Từ đường họ Nguyễn Đăng. Thôn Cự
Khối, Long Biên, Hà Nội
Năm nay về quê không được đi chơi
xa. Không muốn theo thói tụ tập của thế nhân. Ở nhà quanh quanh vợ con – nội
ngoại – Hội thánh Đông Anh. Nhưng lại gặp được bạn học cũ, vô tình mà cũng chân
tình. Bạn mời về thăm từ đường dòng họ ở Cự Khối, Long Biên. Một tòa nhà cổ 5
gian có tiền tế có hậu cung. Mát thoáng ! Hậu cung còn có trùng hiên độn thềm
ra ngoài nữa. Hai trái thông hậu. 10 cột trong, 10 cột ngoài chưa kể cột vách.
Tính theo nếp nhà từ thời Lê thì họ này cực kỳ tráng lệ luôn. Nhưng giờ cửa mở
toang hoang. Người trông dựng nhà 1 bên, Từ đường để đó.
Dòng họ xửa xưa có người làm quan từ thời Lê đến tận thời
Nguyễn, có người dạy học. Đọc được mấy bức cổ kính, tiếc là không còn tài liệu
ghi chép. Hỏi ông cụ trông Từ đường thì cụ cũng ngẫn là “Có- Có / Không- Không”
nhưng tìm thì không có. Nghe ông cụ nói, họ còn có ông Nguyễn Đăng Hoàn có liên
quan gì nơi Văn Miếu, nhưng tôi chưa tìm được. Bình thường tôi xông xáo lắm,
nhưng cũng ngại bạn. Thôi chờ ông bạn người trong họ tự tìm hiểu sau vậy.
Dịch tạm mấy câu đây cho vui:
Hoành
phi:
1.
仰 如 山 斗
Ngưỡng như Sơn Đẩu. Kính trông như núi Thái, sao Đẩu.
(Câu này để tỏ ý tôn thầy như núi Thái sơn, sao Bắc đẩu)
Lạc khoản phải:保 大 戊 寅 春 Bảo đại Mậu dần xuân. Mùa xuân năm Mậu dần niên hiệu Bảo Đại - 1938
Lạc khoản trái:静 庵内外场门生拜造 Tĩnh am nội – ngoại
trường môn sinh bái tạo. Môn sinh trường Tĩnh am nội –
ngoại kính tạo. (Học trò trường Tĩnh Am nội – ngoại kính dâng)
2.
饮 河 思 源 Ẩm hà tư nguyên. Uống nước nhớ nguồn
3.
阮 登 枝 族
Nguyễn Đăng chi tộc . Chi tộc họ Nguyễn Đăng(Câu này
nhìn phong cách tạo là mới làm)
Câu đối
Vế phải:
仰 历 传 宦 迹 科 名 永 垂 世 鉴 Ngưỡng lịch truyền hoạn tích
khoa danh, vĩnh thùy thế giám/ Kính trải nhiều đời, tích
quan, dấu khoa bảng còn truyền mãi mãi
Lạc khoản phải:(龙飞辛未春)Long
phi tân mùi xuân. Rồng bay, xuân Tân mùi – 1931 (? Không
rõ năm Tân mùi nào. Chúng tôi cứ lấy tạm năm gần nhất là Bảo Đại thứ 6)
Vế trái:
于 斯 土 象 山 珥 水 长 衍 家 祠 Vu tư thổ Tượng sơn Nhị thủy
trường diễn gia từ. Nơi đất này dựa, núi Tượng sơn,
sông Nhị thủy, vẫn vững phúc từ đường.
Tượng Sơn: Núi voi, danh từ - chắc là núi đâu đó
trong vùng có gò nổi cao lên hình voi.
Nhị Thủy: Tức là sông Hồng.
Biển nghạch vua ban
cho người sống thọ:
Mặt A
皇嘉四字 Hoàng gia tứ tự. Vua khen 4 chữ.
Mặt B
天寿七旬 Thiên thọ thất tuần. Tuổi trời 70
Bài vị còn 3 bài vị còn đọc được chữ:
1.
Mặt
bôi phấn:
显高祖妣特进金紫荣禄大夫户刑二番勾稽阮公次室 阮氏慈懿序夫人 Hiển cao Tổ tỷ , Đặc tiến kim tử
Vinh lộc đại phu, Hộ - Hình nhị phiên Câu Kê Nguyễn công thứ thất, Nguyễn thị Từ
Ý Tự Phu nhân. Cụ tổ bà[1],
Thứ thất quan Câu Kê Nguyễn công ở 2 Phiên Hộ - Hình, phong Kim tử vinh lộc đại
phu[2].
Bà họ Nguyễn hiệu là Từ Ý[3],
phong Tự Phu nhân
Mặt trong khám:高祖妣黎朝户刑二番勾稽庶室 阮氏諱錦 號慈懿神主 Cao tổ tỷ, Lê triều Hộ - Hình nhị phiên Câu Kê thứ thất
Nguyễn thị, húy Cẩm, hiệu Từ Ý thần chủ. Thần chủ
Cụ Tổ bà, Thứ thất quan Câu Kê ở 2 Phiên Hộ - Hình thời
Lê, bà họ Nguyễn, tên húy là Cẩm[4],
hiệu là Từ Ý.
2.
Chỉ
có 1 mặt bôi phấn:曾祖妣七品安人阮氏慈俭命妇神主 Tằng tổ tỷ thất phẩm An nhân,
Nguyễn thị Từ Kiệm mệnh phụ thần chủ. Thần chủ Cụ bà, Mệnh phụ, được phong Thất phẩm An nhân. Họ Nguyễn hiệu
Từ Kiệm.[5]
Lạc khoản trái bên dưới:曾孙熠奉祀 Tằng tôn Tập phụng tự. Chăt tên là
Tập thờ[6]
3.
Mặt
bôi phấn:显考河内省臬司书吏阮贵公谥纯孝府君神主Hiển khảo, Hà Nội tỉnh Niết ti
thư lại, Nguyễn quý công, thụy Thuần Hiếu phủ quân thần chủ. Thần chủ của phụ thân, làm Thư lại tòa Niết ti tỉnh Hà Nội[7],
Nguyễn quý công, thụy là Thuần Hiếu phủ quân.[8]
Lạc khoản trái bên dưới:子熠奉祀 Tử Tập phụng tự. Con là Tập phụng
thờ
Mặt trong khám: 故河内臬司书吏阮贵公讳燮字调甫第十五神主 Cố Hà Nội Niết ty Thư lại Nguyễn
quý công, húy Tiếp (còn đọc là Nhiếp), tự Điều Phủ đệ thập ngũ thần chủ. Thần chủ Thư lại tòa Niết ty tỉnh Hà Nội là Nguyễn công, tên
húy là Tiếp, tự là Điều Phủ (con thứ 15)[9].
Trung hạ, 2017/ Du giang biên cựu tích
[1] Quy cách trên Thần chủ,
các cụ Bà thì viết là Tỷ妣;
các cụ ông thì viết là Khảo考. Hàng phụ mẫu thì chỉ viết Hiển
显; ông – bà thì viết Tổ祖; hàng cụ thì
viết Tằng曾; hàng kỵ thì
viết Cao 高. Các cụ bà thì luôn được viết
kèm là vợ của cụ ông này, chức kia, rồi sau đến phẩm hàm của cụ bà được phong
theo nghạch quan của chồng. Như cụ này được phong Tự Phu nhân, theo hàm cụ ông
làm Câu Kê
[2] Hộ phiên và Hình phiên là
2 phiên thuộc của Phủ Chúa Trịnh, quản lí việc Luật pháp và Hộ tịch. Bên cạnh
là Hàm Đại phu, phân biệt bởi Kim tử Vinh lộc đại phu, là mỹ từ thêm vào Hàm.
[3] Từ Ý chỉ là tên hiệu viết
ngoài mặt vôi của Thần chủ, cũng là mỹ tự cho phụ nữ đức hạnh
[4] Tên húy, chỉ viết mộc bên
trong Thần chủ.
[5] Bài vị này chỉ có mặt bôi
phấn, mặt trong không viết. Cụ bà được phong là An nhân, theo hàm thất phẩm
[6] Bên dưới đề tên người dòng
đích giữ việc thờ phụng.
[7] Thần chủ này thời Nguyễn.
Vì thời Nguyễn mới có tỉnh Hà Nội. Niết ty, là đơn vị Hành Pháp của tỉnh. Cụ
ông làm Thư lại, là chức Văn phòng tại Niết ty hàng Tỉnh.
[8] Quý công, Phủ quân: là tôn
xưng ngữ dành cho người đã khuất, không dịch mà để nguyên làm tôn xưng ngữ mà
thôi. Thuần Hiếu là thụy cũng là mỹ tự tôn đức độ người quá cố, đặt sau khi mất.
[9] Cụ ông tên húy là Tiếp (còn
có thế đọc là Nhiếp. Cái này không chắc lắm, chắc phải hỏi lại Gia chủ. Vì chữ
Nhiếp-Tiếp là bộ Văn燮,
còn tên trên Thần chủ là bộ Hỏa火,
chúng tôi tra Thiều Chửu không thấy, tạm đề là Tiếp); tên tự cũng là mỹ tự
riêng của cụ ông. Thần chủ còn ghi thêm, cụ là hàng thứ 15.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaThay mặt anh em chúng tôi và cả họ Nguyễn-Đăng, xin cảm tạ tác giả bài viết, rất quý báu, đọc rất cảm động. Những cái tác giả cho là ước đoán đều đúng hết:
Trả lờiXóaNhà thờ này xưa là nhà cụ chúng tôi (tằng tổ, húy là Quyền), lúc sinh thời dạy học, có rất nhiều môn sinh thành đạt. Câu Ngưỡng Như Sơn Đẩu trên tấm hoành phi dùng làm hình tựa cho bài viết nói lên điều đó.
Ở điểm chú thích [9], tác giả ngợ là "cụ ông tên Tiếp hay Nhiếp". Quả nhiên cụ Đô Nhiếp là thân sính bác cả Tập, người được nhận là con phụng thờ cụ (trong lạc khoản bài vị 3). Bác Tập là cháu đích tôn cụ Quyền, và là con cụ Đô Nhiếp.
Nguyễn Đắng Thanh Tùng
Thanh-Tung.Nguyen-Dang@chm.ulaval.ca
vnt60ai@gmail.com
Chào bác Tùng. Tôi là bạn học cấp 3 với anh NguyễnĐăng Hoàng, người trong họ nhà bác, nhà anh Hoàng ở phố Triệu Việt Vương, quán Cafe Tranh. Lâu lắm không về quê, đến Nhà đó tôi rất xúc động. Hơn 1 năm tôi không lên Blog, bây giờ mới đọc comment của bác
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Xóa