Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Mạt Sử - Phùng Hồ Hải (copy trên facebook)

Theo link share trên Facebôk. Copy lại từ Chú Tễu, mạn fép đăng vào blog cho nó vui, cho nó nhớ. Vì nó cũng là cảm xúc của chính tôi khi học lịch sử và đọc sử. Làm nghiên cứu Hán Nôm cũng phải sử dụng nhiều phương pháp và tư duy Sử học. Sự thật chúng ta thấy được nghành Sử Học Việt Nam là một nghanh nói nhiều nhất và làm ít nhất. Họ đi Di tích rất nhièu, phát biểu Hội thảo rất nhiều, nghiên cứu Danh nhân lịch sử rất nhiều, Nâng Bi, Nâng tầm quan điểm cũng nhièu. Có những Di tích lịch sử bình thường nhưng kê khai vào thành những địa danh ghê ghớm tầm quan trong- vị trí CHiến Lược  ; Hội thảo nào cũng tấm gương lịch sử, in dấu ấn trong lịch sử chống nọ kia;  Có nhữnh Danh Nhân lịch sử cấp địa phương, một vị thần cấp Thành Hoàng làng trong Huyền Sử không được Tín Sử nhắc đến mà chỉ có trong thần thoại, họ họp nhau cả Trung ương lẫn địa phương nâng bi nhân vật lên thành Danh Nhân Văn Hóa, Danh nhân Lịch sử, xong Hội Thảo rượu cơm chè thuốc ,... các nhà Sử Học cắp đit về Kinh Phí địa phương hay dòng họ ghánh vác, .... Đến khi giặc Tàu sang xâm lấn. Từ vụ Gạc Ma cho đến Dàn Khoan 981. Toàn bộ giới Sử học cũg như Truyền Thông Việt Nam im lặng (chờ ý kiến, chỉ thị của lãnh đạo). Trong khi những con người dù tự phát hay bị xúi dục xuống đường biểu tình chống Tàu lại là những công nhân it học ở những khu công nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. () Hai TRí thức lớn của nghành Sử học nước Việt, thường có phát biểu ấn tượng nhất là ông Nghị Dương () và ông Giáo sư Phan () cũng chả tuôn ra 1 ý kiến nào cho nó rõ ràng quan điểm. Tôi chán ngấy cái mặt của các vị mỗi lần các vị phát biểu vô thưởng vô phạt chỉ để nhằm thêm thông tin là có biết nhưng nhận xét thận trọng. Bao nhiêu năm nay các vị dạy Sử, luyện thi cho môn Sử, từ thời Cổ đại cho đến Cận Hiện Đại, không có gì mới, không có một sự phát triển nào của Sử học Thế giới hiện nay tác động đến quan điểm Sử học của các vị kể từ thời Lập Quốc. Đùng 1 cái người ta muốn cắt cu các vị, vì nó không còn hoạt động đúng chức năng vồn có của là cái Tâm Người Chép Sử, chép sự thật, và đa chiều thông tin, tính xác thực của Lịch sử. Các vị ào ào lên tiếng, họp hẳn 1 cái Hội nghị mang tên Diên Hồng để mà cứu nguy cho lợi ích nhóm của các ông- Xin kính thưa: Khi Lịch sử không còn là khoa học nói về sự thật, khi lich sử trở thành công cụ tuyên giáo, chính trị thì Hội nghị của cac bác Sử chẳng qua chỉ là giữ cái cần câu cơm không để Hợp tác xã hóa Sử học ma thooi. 
XIN GIỚI THIỆU BÀI VIẾT VỀ SỬ CỦA MỘT GS TOÁN
MẠT SỬ
Phùng Hồ Hải
FB Phung Ho Hai
Thời này là thời mạt sử. Lịch sử nhẽ ra phải là môn học được ưa thích nhất trong nhà trường. Biết bao câu chuyện đặc sắc, được chắt lọc, ghi chép truyền từ đời này sang đời khác. Biết bao bài học làm người. Biết bao tự hào, biết bao đau xót, biết bao nuối tiếc, có thể và cần phải được chuyển tải trong những bài học lịch sử cho thế hệ trẻ. Nhưng kết quả của nền giáo dục XHCN 70 năm là học sinh quay lưng với Sử.
Lỗi không phải ở những nhà giáo dục. Lỗi trước hết là ở những người lãnh đạo cao nhất, những nhà chính trị. Lỗi tiếp theo là ở chính những nhà sử học, đã chấp nhận chính trị hóa ngành Lịch sử ở Việt Nam. Lịch sử là một khoa học. Nhưng Lịch sử ở Việt Nam không còn là một khoa học, khi mà tiêu chí đầu tiên của một khoa học không còn được tôn trọng: tính trung thực. Cả một cuộc chiến 10 năm chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc bị quên lãng. Những nhà Lịch sử ở đâu? Cả một cuộc xâm lược và chiếm đóng Campuchia 10 năm bị quên lãng. Những nhà Lịch sử ở đâu? Cả một thảm sát Mậu Thân không được nhắc tới. Những nhà Lịch sử ở đâu? Cả một cuộc Cải cách ruộng đất "long trời lở đất" giờ "chìm xuồng". Những nhà lịch sử ở đâu? Xa hơn, những cuộc chinh phạt Chiêm Thành, hủy diệt cả một nền văn hóa. Những nhà Lịch sử đã nghiên cứu được gì?
Hôm nay các nhà Lịch sử mở cả "Hội nghị Diên hồng", theo cách gọi trên báo chí, yêu cầu "không tích hợp Lịch sử với các môn học khác". Có lẽ họ sẽ thành công. Nhưng thành công đó có ích gì, khi mà học sinh không thèm học Sử? Việc họ nên làm, theo tôi, là làm sao để ngành Lịch sử ở Việt Nam trở thành một KHOA HỌC.
* Tác giả Phùng Hồ Hải là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học,
Thêm mấy cái ảnh của Á Châu tự do nữa cho nó màu mỡ: Sử học phải đa chiều và phải là Sự thật chứ không phải để Tuyên Giáo, Tuyên Huấn, Tuyên Truyền, ...

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Nguyễn Hữu Mùi- Bia ma nhai mang niên đại Lê Sơ ở khu di tích Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc

BIA MA NHAI MANG NIÊN ĐẠI LÊ SƠ
Ở KHU DI TÍCH TÂY THIÊN - TAM ĐẢO - VĨNH PHÚC
NGUYỄN HỮU MÙI
TS. Viện nghiên cứu Hán Nôm.
 tạp chí hán nôm, số 4(113) 2012; Tr.60-63
Khu di tích danh thắng Tây Thiên thuộc địa bàn xã Đại Đình huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay còn lưu trữ một di vật lịch sử có giá trị, là tấm bia ma nhai ở khu vực mà người dân địa phương gọi là Bia đá chữ. Tấm bia này trước đây được nhiều người biết đến nhưng chưa ai công bố bởi những khó khăn trong việc đi lại tiếp xúc với bia hiện vật.
Gần đây nhân chuyến sưu tầm tư liệu văn bia ở Vĩnh Phúc, nhờ sự giúp đỡ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cũng như của Ban quản lý di tích danh thắng Tây Thiên, chúng tôi đã tiếp xúc với tấm bia nêu trên. Đó là bài văn bia được khắc trực tiếp vào giữa một phiến đá màu ngà, chiều dài khoảng 5m, cao khoảng 3m. Cả phiến đá nằm nghiêng bên bờ suối, tạo ra hình vòm, tựa như hàm ếch, khiến cho phần chữ của bia khắc ở giữa hàm ếch không bị bào mòn bởi mưa nắng.
Thác bản ma nhai ở Tây Thiên
Sau khi in rập công phu thành 2 thác bản, mỗi thác bản khổ 130 x 110 cm, chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên thác bản và thấy Bia đá chữ có tổng cộng 121 chữ Hán, chữ khắc theo hàng dọc, phân bố trên 11 dòng, dòng nhiều 16 chữ, dòng ít 3 chữ. Chữ dùng theo thể khải thư, với đặc điểm chữ khắc sâu, dễ đọc. Duy ba chữ Bát nhã tuyền (Suối Bát nhã) đặt ở cuối bia được khắc to.
Nguyên văn chữ Hán:
...

Phiên âm:
Lê triều đệ tam vương, Thái Hòa bát niên, Canh Ngọ, ngũ nguyệt thập nhật, viết dĩ thời, phụng tế Tam Đảo sơn thần, nãi biến đăng chư phong, lịch cổ tích, cố vọng cương loan, tủng thúy, chướng điệp, oanh hồi, tương dữ Viên sơn đối trĩ. Toại khiết dư tình, thành vi Nam quốc chi hùng trấn, viên mệnh khắc thạch dĩ kỷ niên nguyệt nhật vân.
Suy thành Tá lý Hiệp mưu công thần, Vân Đồn trấn, Phụ quốc, Thượng tướng quân, Đặc tiến Nhập nội Tư khấu Đồng Bình chương sự, Thượng trụ quốc, tứ kim ngư đại, kim phù, Huyện Thượng hầu, tứ quốc tính, Thao Sơn động sĩ Lê Khắc Phục đề.
Bát nhã tuyền.
Dịch nghĩa:
Ngày mồng 10 tháng 5, năm Canh Ngọ, niên hiệu Thái Hòa thứ 8 (1450), đời vua thứ 3 triều Lê, nhân được thời, phụng mệnh tế thần núi Tam Đảo, mới trèo khắp các núi, thăm trải các nơi cổ tích, rộng ngắm sườn núi quanh co, cao chót vót xanh rờn, tựa như bức bình phong trùng điệp, quây quần hội tụ, đối diện với núi Tản Viên đứng một mình. Ta rất cảm kích, thực là nơi hùng trấn của nước Nam, rồi sai người khắc vào đá để ghi năm tháng từng đến đây.
Suy thành Tá lý Hiệp mưu công thần, Trấn thủ Vân Đồn, Phụ quốc, Thượng tướng quân, Đặc tiến Nhập nội Tư khấu Đồng Bình chương sự, Thượng trụ quốc, được ban chiếc túi thêu cá vàng cùng chiếc bùa vàng, tước Huyện Thượng hầu, vua ban quốc tính họ Lê, hiệu Thao Sơn động sĩ, là Lê Khắc Phục đề.
Suối Bát nhã.
Một vài nhận xét:
1. Về niên đại
Văn bia Bia đá chữ tạo Thái Hòa thứ 8 (1450) đời vua Lê Nhân Tông. Bia thuộc giai đoạn Lê sơ (1428-1527) - giai đoạn tồn tại xấp xỉ 100 năm trong lịch sử dân tộc. Tuy vậy văn bia mang niên đại Lê sơ hiện còn lại không nhiều. Theo thống kê của chúng tôi trong kho thác bản văn bia lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay, cả nước chỉ còn 73 văn bia mang niên đại của giai đoạn này, tập trung chủ yếu ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) và Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội). Nay có sự bổ sung bằng văn bia mang niên đại 1450 ở Tây Thiên (Vĩnh Phúc) sẽ làm tăng số lượng văn bia thời Lê sơ ở nước ta.
2. Về tác giả
Tác giả văn bia là Lê Khắc Phục. Về Lê Khắc Phục, tra trong chính sử, thấy ghi về ông như sau: Đầu năm 1429, ông là một trong số 93 công thần được ban biển ngạch ở hạng Thượng trí tự Trước Phục hầu. Năm 1434, ông bị bãi chức Nam đạo Hành khiển, cho làm Phán đại tông chính.
Năm 1446, triều đình sai ông đem 60 vạn quân đánh Chiêm Thành, do đương thời chúa Chiêm Thành là Bí Cai thường xuyên vào cướp nước ta. Năm 1448, ông cùng Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Văn Phú, Đào Công Soạn... lên phía Bắc hội khám với nhà Minh. Cũng trong năm 1448, nhân sứ thần Chiêm Thành mang quốc thư và lễ vật sang ta, ông được cử làm chủ trì việc ban yến tiếp đãi họ ở Sứ quán. Cũng năm đó ông sung chức Đề điệu Quốc tử giám.
Năm 1449, Triều đình sai ông đem người ở các cục bách tác, quân vệ Thiên nam, tứ sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ (sông Cà Lồ) từ Lãnh Canh đến Phủ Lỗ, dài 2500 trượng, thông với sông Bình Than để tiện đi lại trong trấn Thái Nguyên. Năm 1451, ông và con ông là Phò mã đô úy [Trịnh] Bá Nhai cùng bị giết.
Giờ căn cứ vào lạc khoản văn bia do bản thân Lê Khắc Phục soạn giúp ta biết thêm thông tin: ông từng đảm nhận chức Trấn thủ Vân Đồn, được ban túi thêu cá vàng, bùa vàng, lại ban quốc tính họ Lê. Qua đây bổ sung tư liệu giúp chúng ta hiểu sâu hơn thân thế và sự nghiệp của ông.
3. Về nội dung
Văn bia là bài văn xuôi chẳng những ghi cảm xúc của Lê Khắc Phục trước phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của núi rừng Tam Đảo mà còn cung cấp thông tin về đợt tế thần núi Tam Đảo vào năm 1450. Điều này không thấy đề cập trong chính sử, chính sử chỉ nhắc đến việc tế thần núi vào năm 1449: “Sai Tham tri Bùi Cầm Hồ, Lễ bộ Lang trung Nguyễn Cảnh đi cầu đảo ở núi Tản Viên và Tam Đảo, đều không hiệu nghiệm”(1).
Như vậy không chỉ có năm 1449 mà cả năm 1450, triều đình đều cử các quan về cầu đảo tại núi Tam Đảo. Về sau trong phần Tục biên của Việt điện u linh, mục viết về Thanh Sơn đại vương, nhà khoa bảng Nguyễn Văn Chất(2) cũng xác nhận điều này và cho biết kết quả của việc tế thần núi Tam Đảo vào năm 1450: “Hôm ấy mây nổi, khắp trời tối tăm, sáng hôm sau mưa xuống như trút rồi năm ấy được mùa. Từ đấy về sau, hễ gặp đại hạn lên đền cầu mưa liền ứng nghiệm. Thần núi được tôn là Phúc thần một phương và núi được ghi vào tự điển từ đấy”(3).
Trên đây là một số ghi nhận của chúng tôi về tấm bia ma nhai tạo vào thời Lê sơ ở quần thể di thắng danh thắng Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Tựu trung qua tư liệu văn bia giúp ta hiểu sâu hơn tiểu sử của Lê Khắc Phục - một vị đại công thần ở thời Lê sơ của nước ta, đồng thời cung cấp thông tin về việc tế thần núi Tam Đảo vào năm 1450, dưới triều vua Nhân Tông nhà Lê.
Chú thích:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư (Bản dịch), tập 2, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.370.
(2) Nguyễn Văn Chất (1422-?): người xã Vũ Di huyện Bạch Hạc. Nay là thôn Vũ Di xã Vũ Di huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc. Đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư. Ông biên soạn thêm 4 truyện: Sóc thiên vương, Thanh sơn đại vương, Càn Hải môn tôn thần và Quản gia Đô bác đại vương, đưa vào Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên vốn biên soạn từ đời Trần (1329).
(3) Xem Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Nxb. Văn hóa, Viện Văn hóa (Bản dịch), H. 1960, tr.65-66./.