Trần Văn Giáp- Lược truyện các tác gia Việt
Nam- T1.(Thời Hậu Trần – Hồ)
THẾ KỶ XV (Thời HẬU TRẦN- HỒ)
Từ số 79 – 102 (23 người)
79. BÙI TÔNG HOAN (thế kỷ XV)
Bùi Tông Hoan, tên hiệu là Tiểu-hiên. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.
Tác phẩm của ông còn những bài thơ sau: Giang thôn thu vọng, Đinh mùi cửu nguyệt đại thủy đê khuyết, Văn thượng tướng quốc công Trần Hưng-đạo đại vương, Vũ hậu tân cư tức sự (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
80. LÊ CẢNH TUÂN (thế kỷ XV)
Lê Cảnh Tuân, tên tự là Tử-mưu, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (huyện Bình Giang) tỉnh Hải Dương, nguyên trước quán ở làng Lão Lạt, tỉnh Thanh Hoá. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Ông đỗ thái học sinh đời Hồ Quý Ly (1400-1407). Nhà Hồ mất, ông có làm Vạn ngôn thư khuyên Bùi Bá Kỳ (lúc ấy ra làm quan với nhà Minh) xin với nhà Minh, lập con cháu nhà Trần. Quân Minh biết việc này, bắt ông đưa về Yên Kinh. Vua Minh hỏi: “Người khuyên Bá Kỳ âm mưu làm trái phép?” Ông nói: “Người nước Nam, chỉ ở nước Nam, chớ không bao giờ cắn chủ, còn hỏi làm gì?” Vua Minh tức giận, sai giam ông vào ngục sáu năm. Ông bị bệnh và chết trong ngục.
Tác phẩm còn:
- Vạn ngôn thư (sử, văn (không còn));
- 2 bài thơ làm khi bị giam ở Yên Kinh;
- 13 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.
81. ĐẶNG DUNG (thế kỷ XV)
Đặng Dung là người làng Tả Thiên Lộc, huyện Can Lộc,
tỉnh Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Ông là côn Đặng Tất. Giận vì cha bị Trần Giản Định
giết oan, Đặng Dung đem quân về Thanh Hoá, tôn Trần Quý Khoáng (1409 – 1413)
lên làm vua. Ông được Quý Khoáng phong chức đồng binh chương sự. Ông chống với
quân Minh nhiều trận. Có lần đánh úp ở Hàm Tử Quan, một đêm lọt vào dinh tướng
Minh là Trương Phu, ông nhảy lên thuyền định bắt sống tên này, nhưng vì không
biết mặt, Phu trốn thoát. Sau đó, ông bị Phu bắt được, đưa về Yên Kinh, đi đến
nửa đường ông nhảy xuống sông mà chết.
Tác phẩm còn: Thơ Thuật hoài (văn, sử), chép trong Toàn Việt thi lục.
82. NGUYỄN QUÝ ƯNG (thế kỷ XV)
Nguyễn Qúy Ưng, tên hiệu là Trúc Phong. Không rõ
ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.
Tác phẩm còn 2 bài thơ: Bắc sứ quá Hoành Châu, Độ Ngô Khê (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
83. ĐẶNG LÂN CHỦNG (thế kỷ XV)
Đặng Lân Chủng, không rõ ông sinh và mất năm nào,
quê quán ở đâu. Ông làm quan tới chức hàn lâm thị giảng.
Tác phẩm còn: Ma
Lăng kiều (?), Ỷ-lan xã, Sùng-quang tự chung minh (bài văn bia ở cầu
Ma-lăng và bài minh chuông chùa Sùng Quang tại xã Ỷ Lan) (sử, văn), viết năm
1432 (?) (niên hiệu Thiên khánh thứ 7). (Thiên-khánh là niên hiệu Trần Cảo,
theo sử Cương mục cũng như các sử
khác, Trần Cảo chỉ được gọi là vua có 2 năm, niên hiệu Thiên-khánh chỉ có từ
1426 – 1427).
84. VŨ THẾ CHUNG (thế kỷ XV)
Vũ Thế Chung, không rõ ông sinh và mất năm nào,
quê quán ở đâu.
Tác phẩm còn 4 bài thơ Lan cốc (văn), chép trong Toàn
Việt thi lục.
85. TRẦN QUAN (thế kỷ XV)
Trần Quan, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Ông làm tới chức An phủ sứ.
Tác phẩm còn: Bài thơ Quan xá (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
86. PHẠM NHÂN KHANH (thế kỷ XV)
Phạm Nhân Khanh, tên hiệu là Cổ-sơn. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Ông làm quan tới chức Giám tu Quốc sử.
Tác phẩm còn: 13 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
87. ĐỖ TỬ VI (thế kỷ XV)
Đỗ Tử Vi, tên hiệu là Tôn-trai. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Ông làm quan tới chức thủ trung thư lệnh.
Tác phẩm còn: Bài Quá Việt tỉnh đô (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
88. CHU KHẮC NHƯỢNG (thế kỷ XV)
Chu Khắc Nhượng, tên hiệu là Văn-trai, người làng Sài Trang, phủ Thượng Hồng (sau là huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông đậu tiến sĩ, làm quan tới chức Hộ bộ tả thị lang.
Tác phẩm còn: Bài thơ Đề Sài-trang Vĩnh Hưng tự (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
89. NGUYỄN TỬ THÀNH (thế kỷ XV)
Nguyễn Tử Thành tên hiệu là Tùng-hiên. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.
Tác phẩm còn: 10 bài thơ (văn) chép trong Toàn Việt thi lục.
90. DOÃN ÂN PHỦ (thế kỷ XV)
Doãn Ân Phủ, người Hồng Châu, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Tác phẩm còn: Bài thơ Phụng sứ lưu biệt thân đệ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
91. NGUYỄN ỨC (thế kỷ XV)
Nguyễn Ức, tên hiệu là Lan Trai. Không rõ quê quán ông ở đâu, sinh và mất năm nào. Ông làm quan hàn lâm học sĩ.
Tác phẩm còn: 20 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
92. LÊ LIÊM (thế kỷ XV)
Lê Liêm, tên hiệu là Mai Hiên. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.
Tác phẩm còn: Bài thơ Vũ-lâm động (văn), chép trong Hoàng Việt thi tuyển.
93. TRẦN QUÝ KHOÁNG (? – 1414)
Trần Quý Khoáng, có người gọi ông là Trần Quý Khách. Ông là cháu vua Trần Nghệ-tông (1370 – 1372), không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1414.
Vào khoảng năm 1410, ông được Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đón vào Nghệ An, tôn lên làm vua, lấy hiệu là Trùng-quang đế, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Minh. Năm 1413, Trương Phu đưa quân đánh Nghệ An, Trần Quý Khoáng sai Nguyễn Biểu đến cầu hoà. Phu giết Nguyễn Biểu, tiến đánh Hoá Châu, rồi vào Thuận Hoá. Dần dần, quân thế nhà Trần yếu và Trần Quý Khoáng cùng với tướng là Đặng Dung bị Phu bắt, giải về Yên Kinh. Dọc đường, ông nhảy xuống sông tự tử.
Tác phẩm còn: Thơ tiễn Nguyễn Biểu đi sứ (Nôm) (văn, sử); Văn tế Nguyễn Biểu (văn, sử), chép trong Nghĩa sĩ truyện.
94. NGUYỄN BIỂU (? – 1413)
Nguyễn Biểu, người làng Bình Hồ, huyện Chi La, tỉnh Nghệ An (nay là xã Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1413.
Ông đỗ thái học sinh cuối đời Trần và làm điện tiền thị ngự sử. Năm 1413 (niên hiệu Trung Quang thứ 5), tướng nhà Minh là Trương Phu đánh Nghệ An, vua Trần Quý Khoáng chạy vào Hoá Châu, sai ông đến trại của Phu để cầu hoà. Để thử tinh thần ông, Phu thết cổ đầu người. Ông khoét ngay hai con mắt, chấm với giấm nuốt và làm bài thơ. Phu giữ ông lại, ông giận mắng rằng: “Trong thì mưu kế đánh lấy nước người, ngoài thì phô trương là quân nhân nghĩa. Trước nói rằng lập con cháu nhà Trần, nay lại chia đất đặt làm quận huyện; không những cướp bóc của cải, lại còn tàn sát nhân dân, thật là đồ ngược tặc!” Phu giận, sai đem trói ông vào chân cột cầu Lam để nước thuỷ triều dâng lên dìm chết. Nhân dân miền Nghệ Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn ông là “Nghĩa vương”.
Tác phẩm còn:
- Bài thơ hoạ thơ của Trần Trùng Quang tiễn ông đi sứ (văn);
- Bài thơ Ăn cỗ đầu người (văn).
Cả hai đều bằng
Nôm, chép trong Nghĩa sĩ truyện của
Hoàng Trừng, lần đầu tiên phiên âm và phổ biến
ra chữ Quốc ngữ năm 1941 (xem Hoàng Trừng).
95. HỒ QUÝ LY (thế kỷ XV)
Hồ Quý Ly, người làng Đại Lai, tỉnh Thanh Hoá, theo họ cha nuôi là tuyên phủ sứ Lê Huấn, nên còn gọi là Lê Quý Ly. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Cô ruột của ông là mẹ Trần Nghệ-tông (1370 – 1372), nên ông được tín nhiệm, chuyên giữ binh quyền, làm đồng binh chương sự, ông cướp ngôi nhà Trần, đổi tên nước là Đại Ngu, lấy họ là họ Hồ, làm vua được 8 năm (1400-1407). Quân nhà Minh sang đánh nước ta, bắt được Hồ Quý Ly và con là Hồ Hán Thương cùng với cả nhà đem về Kim Lăng, hạ ngục. Sau Hồ Quý Ly chết ở Trung Quốc. Hồ Quý Lyy có nhiều cải cách về kinh tế và văn hoá. Ông đã dùng chữ Nôm làm văn thơ và dịch sách.
Tác phẩm của ông còn:
- Dich thiên Vô-dật trong Kinh Thư ra tiếng Việt;
- Minh đạo (triết) (sách dịch, nay không còn);
- 3 bài thơ
(vă): Tứ Thăng-hoa lộ tuyên phủ sứ Nguyễn
Ngạn Quang, Đáp Bắc nhân văn An nam phong tục. Tứ trung uý Đỗ Tử Trừng,
chép trong Toàn Việt thi lục.
96. LÊ TRỪNG (thế kỷ XV)
Lê Trừng, tên họ thực là Hồ Nguyên Trừng, tự là Mạnh Nguyên, biệt hiệu là Nam-ông, người làng Đại Lai, tỉnh Thanh Hoá. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Ông là con trai Hồ Quý Ly, khi hai cha con bị bắt về Kim Lăng, cả nhà đều bị ghép vào tội phản nghich, và bị xử cực hình, duy có Lê Trừng và Nhuế vì có tài nên được ân xá. Lê Trừng chế được súng thần công, làm quan ở Trung Quốc, đến chức Công bộ thượng thư. Mặc dầu thoát chết lại được làm quan tô, nhưng ông vẫn không quên Tổ quốc. Trong sách Nam Ông mộng lục, ông đã tỏ rõ lòng yêu nước và nhớ thương quê hương tha thiết.
Tác phẩm còn: Nam Ông mộng lục (sử, văn), .521.
97. NGUYỄN ỨNG LONG (thế kỷ XV)
Nguyễn Ứng Long, tự Phi-khanh, hiệu Nhị Khê, nguyên người làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (nay là Chí Linh, Hải Dương), nhân dạy học thiên cư về làng Ngọc Ối. Sau làng này nhớ ơn ông dạy học, lấy hiệu ông đổi tên làng cũ làm Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Sơn Nam Thượng (nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Ông thân sinh ra là Nguyễn Trãi. Thuở bé, rất thông minh, chăm học, lớn lên thi đậu bảng nhỡn khoa giáp dần năm 1374 (niên hiệu Long Khánh thứ 2). Vì ông lấy con gái Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần, nên không được làm quan. Đời Hồ (1400-1407), ông làm đại lý thiếu khanh và trung thư thị lang Quốc tử giám tư nghiệp. Cuối đời Hồ, ông bị quân Minh bắt đem về Kim Lăng, rồi chết ở bên đó. Thi hài của ông sau được con là Phi Hùng đem về mai táng tại gò Bái Vọng ở làng Nhị Khê. (Xem: Nhị-khê Nguyễn thị gia phả Ức-trai sư trạng khảo trong Ức-trai di tập và các sách khác).
Tác phẩm của ông có:
- Nhị-khê thi văn tập (văn);
- Nguyễn Phi Khanh thi tập (văn);
- Thanh-hư động ký (văn, triết);
- Diệp mã nhi phú; và một số thơ phú trong các sách đã nói trên.
98. TRẦN LÂU (thế kỷ XV)
Trần Lâu là người huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh; không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông làm quan chức hạ trai học sĩ và làm huấn đạo dưới thời Minh xâm chiếm nước ta (1414 – 1427).
Tác phẩm còn: Một
bài thơ Quá Hàm Tử Quan (văn), chép
trong Toàn Việt thi lục.
99. PHẠM NHỮ DỰC (thế kỷ XV)
Phạm Nhữ Dục, tự Mạnh Thần, hiệu là Bảo Khê. Ông người làng Đa Dực (?). Đời Hồ Quý Ly, ông làm giao thụ huyện Tần Sơn (?) và làm huấn đạo đời Minh thuộc (1414 – 1427).
Tác phẩm còn: 54 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
100. NGUYỄN MỘNG TRANG (thế kỷ XV)
Nguyễn Mộng Trang, người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Đời Trần Giản-định đế (1407 – 1409), ông làm nội mật viện sứ, dèm pha giết công thần là Đặng Tất, nên không được coi là lương sĩ.
Tác phẩm còn: Một bài thơ Đề Tây Đô thành (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
101. TẠ THIÊN HUÂN (thế kỷ XV)
Tạ Thiên Huân, hiệu Thoái Hiên. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Ông làm quan đến chức tả tham tri chính sự.
Tác phẩm còn: 14 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.
102. ĐOÀN THUẤN DU (thế kỷ XV)
Đoàn Thuấn Du, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Ông làm thông phán châu Vũ Ninh (huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh) đời Hồ (1400 – 1407).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét