinh-mất. Còn có họ là Bế, người ở Bắc Khê, châu Thạch lâm, Cao Bằng. Năm Chiêu Thống thứ 3 (1789), làm Đô ngự sử đài, Hữu Thiêm đô ngự sử, lĩnh chức Đốc trấn Cao Bằng. Khi quân Tây Sơn đến, ông theo Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc. Khi Lê Chiêu Thống bị nhà Thanh lừa gạt ở lại nước Thanh, bề tôi nhà Lê bị an trí đi ở các nơi. Ông bị đưa đến an trí ở huyện Thượng Nguyên, phủ Giang Ninh, tỉnh Giang Nam. Con của ông là Hựu Nhân, lớn lên ở Trung Quốc cũng tham gia văn đàn và có Lạc sơn thi tập lưu hành. Năm Gia Long thứ 3 (1804), được về nước. được đổi sang “công tính公姓” là họ Nguyễn Hựu, được cử làm quan ở Cao Bằng, sau thăng Hiệp trấn Hải Dương.[1]  
Trong Đại Nam thực lục, bản dịch chỉ ghi là Nguyễn Hữu Cung. Chữ Hựu cũng có âm đọc là Hữu: “Người tòng vong là Lê Quýnh, Lê Trị, Trịnh Hiến, Lý Bỉnh Đạo, bốn người, không chịu róc tóc, người Thanh bắt bỏ tù, còn bọn Nguyễn Hữu Cung hơn trăm người thì chia cho ở các địa phương Giang Nam, Nhiệt Hà hơn mười năm”.[2]
Đến năm 1804, được về nước. Thì năm 1805 được triệu vào Kinh ban cho chức tước: “Triệu quan nhà Lê cũ là Lê Duy An, Trịnh Hiến, Lý Bỉnh Đạo, Nguyễn Hữu Cung về Kinh. Bọn An theo vua Lê xuất vong trong 16 năm, đủ mọi gian khổ. Vua khen là tiết nghĩa, vời vào yết kiến, cho ngồi yên ủi hỏi han giờ lâu, cấp cho
quần áo tiền gạo. Sai dinh thần Quảng Đức hậu đãi. Sau bổ Hiến và Bỉnh Đạo làm Thị trung học sĩ, Cung làm Cai cơ
.”[3]
Sử nhà Nguyễn không ghi rõ là Nguyễn Hữu Cung làm Cai cơ ở đâu, và có công lao gì. Nhưng hậu đãi bề tôi cựu triều cũng chỉ là chính sách vỗ về. Ngay tháng 4 năm đó, các bề tôi tòng vong nhà Lê cùng cáo quan xin về nghỉ: Mùa hạ, tháng 4, bọn Lê Duy An, Trịnh Hiến, Lý Bỉnh Đạo, Nguyễn Hữu Cung xin nghỉ về quê. Vua cho 200 quan tiền, mỗi người một cặp áo, cho thêm An 150 lạng bạc.[4]
Chuyện đổi Công tính cũng không nhắc đến. Công tính là họ hàng xa của vua, thuộc dòng không trực hệ[5]. Sử chép vua Minh Mạng soạn sách Đế hệ, Phiên hệ[6], tự làm bài tựa có đoạn: “Nhà nước ta họ Nguyễn, khởi tự Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa. Buổi đầu đời trước đã là họ lớn, đời đời làm quan đến hơn vài trăm năm, tích luỹ nhân đức, nên có ngày nay, thực có thể sánh với nhà Chu được. Do đó trời cho mệnh tốt, sinh ra Triệu tổ Tĩnh hoàng đế ta[7], gây dựng cơ đồ lớn, kế sinh Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta[8], dựng nền ở cõi Nam. Bèn lấy chữ Phúc nối theo chữ Nguyễn, gọi quốc tính là Nguyễn Phúc. Các vua thánh nối nhau, thánh này nối thánh khác, rồi đến Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta[9], dẹp yên họa loạn mà có cả nước Việt, sắc định Ngọc phả, lấy con cháu Thái tổ vào Nam và dòng các vua thánh làm Tôn thất họ Nguyễn Phúc, con cháu Thái tổ ở Bắc và các phái trước làm Công tính họ Nguyễn Hựu.[10]
Những năm đầu khai quốc, nhà Nguyễn có truy tìm những người họ xa lưu lạc ở Bắc. Nhưng nhiều người mạo xưng, cũng như nhiều người được lấy họ xa với Hoàng tộc, nhưng mắc tội phản nghịch[11]. Nên đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), có lệnh xét lại sổ ngạch họ Công tính. Những người dòng dõi, thế thứ và sự tích có 105 người là có đủ bằng chứng có thể căn cứ được; … những người đã đổi làm họ Lê, họ Trần thì xin đều tước đi. Đình thần xét lại, xin lưu ngạch có 80 người. Vua còn hiềm rằng, còn có kẻ vì ưu may mà được lạm dự đấy, lại sắc sai các hoàng tử tước công, các thân công xét lại, [cuối cùng] chỉ để lại có 7 người thôi (Nguyễn Hữu Dựng, Nguyễn Hữu Đán, Nguyễn Hữu Lịch, Nguyễn Hữu Thị, Nguyễn Hữu Hệ, Nguyễn Hữu Quýnh, Nguyễn Hữu Nhiêu, đều là dòng dõi Lý Nhân công Nguyễn Hán). [12]
Theo những lời này, thì Bế Hựu Cung có thể thuộc nhánh Lý nhân công Nguyễn Hán[13]. Là dòng thứ, không trực hệ của Thái tổ Gia Dụ hoàng đế Nguyễn Hoàng, ở ngoài Bắc. Thời gian lưu lạc dâu bể, họ hàng của Thái tổ đã lấy sang các họ khác, như trường hợp Bế Hựu Cung. Sau khi được nước, nhà Nguyễn truy lại nguồn cội, nên ông được đổi thành Nguyễn Hựu Cung. Lược truyện các tác gia Việt Nam chỉ ghi ông là người thế kỷ XIX. Từ những thông tin ghi lại của sử nhà Nguyễn, có thể giả định Nguyễn Hựu Cung sống trong khoảng từ đời  Lê Chiêu Thống (1765-1793). Đến năm Kỷ dậu 1789, theo vua Lê sang nước Thanh. Năm 1804 về nước cũ. Năm 1810 soạn xong sách Cao Bằng thực lục. Và có thể mất trước năm Minh Mạng 16 (1835). Vì sát nghạch công tính, nếu bị tước nghạch thì năm đó ông cũng đã già, khoảng 70 tuổi. Nhưng chỉ nêu tên 7 người được giữ họ Nguyễn Hựu, không có nhắc đến Nguyễn Hựu Cung nữa. Vậy khả năng ông mất trước 1835 là nhiều hơn.
Giới thiệu văn bản:
Sách Cao Bằng thực lục, 61 tờ (122 trang), giấy dó, mỗi trang 9 dòng, dòng khoảng 19 chữ. Phần đầu có bài tựa gồm 4 trang. Trang đầu có ký hiệu A.1129, với các dấu kiểm kê qua các năm 1967, 1974, 1988, 1991. Bài tựa đề: 嘉隆九年歲次上章敦桑孟春月穀日寧朔林溪公姓阮祐亻恭書于山苗堂Ngày tốt tháng đầu xuân, năm Canh Ngọ niên hiệu Gia Long thứ 9(1810). Công tính Nguyễn Hựu Cung, người Ninh Sóc, Lâm Khê viết ở bên trái Sơn Miêu đường. Điều này cho ta thông tin là, tác phẩm được biên soạn sau khi Bế Hựu Cung từ Trung Quốc trở về năm 1804 và hoàn thành năm 1810. Vì ông đã từng làm Đốc trấn Cao Bằng, có sự am hiểu về tình hình cương vực nơi đây.
Văn bản không có chữ kiêng húy, chỉ có chỗ đài húy[14] nhà Lê, nhà Nguyễn, như khi nhắc đến Lê Cao hoàng(tờ 26a, dòng 9), Nguyễn vương (tờ 58b, dòng 3), Ngã triều (tờ 62b, dòng 8).
Thể chữ viết chân phương, giản dị. Kiểm điểm lại các chữ, nhiều chỗ chép lỗi, có đính chính sửa chữa phê bên cạnh. Cho thấy, đây thuộc khuôn sách chép lại của Viễn Đông bác cổ Pháp. Nhiều lỗi chép: sai, nhầm, thiếu, thừa, để trống, có chỗ bỏ cách do không nhận ra mặt chữ, để khi duyệt sách chua thêm vào. Cho thấy người chép không tinh. Lại đánh số trang nhầm(từ trang 38a). Có chỗ sửa còn lộ vết bút sắt (không rõ là do người sau đánh vào khi soát sách hay có trong nguyên văn?)[15], như trang 44, 51. Chúng tôi lập Bảng Chữ sai- thiếu- nhầm-thừa với ảnh Phụ lục, để so sánh ở dưới.

Nội dung tác phẩm:
Chia thành 5 mục lớn: 1. Các thần; 2. Chuyện lạ; 3. Núi sông, địa danh, lý lộ nhật trình, di tích; 4. Cương giới phong tục (phần này rất giản lược, chỉ độ 6 trang); 5. Phụ chép về lược sử các đời(giản lược chỉ độ 4 trang). Dười mỗi mục lớn là các tiểu truyện. Đối chiếu thì các tiểu truyện ở các mục 1, 2, 3(về di tích) và mục 5 đều có lời Bình. Lời Bình là, ngụ ý khen chê theo quan điểm trung hiếu, danh giáo, tiết nghĩa của nhà Nho Nguyễn Hựu Cung.
Thứ tự gồm có các phần trình bày như dưới đây:
1.     Thứ nhất, ghi chép về các thần. 諸神錄第一
1.1.         Truyện Bà Hoàng ở Khâu Sầm       
1.2.         Truyện hai vị Đại vương họ Trần ở Đống Lân, Cai Cộng
1.3.         Chuyện về đền Quan Triều
1.4.         Chuyện đền Thanh Trung.[16]
1.5.         Chuyện đền ở Giang Châu
1.6.         Chuyện đền Kỳ  Lạch
1.7.         Chuyện đền Sóc Hồng
1.8.         Chuyện đền Lũng Định
2.     Thứ hai, các truyện kỳ lạ奇事錄第二
2.1.         Truyện về sông Hiến Giang
2.2.         Chuyện Tiên Giao
2.3.         Chuyện cũ về Khắc Thiệu.
2.4.         Chuyện chuông thần.
2.5.         Sự tích  Thiên Hoà
2.6.         Sự tích Bồng sơn
2.7.         Chuyện Đà Sơn
2.8.         Sự tích Tung Cao
2.9.         Chép về giao phối khác loài.
2.10.    Loài phượng đất           
2.11.    Chuyện cây lúa lạ
3.     Thứ 3, Ghi chép về núi sông. 山川錄弟三
3.1.         Tứ trụ sơn ở Trấn thành.
3.1.1.  Núi Cao Sầm.
3.1.2.  Núi Bà Hoàng
3.1.3.  Núi Khâu Luân.
3.1.4.  Núi Khẩu Sơn
3.2.         Các núi ở trong địa phận.
3.2.1.  Ngưu sơn (tục gọi là đèo Trâu)
3.2.2.  Liêu Sơn
3.2.3.  Núi Mô sơn
3.2.4.  Núi Thống Sơn
3.2.5.  Núi đất Khâu Doanh
3.2.6.  Núi Man Đà.
3.2.7.  Núi Điều Thiên, tục gọi là Đèo Thiên.
3.2.8.  Núi Bế Sơn        
3.2.9.  Núi Kê Minh,
3.2.10.                 Núi Khâu Uy.
3.2.11.                 Núi Hoàng Sơn
3.2.12.                 Núi Thiên Mã
3.2.13.                 Núi Bình Phong
3.2.14.                 Núi Giảng Văn,
3.3.         Các dòng sông trong địa phận Cao Bằng.
3.3.1.  Đại Giang (tục gọi là sông Cả).
3.3.2.  Sông Hiến.         
3.3.3.  Sông Cổn giang.
3.3.4.  Sông Lũng Định.
3.3.5.  Sông Thông Huề.
3.3.6.  Khe Sầu.
3.4.         Nhật trình đến các đồn Tuần trong địa giới.
3.4.1.  Tuần Mục Mã.
3.4.2.  Tuần Lương Mã.
3.4.3.  Tuần Đèo Liêu
3.4.4.  Đèo Trâu
3.4.5.  Xứ Đèo Hiên.
3.4.6.  Đồn Tuần ải Sóc Hồng
3.4.7.  Tuần Phù Tang,.
3.4.8.  Tuần đồn ải Trà Lĩnh.
3.4.9.  Tuần đồn ải Bác Nẫm
3.4.10.                 Tuần đồn ải Na Lan
3.4.11.                 Tuần Bác Khê.
3.4.12.                 Tuần Bắc Cung.
3.4.13.                 Tuần Nẫm Nương.
3.4.14.                 Tuần Na Cát.
3.4.15.                 Tuần đồn ải Quả Thoát
3.4.16.                 Tuần đồn Na Thông.
3.4.17.                 Tuần đồn ải Cổ Chu.
3.4.18.                 Tuần đồn ải Nga ổ.
3.4.19.                 Tuần đồn Củng Xương
3.4.20.                 Tuần đồn ải Đống Long.
3.4.21.                 Tuần đồn aỉ Bí Hà.
3.4.22.                 Đồn Đèo Mô.
3.4.23.                 Đồn Gia Bình.
3.4.24.                 Đồn tuần An Lại.
3.4.25.                 Tuần Phiên Dương.
3.4.26.                 Đồn tuần ải Thông Nùng.
3.5.         Các thành, chùa trong phủ.
3.5.1.  Thành Mục Mã
3.5.2.  Hai thành Na Lữ, Phúc Hoà.
3.5.3.  Danh Lam trong phủ.
3.5.4.  Chùa Đống Lân
3.5.5.  Chùa Viên Minh.
3.5.6.  Chùa Giang Đống.
3.5.7.  Chùa Thanh Long.
3.5.8.  Miếu Quan Đế.
3.6.         Quân chính dưới triều Lê.
3.7.         Binh số các tổng của bốn châu.
3.7.1.  Châu Thạch Lâm 14 tổng, quân số 582 suất.
Tổng Kim Pha 12 xã.
Tổng Hà Đàm 9 xã.
Tổng Phúc Hoà 10 xã.
Tổng Triều Vũ 12 xã.
Tổng Hoa Phô 10 xã.
Tổng Phù Gián 11 xã.
Tổng Thương Pha 5 xã.
Tổng Tượng An 13 xã.
Tổng Lại Sơn 9 xã.
Tổng Hà Quảng 9 xã.
Tổng Nhượng Bạn 13 xã.
Tổng Tĩnh Oa 10 xã.
Tổng Thông Nùng 9 xã.
Tổng Suất Tính 10 xã.
3.7.2.  Châu Quảng Uyên 5 tổng, quân số 456 suất.
                   Tổng Ngưỡng Đồng 9 xã.
                   Tổng Vũ Lăng 10 xã.
                   Tổng Lực Nông 6 xã.
                   Tổng Lạc Giao 8 xã.
                   Tổng Cách Linh 9 xã.
3.7.3.  Châu Thượng Lang 4 tổng, quân số 509 suất.
                   Tổng Kỳ Cống 8 xã.
                   Tổng Nga ổ 10 xã.
                   Tổng Đương Châu 6 xã.
                   Tổng Lăng Yên 10 xã.
3.7.4.  Châu Hạ Lang 4 tổng quân số 251 suất.
                   Tổng Vĩnh Thọ 7 xã. 
                   Tổng Hợp Khâm 6 xã.
                   Tổng Điều Lương 5 xã.
                   Tổng Kim Đằng 5 xã.
          Ở trên tổng cộng 240 xã thôn.
4.     Phần 4, Cương giới phong tục. 疆界風俗第四
5.     Phụ thêm: Nhậm trấn các triều. 歷朝任鎮
(Thực ra là lược ghi về tình hình lệ thuộc của Cao Bằng qua các đời thôi, chứ không phải chép rõ ràng về các quan trấn thủ).
-         Thuộc Trung Hoa: Từ Kinh Dương Vương, qua các đời: Hán, Tam quốc, Tấn, Ngũ đại, Tùy, Đường đều thuộc Trung Hoa.
-         Độc lập: Từ 12 Sứ quân nổi dậy, thoát khỏi Trung Quốc. Trải Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ.
-         Minh thuộc.
-         Cao Hoàng đế nhà Lê ta dấy nghiệp
-         Mạc Đăng Dung chiếm vị
-         Mạc Kính Cung thua chạy chiếm cứ Cao Bằng 63 năm
-         Đến năm Canh dần niên hiệu Cảnh Hưng nguyên niên (1740)[17], giặc Cừ nguỵ xưng là Mạc Tam bốn bề nổi dậy như chòm ong, vây bức trấn thành, quân phiên trấn đánh đuổi, quét sạch.
-         Đến năm Đinh mùi niên hiệu Chiêu Thống năm đầu (1787), vua Lê lên ngôi, chưa được bao lâu lại phải chịu cảnh bụi trần nơi Kinh Bắc, Lê hoàng hậu cùng con đầu về được trấn Cao Bằng.
-         Tháng 2 Tây Sơn sai Đô đốc Uyển Vũ hầu làm Trấn thủ Cao Bằng. (Châu Bảo Lạc vẫn còn Hoàng đệ Lê Duy Chỉ, về sau bị Tây Sơn bắt giết).
-         Tháng 2 năm Mậu ngọ(1798), Huân Liệt hầu nhà Tây Sơn làm Hiệp trấn Cao Bằng.
-         Tháng 3 năm Nhâm tuất(1802), Trấn thủ Tây Sơn là Hội Vũ hầu.
Từ những khảo sát bước đầu. Chúng ta thấy, tác phẩm Cao Bằng thực lục A.1129, của tác giả Nguyễn Hựu Cung. Đây là bản chép lại của Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Sách chép nhiều lỗi, nhưng nhìn chung vẫn giữ được những thông tin chính và quan trọng về lịch sử, văn hóa, địa dư, di tích, phong tục cùng những truyền thuyết dân gian của vùng đất Cao Bằng. Bên cạnh đó những lời bình tán dưới mỗi tiểu truyện trong tác phẩm, là nguồn tư liệu văn học quý giá, để nghiên cứu thêm về nhân sinh quan kẻ sĩ Nho học Nguyễn Hựu Cung, trước các hiện tượng lịch sử, văn hóa vùng Cao Bằng. Tác phẩm sau khi phiên dịch công bố, sẽ góp phần tài liệu cho nghiên cứu chung, tổng hợp về vùng đất biên cương quật cường này. Cũng như thêm nhiều trang nghiên cứu về tác gia Nguyễn Hựu Cung.

Phụ lục Đối chiếu chữ sai- thiếu- nhầm-thừa
Vị trí trang, dòng: t3a,d5. Tức là vị trí ở tờ 3a, dòng thứ 5.
thiếu chữ: là chữ bị chép thiếu, người duyệt sách phải chua thêm bên cạnh
không rõ: là những chữ tự thể chép không đọc ra, nhưng được chua thêm, hoặc do chúng tôi luận ra.
thừa chữ: là những chữ người chép thừa, làm 2 chữ
lộn chữ: là 2 chữ có tự dạng giống nhau bị chép nhầm vị trí
trống chữ: là chỗ đó người chép không nhận ra tự dạng nên bỏ trống, hoặc chấm chấm vào
sai chữ: là chép chữ khác, hoàn toàn nhầm
Stt
Vị trí trang, dòng, chữ
Nguyên văn sai-thiếu
Chữ sửa - thêm
Từ đúng
1
t3a, d5
Tây Nguyên西原
Quảng(bút sắt)
Quảng Nguyên廣原
2
t3a, d9
thiếu chữ
Thời
Thời Tống đế時宋帝
3
t3b, d1
thiếu chữ
Phúc
Nùng Toàn Phúc農全福
4
t3b, d7
Phù Càn符乾
ký hiệu khuyên đảo
Càn Phù乾符
5
t4a, d3
ấu
đồng

6
t4a,d5
thiếu chữ
như long如龍
chuyển như long轉如龍
7
t4a,d8
thiếu chữ
tam cá nhật三個日
8
t5a, d4
thiếu chữ
Cứ
Cứ Thảng Do据傥猶
9
t5a, d9
Kiến Nông hầu建農侯
ký hiệu khuyên đảo
Nông Kiến hầu農建侯
10
t5a, d9
thiếu chữ
thống binh統兵
thống binh tuần biên統兵巡邊
11
t5b, d9
Khánh Đức慶德
ký hiệu khuyên đảo
Đức Khánh德慶
12
t8b,d4
thiếu chữ
Ứng
Cảm Ứng感應
13
t10b,d4
không rõ目兜
nghễ

14
t13b,d6
gia gia
Trần
Trần gia陳家
15
t17b,d8
đầu vẫn 投刎
ký hiệu khuyên đảo
vẫn đầu刎頭
16
t18a,d8
thả
đãn

17
t18a,d9
thiếu chữ
ư
bại ư thương đầu敗於蒼頭
18
t19b,d3
không rõ
đề

19
t22a,d9
thiếu chữ
ứng
ứng nặc應諾
20
t25b,d7
thiếu chữ
lí tắc nhất理則一
21
t27a,d2
lệ lệ棣棣
??(không luận được tự dạng vì quá mờ)

22
t27a,d7
thiếu chữ
tựu
tựu tại就在
23
t27b,d4
thiếu chữ
niên dư年餘
24
t28a,d4
thiếu chữ
bảo

25
t28b,d5
thiếu chữ
toại (nét bút sắt)

26
t28b,d6
thừa chữ: Tượng
tượng

27
t32b,d4
thốn giác寸角
đẩu tiêu斗筲

28
t33b,d5
thiếu chữ
tương giao相交 (bút sắt)
Dị loại tương giao異類相交
29
t34a,d2
thiếu chữ
quai (bút sắt)

30
t35a,d7
biệt giá vu điền別稼于田
khuyên đảo
giá vu biệt điền稼于別田
31
t35b,d3
thiếu chữ
khí

32
t36b,d1
lộn chữ: thành -địa
địa - thành
địa chi can thành地之干城
33
t37b,d8
thiếu chữ
bích

34
t38a,d3
lộn chữ: địa

35
t38a,d5
trống chữ
khách
khách lộ客路
36
t39a,d1
thiếu chữ(từ trang này theo thứ tự là tờ 39, nhưng đánh số là 38)
tri
nan tri難知
37
t39a,d8
bài thụ排樹
khuyên đảo
thụ bài樹排
38
t39b,d1
ám
am

39
t40a,d6
sai chữ: Vinh


40
t40,d7
thừa chữ: Trùng


41
t45a, số trang
đánh số 44四十四
bút sắt

42
t46a,d7
thành tức城即
khuyên đảo
tức thành即城
43
t46b,d5
sai chữ: dao – mộ 
dao – mộ

44
t47a,d9
thừa chữ :Viên


45
t50b,d4
tam
nhị

46
t51a, số trang
đánh số trang 50五十
bút sắt

47
t52a,d1
tục phong俗風
khuyên đảo
phong tục風俗
48
t52a,d5
thiếu chữ
kỳ Cao Bằng其高平

49
t57b
thiếu chữ
thành
kinh thành
50
t58b,d6
thiếu chữ
nhược
nhược vô若無
51
t59b,d9
thừa chữ: Thăng


52
t60b,d1
không rõ chữ để trống


53
t60b,d7
không rõ chữ để 3 chấm


54
t61b,d5
thừa chữ: Năng


55
t62b,d1
thụ thiên bô受天逋
Trụ vi thiên hạ bô紂為天下逋(nét bút sắt)


Phụ lục ảnh chữ khảo sát theo Bảng Chữ sai- thiếu- nhầm-thừa







                                  

Thư mục tham khảo
1.     Cao Bằng tỉnh thủ hiến liệt phương danh (chép tay)
2.     Cao Bằng thực lục. A.1129 Viện nghiên cứu Hán Nôm
3.     Cao Bằng ký lược. A.999 Viện nghiên cứu Hán Nôm
4.     Cao Bằng tạp chí. HN.46-47 Trường ĐHSP Hà Nội (bản chụp)
5.     Phạm Thị Thùy Dương/ Bước đầu tìm hiểu một số vấn đề về Cao Bằng qua cuốn Cao Bằng thực lục. Khóa luận tốt nghiệp nghành Hán Nôm khóa 1999- 2003. ĐHQG-ĐHKHXH&NV(bản dịch của Khóa luận này chưa đầy đủ, và kỳ lạ khá tương đồng câu chữ với bản dịch của chúng tôi, nên chúng tôi đưa vào danh mục tham khảo. Nhưng chúng tôi không kế thừa gì từ khóa luận này)
6.     Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí - 5 Tập. Nxb. Thuận Hóa. 2006
7.     Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa, H., 1993, 1214 tr.
8.     Trần Văn Giáp (chủ biên), Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H., tập 1, 1971, 520 tr; tập 2, 1972, 341 tr.
10.            Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Tập I. 1971, lần 2, 1984; Tập II xuất bản năm 1990.
11.            Ngô đức Thọ. Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 NXB: Văn Học. 2006
12.            Ngô Đức Thọ. Di tích lịch sử văn hoá, Nxb. Văn hoá.1986 
13.            Đào Duy Anh. Đất nước Việt Nam qua các đời  Nxb: Khoa Học. 1964 
14.            Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh: Các tổng trấn xã danh bị lãm / Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn ; Viện nghiên cứu Hán Nôm
15.            Trịnh Khắc Mạnh, Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2007, 632 tr.





[1] Trần Văn Giáp. Lược truyện các tác gia Việt Nam.T1. Nxb. KHXH.1972/tr337-338
[2] Đại Nam thực lục. Chính biên. Đệ nhất kỷ - Quyển XXV - Thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế. Giáp tý, Gia Long năm thứ 3 [1804].
[3] Đại Nam thực lục . Đệ nhất kỷ - Quyển XXVI - Thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế. Ất sửu, Gia Long năm thứ 4 [1805]
[4] Đại Nam thực lục . Đệ nhất kỷ - Quyển XXVI - Thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế. Ất sửu, Gia Long năm thứ 4 [1805]
[5] Công tính公姓, Công tộc: là gọi theo cách của Kinh Thi, ý nói dòng dõi họ hàng của nhà vua tốt lành, làm phiên dậu cho vương thất. (Kinh Thi/Quốc Phong/Chu Nam/Lân chi chỉ)
[6] Là một bài thơ do vua Minh Mạng  định ra, để đặt tên cho con cháu của mình. Và 10 bài Phiên hệ thi để đặt tên cho con cháu các thế hệ của các anh em mình.
[7] Tức là Nguyễn Kim, được truy tôn là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế
[8] Tức là Nguyễn Hoàng, được truy tôn là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế
[9] Tức là Nguyễn Ánh, truy tôn Thế tổ Cao hoàng đế
[10] Đại Nam thực lục. chính biên. Đệ nhị Kỷ - Quyển XX. Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế
[11] Như trường hợp Lê Văn Khôi, con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt, trước cũng họ Bế, được truy thuộc dòng Công tính, đổi tên là Nguyễn Hựu Khôi. Sau làm con nuôi Duyệt. Làm phản bị tước Công tính đổi lại theo họ Lê Văn Duyệt.
[12] Đại Nam thực lục. Chính biên. đệ nhị kỷ - quyển cxlviii. thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế. Ất Mùi, năm Minh Mệnh thứ 16 [1835].
[13] Nguyễn Hán, là con thứ 3 của Nguyễn Hoàng. Khi phía Bắc còn nhà Mạc, Nguyễn Hán cũng đi đánh trận ở Sơn Nam, mất, được nhà Lê phong là Lỵ Quận công (Có thể tam sao thất bản chữ Lý – Lỵ). Con là Nguyễn Hắc được tập ấm, thăng đến Thái phó. Dòng dõi ở Thanh Hóa rất đông.
[14] Đài húy: là lối viết tôn xưng, bỏ ngắt chuyển sang dòng kế và viết cao hơn dòng khác.
[15] Chúng tôi chỉ khảo được qua Bản chụp, nên bảo lưu ý kiến này.
[16] Khoa Đinh Mùi 1727 đời Bảo Thái có  Nguyễn Quốc Ích (1686-1739) người xó Vịnh Cầu huyện Đông Ngàn (nay thuộc xó Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh)đỗ Tiến sĩ . Ông là anh của Nguyễn Đức Đôn, Nguyễn Công Viên và làm quan Đông các Hiệu thư, Đốc trấn Cao Bằng.
[17] Cảnh Hưng nguyên niên là năm Canh Thân chứ không phải Canh Dần là năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét