Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Cao Bằng thực lục đối chiếu 2 bản dịch của Phạm Thùy Dương - Nguyễn Đức Toàn





Bản Nguyễn Đức Toàn dịch:
Bài tựa sách Cao Bằng thực lục.
Ôi cái việc ghi chép, là những việc có thực mà rõ ràng thì ghi lại. Việc ghi chép lại ấy, là để tỏ tường gần xa, phân biệt việc giống khác đó. Từ đời xưa, cái gọi là cốt yếu của vương đạo là gốc ở nhân tình, thích nghi ở phong tục. Cái lớn thì sáng tỏ ra trong lời văn cuả Thi Thư, còn sự tường tận thì thấy rõ tản mát ở những sự ghi chép nơi biên ấp. Đó chính là cái các bậc vua thánh, tướng hiền có thể chẳng cần bước xuống bệ mà biết khắp hết các chỗ yếu chỗ mạnh trong thiên hạ, làm khuôn thước để trị nước bảo bang. Vả như một phủ Cao Bằng, là phủ lớn ở một phương, đầu mối đứng đầu các phiên thuộc. Châu thuộc có 4, ải khẩu có 13, là nơi nước ta quan tâm gửi gắm khích lệ lớn, để khai thác miền biên viễn xa xôi, tính bề ích lợi cho việc đại trị. Ngưỡng xét quy mô vết tích, giáo hoá lê dân, thì cửa mở cũng chẳng kinh động chó sủa, chốn rượu chè chẳng cấm được người say. Khí vận đã xoay vần thời thế hanh thông, núi sông rộng mở ngày càng thêm rực rỡ. Lấy vẻ đẹp của núi sông ấy ắt sẽ nổi bậc anh hào, sinh người tuấn tú, nhân vật lưu danh. Ôi cái việc ghi chép, là những việc có thực mà rõ ràng thì ghi lại. Việc ghi chép lại ấy, là để tỏ tường gần xa, phân biệt việc giống khác đó. Từ đời xưa, cái gọi là cốt yếu của vương đạo là gốc ở nhân tình, thích nghi ở phong tục. Cái lớn thì sáng tỏ ra trong lời văn cuả Thi Thư, còn sự tường tận thì thấy rõ tản mát ở những sự ghi chép nơi biên ấp. Đó chính là cái các bậc vua thánh, tướng hiền có thể chẳng cần bước xuống bệ mà biết khắp hết các chỗ yếu chỗ mạnh trong thiên hạ, làm khuôn thước để trị nước bảo bang. Vả như một phủ Cao Bằng, là phủ lớn ở một phương, đầu mối đứng đầu các phiên thuộc. Châu thuộc có 4, ải khẩu

Ôi như vậy thì đất nào đất chẳng sinh nhân tài, nhân tài nào nhân tài chẳng lưu tiếng ở đời đây. Như Trí Cao cướp đất Tống, anh dũng vô song; Trí Kiên bền gan, trung thành chẳng đổi; Trần Kiên,Trần Quý trừ hại để yên dân, đức trạch mãi ghi lưu bất hủ. Phù Thắng, Phù Thiết giữ lòng theo đường chính, anh hùng khí đởm phi thường. Trần công dũng cảm càng đáng khen, Hoàng Lục chí hùng thêm lẫm liệt. Khoái Trạch hầu liêm minh làm chính sự,
Bản Nguyễn Đức Toàn dịch:
không một kẻ tư hiềm, tiếng tăm lưu thế,  dân bốn châu cùng đội ơn đức. Lại ôi ! Quan Triều nơi khe cá gặp kỳ duyên, thần cởi áo ban tặng. Trộm kho tàng để phát lòng hào hiệp, đuổi quân Tống để chuộc lỗi lầm, cuối cùng kiến dựng đại công, cưỡi rồng cùng phối duyên Hồng Liên công chúa. Đó là các thần thiêng mà đảnh sinh kỳ tú, đều là tinh anh chung dục, giúp nước yên vững như bàn đá. Nay dân được mãi yên bình, việc hưởng tế tự, ấy cũng là đúng.
Ta đây lúc nhỏ theo thầy, rỗi xem chương cú đã sơ lược biết được cái tinh vi. Đến lúc mũ đội tròn đầu, hài đi đã chật, thực hổ thẹn khó bổ sung những chỗ còn thiếu sót. Tuổi kịp đến trưởng thành, ơn kế tập chức trước, đoán rằng đất này từ lâu chưa có ghi chép gì, bèn trích lấy những việc có thực trước mà thêm bớt đính chính nó, hội tập giấy tờ còn sót lại, tham khảo những điều nghe biết. Sửa ngọc cho mới, những cái  diên cách thêm bớt, khác biệt. Như mà không sưu tầm được hết thì danh tích ngày một mất đi, người cầm sách đời sau thu nhặt lại càng khó.
Nay mừng gặp triều ta hưng thịnh, nhân sưu tập Thực lục, biên soạn thành sách. Vả như đặt từ chưa được công phu, ấy cũng là cái quyền chim hồng được lưu vết, dám rửa bút để đợi bậc quân tử đời sau, hay để cho một hai người đồng chí có thể dùng làm tham khảo vậy thôi.
Ngày tốt tháng đầu xuân, năm Canh Ngọ niên hiệu Gia Long thứ 9(1810) .

Nguyễn Hựu Cung, người Ninh Sóc, Lâm Khê viết ở bên trái Sơn Miêu đường.
Truyện Bà Hoàng ở Khâu Sầm
          Xưa Nùng Trí Cao, người châu Quảng Uyên (nay là phủ Cao Bằng), nhà nối đời làm thủ lĩnh, có nhiều binh quyền, ở nước Việt từ đời Đường trở về đây, hùng cứ đất Quảng Nguyên, cùng với họ Hoàng, họ Chu thống lĩnh đến tám phần mười, mà họ Nùng lại hùng mạnh, cứ như tằm ăn rỗi, thôn tính dần dần hết.
Cuối đời Đường vùng Giao Chỉ hùng mạnh lên, châu Quảng Nguyên thần phục, thuộc vào đạo Lâm Tây. Các châu Giáp Động, Lạng Châu, Tô Mậu, Quảng Nguyên, Ba Bình, Đô Kim, Thường Tân đều thường khởi binh đánh ba châu Châu Ung, Tư Lăng, Tây Bình của đất Tống cướp của cải trâu ngựa đem về. Lúc bấy giờ vua nhà Tống suy vi, giặc ở phương Bắc xâm lấn ở bên trong nên chẳng rỗi rãi để trông coi mặt Nam. Năm Thông Thuỵ thứ 5 (1038) đời Lý, cha của Nùng Trí Cao là Nùng Toàn Phúc, trước là thủ lĩnh châu Đảng Do, chú ruột là Nùng Toàn Lộc, là thủ lĩnh châu Vạn Nhai, mẹ là A Nùng Chi, em là Đương Đạo, là thủ lĩnh châu Vũ Lặc, đều lệ thuộc châu Quảng Nguyên, hàng năm đều vận chuyển đồ cống phẩm. Sau Nùng Toàn Phúc giết em là Toàn Lộc, cùng Đương Đạo thôn tính đất đai rồi làm phản triều Lý, tự xưng là Chiêu Thánh hoàng đế, vợ là A Nùng là Minh Đức hoàng hậu, phong con trưởng Nùng Trí Thông làm Nam Diễn vương, đổi tên châu làm nước Trường Sinh (Trường Sinh quốc), may giáp luyện binh, đắp thành để chống lại.
Ngày Tân Hợi tháng giêng năm Kỷ Mão, Càn Phù Hữu Đạo thứ nhất (1039) triều Lý, thủ lĩnh châu Tây Nùng là Hà Văn Trinh đem việc Toàn Phúc làm phản tâu lên. Tháng hai (năm ấy) vua Lý tự thân cầm quân đi dẹp. Toàn Phúc đem quân đóng trong thành chống giữ,
nhưng thế không kháng cự lại được, bèn dẫn liêu thuộc dắt vợ con bỏ thành chạy vào vùng núi, vùng khe. Vua Lý thả quân truy đuổi bắt được cùng với con trưởng Trí Thông, bị đóng cũi giải về kinh sư, rồi đều bị chém cả. Duy chỉ có A Nùng và con thứ là Nùng Trí Cao tuổi còn thơ bé, mẹ dắt đến ở nhà chú. Chú là Nùng Trí Viễn có một con ngựa cái, sai Cao đi chăn ngoài đồng, thường hay thấy có đám mây đen giáng xuống, xoay chuyển từ trên không xuống phủ lên lưng ngựa cái, trong chốc lát lại tan, chỉ mình Cao trông thấy. Trong lòng Cao ngầm có chí khôi phục sự nghiệp nhưng không để lộ ra. Đến khi ngựa ấy có mang, hơn một năm thì sinh ra một con ngựa đực non, toàn thân không có lông. Người chú thấy quái dị thì vứt đi, Cao nhân đấy khẩn thiết xin nuôi, chú liền đồng ý cho. Cao dắt ngựa ra ngoài thung lũng, làm chuồng nuôi dưỡng, chỉ trong có ba ngày toàn thân lông mọc ra trông rất dĩnh ngộ, đứng dậy phi chạy như gió. Chăm sóc hơn một năm, ngựa béo tốt hùng tráng, hai tai như lá trúc, bốn móng nhanh như gió lùa. Cao thường cưỡi mỗi ngày, dong chơi ở trong thung lũng, kiêu dũng như bay.
 Có một hôm, Cao thả cương cho chạy, vó nện đất như vỡ băng, nhanh như bay vút cao lên không, chốc lát đã lên đến đỉnh Thống sơn (Nay núi An Lại là nó vậy). Cao ngồi trên lưng ngựa, xa thấy bàn đá có một ông lão ngồi ngay ngắn, Cao nghĩ đây ắt là một bậc dị nhân, bèn xuống ngựa, khom mình đi  đến quì trước dị nhân nói:
“May mắn gặp được tiên nhân, xin được nghe lời dạy bảo”.
 Dị nhân ấy bèn truyền cho một quyển sách, Trí Cao quì dơ hai tay đỡ lấy, khấu đầu lạy tạ, cáo từ ra về, ra roi phi ngựa từ trên không trung xuống.
Trí Cao vóc dáng cao lớn khoẻ mạnh, có trí dũng hơn người, hay tiếp thu những bọn phản loạn, lưu vong mưu đồ việc lớn. Năm Tân Tị niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo thứ ba(1041) triều Lý, Trí Cao nối thừa chức cha, dâng biểu xin được vào chầu. Vua Lý thương là cha và anh đều bị giết, ra chiếu tha tội,
cho được trông coi châu Quảng Nguyên như trước để giữ gìn đất nơi phên dậu. Cao lấy vợ tên là Cầm cho làm phi, cho về phủ thự ở châu. Tháng 9 năm Quý Sửu, vua Lý sai Nguỵ Trưng đến châu Quảng Nguyên ban cho Nùng Trí Cao Đô ấn, bái chức Thái Bảo.
Năm Nhâm Ngọ niên hiệu Minh Đạo nguyên niên 1042(tức năm đầu niên hiệu Khánh Lịch nhà Tống), Nùng Trí Cao cùng mẹ A Nùng chiếm cứ ba châu Do Lôi, Hoả Động, Thảng Do đổi châu làm nước Đại Lịch (Đại Lịch quốc). Nhà Lý lấy 4 động Lôi Bình, An Bà và châu Tư Lang cho thêm. Tháng 9 Trí Cao dâng biểu xin vua Lý sai tướng dẫn binh sang đánh đất Ung Châu của Tống (Nay là phủ Nam Ninh), thế là lại có được cả đất Lĩnh Tây. Năm Mậu Tí niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 6 (1048), Trí Cao chiếm giữ châu An Đức, tiếm xưng là nước Nam Thiên (Nam Thiên quốc), cải nguyên là Cảnh Thuỵ năm đầu, lại sai Chỉ huy sứ là Biện Vân giữ châu, sai Kiến Nùng hầu, Chí Ân hầu dẫn quân đi tuần biên, chia liêu thuộc đi kén binh gọi là đội Thập vạn hùng sư, đều giữ cho làm thuộc hạ, thao luyện trận pháp, đóng ở Lôi Châu, thế quân rất mạnh. Lại khiến tướng chuyển tàu, điều quân.
Đến năm Sùng Hưng Đại Bảo nguyên niên (1049)triều Lý (Năm Tống Hoàng Hựu nguyên niên), Trí Cao dẫn quân từ châu Uất Lâm đến đánh trại Hoành Sơn, phá được (trại), sai quan chia giữ.

Mùa hè tháng tư năm Nhâm Thìn niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 4 (1052)(năm Tống Hoàng Hựu thứ 4), Trí Cao đã chiếm được Ung Châu xưng là Nhân Huệ hoàng đế, dựng quốc hiệu là Đại Nam, cải nguyên là Khải Lịch năm đầu, lập vợ là Thẩm làm 
hoàng hậu (người xã Hàm An châu Thạch Lâm), lấy vợ là Kim Anh cho làm phi (người Quảng Tây). Từ khi đem quân đánh vào đất Tống, phá trại Hoành Sơn, vây hãm Ung, Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Khang (nay là phủ Đức Khánh), Đoan (nay là phủ Triệu Khánh), Củng, Tầm chín châu, thế như chẻ tre, quân đóng ở Quảng Thành, Việt Đông.
 Tháng 7 mùa thu, Trí Cao từ Quảng Thành công hãm Chiêu Châu (nay là phủ Bình án), chia quan tể cai trị, ở được một tháng lại dẫn quân về. Năm ấy nghe tin vua Tống sửa sang quân ngũ, Trí Cao lại dẫn đại quân đến Ung Châu, giết tướng sĩ quân Tống hơn 3000 người, bắt sống kể đến hàng vạn, những chỗ đi qua thì cướp đốt chẳng bỏ sót. Vua Tống sai Dương Điền, Từ Tĩnh đi cự chiến, Trí Cao ra sức đánh bại được. Vua tôi Đại Tống rất lấy làm lo, lập tức đề bạt Khu Mật phó sứ Địch Thanh làm Khu Mật sứ đô đại, đề cử nắm Tổng tiết việt đem quân đi chế ngự Trí Cao. Quân Địch Thanh chưa đi tới hạt Kiềm của Quảng Tây thì Trần Thự (chắc là một bộ tướng của Cao)trộm đem bộ tốt tám nghìn tên theo kế “dĩ dật đãi lao” ra nghênh chiến. Quân của Trí Cao bại hoại, thua ở Kim Thành dịch,  lại vỡ ở Côn Luân quan (nay là phủ Nam Ninh).
Năm Quý Tị niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 5 triều Lý (Năm Tống Hoàng Hựu thứ 5(1053) Địch Thanh đem quân đến phố Quy Nhân ở Ung Châu. Trí Cao lại sửa sang sĩ tốt nghênh chiến, Cao một mình cưỡi thần mã từ trên không xuống tung hoành xông xáo, lấy đầu thượng tướng như lấy đồ trong túi, thế quân mạnh lên. Địch Thanh lo ngại không dám giáp công, chỉ đắp thành vững để cố thủ. Địch Thanh đoán là Trí Cao cậy có thần mã bay từ trên không xuống, nên không có cơ chế phục, mà các tướng bị giết nhiều. Hơn một tháng Địch Thanh trù tính, mới lệnh cho quân doanh làm cái mông xung nối vào nhau đóng trên mộc sách, quân sĩ chạy đi lại phía dưới, vừa đánh vừa giữ, dời doanh trại đến đánh. Cao cưỡi ngựa ở bên trên, rút cục cũng không xuyên nhập
được vào doanh trại quân Tống. Hai bên chống nhau mấy tháng chưa phân thắng phụ, Địch Thanh hạ lệnh cho quân sĩ ăn no, chẳng kể ngày đêm chia giữ Côn Luân quan, Quy Nhân phố. Sáng hôm sau, Địch Thanh dẫn quân ra khiêu chiến, quân của Cao đóng ở trên núi, chia làm hai thành thế ỷ giốc tương trợ lẫn nhau. Tướng Tống là Tôn Tiết Kích chết dưới chân núi, quân của Cao thế mạnh, bọn tướng Tống là Tôn Miện thấy đều thất sắc cả. Tướng bên Tống là Giả Đạt đem tả quân lên tranh lập sơn trại, Trương Ngọc đem quân tiền phong xông lên trước trận, Địch Thanh cầm cờ trắng vẫy đội kỵ binh ở vùng biên viễn xuất chiến đánh vào sau lưng Trí Cao. Hai bên dùng dao ngắn hỗn chiến một trận, tướng sĩ của Cao ra sức đánh chém quân Tống hơn 9000 người, riêng một mình Cao cưỡi ngựa giết quân Tống hơn mấy trăm. Quân của Cao cũng bị hại đến hàng vạn, ngựa Cao sức mỏi, Cao thấy thế bất lợi cũng gõ chiêng thu quân về doanh, kiên cố hào luỹ tự thủ. Quân Tống cũng tháo vây về trại. Đêm ấy quân Tống bao vây ba bề, đánh rất gấp, Trí Cao liệu địch không lại liền mở cửa sau mà chạy. Chạy đến Đại Lý (nay là phủ Đại Lý  tỉnh Vân Nam), Địch Thanh truy kích phá được nhưng không biết Trí Cao chạy hướng nào, người Tống tìm khắp trong thành thấy trong đống tro tàn có thi hài cao lớn, mặc giáp vàng cho đó là Trí Cao rồi đem đốt xác đi. Địch Thanh liền cấp tốc chỉnh đốn quân ngũ khải hoàn để lo chống giặc Kim. Trí Cao từ Đại Lý cưỡi ngựa bay 5 ngày trời, lại về đất cũ châu Quảng Nguyên (ngựa bay 5 ngày, Cao thường cho ngựa hạ xuống, ăn cỏ uống nước xong lại nhảy lên ngựa bay đi). Người trong châu thấy Cao trở về phủ thự, ngày ngày buồn bã, ở chẳng bao lâu lại cưỡi ngựa đi, không biết đi đâu.
Mẹ Cao là A Nùng vào chiếm cứ động Đặc Ma, nuôi hơn vạn quân lại xâm phạm bờ cõi nước Tống, hoành hành Ung Châu, thế quân trấn động. Nhưng phụ nữ chỉ có thể làm tướng, không thể giữ được phong cương,
sau thua chạy về châu Quảng Nguyên, chết già.
Mùa thu năm trước, lúc Trí Cao cùng Địch Thanh giao chiến ở Côn Luân quan, có hôm sai Lương Châu về kinh xin xuất quân. Vua Lý xuống chiếu mệnh Đô chỉ huy sứ Vũ Nhĩ đem một vạn quân đi giúp, nhưng vừa đến địa giới Ung Châu nghe tin Trí Cao đã thua nên lại đem quân về triều, đem uy thế chiến công của Trí Cao cùng việc bại quân ở Đại Lý, về đất cũ cưỡi ngựa bay đi mất. Nghe tâu, vua Lý cảm khái than, tiếc tài dũng lược cái thế. Vả Trí Cao vốn căn bản ở đất Quảng Nguyên, sau khi bay đi mất, dân trong châu hàm ơn đức của Trí Cao lập miếu phụng thờ. Nhà Lý đặc chiếu bao phong Trí Cao làm Khâu Sầm đại vương, đền ở thôn Bán Ngân, xã Tượng Lặc châu Thạch Lâm, phong mẹ là A Nùng làm Bà Hoàng đại vương, đền tại thôn Phù Vạn, xã Kim Pha châu Thạch Lâm, hai đền ấy đều được phong thượng đẳng thần, xuân thu quốc tế, các triều đều gia phong mỹ tự:
- Khâu Sầm tế thế, an dân hãn ngoại, ninh thuỳ trấn địch, anh nghị quả đoán hiển ứng thuỳ hưu, hộ quốc an dân đại vương.
- Bà Hoàng phổ ứng, hiển linh diệu cảm, hồng hưu tĩnh trấn, hiển phù linh thông, phục viễn ninh cảnh, vũ di hiển hưu, cảm ứng hộ quốc, ninh dân dương vũ đinh công đại vương.

Ôi một mình Trí Cao cùng nước Tống ghanh đua hơn mười năm, vua tôi nhà Tống rất lấy làm lo ngại. (Tống) Có thiên hạ rộng lớn như thế mà sức chẳng thể chế ngự được thì thấy cái anh hùng kiêu dũng của Trí Cao hơn hẳn người khác vậy. Mạnh mẽ thay mạnh mẽ thay, là cái mạnh của Trí Cao ư ? hay là cái mạnh của người phương nam ư ?.
Nhưng Trí Cao có đất của hơn 50 châu, thống lĩnh hơn 10 vạn quân thiết đột mà sau lại bị Địch Thanh đánh bại, chắc trời còn giúp nhà Tống mà giới hạn chia Nam Bắc  nên mới như vậy, vận số  ắt còn đợi bậc vua tài chăng?

Truyện hai vị Đại vương họ Trần ở Đống Lân, Cai Cộng
Lời truyền lại của người già, chuyện hay  kể của trẻ nhỏ, đều đáng tin là chuyện kỳ lạ của đất này. Sách vở như không tu sửa để chép lại thì đời sau biết vào đâu mà khảo sát. Thứ đến gia thế họ Trần có công với vùng này, giúp rập dân ở đây, lo là về sau lâu ngày mai một đi mất, thế không thể không ghi chép thành văn để làm điều bổ trợ chốc lát cho nghìn năm vậy.
Xưa thời Ngũ đại, đất Nam đều lệ thuộc Trung Hoa. Cuối đời Chu, mười hai sứ quân ở nứơc Nam cùng nổi dậy, nhà Trần công nối đời ở đất Ninh Sóc (nay thuộc Cao Bằng), có người vợ họ Hoàng có mang rất thèm ăn thịt hươu. Trần công vào núi săn, hàng ngày bắt được đem về cho. Đủ tháng sinh ra được một trai, đặt tên là Trần Triệu. Lúc ấy Trần công chuyên việc săn bắt, ngày tháng trôi qua làm hại sinh linh không ít. Đến một hôm, đầu bỗng mọc sừng, thân mọc lông hươu, chân tay đều biến thành chân tay hươu, nhảy nhót chạy vào núi hợp làm bầy với hươu nai. Hoàng thị một mình nuôi con, thấm thoát đến năm Nhược quan, một hôm con hỏi mẹ:
“Cha con ở đâu”.
 Hoàng thị nói rõ sự thể. Triệu nghe truyện bất giác cảm động, khóc nói :
“Phụ tử tình thâm, dù mang hình hươu, sao nhẫn tâm mà nhìn chia lìa”.
 Sớm hôm sau ra ngoại ô, trèo núi vượt khe, qua  mùa trúc biếc tới  tiết tùng xanh, lên thác xuống ghềnh, măt trời đã trưa mà chân đã muốn mỏi, ngồi nghỉ ở đám cỏ bên ruộng. Trong chốc lát nghe thấy tiếng hươu
từ trong núi vọng ra, Trần Triệu nhìn kĩ thấy rất khác loài hươu, đoán chắc là đúng đây rồi, lập tức chạy đến quỳ, tha thiết xin cha trở về. Há tình cha con là tính trời vậy, tuy thay hình đổi dạng cũng không thể không có cảm xúc. Hươu chạy lại gần rơi lệ nói:
 “Ai mà không hoài nhớ vợ con, chỉ hận hình thể ta không dấu đi được, sợ tai mắt loài chó phát hiện ra”.
 Triệu nói: “Con xin lấy sức chịu việc ấy, lo gì loài chó ngăn trở”.
Thế rồi dắt về. Về đến cổng làng, chó trong xóm sủa cắn ầm lên, Triệu một mình giữ không được, hươu kinh loạn, bẻ sừng bỏ chạy vào núi. Triệu bất đắc dĩ nuốt nước mắt lần theo dấu chân ra xa tận ngoài rừng gặp được, hươu bèn tặng sừng cho dặn rằng:
 “Con mà về lấy giây buộc sừng này mà kéo lê đi. Như sừng mắc vào chỗ nào thì làm ruộng ở chỗ ấy có thể nuôi thân được”.
 Về làm như thế, đến vườn dâu nhà La qủa phụ, bèn xin đất ấy làm ruộng, trồng lúa. Đến mùa thu thì lúa chín, Triệu ra sức thu hái nhưng đến tối lại thấy lúa mọc bông bông như cũ. Lúa tích trữ cao bằng mái, bằng xà không kho nào nhiều bằng, Triệu sức ít kham không nổi. Bỗng đâu có đám thiếu nữ tươi trẻ cười nói đi tới, người mang làn, người mang giỏ xin được vào hái dâu. Triệu nhân nói với các cô gái rằng:
“Ai có thể cắt hết lúa hộ tôi thì tôi nguyện hái dâu cho”.

Trong các cô có người nguyện được cắt lúa, Triệu thay hái dâu. Nhưng đúng là tiên duyên sớm kết, ý trời khiến cho gặp gỡ như thế. Triệu mỗi lần nhìn trộm cô gái trong lòng bồi hồi, tâm trí mê mẩn quên cả hái dâu. Đến chiều các cô gái dần tan về, duy chỉ còn cô gái nguyện cắt lúa thay, cô trách Triệu hái dâu thay mình mà giỏ không đầy lá. Mỗi lần nhìn lại thêm bồi hồi, tức thẹn không biết chốn vào đâu. Lúc bấy giờ ngọc thỏ đã nhô trên đỉnh non đông, về không được nữa cô trách Triệu nguỵ biện, trái lời không hết sức hái dâu đến nỗi khiến cô bỏ mất bạn bè. Triệu đáp:
“Ngày hôm nay sức đã mệt rồi, để mai xin hái cho 10 giỏ để đền cái nợ hôm nay. Nhưng giờ đã tối xin tạm mời về nhà nghỉ đêm”.
Lúc ấy người con gái đẹp ngóng bạn đi cùng đã về hết, gãi đầu trần trừ. Ngó mặt trăng đã ở lưng trời, sương móc ướt áo, bất đắc dĩ theo Triệu về. Nhưng rồi tiên cách cũng hoá trần, gần son rồi sẽ nhuộm thắm, niềm tục khó chằng, hai bên cùng hoà hợp nên duyên đôi lứa. ở cùng nhau được mấy năm, nuôi lớn được hai con, đứa lớn tên là Trần Kiên, đứa nhỏ tên là Trần Quý. Khi con đến tuổi trưởng thành, người con gái đẹp ấy nói với Triệu rằng:
“Thiếp là tiên nữ, cùng chàng chưa hết trần duyên, nay hạn kỳ khiển trách đã mãn, thiếp không dám lưu lại chút nào”, nàng lại vỗ về hai con nói:
“Trong vùng này có khí yêu quái, anh em các con nên hết lòng trừ diệt để cứu sinh dân”, nói xong thì bay lên không đi mất. Triệu cảm duyên kỳ ngộ cũng bỏ vào núi cầu học đạo tiên, không biết là đi đâu. Hai con kêu gào mà không được.
Thế là hai anh em ghi lời dặn, mang kiếm đi khắp trong vùng, đến Sầm Khê thấy hai người con gái hốt hoảng chạy lại. Kiên bảo Quý rằng:
“Ta xem hai người con gái này có vẻ hốt hoảng, tất có việc chi đây, thử hỏi xem”. Quý nói:
“Hai người con gái ấy chẳng qua thấy chúng ta thì khiếp sợ đó thôi làm gì có duyên cớ gì khác để em hỏi xem”. Hai người con gái đến trước mặt, Quý mời hỏi:
“Hai người đi đâu đây, sao lại có dáng điệu kinh hoàng làm vậy”.
Hai người con gái đến trước nói:

“Thiếp là dân nữ vùng này, vì ở động Nham Muộn núi Cù Sơn có con yêu tên là Bà Trằn, hình sắc như tro, vóc gầy như củi, lưỡi dài mấy xích lại có đứa cháu gái giữ cửa động. Cùng ở huyệt Lộng Kiến gần đó có con yêu xà, vẩy sáng như điện, mắt rực như sao, thân dài 50 xích, lại ở xã Xuân Lan (nay đổi tên là xã Xuân An), núi Nham Châm 
có con quái điểu, hình như diều hâu, lúc bay tiếng kêu như mưa bão, rang cánh rộng như mây che. Ba con quái ấy luôn gây hại, lúc đầu thì ăn vật, hết vật  lại ăn tiếp đến người. Đất vùng này tiêu điều, dân cư li tán là do ba con quái ấy. Hôm nay Bà Trằn đến làng bọn thiếp, vì thế bọn thiếp hoảng hốt mà trốn đi, xin hai chàng đừng đi tiếp phía trước, e sẽ bị nó hại”. Kiên nói:
“Mối lo của các nàng là việc hai anh em chúng tôi đến đây vì dân trừ hại”, rồi bảo hai người con gái ấy chỉ dẫn, tiến đi phía trước . Đến giới phận Cù Sơn thấy Bà Trằn ve vẩy phải trái từ trước thôn đi ra, hai người con gái kinh sợ chỉ bảo rằng:
“Đó là Bà Trằn đấy”.
Trần Quý liền múa kiếm đón chặn đường. Bà Trằn trông thấy liền cười ha hả nói:
“Ta đang đói đây, nhà ngươi là người thôn nào đưa thức ăn đến đây vậy?”.
Lưỡi Bà Trằn thè ra định liếm, Trần Quý tay cầm kiếm vung lên chém trúng vai phải. Bà Trằn duỗi lưỡi ra liếm  máu, vết đao liền lại. Trần Kiên liên tiếp xông đến giết, chỉ hận là quái vật mỗi lần thè lưỡi ra liếm máu trên vết đao thì lại không có thương tích gì. Lúc ấy đang giờ Canh, Bà Trằn liệu trời sắp tối, khí thế suy kiệt, bèn ẩn lui vào trong động. Hai người sức mệt không đuổi theo chống kiếm nghỉ một chút, rồi nối đuôi  đến cửa động, ẩn trong đám cỏ rậm ở bên. Bỗng nghe thấy tiếng trong động vẳng ra, là Bà Trằn và đứa cháu gái đang nói truyện:
“Hôm nay gặp một kình địch, suýt bị nó đánh bại”.
Đứa cháu nói:
“Hôm nay không được đi nữa, nó mà biết lấy đồ ô uế bôi lên kiếm thì thôi đời”.
Hai người nghe biết được, y theo lời mà làm, liền đêm ấy vào thẳng động Nham Muộn giết hết cả. Nhân đà sang luôn huyệt Lộng Kiến, thấy quái xà uốn lượn trong ấy, hai người liến rút kiếm chặt luôn đầu. Lại đến núi Nham Châm. Con quái điểu thấy có người đến, giơ cánh như muốn quật ngã, hai ngưòi múa kiếm chém thẳng đầu. Ba yêu quái đã diệt, nhân dân trong địa phận ấy lại được sống yên như cũ. Từ đó 
dân nhớ đức, lập miếu xuân thu phụng tự, nơi động huyệt của ba yêu quái ấy đều khắc hình để ghi lại di tích. Hai vị ấy, trải các đời đều có sắc phong tặng, tiến thêm mỹ tự. Đến triều Lê phong Trần Kiên làm Cai Cộng đại vương hạ đẳng thần, phong Trần Quý làm Đống Lân đại vương trung đẳng thần, quốc tế hai mùa xuân thu. Duy ở thôn Đốc Hoằng (nay thuộc địa phận xã Cù Sơn) lập đền thờ Trần Triệu, để bảo hựu nhân dân, hộ  quốc tộ mãi yên, nghìn năm hưởng tế.
Hai đền Đống Lân, Cai Cộng đều ở địa phận xã Vu Tuyền, các triều đều có cúng tế, phong tặng mỹ tự:
Đống Lân diệu linh thông cảm, trợ quốc hiệu linh, phấn dũng ninh biên, thuỳ khánh tứ hỗ, dương liệt hiển linh đại vương.
Cai Cộng linh diệu hiển ứng trợ vũ, anh quả hùng đoán đại vương.
Ôi ! Việc hình người biến hươu, việc kéo sừng mà cùng tiên kết duyên nghe tựa như những lời hoang đường ngoa truyền, nhưng trải xét điển tịch thì việc Tử Cao thành tiên cũng giống như chuyện nhà họ Trần, cũng thể lượng cho không phải là chuyện vu khoát  vậy.
Chuyện về đền Quan Triều
Vào triều Lê Đại Hành, năm Tân tỵ niên hiệu Thiên Phúc thứ 2(981) , có người xứ Thaí Nguyên họ Quan tên Triều, nhà nghèo làm nghề đánh cá. Có đêm đi buông lưới ở khe Quán Triều (nay là xã Quán Triều, xứ Thái Nguyên, gần Quang Vinh, Đồng Mụ) lúc ấy đương là đêm rằm, trăng sáng như ban ngày. Bỗng vẳng nghe bên bờ có tiếng đàn sáo, bèn buộc bè leo lên, trộm bò đến nơi, thấy giữa cỏ có tiệc rượu, một người ngồi ngay ngắn ở trên, dưới có mấy người đang ca múa. Một lát có người trong tiệc ra mời vào. Người đánh cá nói:
“Tôi là người đánh cá nơi thôn xóm, đâu dám nhận
thịnh tình này, lại thêm áo quần lam lũ, thiếu vẻ cung kính lễ độ, xin hãy để tôi tránh đi”.
Người kia liền cởi áo đưa cho, người đánh cá còn từ chối ba lần rồi mới lấy áo mặc, cùng vào tiệc. Người đánh cá mới thi lễ  xong, chuyển chén được một lượt thì xướng ca liền nghỉ, những người trên tiệc loá mắt cái đã biến thành ảo ảnh, không thấy tông tích. Lúc ấy mới hay là người cõi thần tiên. Người đánh cá mặc áo ấy về nhà, đi qua thôn xóm, chó không sủa, về đến trong nhà vợ con cũng không biết là về, đến lúc cởi áo ra mới biết là về. Người đánh cá mừng thầm là áo thần. Từ đó về sau mặc áo ấy đi ăn trộm mà không hề lộ, phàm những thứ tiền bạc vàng lụa lấy được trong kho đều đem cho những người khốn khó, hào hiệp mà trong nhà không để một chút dư, cũng chẳng để làm giàu cho vợ con. Thế nên những người hào hiệp hàm ơn rất nhiều mà ngóng về theo kể đến hàng vạn.

Từ lúc ấy áo thần mặc thường xuyên, chẳng may sơ ý để rách một lỗ nhỏ, người đánh cá lấy lụa trắng vá vào. Sau, lúc vào kho ăn trộm, lính giữ kho cứ trông thấy một cánh bướm trắng bay vào trong kho rồi lại bay ra là của trong kho bị mất. Người giữ kho đem việc trình bày với quan hữu ti, bèn truyền lệnh cho lính coi kho từ nay về sau thấy bướm ấy bay đến thì giăng lưới bốn bên mà bắt. Quả nhiên bắt được, hoá ra là người đánh cá. Quan hữu ti đem việc tâu lên, trên lệnh chỉ sai đình thần nghị tội. Lúc ấy đúng lúc người nước Tống xâm lấn biên giới nước Nam ta, thế quân cực mạnh, mà các tướng chống giặc lần lượt chẳng có công gì tâu báo, trên dưới đều sợ hãi. Người đánh cá liền tâu xin đi đánh giặc lập công để chuộc tội của mình, vua chuẩn theo lời xin, phong làm Hộ quốc tướng quân. Người đánh cá trở về quê cũ, chiêu mộ những kẻ hào hiệp được chu cấp thửa trước. 
Tất cả đến ứng mộ kể đến hàng vạn. Người đánh cá mặc thần y xông vào trong trận như vào chỗ không người, tung hoành giết giặc như cắt bụi cỏ. Những người theo cảm nghĩa, đều nguyện lòng chết báo đáp, không ai là không một mình mà đương được cả trăm người. Trong khoảng một tháng, quân Tống lui hết cả, không còn dám nhòm ngó hy vọng gì ở đất Nam.
Thu lại bờ cõi, người đánh cá lập được đại công. Vua Đại Hành ban cho được lấy công chúa Hồng Liên, phong Phò mã Hộ quốc công, được ăn lộc từ phủ Phú Bình xứ Thái Nguyên (xưa là đạo Ninh Sóc) đến tận phủ Bắc Bình (nay là phủ Cao Bằng). Sau khi mất, cùng Công chúa được truy phong Đại vương, có đền ở xã Quán Triều xứ Thái Nguyên, cũng có đền ở cả xã Xuân Lĩnh xứ Cao Bằng, trải nhiều năm rất là linh ứng giúp dân. Các triều đều gia phong mỹ tự, cùng lấy duệ hiệu Quan Triều Hồng Liên, quốc tế xuân thu, phong trung đẳng thần (lúc đầu là xã Xuân Lĩnh, sau là dân xã Tân Trại phụng thờ):
Quan Triều Hồng Liên công chúa, thông diệu linh cảm, trợ quốc trấn biên, hoài phục tuy tĩnh, dương hưu trợ thắng, phong công vĩ liệt đại vương.
Chuông đền Quan Triều cao 4 xích 5 thốn 6 phân, chu vi 8 xích 9 thốn(nguyên đền có hai quả hồng chung, nay chỉ còn một, lại một quả tự chuyển xuống sông, sự thể xem ở Thần Chung Lục).
Ôi trời ban cho nước là vì có đức với muôn dân, thế nên hưng phế thịnh suy, trị loạn, tai tường không gì không theo thời thế mà xảy đến. Vậy nên đức của vua nhà Đinh  ngày một suy mà mệnh sáng của vua nhà Lê thì lại còn. Đó là điều có vua mở vận, ứng sao sinh người hiền trợ giúp, khiến trừ hết thói phỉ bạc mà vun đắp cái đẹp nhân hậu, ắt khiến người nơi thôn vắng được yên ổn, kẻ sĩ trung cần được nhờ đức đến vô cùng.
Tuy là người đánh cá ở nơi hoang sơ cũng đủ để lên được bậc hiền mà hưởng cúng tế muôn đời, há chẳng phải trời giúp người hiền đến thế ư ?
Thầy trò Lê - Phạm lược dịch : 
Đền Thanh Trung
Đền Giang Châu
Đền Kỳ Lạch 
Đền Sóc Hồng
Đền Lũng Định
(thật là khéo)
Chuyển sang Phần 2. Chuyện ở Hiến Giang
Truyện về sông Hiến Giang
Năm Giáp ngọ niên hiệu Quang Hưng thời Lê (1594), có người xã trưởng thôn Phù Vạn xã Kim Pha châu Thạch Lâm tên Nùng Công Kim, có người con gái tên là Thị Quyền. Tuổi vừa cập kê, dựng nhà bên bờ sông Hiến Giang, nhà sát mép nước, bờ bên kia là núi Hiến Sơn, đá núi khấp khểnh, ở quãng giữa nghe nói có Giao long ở đó. Có một hôm vợ chồng Công Kim đi sang nhà chú bên Phù Vạn, duy chỉ có Thị Quyền trông nhà, một mình ngồi dệt cửi. Chính lúc vừa buông tay thoi, là lúc mặt trời đã muộn, bỗng thấy một chàng trai mặt mũi khôi ngô, thong thả từ ngoài đi vào, đến trước khung cửi ôm lấy lưng người con gái, người con gái kinh hãi hét to lên, người con trai đột nhiên hoá ra hình giao long cuốn lấy thân cô gái kéo xuống nước đi mất. Lúc bấy giờ ngưòi con gái hôn mê, tay hãy còn nắm lấy thoi có sợi liền với mảnh lụa trên khung. Đến chiều cha mẹ về nhà, cửa hãy còn mở, chẳng thấy con gái đâu khóc lóc kêu gọi, gục xuống đất, được một lát tỉnh lại, nhìn khắp trong nhà thấy sợi tơ trên khung dẫn thẳng ra ngoài bờ sông. Công Kim cởi áo nín thở lặn xuống nước theo sợi dây mà xuống, thấy một lỗ đá, trên có một cái hang, nghĩ có thể mang được cả đao, bèn men đá mà lên, đi vào miệng hang. Thấy ánh sáng từ trong thấu ra, lâu đài điện gác, có cả quân lính đứng giữ cửa. Công Kim đến trước cửa hỏi
“Đây là phủ đệ của quan viên nào ?”, lính canh đáp:
“Là Thuỷ phủ Lĩnh Nam, ngươi là ai dám đường đột đến đây?”


Công Kim nói: “có một việc xin thưa, nhờ quan chuyền đạt dùm”. Tên quân ấy nói:
“Ngươi đứng đây chờ ta vào tấu lên”. Công Kim đáp: “Vâng”
Tên quân ấy đi vào, chốc lát thấy một viên quan mặc áo hồng bào, đội mũ sa đi ra hỏi:
“Nhà ngươi ở xứ nào, đến đây làm gì, họ tên gì ?”
Công Kim đáp: “Thân là người trên dương thế, họ Nùng tên Công Kim, có người con gái ở nhà dệt lụa, bỗng đâu thấy tiểu quan đột nhập vào nhà, cưỡng ép kéo đi xuống thuỷ cung. Thân người mang theo cả sợi lụa đến thẳng chỗ này, xin người soi xét cho”
Viên quan ấy ngạc nhiên, tức tối đáp:
“Nhà ngươi là kẻ ngu si trên dương thế, điêu toa giá hoạ, chủ ta đường đường ở ngôi lớn trấn giữ phương bắc, há lại vô cớ mà đoạt con gái người khác hay sao. Giới hạn hau bên tuy khác nhau nhưng lý lẽ chỉ duy có một, ngươi không được nói càn mà tự mắc vào lưới pháp. Ta thương cho ngươi tiểu dân không biết gì, ra ơn mà chỉ bảo cho, mau rời khỏ đây chớ có chậm trễ”. Công Kim tức giận, không giải được khúc mắc kêu ầm lên:
“Cưỡng đoạt con gái nhà người, lại gian dối che dấu!”.


Tên quan kia liền sai 5 tên lính canh cửa trói đưa ra khỏi động. Công Kim quay lại thấy cửa động đã đóng, liền lên khỏi mặt nước, về nhà buồn rầu, tự liệu rằng không dùng hoả công làm sao giải toả được mối giận này. Tức thì chuẩn bị lưu hoàng, đồ hoả khí đặt đầy ống trúc, lấy sáp ong bọc chung quanh. Lại ngầm lặn xuống, đến ngoài cửa động đánh lửa phun vào cửa nghi môn đốt đến tận lâu đài. Công Kim lập tức chuyển lên khỏi mặt nước, trở về nhìn đoạn cắt mặt sông Hiến Giang  lửa bốc, khí bay lên trên cả mặt đất, cây cỏ khô cháy, chỗ ấy khí nóng bức, người không thể đến gần, lửa cháy liền ba tháng mới dứt, núi sụt sâu xuống 5 trượng mà khí lửa hãy còn mạnh. Trai gái trong vùng truyền nhau cùng đến xem, quan trấn sở cùng các quan liêu thuộc cũng thân hành đến điều tra nguyên do, truyền tụng đi xa coi là chuyện lạ. Người thời bấy giờ nói: Cỏ sinh trên đất mà lửa ở dưới ấy là điềm tốt.
Ôi, người là loài khác, giao long là loài trùng khác, không phải là cùng khí tương cầu há có thể cùng kết đôi giao cấu. Xét loài rắn có thói dâm tà là do bản tính khiến cho như thế, nhưng sào huyệt của nó chỉ trong nháy mắt thiêu hết sạch thì loài giao long mắc phải hoạ bị thui đầu cháy vảy, thương thay không biết hối cải, nên kẻ chịu oan khuất  muốn đốt sừng tê mà đến long cung xin mệnh, hận không mượn được lưỡi gươm Xích Đế để diệt loài quỷ, sửa cái tội cưỡng đoạt, thì loài giao trùng kia chẳng thoát được tội.
Thầy trò Lê - Phạm lược dịch :
Chuyện Tiên Giao
Chuyển sang Chuyện Khắc Thiệu
Chuyện cũ về Khắc Thiệu.
Năm Tân hợi niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 thời Lê Thái Tổ (1014), có người châu Thái Nguyên phủ Bắc Bình (nay thuộc phủ Cao Bằng) họ Bế tên Khắc Thiệu, theo Thái tổ có công bình giặc Minh, được tứ phong Quản lĩnh châu Thái Nguyên được làm thực ấp. Lúc ấy trong châu có người tên là Nùng Đắc Thái, đeo cung nỏ theo nghề săn bắn. Một hôm đi ở trong núi gặp mưa, chạy vội vào trong hang để tránh, chốc lát mưa tạnh mới lại đi, đương phía trước bỗng gặp một người đi lại Đắc Thái đón hỏi từ nơi nào đến. Người ấy đáp: “Đi săn”, Đắc Thái mừng lắm bèn cùng đi đến dưới gốc cây bái chào chia ngôi thứ ngồi nói chuyện. Cả hai cùng bàn về phép bắn, Đắc Thái nói: “Nỏ của đệ đã yếu mất rồi bắn không được xa”. Người kia nói: “Ta tặng cho người tương tri cái nỏ bắn này”, rồi truyền cho Đắc Thái một cái nỏ
đồng, một cái tên đồng, đầu tên làm bằng răng sói, đuôi tên làm bằng lông hạc trắng. Đắc Thái được nỏ và tên, khấu tạ nói: “Đội ơn ban tặng, công đức thật thâm sâu”. Người kia đáp: “Cùng ngươi giải cấu tương phùng, trong lòng yêu mến tặng cho, vật ấy nhỏ mọn đâu đáng để bái tạ như thế”. Đắc Thái xin hỏi họ tên cùng nơi ở tại chốn nào, người ấy bảo: “ở đây cũng không xa, về sau ắt có kỳ gặp mặt chẳng cần hỏi nhiều”, rồi đứng dậy nhẹ nhàng mà đi, Đắc Thái đi theo tiễn, người ấy chuyển mình đi vào góc núi, chẳng thấy đâu nữa, lúc ấy mới biết là thần tiên. Khi đó mặt trời đã về tây, Đắc Thái quay về nhà, sáng hôm sau dương nỏ ra bắn thử thì một mũi biến thành trăm mũi, lúc bắn ra sai lại có thể thu lại tên thần, từ đó về sau trăm phát trúng cả trăm. Khắc Thiệu nghe tiếng Đắc Thái có thần nỏ, đem lễ vật đến cầu, phong làm Vũ Kình tướng quân, âm mưu làm phản, trao binh quyền cho Vũ Kình. Được hơn một năm, Vũ Kình cậy có nỏ thần lại sinh lòng gian khác, mưu đồ chiếm đoạt. Khắc Thiệu trộm biết được ý ấy, ngầm sai em đầu độc giết đi, lấy được nỏ đồng cùng tên, lấy bắn nhưng tên chỉ bay ngang mà không trúng.
Năm Nhâm tí niên hiệu Thuận Thiên thứ 6 (1015), Lê Cao hoàng đế tự đem quân đi dẹp, bắt được Khắc Thiệu đem về. Nay vết cũ phủ điện của Khắc Thiệu hãy còn ở địa phận xã Cối Khê châu Thạch Lâm, nhân đó đặt tên núi ở đó là Khắc Thiệu sơn.
Lê hoàng đế có một bài thơ ngự chế khắc vào đá trên núi Ba Điềm để ghi công (nay nét hãy còn rõ, chữ khắc núi ở tại địa phận xã Phúc Sơn). Thơ rằng
(bên cạnh thơ khắc có khắc chữ: Phiên Thần Thái Nguyên là Bồi Quyết phụng giám):
Chẳng từ muôn dặm chỉnh cơ đồ,
Chỉ mong biên viễn dân đủ no.
Trời đất không dung quân gian ở,
Xưa nay phản tặc chỉ diệt chu.
Hiếu trung tự khắc thêm nhiều phúc,
Bạo nghịch thân kia khó thoát cho.
Mài dũa chẳng mòn thần tử tiết,
Cô sơn muôn thủa với danh lưu.
          Ôi, một chút không đụng (đến búa rìu) mà (phải có lúc) dùng đến búa rìu thì không chỗ nào là (chỗ) không phải dùng. Đến như việc giúp mưu cho người khác, có chỗ còn không được hết lòng để tròn đạo trời là sao ?. Lúc ấy Nam Bắc do quan lại nhà Minh chiếm đóng, nhưng mệnh trời còn cho có nước Nam nên Lê Cao hoàng đế mới phất kiếm dẹp giặc Minh, mở mang đất nước. Bế Khắc Thiệu theo xa giá có công lao, sắc phong quản lĩnh châu Thái Nguyên làm đất thực ấp, công lao được ghi vào trúc lụa, như thế là tước vị thăng, ơn huệ nhiều rồi. Như còn có chí dắt trâu vàng, lấy cái vinh bắn chim sẻ nữa, thế chẳng phải tốt đẹp lắm sao ?, nhưng lại sính dùng nỏ thần của Đắc Thái làm thế mạnh mà tự kiêu, vội biến hình da báo mà bỏ mệnh bề tôi, chẳng lượng rõ cái đức của mình. Thế thì sao gọi là người khoát đạt, sao gọi là bậc thần vũ, chỉ là cái lượng hẹp hòi của con ếch ngồi trong giếng mà ôm cái lòng muốn dời đỉnh đó thôi. Cuối cùng cũng là điềm tiếng sấm vang động chốn bùn lầy, làm ô danh cả nghìn năm. Kinh Thi có câu:
Người mà vô lương,


Không chết còn đợi gì ?
Là nói chuyện này đây chăng ? .
Thầy trò Lê - Phạm lược dịch :
Chuyện Chuông Thần
Sự Tích Thiên Hòa
Sự tích Bồng Sơn
Chuyện Đà Sơn
Sự tích Tung Cao
Chép về giao phối khác loài
Loài Phượng đất
Chép về cây lúa lạ
chuyển sang Ghi chép về núi sông
Tứ trụ sơn ở Trấn thành.
          Núi Cao Sầm cách thành 20 dặm, đỉnh núi cao vượt nghìn tầm, cây cỏ tuyệt đẹp. Trên đỉnh núi nguy nga muôn trùng như múa, uốn lượn tầng tầng như sen ngậm hương khít cánh, như nhạn đàn dương cánh tung bay, hình múi chuông lõm xuống như lưng ong, vươn ra như hạc múa. Phía tây là đỉnh Tham Lang nổi cao như rồng đá dương vuốt, Đông là núi Tam Thai hình thấp như chó nằm nhe nanh, thế núi như giăng màn, đền Cao Sầm là ở đây.
          Núi ấy ở địa phận xã Tượng Lặc, xưa có đền Nùng Trí Cao ở dưới chân núi nên gọi núi ấy là núi Cao Sầm.
          Núi Bà Hoàng, cách thành 15 dặm, lưng núi tầng phân cao vút, vắt ngang sừng sững như đầu voi. Núi Canh Lĩnh liên tiếp như phượng múa, đỉnh Mã Phi như tượng ngao vờn. Ruộng dưới chân núi là nơi dựng đền Bà Hoàng ở dưới đấy.
          Núi này thuộc địa phận xã Kim Pha, bên phải liền Canh Thang, bên trái tiếp Mã Phi, đền thờ mẹ của vua Nùng (Trí Cao) dựng ở chỗ ruộng ấy nên gọi núi ấy là núi Bà Hoàng.
          Núi Khâu Luân ở phía Nam cách thành hơn 30 dặm là điểm then chốt trấn giữ, đỉnh cao dựng muôn ngọn chầu về, suối khe uốn khúc liên hoàn.

Núi này ở địa phận xã Phú Thứ, đất sản ra đá sắt, nấu chảy đá thành sắt, thành gang.
          Núi Khẩu Sơn ở phía Tây, cách thành hơn 50 dặm, là nơi trấn giữ trọng yếu của phía Tây. Núi đá độc tôn, lớp lớp trùng điệp lên xuống, sừng sững chia đỉnh giáp, ngợp ngợp trăm khúc ngoảnh đầu.
          Núi này ở địa phận Triều Vũ.
         Thầy trò Lê -Phạm lược dịch:
Các núi trong địa phận
Các dòng sông trong địa phận
Nhật trình đến các đồn tuần
Các Thành- Chùa trong phủ
Thành Mục Mã
Thành Na Lữ, Phúc Hòa
Danh lam trong Phủ
Chùa Đống Lân
Chùa Viên Minh
Chùa Giang Đống
Chùa Thanh Long
Miếu Quan đế
Quân chính triều Lê
Binh số các Tổng của 4 Châu
chuyển sang Phần Cương giới phong tục
Cương giới phong tục.

          Nguyên một phủ Cao Bằng từ xưa lệ thuộc xứ Thái Nguyên, cùng tính vào Bắc Đạo. Đến triều Lý đặt tên các châu Thái Nguyên, Quảng Uyên. Đời Lê Quang Thuận đổi gọi là phủ Bắc Bình, bốn châu là: Châu Thái Nguyên, châu Lộng Nguyên, châu Thượng Lang, châu Hạ Lang. Sau lại đổi ra là đạo Ninh Sóc gồm 3 phủ Phú Bình, Thông Hoá, Cao Bằng. Phủ Cao Bằng có 4 châu. Châu Thạch Lâm (mé hữu châu Thái Nguyên là phủ Cao Bằng), châu Quảng Uyên (xưa là châu Lộng Nguyên), châu Thượng Lang, châu Hạ Lang. Lại lấy đạo Ninh Sóc đổi làm xứ Thái Nguyên, phủ Cao Bằng cũng thuộc vào đấy. Năm Giáp thân đời Lê Cảnh Trị thứ 6, vương sư tiễu trừ họ Mạc khôi phục lại đất Cao Bằng lúc ấy mới đặt quan trấn nhậm, tách biệt Cao Bằng ra làm một xứ, không lệ vào xứ Thái Nguyên nữa. Cao Bằng có 4 châu ven biên 13 ải khẩu. Châu Thạch Lâm thì có Thông Nông, Sóc Hồng, Trừng Hà, Trà Lĩnh, Bác Nẫm, Na Lan 6 ải. Châu Quảng Uyên thì có Qủa Thoát, Na Thông hai ải. Châu Thượng Lang thì Cổ Chu, Nga ổ 2 ải . Châu Hạ Lang thì Củng Xương, Đống Long, Bí Hà 3 ải.
Vùng đông bắc giáp Nội địa các vùng châu Thượng Gián, châu Hạ Gián, châu An Bình, châu Hạ Lôi, châu Hồ Nhuận. Vùng đông nam giáp Thuỷ Khẩu quan của Long Châu và châu Thoát Lãng xứ Lạng Sơn. Vùng tây nam giáp huyện Cảm Hoá xứ Thái Nguyên. Vùng tây bắc giáp châu Bảo Lạc xứ Tuyên Quang và địa giới phủ Trấn An của Nội địa.

          Phủ Cao Bằng đất sẵn nhiều vàng, sắt, ???? , chiếu, mạch, tuyết lê, thị. Thuỷ sản thì có cá Anh vũ, cá Hương não thanh ngư, trong núi có chim Bạch nhàn, gà Kim tiền, xạ hương, hồ li. Dân ở Thượng Bạn châu Thạch Lâm  phong tục chất phác, có nghĩa khí. Người Điền Quảng thì cần cù, việc tang việc hôn đều dùng thầy cúng (dịch từ Văn công). Việc nông hết thì bắt cá, chồng quăng lưới vợ đẩy chèo, người khoẻ mạnh thì đi săn bắn trong rừng. Dân tục vùng Hạ Bạn châu Thạch Lâm thì nhiều người xảo trá, chăm việc canh cửi. Châu Quảng Uyên là châu có nhiều vùng núi đá, ruộng nương có cao có thấp, thói dân chuộng vu thuật, có bệnh thì cầu cúng xin quỷ thần, miệng lưỡi lanh lẹ mà lòng khó tin (dịch từ Hồ tín), thường người dũng cảm. Châu Thương Lang núi đá trải suốt châu, ruộng bằng, dân trọng vu thuật mà không trọng thuốc, đều tin những điều quỷ mị. Đàn bà có bệnh thì giết lợn gà để cầu đảo, giọng nói thì líu lo, trong đầu chứa điều gian. Tục tang lễ thì mời mười người nhạc công ở đấy thổi sáo, gõ trống đánh bạt, một người đứng ở giữa ca Thập nhị tứ hiếu, uốn chân vẫy tay nhảy múa trước án.
Người tù trưởng trong làng (dịch từ Hương tù) ngồi định vị xong, có 4-5 người đánh thanh la hô thưởng, có thể ném vào chỗ ấy 8-9 trù, mỗi trù 3 văn tiền. Táng xong thì tính toán thu tiền ấy, chôn không chọn đất, cứ theo chỗ mộ cũ của tổ tiên ông bà mà táng vào đấy, đất chỗ ấy, đến ngày thì đưa linh cữa vào núi, lấy ván gỗ làm nhà nhỏ che lên chỗ mộ, xung quanh vẽ xanh vàng trắng đỏ, phía dưới đào một cái lỗ ném vào đấy mấy cân gạo, một đôi gà, ở nhà mộ ấy, nói là lưu vật cho theo người chết, như thế con cháu trong nhà sẽ được tốt lành. Châu Hạ Lang tục dân chuộng quỷ thần, bênh tật thì hỏi thầy mo, tâm thì biển lận trá nguỵ, thích tranh tụng. Nhà có con trai đến 5-6 tuổi thì chuẩn bị cho đi làm rể ở nhà gái, trẻ 4-5 tuổi làm đính hôn. Định gặp ngày bảy tiết Đoan Dương thì dựng nhà. Ngày giỗ kị nhà trai đem gà béo, bánh trưng, rượu ngon đưa lễ sang nhà gái, năm nào cũng có không được thiếu, đợi đén khi trưởng thành mới định lễ nghênh hôn. Hoặc có khi con trai lớn lên thấy con gái xấu xí, người trai không muốn lấy, hoặc người con gái thấy chàng trai không phải là trang hảo hán, cũng không muốn kết duyên cùng, thế nên nhà trai đem  việc ấy ra để sinh việc kiện tụng, tính lễ vật đem đến đã 7-8 năm để truy vấn đến cùng. Đến như việc tang, báo trước cho thân tộc hàng xóm, hẹn ngày mỗ trâu treo thịt ở dưới nhà, người thân đến điếu lễ thì đem 500 bánh tròn, lấy gạo nếp nấu lên làm bánh, dùng các màu xanh vàng đỏ trắng, to như cái bát con dạng đáy đặt trước linh cữu, tự đến cắt thịt trâu ấy đem sang nhà bên cạnh uống rượu, say tít cả đất trời. Ngày tế thì hiếu tử mặc áo trắng, đầu đội khăn trắng, lưng đeo một cây đao sắc quỳ trước linh cữu, tay cầm đao làm lễ mời thầy, chúc xin người chết ăn. Người thầy tay cầm đũa gắp thịt, mỗi bát một miếng ném vào trong giỏ, lễ xong, trước linh cữu lễ xong thì đem chôn,
hiếu tử cùng người thân thuộc tống tiễn đến huyệt, chôn xong quay về vừa đi vừa khóc, hiểu tử tay cầm đao chém không vào phía sau, người thân cũng cầm cành dâu phất không ra phía sau, không để cho hồn quỷ theo đuôi về nhà, làm các lễ ây đều là tục cổ từ xưa, đến nay dần đổi. Châu Thach Lâm có 6 khu dân, hai bên địa phận Khu Lũng có núi đa, thôn dân cư ở giữa mà không có sông suối, chỉ có gác ống mấy trượng sâu xuống dùng ống trúc đưa nước lên, người và gia súc cùng uống. Có nghề làm chiều, mỗi năm ngày 1 tháng giêng đàn ông trong khu 8-9 người sang xã khác gần đấy xin ăn, lấy mỗi người 1 cái bánh tết (dịch từ Niên bính) đem về đặt trên chỗ thờ thờ tiên tổ. Đến này mồng  giết trâu cũng mời dân xã đến, cả người cho bánh đến nhà uống rượu đến say. Hoặc có lúc bạn bè nướng khoai núi, điều mật ong, mở tiệc. Trồng cây miến, tre xanh để sinh lợi, dưới núi sinh nhiều loài thảo lan hoa với bạch ngư tử hoa. Mùa hè ít có nước, mùa thu mùa đông thì có mưa. Ăn uống thì không được sạch sẽ, mặt mũi nhiễm than bụi đen, duy chân tay thì cũng không khác gì người Ai Lao. Phong tục không có văn tự, có nợ tiền thì làm dấu buộc nút dây, một mạch thì kết nhỏ, một quan thì kết lớn, nợ bạc thì dùng một phiến trúc, nợ một dật thì khắc sâu, nợ một lạng thì khắc nông, dùng tay để điểm chỉ khắc lên phiến trúc, đều là ký hiệu quy định, khắc bên trái, bên phải là sinh lãi, cắt đôi phiến trúc mỗi người cầm một nửa, trả bạc thì thu lại phiến trúc huỷ đi.
Thầy trò Lê- Phạm lược dịch
Quan trấn nhậm các triều
Nguyên bản của Luận án chúng tôi chỉ có từng đó


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét