Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Trung Hậu Truyền Gia 忠厚傳家

忠厚傳家遠  Trung Hậu truyền gia viễn
德仁處世長 Đức Nhân xử thế trường
Dịch là:
Lấy đạo Trung Hậu để truyền lại cho gia đình
Dùng Đức Nhân để đối đãi với đời
Là đôi câu đối phổ thông, gần đây thường xuất hiện ở các xưởng Mỹ nghệ cổ truyền. Câu đối 5 chữ, đơn giản, ý nghĩa không cầu kỳ. Dễ giảng dễ đọc thuận khẩu. Nhưng chưa bao giờ tôi được nhìn thấy cặp đối này thực sự cổ kính cả. Đều là mới làm, kiểu tân thời, màu sắc lẫn chữ viết lòe loẹt.
Mới hôm, dạo mạng Facebook, anh bạn Già Ngu đăng cái bức này. Tuy không phải đối, nhưng nét chữ rất trung hậu, đẹp giản dị. Mà thực cổ từ thời các Cụ. Tôi cũng không dịch nữa. Vì ý nghĩa thuần hậu dễ hiểu, không hiểm hóc điển cố gì.
 忠厚傳家

Trung Hậu truyền gia

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Tửu - Cầm - Phong - Nguyệt / Đền Và - Sơn Tây

Câu đối treo tại đền Và – Sơn Tây.
酒邀江口月
琴弄岸頭風

Tửu yêu giang khẩu nguyệt
Cầm lộng ngạn đầu phong
Ý là:
Cửa sông trăng mời rượu
Đầu núi gió gẩy đàn

Đây là 1 đối câu đối nhàn thú, không phải câu đối thờ thần như những câu khác. Trên nền mộc gỗ, nhưng thiếp vàng. Nhìn qua có thể thấy đây là câu đối nhàn thú, của những nhà quyền quý. Ngẫm lại, sao nó lại lọt vào đền Và?. Đầu óc miên man suy tưởng về thời kỳ xa vắng. Đền là nơi những người tu Đạo, có tinh thần của Đạo giáo, nên khẩu khí câu đối này cũng hợp lắm. Nhưng hoàn cảnh lịch sử đôi khi cũng khắc nghiệt. Là câu đối nhà dân mà trải tang thương dâu bể, chịu tiếng phong kiến, địa chủ hủ bại mà bị phát tán, trưng thu rồi lại chạy vào cửa Đền chăng? 
Không biết được nữa. Mỗi lần đến di tích thấy lạ là 1 lần cảm khái. Như chùa Quỳnh – Long Khánh tự ở Quỳnh Mai có bức hoành phi chả liên quan gì đến Phật pháp cả. Có lẽ nào nó cũng từ một nhà Nho Quân tử mà bị bể dâu lưu lạc đến cửa chùa.
 Bức là:
金玉君子
Kim Ngọc Quân Tử
Gợi cho cảm giác Nho Quân tử như Kimnhư Ngọc; Nho Tiểu nhân như Phẩnnhư Thổ.
Vàng Ngọc là những thứ thanh thuần nhã quý. Ví với đức Quân tử thật không có gì hơn. Chơi với người quân tử, như đeo vàng đeo ngọc vào mình.

Còn kẻ tiểu nhân thì như Cứt như Đất. Tầm thường bẩn tưởi. Dây với tiểu nhân thì hôi hám mình. Như dính cứt dính đất vậy.

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Dự án Hán-Anh ( Phạm Thị Hoài - September 6, 2017)

Dự án Hán-Anh


Những năm cuối 80, khi thập kỷ cộng sản tương tàn ở châu Á dần kết thúc, Việt Nam sắp rút quân khỏi Cam Bốt và chuẩn bị lên đường tới Thành Đô, tôi xin đi học chữ Hán ở Hà Nội. Với giấy giới thiệu của Viện Sử học. Đó là những đêm ngay trước Đổi Mới.
Giấy giới thiệu ở Việt Nam là một thủ tục kinh dị, phiền hà và vô nghĩa ngang nhau, song lần ấy nó có vẻ không đơn thuần là hình thức. Cả lớp ba chục học viên toàn nâu sồng, ngoài tôi và ba người khác. Ba vị trần thế này thường ngủ gật. Công an mật, ni sư ngồi cạnh tôi đoán thế. Có lần tôi đến chỗ một người, hỏi thẳng, anh là an ninh à? Anh ta lườm. Ngoài các nhà sư và một nhân viên tư liệu chưa tiết lộ âm mưu viết văn là tôi, dường như cả xã hội không giới thiệu thêm ai đi học chữ Hán. “Tập đoàn phản động Bắc Kinh” khi đó không còn là một cụm từ nóng, song vẫn chưa nguội hẳn.
Động lực của tôi không có gì sâu xa. Khi ấy tôi mới đi du học về, dùng tiếng Việt còn chưa thuần thục mà ở môi trường làm việc, cứ hít vào là Lịch triều với Loại ngữ, thở ra là Toàn thư với Cương mục. Tôi phát bực, quyết đi học để khỏi ngồi nghe sấm. Sau những ngang bằng sổ thẳng đầu tiên và vài chục bộ thủ, chẳng mấy chốc tôi đã bỏ túi kha khá, từ “cử đầu hồng nhật cận, đối ngạn nhất chi mai” đến “yên ba thâm xứ đàm quân sự, dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”, những bài khóa cơ bản của chương trình. Trừ Ngục trung Nhật ký, thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh rất thích hợp cho người Việt mới nhập môn Hán ngữ.
Song tôi đã đắc chí quá sớm. Cũng chẳng mấy chốc, chữ vào thế nào lại ra tuồn tuột thế ấy. Tôi không có cách nào nhớ nổi mặt chữ, ngoài trên dưới trăm chữ tối thiểu của tối thiểu. Nghiến răng chấp nhận cả chiết tự cũng chẳng khả quan hơn, có thể vì tôi vốn không ưa đánh đố và giải đố. Những chữ có thể dùng chiết tự mà luận ra được chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ và đã bị làm thí dụ minh họa đến xơ xác; trong đó tôi ghét nhất chữ “an”, cô nàng dưới mái, nó luôn khiến tôi nghĩ đến Nora và Nhà Búp-bê của Ibsen. Phần chữ Hán khổng lồ còn lại, bạn chỉ có thể thuộc nếu bạn không làm một việc gì khác trong đời ngoài ngắm nó từ sáng đến tối và trước khi đi ngủ bỏ ra ngắm vài chục lần nữa. Nhưng thuộc không phải là hiểu. Thậm chí đọc thông viết thạo cũng chưa là một bảo đảm nào hết. Ni sư ngồi cạnh tôi có thể đọc vanh vách phần lớn văn bản Dụ chi tỳ tướng hịch văn và Thiên đô chiếu mà thực ra chưa “vỡ mặt chữ”, tức chẳng hiểu gì hết, trong khi tôi mù tịt mặt chữ, song nghe âm Hán-Việt lại hiểu quá nửa. Chúng tôi bổ sung cho nhau thật tuyệt vời, nhưng suốt đời phụ thuộc vào một nhà sư thì tôi không sẵn sàng. Sau một khóa, tôi bỏ cuộc, tạm biệt ba chú cá chìm ngáp ngủ. Không lâu nữa, tôi cũng chia tay thế giới của Lịch triềuLoại ngữToàn thư và Cương mục. Chẳng ai có thể sống hết những cuộc đời hấp dẫn.
Cùng thời điểm đó, nhà Hán học giàu ảnh hưởng John DeFrancis – cũng là tác giả của cuốn Chủ nghĩa thực dân và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (Colonialism and Language Policy in Vietnam, 1977) – cho xuất bản cuốn Hán ngữ. Sự thật và huyễn tưởng (The Chinese Language. Fact and Fantasy, 1986). Ba thập niên sau tôi mới biết đến nó và vừa bắt tay vào đọc vừa nghe trống ngực đập thình thịch: Ở chương nhập đề, ông kể về dự án bí mật Hán-Anh (The Singlish Affair; Singlish = Sino-English, tránh nhầm với Singlish = Singapore English). Tôi xin phóng tác gọn như sau:
Trong Thế chiến II, một ủy ban do tướng Tōjō trực tiếp chỉ đạo được thành lập, với nhiệm vụ soạn thảo một dự án mật: cải cách hệ thống chữ viết ở các nước sử dụng tiếng Anh sắp bị Nhật chiếm đóng và sáp nhập vào Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á, đầu tiên là Hawaii, rồi đến Úc và New Zealand, cuối cùng sẽ là Hoa Kỳ. Ủy ban gồm một giáo sư Nhật phụ trách và ba học giả, đại diện cho ba quốc gia đã đầu hàng Nhật: Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.
Học giả Việt tên Phi trình bày ý tưởng dùng Hán tự thay thế hệ chữ cái La-tinh ở các nước nói tiếng Anh. Ông có hai lập luận. Một: thống sứ Paul Bert từng coi chính sách đô hộ văn hóa và ngôn ngữ của thực dân Pháp ở Việt Nam là phù hợp với quy luật của lịch sử, phương Tây với tàu chiến và kỹ thuật hiện đại tất yếu nắm quyền bá chủ ở phương Đông lạc hậu. Công sứ E. Aymonier còn đề nghị thay thế hẳn tiếng An Nam quá sơ khai và thiếu tương lai bằng tiếng Pháp. Nay, cũng theo quy luật vĩnh cửu ấy, lịch sử bỏ bom lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đại Đế quốc Nhật Bản, cũng với tàu chiến hùng hậu và kỹ thuật tối tân, phương Đông quay lại đè cổ phương Tây đã suy đồi lại suy thoái. Hai: Hán tự muôn phần ưu việt. Nó sâu sắc hơn hẳn những chữ cái La-tinh thuần túy ký âm vô hồn. Nó làm nên những thành tựu huy hoàng từ thuở phương Tây trọc phú còn chưa nứt mắt. Nó đủ sức ghi những ngôn ngữ khác nhau nhất, từ tiếng Hán hay tiếng Việt đơn âm đơn lập đến tiếng Nhật hay tiếng Hàn đa âm chắp dính. Vì thế nó chắc chắn chuyển tải được các ngôn ngữ hòa kết phương Tây và vô cùng thích hợp để đảm đương vai trò là hệ thống văn tự phổ quát toàn thế giới.
Học giả Trung Quốc tên Li tán đồng nhưng đề nghị thêm, rằng các nước dùng tiếng Anh nên đi đúng con đường của các dân tộc Đông Á, nơi chữ Hán từng là văn tự chính thức hàng trăm năm như ở Nhật, Hàn, hay thậm chí cả ngàn năm như ở Việt Nam. Tuy khác là tiếng Anh đã có hệ ký tự La-tinh, song đó chỉ là một mớ ký hiệu vớ vẩn, thiếu hẳn tính mỹ thuật, không thể so với trình độ văn minh của chữ Hán. Trước hết có thể tạm giữ Anh ngữ vài năm ở tiểu học, song về lâu dài sẽ thay thế bằng Hán ngữ, tuy nhiên cũng thể tất cho đám dân hạ đẳng phương Tây đó bằng việc lưu một số từ tiếng Anh sơ đẳng. Kinh Thi là tác phẩm bắt buộc mà học trò phương Tây phải học khi mới cắp sách đến trường. Con đường Hán hóa đó rất gian nan, song có thể đặt lòng tin vào giới trí thức biết tiếng Hán: họ sẵn sàng làm tất cả để cộng tác, nhằm duy trì địa vị tinh hoa của mình, như kinh nghiệm rất dễ chịu ở các nước Đông Á đã cho thấy.
Các học giả khác lưu ý rằng với thi ca, âm điệu mới là thiết yếu. Li đồng ý rằng người Mỹ nói tiếng Hán thường giống một tai nạn, và nếu để họ ghi âm tiếng Hán bằng ký tự của họ, chẳng hạn my ma (đọc: mai ma), thì đố ai biết đó là mai táng mẹ (mai ma), mua tài mà (mại mà) hay bán ngựa (mãi mã). Học giả Nhật tên Ōno và học giả Hàn tên Kim thảo luận thêm về những trường hợp tương tự trong tiếng Nhật và tiếng Hàn, cuối cùng tất cả đều nhất trí lên danh sách một vạn từ tiếng Hán cần cấy vào tiếng Anh để làm phong phú và hoàn thiện vốn từ vựng Anh ngữ.
Bước vào chủ đề chính, ban đầu các học giả có một chút bất đồng, chẳng hạn trong thảo luận dùng chữ Hán để thể hiện những diễn đạt vốn không có trong tiếng Hán. Nên viết tên Anna với chữ ān (安) bình yên tích cực hay chữ àn (暗) u ám tiêu cực. Học giả Việt khoái chí đưa ra so sánh: viết bằng ký tự Việt, tên của vị Toàn quyền Doumer sẽ là Đù-Mẹ. Song trọng tâm công việc của ủy ban là Hán tự hóa Anh ngữ. Bốn học giả soạn ra một văn bản mẫu, bắt đầu bằng dòng sau đây:
佛爾 斯國爾恩得色文伊爾斯阿鉤
Âm Hán-Việt của nó: “phật nhĩ tư quốc nhĩ ân đắc sắc văn y nhĩ tư a câu” là một sự vô nghĩa hoàn hảo, song âm Hán gốc, “Fó ěr sī guó ěr ēn dé sè wén yī ěr sī ā gōu” thì tiết lộ một trật tự nào đó. Tinh ý có thể nhận ra fó+ěr = for, sī+guó+ěr = sgour, ēn+dé = end, sè+wén = sewen, yī+ěr+sī = yirs, ā+gōu = agou. Không nghi ngờ gì nữa, đó chính là sáu từ mở đầu Gettysburg Address, bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ: “Four score and seven years ago…” (“Tám mươi bảy năm trước…”), viết bằng chữ Hán.
Nhưng đấy mới chỉ là phần dễ dàng nhất của công cuộc xây dựng ngôn ngữ toàn cầu Hán-Anh. Sau đồng thuận về mục đích vĩ đại đó, Nhật, Hàn, Hán và Việt bắt đầu cãi nhau về phương pháp.
Việt lấy chữ Nôm ra làm mẫu. Chẳng hạn từ four, phải được viết là四佛, gồm chữ tứ (sì) biểu ý và chữ phật (fó) biểu âm. Các học giả khác phản đối kịch liệt. Tiếng Việt có gần 5000 âm mà đã mệt lử với đam mê phức tạp hóa vấn đề của chữ Nôm, tiếng Anh có trên 8000 âm mà theo cách này thì thất bại ngay từ đầu, như chữ Nôm đã thất bại thảm hại. Nhật đề xuất hệ thống chữ Kana, Hàn yêu cầu dùng bảng chữ cái Hangul và Hoa đương nhiên đặt Hán tự cổ điển trên tất cả.
Chẳng ai chịu ai, bốn vầng trán đã thêm nhiều nếp nhăn cao quý mà cuộc chiến chữ nghĩa không tìm ra hồi kết. Nhưng bên ngoài tháp ngà của họ, cuộc chiến đẫm máu bỗng kết thúc. Hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Nhật. Tướng Tōjō bị treo cổ sau khi tự sát không thành. Khối Đại Đông Á tan tành. Ủy ban Hán-Anh lẳng lặng giải tán. Thay vì học viết Gettysburg Address bằng chữ Nho, chữ Nôm, chữ Kana hay chữ Hangul, người Mỹ soạn cho Nhật một văn bản, Hiến pháp của một nước Nhật dân chủ, thay thế Hiến pháp Minh Trị.
Ơn Trời, một kết thúc may mắn, Singlish không thay thế English. Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm với Hán tự đã rắc rối đủ. Có mỗi bộ râu của Từ Hải mà chúng ta còn không biết là râu hầm hay râu hùm. Toàn bộ Shakespeare viết bằng chữ Hán – chứ không phải dịch sang tiếng Trung – sẽ thế nào?
*
Hồi kết thật của Dự án Hán-Anh còn vui hơn và khiến tôi ngã ngửa: mãi đến những dòng cuối, ở phần vĩ thanh, tác giả mới bật mí rằng tất cả những điều vừa kể chỉ là một câu chuyện hư cấu, song ngay cả người trong ngành phần lớn đều tin ngay là thật. Một trò đùa nghiêm túc để bước vào thanh toán cái hình dung lãng mạn ngớ ngẩn về sự ưu việt của Hán tự, rằng nó thậm chí có thể trở thành văn tự phổ quát hoàn cầu. Và ông cũng bật mí về cách đặt tên bốn thành viên Ủy ban Hán-Anh, trong đó vị học giả Việt Nam tên đầy đủ là Phi De Giua (viết không dấu trong nguyên bản Anh ngữ). Không khó để nhận ra đó là phiên âm của “fille de joie”, gái làng chơi. Chỉ riêng chi tiết đó cũng đủ để cuốn sách này sẽ không bao giờ được dịch sang tiếng Việt.
Về phần mình, sau khi đánh vật với sự thật và huyễn tưởng về Hán ngữ của John DeFrancis, tôi nhẹ nhõm tha thứ cho mình cái tội đã ngán mài đũng quần cùng công an mật, đã ghét những cô nàng dưới mái, đã chối phụ thuộc vào các nhà sư, đã sớm ra đi khi chưa hẳn bước vào. Chẳng ai có thể sống hết những cuộc đời hấp dẫn.
03/9/2017
P.T.H.

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

ĐỘNG CƠ - LƯƠNG TÂM

Nhớ lại những bài đã viết đăng Facebook. Bài từ 3 tháng 6 năm 2016.Tưởng Blog cũng có, nhưng tìm mãi không thấy. Lưu lại đây để khỏi trôi mất theo thời gian. 
ĐỘNG CƠ - LƯƠNG TÂM
https://www.facebook.com/nguyenductoan.thang/posts/1113729822033939

Ân nhân của hàng nghìn Thuyền nhân Việt Nam những năm 70 - Rupert Neudeck, nhà báo theo chủ nghĩa nhân đạo người Đức, nổi tiếng về việc làm cứu vớt hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông năm 1979 bằng tàu Cap Anamur. Đã qua đời ngày 31/5/2016. 


Ông còn nổi tiếng với nhiều công tác thiện nguyện khác ở I rắc, Apganistan, … Ông có 1 tác phẩm xuất bản năm 2005: "Ich will nicht mehr schweigen. Recht und Gerechtigkeit in Palästina" (Tôi sẽ không im lặng nữa. Luật pháp và Công lý ở Palestine) nhằm bênh vực những người Palestine. (https://vi.wikipedia.org/wiki/Rupert_Neudeck) Phải chăng tên tác phẩm ấy cũng gần gũi với câu: Đừng im lặng của MC Phan Anh. Câu chuyện hot. Mình ở xa, không trong cái vòng xoáy „cá -mú sắt- thép biểu -tình dân- chủ đảng- trị“ này nọ. Nhưng không khí Facebook là 1 làn không khí tự do. Một kiểu tự do mà chính con người thực sự khát khao, nhưng trong đời thường lại rụt rè không dám phô bày và phải bày ra trên Facebook. Đó là cái hấp dẫn của Facebook. Có 1 hay 2 người Đức mà tôi hỏi chuyện, khi nhắc đến Facebook thì họ phẩy tay quầy quậy, coi đó là trò con nít, nhưng thực sự thì chính họ ai cũng có 1 tài khoản mạng xã hội không hề chối cãi. Nhớ lại nững câu chuyện tình ma quái trong môn Văn học Trung đại thời Sinh viên, như vang vang lời thầy Nguyễn Kim Sơn. Rằng những chuyện dâm tình ma quái như thế, như là ẩn ức 1 khát vọng về tự do luyến ái hoan lạc, của con người trong vòng kiềm tỏa đạo đức của Nho gia phải thác gửi vào những câu chuyện tình với … Ma. Vâng con người ta muốn tự do hoan lạc, khát khao dục vọng ái tình, nhưng lại đổ thừa cho ma quỷ, để rồi 1 lát sau lại chui vào cái áo quan Nho gia vuông thành sắc cạnh. Và những tuyệt tác văn chương tình ái thì liệt vào hàng dâm thư. Nhưng kỳ lạ thay, dâm thư lại còn được lưu truyền đến ngày nay chẳng kém gì thánh thư, kinh thư cả. 
Facebook, nơi các anh các chị chụp ảnh những giây phút thăng hoa ngộ nghĩnh của đời mình, những địa danh mà anh chị mong lưu dấu, từ cái nắp cống cho đến con cái, bố mẹ anh chị lúc quây quần, các công trình thành tựu anh chị gặt hái, ý kiến này nọ ... đủ thứ khác, ... Ai mà đồng cảnh ngộ thì anh chị like cho 1 cái động viên. Vì cảm xúc nó trùng hợp kỳ lạ mà người ta gọi là đồng cảm đấy. Chả biết động cơ là gì! (nhưng chắc là có động cơ/ khoe khoang. Hay nói nhẹ hơn là đồng cảm xúc- vì là người biết thông cảm với những khoảnh khắc đăng của đối tượng.) Nhưng bên cạnh đó có nhiều người biết lợi dụng Facebook để truyền tin cho nhanh, chia sẻ gây tạo cảm xúc, biểu đạt suy tư tình cảm ... cũng ná ná như các anh các chị thôi. Chả biết động cơ là gì (nhưng chắc là có động cơ/ chia sẻ cảm xúc và suy tư/ đánh bóng tên tuổi). Cái sự đồng cảm của con người phải nói là như nhau. Nhưng cái vấn đề là ở chỗ nhận thức của con người về giá trị lợi ích thì khác nhau nên định hướng hành vi khác. 
Khi nhiều người muốn khoe khoang cảm xúc yêu nước thương nòi, đấu tranh vì môi trường, vì lợi ích nghìn năm của dân tộc. Họ vì họ ư! Đúng! Điều đó đúng cả 2 nghĩa vì được phô bày bản thân và vì lợi ích của tương lai. Và một số người khác thì bình tĩnh quan sát và tìm cách lý giải theo cách của mình, coi đó là 1 hiện tượng xã hội, tâm lý cộng đồng, đám đông, ... Họ tách mình ra khỏi cảm xúc chung để đưa nó vào trạng thái đối tượng nghiên cứu (đôi khi đối tượng nghiên cưu lại chính là nguồn cảm hứngs cho nghiên cứu đấy nhé). Họ có đầy đủ mọi chứng cứ khoa học, dịch từ Anh/Pháp/Trung/ Nhật ... Và dường như đám kia là 1 đám rảnh việc. Những triết lý họ đưa ra, từ NĂng Lực Media Litracy (1 dạng năng lực để sống trong môi trường đa truyền thông), từ Văn hóa bình tĩnh không bị nhiễm độc mạng Xã hội, ... Rồi từ ông quỷ ông quỳ nào nữa. Nhưng rồi thì Nghĩa lộ vẫn nguyên Nghĩa lộ, khi luận thuyets không đủ hấp dẫn số đông, người ta cười trừ, vin vào những thứ khôi hài, như ... Nhạc Chế chẳng hạn. những bài hát Chế ỷ ôi: Đừng đưa nhau lên Face, đừng đưa nhau lên Face, (Nhại lại bài Đừng xa em đêm nay, đừng xa em đêm nay ). Và nói chung là họ vô tư, một cách có trật tự và thờ ơ 1 cách có khoa học, phản biện có lý thuyết với trào lưu rảnh rỗi kia. Trong khi đó họ vẫn sử dụng Face để Show hàng của họ (não trạng Double – think).. Nhưng sâu xa thay là họ muốn đám kia bị phản biện và ứng dụng theo dòng lí thuyết vòng vèo của họ. Vì họ là những người ơn cao lộc nước nên cũng khó mà hiểu thấu cái tâm của đám Tiện Hạ Sĩ, họ ấm êm với vòng xoáy em dịu của cuộc đời đang càng ngày càng êm dịu (theo đúng nhạc của họ: Học giởi, ra trường, công việc, vợ con, thăng chức ... ). Đúng như Kinh Phật nhắc, đến 1 loại người ở cái xứ xử xừ xừ gì mà sung sướng đủ đầy không thấu khổ đau khó tu thành Phật quả được. 
Và quay lại tôi không hiểu cái ông người Đức theo chủ nghĩa nhân Đạo tên là Rupert Neudeck kia lập ra cái Tàu Cap Anamur để đi cứu Thuyền nhân Việt Nam vì động cơ gì ? (chắc là có. Liệu có phải là Tấm Bia Vinh Danh ông của Việt Kiều dựng ở Hamburg/ Bronzetafel in Hamburg mit Danksagung der vietnamesischen Flüchtlinge. ) 

Và những Thuyền Nhân đã sẵn sàng bỏ mạng trên những chiếc ghe bé nhỏ để ra khơi. (chắc là có động cơ. Nhưng không phải để đem cái ghe đó dựng đài tưởng niệm ở Trosdorf/ Fluchtboot, das Ende April 1984 von der Cap Anamur im südchineschen Meer aufgefunden wurde. Heute steht es als Denkmal in Troisdorf).

Và hơn hết tôi nhớ đến 1 cái thực sự không có "động cơ", nhưng nó lại là "động cơ" cho mọi hành vi đó là Lương Tâm. Đôi khi Lương Tâm bị 1 vài vấn đề nó sẽ không thể làm động cơ cho hành vi cơ bản cần phải có, và hành vi đó bị lệch pha, đó là hành vi im lặng, hoặc phát ngôn ngược với những điều Lương Tâm lành lặn phải tỏ bày.

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Chữ Tây và chữ Hán / Cao Xuân Hạo (†)

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=83&rb=06Cao Xuân Hạo
Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?

Từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX trở về trước, người châu Âu thường yên trí rằng mình dùng thứ chữ viết hợp lý nhất, khoa học nhất, tiến bộ nhất. Vì thứ chữ ABC của họ là thứ chữ ghi âm. Năm 1897, Hội ngữ âm học quốc tế ra đời cùng với bảng chữ cái gọi là Tự mẫu phiên âm quốc tế - International Phonetic Alphabet (IPA), được coi là lý tưởng của lối chữ ghi âm. Trong mấy thập kỷ kế theo, người ta thi nhau lên án những cái "bất hợp lý" trong hệ thống chính tả của những thứ tiếng như tiếng Pháp và tiếng Anh ("phát âm một đàng viết một nẻo") và những đề án cải cách chính tả thi nhau lần lượt ra đời.

Thế nhưng gần một trăm năm đã qua, mà không có một đề nghị nhỏ nào trong các đề án đó được thực hiện.

Thật là may, vì đó là một việc không thể làm được, và không nên làm một chút nào. Niềm tự hào ấu trĩ về lối viết ABC cũng như những cáo trạng ồn ào về tính "bất hợp lý" của chính tả Pháp, Anh và những đề nghị cải cách chữ viết đủ kiểu đều xuất phát từ một sự lầm lẫn thô thiển: lúc bấy giờ người ta chưa hiểu cho lắm là chữ viết có chức năng gì trong đời sống và trong nền văn minh, và nó cần phải như thế nào mới làm tròn được chức năng ấy ở mức tối ưu.

Kể từ những năm 30 trở đi, sau những công trình của Trường ngữ học Prague nêu rõ những chức năng và yêu cầu của ngôn ngữ viết khiến cho nó khác với ngôn ngữ nói, những tiếng kêu gào trước kia dần dần im lặng, và chẳng còn mấy ai buồn nhắc đến nữa.

Người ta đã hiểu rằng không có lấy chút cơ sở khoa học nào để khẳng định rằng chữ viết ghi âm là "khoa học nhất", và thứ chính tả lý tưởng là "phát âm thế nào viết thế ấy".

Kịp đến thập kỷ 70, những bước tiến lớn của ngành ngữ học và những phát hiện của âm vị học về khái niệm "tổ hợp âm" càng khiến cho các định kiến cũ lộ hết tính chất vô căn cứ của nó.

Số là ở phương Tây người ta nhận thấy có một số trẻ em không sao học đánh vần được, và do đó học mãi cũng vẫn không biết viết. Số này rất ít, nhưng không ít đến mức có thể bỏ mặc làm ngơ, nó chiếm khoảng 0,01% đến 0,02% số trẻ em ở lứa tuổi học tiểu học. Nghĩa là trong một triệu em có khoảng từ một ngàn hai đến hai ngàn em như thế. Người ta gọi "chứng bệnh" này là alexia (chứng không đọc chữ được) hay dislexia (chứng mất khả năng đọc chữ). Những em này thường được coi là "khuyết tật" hay thậm chí "quá đần độn" không hy vọng gì trở thành người có chút ít học thức được.

May thay, có những nhà ngữ học nảy ra cái ý nghi ngờ rằng nguyên nhân của tình trạng này không phải ở các em, mà chính là ở lối viết ABC. Năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ quyết định làm một cuộc thí nghiệm. Họ mở một số lớp gồm toàn trẻ em "khuyết tật" mắc chứng alexia và dạy chương trình tiểu học cho chúng bằng chữ Hán (xin bạn đọc hiểu đúng cho: dĩ nhiên các em ấy học tiếng Anh và học các môn khác bằng tiếng Anh, nhưng các từ tiếng Anh đều được viết bằng chữ Hán. Chẳng hạn, câu He came to a high mountain được viết bằng sáu chữ Hán là "Tha đáo cập nhất cao sơn"). Sau năm đầu, các em đọc và viết được 1600 từ đơn, và về khả năng hấp thu tri thức, chúng tỏ ra không "đần độn" chút nào, mà kết quả học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC.

Người ta hiểu ra rằng các em này chẳng phải có khuyết tật gì, chẳng qua trong não của chúng hình như công năng của bán cầu bên phải (tri giác tổng hợp) trội hơn công năng của bán cầu bên trái (tri giác phân tích) cho nên chỉ nhận dạng được chữ Hán vốn có hình thể đặc trưng rất rõ, mà không tách được các từ ra từng âm tố - từng chữ cái.

Ðể hiểu rõ hơn hiện tượng này, ta hãy xét qua cơ chế của việc đọc chữ. Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra các từ ngữ qua diện mạo chung của chúng, không khác gì ta nhận ra một vật, một người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, rồi mũi, rồi miệng, rồi tai ...) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay người đó [1] .

Trong tâm lý học hiện đại, khái niệm "diện mạo tổng quát" này được gọi là Gestalt. Cái Gestalt này càng gọn ghẽ (prégnant) bao nhiêu thì việc nhận dạng "tức khắc" càng dễ dàng và tự nhiên bấy nhiêu. Về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn chữ Tây. Mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La-Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán. Ta thử so sánh cách viết mấy từ sau đây, trong cách viết bằng chữ Hán được đặt cạnh cách viết bằng chữ Tây (ABC)* :



Không có gì đáng lấy làm lạ nếu sách chữ Tây rất khó đọc theo cách "Nhất mục thập hàng" như sách chữ Hán.

Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ "Quốc ngữ" thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như thế tôi e có phần vội vàng. Chẳng lẽ sự tiến bộ củaTrung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Ðại Hàn, Singapore không đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩ đó hay sao?
Năm 1985, trong một cuốn sách nổi tiếng, cuốn Le nouveau monde sinisé (Thế giới Hán hóa ngày nay), Léon Vandermeersch [2] khẳng định rằng sở dĩ những "con rồng" nói trên thành rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán [3] . Chỉ còn một nước chưa thành rồng được : Việt Nam. Nước này đã bỏ mất chữ Hán mà trước kia nó đã từng dùng Dĩ nhiên, ta có thể không đồng ý với học giả này, nhưng khó lòng có thể nói rằng đó là một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên.
Chữ ABC đối với đa số quả có một ưu điểm lớn là họcrất nhanh. Muốn đọc chữ ABC chỉ cần học vài tháng, trong khi muốn viết 1200 chữ Hán thông dụng thôi đã phải mất một năm. Ưu điểm đó khiến cho chữ "quốc ngữ" đắc dụng trong thời Pháp thuộc, khi mà người ta cần thanh toán việc học đọc học viết tiếng mẹ đẻ cho nhanh để chuyển sang học chữ Pháp và tiếng Pháp. Nó cũng đắc dụng trong thời kháng chiến, khi cần thanh toán mù chữ cho thật nhanh để còn lo đánh giặc.

Nhưng trong hoàn cảnh độc lập, trong hòa bình, trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, cái ưu thế này không còn lớn như trước nữa. Trong những điều kiện bình thường, dành vài ba năm tiểu học cho việc học chữ (đồng thời các môn khác), không phải là một việc gì quá phí phạm. Tốc độ và chất lượng giảng dạy ở các trường tiểu học, trung học và đại học ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Singapore không hề kém so với các nước dùng chữ Tây, trong đó có Việt Nam.

Trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta còn có một điều làm cho chữ "quốc ngữ" đâm ra có vẻ ưu việt đặc biệt: đó là sự tồn tại của chữ Nôm hồi bấy giờ. Trước khi có chữ "quốc ngữ", ông cha ta dùng chữ Nôm để viết tiếng mẹ đẻ. Mà chữ Nôm thì khó hơn chữ Hán rất nhiều (theo một chuyên gia Hán Nôm, nó khó gấp 5 lần). Chính nhờ sự tương phản với thứ chữ phức tạp, khó học ấy mà chữ "quốc ngữ" có vẻ như "tiện"hơn hẳn.

Giá hồi ấy ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn làm), nghĩa là mỗi chữ có hai cách đọc, Hán âm (Kan-on) và Quốc âm (Go-on) [4] , thì tình hình có lẽ đã khác.

Tiếng Nhật là tiếng đa âm tiết; thế mà người Nhật vẫn dùng được chữ Hán (Kanji) cho hầu hết các văn bản, tuy thỉnh thoảng có thêm như chữ Kana (ghi từng âm tiết) cho các phụ tố (như no: chỉ sinh cách, de chỉ vị cách , ni chỉ tặng cách v.v.). Nhưng nếu vậy làm sao người đọc biết được một chữ nào đó cần được đọc theo Hán âm hay theo quốc âm? Chẳng hạn nếu viết 
, làm sao biết lúc nào đọc là sơn, lúc nào đọc là núi? Trong đa số trường hợp, văn cảnh sẽ mách cho ta biết. Chẳng hạn nếu thấy viết 高山上 ta sẽ biết phải đọc là cao sơn thượng, còn nếu thấy 上山高, ta sẽ biết đó là trên núi cao, trừ phi có những lý do khác không cho phép đọc như vậy. Nếu cần, có thể dùng một vài dấu phụ. Kinh nghiệm hàng chục thế kỷ dùng chữ Hán để viết tiếng Nhật ít ra cũng chứng minh được rằng lối viết nói trên có thể dùng một cách có hiệu quả. Tiếng Nhật, vốn là ngôn ngữ chắp dính (agglutinating) đa tiết, đã dùng được chữ Hán như vậy, thì tiếng Việt, vốn cùng loại hình đơn lập như tiếng Hán, lại càng dễ dùng chữ Hán hơn.

Tiếng Việt có một cấu trúc ngữ âm khác hẳn các thứ tiếng châu Âu. Trên hơn 320 trang sách, người viết mấy dòng này đã chứng minh rằng âm vị học của phương Tây (vốn là nền tảng lý thuyết của cách viết ABC) không thể đem ứng dụng để nghiên cứu và phân tích những thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Việt hay những thứ tiếng chắp dính như tiếng Nhật, hay những thứ tiếng "có sườn phụ âm" như tiếng A Rập, tiếng Do Thái v.v. Nó chỉ có giá trị và hiệu lực đối với các ngôn ngữ biến hình. Việc phân tách mỗi tiếng (âm tiết) ra thành nhiều âm tố (speech sound), rồi thành nhiều âm vị (phonems), là một hiện tượng kỳ quặc chỉ có thể có với một cấu trúc ngữ pháp trong đó mỗi tiếng có thể gồm hai ba yếu tố có nghĩa (chẳng hạn, từ shla trong tiếng Nga (1 âm tiết) gồm có ba hình vị (ba yếu tố có nghĩa): sh có nghĩa là "đi", l có nghĩa "quá khứ", a có nghĩa "giống cái" [5] .

Từ đó ta có thể thấy rõ rằng chữ viết ABC, vốn phản ánh cái cấu trúc ấy, khó lòng thích hợp với tiếng Việt và cách tri giác của người Việt đối với tiếng mẹ đẻ của họ. Tiếng Việt (và khá nhiều thứ tiếng khác ở Việt Nam), tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Myanmar, tiếng Malagasy (Madagascar), tiếng Mixteko, tiếng Mazateco, v.v. là những ngôn ngữ âm tiết tính, trong đó âm tiết là một đơn vị có cương vị ngôn ngữ học minh xác, lại không thể phân tích ra thành những "âm tố" có cương vị tương đương, trong khi trong các thứ tiếng châu Âu chính âm tố mới có cương vị của những đơn vị ngôn ngữ ("âm vị") còn âm tiết lại không có cương vị ngôn ngữ học gì. Không phải ngẫu nhiên mà châu Âu chính là nơi phát minh ra chữ viết ABC. Và sở dĩ thứ chữ này được phổ biến ra khắp thế giới, khônh phải vì một nguyên nhân ngôn ngữ học, mà chính là vì địa vị thống trị của các nước đế quốc chủ nghĩa ở châu Âu.

Hiện nay tất cả các khách du lịch đến nước ta đều kinh ngạc trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài và di tích lịch sử. Họ nói "Các ngài là những người mù chữ ngay trên đất nước mình". Nạn mù chữ Hán cũng là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán. Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biệt tiếng La Tinh, người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán, thứ chữ đã từng được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt, những từ mà ngày nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao.

Việc học chữ Hán không thể không được đưa vào chương trình trung học.

Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nũa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc (theo họ, đến lúc ấy các hàng rào ngôn ngữ - barrières linguistiques - xưa nay vẫn ngăn cách các dân tộc, sẽ bị vô hiệu hoá, và đến lúc ấy nhân loại sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng gấp trăm lần so với hiện nay.quay lại với chữ Hán. Việc từ bỏ chữ Hán để chuyển sang chữ Tây là một sự kiện không còn hoán cải được nữa rồi. Nhưng, cũng như một trận hồng thủy, những tác hại của nó có thể khắc phục được: ta còn có thể học và nghiên cứu chữ Hán như một di sản của văn hoá dân tộc, và do đó mà bảo tồn một truyền thống quý giá đi đôi với những nghệ thuật cao cả như thư pháp, vốn là tài sản chung của các dân tộc Viễn Ðông và có thể làm thành một mối dây liên lạc giữa các dân tộc rất gần gũi nhau về văn hoá này.

(Ðăng lần đầu trên Kiến thức ngày nay số 14, 15-6-1994) [6] 

[1] Do đó, lối học đọc thông qua "đánh vần" là một cách làm sai trái ngay từ nguyên lý. Bây giờ trên thế giới không còn mấy nơi dùng cách học này

[2] Hiện nay là Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (École francaise d´Extrême-Orient- trước đây ở Hà NộI, bây giờ ở Paris).

[3] Léon Vandermeersch 1985, Le nouveau monde sinisé. Paris: Seuil.

[4] Chẳng hạn, cách đọc Kan-on của chữ SƠN…* là [san], còn Go-on là [yama].

[5] Cao Xuân Hạo 1985, Phonologie et linéarité. Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine. Paris: SELAF.

[6] Sau khi KTNN đang bài này, toà soạn có nhận đưọc nhiều ý kiến phản đối tác giả, trong đó có một bức thư viết :"... hình như ông Hạo học quá nhiều thứ vô bổ cho nên quên mất thứ quan trọng nhất: đạo làm người. Một người đã đưa nước Việt Nam từ cõi man rợ đến ánh sáng văn minh rực rỡ của châu Âu như Alexandre de Rhodes mà ông nỡ quên ơn thì thử hỏi ông đi học bấy nhiêu năm để làm gì?
Hoá ra công ơn của ông A.de Rhodes là thế. Tác giả bức thư không biết rằng vị thừa sai này tuyệt nhiên không góp một chút gì vào quá trình xây dựng chữ quốc ngữ (từ đầu đến cuối, đó là công sức của các giáo sĩ Bồ Ðào Nha, như những tài liệu mới công bố sau này đều xác nhận). Vả lại nước ta không thể coi là một nước "man rợ" trước khi có chữ "quốc ngữ", và việc Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và hàng trăm nuớc khác không la tinh hoá chữ viết mà vẫn tiến nhanh hơn ta nhiều, cũng cho thấy rằng cái "ơn" của thứ chữ này không lớn đến mức ấy. 
Nguồn: ăng lần đầu trên Kiến thức ngày nay số 14, 15-6-1994


Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

高平实録A.1129


Bản dịch: http://yeuhannom.blogspot.de/2017/06/cao-bang-thuc-luc-1129.html

Nguyên văn từ bản chụp của ông Hoàng Giáp năm 2002