Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

GIÉC MANH TẢN MẠN KÝ - ph.1/ Facebooker Nam Nguyen

 GIÉC MANH TẢN MẠN KÝ - ph.1= facebooker Nam Nguyen

https://www.facebook.com/namhhn/posts/3944310838964157

https://www.facebook.com/groups/155546961301895/user/100007962010516/

(Trích ĐÂ AHT)
Nước Đức bắt đầu bước vào đợt lockdown thứ 2 của năm Covid đệ nhất. Đường phố vắng tanh, xe cộ thưa thớt. Quảng trường Alexanderplatz ở trung tâm thủ đô Berlin tối om như Hà nội thời đun bếp trấu. Số người chết trong vòng 24 giờ đồng hồ lên tới gần nghìn, giường cấp cứu trên toàn quốc cũng chỉ còn hơn 5000 cái (so với Đức thế là hết cực nhanh). Mang tiếng là ông tổ của máy thở mà giờ đây hãng Draeger (Đức) cũng thúc thủ với lượng đơn hàng khổng lồ từ khắp thế giới đổ về. Báo chí đưa tin, có bệnh viện đã phải tính đến biện pháp chọn lựa để ai sống và ai sẽ phải chết. Dĩ nhiên thiệt thòi sẽ rơi vào nhóm có bệnh nền và người già, những nhóm mà khả năng cống hiến không còn nữa. Người Việt chắc sẽ chấp hành lệnh phong tỏa lần này nghiêm túc hơn. Lần lightlockdown cách đây hơn tháng, cảnh sát đã bắt một sòng bạc của nguời Việt, phạt 12con bạc không sợ Covid mỗi chú 2500 Eurro. Riêng chú chủ tiệm, ăn cái hoá đơn 25000 “OI” và đóng cửa luôn. Sau đó là vụ phi hành đoàn 41 anh chị Karaoke kiêm bay lắc bị hàng xóm báo cảnh sát bắt quả tang. (Báo cảnh sát được tiền thưởng, tội gì không báo??? Ở Việt Nam mà treo thưởng kiểu đó thì có đến F 35 tàng hình của Mỹ bố mày còn tìm ra chứ đừng nói là F1, F2…). Đợt này chính phủ cũng hào phóng. Bỏ ra hơn 2 tỉ Euro mua khẩu trang phát miễn phí cho dân chúng. Ông nào cứ 60 đổ lên, chỉ việc cầm chứng minh thư hoặc thẻ bảo hiểm y tế ra hiệu thuốc gần nhất là được lĩnh 03 cái khẩu trang FFP2 không mất tiền. Nghĩ đi nghĩ lại, ở nhà là sướng nhất. Đèo mẹ, nhìn mấy thằng em ngồi bún đậu, mắm tôm vỉa hè thèm nhỏ dãi mà không về được. Chuyến bay thương mại thì không có, còn bay giải cứu càng không đến lượt, đơn giản nó không dành cho người định cư tại đây. Đây là tâm trạng của không ít người Việt tại Đức trong những ngày u ám này.
Người Việt ở Đức trước ngày thống nhất nước Đức năm 1990 chia làm hai thành phần. Thành phần ở phía Tây thuộc CHLB Đức và phần phía Đông thuộc CHDC Đức. Phía Tây, vì chính quyền Viêt Nam cộng hoà có quan hệ ngoại giao với nhà nước CHLB Đức nên có trao đổi sinh viên. Số này học hành đang ngon trớn thì đùng một cái, xe tăng của anh Thận hay Tụy gì đấy đâm đổ mẹ cổng dinh Độc lập. Anh chị em sinh viên Sài Gòn nghiễm nhiên trở thành đám người vô thừa nhận, dù rằng trong huyết quản vẫn có hồng cầu của Lạc Long Quân. Họ được nhà nước CHLB Đức cấp quyền cư trú và trở thành lứa trí thức khá thành đạt sau này. Sau 1975, đến lượt anh chị em miền Nam, hoặc né vụ đi cải tạo, hoặc hút Salem, “Quân tiếp vụ” quen rồi, giờ hóp má rít thuốc rê không chịu nổi, đành học anh Ba của bên thắng cuộc tìm đường vượt biển, mong làm lại cuộc đời ở xứ nào cũng được, trừ đất nước hình rươi. Số người bỏ xác lại trong lòng biển Đông không phải ít, cũng vì tàu bé, tài công tồi, tham chở nhiều người và dự trữ lương thực nước uống không đủ. Đó là chưa kể đến nạn cướp biển Thái Lan, Mã Lai. Tụi này là ông tổ của cướp, giết, hiếp. Cũng trong thời kỳ này nổi lên con tàu huyền thoại Cap Anamur của CHLB Đức trên biển Đông, ân nhân của nhiều thế hệ thuyền nhân Việt tại Đức. Từ tháng 8 năm 1975 đến 1982 thuyền trưởng Rupert Neudeck và thuỷ thuỷ đoàn đã cứu được 9500 người vượt biển găp nạn và chăm sóc y tế trên tàu cho 35000 nghìn người Việt. Chính phủ CHLB Đức đã nhận tổng cộng hơn 30 nghìn thuyền nhân từ các trại cấm ở khu vực Đông Nam Á và cho phép họ định cư tại Đức, tạo ra thế hệ Việt kiều đầu tiên tại đây.
Phía Bắc Việt Nam, tức Việt Nam dân chủ cộng hoà cũng không kém. Mở đầu cho thế hệ người Việt miền Bắc đặt chân lên nước Đức phải kể đến 350 thiếu sinh quân (die Kinder von Onkel Ho) được ông Hồ Chí Minh đưa sang học tập tại Moritzburg thuộc bang Sachsen ngày nay. Trong số Moritzburger này nổi lên tiến sỹ Lê Đăng Doanh, tốt nghiệp trường Leuna-Merseburg năm 1967, sau này trở thành thư ký và trợ lý cho nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Linh. Năm 1992, người viết bài này có dịp tháp tùng ông Doanh đi chơi hội bia Oktoberfest tại Munich. Đi hội bia nhưng thấy có quầy vang bên ngoài, ông vào uống thử. Ông chủ tiệm thấy một tay mắt híp, uống vang có vẻ sành điệu nên tò mò hỏi, ông từ đâu đến? Tôi từ Việt Nam. (Thời đó ở Việt Nam có nút lá chuối uống là như Tết, nói gì đến cái loại phải xoáy xoáy, vặn vặn). Tay bán vang đố, giờ tôi mời ông một cốc vang, ông nói đúng tên vùng sản xuất và niên kỷ của chai vang này, tôi mời ông và cu cậu đi theo này uống say thì thôi. Vang rót ra, cụ hít, ngửi rồi cho vào miệng súc nhẹ vài vòng. Phán một câu xanh rờn, vang vùng X, đóng chai tầm năm Y. Chủ tiệm lùi mấy bước lậy như tế sao. Đúng là bợm phải trả lại tiền.
Dân du học Đức sau này trở về Việt Nam vào các bộ nghành nhiều. Song thành nhân cũng có mà thành phạm nhân cũng không hiếm. Điển hình là Nguyễn Thiện Nhân, học Đại học kỹ thuật Magdeburg từ 1972, đến 1979 làm tiếp Phó tiến sỹ. Đây có lẽ là người duy nhất từ Đức trở về leo lên đến tầng lớp chóp bu tại Việt Nam. Anh Vũ Huy Hoàng, học Đại học Mỏ-Luyện kim Freiberg từ 1970-1975. Về nước anh cũng leo đến chức Bộ trưởng Công thương. Khổ cái, anh học Mỏ nên khai thác sâu quá, chạm tầng cháy nổ nên cuối đời hạ cánh trúng phải ổ gà.
Đến thập kỷ 80, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động. Chủ yếu là sang Nga, Tiệp khắc, Bungaria và Đông Đức. Tại Đức, lúc cao trào có đến 80.000 lao động Việt Nam sang làm việc, được đi Đức coi như “trúng quả”. Lứa đầu sang quãng đầu 1980. Họ sống theo các đội. Đội dệt may, đội cơ khí, điện tử, máy nông nghiệp, ô tô… Làm theo ca kíp, ở nhà tập thể. Đội nào có cả nam lẫn nữ coi như trúng số độc đắc. Đa phần là đội nam riêng, nữ riêng. Muốn thoát khỏi kiếp quay tay lấy may, mấy con đực chỉ còn cách dành ngày nghỉ hoăc cuối tuần đến với con cái. Phòng 4 cô, thêm 4 anh, căng ri-đô lên cũng thành buồng hạnh phúc. Kêu la, giãy giụa nghe chung, chẳng phân biệt vùng miền. Mà khi màn đêm xuống rồi, tiếng rên ở bờ nào của sông Hiền Lương mà chẳng giống nhau?
Đồng lương của lao động hợp tác tại Đức ở mức trung bình. Họ nhận từ 800 DDR - Mark, gọi là Ostmark , đến 1200-1400 cho công việc của mình. Nếu làm thêm giờ và có tiền độc hại, thu nhập có thể còn cao hơn. Tính mặt bằng giá cả, 10 Mark 1 kg thịt lợn hoặc thịt bò, chai bia 65 xu hay hay chai rượu tầm 14 Mark, đồng lương này đủ tiêu xài. Nhưng ai cũng có gánh nặng ở quê nhà, nhất là ở thập niên 80, Việt Nam ở đỉnh của khó khăn. Tích cóp độ 3, 4 tháng là mua được cái Mô-kích, chiếc xe đạp Mifa giá bán ở cửa hàng cũng chỉ ngoài đôi trăm. Tháng nào ở bưu điện cũng thấy người Việt xếp hàng gửi hàng về. Xe đạp tháo rời, lấy chăn len cuộn vào, khâu lại như cây đàn. Tây không biết cứ trầm trồ khen, tụi mày đánh nhau đã giỏi, thắng cả Mỹ mà lại còn yêu âm nhạc thế.
Nhưng bóp mồm, bóp miệng mãi trong khi cám dỗ đầy ngoài phố. Nào là râu ngô mơn mởn, nào là sàn nhảy, rượu ngon, quần áo mốt…. ai chịu được. Thế là phải đi buôn lậu. Khởi đầu là vài cái băng cát sét, mấy cái đài 2 cửa băng, 1 thu 1 phát. Sau đó đến nghề may quần áo bò. Thằng nào cũng “chân tươi, chân héo” vì đạp máy khâu. Sau đó đổ thuốc tím vào mài trong bồn tắm biến thành bò mài. Bài hát thịnh hành nhất thời đó là “Những đồi hoa sim” vì chết lòng các thợ may ở câu “tím chiều hoang biền biệt”. Ông nào trong túi áo cũng có cái thước dây, gặp “gà” là quăng ra lấy số đo. Chẳng qua lò may 10 hay trường lớp nào, vào đũng quần cho Tây mặc thử thấy “chuông mõ” đùn ra như hai cái bánh bao, vẫn gật gù, “mày mặc vừa đáo để”! Đến năm 1987-1988 các cửa hàng đồ cũ của DDR đồng loạt nhận mua máy tính để bàn. Đông Đức của đáng tội cũng sản xuất Computer, nếu nhớ không nhầm là của Robotron. Song máy to như cái chạn để bát ở quê, tốc độ sánh với rùa còn không nổi. Các công sở cũng cần cải tiến cách lưu trữ. Nhà nước kẹt cái là không có ngoại tệ nên cửa nhập chính thống coi như tịt, phó mặc cho tụi buôn lậu đưa hàng tiểu ngạch vào bán chui. Đây là thời kỳ hoàng kim của người Việt ở DDR. Một bộ Computer loại vớ vẩn như Schneider 1512, có monitor, bàn phím, chuột và thêm cái máy in mua vào có 28-30000 Ostmark. Bán cho Tây thu về 65000. Giá USD chỉ 1:10. Bán xong giàn máy quy ra đô được ngay 3000 – ba chục “tờ”. Suôn sẻ tuần bán 3 bộ làm được căn nhà mặt phố ở Hà Nội. Đến cái Hard Disk sức chứa có 64 KB (xin nhắc lại là 64 KB) bán cũng lời 5, 6 nghìn!
Cơn mưa vàng này kéo dài gần năm trời, làm thay đổi biết bao số phận và cũng khiến nhiều căn nhà mặt tiền ở Thủ đô rơi vào tay người… Hà “lội”. Trong số các anh tài ăn theo cơn bão này có thể kể đến Thái “còm”, Dương “con”..., những người sau này dựng lên vũ trường New Century ở Tràng Thi, Hà Nội đình đám một thời. Xe Simson được mua về, tính theo diện tích chứ không tính xe. Ví dụ, thằng A có một sân bóng chuyền xe máy thì làng biết A là “tay to” rồi. Đến cuối 1988 “cơn mưa vàng” lắng xuống, các thế hệ cộng “mốc” hồi hương dần. Lứa sang tiếp quản là lớp bộ đội phục viên, xuất ngũ, thanh niên xung phong..v.v. Lứa này bạo dạn hơn hẳn các lứa trước, sinh hoạt cũng thoáng đãng hơn lớp cũ, nhất là trong khoản “trai gái, cái đực”. Lượng thuốc tránh thai tiêu thụ trong các nhà tập thể của người Việt bóp chết số liều Aspirin hoặc Paracetamol người dân Đông Đức mua tại các hiệu thuốc. Không khí hoan lạc tràn nhập vì trai đã tìm được chỗ chuyên ngồi đái, gái vớ được gậy bóng chày, khác hẳn thời khổ hạnh, ngủ với nhau đánh cái rắm to cũng sợ đội trưởng biết.
Năm 1989 là một năm đầy biến cố với CHDC Đức. Số người Đức đi sang Tiệp Khắc du lịch sau đó chạy vào Đại sứ quán Tây Đức xin tị nạn tăng vọt. Trong nước các tổ chức đòi nhân quyền, dân chủ tiến hành biểu tình bắt đầu từ thành phố Leipzig. Phong trào sau đó lan rộng ra toàn quốc. Tối thứ hai hàng tuần , già trẻ lớn bé đều đổ xuông đường biểu tình. Cảnh sát ban đầu còn cố gắng giải tán những nhóm tụ họp nhỏ, sau bất lực trước lượng người tham gia hùng hậu. Lác đác đã có những phát ngôn đòi quyền tự do đi lại, thậm chí đòi thống nhất nước Đức. Hình ảnh một Thiên An Môn giữa lòng CHDC Đức đã hiển hiện. Lần Quốc khánh Đức năm đó, Gorbachev từ Nga sang dự. Bắt tay Honecker (Tổng bí thư Đảng xã hội thống nhất Đức), Gorbachev nói một câu như lời tiên đoán cho số phận của ông Tổng cũng như nhà nước 40 tuổi đời của ông “kẻ nào đến muộn, kẻ đó sẽ bị lịch sử trừng phạt”. Sau đó Hungary tháo gỡ hàng rào biên giới với Áo. Rumania thì chơi hẳn luật rừng, lôi vợ chồng Ceaucescu ra chế thành tổ ong sau mấy loạt AK. Ngày 9.11.1989, Đông Berlin mở cửa biên giới với Tây Berlin. Bức tường Berlin, cái mà thế giới tư bản gọi là “bức tường ô nhục” đã sụp đổ trong đúng một đêm. Người Đức đã trả giá trong 2 thế chiến bằng nhiều triệu sinh mạng. Lần này, họ tỉnh táo hơn, lí trí hơn và mọi chuyện đã diễn ra trong hoà bình.
Sau những ngày hân hoan, thực trạng của đất nước Đức XHCN dần được phơi bày. Hàng hoá không còn trao đổi trong khối Hiệp định chung được vì ông anh cả, con gấu Nga cũng trúng thương, nằm chờ thợ săn đến lấy mật. Các nước trong phe XHCN còn đang lo giữ lấy nóc nhà của mình. Thị trường tư bản lại không chấp nhận các sản phẩm công nghiệp của Đông Đức vì chúng không đạt tiêu chuẩn. Nông sản cũng ế vì khâu bảo quản và chế biến quá kém. Rồi cái gì phải đến cũng đến. CHDC Đức phải chấp nhận dùng đồng D-Mark của CHLB Đức, đồng nghĩa với việc chấp nhận sáp nhập phần lãnh thổ của mình vào Tây Đức.
Người Việt nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của cuộc thống nhất này. Xí nghiệp, nhà máy đóng cửa hàng loạt, không có lương. Chính phủ chu cấp cho một thời gian rồi bố trí cho lực lượng thợ khách hồi hương. Mỗi người nhận 3000 D-Mark tiền bồi thường và lên máy bay về nước. Số ở lại tự bươn chải, mưu sinh. Bắt đầu từ đây người Việt “xuống đường” chinh chiến, mở đầu cho một thời kỳ gian lao, đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu....
(Còn tiếp, nếu đủ 666 like)
Tác giả : Hoài Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét