THẾ KỶ XVII (LÊ – TRỊNH)
251. PHÙNG KHẮC KHOAN (1528 – 1613)
Phùng Khắc Khoan, tự Hoằng-phu, hiệu Nghị-trai, tụuc gọi là cụ Trạng Bùng, người làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nay thuộc tỉnh Hà Tây; sinh năm 1528, mất năm 1613, thọ 86 tuổi.
Ông là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm, không chịu ra thi với nhà Mạc, vào Thanh Hoá theo nhà Lê, đậu giải nguyên thi hương dưới triều Lê Trung-tông (1548 – 1557). Ông có học thức mưu lược, nên được Trịnh Kiểm tri ngộ và coi trọng, cử làm Lễ khoa cấp sự trung. Năm 1580 (niên hiệu Quang Hưng thứ 3), vua Lê lại bắt đầu mở khoa thi, ông thi đậu hoàng giáp, năm ấy 53 tuổi. Năm 1585, ông làm hồng lô tự khanh. Hai năm sau sang sứ nhà Minh, gặp tiết vạn thọ vua Minh Thần-tông, niên hiệu Vạn-lịch; ông làm 30 bài thơ hạ thọ. Tập thơ ấy nhan đề An Nam sứ thần vạn thọ thánh tiết khánh hạ thi tập. Đặc điểm của tập thơ này là 300 bài, mỗi bài một vần theo thứ tự từ vần nhất đông đến vần thập ngũ hàm, vua Minh hết sức tán thưởng và kính trọng, không gọi tên mà gọi là Phùng Kỳ lão (xem Phan Huy Chú và Đăng khoa bị khảo). Sứ thần Triều-tiên là Lý Chi Phong tiên sinh có đề tựa tập thơ ấy. Sau đó, ông tiếp tục liên lạc và xướng hoạ với sứ Triều-tiên. Lúc về, ông được phong thượng thư bộ Hộ kiêm Quốc tử giám tế tửu, tước Mai quận công.
Tác phẩm của ông có:
- Sứ Hoa bút thủ trạch thi (văn);
- Ngôn chí thi;
- Tư thiên gia truyền chú (?) (văn);
- Nghị-trai thi tập (triết);
- Mai-lĩnh sứ Hoa tùng vịnh (văn);
- Phùng Khắc Khoan thi tập (văn);
- Lục nhâm quốc ngữ binh thư yếu lược (?) (binh);
- An Nam sứ thần vạn thọ thánh tiết khánh hạ thi tập (Văn)(1).
252. LƯƠNG HỮU KHÁNH (thế kỷ XVII)
Lương Hữu Khánh, người làng Hội Triều, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá; là con Lương Đắc Bằng. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Ông là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm, rất thông minh, đậu hương tiến (cử nhân) từ năm 12 tuổi, rồi tới kinh sư làm bài Tần quan văn kê phú nổi tiếng. Ông không chịu đi thi với nhà Mạc, ra làm quan với nhà Lê, được thăng đến chức thượng thư, kiêm tổng tài sử quán, tước Đại quận công.
Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ cổ thể và 2 bài thơ cận thể (văn), ché trong Toàn Việt thi lục (q. 200, tờ 46), và bài thơ Nôm Qua đò với nhà sư trên sông Tam Kỳ.
253. NGUYỄN THIẾN (thế kỷ XVII)
Nguyễn Thiến, hiệu Cảo-xuyên, người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Nguyên quán làng Bạo Dương, sau là Tảo Dương cũng ở Thanh Oai, sau thiên cư sang quê ngoại là làng Canh Hoạch.
Năm 1532 (niên hiệu Đại-chính, khoa nhâm thìn), ông đậu trạng nguyên triều Mạc, làm quan đến Lại bộ thượng thư, kiêm đô ngự sử, tước Thư quận công.
Theo sách Nhị-khê Nguyễn thị gia phả, ông là viễn tổ Nguyễn Du, tác giả truyện Kim Vân Kiều.
Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 21, tờ 87).
255. NGUYỄN THỰC (1554 – 1637)
Nguyễn Thực, tự Phác-phủ, người làng Vân Điềm, huyện Đông Ngàn (nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1595 (niên hiệu Quang-hưng, khoa ất mùi), ông đậu tiến sĩ. Năm 1606 (niên hiệu Hoằng-định thứ 7), ông sang sứ Trung Quốc. Khi về, làm tới chức thiếu phó, tước Lan quận công. Các con cháu nhà ông rất nhiều người đậu tiến sĩ và giỏi văn thơ.
Tác phẩm của ông còn lại có: 16 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 22, tờ 89).
256. NGUYỄN DUY THÌ (thế kỷ XVII)
Nguyễn Duy Thì, người làng Yên Lãng, huyện Yên Lang (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1598 (niên hiệu Quang-hưng, năm mậu tuất), ông đậu tiến sĩ. Năm 1607, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông làm quan đến tham tụng Phương-toàn bá, thăng Lại bộ thượng thư, tước Toàn quận công.
Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 22, tờ 94).
257. NGUYỄN ĐĂNG (1576 - ?)
Nguyễn Đăng, người làng Đại Toán, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm 1576, không rõ mất năm nào.
Năm 1602 (niên hiệu Hoằng-định thứ 3), ông đậu hoàng giáp. Từ thi hương đến thi đình, ông đều đỗ đầu, nên gọi là tam nguyên. Ông làm đến Hộ bộ tả thị lang, tước Phúc-nhan hầu. Ông rất giỏi về phú. Khi ông đi sứ sang Trung Quốc, người Trung Quốc rất phục tài ông.
Tác phẩm của ông có: Phi lai tự phú (văn).
258. TRẦN HỮU LỄ (thế kỷ XVII)
Trần Hữu Lễ, người làng Cát Bi, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1619, ông đậu tiến sĩ (niên hiệu Hoằng-định khoa kỷ mùi). Ông được cử đi sứ Trung Quốc, và làm đến Lại bộ tả thị lang, lúc mất được tặng thượng thư, tước quận công.
Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 22, tờ 4).
259. PHẠM PHI KIẾN (thế kỷ XVII)
Phạm Phi Kiến, người làng Dương Liễu, huyện Đan Phượng (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1623, ông đậu tiến sĩ (niên hiệu Vĩnh-tộ thứ 5), năm ấy ông đã 59 tuổi. Ông làm quan đến Hiến sát sư.
Tác phẩm của ông có: Thiên Nam trung, nghĩa thực lục (sử), A. 261.
260. PHẠM CÔNG TRỨ (1599 – 1675)
Phạm Công Trứ, người làng Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Mỹ Hào, thuộc tỉnh Hải Dương), sinh năm 1599 và mất năm 1675.
Năm mậu thìn 1628 (niên hiệu Vĩnh-tộ, ông đậu đồng tiến sĩ, năm ấy ông 29 tuổi, làm quan hàn lâm hiệu thảo. Nhân việc Trịnh Sâm nổi loạn (1645), ông cùng thượng thư Nguyễn Duy Thì đánh tan, được thăng phó đô ngự sử, tước Khánh-yến bá. Sau ông được thăng thượng thư bộ Lại và năm Cảnh-trị thứ 6 (1668) được về trí sĩ, thăng thái bảo quốc lão, tước Yến quận công. Đến sau vua lại mời ra làm tể tướng, coi việc cả Lục bộ. Khi mất, được thăng thái tế, thọ 76 tuổi. Ông là người có tài thao lược, thích làm thơ và nghiên cứu về sử. Năm Cảnh-trị thứ 3, ông được phụ trách toàn tủ sách Đại Việt sử ký toàn thư.
Tác phẩm của ông có:
- Việt sử toàn thư bản kỷ thực lục và Bản kỷ tục biên (sử);
- Bốn mươi bảy mục giáo điều (sử);
-17 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q.23, tờ 1).
261. NGUYỄN MẬU TÀI (1615 – 1688)
Nguyễn Mậu Tài, người làng Kim Sơn, huyện Gia Lâm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), sinh năm 1615, mất năm 1688.
Năm 1646 (niên hiệu Phúc-thái thứ 4), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến tham tụng, thượng thư, tước bá, thọ 73 tuổi.
Tác phẩm của ông có: Kim sơn gia phả (sử), A. 943.
262. PHÁP TÍNH (thế kỷ XVII)
Pháp Tính là một người tu đạo Phật, được thờ ở chùa. Theo văn bia chùa Ninh Phúc, làng Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh, bà là chính cung hoàng hậu vua Lê Thần-tông, tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, biệt hiệu là Chúa bà Kim-cương, đạo hiệu Pháp-tính(1).
Theo sách Trịnh thị gia phả (soó A. 641, tờ 17), thì bà là con gái Trịnh Tráng, tên là quận chúa hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, lấy vua Lê Thần-tông Uyên hoàng đế, sinh ra vua Hy Tông. Nguyên trước quận chúa đã lấy Lê Trụ, tước Bá-cường quận công, là người họ vu Lê, đã có bốn con. Sau Lê Trụ bị tội phải giam, Trịnh Tráng đem quận chúa gả cho vua Lê Thần-tông. Đến năm 1630 (niên hiệu Đức-long thứ 2), bà được lập làm hoàng hậu. Gia phả không nói rõ năm nào quận chúa đi tu.
Bà là một nhà văn học và ngữ ngôn học, nghiên cứu Phật học khá sâu rộng.
Tác phẩm của bà có: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (Nôm, văn vần) (ngữ ngôn học), AB. 372.
262b. HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ (1631 – 1718)
Hương-hải thiền sư, tên chính là gì không rõ, tục gọi là Tổ Cầu, gốc người làng Áng Độ, huyện Chân Phước (sau là Nghi Lộc, Nghệ An), tiên tổ ông là thợ đóng thuyền quan, tổ bốn đời là Trung-lộc hầu, theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam. Thiền sư là người thông minh dĩnh ngộ, năm 18 tuổi đậu hương tiến, được tuyển làm văn chức, sau ra làm tri phủ Thiệu-phong. Năm 25 tuổi, theo học đạo Phật, đến học thày Lộc-hồ Viên-cảnh thiền sư, đặt tên là Huyền-cơ thiện giác, pháp tự Minh-châu Hương-hải thiền sư. Sau lại theo học thày Đại-thâm Viên-giác thiền sư. Làm quan được hơn 3 năm, rồi cáo từ đi tu hẳn.
Sau khi đi tu, thiền sư đi thuyền ra ở ngọn núi Tiêm-bút-la ở giữa Nam-hải, làm ba gian am nhỏ để tu trì Phật pháp. Sau thiên về ở nơi cố hương là nơi ông cha đóng thuyền ở xã Bình An Thượng, thuộc phủ Thăng Hoa, xã Quảng Nam. Lúc đó, quan trấn thủ Quảng Nam, là Thuần quận công có vợ bị đau ốm, lâu ngày không khỏi, mời thiền sư vào cứu chữa khỏi bệnh. Đến năm sau, thiền sư lại cúng Phật chữa bệnh cho Hoa-lễ hầu là trưởng quan tổng thái giám xứ Quảng Nam bị bệnh lâu năm. Khi bệnh khỏi, Hoa-lễ hầu vào chầu Dũng quốc công, tụuc gọi là Chúa Hiền, kể lại chuyện mình được Minh-châu thiền sư cúng chữa cho khỏi bệnh. Hiền vương giáng chỉ mời thiền sư vào triều cúng lễ và quy y cho vợ con chúa và các quan. Trong khi đó, có nội thị giám quan là Gia quận công, người làng Đoan Bái, huyện Gia Định, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (sau là Gia Bình, phủ Thuận Thành, Bắc Ninh cũ), nguyên là tướng nhà Trịnh, đem quân vào đánh Quảng Nam bị bắt làm tù binh, được tha và được dùng cho dạy học ở Thuận-hoá. Gia quận công tuổi già nên giao du với thiền sư để học đạo sinh tử, đi lại rất thân mật. Vì thế, thiền sư bị người ta dèm pha ghét bỏ, tâu lên Chúa Hiền là có ý phản nghich. Chúa Hiền bắt thiền sư tra hỏi rồi cho về ở Quảng Nam cho xa nơi kinh kỳ.
Thiền sư nhớ đến quê hương gốc tích, cùng với đệ tử hơn 50 người, chỉnh bị một cỗ thuyền lớn, vượt biển ra Bắc. Năm đó là năm nhâm tuất (1682). Khi thuyền đến bến, thiền sư vào thăm Yến quận công, được tiếp đãi tử tế. Một tháng sau, được chúa Trịnh Tạc (Hoằng-tổ Dương-vương) cho quân thuyền đốn thiền sư về kinh làm tờ khai báo rõ ràng. Chúa Trịnh giao thiền sư cho hai quan thượng thư trông coi và hỏi han về tình thế chính trị, và điều tra được sự thực ở nguyên quán của thiền sư. Sau đó, chúa Trịnh tin thật và thưởng cho thiền sư rất hậu, thiền sư đưa dâng Bản đồ sơn thủy lộ trình hai xứ Quảng Nam và Thuận-hoá do tay thiền sư vẽ.
Về sau chúa Trịnh cho thiền sư ở chùa Nguyệt Đường, tu trì dạy học, nối phái Trúc Lâm. Năm 88 tuổi (1718), thiền sư tịch ở chùa Nguyệt Đường, học trò người dựng tháp 3 tầng, cao 21 thước để chứa di hài thiền sư.
Hương-hải thiền sư là người học rộng, thơ hay, nghiên cứu sâu về triết lý Phật giáo, muốn đem sở học phổ biến rộng, nên lưu tâm đến Quốc văn, đã chú giải nhiều kinh Phật ra Quốc ngữ phương ngôn.
Tác phẩm có:
- Giải Pháp hoa kinh;
- Giải Kim cương kinh lý nghĩa;
- Giải Sa di giới luật;
- Giải Phật tổ tam kinh, 3 quyển;
- Giải A-di-đà kinh;
- Giải Vô lượng thọ kinh;
- Giải Địa tạng kinh;
- Giải Tâm kinh đại điên;
- Giải Tâm kinh ngũ chi;
- Giải Chân tâm trực thuyết;
- Giải Pháp bảo đàn kinh, 6 quyển;
- Giải Phả khuyết tu hành, 1 quyển;
- Giải Bảng điều nhất thiên;
- Cơ duyên vấn đáp tính giải;
- Lý sự dưng thông;
- Quan vô lượng thọ kinh quốc ngữ;
- Cúng Phật tam khoa (cát, trung, tiểu);
- Cúng Dược sư khoa;
- Cúng Cửu phẩm khoa, và hai tác phẩm sau này quan trọng nhất:
1. Thuận Quảng nhị xứ sơn thủy lộ trình bản đồ;
2. Hương-hải thiền sư ngữ lục.
Tiếc rằng bộ thứ nhất chưa tìm thấy, bộ thứ hai hãy còn nhưng bị tàn khuyết, trong phần còn lại còn có nhiều thơ và kệ về triết lý Phật giáo có nhiều sáng tạo của thiền sư.
263. HỒ SĨ DƯƠNG (1621 – 1681)
Hồ Sĩ Dương, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là con cháu Hồ Tông Thốc, sinh năm 1621 và mất năm 1681.
Năm 1652 (niên hiệu Khánh-đưsc thứ 4), ông đậu tiến sĩ, làm tới Hình bộ thượng thư, tước Duệ quận công.
Tác phẩm của ông có:
- Trùng san Lam Sơn thực lục;
- Trung hưng thực lục (văn, sử);
- Hoan-châu phong thổ ký (văn, địa);
- Hồ thượng thư gia lễ (văn).
264. BÙI XƯƠNG TỰ (1656 – 1728)
Bùi Xương Tự, tự Gia-lạc, hiệu Túc-trai, người làng Định Công, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Theo sách Bùi thị gia phả (A.640), ông sinh năm 1656 (niên hiệu Thịnh-đức thứ 4), mất năm 1728 (niên hiệu Bảo-thái mậu thân). Ông thi đậu năm 1691 (niên hiệu Chính-hoà thứ 12). Ông là một người làm văn thơ nổi tiếng thời đó.
Tác phẩm của ông có:
- Thanh Trì Bùi thị gia phả (sử) A. 6400 (do Bùi Bích đề tựa);
- Một số thơ (văn), chép trong Hoàng Việt thi Tuyển (q. 5, tờ 18).
265. VŨ BẬT HÀI (thế kỷ XVII)
Vũ Bật Hài, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1654 (niên hiệu Vĩnh-tho thứ 2), ông đậu tiến sĩ, được cử đi sứ sang Trung Quốc, làm quan đến Lại bộ tả thị lang, khi trí sĩ được tặng thượng thư, tước bá.
Tác phẩm có: Vũ tộc khoa hoạn phá ký (sử), A. 662.
266. ĐÀO CÔNG CHÍNH (1638 - ?)
Đào Công Chính, người làng Hội Am, huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Vĩnh Bảo, thuộc thành phố Hải Phòng). Ông sinh năm 1638, mất năm nào không rõ.
Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thần đồng, năm 13 tuổi đã đậu hương cống. Năm 1661 (niên hiệu Vĩnh-thọ thứ 4, đời Lê Thần-tông), ông đậu bảng nhãn, được cử làm phó sứ sang Trung Quốc, lúc về làm Lễ bộ hữu thị lang, và dự kinh diên, tước nam.
Tác phẩm của ông có:
- Lam Sơn thực lục (sử);
- Bảo sinh diên thọ (y).
267. ĐẶNG CÔNG CHẤT (1621 – 1683)
Đặng Công Chất, người làng Phù Đổng, huyện Tiên Sơn (nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1621, mất năm 1683.
Năm 1661 (niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4), ông đậu trạng nguyên, năm ấy 40 tuổi, làm đốc trấn Cao-bằng. Sau đó được cử đi sứ sang Trung Quốc, lúc về làm tới Binh bộ thượng thư tham tụng.
Tác phẩm của ông có:
- Trùng san Lam Sơn thực lục (sử) (cùng làm với Hồ Sĩ Dương).
267b. NGUYỄN HỮU DẬT (1604 – 1681)
Nguyễn Hữu Dật, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là thân sinh ra Nguyễn Hữu Hào, tác giả Song tinh bất dạ truyện. Ông sinh năm 1604 và mất năm 1681.
Ông là người minh đạt: có tài văn học, lại có mưu lược. Năm 1619, mới 16 tuổi, đã được bổ làm văn chức trong triều Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, được tham dự các việc cơ yếu, sửa sang chính thể. Năm 1627, trong trận chống lại quân Trịnh, ông được sung chức giám chiến; sau thăng chức đốc chiến, thi thố nhiều kỳ mưu, đánh đuổi được quân địch. Năm mậu tý (1648), nhân việc trá hàng, có người gièm pha, ông bị chúa Nguyễn nghi kỵ, đem hạ ngục. Trong khi đó, ông thuật sách Minh sơ anh liệt chí, làm truyện Hoa Vân Cáo thị để giải tỏ chí hướng của mình. Truyện này kể việc Hoa Vân mắng giặc, bị chúng giết chết; vợ chàng là họ Cáo cũng tuẫn nghĩa. Khi đem chuyện này trình Ngãi vương, lập tức ông được tha ngay. Truyện Hoa Vân sau có đem diễn ra thành vở hát chèo, gọi là tích Huê Vân Hữu Lượng; trước đây được lưu hành phổ biến, nhất là ở nông thôn. Năm 1681, ông bị đau, mất tại Lưu đồn là nơi ông đóng quân, thọ 78 tuổi.
Tác phẩm của ông có:
Hoạ Vân Cáo thị truyện (văn), v.v…
268. LÊ HI (1648 – 1702)
Lê Hi, hiệu Trạm-khê, người xã Thạch Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, sinh năm 1648 và mất năm 1702.
Ông đậu đồng tiến sĩ năm 1667 (niên hiệu Cảnh-trị thứ 5) khoa giáp thìn. Năm ấy ông mới 19 tuổi, triều đình cho là ít tuổi cho ở nhà học thêm. Ông làm nhà trên bờ Hồ Tây chuyên đọc sách, làm thơ, chúa Trịnh nghe thấy ngợi khen; ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, làm tới Binh bộ thượng thư, tước Lai-sơn bá. Khoảng năm Chính-hoà thứ 18 (1679), ông được vua Lê Hy-tông sai toản tu lại Quốc sử và biên soạn sách Bản kỷ tục biên. Ông là một nhà viết sử có danh tiếng; mất năm Chính-hoà nhâm ngọ (1702).
269. NGUYỄN QUỐC TRINH (thế kỷ XVII)
Nguyễn Quốc Trinh, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1659 (niên hiệu Vĩnh-thọ, khoa kỷ hợi) ông đậu trạng nguyên. Năm 1666, ông được cử sang sứ Trung Quốc, lúc về làm tả thị lang, sau bị hại trong cuộc binh biến khoảng năm Đức-nguyên (1674-1675), được tặng tước Tri quận công.
Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 10).
270. NGUYỄN VIẾT THỨ (thế kỷ XVII)
Nguyễn Viết Thứ, người làng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1664 (niên hiệu Cảnh-trị, khoa giáp thìn), ông đậu tiến sĩ. Năm 1676 (niên hiệu Vĩnh-trị thứ 1), ông được làm trong viện hàn lâm. Sau đó, thăng đến Hình bộ thượng thư.
Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 13).
271. ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG (1649 – 1735)
Đặng Đình Tướng, theo sách Đặng gia phả ký tục biên (A.633, tờ 59), nguyên tên là Đặng Thuỵ, tự Đình-tướng, sau lấy tên tự Đình-tướng làm tên, hiệu Trúc-trai, còn gọi là Trúc-ông; người làng Lương Xá, huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Ông sinh năm 1649, niên hiệu Khánh-đức kỷ sửu, đời Lê Thần-tông; mất năm 1735, năm ất mão, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ nhất.
Năm 1670 (niên hiệu Cảnh-trị thứ 8), ông đậu tiến sĩ, được cử đi sứ Trung Quốc đời Lê Hy-tông (1676 – 1705); ông lại thạo về nghề võ, nên Khang vương Trịnh Căn đổi ông làm đô đốc trấn Sơn Nam. Năm 1718, ông được thăng đến thái phó quốc lão, tước Ứng quận công. Ông thọ 87 tuổi.
Tác phẩm của ông có:
- Trúc-ông phụng sứ tập (văn, sử);
- Thuận cổ quy huấn (văn, triết);
- Linh giang dinh vệ lục (sử).
272. THIỀU SĨ LÂM (1641 - ?)
Thiều Sĩ Lâm, người làng Phúc Thọ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ông sinh năm 1641, không rõ mất năm nào.
Năm 1670 (niên hiệu Cảnh-trị thứ 8), ông đậu thám hoa, làm quan đến tham chính.
Tác phẩm có: Lam Sơn thực lục (sử) (cùng làm với Hồ Sĩ Dương), VHV. 1471.
273. TỐNG NHO (thế kỷ XVII)
Tống Nho, hiệu Hàn-hiên, người làng Tiên Mộc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm Cảnh-trị, khoa canh tuất (1670), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến tham chính, rồi bị bãi chức.
Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 28).
274. TRẦN THỌ (thế kỷ XVII)
Trần Thọ, hiệu Nhuận-phủ, người làng Điền Từ (?), huyện Chí Linh, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1670 (niên hiệu Cảnh-trị, khoa canh tuất) ông đậu tiến sĩ. Năm 1691(niên hiệu Chính-hoà, tân mùi) ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông làm quan đến phó đô ngự sử, rồi bị bãi chức.
Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 32).
275. VŨ DUY KHUÔNG (thế kỷ XVII)
Vũ Duy Khuông, hiệu Bạch-am, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Không rõ ộng sinh và mất năm nào.
Năm 1670, ông đậu tiến sĩ, làm quan đến Lễ khoa cấp sự trung.
Tác phẩm của ông còn lại có: 8 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 29).
276. HOÀNG CÔNG CHÍ (thế kỷ XVII)
Hoàng Công Chí, hiệu Xuân-hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi, thuộc tỉnh Hải Hưng). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1670 (niên hiệu Cảnh-trị, khoa canh tuất) ông đậu tiến sĩ. Năm 1684 ông được cử giữ chức chánh sứ sang Trung Quốc, sau thăng tới Công bộ thượng thư, tước Thị-khánh bá.
Tác phẩm của ông còn lại có: 10 bài thơ (văn); chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 14).
277. LÊ HỮU DANH (thế kỷ XVII)
Lê Hữu Danh, hiệu Xuân-am, người làng Liêu Xá, huyện
Đường Hào (nay là huyện Mỹ Hào, thuộc tỉnh Hải Hưng). Không rõ ông sinh và mất
năm nào.
Năm 1670, ông đậu hoàng giáp, làm quan đến chức hiến sát sứ Sơn Tây. Ông là người chân thật, nhân đức, có tài văn chương.
Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 17).
278. NGUYỄN DANH NHO (thế kỷ XVII)
Nguyễn Danh Nho, hiệu Sần-hiên, người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1670, ông đậu tiến sĩ, được cử đi sứ sang Trung Quốc, làm quan đến Hộ bộ hữu thị lang.
Tác phẩm của ông còn lại có: 12 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 25).
279. TRẦN THẾ VINH (thế kỷ XVII)
Trần Thế Vinh, người làng Đào Xuyên, huyện Tiên Phong cũ (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1670, ông đậu tiến sĩ. Năm 1684, ông được cử sang sứ Trung Quốc, làm quan đến chức Công bộ hữu thị lang.
Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q.23, tờ 34).
THẾ KỶ XVIII (LÊ, TRỊNH
– NGUYỄN SƠ)
280. NGUYỄN ĐÌNH NHƯỢNG (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Đình Nhượng, còn có tên là Nguyễn Đình Cổn, hiệu Thân-hiên, người làng Bích Trào, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1676 (niên hiệu Vĩnh-trị, khoa bính thìn), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến thiêm đô ngự sử. Ông được cử đi sứ sang Trung Quốc năm Chính-hoà (1680 – 1704) và mất ở dọc đường.
Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 23, tờ 23).
281. NGUYỄN QUÝ ĐỨC (1646 – 1720)
Nguyễn Quý Đức, hiệu Đường-hiên, người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là làng Đại Mỗ, xã Hữu Hưng, huyện Từ Liêm, thuộc ngoại thành Hà Nội).
Năm 1676 (niên hiệu Vĩnh-trị, khoa bính thìn), ông đậu nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh, tức là thám hoa. Năm 1691, (niên hiệu Chính-hoà thứ 12), ông được cử sang sứ Trung Quốc. Ông làm đến Lại bộ thượng thư kiêm đông các đại học sĩ, tước Liêm quận công. Ông là một người thuần hậu, có tài văn chương, con là Nguyễn Quý Ân, đỗ hoàng giáp, làm Hữu thị giảng, dạy thế tử Trịnh Giang, và thân sinh ra Nguyễn Quý Kính, làm tham tụng Lễ bộ thượng thư trước khi về hưu.
Tác phẩm của ông có:
- Thi châu tập (văn);
- Hoa trình thi tập (văn);
- Đề tựa sách Việt sử thông khảo;
- 72 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 24, tờ 35).
282. NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO (1650 - ?)
Nguyễn Đăng Đạo, người làng Hoài Bão, huyện Tiên Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Sau đổi tên là Liên. Ông sinh năm 1650, mất năm nào không rõ.
Ông là con Nguyễn Đăng Tuân, đậu tiến sĩ và cháu Nguyễn Đăng Cảo, đậu thám hoa đời Lê Hy-tông (1676 – 1705). Năm 1683, (niên hiệu Chính-hoà thứ 4), ông đậu trạng nguyên, làm Lại bộ hữu thị lang, được cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông làm đến chức thượng thư kiêm đông các đại học sĩ, tước bá. Sau khi mất, đượng tặng thượng thư bộ Lại, tước Thọ quận công.
Tác phẩm của ông có: Phụng sứ tập (văn).
283. PHẠM QUANG TRẠCH (1652 - ?)
Phạm Quang Trạch, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1652, mất năm nào không rõ.
Năm 1683, (niên hiệu Chính-hoà thứ 4), ông đậu bảng nhãn, làm tham chính Kinh Bắc, sau làm Lễ bộ thị lang, lúc mất được tặng tước công.
Tác phẩm có: Nam chưởng kỷ lược (sử), A.107, A. 1289 (hai bản này ghi sự việc bang giao giữa ta và Ai-lao).
284. NGUYỄN DANH DỰ (1656 – 1763)
Nguyễn Danh Dự, hiệu Chất-trai, người làng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông sinh năm 1656, mất năm 1763.
Năm 1685 (niên hiệu Chính-hoà thứ 6), ông đậu tiến sĩ. Vào khoảng những năm 1706 – 1719 (niên hiệu Vĩnh-thịnh), ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông làm quan đến Lễ bộ tả thị lang, tước bá.
Tác phẩm của ông có:
- Thi tự thanh ứng tập (văn);
- 9 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 25, tờ 69).
285. NGUYỄN HÀNH ((thế kỷ XVIII)
Nguyễn Hành, là con quan thượng thư Giáp Tuấn, sau đổi theo họ của bố nuôi là họ Nguyễn; người làng Hoa Cầu, huyện Văn Giang (sau này là làng Xuân Cầu, tỉnh Hưng Yên).
Năm 1688, ông đậu tiến sĩ, được cử đi sứ sang Trung Quốc và làm đến chức Lại bộ tả thị lang.
Tác phẩm của ông còn lại có: 10 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 25, tờ 72).
286. NGUYỄN CÔNG ĐỔNG (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Công Đổng, người làng Đồng Khê, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1685 (niên hiệu Chính-hoà thứ 6), ông đậu tiến sĩ. Ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, làm quan đến trung thư giám, tước Hải Khánh tử.
Tác phẩm của ông còn lại có: 7 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 24, tờ 57).
287. NGUYỄN ĐÌNH HOÀN (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Đình Hoàn, người làng Bái Ân (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1688 (niên hiệu Chính-hoà, khoa mậu thìn), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến Binh bộ hữu thị lang, tước Ân-hải hầu.
Tác phẩm của ông còn lại có: 8 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q.26, tờ 79).
288. NGUYỄN MẬU ÁNG (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Mậu Áng, hiệu Di-trai, trước tên là Nguyễn Mậu Thịnh, người làng Kim Sơn, huyện Gia Lâm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).
Năm 1691 (niên hiệu Chính-hoà, tân mùi), ông đậu tiến sĩ. Năm 1715 (niên hiệu Vĩnh-thịnh thứ 11), ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, làm quan đến phó đô ngự sử.
Tác phẩm của ông còn lại có: 51 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q.26, tờ 89).
289. NGUYỄN CÔNG CƠ (1675 – 1733)
Nguyễn Công Cơ, hiệu Nghĩa-trai, người làng Minh Quả, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông cũ (nay là làng Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1675 và mất năm 1733.
Năm 1697 (niên hiệu Chính-hoà, đinh sửu), ông đậu tiến sĩ. Năm 1715 đương làm Hộ bộ hữu thị lang, ông được sung chánh sứ sang Trung Quốc, khi về làm đến Binh bộ thượng thư kiêm tham tụng đông các đại học sĩ, tước Cảo quận công. Năm 1721, ông xin đổi sang hàng võ, làm đến thiếu bảo thì mất. Nguyễn Công Cơ thường được gọi là ông Thượng Cáo, vì Xuân Tảo có tên Nôm là Làng Cáo (không nên lầm với làng Cáo Đỉnh ở gần đó có tên Nôm là làng Giàn) và được gọi là Cảo quận công (theo Từ Liêm đăng khoa lục).
Tác phẩm của ông có:
- Ngự phủ đối liên;
- Vũ học
tùng ký và một số thơ, chép trong
Toàn Việt thi lục (q. 28, tờ 87).
290. NGUYỄN CÔNG HÃNG (1679 – 1732)
Nguyễn Công Hãng, hiệu Tĩnh-trai, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm 1679, mất năm 1732.
Năm 1700 (niên hiệu Chính-hoà thứ 21), đậu đồng tiến sĩ. Ông làm quan đến Binh bộ hữu thị lang; được cử đi sứ sang Trung Quốc năm 1718. Sau ông bị Thuận vương Trịnh Giang nghe lời gièm pha, giáng ông làm thừa chính sứ Tuyên Quang, rồi buộc ông phải tự tử.
Tác phẩm của ông có: Tinh sà thi tập (văn).
291. ĐINH NHO HOÀN (thế kỷ XVIII)
Đinh Nho Hoàn, hiệu Mặc-trai, người làng An Ấp, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Ông là con Đinh Nho Công, tiến sĩ triều Lê. Năm 1700 (niên hiệu Chính-hoà thứ 22), ông đậu hoàng giáp, làm quan đến Lại bộ hữu thị lang. Vào khoảng năm 1706 – 1719 (niên hiệu Vĩnh-thịnh), ông được cử giữ chức phó sứ sang Trung Quốc và chết ở dọc đường.
Tác phẩm của ông có: Mặc-ông sứ tập (văn).
292. LÊ ANH TUẤN (thế kỷ XVIII)
Lê Anh Tuấn, hiệu Địch-hiên, người làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong (?) Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1704, ông đậu tiến sĩ, sau được sang sứ Trung Quốc, làm quan đến Hộ bộ thượng thư, tước Điện quận công.
Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ cổ thể và 28 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 26, tờ 81).
293. ĐỖ LỆNH DANH (1667 – 1747)
Đỗ Lệnh Danh, sinh năm 1667, người làng Nhân Mục cựu (làng Mọc, thôn Thượng Đình, nay là xã Khương Đình, huyện Thanh Trì, thuộc ngoại thành Hà Nội).
Năm 1710 (niên hiệu Vĩnh-thịnh, năm canh dần), ông đậu tiến sĩ, năm ấy ông 44 tuổi, sau được cử sang sứ Trung Quốc, làm quan đến Hình bộ thượng thư, tước Xuân quận công, và mất năm 1747, thọ 81 tuổi.
Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ (văn), chép trong Hoàng Việt thi tuyển (q.5, tờ 17).
294. HOÀNG CÔNG BẢO (1680 - ?)
Hoàng Công Bảo, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi, thuộc tỉnh Hải Dương).
Ông là con Hoàng Công Chí, đậu tiến sĩ năm 1710, làm quan đến Công bộ hữu thị lang.
Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 25, tờ 75).
295. PHẠM KHIÊM ÍCH (1679 – 1740)
Phạm Khiêm Ích, tự Kính-trai, người làng Bảo Triên, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm 1679 và mất năm 1740.
Năm 1710 (niên hiệu Vĩnh-thịnh thứ 6, đời Lê Dụ-tông, ông đậu giải nguyên, thi hội đậu thám hoa, làm Hình bộ tả thị lang. Ông được cử đi sứ sang Trung Quốc năm quý mão (niên hiệu Bảo-thái, 1723). Ông mất năm 63 tuổi, được tặng chức đại tư không. Văn chương đức hạnh của ông được người đương thời khen ngợi.
Tác phẩm của ông có:
- Thẩm trị nhất lãm (văn);
- Kính-trai thi tập (văn).
296. NGUYỄN KIỀU (1695 – 1751)
Nguyễn Kiều, hiệu Hạo-hiên, người làng Phú Xá, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Theo tài liệu gia phả và thần vị ở từ đường họ Nguyễn tại Phú Xá cho biết, ông sinh năm ất hợi (1695), mất năm tân mùi (1751), ông là chồng bà Đoàn Thị Điểm, hiệu Hồng-hà nữ sĩ, tác giả bản dịch Chinh phụ ngâm khúc.
Đời Lê Dụ-tông (1706 – 1729), năm 1715 (niên hiệu Vĩnh-thịnh thứ 11), ông đậu tiến sĩ. Năm Cảnh Hưng nhâm tuất 3 (1742) sang sứ nhà Thanh, sau làm quan đến đô ngự sử, tước bá.
Tác phẩm của ông có: Sứ Hoa tùng vịnh (văn), cùng làm với Nguyễn Tông Quải (số 305), khi hai ông cùng một lần đi sứ sang Trung Quốc, ông làm chánh sứ, Nguyễn Tông Quải làm phó sứ.
297. NGUYỄN QUÝ ÂN (1673 – 1722)
Nguyễn Quý Ân, là con Nguyễn Quý Đức, sinh năm quý dậu (1673), mất năm nhâm dần (1722), người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là làng Đại Mỗ, xã Hữu Hưng, huyện Từ Liêm, thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông đậu tiến sĩ năm 1715, làm Hữu thị giảng, dạy thế tử Trịng Giang, khi đang làm thị giảng thì mất, vào giữa năm 1722.
Tác phẩm của ông có: Chính hoà tiến sĩ đề danh ký (sử, văn), A. 421.
298. ĐOÀN THỊ ĐIỂM (1705 – 1748)
Đoàn Thị Điểm, hiệu Hồng-hà nữ sĩ(1), còn có họ Lê là theo họ bố nuôi, người làng Gia Phạm (sau là làng Hiến Phạm, huyện Văn Giang), nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương. Bà sinh năm 1705, mất năm 1748.
Bà là con gái Đoàn Doãn nghi và là em Đoàn Doan Luân, đậu hương nguyên đời Lê. Năm 16 tuổi, bà làm con nuôi thượng thư Lê Anh Tuấn. Thấy bà có tài lỗi lạc, bố nuôi định tiến vào cho chúa Trịnh, bà không bằng lòng, trở về ở cùng với cha; và từ đó học hành càng nổi tiếng.
Năm 25 tuổi,
cha mất, bà ở với mẹ và anh, làm nghề dạy học ở Mỹ Hàô (Hưng Yên). Được ít lâu,
anh mất, bỏ lại đàn con, bà phải trông nom cả. Trong một bài văn tế bằng Hán
văn, bà đã kể lại nỗi đau xót của gia đình mình. Sau khi chôn cất cho anh, bà
thường bị những kẻ quyền quý đến dạm hỏi và có khi muốn cưỡng bức, nên bà bỏ
nơi ở cũ, đến ở làng Chương Dương, dạy học và bốc thuốc nuôi mẹ. Học trò đến học
rất đông, sau này có Đàô Duy Doãn, đậu tiến sĩ và là người có văn tài cũng là học
trò của bà. Năm 33 tuổi, ông Nguyễn Kiều người làng Phù Xá, làm thị lang, đến cầu
hôn. Lúc đầu bà từ chối, nhưng sau thấy Nguyễn Kiều là một văn hào nổi tiếng,
bà bằng lòng lấy kế Nguyễn Kiều. Lấy chồng được một tháng, năm 1743, Nguyễn Kiều
lên đường đi sứ và sau ba năm mới trở về, vợ chồng sum họp. Có lẽ trong khoảng
thời gian này, bà dịch tác phẩm Chinh phụ
ngâm của Đặng Trần Côn. Năm 1748, Nguyễn
Kiều được cử vào coi trấn Nghệ An, bà theo chồng và mất tại đấy.
Tác phẩm của bà có:
- Truyền kỳ tân phả (chữ Hán) (văn);
- Chinh phụ ngâm(1) (một bản dịch quốc âm, tác phẩm của Đặng Trần Côn) (văn).
299. NGÔ THỜI ỨC (thế kỷ XVIII)
Ngô Thời Ức, hiệu Tuyết-trai, người huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông là thân phụ Ngô Thời Sĩ, không rõ ông sinh và mất năm nào.
Ông thi đậu hương cống đời Lê nhưng không ra làm quan, ở nhà dạy học.
Tác phẩm của ông có:
- Tuyết-trai thi tập (văn);
- Nam trình liên tập (văn).
300. ĐẶNG TRẦN CÔN (thế kỷ XVIII)
Đặng Trần Côn, người làng Hạ Đình, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Thuở trẻ, ông rất chăm học. Đời Lê – Trịnh có lệ cấm lửa ban đêm, ông phải đào hầm đốt lửa để đọc sách. Ông thi đậu hương cống, nhưng thi hội hỏng, và từ đó ông không thi nữa, ra làm huấn đạo, rồi làm tri huyện, dần dần thăng đến ngự sử đài đại phu.
Đặng Trần Côn tính tình hào phóng, thích rượu, hay thơ. Thời đại của ông vào lúc chúa Trịnh cầm quyền, tin dùng bọn hoạn quan, xa hoa, dâm đãng. Nhân dân bị đè nén, áp bức, hãm hiếp dưới ách của bọn vua chúa thống trị, cho nên nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi. Bọn phong kiến bắt phu, bắt lính đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa; nhiều người phải lìa cửa nhà, xa vợ con, dời quê hương, bỏ mình nơi chiến trường. Do đó, Đặng Trần Côn đã làm ra khúc Chinh phụ ngâm bằng Hán văn nổi tiếng và được truyền tụng cho đến ngày nay. Bài này đã được dịch ra chữ Nôm.
Bản thứ nhất tương truyền là của bà Đoàn Thị Điểm. Bản thứ hai tương truyền là của Nguyễn Khản, anh ruột của Nguyễn Du. Còn bản thứ ba là của Phan Huy Ích, họ Phan có viết bài đề từ.
Truyện Đặng Trần Côn còn chép trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ (q. Hạ, tờ 35).
Các tác phẩm của ông còn có: Phù chưởng tân thư, thấy gì ghi trong Danh ngôn tạp chước (q.2) và một số thơ văn khác:
- Yêu hữu thưởng xuân thiếp;
- Đặng Trần Côn phú sao;
- Để tiêu tương bát cảnh đồ thi thảo (Hán văn);
- Chinh phụ ngâm khúc (Hán văn) (văn).
301. LÊ HỮU KIỀU (1690 – 1760)
Lê Hữu Kiều, hiệu Tốn-trai, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh năm 1690 và mất năm 1760.
Năm 1718 (niên hiệu Vĩnh-thịnh thứ 14, đời Lê Dụ-tông), ông đậu tiến sĩ. Sau đó, ông được cử làm phó sứ sang Trung Quốc, lúc về làm đến Binh bộ thượng thư, tước Liêu-đình hầu.
Tác phẩm của ông có: Bắc sứ hiệu tần tập (văn).
302. VŨ CÔNG TỂ (1687 – 1735)
Vũ Công Tể, có tên cũ là Vũ Công Quần, người làng Hải Bối, huyện Yên Lãng (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú). Theo sách Vũ công tộc phả (A.800, tờ 29), ông sinh năm 1687 (niên hiệu Chính-hoà thứ 8) và mất năm 1735, niên hiệu Vĩnh Hựu ất mão.
Năm 1718 (niên hiệu Vĩnh-thịnh thứ 14), ông thi đậu thám hoa, được cử đi sứ sang Trung Quốc, làm quan đến tham tụng, Lại bộ thượng thư, tước quận công.
Tác phẩm của ông có:
- Hải-bối Vũ Công tộc phả (sử), A.800;
- Thái ngọc tiệp lụuc (văn, triết), A. 1080.
303. NGUYỄN TRÁC LUÂN (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Trác Luân, người làng Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1721, ông đậu tiến sĩ, làm quan đến phó đô ngự sử.
Tác phẩm có: Vịnh sử thi quyển (sử, văn), A. 849.
304. HỒ SĨ TÂN (1690 – 1760)
Hồ Sĩ Tân, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1690, mất năm 1760.
Năm 1721 (niên hiệu Bảo-thái thứ 2, đời Lê Dụ-tông), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến hàn lâm thị chế.
Tác phẩm có: Thọ-mai gia lễ (xã hội, dân tộc học).
305. NGUYỄN TÔNG QUẢI (1692 – 1766)
Nguyễn Tông Quải, hiệu Thư-hiên, người làng Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, tỉnh Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Ông sinh năm 1692, mất năm 1766, thọ 75 tuổi.
Năm 1721 (niên hiệu Bảo-thái thứ 2), ông đậu Hội nguyên hoàng giáp, được cử đi sứ nhà Thanh hai lần; lần thứ nhất, năm Cảnh Hưng tân dậu (1740) sung làm phó sứ; lần thứ hai, năm Cảnh Hưng mậu thìn (1748) sung làm chánh sứ. Ngay lần đầu, đã nổi tiếng thơ hay ở Trung Quốc. Khi về làm quan đến Hộ bộ tả thị lang, tước Ngọ-đình hầu. Sau bị giáng làm hàn lâm thị giảng.
Tác phẩm của ông có:
- Sứ Hoa tùng vịnh (văn);
- Vịnh sử thi tuyển (văn, sử);
- Ngũ luân tự quốc âm (văn, triết).
306. CHU NGUYỄN LÂM (thế kỷ XVIII)
Chu Nguyễn Lâm, hiệu Cổ-nguyên, người làng Cát Động, huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1724 (niên hiệu Bảo-thái thứ 5), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến hàn lâm viện thừa chỉ. Ông chết trận, được tặng Công bộ hữu thị lang.
Tác phẩm có: Chu cổ-nguyên tiên sinh thi tập (văn).
307. LÊ PHÚ THỨ (1691 – 1781)
Lê Phú Thứ, còn có tên là Lê Trộng Thứ, hiệu Trúc-am, người làng Diên Hà (này là làng Phú Hiếu, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình). Ông sinh năm 1691, mất năm 1781, thọ 71 tuổi.
Năm 1724 (niên hiệu Bảo-thái thứ 5), ông đậu tiến sĩ, làm quan Hình bộ thượng thư, tước Diễn-phái hầu. Ông là thân phụ nhà bác học Lê Quý Đôn.
Tác phẩm của ông có:
- Trúc-am thi tập (văn);
- Trúc-am
văn tập (văn);
- Lê công khải
sự cảnh hành lúc (văn, triết), v.v…
308. VŨU KHÂM THẬN (1702 - ?)
Vũ Khâm Thận, còn có tên là Vũ Khâm Lân, người
làng Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1702, mất năm nào
không rõ.
Năm 1727 (niên hiệu Bảo-thái thứ 8), ông đậu tiến
sĩ, làm quan đến ngự sử đài, tham tụng, tước Ôn quận công.
Tác phẩm của ông có: Phủ sát bí mật (?).
309. TRỊNH XUÂN VỊNH (1730 - ?)
Trịnh Xuân Vịnh, tự Tế-xuyên, hiệu Dung-trai, người
làng Danh Lâm, huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, thuộc tỉnh Bắc Ninh;
sinh năm 1730, không rõ mất năm nào. Năm 1735 (niên hiệu Cảnh Hưng, khoa quí dậu),
ông đậu hương cống.
Tác phẩm của ông có: Trịnh gia thế phả (sử), A. 808.
310. TRẦN TRỌNG TỂ (1730 – 1801)
Trần Trọng Tể, tự Đạm-như, sinh năm 1730 và mất
năm 1801. Không rõ quê quán ở đâu. Ông đậu hương cống (khoa Cảnh Hưng, kỷ mão)
năm 1759.
Tác phẩm của ông có: Việt dư kỷ thắng liên tiệp (địa, văn), A. 769.
311. NGUYỄN BÁ LÂN (1701- 1785)
Nguyễn Bá Lân, người xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong
(nay là huyện Quảng Oai, thuộc tỉnh Hà Tây).
Ông sinh năm 1701, mất năm 1785, thọ 85 tuổi.
Năm 1731, ông đậu tiến sĩ (niên hiệu Vĩnh-khánh thứ
3), làm quan đến thượng thư, tước Lễ-trạch hầu. Ông là một danh sĩ và là một
trong “Tràng-an tứ hổ” (bốn con hổ ở kinh đô) như người ta thường gọi lúc bấy
giờ. Ông có tài đặc biệt về phú Nôm.
Tác phẩm của ông có:
-
Vịnh sử thi quyển (sử,
văn), A. 849;
- Giai cảnh
hứng tình phú (văn);
- Ngã ba hạc
phúc (văn).
312. NGUYỄN ĐỨC UÔNG (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Đức Uông, không rõ quê quán ở đâu, sinh và
mất năm nào, chỉ biết ông đậu tạo sĩ(1)
năm 1731 (niên hiệu Vĩnh-khánh, khoa tân hợi).
Tác phẩm có: Binh
pháp tập lược (binh học), A. 804.
313. TRẦN DANH LÂM (1704 – 1777)
Trần Danh Lâm, hiệu Khiêm-trai, người làng Bảo Triện,
huyện Gia Định (Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm 1704, mất năm 1777.
Năm 1731 (hiệu Vĩnh-khánh thứ 3), ông đậu tiến sĩ,
làm quan đến Binh bộ thị lang, rồi về trí... Năm 1776 (niên hiệu Cảnh-hưng,
bính thân), ông lại được vòi ra làm Lại bộ thượng thư, lúc mất tặng chức thiếu
bảo. Ông là thân phụ Trần Danh Án, thọ 73 tuổi.
Tác phẩm có: Hoàn-châu
phong thổ hoại (sử, địa, văn).
314. NGUYỄN NGHIỄM (1707 – 1775)
Nguyễn Nghiễm, tự Hy-tu, hiệu Nghi-hiên, biệt hiệu
Hồng-ngư cư sĩ, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh
năm 1707, mất năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) tại quê ở làng Tiên Điền. Ông là thân
phụ Nguyễn Khản và Nguyễn Du.
Năm 1731 (niên hiệu Vĩnh-khánh thứ 3), ông đậu
hoàng giáp, làm đến Công bộ thượng thư, tham tụng trí Quốc tử giám, kiêm đông
các, Quốc sử quán tổng tài, thái bảo đại tự không, tước Xuân quận công. Ông là
người có sáng kiến tổ chức hệ thống dịch trạm từ Kinh Bắc đến Nghệ An và đến Lạng
Sơn. Ông không những giỏi về chính trị, văn thơ nổi tiếng mà cồn là một nhà sử
đúng đắn. Sách sử của ông nay mới chỉ biết nhiều đoạn trích dẫn trong bản Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thời
Nhiệm, in năm Cảnh Thịnh (1800) đời Tây Sơn.
Tác phẩm của ông có:
-
Cổ lễ nhạc chương thi văn tập (văn);
- Việt sử bị
lãm (sử);
-
Quân trung liên vịnh
(văn);
-
Lạng Sơn toàn thành đồ chí (địa).
315. PHẠM QUANG NINH (1699 - ?)
Phạm Quang Ninh, người làng Đông Ngạc, huyện Từ
Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1699, mất năm nào không rõ.
Năm 1731 (niên hiệu Vĩnh-khánh thứ 3), ông đậu tiến
sĩ, làm quan đến đông các hiệu thư. Ông chết trận, được tặng đông các đại học
sĩ, tước bá.
Tác phẩm có: Trầm
hương quân thứ lạc (binh) (văn).
316. TRẦN HIỀN (1683 – 1742)
Trần Hiền, hiệu Hoè-hiên, người làng Vân Canh, phủ
Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũu, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông sinh năm 1683, mất năm
1742, niên hiệu Cảnh Hưng nhâm tuất.
Năm 1733 (niên hiệu Long-đức thứ 2), ông đậu tiến
sĩ, làm quan đến hàn lâm thị chế. Về sau, vì
có học trò của ông là Cống Cừ (Nguyễn Cừ? khởi nghĩa), ông bị người ta cho là
có thông đồng với Cừ, nên bị tra xét và bãi chức.
Năm 1740, Lê Hiển-tông lại vời ông ra làm hàn lâm
thị giảng.
Tác phẩm của ông có:
-
Hoè-hiên thi tập (văn);
- Hoè-hiên
di tập (văn), A. 526.
317. TRƯƠNG ĐÌNH TUYÊN (thế kỷ XVIII)
Trương Đình Tuyên, người phường Quảng Đức, thành
Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1739 (niên hiệu Vĩnh Hựu năm kỷ mùi), ông đậu
tiến sĩ.
Tác phẩm có: Hàn
các quyết khoa thi tập (văn), A.353.
318. VŨ PHƯƠNG ĐỀ (1679 - ?)
Vũ Phương Đề, tự Thuần-phủ, người làng Mộ Trạch,
huyện Đường An (Bình Giang, tỉnh Hải Dương), là con Vũ Phương Nhạc. Ông sinh
năm 1679 và mất năm nào không rõ.
Năm ông 39 tuổi, đời Lê Ý-tông, (niên hiệu Vĩnh Hựu
thứ 2), (1736), đậu đồng tiến sĩ, làm quan đến đông các học sĩ.
Tác phẩm có: Công
dư tiệp ký (sử), A.44; A.1930; A. 1893; A. 2010.
319. TRẦN TÔNG (1737 – 1808)
Trần Tông, tự Thuấn-hoa, sinh năm 1737 (niên hiệu
Vĩnh Hựụ thứ 3), mất năm 1808 (niên hiệu Gia Long thứ 7), (xem Trần gia thế phả, A. 642, ờ 13-14). Ông
đậu hương cống năm 1765 (khoa ất dậu, niên hiệu Cảnh Hưng), thọ 72 tuổi.
Tác phẩm có: Trần
gia thế phả (sử), A. 642.
320. TRỊNH DOANH (1720 – 1767)
Trịnh Doanh, là con thứ ba Trịnh Cương. Đời Lê
Y-tông, năm 1736, ông được phong Ân quốc công, sau đến đời Lê Hiển-tông, tự
xưng là Minh-đô vương, thay Trịnh Giang làm chúa từ năm 1740 đến tháng giêng
năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767). Ông sinh năm 1720, mất năm 1767. Sau khi mất, được
tôn xưng là Nghị-tổ Ân vương.
Tác phẩm có:
-
Kiền nguyên thi tập
(văn);
- Minh-đô
vương thi tập (văn).
321. NGUYỄN HỮU CẦU (?
– 1751)
Nguyễn Hữu Cầu, người xã Lôi Động, huyện Thanh Hà,
nay thuộc tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1751.
Ông xuất thân là một gia đình nghèo, có theo học
văn chương và nhất là có tài võ nghệ. Sách Nam
sử liệt truyện có nói về ông như sau: “Hữu Cầu tài lực vô song, người ta gọi
là Nam quốc Hạng Vũ, tới trận thì cưỡi ngựa, tay cầm hai gươm, quan quân đều
khiếp chạy”. Bất mãn với triều đình Lê – Trịnh, năm 1731, ông tham gia phong
trào Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và được Nguyễn Cừ gả con gái cho. Ông là một tướng
xuất sắc nhất, thường người ta gọi ông là Quận He.
Sau khi Nguyễn Cừ thất bại, ông lãnh đạo nghĩa
quân chiếm Đồ Sơn, Vân Đồn và tự xưng là Đông Đạo thống quốc bảo dân đại tướng
quân, chủ trương lấy tài sản của nhà giàu chia cho người nghèo khổ. Nông dân
theo ông rất đông. Đến sau, lực lượng suy yếu, nên ông bị bắt và bị xử tử ở
Thăng Long (1751). Tác phẩm của ông còn lại có: bài thơ Nôm Chim trong lồng, làm khi bị bắt.
322. PHẠM ĐÌNH TRỌNG (thế kỷ XVIII)
Phạm Đình Trọng, người làng Khinh Giao, huyện Giáp
Sơn (nay là huyện Kinh Môn, thuộc tỉnh Hải Dương). Không rõ ông sinh và mất năm
nào.
Năm 1739 (niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5), ông đậu tiến
sĩ. Ông được triều đình giao cho công việc đàn áp nghĩa quân ở nhiều nơi.
Tác phẩm có:
- 2 bài thơ (văn), in trong Hoàng Việt thi tuyển (q.5, tờ 23);
- Tượng đầu
đoán tụng ký (văn), chép trong Hoàng
Việt văn tuyển (q.2, tờ 19).
323. NGÔ DUY TRỪNG (1741 – 1799)
Ngô Duy Trừng, tự Thanh-am, hiệu Đậu-sơn, sinh năm
1741, mất năm 1799, đậu tiến sĩ năm 1775 (khoa ất mùi, niên hiệu Cảnh Hưng).
Tác phẩm có: Ngô
thị gia phả (sử), A. 646.
324. TRẦN VĂN TRỨ (1715 - ?)
Trần Văn Trứ, người làng Từ Ô, huyện Thanh Miện, tỉnh
Hải Hưng. Ông sinh năm 1715, không rõ mất năm nào, là con Trần Văn Hoán, đậu tiến
sĩ khoa giáp thìn (niên hiệu Bảo-thái thứ 5, 1724). Năm 1743 (niên hiệu Cảnh
Hưng năm thứ ), ông đậu hoàng giáp, làm quan hàn lâm viện thị chế; sau thăng đến
chức thiêm đô ngự sử, kiêm Quốc tử giám trực giảng.
Tác phẩm của ông có:
-
Hoa thiều hậu mệnh (văn);
- Vịnh sử tập
(văn, sử);
- Dịch nghi
thuyết.
325. NGUYỄN HOÃN (1713 – 1791)
Nguyễn Hoãn, người làng Lan Khê, huyện Nông Cống,
tỉnh Thanh Hoá.
Năm 1743 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4), ông đậu
tiến sĩ, làm hữu tư giảng, Phụng-thiên phủ doãn. Đời Trịnh Sâm, ông làm đến chức
thái phó quốc lão, được phong tước Hoãn quận công. Khi Trịnh Sâm lập con thứ,
ông giữ chức cố mệnh phụ chính. Năm 1787 (bính ngọ), Tây Sơn ra Bắc, vua Lê
Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông không theo.
Tác phẩm của ông có:
-
Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (sử);
- Cổ lễ nhạc
chương thi văn tập (văn).
326. DƯƠNG CHI (thế kỷ XVIII)
Dương Chi, không rõ quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Ông đậu hương thi đời Lê, và theo bài tựa tác phẩm của ông, ông sống giữa thời Cảnh Hưng (1745).
Tác phẩm có: Dương thị thế phả (sử), A. 1000.
327. TRỊNH XUÂN CHÚ HAY THỤ (1703 – 1763)
Trịnh Xuân Chú, hiệu Đạm-hiên, người làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn (sau là Danh Lâm, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh năm 1703 và mất năm 1763.
Năm 1748 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 9), ông đậu hoàng giáp, làm quan hàn lâm viện thị chế. Ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, về làm đông các đại học sĩ, lúc mất được tặng tước hầu.
Tác phẩm của ông có: Sứ Hoa học bộ thi tập (văn).
328. VŨ MIÊN (1718 – 1782)
Vũ Miên, tên thụy là Ôn-cẩn, người làng Xuân Lan, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1748 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 9), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến tham tụng, được phong tước Liêu-khê hầu. Ông đã trải qua quan chức quốc sử tổng tài. Ông là một nhà sử học.
Tác phẩm của ông có:
- Quốc sử tục biên (sử);
- Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (sử), A. 379.
329. NGUYỄN HUY OÁNH (1722 – 1789)
Nguyễn Huy Oánh, tự Thư-hiên, hiệu Thạc-đình, người làng Lai Thạch, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1722, mất năm 1789 năm kỷ dậu, Chiêu Thống thứ 3. Ông là thân phụ Nguyễn Huy Tự, tác giả truyện Hoa-tiên.
Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), ông đậu thám hoa, làm đông các đại học sĩ, được cử đi sứ sang Trung Quốc, lúc về thăng đến Hộ bộ thượng thư.
Tác phẩm của ông có:
- Phụng sứ Yên Kinh tập (sử, văn);
- Bắc dư tập lãm (địa);
- Sơ học chỉ nam (văn);
- Cổ lễ nhạc chương thi văn tập (văn);
- Phụng sứ Yên đài tổng ca (văn, sử).
330. LÊ QUÝ ĐÔN (1726 – 1784)
Lê Quý Đôn, tự Doãn-hậu, hiệu Quế-đường, người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam hạ (nay là làng Phù Hiếu, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình); sinh năm 1726 (niên hiệu Bảo Thái thứ 7); và mất ngày 14 tháng 4 năm giáp thìn, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 45 (1-6-1784), là con Lê Phú Thứ, sau đổi là Lê Trọng Thứ, đậu tiến sĩ năm 1724 (niên hiệu Bảo Thái thứ 5), làm quan đến Hình bộ thượng thư, phong tước hầu.
Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn nguyên tên là Lê Danh Phương, đã nổi tiếng thần đồng, các dã sử có chép nhiều truyền thuyết về sức cường ký, về trí mẫn tiệp của ông; 14 tuổi, ông đã học hết Ngũ kinh, Tứ thư, Sử, truyện, và đọc đến cả Chư tử, Bách gia; trong một ngày, ông có thể làm xong mười bài phú, không phải nghĩ, không viết nháp.
Năm 1739 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ nhất), theo cha lên du học ở kinh đô. Năm 1743 niên hiệu Cảnh Hưng quí hợi, năm ấy ông 18 tuổi, thi hương trường Sơn Nam, bài trúng hạng ưu, đậu giải nguyên (xem: Lê triều hương tuyển, in năm Minh Mệnh thứ 7 (1827). Sau đó, vì lý do chính trị, tránh tên của Nguyễn Danh Phương, một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân thời đó, nên đổi tên là Lê Quý Đôn, ở nhà dạy học và làm sách. Sách Lê Quế đường tiên sinh tiểu sử (Nam phong XXV, 1929) nói, hồi đó ông đã viết xong một trăm thiên sách, không rõ sách gì.
Năm 1752, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 13, năm ấy ông 27 tuổi, thi khoa tiến sĩ, kỳ thi hội đậu đầu, vào thi đình cũng đậu đầu, trúng bảng nhãn. Sau đó, ông được bổ nhiệm chức thị thư ở viện hàn lâm. Năm 1754, mùa xuân, được sung vào ban toàn tu Quốc sử. Năm 1756, phụng mạng đi liêm phòng ở tỉnh Sơn Nam, phác giác được sáu bảy viên quan ăn hối lộ. Đến tháng 5 năm ấy, được biệt phái sang hủ chúa, coi Binh phiên, làm bài điều trần 19 khoản nói về chức chưởng Binh phiên. Chúa Trịnh khen là am hiểu điều lệ nhà nước, thưởng cho 50 lạng bạc. Năm 1757, được thăng chức hàn lâm viện thị giảng. Năm 1760, ông được cử đi sứ và lúc về được thăng thừa chỉ, tước Dĩnh Thành bá; sau vì bị gièm pha ghen ghét, ông xin về nghỉ ở nhà, viết sách; chính hồi này, ông làm xong bộ Toàn Việt thi lục. Đời Trịnh Sâm, Nguyễn Bá Lân tiến cử ông lên chúa Trịnh Sâm. Ông lại ra làm quan, đến chức bồi tụng, tước Dĩnh Thành hầu; sau đổi ra làm hiệp trấn Nghệ An, và mất tại đó năm 1784. Lúc mất, ông được tặng Công bộ thượng thư, tước Dĩnh quận công.
Lê Quý Đôn là một nhà bác học có tài, biên soạn nhiều sách về nhiều mặt: kinh tế, triết học, văn học, sử học, v.v.. Tác phẩm của ông có thể chia ra nhiều loại: sử, thơ văn, chú giải kinh điển, triết học, tổng loại và tạp biên:
Sử học:
- Lê triều thống sử, 30 quyển, viết năm 1749;
- Quốc sử tục biên, 8 quyển;
- Phủ biên tạp lục, 6 quyển, viết năm 1776;
- Bắc sử thông tục, 4 quyển, viết năm 1780;
- Kiến văn tiểu lục, gồm 8 thiên;
- Tục ứng đáp bang giao tập;
- Tây chinh toàn tập (sử, văn).
Thơ văn:
- Quế-đường thi tập;
- Quế-đường văn tập;
- Quế-đường di tập;
- Toàn Việt thi lục, 6 quyển, gồm 897 bài thơ của 73 nhà thơ từ đời Lý đến đời Tương Dực đế;
- Hoàng Việt văn hải;
- Liên châu toàn tập.
Chú giải kinh điển:
- Thư kinh diễn nghĩa;
- Dịch kinh phu thuyết;
- Liên Sơn, Quy Tàng nhị dịch truyện;
- Thi thuyết;
- Lễ thuyết;
- Xuân thu lược luận.
Triết học:
- Quần thư khảo biện, 2 quyển, viết năm 1737;
- Thánh mô hiền phạm, 12 quyển, viết năm 1737;
- Âm chất văn chú, 2 quyển, in năm 1781;
- Thiên văn thư;
- Địa lý tinh ngôn thư;
- Tồn tâm lực;
- Hoàng triều trị giám cương mục;
- Địa lý tuyển yếu;
- Địa học tinh ngôn;
- Thái ất giản dị lụuc;
- Thái ất quái vận;
- Lục nhâm hội thông;
- Lục nhâm tuyển tuý;
- Hoàng giáo lục;
- Kim cương kinh chú giải;
- Đạo đức kinh diễn nghĩa.
Tổng loại:
- Văn đài loại ngữ, một thứ bách khoa toàn thư, tập hợp và sắp xếp những tri thức về triết học, văn học, khoa học, thành 9 loại, dưới 9 đề mục. Sách này đã được dịch: do Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích. Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội, xuất bản năm 1962.
- Kiến văn tiểu lục, 8 thiên, xem trên.
Tạp lục:
- Dân chính thư;
- Tăng bổ chính yếu đại toàn tập;
- Sử luật toản yếu;
- Vũ bị tâm lược;
- Kim kính lục;
- Hoạt nhân tâm thư, v.v…
Về văn Nôm, ông có nhiều bài văn hài hước. Theo sách Quốc văn tùng ký, văn Nôm của ông còn lại, có những bài sau đây:
- Mẹ ơi con muốn lấy chồng (thể kinh nghĩa);
- Gái quá thì (thể phú);
- Lấy chồng cho đáng tấm chồng (thể kinh nghĩa);
- Chim khôn đậu nóc nhà quan (thể kinh nghĩa);
Ngoài ra ông còn có các bài kinh nghĩa:
- Mẹ khuyên con về nhà chồng;
- Thơ tự trách mình, làm từ thuở bé, đầu đề là Rắn mày rắn mặt, nên trong bài thơ, câu nào cũng phải có tên một hai loài rắn, v.v..
331. ĐOÀN DUY TĨNH (1727 – 1785)
Đoàn Duy Tĩnh, còn có tên là Đoàn Nguyễn Thục, người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam, (nay là tỉnh Thái Bình). Ông sinh năm 1727, mất năm 1785.
Năm 1752 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 13), ông đậu hoàng giáp, đổi tên là Đoàn Nguyễn Thục, làm quan đông các hiệu thư. Sau ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, lúc mất được tặng đô ngự sử.
Tác phẩm có: Phụng sứ tập (sử, văn).
332. TRỊNH SÂM (1737 – 1782)
Trịnh Sâm, theo Trịnh thị gia phả (A. 641, tờ 30), là con trưởng Trịnh Doanh, sinh năm kỷ mùi (1737), mất năm 1782.
Năm 1753 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 14), ông làm thế tử, phong tiết chế thái uý Tĩnh quốc công. Năm 1767 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 28), Trịnh Doanh chết, Sâm lên làm chúa, thích thơ văn, hay đi đây đó, đi đến đâu thường làm thơ đề vịnh. Nhưng Sâm cậy có tài, tự cho là có công lao nhiều lại càng áp bức vua Lê, đàn áp nhân dân. Khi mất, miếu hiệu là Thịnh vương.
Tác phẩm có:
- Nam tuần ký trình thi (văn);
- Tây tuần ký trình thi (văn);
- Bình Hưng thực lục (văn, sử);
- Bình Ninh thực lục (văn, sử);
- Tâm thanh tồn duỵ thi tập (văn), A. 197;
- Danh từ thực lục (văn, sử) A. 951.
333. VŨ HUY ĐĨNH (1730 – 1789)
Vũ Huy Đĩnh, có tên cũ là Trọng Cung, sau đổi là Huy Đĩnh, lại đổi là Huy Túc, tự Ôn-kỳ, hiệu Di-hiên, thuỵ là Văn-trung. Ông sinh năm 1730 và mất năm 1789. Ông là người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (Bình Giang, Hải Dương).
Năm 1754 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 15), ông đậu tiến sĩ. Năm 1772, ông được cử đi sứ sang triều Thanh. Lúc về, ông làm đến chức Binh bộ thị lang, kiêm Quốc tử giám tế tửu, tước Hồng-trạch bá. Ông du lịch nhiều nơi, và có nhiều tác phẩm.
Tác phẩm của ông có:
- Hoa trình tạp thi (văn);
- Tùng vịnh tập (văn);
- Tuyên Quang tập (văn, địa);
- Kỷ thắng tập (văn, địa);
- Quang thương tiền tập (sử, địa);
- Thanh Hoá tiền tập (sử, địa);
- Sơn Tây tập (sử, văn);
- Nam trung tập (văn);
- Bách đài tập (văn);
- Tình tuyết tập (văn);
- Thanh Hoá hậu tập (sử, địa);
và một số thơ văn khác.
334. NGUYỄN HUY CẬN (1728 – 1790)
Nguyễn Huy Cận, hiệu Phương-am, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1728, mất năm 1790.
Năm 1760 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 21), thi tiến sĩ đáng lẽ ông đỗ đầu, nhưng vì làm bài thất cách phải xuống đồng tiến sĩ. Ông không ra làm quan, xin về ở nhà lấy sách vở làm vui.
Tác phẩm có: Phương-am tiên sinh thi văn tập (văn).
335. ĐẶNG NINH HIÊN (thế kỷ XVIII)
Đặng Ninh Hiên, sống vào khoảng năm Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763), không rõ quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Ông làm quan đến tham đốc, tước hầu. Tác phẩm có: Đặng gia phả ký tục biên (sử), A. 633.
336. NGÔ THỜI SĨ (1726 – 1780)
Ngô Thời Sĩ, theo sách Ngô thế gia phả (A. 468, tờ 43), tự là Thế-lộc, hiệu Ngọ-phong, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông sinh năm 1726, năm bính ngọ (niên hiệu Bảo-thái thứ 7), mất năm 1780.
Ông là thân phụ Ngô Thời Nhiệm và Ngô Thời Chí. Năm 1766 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 27), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến thiêm đô ngự sử. Năm 1780, ông ra trấn thủ Lạng Sơn và lúc mất được tặng Hộ bộ tả thị lang.
Tác phẩm của ông có:
- Việt sử tiêu án (sử) A. 11;
- Ngọ-phong văn tập (văn);
- Anh ngôn thi tập (văn);
- Nam trình liên vịnh tập tự (Văn);
- Nghệ An thi tập (văn, địa);
- Ngô thị gia huấn (triết);
- Quan phu tử phú (văn), A. 1073.
337. UÔNG SĨ LÃNG (1733 – 1802)
Uông Sĩ Lãng, còn có tên là Uông Sĩ Điển, người làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lan (nay là Vũ Công, Thái Bình).
Năm 1766 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 27), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến thiêm đô ngự sử.
Tác phẩm có: Lịch triều đăng khoa lục (sử), A. 1382.
338. DOÃN THỰ (thế kỷ XVIII)
Doãn Thự, tự Nhã-đạm, đậu hương thi năm 1768. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.
Tác phẩm có: Doãn thị gia phả lược thuật (sử), A. 784;
339. NGUYỄN ĐÌNH TỐ (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Đình Tố, còn có tên là Nguyễn Hương, tự Lạc-thiện, hiệu Phúc-trai, người làng Bình Dân, huyện Đông Yên (nay là Khoái Châu, thuộc tỉnh Hưng Yên).
Năm 1769 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 30), ông đậu tiến sĩ, đổi tên là Lạc Thiện. Ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Lúc về, làm đến khâm sai đốc trấn Cao Bình và mất ở Cao Bằng.
Tác phẩm có:
- Sứ triều ngâm lục (văn);
- Thiên Nam lịch triều hội tuyển (văn).
340. VŨ PHƯƠNG LAN (thế kỷ XVIII)
Vũ Phương Lan, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết tác phẩm của ông viết vào khoảng năm 1769.
Tác phẩm có: Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích (sử), A. 3132.
341. PHAN HUY CẦU (thế kỷ XVIII)
Phan Huy Cầu, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu, chỉ biết tác phẩm của ông viết năm 1770 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31).
Tác phẩm có: Phan gia thực lục (sử), A. 1221.
342. DƯƠNG NHỮ NGỌC (thế kỷ XVIII)
Dương Nhữ Ngọc, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.
Tác phẩm có: Thiên Nam lộ đồ (sử, địa); A. 1081, viết vào năm 1770.
343. HỒ SĨ ĐỐNG (1738 – 1785)
Hồ Sĩ Đống, có tên là Đồng, tự Long-phủ, sau đổi tên là Sĩ Đống, hiệu Trúc-hiên, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là con cháu xa Hồ Tông Thốc. Sinh năm 1738, mất năm Cảnh Hưng ất tị (1785).
Năm 34 tuổi (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 33; 1772), ông thi hội đậu nguyên, thi đình đậu hoàng giáp. Năm năm sau là năm đinh dậu, ông được cử làm phó sứ sang Trung Quốc, trong sứ bộ do Vũ Trần Thiệu làm chánh sứ (Cương mục q. 45, tờ 7)
Hiện nay Thư viện
Khoa học có hai bản sao tập thơ đi sứ của Hồ Sĩ Đống: Một bộ đề tên là Dao đình sứ tập (A. 515; một bộ là Dao đình thi tập (A.1852). Trong hai tập
thơ ấy có đề câu: “năm đinh dậu (1777), tôi được cử đi làm phó sứ cống bộ, năm mậu tuất, mùa xuân, tháng giêng (1778) khởi
trình, mùa thu, tháng 8 đến Yên Kinh, tháng cuối mùa đông vâng chỉ về nước”. Và
có bài tựa của tác giả đề năm kỷ hợi (1779), v.v… Hai bản nội dung hơi giống
nhau, nhưng trong sách lại đề là Hoa
trình khiển hứng. Vậy Dao đình là
tập thơ chung cả các thơ của Hồ Sĩ Đống, còn Hoa trình là tập thơ làm trong dịp đi sứ.
Khi đi sứ về, Hồ Sĩ Đống làm đến Hộ bộ thị lang,
tước Kinh dương hầu, sau đổi Ban đình hầu rồi lại đổi Ban hải hầu, khi đó đổi
tên là Đồng. Lúc đó có nạn quân ưu binh ở Thanh, Nghệ kiêu hoạnh làm càn, vì
ông là người Nghệ An nên được cử đi phủ dụ rất có hiệu quả. Sau đó, ông lại được
cử làm đốc thị ở Thuận-hoá. Khi triệu về triều đổi sang hàng quan võ, làm đô chỉ
huy sứ quyền phủ sự thì mùa hè năm ất tị ông mất, thọ 47 tuổi. Lúc mất, ông được
tặng thượng thư bộ Công, tước Ban quận công.
Tác phẩm có:
- Hoa
trình khiển hứng tập (văn);
- Dao trình
thi tập (văn);
- Dao
đình thi tục biên.
Ngoài ra, ông còn đề tựa tập Sứ Hoa tùng vịnh của Nguyễn Tông Quải khi ông ở Yên Kinh.
344. LÊ
QUANG VIỄN (thế kỷ XVIII)
Lê Quang Viễn được cử làm phó sứ sang nhà Thanh năm 1773. Không rõ năm sinh, năm mất và quê quán.
Tác phẩm có: Hoa trình ngẫu bút lục (văn); A. 697.
345. LƯU DĨNH (thế kỷ XVIII)
Lưu Dĩnh, hiệu Khả-trai, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông đậu tiến sĩ vào năm 1775 (niên hiệu Cảnh Hưng, khoa ất mùi).
Tác phẩm có: Lưu thị gia phả (sử), A. 811.
346. HOÀNG BÌNH CHÍNH (1735 - ?)
Hoàng Bình Chính, tên thực là Hoàng Trọng Chính, người làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Ông sinh năm 1735, mất năm nào không rõ.
Năm 1775 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36), ông đậu tiến sĩ, làm hàn lâm hiệu lý, sung chánh sứ sang Trung Quốc. Lúc về, ông được thăng hàn lâm viện thị giảng, tước Kim Xuyên bá.
Tác phẩm có: Hưng-hoá phong thổ chí (địa).
347. NGUYỄN GIA THIỀU (1741 – 1798)
Nguyễn Gia Thiều, hiệu Hi-tôn, tự Như-ý-thiền, tước Ôn như hầu, người làng Liễu-ngạn, huyện Siêu Loại (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Giang). Ông sinh năm 1741, mất năm 1798, là con Đạt-vũ hầu Nguyễn Gia Cừ và Quỳnh-liên quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tuân, con gái Trịnh Cương. Năm lên 5 tuổi, ông được vào ăn học ở trong phủ chúa.
Năm 1759, ông được làm hiệu uý quản thị vệ. Đến năm 1782, ông được tặng chức tổng binh Hưng Hoá, tước Ôn-như hầu. Trong thời gian làm quan, ông thường chán ngán vì cảnh xã hội điêu tàn, nên xin về nghỉ tại nhà riêng ở gần hồ Tây, lấy cầm kỳ thi tửu làm vui. Ông thường nghiên cứu đạo Phật và đạo Lão, nên chịu nhiều ảnh hưởng về các thứ triết học này trong thi văn. Năm 1786, Tây Sơn ra Bắc, ông không chịu ra làm quan, trốn vào rừng, bị bắt về Thăng Long, ngày ngày uống rượu giả điên.
Tác phẩm có:
- Ôn-như thi tập (văn) (Hán văn), và các tác phẩm bằng văn Nôm;
- Cung oán ngâm khúc (văn);
- Tây hồ thi tập (văn);
- Tứ trai thi tập (văn), v.v….
348. NGUYỄN NHA (1749 - ?)
Nguyễn Nha, tự Nam-văn, hiệu Tả-khê, người huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông sinh năm 1749, không rõ mất năm nào.
Năm 1775 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 36), ông đậu tiến sĩ, làm hàn lâm viện thị chế, sau thăng đến Công bộ hữu thị lang, tước Tả-khê bá.
Tác phẩm có:
- Tả-khê thi tập (văn);
- Nguyễn Nha thi tập (văn).
349. NGUYỄN ĐÌNH THẠC (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Đình Thạc, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay thụộc ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào. Năm 1779, đậu tiến sĩ.
Tác phẩm có: Thi gia thanh ứng tập (văn), A. 394.
350. PHẠM NGUYỄN DU (1739 – 1786)
Phạm Nguyễn Du, nguyên tên là Phạm Vĩ Khiêm, tự Hiếu-đức, hiệu Thạch-đông, người làng Đặng Điền, huyện Châu Phúc (nay thuộc tỉnh Nghệ An). Ông sinh năm 1739, mất năm 1786.
Ông là người có tiếng hay chữ từ thuở trẻ, năm 40 tuổi là năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40), ông đậu hoàng giáp, làm quan đến đông các đại học sĩ. Theo sách Nghệ An ký, ông làm Đốc đồng Nghệ An khoảng năm 1786 – 1787, nghe tin quân Tây Sơn đã lấy được Phú-xuân, ông đi lánh nạn, bị ốm và mất năm bính ngọ (1786).
Tác phẩm có:
- Luận ngữ ngu án;
- Chu huấn vựng toản (văn);
- Nam hành ký đắc tập (văn);
- Thạch-động tiên sinh thi tập (văn);
- Độc sử si tưởng (sử, văn);
- Đoạn trường lục (văn).
351. PHAN HUY ÔN (1754 – 1786)
Phan Huy Ôn, tự Hoà-phủ, hiệu Chỉ-am, còn có tên là Uông, người làng Thụ Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh năm 1754, mất năm 1786; là con Phan Huy Áng và em Phan Huy Ích, đều đậu tiến sĩ triều Lê.
Năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40), ông đậu tiến sĩ. Ông mất năm 32 tuổi, được tặng hàn lâm thị giảng, tước Mỹ Xuyên bá. Ông là một nhà nghiên cứu sử và địa.
Tác phẩm có:
- Nghệ An tỉnh chí (?) (địa);
- Khoa bảng tiêu kỳ (sử), A. 539;
- Chỉ minh toán pháp (toán) (?), A. 1240;
- Liệt huyện đăng khoa lục (sử), VHV. 1299.
352. LÊ HỮU TRÁC(1) (1724 – 1791)
Lê Hữu Trác, theo sách Hải Dương địa chí (A. 568, tờ 97), còn có tên là Lê Hữu Huân. Nhưng theo các sách gia phả, như Văn-xá Lê tộc thế phả, (A.679 và Thượng kinh ký sự của chính tác giả viết năm Cảnh Hưng 43 (1782), ông tên là Lê Hữu Trác, quán làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, thuộc tỉnh Hải Dương). Ông sinh ở quê mẹ, sau lại về ở quê mẹ, ở xứ Bầu Thượng (xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), tự đặt hiệu là Lãn-ông hay Hải-thượng Lãn-ông. Ông là con Lê Hữu Mưu (anh ruột Lê Hữu Kiều) đậu tiến sĩ, làm thượng thư đời Lê Dụ-tông (1705- 1728); lại có tên tục là Chiêu Bảy.
Ông sinh năm giáp thìn, đời Lê Dụ-tông, niên hiệu Bảo-thái thứ 5, ngày 12-11 (27-12-1724) tại quê mẹ và mất ngày 15 tháng giêng năm thứ 4, niên hiệu Quang-trung (1791), thọ 67 tuổi.
Lúc nhỏ, ông theo cha đi học ở kinh đô Thăng Long (Hà Nội), có tài lỗi lạc, học rộng biết nhiều, nổi tiếng là danh sĩ; tính thích giao du với bầu bạn, du lịch nơi danh thắng, uống rượu ngâm thơ; thơ ông có tính cách hào mạt phong lưu: người đương thời gọi ông là nhà thơ dòng Lý Đỗ phong lưu.
Khi ông 20 tuổi thì cha mất, ông phải thôi học, về
nhà cư tang và nuôi mẹ.
Thời đó, trong
nước rối loạn, vua Lê chúa Trịnh chính quyền đảo điên, Nguyễn, Trịnh phân
tranh, nhân dân đau khổ. Các chúa Trịnh lộng quyền, chính sách tàn bạo, nhân
dân khởi nghĩa khắp nơi: Lê Duy Mật trấn ở Trấn-ninh, Nguyễn Hữu Cầu ở Hải
Dương, Nguyễn Danh Phương ở Thái Nguyên, v.v… đều lấy danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh.
Ông là một người tài cao mà thức thời đạt thế, đem tài năng chí khí xây dựng sự
nghiệp trên nền y học; suốt trong thời gian hơn 30 năm, ông nỗ lực phấn đấu cho
sự nghiệp ấy và đã thành công. Ông đã xây dựng được một nền y học Việt Nam về
toàn diện, về lý luận, về phương pháp điều
trị, về dượt vật, thiên về dùng dược vật Việt Nam.
Năm 1781 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42), Trịnh Sâm cho triệu ông về Thăng Long để chữa bệnh cho Trịnh Cán. Ông là một danh Nho và một danh Y đời bấy giờ.
Tác phẩm của ông có:
- Thượng kinh ký sự (văn, sử) (đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, do Phan Võ dịch. Nhà xuất bản Văn hoá Hà Nội xuất bản, 1959);
- Lãn-ông y tập hay Hải-thượng y tông tâm linh (y);
- Y hải câu nguyên (y);
- Vệ sinh yếu quyết (y);
- Nữ công (y);
- Y lế thâu nhàn (văn, y).
353. LÊ CHIÊU THỐNG (? – 1793)
Lê Chiêu-thống, tên chính là Lê Duy Kỳ, lại có tên là Duy Khiêm. Chiêu-thống là cháu vua Cảnh Hưng, lên làm vua năm 1787; không rõ sinh năm nào.
Năm 1789, Tây Sơn ra Bắc, Chiêu-thống bỏ chạy đi cầu viện nhà Thanh. Quân Thanh đưa Chiêu-thống về Thăng Long được ít lâu bị Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc đánh cho đại bại. Chiêu-thống chạy theo quân Thanh và chết ở Trung Quốc (1793).
Tác phẩm có: Thơ gửi Trần Danh Án và Thơ dâng vua Thanh (văn), chép trong Việt thi tục biên.
354. LÝ TRẦN TẤN (thế kỷ XVIII)
Lý Trần Tấn, tự Đôn-hậu, sống vào khoảng đời Chiêu-thống. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.
Tác phẩm có: Việt dư thặng chí toàn biên (sử, địa), A. 864.
355. HOÀNG NGUYỄN THỰ (1749 – 1801)
Hoàng Nguyễn Thự, tự Đông-hi, hiệu Nghệ-điền, người làng Đông Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, sau thiên cư về quê mẹ ở Đông Ngạc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Sau đổi tên là Hoàng Xuân Thự. Theo sách Đông Hoàng gia phả (A. 954, tờ 54), ông sinh năm 1749, đậu tiến sĩ năm 1787, khoa Chiêu-thống đinh mùi, mất năm Cảnh-thịnh tân dậu (1801).
Năm 1787 (đời Lê Chiêu-thống) đậu tiến sĩ, gặp lúc Tây Sơn ra Bắc lần thứ hai, đánh Nguyễn Hữu Chỉnh, ông về làng ở ẩn. Sau ra làm quan với triều Tây Sơn, đến Hình bộ tả thị lang, tước Thuận-đình hầu; rồi đổi lên làm hiệp trấn tỉnh Lạng Sơn, khi chết được tặng bí thư các trực học sĩ.
Tác phẩm có: Đông-bình Hoàng gia thi văn (văn), A. 311
356. NGUYỄN HUY TỰ (1743 – 1790)
Nguyễn Huy Tự, người làng Trường Lưu, huyện La Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh năm 1743, là con Nguyễn Huy Oánh, đậu thám hoa đời Lê.
Năm 17 tuổi, ông đi thi hương đỗ hương cống. Năm 1768, ông làm tri phủ Quốc Oai (Sơn Tây), sau đổi làm võ chức, lưu thủ ở Hưng Hoá, được tổng đốc Quảng Tây tặng 4 chữ “Vũ khố hùng lược” và một đôi câu đối. Năm 1783, ông về nhà chịu tang mẹ vợ và nhân có loạn kiêu binh, ông lấy cớ xin về hưu. Năm 1790, ông vào Phú Xuân làm quan với nhà Tây Sơn, và mất trong năm này.
Tác phẩm của ông có: Hoa tiên truyện (văn, Nôm).
357. NGUYỄN VĂN DANH (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Văn Danh, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu; chỉ biết ông làm quan dưới thời vua Quang Trung (1788 – 1792).
Tác phẩm có: Đại Việt quốc thư tập (văn), A. 144.
358. TRẦN DANH ÁN (1754 – 1794)
Trần Danh Án, hiệu Liễu-am, người làng Bảo Triện, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sinh năm 1754, mất năm 1794.
Khoa đinh mùi, năm Chiêu-thống thứ nhất (1787), ông đậu hoàng giáp. Khi Tây Sơn ra Bắc (1789), Chiêu-thống chạy sang Trung Quốc, ông ốm không theo được, nên trốn về quê. Tây Sơn vời ra làm quan, ông nhất định không ra. Ông cùng với Trần Quang Châu, Dương Đình Tuấn khởi binh chống lại nhà Tây Sơn. Sau khi nghe tin Chiêu-thống mất, ông quay mặt về phương Bắc, kêu gào rồi chết.
Tác phẩm có:
- Liễu-am thi tập (văn);
- Tản-ông thi tập (văn);
- Quốc phong giải trào (văn);
- Phương độ liệt thảo châu lục (địa);
- Bảo-triện Trần tiến sĩ thi tập (văn);
- Lịch đại chính yếu luận (sử).
359. ĐÀO DUY TỪ (thế kỷ XVIII)
Đào Duy Từ, người làng Hoa Trại, huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá). Không biết ông sinh và mất năm nào.
Đào Duy Từ là người học giỏi, có tài thao lược, nhưng vì xuất thân trong gia đình làm nghề hát xướng, nên không được đi thi; ông bực trí bỏ vào Nam theo giúp chúa Nguyễn Hiền vương chống nhau với họ Trịnh ngoài Bắc. Chính ông là người đã cho đắp lũy Trấn-ninh và Trường-dục, đánh bại quân họ Trịnh, được chúa Nguyễn phong nội tán, tước Lộc-khê hầu.
Tác phẩm của ông có:
- Hổ trướng khu cơ (quân sự);
- Ngoạ-long cương văn (văn, triết).
360. NGÔ THẾ LÂN (thế kỷ XVIII)
Ngô Thế Lân, tự Hoàn-phác, hiệu Ái-trúc-trai, người huyện Hương Trà, Thuận Hoá (nay là Thừa Thiên), không biết ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông là một dật sĩ đời Lê mạt Nguyễn sơ.
Tác phẩm của ông có:
- Phong trúc tập (văn);
- Ngô Thế Lân thi tập (văn) (trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, A. 1175).
361. HOÀNG QUANG (thế kỷ XVIII)
Hoàng Quang, người Trà Hương, tỉnh Thừa Thiên, nổi tiếng hay chữ, nhưng không chịu ra làm quan với nhà Tây Sơn. Khi ở ẩn, ông thường nhớ các chúa Nguyễn nên làm khúc ca nhớ việc cũ (Hoài Nam ca khúc, bằng Nôm). Không rõ ông sinh và mất năm nào.
Năm 1802 (Gia Long thứ 1), ông mất, Nguyễn Ánh cho con ông là Hoàng Kim Hoán làm quan.
Tác phẩm có: Hoài Nam ca khúc (Nôm), (văn, sử).
362. NGUYỄN TỨ (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Tứ, còn tên là Đán, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung, Thanh Hoá); ông là con thứ tám Nguyễn Hoàng, nên còn gọi là Hoàng bát tử. Không biết ông sinh và mất năm nào.
Năm 1716, làm chức hữu cai đội. Ông có làm nhà ở làng Hương Cầu, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, lấy việc đọc sách, ngâm vịnh làm vui, có biệt tài về thơ quốc âm.
Tác phẩm của ông có: Hoa tình truyện (văn).
363. NGUYỄN CƯ TRINH (1716 – 1763)
Nguyễn Cư Trinh, có tên cũ là Nghi, hiệu Đạm-am, nguyên tổ tiên là người trường Phùu Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), về sau dời ra ở xã An Hoà, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh năm 1716 và mất năm 1763. Ông đậu hương tiến, làm quan đến tào vận sứ.
Nguyễn Cư Trinh là người có văn tài, có thao lược. Ông có tham gia vào việc đánh dân tộc Thạch Bích và đánh Chân Lạp (truyện ông có chép ở Đại Nam liệt truyện tiền biên, q.5, tờ 5-12).
Tác phẩm của ông có:
-
Đạm-am tập (văn, triết);
- Truyện Sãi
vãi, AB, 383 (viết nhân dịp đánh Thạch Bích).
364. MẠC THIÊN TÍCH (thế kỷ XVIII)
Mạc Thiên Tích, tự Sĩ-lân, là con Mạc Cửu, trấn thủ
Hà-tiên và là người Minh-hương. Không biết ông sinh và mất năm nào.
Năm 1736, được thay cha làm trấn thủ Hà-tiên, cho
đúc tiền, mở phố xá, tìm người văn học dạy học, mở thi xã “Chiêu Anh các” cùng
các thi gia xướng hoạ.
Mạc Thiên Tích có nhiều công giúp chúa Nguyễn. Về
sau sang Xiêm-la cầu cứu cho chúa Nguyễn, bị hại ở Vọng-các.
Tác phẩm có: Hà-tiên
thập vịnh (văn).
365. NGUYỄN ĐĂNG THỊNH (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Đăng Thịnh, tên chữ là Hương, hiệu Chuyết-trai,
người làng An Hoà, tỉnh Thừa Thiên, là anh em chú bác với Nguyễn Cư Trinh; không
biết ông sinh và mất năm nào.
Năm 14 tuổi, ông đã nổi tiếng hay chữ và đỗ hương
khoa năm 1721, được bổ tri huyện Hương Trà. Năm 1725 được cử làm thị giảng đông
cung, rồi thăng Lễ bộ, kiêm Lại bộ.
Tác phẩm của ông có:
-
Hiệu tần thi tập (văn);
- Chuyết-trai
văn tập (văn);
- Chuyết-trai
vịnh sử tập (văn, sử).
366. NGUYỄN ĐĂNG TIẾN (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Đăng Tiến, tên chữ là Mẫn, hiệu Minh-khiêm,
người An Hoà, tỉnh Thừa Thiên, là em ruột Nguyễn Đăng Thịnh.
Ông có tài học, nhà nghèo thi không đậu, nhiều người
mến tài, tiến lên chúa Nguyễn, ông được bổ làm đông cung thị giảng như anh.
Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên
chép: “Văn ông cổ kính thanh nhã, được người đương thời bắt chước”.
Tác phẩm của ông có: Minh-khiêm thi tập (văn).
367. NGUYỄN VĂN THÀNH (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Văn Thành, vốn người tỉnh Thừa Thiên, sau tổ
tiên di cư vào Gia Định, không biết ông sinh và mất năm nào.
Lúc nhỏ, ông ham đọc sách, lại giỏi võ nghệ, cùng
cha là Hiền giúp chúa Nguyễn Duệ-tông, sau cha ông đánh nhau với Tây Sơn bị chết
trận. Năm 1783, thành Sài Gòn thất thủ, Nguyễn Ánh trốn sang Xiêm, Nguyễn Văn
Thành theo không kịp; về sau lại tìm giúp Nguyễn Ánh lập được nhiều công, rồi
được cử đi làm Bắc-thành tổng trấn. Sau vì vụ án của con là Nguyễn Văn Thuyên,
ông bị hạ ngục và phải tự tử.
Tác phẩm có: Hoàng
Việt luật lệ (pháp lý) (cùng soạn với Vũ Trinh và Trần Hựu), VHV.10.
THẾ KỶ XVIII (TÂY SƠN)
368. NGUYỄN HỮU CHỈNH (? – 1787)
Nguyễn Hữu Chỉnh, thường gọi là Cống Chỉnh, người
làng Đông Hải, huyện Chân Phúc (nay là Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Không biết ông
sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1787.
Năm 16 tuổi, thi hương, đậu hương cống; năm 18 tuổi,
thi võ vào lọt cả ba trường, tài kiêm văn võ. Lúc đầu đi theo Hoàng Ngũ Phúc,
có tài về thuỷ chiến, được biệt hiệu là “Diều biển”; sau lại theo Hoàng Đình Bảo
là cháu của Hoàng Ngũ Phúc. Đến năm 1782, quân tam phủ nổi loạn ở Thăng Long,
giết Hoàng Đình Bảo, Chỉnh đang ở Nghệ An vượt biển vào Nam Hà theo Tây Sơn. Chỉnh
bày mưu giúp Nguyễn Huệ đánh úp Phú Xuân, và kéo quân ra Bắc Hà, lấy danh nghĩa
“Phù Lê diệt Trịnh”, giết Trịnh Khải, tôn Lê Cảnh Hưng. Khi Tây Sơn rút về Nam,
Nguyễn Huệ cho Chỉnh ở lại Nghệ An.
Lúc đó ở Bắc Hà, đảng Trịnh lại nổi lên hiếp chế
Lê Chiêu-thống, lại lập Trịnh Phùng (còn gọi là Trịnh Bồng). Chiêu-thống mật
triệu Chỉnh ra giúp, Chỉnh phá được họ Trịnh, được phong đại tư đồ, Bằng-trung
công, cầm binh quyền, giữ quốc chính, mới sai người vào Nam đòi Tây Sơn phải trả
lại Nghệ An cho nhà Lê.
Bắc-bình vương Nguyễn Huệ giận Chỉnh phản phúc,
sai tướng là Vũ Văn Nhiệm đem quân ra đánh, bắt và giết được Chỉnh.
Tác phẩm có:
-
Ngôn ẩn thi tập (văn);
- Cung oán
thi (văn), tức là Tần cung nữ oán Bái
công (văn);
- Quách Tử
Nghi phú (văn);
- Văn tế chị
(Nôm) (văn).
369. NGÔ THỜI NHIỆM (1746 – 1803)
Ngô Thời Nhiệm, hiệu Hi-doãn, người làng Tả Thanh
Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây, là con trai Ngô
Thời Sĩ, tiến sĩ triều Lê. Ông sinh năm 1746, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7, và mất
năm 1803, niên hiệu Gia Long thứ 3.
Thuở nhỏ, học giỏi, thi hương đậu giải nguyên; năm
1775 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36, nhà Lê), đậu tiến sĩ, năm ấy 30 tuổi, được bổ
đông các hiệu thư, thăng lên Công bộ thị lang, phạm lỗi phải cách chức. Năm
1787 (đời Lê Chiêu-tông) lại được làm hàn lâm hiệu thảo, Lễ khoa cấp sự trung.
Khi nhà Lê mất (1788), ông được vua Quang Trung,
triều Tây Sơn trọng dụng, làm Lại bộ thị lang, phàm những giấy tờ giao thiệp với
nhà Thanh trước và sau trận chiến thắng Đống Đa (1789), đều do một tay ông soạn;
dần dần thăng đến chức Bộ binh thượng thư, Tình-phái hầu, thị trung đại học sĩ,
sung chánh sứ, sang giao thiệp với nhà Thanh.
Khi nhà Tây Sơn mất (1802), ông và ông Phan Huy
Ích bị Nguyễn Ánh cho đưa ra Bắc Thành (Hà Nội), đem đánh đòn ở Văn Miếu để cảnh
cáo sĩ phu Bắc Hà đã theo Tây Sơn. Vì Ngô Thời Nhiệm có thù riêng với Đặng Trần
Thường, lúc ấy làm tán ly Bắc Thành, Thường mới sai người đánh chết. Trước khi
đánh, Thường có đến ngục, ra cho ông một vế câu đối, bắt phải đối, ông đã đối lại
một câu rất nổi tiếng mà ngày nay vẫn còn truyền tụng.
Tác phẩm của ông có:
-
Hàn uyển anh hoa (văn);
-
Bang giao tập (công văn
ngoại giao) (sử, văn);
-
Hoa trình chỉ nam tính hoạ đồ (sử);
-
Hi-doãn thi văn tập
(văn);
-
Hoàng hoa đồ phả (sử);
- Yên đài
thu vịnh (văn);
-
Cúc đường bách vịnh (văn);
- Bang giao
hảo loại (sử, văn);
-
Hào mân ai lục (văn);
-
Kim mã hành dư (sử, văn);
-
Trúc lâm tôn chỉ nguyên thanh (triết), A. 461;
-
Xuân thu quản kiến (sử);
-
Hải đông chí lược (địa),
v.v…
370. NGUYỄN THIẾP (1723 – 1804)
Nguyễn Thiếp, tự Khải-chuyên, hiệu Lạp-phong và Lục-niên
phu tử, Hạnh-am và La Sơn phu tử, người làng Nguyệt Ao (còn gọi là Nguyệt Úc),
huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh năm 1723 và mất
năm 1804, thọ 82 tuổi.
Nguyễn Thiếp đậu hương cống đời Lê, có ra làm huấn
đạo và tri huyện Thanh Chương, rồi vì thời thế loạn lạc, ông bỏ quan về ẩn ở
núi Nam-hoa (còn gọi là núi Thiên-nhân). Năm 1788, Bắc-bình vương Nguyễn Huệ
sau khi lên ngôi vua, lấy niên hiệu Quang Trung, đem quân ra Bắc đánh quân
Thanh, có cho mời ông ra hỏi về mưu phá giặc; sau đó lại cho người mang thư và
lễ vật mời ra làm quan; ông nhất thiết từ chối và không làm quan. Nhưng về sau,
cảm tình tri ngộ của vua Quang Trung, ông có giúp nhà Tây Sơn việc lập Sùng
chính thư viện và dịch một số sách ra quốc âm. Sau khi vua Quang Trung mất,
Nguyễn Quang Toản cho triệu, ông nhất định từ chối không ra. Sau khi Gia Long
thu phục Phú Xuyên, ông có vào yết kiến, nhưng xin về quê hương.
Tác phẩm của ông có:
- La Sơn thi tập (văn);
- Lạp-phong văn cảo (văn, sử);
- Hạnh-am thi văn tập (văn, sử).
370b. NINH TỐN (1743 - ?)
Ninh Tốn, hiệu Chuyết-am, người làng Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, sinh năm 1743, không rõ mất năm nào.
Năm 1778 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39), ứng chế hợp cách, được bổ thừa chính sứ. Năm 1788 (đời Lê Chiêu-thống) làm Công bộ hữu thị lang kiêm Lễ bộ, tước Trường-nguyên bá.
Nhà Lê mất, ông làm quan với triều Tây Sơn đến Binh bộ thượng thư, tước hầu.
Tác phẩm của ông có: Chuyết-sơn thi tập (văn).
371. NGUYỄN THẾ LỊCH (1749 – 1829)
Nguyễn Thế Lịch, còn có tên là Nguyễn Gia Phan, hiệu Dưỡng-hiên, người làng Yên Lũng, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1749 và mất năm 1829, thọ 81 tuổi.
Năm 1775 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 triều Lê), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 26 tuổi, được bổ hàn lâm thị thư rồi thăng thiêm đô ngự sử, bồi tụng, Binh bộ hữu thị lang, tước Hoàng-phong bá. Nhà Lê mất, ông ra làm quan với nhà Tây Sơn, đến chức thượng thư bộ Lại. Ông là người giỏi về y học.
Tác phẩm của ông có:
- Lý âm phương pháp thông lục (y);
- Liệu dịch phương pháp toàn thư (y);
- Tiểu nhi khoa (y);
- Thai sản điều lý phương pháp (y).
372. PHAN HUY ÍCH (1751 – 1822)
Phan Huy Ích, hiệu Dụ-am, người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh ngày 12 tháng 12 năm canh ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11 (9-1-1751) và mất ngày 20 tháng 2 năm nhâm ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (12-3-1822). Ông là con trai Phan Huy Áng, anh ruột Phan Huy Ôn, ba cha con đều đậu tiến sĩ, làm quan cùng triều. Ông là con rể Ngô Thì Sĩ và là thân sinh ra Phan Huy Chú.
Năm 1775 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 26 tuổi, sau khi đậu, được bổ hàn lâm thừa chỉ, ra làm tham chính sứ Sơn Nam. Nhà Lê mất, ông được vua Quang Trung trọng dụng, làm Lại bộ hữu thị lang, sang sứ Trung Quốc, giao thiệp với nhà Thanh; sau trận Đống Đa (1789), được thăng đến chức thị trung ngự sử, Lễ bộ thượng thư, tước hầu.
Nhà Tây Sơn mất, ông và Ngô Thời Nhiệm bị nhà Nguyễn đưa ra Bắc Thành đánh đòn ở Văn Miếu; rồi sau về ẩn ở quê nhà dạy học, thọ 70 tuổi.
Tác phẩm của ông có:
- Cúc đường bách vịnh thi tập (văn), A. 1168;
- Tinh sà kỷ hành (văn, sử), A. 1383;
- Dụ-am thi văn tập (văn, sử), A. 603, A. 604, VHV. 1467;
- Bang giao tập (sử), A. 691.
373. LÊ NGỌC HÂN (thế kỷ XVIII)
Lê Ngọc Hân, là con gái thứ 21 vua Lê Hiển-tông (Cảnh Hưng) và mẹ là Nguyễn Thị Huyền (người làng Phù Ninh, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Không biết sinh và mất năm nào, Bà là người giỏi thơ văn.
Năm 1786, khi Bắc-bình vương Nguyễn Huệ tiến binh ra Bắc lần thứ nhất, với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”, vua Lê phong chức tước và gả Lê Ngọc Hân cho ông làm vợ. Bà theo chồng về Nam. Năm 1788, Bắc-bình vương lên ngôi hoàng đế, bà được phong làm Bắc-cung hoàng hậu. Đến năm 1792, vua Quang-trung chết, bà thương xót, có làm thơ văn khóc viếng.
Tác phẩm (Nôm) của bà có:
- Ai tư văn (khóc vua Quang-trung) (văn), v.v…
374. NGUYỄN HUY LƯỢNG (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Huy Lượng, nguyên quán làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh cũ (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), sau di cư sang làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không biết ông sinh và mất năm nào.
Ông đỗ hương cống đời Lê, trước có làm quan triều Lê, sau ra làm quan với triều Tây Sơn, được phong tước Chương-lĩnh hầu. Năm 1802, vua Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản tế đàn hạ chí ở Tây-hồ (Hà Nội), có sai ông soạn bài phú “Tụng Tây-hồ”, gồm 86 liên, ngụ ý ca tụng công đức nhà Tây Sơn; nhưng đồng thời cũng nói lên cảnh đẹp đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Tác phẩm của ông có:
- Tụng Tây-hồ phú (Nôm) (văn), AB. 299;
- Cung oán thi (văn).
375. VŨ HUY TẤN (thế kỷ XVIII)
Vũ Huy Tấn, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (Bình Giang, tỉnh Hải Dương), là con trai Vũ Huy Đĩnh, tiến sĩ triều Lê. Không biết ông sinh và mất năm nào.
Triều Lê, ông thi đậu hương cống, sau ra làm quan với triều Tây Sơn, sang sứ nhà Thanh, giao thiệp và xướng hoạ với triều thần Mãn Thanh. Đi sứ về, làm quan đến chức Công bộ thượng thư.
Tác phẩm của ông có: Hoa trình tùy bộ (văn).
376. ĐOÀN NGUYỄN TUẤN (thế kỷ XVIII)
Đoàn Nguyễn Tuấn, người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Ông là con Đoàn Nguyễn Thục, đậu hoàng giáp triều Lê; không biết ông sinh và mất năm nào.
Triều Lê, ông thi đậu hương cống, sau ra làm quan với triều Tây Sơn, đến hàn lâm trực học sĩ, tước hầu. Sau trận chiến thắng Đống Đa (1789), ông được cử đi sứ giao dịch với nhà Mãn Thanh. Đi sứ về, thăng lên Lại bổ tả thị lang, tước Hải-phái hầu.
Tác phẩm của ông có: Hải-ông thi tập (văn).
377. LÝ TRẦN QUÁN (1734 – 1786)
Lý Trần Quán, quê ở làng Thái Bạt, huyện Bất Bạt, Hà Tây, là dòng dõi Trần Cận và là cháu ngoại Đồng Công Toản ở Thượng-yên quyết, sau sang quê ngoại ở Vân Canh, lấy họ Lý, thành người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm giáp dần Long-đức thứ ba (1734), tự sát năm 1786.
Năm bính tuất (1766), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27, ông đậu đồng tiến sĩ, sau đổi tên là Toản, làm quan đông các học sĩ, giữ chức quốc sử tư nghiệp, làm thiêm sai tri Binh phiên. Năm bính ngọ (1786), ông được cư đi chiêu phủ ở làng Hạ Lôi (nay thuộc Vĩnh Phúc). Nhân gặp khi Trịnh Khải thua quân Tây Sơn do Nguyễn Hữu Chỉnh thống suất, chạy trốn lên vùng ấy, ông sai học trò thân tín của ông là Tuần Trang đưa Trịnh Khải về làng; nửa đường Trang bắt Khải đem nộp cho quân Tây Sơn, Lý Trần Quán nghe tin học trò mình làm việc đó, hối hận tự chôn mình chết.
Tác phẩm có: Thiên Nam liệt khoa hội tuyển (văn) và một số thơ văn khác.
378. VŨ TRƯỜNG TOẢN(1) (? – 1792)
Vũ Trường Toản, người thôn Hoà Hưng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất vào năm 1792. Thời loạn ở ẩn, không ra làm quan.
Vũ Trường Toản là một học giả có đạo đức, mở trường dạy học ở Gia Định. Học trò của ông đều là các thi gia, văn gia, như: Ngô Tông Chu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Phạm Đăng Hưng, Phạm Ngọc Uẩn, v.v… Vì có công đào tạo nhân tài, duy trì đạo đức, nên lúc ông mất được truy tặng là Gia Định xử sĩ Sùng đức Vũ tiên sinh.
Tác phẩm của ông bị mất cả, chỉ còn lại một bài: Hoài cổ phú bằng chữ Nôm.
379. NGUYỄN ĐỨC TÚ (thế kỷ XVIII)
Nguyễn Đức Tú, người làng Bái Ân (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), theo gia phả thì ông sống vào khoảng thế kỷ XVIII, không biết ông sinh và mất năm nào.
Tác phẩm có: Bái-Ân Nguyễn tộc gia phả.
(1) Sự việc này ghi chép trong sách Triều Tiên: Chi phong tiên sinh tập, quyển thứ 8.
(1) Hai văn bia này ở chùa Bút Tháp, số bia của Thư viện Khoa học trung ương: 8639 và 5159, niên hiệu húuc-thái thứ 4, tức là năm 1646 và thứ 5, tức là năm 1647. Văn bia thứ nhất ghi rõ: “Chính cung hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu Pháp-tính…”. Văn bia thứ viết rõ hơn: “Đương kim Lê triều hoàng thái hậu hoằng thiền đàn việt đạo tràng mẫu, chúa bà Kim-cương Trịnh thị, đạo hiệu Pháp Tính…” (hiện nay hoàng thái hậu triều Lê phổ biến cúng lễ Phật ở các chùa, làm chủ buổi lễ là chúa bà Kim-cương họ Trịnh, đạo hiệu Pháp-tính).
(1) Có nơi gọi là Hồng-hà nữ sử.
(1) Chinh phụ ngâm, tương truyền có nhiều bản dịch: một bản của Đoàn Thị Điểm, một bản của Phan Huy Ích và nhiều bản khác.
(1) Tạo sĩ là một khoa thi võ cấp cao nhất đời Lê, ngang với tiến sĩ thi văn.
(1) Chữ
“Trác” có “nhật” bên***
(1) Xem thêm bài “Vũ Trường Toản” trong tạp chí Tri tân số 1, ngày 03-6-1941, tr.7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét