Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Di sản Hán Nôm: Bút tích đề Động Hồ Công

Động Hồ Công ở trong núi Xuân Đài, xã Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc, trấn Thanh Hóa, phía trước sát với sông Mã, cảnh trí rất đẹp. Trong động có hai pho tượng đá, tương truyền ngày trước có một ông già dắt tiểu đồng đến đây hái thuốc rồi biến mất. Vua Lê Thánh Tông từng nói trong 36 động của nước ta thì động này là động thứ nhất.
Dưới chân động có chùa Du Anh tục gọi là chùa Thông. Lần trước đến đây còn Tấm bia lớn của Phùng Khắc Khoan[1] đang nằm trong nhà dân phía đối diện đường Quốc Lộ. Nhà ấy nằm ngay dưới chân núi Xuân Đài. Bia đá thuộc nhóm bia hộp được tạc từ mỏm đá nguyên khối cao 2,5m, cả 4 mặt đều khắc chữ Hán. Nội dung bia đá khắc tên các bậc vua, chúa, hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều đã đóng góp tiền của trùng tu lại chùa trong thời gian đó. Tên bia: “Trùng tu Xuân Đài sơn, Hồ Công động, Du Anh tự bi”, mặt sau khắc niên đại “Ngày lành tháng 10 niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1605)[2] Còn nhớ là nhà đó nuôi con chó to, in xong 1 mặt bia phơi ở sân nhà, con Cẩu ấy săn được con chuột ở đâu về nhằn ngay trên mặt thác bản máu nhoe nhoét. Bà Hòa[3] sợ phát Kinh.
Nay có đồng nghiệp lại vui cảnh đăng lâm, chụp nguyên hình lên Facebook. Xin đăng lại cho hàng quán thêm vui. Trích dẫn đánh máy từ nhiều nguồn khác nữa.


[1] Mình hay bị nhầm 3 cụ Lương Thế Vinh, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn với nhau thế mới lạ. Bia đã mờ gần hết. Cứ đề tạm ai có nhu cầu tự tìm hiểu.
[2] http://thanhhoa.gov.vn/vi-vn/vinhloc/Pages/Printer.aspx?articleID=25
[3] Cán bộ Văn thư Viện Hán Nôm.

题壶公洞并引
洪德九年仲春戊子大驾发自蓝京醴江驻札时微风吹暖薄日曛晴予乘兴登舟 游壶公洞. 樊缘白石倚徙绿阴 ??? 临高渺 ??? 一章永留于石云
神錐鬼鑿萬重山
虛室高窗宇宙寬
世上公名都是夢
壺中日月不勝閒
花陽龍化玄珠墜
碧峒泉流白玉寒
我欲乗風陵絕頂
望窮雲海有無間
Đề Hồ công động tịnh dẫn.
Hồng Đức cửu niên trọng xuân Mậu tí. Đại giá phát tự Lam Kinh, Lễ giang. Trú trát thời, vi phong suy noãn. Bạc nhật huân tình. Dư thừa hứng đăng chu du Hồ Công động. Phan duyên bạch thạch, ỷ tỉ lục âm ?? lâm cao diểu ??? ...[1] nhất chương vĩnh lưu vu thạch vân.
Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san,
Hư thất cao song vũ trụ khoan.
Thế thượng công danh đô thị mộng,
Hồ trung nhật nguyệt bất thăng nhàn.
Hoa dương long hóa huyền châu trụy.
Bích động tuyền lưu bạch ngọc hàn.
Ngã dục thừa phong lăng tuyệt đính,
Vọng cùng vân hải hữu vô gian.
Thiên Nam động chủ đề[2].
Phỏng dịch:
Đề động Hồ công và bài dẫn
Giữa xuân Mậu tí năm Hồng Đức thứ 9 (1478), đại giá từ Lam Kinh qua Lễ giang. Lúc dừng nghỉ, gió nhẹ thổi ấm, quang tạnh trời chiều, ta nhân hứng lên bờ thăm thú cảnh động Hồ công. Đường leo đá trắng, cảnh mát âm u ??? ... lên cao ... để lại 1 bài thơ mãi ghi vào đá rằng:
Thần đào quỷ đẽo núi muôn trùng,
Cửa trống nhà cao rộng thoáng không.
Cõi tục công danh toàn mộng mị,
Trong bầu ngày tháng rất ung dung[3].
Hoa Dương rồng hóa châu rơi rắc[4],
Động biếc khe tuôn ngọc lạnh lùng.
Muốn cưỡi gió trèo lên tuyệt đỉnh,
Khắp nhìn trời biển khoảng mênh mông.[5]


[1] Đọc qua ảnh nhiều chữ không rõ. Sau này xin sửa lại. Ai biết thì gửi thông tin đính chính cho, xin chân thành cảm ơn.
[2] Thiên Nam động chủ: Vua Lê Thánh Tông tự xưng Thiên Nam động chủ.
[3] Trong bầu, dịch từ câu Hồ trung nhật nguyệt壺中日月. Hồ có nghĩa là Bầu, lấy điển trong Tiên thoại, có ông già quẩy quả bầu đi ngao du. Khi nào nghỉ thì treo quả bầu lên rồi chui vào đó mà ở trong đó, nói với người là trong đó có đủ cả nhật nguyệt, đủ để tự tại rồi. Tỏ ý thành tiên thoát trần rồi. Câu thơ nói là sự nhàn nhã còn hơn cả tiên nữa. Ứng với chuyện ông già ấy mà đặt tên động là động Hồ công.
[4] Hoa Dương là địa danh trong truyền thuyết, tương truyền là nơi vua Huỳnh đế cưỡi rồng lên trời, có hạt châu đen còn rơi lại lưu dấu vết. Cũng có ý nói đắc đạo thành tiên rồi còn lưu cái cảnh lại với đời như động Hồ công này vậy.
[5] Dịch thơ tham khảo từ nguồn http://www.thivien.net/viewpoem.php?UID=VFwuFk78nehnOYmywtI3oQ
NGỰ CHẾ ĐỀ HỒ CÔNG ĐỘNG
Sách mã du du đáo động thiên,
Phan vân trực thướng phỏng hành tiên.
Nguyệt du nguyên miếu ca phong hậu,
Địa tịch hư song thái cực tiên.
Tùng quế tung hoành phân tục cảnh,
Hà sơn thu lãm nhập thi quyền.
Kỳ thanh vũ hóa hồ trung khách,
Thái vận quang phù ức vạn niên.
Thượng Dương động chủ đề. Cảnh Thống kỷ nguyên chi tứ, Tân Dậu trọng xuân bái yết tẩm lăng, hành hạnh Tây đô lưu đề nhất luật. Trung thư giám chính tự, thần Ngô (Ninh?) phụng tả.
Phỏng dịch:
NGỰ CHẾ ĐỀ ĐỘNG HỒ CÔNG
Thong thả buông cương đến động trời,
Vịn mây lên thẳng động tiên chơi.
Gió trăng cổ miếu[1] vui non nước,
Bờ cõi hư không lặng đất trời.
Tùng cúc đã chia nên khác tục,
Văn chương gác lại biết bao lời.
Bầu tiên cảnh lạ cùng tiên khách,
Vận nước hanh thông ức vạn đời.
Thượng Dương động chủ [2]đề. Tháng 2 mùa xuân năm Cảnh Thống thứ 4 [1501] tuế thứ Tân Dậu bái yết sơn lăng, trên đường đi lưu đề ở Tây Đô 1 bài. Trung thư giám chính tự là Ngô (Ninh?) phụng mệnh viết chữ.[3]


[1] Nguyên văn là Nguyên miếu.  Nói ngoài Miếu chính lập thêm miếu thờ khác bên ngoài thì gọi là Nguyên miếu. Đây có ý nói miếu lập bên ngoài của nhà Lê. Vua Hiến Tông đi ngắm trăng chơi nơi Nguyên miếu.
[2] Vua Lê Hiến Tông tự xưng là Thượng Dương động chủ.
[3] Tham khảo nguồn http://home.thuhoavn.com/?p=1654
Bút tích chúa Trịnh Sâm: Thanh Kì Khả Ái- Vẻ đẹp thanh thoát kì lạ mà đáng yêu
Bút tích Hồng Anh cư sĩ Nguyễn Nghiễm: Sơn Bất Tại Cao- Núi không phải vì cao. Lấy ý câu: Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Nói núi này nhờ có Tiên Hồ công mà nổi danh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét