Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Trần Văn Giáp- Lược truyện các tác gia Việt Nam- T1.(Thời Trần: từ số 28 - 78)

 

Trần Văn Giáp- Lược truyện các tác gia Việt Nam- T1.(Thời Trần: từ số 28 - 78)

 

Trần Văn Giáp - Lược truyện các tác gia Việt Nam TI. (gồm 50 người)

Thế kỷ XIII (Trần)

Từ số 28 – 78 (gồm 50 người)

28. Thường Chiếu Thiền sư 常照禅师(?- 1203)

Thường Chiếu thiền sư, họ Phạm, tên thực là gì không rõ. Pháp hiệu của ông là Thường Chiếu thiền sư. Ông người làng Phù Ninh (Từ Sơn, Bắc Ninh cũ, nay thuộc Hà Bắc). Sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất ngày 24 tháng 9 năm Thiên gia Bảo hựu thứ 2 đời Lý Cao Tông, tức ngày 30 tháng 10 năm 1203.

Ông làm quan Lệnh đô tào đời Lý Cao Tông (1176-1210), bỏ quan về, đi tu tại chùa ở Phường Ông Mạc (ô Đống Mác, Hà Nội).

Tác phẩm có: Tại thế vi nhân thân (triết) chép ở Thiền Uyển tập anh ngữ lục (quyển thượng, tờ 28) và 1 số Kệ, …

Nam Tông tự pháp đồ (sử, triết) 1 quyển.

29. Tĩnh Giới Thiền sư静戒禅师(?-1207)

Tĩnh Giới thiền sư, tên họ thực là Chu Hải Ngung, pháp hiệu là Tĩnh Giới thiền sư. Ông người làng Mão (?), không rõ sinh năm nào, mất ngày 7 tháng 7 năm Trị Bình Long ứng đời Lý (2-8-1207).

Thửa nhỏ nhà nghèo ông theo học Nho. Sau vì ốm, ông đi tu liền 6 năm. Năm Trinh phù thứ 2 (1171), vua Lý Cao Tông nghe tiếng ông giỏi Phật học và Nho học nên mời ông đến kinh đô làm quan.

Tác phẩm của ông còn 2 bài kệ: Thuyết đạo và Thu lai  (triết, văn) chép trong Thiền Uyển tập anh ngữ lục.

30.Trần Thái Tông 陈太宗(1218-1277)

Trần Thái tông, tên họ thực là Trần Cảnh, miếu hiệu là Thái Tông, dòng dõi tổ tiên ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Nam Hà, là con Trần Thừa và bà Lê Thị Phong.

Ông sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (10-7-1218), mất năm 1277. Lên 8 tuổi, ông được chú là Trần Thủ Độ cử vào trong cung, hầu Lý Chiêu Hoàng. Sau ông lấy Lý Chiêu hoàng và lên ngôi vua năm 1225, làm vua được 33 năm (1225-1258), thọ 59 tuổi.

Ông mở khoa thi, đặt lễ nghi, định hình luật, tu sửa văn miếu, kế hoạch đều theo ý của Trần Thủ Độ. Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ nhất (1257), ông thân chinh làm tướng, đem quân ra Đông Bộ đầu chống giặc.

Tác phẩm của ông gồm có:

Kiến trung thường lệ (sử) 5 quyển.

Quốc triều thông chế (sử) 20 quyển.

Một số thơ (văn, triết) chép trong Toàn Việt thi lục.

Về sách Quốc triều thông chế của ông, có sách chép lầm là Quốc triều thông phán. Nhiều sách còn chép lầm bộ Khóa Hư tập hay Khóa Hư ngữ lục là của ông, nhưng xét kỹ bộ sách ấy là của Trần Nhân Tông (xem số 32)

31.Trần Thánh Tông陳聖宗(1240-1290)

Trần Thánh tông, tên họ thực là Trần Hoảng, miếu hiệu là Thánh tông, con cả vua Trần Thái tông và bà Thuận Thiên công chúa họ Lý, sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý (12-10-1240), mất ngày tháng 5 năm Canh dần, tháng 6 -1290, làm vua được 21 năm (1258-1278), thọ 51 tuổi.

 Sứ nhà Nguyên có lần sang sách nhiễu, ông nhất định không chịu lạy chiếu chỉ của vua Nguyên. Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta. Ông làm Thái thượng hoàng, cùng bàn kế đánh giặc với các phụ lão trong nước ở Hội nghị Diên Hồng, ai ai cũng đồng thanh quyết chiến.

Tác phẩm của ông gồm có:

Cơ cừu lục (triết)

Di hậu lục (triết)

Hoàng tông ngọc điệp (gia phả nhà Trần )(sử)

Một số thơ nhan đề là Trần Thánh Tông thi tập (văn) chép trong Toàn Việt thi lục.

32. Trần Nhân Tông陳仁宗(1258-1308)

Trần Nhân Tông, tên họ là Trần Khâm, miếu hiệu là Nhân Tông, con vua Trần Thánh Tông và bà Thiên cảm hoàng hậu, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu ngọ (7-12-1258), và mất ngày 3-11 năm Mậu Thân (16-11-1308), thọ 51 tuổi. Ông làm vua được 14 năm(1279-1293), rồi đi tu ở núi Yên Tử, đạo hiệu là Trúc Lâm đầu đà; đã khai sáng ra phái Trúc Lâm trong Phật Giáo Việt Nam, nên còn gọi là Trúc Lâm đệ nhất tổ.

Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, ông phải 2 lần bỏ kinh đô mà rút vào Thanh Hóa. Nhờ được nhân dân ủng hộ và sự lãnh đạo tài tình của Trần Quốc Tuấn, tướng sĩ 1 lòng đánh giặc nên đã đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi. Tác phẩm của ông có: Trung hưng thực lục(sử), Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (triết), Đại hương hải ấn thi tập (văn, triết), Tăng già toái sự (Phật), Thạch thất mị ngữ (triết), Trần Nhân tông thi tập (văn, triết), chép trong Trần triều thế phả hành trạng và Toàn Việt thi lục, Khoa Hư tập

33.Trần Quang Khải陳光啓(1241-1294)

Trần Quang Khải là tôn thất nhà Trần, biệt hiệu Lạc Đạo tiên sinh, người làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Nam Hà, sinh năm 1241, mất năm 1294. Ông là con thứ vua Trần Thái Tông. Đời vua Trần Thánh tông, ông được phong làm Tướng quốc. Đến đời Nhân tông, ông giữ chức Thượng tướng, đem quân đánh giặc Nguyên; phá được quân của Toa Đô ở bến Chương Dương, thuộc địa phận Thường Tín, Hà Đông. Vua Trần Anh tông phong ông chức Thái Sư. Trần Quang Khải là người học rộng, lại thông hiểu nhiều thứ tiếng.

Tác phẩm của ông có: Lạc đạo tập(văn, triết), Tùy giá về Thăng Long  (văn) chép trong Toàn Việt thi lục

34.Đinh Củng Viên丁鞏園(?-1294)

Đinh Củng Viên là người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; không rõ ngày sinh, mất năm 1294. Đời Trần Thánh Tông (1258-1278) ông làm Viên ngoại lang, được cử sang Sứ nhà Nguyên, bàn cãi về cương giới giữa nước ta và Trung Quốc.

Đời Trần Nhân tông, ông làm quan tới chức Hàn Lâm học sĩ, rồi sau làm Thái tử thiếu bảo quan Nội hầu. Ông được rất nhiều người kính trọng, lúc mất được phong tặng chức Thiếu phó.

Tác phẩm của ông có: Cồ Đường đồ (văn), chép trong Việt Âm thi tập và Toàn Việt thi lục.

35.Trần Quốc Tuấn陳囯俊(1226-1300)[1]

Trần Quốc Tuấn là tôn thất nhà Trần, người làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Nam Hà; sinh năm 1226 và mất năm 1300, là con ông Trần Liễu và cháu vua Trần Thái tông (Trần Cảnh).

Lúc nhỏ, cùng chơi với bạn, Trần Quốc Tuấn thường hay bày trận đánh nhau, lên 6 tuổi, ông đã biết làm thơ. Lớn lên, ông học rất thông minh, hiểu thấu lục thao, tam lược, có tài cưỡi ngựa, bắn cung rất giỏi.

Khi quân nhà Nguyên sang xâm lược nước ta (vào các năm 1284, 1285, 1288), ông được vua phong làm Tiết chế thủy bộ chư quân. Thế giặc lúc mới sang rất mạnh, ông phải cho quân sĩ tạm thời rút lui. Vua Nhân tông lo sợ, bàn với ông “tạm hàng để cứu muôn dân”. Ông khẳng khái trả lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sẽ hàng”. Nghe câu đó, Nhân Tông mới yên lòng, quyết tâm chống giặc.

Năm 1282,  Hốt Tất liệt(Hubilai) sai con là Thoát Hoan (Togan) cùng các tướng Toa Đô (Sagatu), Ô Mã nhi (Omar) đem 50 vạn binh sang xâm lược Việt Nam.

Nghe tin báo quân Nguyên đã tập hợp cả ở gần đất An Bang (vùng Hồng Quảng) để kéo sang Việt Nam, Trần Nhân Tông triệu tập các tướng, hạ lệnh đem tất cả Thủy Bộ chư quân đến họp để duyệt và tập trận. Lại cử Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế thống lĩnh chư quân.

Tháng 9 -1287, Trần Quốc Tuấn hiệu triệu các vương hầu, tướng sĩ đến hội với quân đội nhà nước ở Đông Bộ đầu, duyệt quân rồi chia ra đóng các nơi hiểm yếu, phòng thủ; tự mình đóng quân ở Vạn Kiếp, để tiếp ứng mọi nơi.

Để động viên thúc đẩy việc huấn luyện quân sĩ, Trần Quốc Tuấn soạn sách Binh Thư yếu lược. Sách này với sáng tạo tính của nó, đã tóm tắt những binh pháo của Tôn, Ngô đời xưa, thành những câu gọn dễ hiểu, lại liên hệ với hoàn cảnh Việt Nam và kèm theo 1 bài Hịch tướng sĩ văn để phát cho các tướng sĩ học tập. Bài hịch nêu cao lòng yêu nước, chí căm thù giặc, đã khích lệ tướng sĩ rất nhiều. có người lấy mực thích vào cánh tay 2 chữ “Sát Thát”(Giết giặc Thát Đát) để tỏ ý căm thù và quyết chiến.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, lại được nhân dân cả nước ủng hộ, quân ta đã phá được giặc Nguyên, đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi. Ông được phong tới chức Hưng Đạo đại vương; cho nên người ta thường gọi ông là Trần Hưng Đạo.

Đến đời Trần Anh tông (1293-1314), ông về Vạn Kiếp (sau là xã Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng) và mất tại đấy, ngày 20 tháng 8 năm Hưng Long thứ 8 (5-9-1300).

Tác phẩm của ông gồm có:

Binh Thư yếu lược (Binh học), 4 quyển.

Hịch tướng sĩ văn (văn, sử)

Vạn Kiếp bí truyền (?)(Binh học)

36.Trần Ích Tắc陳益稷(Thế kỷ XIII)[2]

Trần Ích Tắc là con thứ vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), được phong tước Chiêu Quốc vương, không rõ sinh và mất năm nào. Đời Trần Nhân tông(1279-1293), khi quân Nguyên sang xâm lược, Ích Tắc đem cả gia đình ra hàng với Thoát Hoan; vì thế nên không được công nhận là con cháu họ Trần nữa.

Ích Tắc theo giặc về Yên Kinh, và được Nguyên Thế Tổ lợi dụng, phong làm An Nam Quốc vương. Y được đưa về nước, nhưng nhân dân không công nhận tên vua bù nhìn của địch. Ích Tắc đành trở lại Trung Quốc làm quan với nhà Nguyên và chết ở Hán Dương.

Tác phẩm gồm có: Củng cực lạc ngâm (văn), 16 bài thơ (văn, sử) chép ở Toàn Việt thi lục.

37.Trần Khắc Chung陳克忠(thế kỷ XIII)

Trần Khắc Chung, người huyện Hiệp Sơn (có người đọc là Giáp Sơn, sau là phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng), hiệu là Cúc Ẩn, trước nguyên họ Đỗ, sau được vua cho đổi theo họ Trần. Không rõ ông sinh mất năm nào.

Đời Trần Nhân Tông (1277-1293), niên hiệu Thiệu bảo (1279-1284), quân nhà Nguyên sang xâm lược nước ta, ông được lệnh mang thư sang trại giặc, biện luận với tướng Nguyên là Ô mã nhi, lời lẽ rất hùng hồn, khiến tướng Nguyên phải phục tài. Nhân có công đó, ông được Nhân tông cho đổi theo họ nhà vua (họ Trần), và được phong làm Đại hành khiển. Đời Trần Anh tông (1293-1314), ông làm Ngự sử đại phu rồi làm Thượng thư hữu bộ xạ, sang sứ Chiêm Thành, đón Huyền Trân công chúa về nước. Ông mất vào đời vua Hiến Tông (1329-1341) và được phong tặc chức Thiếu sư.

Tác phẩm của ông có: Vịnh cúc (văn), 2 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.

38.Lê Văn Hưu 黎文休(1229-1322)

Lê Văn Hưu là người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sinh năm 1229, mất năm 1322, thọ 93 tuổi.

Đời Trần Thái tông, năm 1247 (niên hiệu Thiên ứng chính bình thứ 16), ông đậu Bảng nhãn, làm quan đến chức Binh bộ thượng thư, tước Nhân Uyên hầu. Ông được vua giao soạn bộ Sử ký và sung chức Hàn lâm viện học sĩ, Giám tu viện Quốc sử. Bộ sử của ông chép từ Triệu Vũ đế (207TCN) đến đời Lý Chiêu Hoàng (1224) và là bộ sử đầu tiên của nước ta, rất có giá trị, tiếc nay không còn toàn bộ.

Theo bài tựa của Ngô Sĩ Liên, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư,  thì bộ sử đó là bộ sử trùng tu, cho nên có người phỏng đoán là có lẽ Lê Văn Hưu đã soạn theo các sử liệu đương thời và các điều tục truyền. Điều này cần nghiên cứu kỹ lại. Dù sao ta vẫn có thể nói rõ bộ sử của Lê Văn Hưu là bộ sử đầu tiên của nước ta.

Tác phẩm của ông có : Đại Việt sử ký (sử) 30 quyển.

39.Nguyễn Thuyên 阮詮(Còn gọi là Hàn Thuyên韓詮) (Thế kỷ XIII)

Nguyễn Thuyên là người làng Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cũ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú (theo Cương mục chính biên, quyển 7 tờ 2b; ông là người làng Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Không rõ ông sinh và mất năm nào).

Đời Trần Thái tông (1225-1258), niên hiệu Thiên ứng Chính Bình thứ 16 (1247), ông đậu Thái học sinh và làm quan đến chức Công bộ thượng thư. Đời Trần Nhân Tông (1279-1293), năm 1282 (niên hiệu Thiệu bảo thứ 4), tục truyền có cá Sấu vào sông Lô, vua sai ông làm bài văn tế cá Sấu, ném xuống sông, cá Sấu bỏ đi. Việc đuổi cá Sấu giống việc làm của Hàn Dũ đời Đường nên vua khen thưởng và cho ông theo họ Hàn. Ông là người có tài làm văn thơ Nôm và là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật. Cũng vì thế có nhiều người hiểu lầm cho chữ Nôm của ta là bắt đầu có từ Hà Thuyên.

Tác phẩm của ông có Phi sa tập(văn), 1 quyển (theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí. Trong tập này có nhiều thơ Nôm: sách này đã bị quân nhà Minh lấy mất).

Thế kỷ XIV (Trần)

Từ số 40 – 77

40. Trần Quốc Tảng 陳國顙(thế kỷ XIV)

Trần Quốc Tảng là con thứ 4 Trần Quốc Tuấn, hiệu là Tuệ Trung Thượng sĩ. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông có công trong việc đánh giặc Nguyên, được phong tước Hưng Nhượng vương. Ông về trí sĩ ở làng Tĩnh Bang (xã Yên Quảng ?), nay còn đền thờ ở vùng Cửa Ông (Hồng Quảng). Tác phẩm có: Phóng cuồng ca (văn, triết) chép trong HVTT A.608; Thượng sĩ ngữ lục (triết), bộ này do Trần Nhân Tông khảo đính, A.1932

41.Trần Anh Tông陳英宗, (1267-1320)

Trần Anh Tông, tên họ thực là Trần Thuyên, miếu hiệu là Anh Tông, sinh năm 1267, mất năm 1320. Ông là con trai lớn của Trần Nhân Tông (1279-1314); thọ 54 tuổi. Ông mở khoa thi Thái học sinh, dùng được nhiều nhân tài như Mạc ĐĨnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn. Ông đã biết học hỏi Trần Hưng Đạo, chú ý việc Quốc phòng, lại có tài ngoại giao, giữ gìn được mối hòa hảo với nhà Nguyên và Chiêm Thành. ÔNg rất quan tâm đến văn chương và việc nghiên cứu đạo Phật. Tác phẩm của ông có: Thủy vân tùy bút ngự tập (văn, triết), Hiệu đính công văn cách thức (sử?), Pháp sự tân văn (văn, triết), 5 bài thơ văn chép trong Trần triều thế phả hành trạng; 12 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục; 1 bài Dược thạch châm, dạy thái tử (văn)

42.Phạm Ngũ Lão范五老(?-1320)

Phạm ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (sau gọi là huyện Mỹ Hào), tỉnh Hải Dương, nay thuộc về huyện ÂN Thi, tỉnh Hải Hưng. Không rõ ông sinh năm nào chỉ biết mất năm 1320. Ông là Võ tướng, nhưng lại thích đọc sách ngâm thơ. Đời vua Trần Nhân tông, ông được phong làm Quản Hữu vệ quân, theo Trần Quốc Tuấn đánh giặc Nguyên. Đời Trần Anh Tông (1293-1314), ông chống xâm lược Chiêm Thành và Ai Lao, làm tới chức Chưởng Ngũ phủ thượng tướng quân rồi thăng tới chức Điện súy quan Nội hậu. Phạm Ngũ Lão là 1 danh tướng, luyện quân có kỷ luật, đối đãi với quân sĩ như người nhà, cùng nhau đồng cam cộng khổ; đánh đâu được đấy. Những tư tưởng bình đẳng bác ái thấy biểu lộ qua lời thơ của ông. Tác phẩm gồm có: Thuật hoài (văn), chép ở Toàn Việt Thi lục. Khóc Hưng Đạo vương, trong Thần tích xã Phù Ủng (văn)

43.Pháp Loa tôn giả法螺尊者(1284-1330)

Pháp Loa tôn giả, tên họ thực là Đồng Kiên Cương同堅剛, hiệu là Pháp Loa tôn giả. Ông sinh năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), mất năm Khai Hựu thứ 2 (1330), người làng Cửu La(sau là thôn ĐỒng Pháp), phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc Hải Hưng.[3] Năm 1304 (niên hiệu Long Hưng thứ 12), Trần Nhân Tông lúc đó đang đi tu, ra chơi phủ Nam Sách, găp Kiên Cương, thấy người thông minh, cho theo học đạo Phật và cho tu ở núi Kỳ Lân, lấy đạo hiệu là Pháp Loa và truyền y bát cho ông, ông là tổ thứ 2 của phái Trúc Lâm. Vua Trần Nhân Tông khi thị tịch năm 1308 cũng ở chùa của ông tu trên núi Yên Tử (Sử ký, in triều Tây Sơn, q6,tờ 22-24). Khi Pháo Loa chết, vua Trần Anh Tông có làm thơ viếng, đại ý nói: “từ khi Pháp Loa xa cõi đời, thiên hạ học Phật không còn ai” … Truyền ông còn chép trong Tam Tổ thực lục. Tác phẩm của ông có: Tham Thiền chỉ yêu (Phật); Kim Cương đạo trường Đà la ni kinh (Phật); Tán Pháp Hoa kinh khoa sớ (Phật); Bát Nhã đa tâm kinh (Phật); Phát Nguyện Văn (văn); Đoạn sách lục (văn)

44.Trần Đạo Tái陳道載(thế kỷ XIV)

Trần Đạo Tái là tôn thất nhà Trần, tước Văn Túc vương, không rõ sinh và mất năm nào. Tác phẩm có Đại Bi tự chung minh (bài minh chuông chùa Đại Bi) viết năm Hưng Long thứ 2, tức năm 1294

45.Trương Hán Siêu張漢超(?-1354)

Trương Hán Siêu, tên tự là Thăng Phủ, người làng Phúc Am, huyện Yên Khánh(nay là Gia Khánh), tỉnh Ninh Bình, sinh năm nào không rõ, mất năm 1354. Ông làm Mạc khách cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, lập được nhiều công trạng trong 2 trận đánh giặc Nguyên. Đến đời Trần Anh Tông (1293-1314), niên hiệu Hưng Long thứ 16(1308), ông thăng chức Hàn lâm học sĩ. Năm 1242 (niên hiệu Thiệu Phong thứ 2, đời Dụ Tông), ông làm Tham tri chính sự. Ông làm quan bị thăng giáng nhiều phen, nhưng vẫn được các vua tôn trọng coi là bậc thầy. Trong bài Bạch Đằng giang phú, một bài phú nổi tiếng, ông đã ca ngợi lịch sử quang vinh của tổ quốc, ca ngợi các anh hùng dân tộc, nói lên lòng yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên và lòng căm thù quân xâm lược. Là 1 học giả uyên thâm Nho giáo, Trương Hán Siêu công kích đạo Phật về tư tưởng mê tín, về mặt phong hóa và về mặt sản xuất (trong bài Linh Tế tháp ký). Qua những tác phẩm của ông, ta thấy ông có 1 lòng yêu nước nồng nàn và sâu sắc. Cũng như Chu Văn An, Trương Hán Siêu được thờ vào Văn miếu, ngang với các bậc hiền triết đời xưa. Tác phẩm của ông có: Dục Thúy sơn linh tế tháp ký (triết, văn), Khai Nghiêm tự bị ký (văn, triết), Bạch Đằng giang phú (văn), Cúc hoa bách vịnh (văn), Hóa Châu tác và Quá Tống Đô (văn) chép trong Toàn Việt Thi lục

46.Trần Minh Tông陳明宗(1300-1357)

Trần Minh Tông, tên họ thực là Trần Mạnh, miếu hiệu là Minh Tông. Ông sinh năm 1300 và mất năm 1357, là con thứ 4 của Anh Tông, làm vua được 15 năm (1314-1329); thọ 58 tuổi. Ông định ra việc phân định cương giới giữa nước ta với Trung Quốc, định việc đánh Chiêm Thành, ra lệnh cấm quân sĩ vẽ mình và đã giết oan Trần Quốc Chẩn. Tác phẩm của ông có: Một số thơ (văn, sử) trong Trần triều Thế Phả hành trạng, Trần Minh Tông thi tập, chép trong Toàn Việt thi lục

47.Huyền Quang tôn giả玄光尊者(1254-1334)

Huyền Quang tôn giả, tên thực là Lý Đạo Tái李道載, đạo hiệu là Huyền Quang, ông là người làng Vạn Tải, huyện Gia Định (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc tỉnh Hà Bắc), sinh năm 1254 và mất năm 1334[4]. Năm 19 tuổi ông đỗ khoa Tam giáo đời Trần[5], rồi về đi tu ở chùa Quỳnh Lâm (Hải Dương cũ), được sư Pháp Loa và vua Nhân tông rất trọng. Năm 1317(niên hiệu Đại Khánh 4), Pháp Loa đem y bát của Điều ngự Giác Hoàng (tức vua Trần Nhân Tông) truyền cho, trao lại cho Huyền Quang trước khi mất. Huyền Quang lên tu ở núi Yên Tử, và là tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm (Tổ thứ nhất là Trần Nhân tông, tổ thứ 2 là Pháp Loa). Tác phẩm của ông có: Ngọc Liên tập (văn, triết), 1 quyển; Chư phẩm kinh (?) và 1 số thơ khoảng hơn 30 bài, chép trong các thi tuyển như đã nói ở trên.

48.Nguyễn Sĩ Cố阮士固(thế kỷ XIV)[6]

Nguyễn Sĩ Cố, không rõ là người ở đâu, sinh và mất năm nào. Đời Trần Thánh Tông (1258-1278) ông làm Thiên Chương các học sĩ, đời Trần Anh Tông (1293-1313), ông coi việc giảng Ngũ kinh và sau đó đến đời Trần Minh Tông (1314-1329) ông làm Hàn lâm viện thị độc học sĩ. Cũng như Nguyễn Thuyên, ông là người có tài làm văn Nôm. Tác phẩm của ông còn sót lại có: Tùng giá tây chinh yết Tản Viên từ; Tùng già Tây chinh yết Hy hiển vương từ (cả 2 đều chép trong Toàn Việt thi lục)

49.Sa môn Sùng Nhân 沙門崇仁()

Sa môn Sùng Nhân, không rõ tên, họ thực là gì, quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Tác phẩm có: Mộ đạo xã, Đại Bi tự chung minh

50.Nguyễn Trung Ngạn阮忠彥(1289-1370)

Nguyễn Trung Ngạn,tên tự là Bang Trực, tên hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng huyện Ân thi, tỉnh Hưng Yên cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng, sinh năm 1289 và mất năm 1370. Thửa nhỏ ông nổi tiếng thần đồng. Năm 16 tuổi, ông đậu Hoàng giáp (năm 1304, niên hiệu Hưng Long thứ 12, đời Trần anh Tông). Năm 24 tuổi, ông làm Giám quân, năm 28 tuổi sang sứ Nhà Nguyên. Khi theo Trần Minh Tông lên đánh Đà Giang, ông có viết sách về cuộc hành quân đó (Sử ký toàn thư, q6 tờ 47). Năm 1337, Khai hựu thứ 9. ông có làm Giám tu Viện quốc sử. Sau đó, ông cùng Trương Hán Siêu soạn cuốn Hoàng Triều đại điển và bộ Hình Luật thư. Ông làm quan trong 5 đời vua, đến chức Đại học sĩ, Trụ quốc Khai Huyện bá, Thân Quốc công. Ông là 1 nhà chính trị và nhà văn có tài. Tập thơ của ông được chép toàn bộ trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (84 bài). Hiện nay thư viện Khoa học còn giữ được 1 bản chép tay, tập thơ ấy là 1 bản chép lại sách chép từ năm Cảnh Hưng ất mùi(1775), chỉ có 81 bài với nhan đề: Vựng tập Giới Hiên thi cảo toàn trật, và 1 bản khác. Tác phẩm của ông có: Giới Hiên thi tập (văn), A.601, A.2793; Hình luật thư (sử), Hoàng triều đại điển (sử), Ma nhai kỷ công bi (văn, sử)

51.Trần Dụ Tông陳裕宗(1336-1369)

Trần Dụ Tông, tên họ thực là Trần Cảo. Ông sinh năm 1336, mất năm 1369, là con thứ 10 vua Minh Tông và Hiếu từ Hoàng hậu.Làm vua 28 năm (1341-1369), miếu hiệu là Dụ Tông; thọ 34 tuổi. Trong thời gian ông làm vua, dân chúng đói khổ, nạ mất mùa xảy ra luôn; gian thần đắc chí, chính trị đổ nát. Chu Văn An có dâng sớ xin chém 7 người gian thần; nhưng Dụ tông không nghe. Dụ tông là người ham mê tửu sắc, bài bạc rượu chè. Nhân dân ở khắp nơi nổi lên chống lại triều đình, như Ngô Bệ (Hải Dương), v.v … Nhà Trần suy từ đó. Tác phẩm có: Trần triều đại điển[7] (sử) 2 quyển, Bài thơ ví Thái Tông nhà Đường với Thái Tông nhà Trần, chép trong Toàn Việt thi lục

52.Trần Nghệ Tông陳藝宗(1320-1394)

Trần Nghệ Tông, tên họ thực là Trần Phủ. Ông sinh năm 1320, mất năm 1390, là con thứ 3 của vua Minh Tông và bà Từ Hoàng thái phi. Lúc đầu ông được phong tước Cung định vương. Khi Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, ông phải chạy ra Đà Giang. Triều đình đem quân vào kinh bắt Nhật Lễ và đón ông từ Đà Giang về tôn ông lên ngôi vua. Miếu hiệu của ông là Nghệ Tông, làm vua được 3 năm (1370-1372) rồi nhường ngôi cho em là Duệ Tông, mất năm Giáp Tuất (1390); thọ 74 tuổi. Tác Phẩm có: Bảo Hòa dư điện bút (văn), Trần Nghệ Tông thi tập (văn, triết) chép trong Toàn Việt thi lục.

53.Bùi Mộ  裴慕(Thế kỷ XIV)

Bùi Mộ, tên hiệu là Chuyết Trai, người làng Hưng Giáo, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây, không rõ sinh mất năm nào. Đời Trần Anh Tông (1293-1314), niên hiệu Hưng Long thứ 12, tức năm 1304, ông đậu Bảng nhãn và làm quan tới chức Nội lệnh thư gia. ÔNg có đi sứ sang Trung Quốc. Tác phẩm có: Chuyết Trai thi tập (văn), Bài thơ Quá Bành Trạch chép trong Toàn Việt thi lục

54.Mạc Đĩnh Chi莫挺之(Thế kỷ XIV)

Mạc đĩnh Chi tên tự là Tiết phu, người làng Lũng động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Có sách chép là làng Lan Khê, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, nay thuộc tỉnh Hải Hưng), không rõ sinh mất năm nào. Ông thuộc dòng dõi Mạc Hiển Tích, trạng nguyên đời Lý, là ông tổ bảy đời của Mạc Đăng Dung. Ông đậu Trạng nguyên năm 1304 (niên hiệu Hưng Long thứ 12), đời vua Trần Anh Tông (1293-1314). Làm đến chức Tả bộc xạ, tức là Thượng thư. Năm 1308 (niên hiệu Hưng Long thứ 16), ông sang sứ nhà Nguyên. Ông là người rất thông minh, có tài ứng đối, tướng người xấu, ông làm quan rất thanh liêm, nên gia đình nghèo túng. Tác phẩm của ông có: Ngọc tỉnh liên phú, một số câu đối và thơ chép ở Việt âm thi tập Toàn việt thi lục

55. CHU VĂN AN 朱文安(? – 1370)

Chu Văn An, tên chữ là Linh-triệt, tên hiệu là Tiều-ẩn, tên thuỵ là Văn-trinh, tên hiệu là Khang-triết tiên sinh, người Văn thôn, làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) (quê mẹ). Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1370.

Ông là người tính nết ngay thẳng, trong sạch, có tài văn chương, uyên thâm về đạo lý Nho học. Ông thi đậu thái học sinh (Đăng khoa lục bổ di, quyển thủ, tờ 14), không ra làm quan, ở nhà dạy học, gần xa nức tiếng, học trò theo học rất đông. Những người nổi tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, đều là học trò của ông. Trần Minh-tông mời ông ra làm Quốc tử giám tư nghiệp. Đời Trần Dụ-tông, chính trị đổ nát, gian thần lộng quyền, khoảng năm 1341-1369 ông dâng sớ xin chém 7 người nịnh thần(1); nhưng không được vua trả lời. Ông bèn xin từ chức, lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũ. Khi ông mất, được thờ tại Văn Miếu, cùng hàng với các bậc hiền triết và có đền riêng ở nơi nhà ở ẩn của ông trên núi Phượng Hoàng. Về Chu Văn Trinh và ngôi đền thờ của ông, khoảng năm Minh Mạng – Thiệu Trị, Nguyễn Bảo, tự Định Phủ, hiệu Tĩnh Sơn, khi làm án sát Hải Dương có sửa chữa lại và làm sách Phượng sơn từ chí lược. Sách này làm xong năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), khắc in xong năm 1904 do Nguyễn Lợi Cấp trông coi, gồm có 51 tờ, có ba phần chính:

1. Tiên sinh hành trạng (q. 1, tờ 1-9);

2. Tiên sinh thi tập (q. 1, tờ 10-15);

3. Chu gia thi văn (q. 2, từ 1-15) có các phần hụ nói về việc dựng đền, có câu đối trong đền, việc thờ cúng, v.v… Ngoài ra còn có nhiều bài tựa của: 1. Nguyễn Văn Lý, viết năm 1842; 2. Nguyễn Bảo, viết năm 1841; một số bài bạt của Phan Huy Vịnh, viết năm 1843, Nguyễn Thượng Hiền, viết năm 1904, v.v…

Tác phẩm của ông có:

- Thất trảm sớ (văn) (đã mất);

- Tiều-ẩn thi tập (văn);

- Tiều-ẩn quốc ngữ thi tập (văn);

- Tứ thư thuyết ước (?) (triết).

- Chu Văn-trinh công thi tập (văn), 11 bài trong Toàn Việt thi lục (q. 3), 7 bài trong Hoàng Việt thi tuyển (q. 2, tờ 11-13) và một số trong Phượng Sơn từ chí lược.

56. PHẠM SƯ MẠNH 范師孟(thế kỷ XIV)

Phạm Sư Mạnh, tên tự là Nghĩa-phu, hiệu là Úy-trai, biệt hiệu là Hiệp Thạch, người làng Hiệp Thạch, huyện Hiệp Sơn (nay là phủ Kim Môn, tỉnh Hải Dương; chữ Hiệp có người đọc là Giáp). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông là học trò của Chu Văn An, cùng Lê Quát nổi tiếng về văn học và đạo đức cuối đời Trần. Ông đậu thái học sinh đời Trần Minh-tông (1314 – 1329), năm Đại Khánh thứ 10 (1323), được bổ làm quan trong triều. Đời Trần Dụ-tông năm 1345, niên hiệu Thiệu-phong thứ 5, sứ nhà Nguyên sang hội về việc đồng trụ, ông được cử đi giao thiệp và khuất phục được sứ thần nhà Nguyên. Ông làm quan đến chức nhập nội hành khiển, tri khu mật viện sự.

Tác phẩm của ông có:

- Hiệp Thạch tập (văn);

- 14 bài thơ (văn) chép trong Toàn Việt thi lục (q. 3) và 12 bài trong Hoàng Việt thi tuyển (q. 2, tờ 13 – 16);

- Vân-lỗi sơn Sùng-khánh tự đại bi nham ký, viết năm Thiệu Khánh tứ 3 (1372) đời Trần Nghệ-tông;

- Thạch Sơn môn cổ thể thi (Thạch Sơn môn ở động Dương Nham, phủ Kim Môn, tỉnh Hải Dương).

Hiện còn bài thơ chữ ông viết khắc vào vách đá Thạch Sơn môn, ở Kinh Môn, Hải Dương, có đề chữ Dương Nham, bài thơ ấy nói về việc duyệt binh ngũ lộ. (Thư viện Khoa học trung ương còn giữ được thác bản bài văn bia ấy).

57. LÊ BÁ QUÁT 黎伯括(thế kỷy XIV)

Lê Bá Quát có khi viết là Lê Quát, tên tự là Bá-đạt, tên hiệu là Mai Phong, người làng Nam Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông là học trò Chu Văn An, thi đỗ thái học sinh, làm quan đến chức bộc xạ (thượng thư) đời Minh-tông. Đời Dụ-tông (1341-1369), năm 1366 (niên hiệu Đại-trị thứ 9), ông đi xét trường tịch ở Thanh Hoá và được thăng chức thượng thư hữu bộc, nhập nội hành khiển. Lê Quát là người nổi tiếng về văn chương, ngang với Phạm Sư Mạnh. Ông bài xích dị đoan và thường thích đi du lịch ở khắp nơi trong nước.

Tác phẩm của ông cố:

- Tống Phạm Sư Mạnh Bắc sứ (văn);

- Thư hoài, Nhạn túc đăng và một số thơ chép trong Toàn Việt thi lục (văn).

58. TRẦN NGUYÊN ĐÁN 陳元旦(1320 – 1390)

Trần Nguyên Đán, tên hiệu là Băng Hồ, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, sinh năm 1320 và mất năm 1390. Ông là cháu tằng tôn Trần Quang Khải và là ngoại tổ Nguyễn Trãi.

Đời Nghệ-tông (1370 – 1372) ông có công trong việc dẹp Dương Nhật Lễ và được thăng chức tư đồ phụ chinh.

Đời Phế-đế (1377-1388), Hồ Qúy Ly lộng quyền ở triều đình, ông xin về hưu, ẩn ở núi Côn Sơn (Hải Dương).

Tác phẩm của ông có:

- Bách thể thông ksr thư (toán, sử);

- Băng-hồ Ngọc hác tập (văn);

- 49 bài thơ chép ở Toàn Việt thi lục.

59. TRẦN ĐÌNH THÁM 陳廷探(thế kỷ XIV)

Trần Đình Thám tên hiệu là Hu-phố, người làng Phúc Đa, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương; không rõ sinh và mất năm nào.

Năm 1374 (niên hiệu Long Khánh thứ 2), ông đậu thám hoa khoa giáp dần, làm quan đến chức ngự sử trung tán, giám tu quốc sử. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông giả điếc không ra làm quan.

Tác phẩm của ông có: Thu giang tống biệt đề (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

60. TRẦN CÔNG CẬN 陳公僅(thế kỷ XIV)

Trần Công Cận người làng Phúc Đa, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, không rõ sinh và mất năm nào. Ông là em Trần Đình Thám, đậu tiến sĩ, làm quan đến chức hàn lâm học sĩ.

Tác phẩm của ông có: Xuân nhật du sơn tự (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

61. HỒ TÔNG THỐC 胡宗簇(thế kỷ XIV)

Hồ Tông Thốc là người làng Thổ Thành, phủ Diễn Châu (nay là Dương – khê-thượng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), ngụ ở xã Võ Ngại, huyện Đường Hào (nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông thi đậu trạng nguyên đời Trần Nghệ-tông (1320-1373), làm quan hàn lâm học sĩ, kiêm trung thư lệnh đông các đại học sĩ, Đường quận công, đã có lần sang sứ nhà Nguyên. Khi Hồ Qúy Ly tiếm vị, ông đã 80 tuổi, xin về hưu. Hai con trai của ông là Hồ Tông Lại và Hồ Tông Thành đều thi đỗ trạng nguyên cả.

Tác phẩm của ông có:

- Việt sử cương mục (sử);

- Phú học chỉ nam (văn) (?);

- Thảo nhàn hiệu tần tập (văn), 1 quyển;

- Việt Nam thế chí (sử);

- Du Đông-đình hoạ Nhị-khê vận chép trong Toàn Việt thi lục;

- An-đăng hương Báo-ân viện bi minh (bài minh khắc trên bia viện (chùa) Báo Ân làng An Đăng, viết năm 1383 niên hiệu Xương Phù thứ 7, đời Trần Đế-hiện).

62. TRẦN QUANG TRIỀU 陳光朝 (thế kỷ XIV)

Trần Quang Triều, tên hiệu là Võ Sơn ông và Cúc Đường, người làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, là cháu Trần Quốc Tuấn, không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông làm tư đồ phụ chính đời Trần Minh-tông (1314-1329) và theo Trần Nghệ-tông (1370-1372), cử binh đánh Dương Nhật Lễ, lấy lại ngôi vua cho nhà Trần. Ông được phong tước Văn-huệ vương.

Tác phẩm có:

- Cúc Đường thi tập (văn);

- 11 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.

63. PHẠM TÔNG MẠI 范宗邁(thế kỷ XIV)

Phạm Tông Mại, tên hiệu là Kính-khê, người làng Kính Chủ, huyện Hiệp Sơn (sau là Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Ông nguyên trước họ Chúc, vua Trần Nhân-tông cho đổi ra họ Phạm. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Trần Minh-tông (1314 – 1329), ông sang sứ nhà Nguyên, khi về làm chức ngự sử trung tán. Tính ông ngay thẳng, làm quan thường bị giáng chức luôn.

Tác phẩm của ông có:

- Đề ẩn giả sở cư hoạ vận (văn);

- Phỏng tăng (văn);

- Bắc sứ ngẫu thành (văn);

- Đề thuỷ mạc chướng tử tiểu cảnh (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

64. PHẠM TÔNG NGỘ 范宗遇(thế kỷ XIV)

Phạm Tông Ngộ, tên hiệu là Liêu-khê, là em Phạm Tông Mại. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Trần Minh-tông, ông làm tri thẩm hình viện sự , cùng với Nguyễn Trung Ngạn sang sứ nhà Minh. Đi sứ về, ông làm thượng thư tả tư lang trung. Ông tính tình ngay thẳng, làm quan rất thanh liêm.

Tác phẩm gồm có những bài thơ: Du Phù-thạch nham, Chu dạ tức sự, Yết Vạn-tải từ đường, Giang trung dạ cảnh, Đại-than dạ tiệc, đều chép ở Toàn Việt thi lục.

65. LÝ TẾ XUYÊN李濟川 (thế kỷ XIV)

Lý Tế Xuyên, không rõ ông quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Đời Trần Hiến-tông (1329-1341), năm 1329 (niên hiệu Khai-hựu thứ nhất), ông làm chức thủ đại tạng thw chính, chưởng trung phẩm, phụng ngự An-tiêm lộ chuyển vận sứ).

Tác phẩm của ông có: Việt điện u linh tập (văn, sử).

66. NGUYỄN SƯỞNG (thế kỷ XIV)

Nguyễn Sưởng, không rõ quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Ông không làm quan, thường ở Bích Động am cùng với Trần Quang Triều ngâm vịnh.

Tác phẩm của ông còn lại 4 bài thơ: Giang hành, Tống Đỗ Ẩn-kỳ tử quá Chí Linh, Du-tiên sơn Vạn-phúc tự, Chu trung tức sự, đều chép ở Hoàng Việt thi tuyển và một số bài trong Toàn Việt thi lục.

67. TRẦN HIỆU KHẢ 陳傚可(thế kỷ XIV)

Trần Hiệu Khả. Không rõ ông quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Đời Trần Minh-tông (1314 – 1329), ông là cận thần của vua Minh-tông.

Tác phẩm có: Bài thơ Tức sự (văn), chép ở Toàn Việt thi lục.

68. TRẦN TOẠI 陳遂(thế kỷ XIV)

Trần Toại còn có tên là Trần Quốc. Toại, là tôn thất nhà Trần, được phong tước Úy-văn vương; không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Sầm-lâu tập (văn).

69. NGUYỄN CỐ PHU  (thế kỷ XIV)

Nguyễn Cố Phu, không rỗ ông quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Ông làm quan tới chức thiên chương các học sĩ.

Tác phẩm có:

- Bắc sử ứng sảnh đường mệnh, tịch thượng phú thi (văn).

- Đề quần ngư triều lý đồ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

70. CHU ĐƯỜNG ANH  周堂瑛(thế kỷ XIV)

Chu Đường Anh, tên hiệu là Liêu-thuỷ (sách Việt âm thi tập Toàn Việt thi lục ghi là Thủy-liêu). Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Ông làm tới chức chuyển vận sứ.

Tác phẩm có: Minh hoàng dục mã đồ và 1 bài thơ khác chép trong Toàn Việt thi lục Hoàng Việt thi tuyển.

71. LÊ TRẮC黎崱 1263 - 1342

(còn gọi sai là LÊ TẮC) (thế kỷ XIV)

Lê Trắc, tên tự là Cảnh Caô, người Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, không rõ sinh và mất năm nào. Lê Trắc là môn khách của Trần Kiện, tôn thất nhà Trần, trấn thủ tỉnh Nghệ An. Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta, Kiện ra hàng Toa Đô, cả hai thầy trò được quân Nguyên cho đưa về Trung Quốc. Dọc đường, bị quân ta phục kích, ở địa phận Lạng Sơn, Kiên bị bắt chết, Lê Trắc cướp được thây chú, chạy thoát, đưa đến gò Ôn Khâu chôn, rồi trốn sang Trung Quốc; được vua Nguyên cho làm chức phụng nghị đại phu ở đất Hán Dương.

Về già, Lê Trắc soạn một cuốn sách, nhan đề An Nam chí lược nói về lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, văn học, phong tục Việt Nam và chép về cuộc bang giao Trần – Nguyên.

Tác phẩm có:

- An Nam chí lược (sử, địa, văn). A. 16;

- Một số bài thơ chép trong Việt âm thi tậpKiến văn tiểu lục.

72. ĐÀO SƯ TÍCH 陶師錫 (thế kỷ XIV)

Đào Sư Tích, người làng Cổ Lễ huyện Nam Chân (nay là Nam Trực), tỉnh Nam Định cũ, di cư sang xã Lý Hải, huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phúc. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Trần Duệ Tông (1374 – 1377), năm 1374 (niên hiệu Thiệu Khánh thứ 2), khoa giáp dần, ông đậu trạng nguyên, tam nguyên (đỗ đầu từ thi hương đến thi hội và thi đình), làm quan nhập nội hành khiển. Vì không hợp với Hồ Quý Ly, nên ông bị giáng xuống chức trung thư thị lang, tri thẩm hình viện sự. Khi ông mất, được làng Cổ Lễ thờ làm thành hoàng.

Tác phẩm gồm có: Mộng ký (văn triết), chép ở Công dư tiệp ký.

73. TUỆ TĨNH THIỀN SƯ 慧靜禪師(thế kỷ XIV)

Tuệ Tĩnh thiền sư, tên họ thực là Nguyễn Bá Tỉnh, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh thiền sư, người làng Nghĩa Phúu, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Trần Dụ-tông (1341 – 1379) ông thi đậu thái học sinh, không ra làm quan, không lấy vợ, theo đạo Phật và nghiên cứu thuốc Nam. Ông tu tại chùa Hộ Xá, Nam Định và thường đi chu du khắp nơi, tìm cây cỏ làm thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Năm nhâm thìn (?) vua cho ông sang Trung Quốc, chữa bệnh cho hoàng hậu nhà Minh. Ông chữa khỏi và nhà Minh phong ông chức đại y thiền sư, rồi lưu ông ở lại Trung Quốc và mất ở bên đó.

Tác phẩm có:

- Thập tam phương gia giảm (y);

- Nhân thân phú (văn, y);

- Thương hàn thập thất chủng (y);

- Nam dược thần hiệu (y).

74. TRẦN CHẤN KHANH (thế kỷ XIV)

Trần Chấn Khanh, không rõ quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Ông làm quan tới chức ngự sử trung tán.

Tác phẩm có: Đông Ngạc phường Diên Khánh Báo-ân tự chung minh (sử, văn), viết năm Khai Hựu thứ 4 (1332), đời Trần Hiển-tông.

75. ĐỖ NGUYÊN CHƯƠNG  (thế kỷ XIV)

Đỗ Nguyên Chương, không rõ sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Ông làm đến quyền học sĩ viện hàn lâm.

Tác phẩm có: Mạn-để hương Phúc-minh tự bi minh (bài minh khắc trên bia chùa Phúc Minh làng Mạn Để), viết năm 1375 (niên hiệu Long Khánh thứ 3) đời Trần Duệ Tông.

76. TRẦN THẾ PHÁP  (thế kỷ XIV)

Trần Thế Pháp, tên tự là Thức-chi, người huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Lĩnh Nam chích quái (sử), A. 749 (xem thêm Vũ Quỳnh  Kiều Phú).

77. TRẦN THÍCH  (thế kỷ XIV)

Trần Thích là con trưởng vua Trần Nghệ-tông (1370 – 1372), được phong làm thái uý Trang-định đại vương. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông bị Hồ Quý Ly dèm pha và bị sát hại.

Tác phẩm của ông có: Tặng tư đồ Trần Nguyên Đán (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

78. TRẦN THIÊN TRẠCH   (thế kỷ XIV)

Trần Thiên Trạch là con Trần Minh-tông (1314 – 1329), làm tới chức hữu tướng quốc, được phong tước Cung-tin vương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Đề Phạm Ngũ Lão điện suý gia trang (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

 



[1] Sách Trần triều thế phả hành trạng (trang 22) nói ông sinh năm Nguyên Phong Nhâm tí (1252) là sai. Đây theo Toàn thư.

[2] Xin xem thêm Việt Kiệu thư đã phân tích ở trên, phần tài liệu cơ sở số 5

[3] Đây là theo bản truyện Pháp Loa do thị giả của ông là Trung Minh tập, Huyền Quang khảo đính và khắc trên tấm bia mà Lê Quý Đôn đã được trông thấy ở chùa Hương Hải, tại làng cũ của ông là làng Phụ Vệ, sau là các thôn: Tiền Trung, Ninh Quan và Đồng Tháp, tổng An Điền, phủ Nam Sách. Bia ấy cũng là bia khắc lại ngày 10 tháng 2 năm Chính Hòa thứ 5 (14-1-1685) và dựng lại ngày 15-7 năm Tự Đức thứ 9 (15-8-1856)

[4] Sách Tam tổ thực lục chép Lý Đạo Tái sinh khoảng đời Trần Thánh Tông (1258-1274) và mất năm Giáp tuất (Khai hựu thứ 6, đời Trần Hiến Tông) ngày 23 tháng giêng (27-2-1334). Sách Đăng Khoa lục (quyển thủ, tờ 10) theo tục truyền chép, ông đậu Tiến sĩ thứ nhất (Trạng nguyên) năm Bảo phù thứ 2 (1274) năm 21 tuổi. Vậy ông sinh năm 1254 và mất năm 1334.

[5] Về việc Huyền Quang đi thi, Lê Quý Đôn trong Kiến Văn tiểu lục, 9, dựa vào lời chua trong Trích Diễm thi tập của Hoàng Đức Lương, nói rõ, tục truyền Huyền Quang đậu trạng nguyên là sai: “Tục truyền trúng Trạng nguyên, từ quan vi tăng giả vọng hĩ. Trích Diễm tập nãi Hoàng Đức Lương toản ư Hồng Đức trung, kỳ thế khứ Trần hiệu cận, thuyết đương bất mậu(tục truyền Huyền Quang đậu Trạng nguyên, từ quan đi làm sư là câu nói nhảm. Sách Trích Diễm là sách của Hoàng Đức Lương làm vào khoảng thời Hồng Đức, thời gian cách đời Trần còn gần, lời nói có thể không sai)”. Trong Toàn Việt thi lục, Lê Quý Đôn lại nói rõ hơn: “Tục truyền sư ứng cử trúng trạng nguyên bất thụ quan, khất hồi thủ tu đức, kim vô ký khả khảo(tục truyền nhà sư Huyền Quang đi thi đậu Trạng nguyên, không làm quan xin về đi tu, nay không thể khảo vào đâu được)” Vì vậy, nay chỉ ghi theo Tục truyền, ông đã đậu khoa Tam giáo đời Trần

[6] Trong Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, quyển thứ 2, tờ 7 có ghi 1 người tên là Trần Cố, đậu trạng Nguyên, khoa Thái học sinh năm ThieeujLong thứ 9, đời Trần Thánh Tông (Bính dần 1266). Trần Cố người làng Phạm Chiền (nay là thôn Phạm Lý), huyện Thanh Miện, Hải Dương; trú quán là làng Phù Chẩn, huyện ĐÔng Ngàn (Từ Sơn, Bắc Ninh cũ), làm quan đến Thiên Chương Các đại học sĩ. Không rõ Trần Cố có phải Nguyễn Sĩ Cố không?

[7] Theo bản Văn tịch chí của Phan Huy Chú dẫn trong Việt sử thông giám cương mục (q13, t4), thì sách Trần Triều đại điển là của Trần Minh Tông, nhưng chính trong các thiên Văn nghệ chí của Lê Quý Đôn (Chap.bibliog, tr44,s8) và Văn Tịch chí của Phan Huy Chú (q42, t77) thì chua rõ Hoàng Triều đại điển là của Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn soạn theo chiếu chỉ của Trần Minh Tông.

(1) Về việc dâng só này, Lê Trừng, trong sách Nam-ông mông lục, cũng để riêng một mục ghi rõ chuyện ấy: Mục 7, Văn-trình ngạch trực (Chuyện Chu Văn An tính thẳng), tờ 6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét