Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

TẾT TA

 TẾT TA

Ở Tây Lương Nữ quốc xa xôi, nhớ về cái Tết Ta sắp đến của xứ An Nam chân đất, răng đen, trầu cau đỏ choét, mà nghĩ đó là cái xứ chôn rau cắt rốn của ông bà tổ tiên cần phải hướng về. Gọi nó là Tây Lương nữ quốc, vì nó có chữ Tây định hướng ở đầu, và có chữ Nữ nội hàm ngay sau. (Người Tây tôn trọng phụ nữ mà! sic), để đối chọi với cái xứ An Nam mà thằng đặc chủng là NAM ngồi lên trên giống Đàn Bà trong mọi vấn đề về HẠNH PHÚC. Vâng! cái Tết theo Nông lịch hay còn gọi là Lịch Mặt Trăng cho nó sang miệng, hay cách gọi Âm Lịch khi muốn  xéo 1 người Hâm nào đó.



Nếu ngày chưa đến nước Tây Lương, hẳn tôi cũng theo Phong hóa của các bậc đi trước mà tưởng vọng đến cái gọi là Tết: Trời đang tết hay lòng ta Tết! Gió đương Xuân hay sức trẻ đương Xuân! Mà nhớ bánh trưng, pháo, mứt, tiền mừng tuổi kicop để mua những thứ mà tuổi thơ háo hức. Với những quy định khắt khe hàng ngày được nới lỏng cho đám con cháu răm rắp tuân thủ, bài vở được trễ nải chỉ vì 1 lí do: TẾT MÀ!

Quả thật là ngây thơ và trong sáng, yêu truyền thống dân tộc, kính nhớ tổ tiên quá đi trong những ngày Tết Ta, đặc biệt là những người THA HƯƠNG! Làm sao mà không nhớ Quê, nhớ Tết, nhớ người Thân cho được trong những ngày này.

Nhưng từ kinh nghiệm của 1 con nhà có giáo dục NỀN NẾP GIA PHONG như tôi đây. Thì giờ tôi sẽ kể về cảm xúc đang nghẹn nghèn trong tim vì nhớ cái Tết Ta đằm thắm ấy. Hẳn những người Thực Dụng như tôi chắc không được lợi lộc gì nhiều từ cái gọi là TẾT TA nên phải thu xếp con đường mà LÁNH TẾT đến cái xứ Nhược Tiểu thiếu văn hóa cổ xưa là Tây Lương nữ quốc này. Còn những người Yêu Tết Ta chắc hẳn chưa từng thấy cái mặt trái Khổ Sở của Tết, nên họ còn cái thiên lương trong sáng của Trẻ Thơ mà yêu Tết Ta đến thế.

Người An Nam chuẩn bị tết từ rất sớm, hẳn từ cuối tháng 11 Công lịch là đã rậm rịch những đồ để xuất trận dịp tết rồi: Hoa, Quả, Bánh Kẹo, Thực phẩm, Rượu bia, Đồ trang trí, … Đánh về hàng xe, hàng thùng để bán rồi. Cơ quan đoàn thể nào cũng thế cứ gì ai. Vì Người Công giáo họ náo nức cái Noel trong mùa Vọng , cái không khí ấy như đã đánh động đến cái truyền thống nghìn năm của giống An Nam cho cái gọi là Tết Ta. Nên người Nam họ cũng sẵn sàng lắm lắm. Người đi sắm, người đi bán cứ náo nức cả ra, xe cộ nhộn nhịp như đàn kiến chăm chỉ ngày thường, đang gia tốc thêm. Hàng hóa cứ gọi là mượt, đẹp: Tết mà! Và giá cả cũng Đẹp nữa! Tăng vút lên đến tầng thứ bao nhiêu của giá nền: Tết mà!. Người nghèo cũng như người giàu xứ An Nam đều trong cái bánh xe Tết Mà ấy, để mà quay mà cuồng cả cẳng lên. Những gương mặt lo toan vất vả, những gương mặt hỉ hả lúc chi tiêu. Nhất là với cánh nhà khá giả, cả năm đã dành dụm mà thiên hạ người biết người không, giờ cũng phải để cho Thiên hạ thấy cái thư thái tao nhã của vẻ Xuất Hành dư lào, của vẻ Du Xuân dư lào chứ. Người An Nam lo tết tầm trước 1 tháng, và ăn tết chơi tết cũng còn dài ra vài tháng nữa. Nó lắt nhắt cả trong cuộc sống thường nhật cho dù cái gọi là Tết đã qua.

Rằm tháng Chạp là đã Kinh lắm rồi đấy! Còn có 15 ngày nữa thôi! Khốn nạn lũ cùng đinh đang xoắn đít lên. Thằng ở Tỉnh thì lo về quê, thằng ở xa thì lo về tỉnh. Quà quá Cáp cáp, đủ loại thượng vàng hạ cám. VÀNG thì rượu tây bánh ngoại, thêm cái fong bì. CÁM thì cái gói đồ Nội địa vài ba trăm ngàn tiền An Nam ấy. Tùy mức độ nặng nhẹ mà thực hành. Cây cối ở các miệt quê heo hút được phen kiếp nạn những anh chị Phượt xa, ghé qua chặt chém để đưa về nơi phồn hoa đô hội cắm 3 ngày tết rồi sẽ vứt rác. Mà chả cứ các Thầy đi Phượt, thổ dân bản địa nó cũng chặt để mà bán: Tết Mà! Phải độc ! Phải lạ! Phải hay! Thú mà! Cái thú chơi Tết nó phải sang thế chứ lị! Tiền không là gì! Cái không khí mới là chính! Cái Thái độ mới là chính!

Ngày 23 tháng Chạp, là cái ngày tiễn đưa lão Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân về Chầu Giời. Ơ hay! sao lão không Chầu Giời cho nó đúng cái nghĩa về Chầu Giời của Ông bà tổ tỷ nhỉ. Lão đi có 7 hôm lão về sang năm lại phải Tiễn. Các loại vàng mã, tro cốt, cá vàng cá chép cho lão đi, mũ mão hài hia cho lão đội, để lão tấu cho nó phải với cái ông tên Trời trên kia nhé, là thằng Gia Chủ nó tốt cả năm đấy. Sông ngòi ao hồ đủ thứ rác rởi bởi sự ra đi 7 ngày của lão. Cái mục Hot nhất của ghánh Hài : Táo Quân lại lên sóng truyền hình với đủ thứ bịa đặt trơ tráo, đả kích xã hội. Nhưng xã hội cười rồi xã hội cứ trơ trơ ra. Sang năm vẫn thế. Vậy nên buồn thay các nghệ sĩ Táo. Sự nghiệp nghệ thuật của họ như Chôn Chết vào cái Vai Táo Quân. Xem mãi cũng nhàm. Các nghành mê tín dị đoan, các tập đoàn Thiền lâm Tăng viện, Đình đền Điện phủ viết sớ là bắt đầu vào mùa Vọng như bên Công giáo rồi. Tuổi gì tuổi gì! Xuất hành hướng nào! Kiêng cái tuổi gì tuổi gì!Xui xẻo cho đứa nào gặp cái gọi là NĂM TUỔI. Nhỡ mà xui xẻo năm trước thì sẽ hỉ hả năm tới hết Hạn rồi! Còn thằng năm tới thì lo đi mà Mê Tín Dị Đoan cho NHẸ HẠN nhé. Cái tinh thần thờ cúng của người An Nam như thế đấy: thất bại chả dám kêu ai: Hạn mà! thành công thì cũng đếch phải do mình tài năng mà do các đấng ban cho vô hình nào đó.

Tảo mộ: với cái nghĩa là quét mộ ông bà tổ tiên thì thôi rồi là thôi rồi. Nhà nghèo chắc gì nó đã có thời gian ra mà quét. Cùng đinh chạy ăn quanh năm, dịp Tết Mà là cái dịp khó khăn nhất thì thời gian đâu ra mà Tảo Mộ. Nhà Giàu thì nói làm chi! xe con xe to, vàng mã hương đèn, chạy về các khu cao lăng cao mộ. Dạ ! Con mời các cụ về ăn Tết ạ! Chắc các cụ cũng thấy lòng thành mà nhảy lên nóc xe theo về một thể, chả mấy tiền xăng dầu, đỡ phải đi mây về gió cho nó tủi thân cái đức Linh thiêng Cảm cách của các cụ. Đấy là các anh ở gần, chứ khách Tha hương thì quét mộ ai bây giờ.

Ngày giao thừa đến nơi. Nhà nhà chuẩn bị Quần Là áo lượt, Gội đít gội đầu. Người ta gọi là TỤC TẮM TẤT NIÊN mà, cả năm mới tắm tất niên có 1 lần. Giờ quy ra quần là áo lượt gội đít gội đầu là phải nhẽ lắm. Các cửa hàng Giặt là, các Salon đầu tóc đến lượt phát tài rồi, thuê người làm thêm chả đủ. Còn cánh đàn ông An Nam bảnh chọe, nhất là những anh chưa từng phải lo khổ về đường cơm gạo thì thích Tết Ta vô cùng. Vác dái ra đường rồi lại vác về, bàn chuyện giời mây. Sắm sanh bộ cánh đẹp cho buồi du xuân thật là xinh động. Kệ mẹ bọn bếp núc. Cùng lằm ông mua cho cành quất cành đào, hay ông lau chùi nhà cửa cho là tốt rồi.

Khốn nạn thay cho cái giống đàn bà An Nam đúng là cái dịp Tết Ta. Này! chắc còn thốn hơn cả Đẻ ý chứ. Sắm sanh đủ thứ rồi đến ngày 30 mới đi làm đầu làm đít. Chuẩn bị nem giò măng mọc, gà lợn tôm cá, rau củ cúng lễ cho đủ 3 ngày Tết, kẻo nhà Chồng nó chửi cho là đồ con Dâu Đoảng vị. Đấy là thằng chồng tử tế còn đưa tiền cho, chứ không thì cứ tự mà chi tiêu cho nó đảm đang tháo vát. Cái cảnh đến ngày 30 tết còn chửi choảng nhau vì mấy cái sự không đâu đâu ấy, không chỉ làm khổ cho người nữ mà cả người nam nữa. Ghánh nặng vật chất quanh năm, đến giờ Tết Mà nó như ép con người ta hết dầu hết mỡ, uất kết ra mà chửi nhau, choảng nhau cho nó tanh bành 30 tết. Đâu dám nói đến nhà giàu thì không bao giờ có chuyện đó. Họ đủ hết cả rồi, chỉ việc chi tiêu bài bố cho nó đúng thôi. Tết Mà!

Đêm Giao thừa, người đàn bà nước An Nam sau những dầu mỡ bếp núc lo toan, phải cởi bỏ bộ mặt mệt mỏi sầu não đổi sang thành kính ăn năn trước cái bàn thờ, nơi mà người ta gọi là Tổ tiên ông bà đang ngồi cả trên ấy mà sì sụp. Rồi lại còn cái bàn thờ Trung thiên giữa trời nữa. Lạy quan Tân hành khiển, tiễn ông Cựu khâm sai nữa. Mẹ! không thành kính sang năm ông ý quay lại ông ý đái cho tan cửa nát nhà ý chứ, cũng phải sì sụp cho đủ lệ bộ, đúng giờ hay lệch giờ vài phút cũng được các cụ chứng cho hết mà. Cái Thần quyền nó bóp cổ giống An Nam cực kỳ chặt chẽ, đến mức suy tôn thứ truyền thống Tết Ta ấy không thể bỏ được. Nhiều nhà dửng mỡ, còn đì đền đì chùa ngay sau thời khắc giao thừa cho nó lộc lá may mắn. Các cánh cửa Từ Bi đóng chặt mọi ngày sẽ mở toang hoác ra trong mấy ngày Tết. Các ngài Sư Manager với nụ cười hỉ xả tài lộc đang chờ các Tín đồ đệ tử của mình đến bái tạ. Vầng ! người đàn bà mệt mỏi sau cái thành tích trọn vẹn Giao thừa của 1 năm đã qua. Thời khắc âm dương gioa hòa ấy, nếu thằng đàn ông nó vui lên nó lại đục cho 1 phát vào giữa háng cho đúng nghĩa âm dương nữa thì là Giao thừa trọn vẹn. Đủ sức mà ngủ đến sớm mai đi chúc tết ông bà.

Mùng một tết Mẹ Cha! Nghĩa là chúc ông bà ấy. Ngày hôm ấy có cái gì thì bỏ qua nhé. Ngày thường chửa chúc câu nào, hôm này giở truyền thống ra chúc ông bà năm mới sức khỏe rồi rào, … Ông bà cũng thể tất cho ngày thường nó có nói gì vô phép thì thôi cất đi, cười cười nói nói vui vẻ đáo để cái ngày Tết, cho nó khỏi Dông. Tự cổ chí kim chả hiểu cái Dông nó là cái gì? Sau tết ông bà thì đến anh em ruột rà. Đến cái là bầy biện những đồ đã sẵn, nấu từ hôm qua ra mà mời mọc cho nó phải phép. Nhấm nhá chưa hết vị, đã nhạt miệng thì cũng đổ đi, hay cất lại mà xào cho bữa sau, còn đón nhà khác. Đúng cái câu: Đói giỗ cha- No ba ngày tết. Tết mà!

Từ ngày mùng 2 trở đi thì thôi đủ mọi thứ lịch lãm lên ngôi. Chúc tụng mặt mày hớn hở. Lòng nở như hoa. Bọn đàn ông bảnh chọe khoác bộ cánh đẹp cùng gia đình đi chúc tết. Những lo toan dường như không thấy đâu trên gương mặt người phụ nữ để trên đó chỉ toàn là những hạnh phúc may mắn của năm mới. Bọn trẻ con cũng ngoan hơn, vì chúng chỉ có mấy ngày này là vui vẻ hơn mọi ngày. Nên đổi lại phải ngoan hơn thì có gì là không phải.

Mùng ba đã có nhà hóa vàng rồi nhe. Gọi là tiễn các cụ về nhà các cụ nhé. Đón các cụ về ăn tết bấy nhiêu thôi. Giờ các cụ phắn, không xe đưa rước, tiền vàng đốt cho đủ mớ. Gió mây phong nguyệt sẵn sàng. Đi mây về gió nhẹ nhàng cho con nhờ.

Bấy nhiêu ngày thôi. Kèm theo đó đủ thứ tưng bừng. Rượu bia ê hề. Nem giò măng mọc chứa được vài bữa đã háo phở bún, bà lằng. Xe cộ đường xá yên tĩnh được đôi hôm giờ đã nhìm nhịp trở lại. Cánh nhà quê lên phố, cánh trên phố về quê du xuân cho nó nhã ạ. Tai nạn giao thông nhịp nhàng bước đều bước. Chắc chả có tai nạn đâu, báo đài cứ nói bậy chứ. Giá cả cũng thế cũng chả tăng mấy đồng đâu. Hết Tết bây giờ ý mà! Nhưng không nhé! Sau mấy hôm nghỉ Tết thì cũng khai trương trở lại. Mà cái khai trương này mới vui này. Gặp lại sau dăm hôm nghỉ, lại cái không khí tết như lại hồi lại sức sống. Nem giò măng mọc còn lại sau tết lại được dùng cho đủ hạn bảo quản thực phẩm thì thôi. Lại chúc tết, lại thăm nơi nọ nơi kia. Các công việc sản xuất thì ngừng lại, các nghành dịch vụ Tết còn duy trì phát triển tăng thu nhập cho quốc dân.  Đấy cái Tết mà của An Nam nó như thế đấy. Nhẽ nào lại bỏ!

Nghe đâu mấy tay Tư bản như Úc, Canada, … họ cũng có ăn Tết Ta cho những dân tộc thiểu số trên nước họ. Ôi nhân văn làm sao! Dù đã tấn bộ như thế nhưng họ vẫn để cho phần thiểu số được tự do lựa chọn cái ăn cái chơi của bọn họ. Còn cái bọn không thích Tết Ta thì biến mẹ nó đi Tây Lương Nữ Quốc mà sống. Ôi cha! Nếu mà được cấp cái quyền ấy.  Tôi dám chắc người Ta sẽ còn đeo cái cùm Tết cho đến tận trời Tây.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét