Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Góp ý về bài dịch Phú Con Muỗi của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm trên trang Tập san Việt học

 Theo sự phát triển của công nghệ và mạng truyền thông xã hội ngày càng phổ biến. Chúng tôi biết đến Trang Facebook nickname: Nhóm nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trang này đã giới thiệu nhiều bài dịch, công trình khác nhau. Qua đây, chúng tôi đọc đến các bản dịch của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm. Tôi đã nghe tiếng Giáo sư Nguyễn Văn Sâm của Viện Việt học là người đã có nhiều công trình nghiên cứu và phiên âm các tác phẩm Nôm, góp phần gìn giữ di sản của ông cha, của đất nước. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm có gửi đăng bài Phú Con Muỗi trên tập san Việt Học: http: 

http://viethocjournal.com/2018/12/phu-con-muoi/

Chúng tôi đăng lại trên: http://yeuhannom.blogspot.com/2022/07/phu-con-muoi-phien-am-nguyen-van-sam.html

Sau khi tham khảo kỹ bài Giới thiệu của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm. Chúng tôi xin được có đôi lời góp ý như sau: 

Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã đọc được khá nhiều chữ Nôm khó, mang âm hưởng Nam Bộ. Nhưng lại có nhiều chữ không lý giải được một cách rất căn bản. 

Tờ 1: Chữ cuối cùng hàng đầu tiên, chữ 口+ 某Mỏ bị mờ hơn 1/2 chữ mà Giáo sư (GS)vẫn luận ra được, khiến tôi rất khâm phục. 

Chữ đánh dấu đỏ số 2 là chữ妸 Ả, nhưng GS đọc là Gã, và không đưa ra giải thích. Âm chữ Nôm cũng đọc chữ này là Gả (trong Cưới Gả ). Đọc thông với Gã cũng được. Tôi không biết là người Nam Bộ có chuộng dùng từ Gã?

Chữ đánh dấu số 3 là chữ 併Tính, nhưng GS đọc là Thương伤 , cũng không giải thích. Chữ Thương, nghe rất hay, nhưng lại không đúng với tự hình. 

Chữ số 4 là chữ 危Nguy, GS đọc là chữ Ngay. Tôi xin phép sửa chữ này theo mạch văn nhịp 2 từ. Nếu theo cách của GS thì đọc là "giậm miệng châm ngay". Nhưng theo tôi chỗ này đọc là "giậm miệng châm ngòi" thì đúng hơn. Giậm miệng - đối với -Châm ngòi

Chữ số 5 hơi mờ, GS đọc là chữ 挌Các, nhưng tôi nghĩ tự hình giống chữ 路Lộ nhiều hơn. Lộ cũng đọc Nôm là Trộ, Trổ, với nghĩa là ở. Trổ ốc trên ngọn cây

Chữ số 6 nguyên không có nhưng GS lại thêm chữ 悲Bây. Nguyên văn là "hễ gặp mặt thời bây ve vãn". GS đọc là "hễ gặp mặt thời bây ve bây vãn"- Thừa 1 chữ Bây.

Hai hàng cuối, GS chỉ đọc được đến nửa hàng, đến chỗ "悲空浽Bây không thỏa". Chữ đó lại là chữ Nỗi 浽không phải là chữ Thoả妥. Có thể bị chép nhầm. Từ đó thì GS để 3 chấm .... Không chú thích gì hết. Có lẽ GS cho rằng để ... là người đọc tự hiểu là lược đi hay sao, hay là rút gọn lại chỉ lấy ý chính.

Tôi cũng không hoàn toàn đọc được hết, nhưng xin góp vui thêm mấy chữ cho đủ. Những chữ chưa đọc được tôi để dấu chấm hỏi?, chữ đoán chúng tôi để trong ngoặc đơn ():

"???? cắn thời độc sao không thấy mập,

Châm thời sâu sao chẳng thấy bằng

(Tính) chi những kẻ giang hồ ưa trên nước ?"

Tờ số 2; Nếu theo mạch với tờ số 1 thì GS cũng bỏ lửng 2 chữ bị mờ không tính thì vẫn còn 2 chữ 釵啅Soa Xước - đọc Nôm là XAO XÁC. Chữ số 7 - 8. Chữ số 9 là bộ Khẩu 口với chữ 反Phản, GS đọc là Trộm, cũng không giải thích. Tôi xin mạn phép đọc góp các chữ là:
"?? xao xác còn những kẻ cờ bạc,
 Phưởn phép quan đánh lảnh bụi bờ,
Sao ngươi hay lúc đó ? dĩ trừ.
Xem thấy mặt cắn chơi ba miếng"
Nối mạch văn từ, ý của tác giả như chê trách loài muỗi. Cắn đốt người bần hàn, trẻ thơ, bà đẻ ... Sao không cắn đốt bọn du đãng giang hồ hay quân cờ bạc phi pháp. Đến cuối hàng để sang hàng thứ 2, GS cũng bỏ đi 14 chữ không đọc được, và cũng để ... 
Chữ số 10, nguyên văn là mượn âm chữ 更Cánh, để nối với từ trên: LÀM VÂY LÀM CÁNH. GS đọc là "làm vây làm kiếng". Làm Kiếng là làm cái gì! Là cách đọc của Nam Bộ chăng! 
Chữ cuối hàng 2: "Chưa rồi giấc điệp". Chữ ĐIỆP 葉mờ mịt mất gần 1/2, đã bị bôi xóa, mà GS vẫn đọc ra được là ĐIỆP (thực sự khâm phục). Và sang hàng là 1 chữ khác GS cũng ngừng, không giải thích. Nếu là giấc điệp thì phải là Điệp có bộ Trùng 式蝶 Theo mạch văn thì chữ ĐIỆP bị bôi xóa, và bị che khuất, nên chữ tiếp sau bôi đỏ số 11 mới là chữ liền vào. Chữ đó cũng mờ mịt mù khôn đoán BƯỚM 𧊉, hay là SỐT/CHUYẾT 惙? Tôi cũng chưa chắc! 
Chữ bôi đỏ số 12 là bộ Thi 尸(nhầm của chữ Hộ戶) trên, bộ Thị 氏dưới, đúng ra là đọc là chữ HỌ, nhưng mạch văn đọc là "NHÂN DÂN" thì đúng. GS đọc theo cách này nhưng cũng không giải thích.
Hai hàng cuối của tờ số 2, GS cũng không giải thích đoạn nguyên văn地獨 Địa Độc, mà GS đọc là ĐỘC ĐỊA. Tiếp theo lại bỏ cách 14 chữ không đọc. Tôi xin bổ sung:
"Cũng nhiều khi mắc phải quạt lùa,
Đập gần chết bây thời không tởn."
Tờ số 3: GS phiên âm chỗ này và cho đó là Địa danh cổ quý giá. Nhưng tôi không cho là như vậy

"Tiếng đồn kinh Lạc Dọc, núi Sập kia là cửa là nhà. Cống Nhà Neo là căn là quán".

Ở đây chữ Kinh 京này mượn âm như chữ Kinh涇 là Kinh Rạch, Kênh Mương. Chữ Lạc落 đọc như chữ Rạch/Lạch. Chữ Dục để nguyên nghĩa chữ Hán. Cả câu có thể hiểu là Nghe đồn muỗi sống nơi kênh rạch mà ra. Theo tôi đọc là: 

Tiếng đồn kênh lạch dục/ Nghe đồn là nơi kênh rạch sinh ra 

"Núi Sập kia là cửa là nhà" GS bên trên đã nói là Núi Sam, dưới đây GS lại phiên là Núi Sập, coi như danh từ. Theo tôi cũng không đúng. Chữ Sập垃 là bộ Thổ 土là chữ Lập立. Chúng ta có thể đọc theo âm là Lấp, Nấp. Núi lấp, nấp, không viết Hoa. Không phải danh từ, mà chỉ là một dạng núi nhỏ, nơi ẩn khuất, chỉ những nơi núi non khuất nẻo, heo hút cũng sinh ra loài muỗi. Theo tôi đọc là: 

Núi NẤP/LẤP/LỚP kia là cửa là nhà.

"Cống nhà Neo" GS cũng coi là Danh từ riêng và GS rất hứng thú với cách lý giải rằng: "chuyện thay thế một chữ Nôm có thể gây hiểu lầm bằng một chữ quốc ngữ thời Sương Nguyệt Anh là chuyện bình thường." Ý GS là nếu viết chữ Nôm vào đây sẽ gây hiểu lầm, cho người khác nên họ cho chữ Quốc Ngữ vào để khỏi hiểu NHẦM. Nhưng theo tôi hiểu thì ngược lại. Các cụ nhà Nho, hay bản thân chính những người học chữ Nôm sau này. Nếu bí chữ nào chưa biết thì các cụ sẽ biên chữ Quốc Ngữ vào cho dễ hiểu, dễ đọc. CHỨ KHÔNG PHẢI LO NGƯỜI KHÁC KHÔNG HIỂU ĐÂU Ạ! Nếu lo thế thì viết cả bằng Quốc ngữ ra TỐT HƠN! Cống nhà neo, chữ ấy viết phóng tay còn giống chữ NAO. Đơn giản chỉ như là: Cống nhà nao làm căn làm quán/ Nói loài muỗi ở ẩn dưới cống bất cứ nhà nào. Mà mạch Phú đối chát chặt chẽ:

Tiếng đồn kênh lạch dục,

Núi nấp kia là cửa là nhà;

Cống nhà nao là căn là quán.

Chữ bôi đỏ số 13 là bộ Túc 足và chữ Lỗi累, chứ không phải là chữ Thấp濕. GS đọc là "Nhảy thấp bay cao". Ôi nhảy thấp thì ai coi là TÀI cho được? Chữ ấy theo tôi đọc là Nhảy RUỔI/ DUỖI. Ruổi trong Rong Ruổi; Duỗi với ý là nhảy dài ra, nhảy xa ra. Thế mới coi là Tài chứ. 

Chữ bôi đỏ số 14, trông không ra hình chữ Sách冊册, nhưng GS đọc là chữ Sách (thực sự không thể nhận dạng- quá khâm phục)

Tờ số 4: GS cũng không đọc nốt 6 chữ cuối. Vì 6 chữ cuối cùng này không hợp vần. Nhưng GS cũng không giải thích gì thêm. 6 chữ đó có thể tạm đọc là "Mặn lạt là chữ khẩu miệng".
Đoạn cuối là chép liền với một đoạn chuyện khác, sang mạch bài văn khác. Nhưng lại rất là lý thú, thì GS lại không có lới giải thích nào. Trong khi đoạn này lại có địa danh Bắc Kinh, Bình Đông, Tàu Kê, Chợ Lớn, Bến Thành, ... Tôi xin góp vui đọc nốt đoạn này:
"Nay soát án Thúy Kiều, Kim Trọng,
Xưa hai người một bực con dòng.
Kiều ở Bắc Kinh là kênh mé Bình Đông,
Lúc niên thiếu má hồng mày liễu.
Nghiệp kính trang khi coi máy diệu,
Nói số Kiều sau đẩy lầu xanh.
Ở với Tàu Kê, Chợ Lớn, Bến Thành,
Lấy chú Mã Giám sinh thụ soái
Kiều tảo mộ thanh (minh) ..."


Kết bài, chúng tôi xin đưa đẩy mấy lời góp ý như sau. Trong Bài giới  thiệu - Phiên âm của mình. GS Nguyễn văn Sâm  đã liên hệ đến dòng văn học yêu nước kháng Pháp, chống Tay sai. Tôi e là thiếu cơ sở. Toàn bài phú chỉ chê trách muỗi quấy phá người ta. Ở nơi bẩn thỉu cống rãnh. Gây hoạ chứ không giúp ích. Tất nhiên nên diệt trừ. Có thể liên hệ đến phong trào vệ sinh dịch tễ đầu thế kỷ do người Pháp phát động: Diệt chuột, diệt muỗi, ... Nhất là những lời GS khi nhận xét tác giả của bài phú là"có học Nho chút đỉnh". Tôi không đồng tình với "chút đỉnh" của 1 bài văn Nôm dài như thế này. Hay là "chút đỉnh" trong tiếng Nam Bộ có ý nghĩa khác? Thêm nữa, là người Hán học mà có thể làm Thơ, làm Phú thì là người đã qua trường lớp, qua thi cử. Khó mà gọi những người như thế là "học chút đỉnh". Như những người sinh sau chế độ khoa cử, thì gọi là học "chút đỉnh" thì được. Ấy nhưng ! phía dưới thì GS lại khen tác giả bài phú "như một nhà tiên tri" đi trước thế kỷ!!! GS còn nhắc đến các tên "chó săn" như Nguyễn Thân, Huỳnh Tấn. Dường như ví số phận họ với muỗi! Tất cả đều thiếu căn cứ và suy diễn theo cảm xúc. Tuy vậy, bài dịch của GS đã góp phần đọc được khá nhiều chữ khó, của chữ Nôm ghi giọng Nam Bộ. Tuy văn bản mờ rách thiếu khuyết. Phần ghép lại khó đối chiếu, âm luật không được hài hòa. GS Nguyễn Văn Sâm đã không phiên âm hết trọn vẹn, có chỗ khó hiểu, khó suy luận. Chúng tôi xin góp đôi ý bổ xung để người đọc tham khảo cũng làm trọn thêm phần nào cho bài dịch của GS Nguyễn Văn Sâm.
夜雨記2022/Đêm mưa 2022

驩南西越氏/hoan nam Tây việt thị khảo .
Nguyễn đức Toàn.



2 nhận xét:

  1. Nhận xét bình tĩnh nhẹ nhàng, lễ độ nhưng người nhận xét không biết nhiều về từ Nam Bộ: (cánh > Kiếng), ả, gã, gã đều viết bằng nữ khả. Còn ý kiến chống Pháp trong toàn bài dựa trên ý tiềm ẩn hay danh từ riêng/ chung trên một số từ đặc biệt thì người nào cũng có ý riêng khi đọc... Nhìn chung: Cám ơn người đọc trẻ đã cố công dò từng chữ để có ý kiến, chuyện nầy không phải ai cũng làm được ở thời đại nầy.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bác! Rất vui vì bác đã đọc được bài này!

    Trả lờiXóa