Ngày xưa thầy dạy chưa có nhiều công nghệ như giờ. Học hành rất chểnh mảng. Nay đọc các bài thầy viết thì biết cái tấm lòng kẻ sĩ với đạo học như thế nào. Những tư tưởng lớn như này mà cũng đưa vào giới hạn. Làm mình cũng băn khoăn. Đăng lại để bạn bè cùng đọc nhé:
Nho giáo đặt ra các khuôn phép, các mốc vạch, các chuẩn mực và chủ trương con người tu dưỡng khiến cho tâm tính của mình phù hợp, từ chỗ chế ước ép buộc tới thoải mái với những chuẩn mực đó. Lễ chính là các khuôn mẫu, là phép tắc, là giới hạn. Về bản chất, Nho gia đặt ra và tôn trọng các giới hạn. Người mới tu đạo thấy choáng ngợp và hoang mang phân vân với các giới hạn, thấy gò bó trong các giới hạn. Người đã tu dưỡng tới độ nào đó dần dần sẽ thấy các giới hạn mờ dần đi và cuối cùng cũng không còn thấy giới hạn nữa. Khổng tử nói 70 tuổi tòng tâm sở dục bất dũ củ chính là mô tả trạng thái khi đã siêu việt khỏi các giới hạn, trong giới hạn mà thấy thung dung, tự do. Cái tự do mà Nho giáo đạt được là kết quả của quá trình khổ luyện tâm tính, là quá trình đi tới đồng nhất nhân dục và các khuôn phép để không còn thấy khuôn phép và giới hạn. Đó là siêu việt nội tại.
Đạo gia
với mục tiêu đem đến tự do và sự giải phóng cho tinh thần con người nên
chủ trương mở rộng các giới hạn. Những hình tượng kỳ vỹ phi phàm, những
chuyện hoang đường kỳ quái, những thần nhân đi trong lửa nóng tuyết
lạnh, cưỡi gió cưỡi mây, những hình tượng chim bằng biển bắc, người sống
lâu khác thường… được tạo ra cốt để người ta thấy không phải chỉ có
những cái thực mục sở thị, nó mở rộng tầm mắt, tầm tưởng tượng, tầm tư
duy cho con người. Việc chỉ ra tính tương đối và chủ quan của sự nhận
thức về thế giới và chủ trương vô đãi, vô biệt cũng nhằm tạo ra những
khoảng rộng lớn để tư duy và trí tưởng tượng con người có thể vùng vẫy.
Đạo gia đã nới ra, mở rộng tầm cho nhân sinh và tinh thần con người.
Trong khoảng rộng ấy, con người sẽ tự do hơn, phóng khoáng hơn, nó đối
lập làm cho nhiều khoảng cách và chiều kích khác trở nên vô nghĩa, bé
nhỏ, vụn vặt. Nhưng dẫu lớn lao tới đâu, tầm kiểm soát của Đạo gia vẫn
là những khoảng cách và giới hạn có thực được nới rộng ra thêm.
Còn Phật giáo,
Phật giáo đập nát mọi khái niệm, mọi quy ước, cho tất thảy không có gì
thường trụ, không có gì tự thể tự tính, chủ trương con người cần vô
niệm, vô trụ, vô ngã, phá bỏ hoàn toàn mọi giới hạn. Tất thảy những gì
thuộc về thế giới mà ta tri giác được, mà tâm ta soi rọi được thảy đều
là giả tướng. Bản lai vô nhất vật, tâm sinh vạn phát sinh, khuyên người
sinh tâm nơi vô sở trụ, Phật giáo không những không đặt thêm ra các hạn
định, cũng không chỉ nới rộng các chiều khoảng, mà Phật giáo đã đập
nát mọi giới hạn, đem tới sự tự do chân thực tuyệt đối cho tư duy, cho
tinh thần con người. Thế giới tinh thần nhân sinh do Phật giáo tạo lập
vì thế mà rộng lớn nhất, tuyệt đối nhất, mạnh mẽ và giàu sinh lực nhất.
Nó rất tuyệt vời cho tinh thần cá thể con người. Nhưng vì nó vượt bỏ mọi
giới hạn ngay từ đầu mà dễ trở nên nguy hiểm cho những người chưa thấu
lẽ hoặc chỉ nhìn Phật giáo ở hình thức, ở phương tiện. Phật giáo đập
nát mọi giới hạn, nhưng công cụ để phá hủy và gạt bỏ mọi giới hạn đó tự
nó lại là một giới hạn đối với những ai không thể làm công việc đập phá.
Giới hạn, giới hạn…
Hà Nội mùa Phật Đản 2011
Nguyễn Kim Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét