Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Lời thưa về sách Hoàng triều sử ký - bản công hành 2021

 

Ảnh trên facebook Đinh Thanh Thủy 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1631573793693041&set=a.138742729642829

Vương triều nhà Nguyễn là triều đại quân chủ phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Khác với các triều Lý-Trần-Hồ đoạt quyền qua đảo chính; khác với nhà Lê phải kháng chiến chống Minh; khác nhà Mạc là tiếm ngôi; khác họ Trịnh là lấn quyền; khác nhà Tây Sơn là cướp nước. Nhà Nguyễn từ một dòng họ công thần triều Lê, trải bao gian nan để tranh được thiên hạ. Vượt qua các sự chèn ép của các đối thủ chính trị, vượt Hoành Sơn vào mở mang Trung Kỳ, vượt Hải Vân để khai phá phương Nam. Các vua chúa nhà Nguyễn với nhiều chính sách khôn ngoan, ép Chiêm Thành đến vong quốc, thuần phục người Minh hương thành bản địa. Các nước Xiêm La, Chân Lạp phải lo lắng. Đối đầu chống Tây Sơn hung bạo, ngửng đầu nhận sắc với Mãn Thanh. Cho đến lúc xác lập cương thổ trên dải đất rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc.

Đến ngày Âu phong tràn tới, khắp Á địa tan hoang. Thử giả thiết, các triều đại anh hùng như Lý-Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn có đối đầu với Phương Tây giỏi hơn triều Nguyễn?. Nhà Nguyễn từ tinh thần tự chủ, chiến Tây, ghét Tây dần biến thành hòa Tây, hiếu Tây. Bát nguyệt thu chính biến thành công với làn sóng đỏ ngập nửa địa cầu, lịch sử vương triều cáo chung trước các thủ đoạn phân hóa chính trị đầy mưu mô sâu sắc. Các loạt cải cách, các loạt chỉnh phong, cải tạo tư tưởng phong hóa lạc hậu, thay đổi nhận thức nhân dân lại chính là những thủ đoạn thâm độc diệt chủng văn hóa mạnh mẽ đến tàn bạo, lạnh lùng còn hơn cả Âu phong Á vũ, còn hơn cả đại bác tàu đồng của kỹ nghệ tây dương. Vương triều vàng son tráng lệ, những chiến công của thánh vương hiền tướng đã lùi xa. Hơn 100 năm đã trôi qua, mỗi lần soi gương sử, trên chính đất nước của ông cha, đều phải nhìn, lựa, xem sự kiểm duyệt có đúng tinh thần, đúng đường lối hay không. Nếu lệch ra là bị phê phán kịch liệt, bị tấn công điên cuồng bởi những kẻ vong bản chỉ biết trông chờ vào ân huệ cơm ăn áo mặc và quyền được lên tiếng, của một nhóm người, đang cố gắng uốn khúc lòng người. Cái chủ trương dìm nhà Nguyễn, từ “có tội” đến “có công lẫn có tội”, rồi “công ít mà tội nhiều”. Thực ra họ chẳng có tội gì ngoài cái tội bị người khác lật đổ. Chẳng qua chỉ là muốn bôi đen quá khứ, để thấy hồng ở hiện tại chứ không phải là một phương pháp sử học chân chính. Bấy lâu nay, những người yêu lịch sử văn hóa truyền thống, yêu cổ cựu như chúng tôi chưa hề được biết đến một bộ sử nào khen nhà Nguyễn cả (Ngoài bộ Đại Nam thực lục của chính triều đại này cho biên soạn).

Năm 2007, tôi đến đọc sách tại Thư Viện Quốc Gia Hà Nội. Cầm trên tay bản chép bút sắt của Trần Văn Giáp sách Hoàng triều sử ký. Tưởng rằng chỉ là những trang nháp của nhà nghiên cứu hàng đầu, buồn tay chép lại cho nó khỏe đầu óc. Nhưng không. Cầm lên dương mắt đọc, tôi lạc vào một giọng văn nôm na quê mùa mộc mạc chất Bắc kỳ, về các liệt thánh của tiền triều. Những câu chuyện ngắn gọn mà súc tích, đủ ý về các sự kiện lịch sử hình thành triều đại cho đến tận niên hiệu Thành Thái (1907). Hồn văn du dương bi tráng. Lịch sử triều Nguyễn không phải là những trang sử thất bại, hèn kém. Lịch sử nhà Nguyễn là những trang chiến công hào hùng, thấm ưu tư, đẫm máu - mồ hôi, nước mắt của ông cha ... trong công cuộc nam tiến, chống xâm lăng. Chỉ riêng 2 chữ Nam Tiến thôi đã có thể đưa vương triều này vào hàng đại công đầu của Lịch sử Việt Nam. Như các công cống Tống cướp Chiêm của nhà Lý, hơn 3 lần chạy Nguyên Mông của nhà Trần, hơn công hoà Ngô của họ Lê, ... và hơn cái Bát nguyệt đảo chánh đến n lần). Từ ngày thơ bé, suốt ngày nghe kể tội nhà Nguyễn. Chỉ hơi khen thôi cũng bị chửi cho xấp mặt, không khác gì hơi khen Bảo Đại cũng bị quân tào lao ở đâu nhảy vào hỏi thăm. Tập chép đây chỉ là những ghi chép tổng lược của nhà nho Dương Lâm, một đại trí thức khoa bảng, trước cảnh hoang tàn của những oanh liệt cha ông xưa. Hoài niệm dồn lại chỉ hơn 100 trang chữ Nôm mà chất chứa ưu tư lẫn hi vọng. Sau ngày cách mạng, ông Trần Văn Giáp đã tiếp xúc với văn bản này, và ông chỉ biết chép lại rồi gửi vào Thư viện Quốc gia Hà Nội. Hôm nay, nó đã đến với người đọc qua Nxb.Th.TP.HCM. Anh linh của liệt thánh tổ triều Nguyễn chiếu giám! Tôi đọc say mê và phiên âm tác phẩm ra chữ Quốc ngữ từ trước những ngày xuất quốc (2011) đến nay đã hơn 10 năm (2021).  Cụ Dương Lâm đề là phụng dịch  奉譯 nên chúng tôi không viết cụ là người trước thư著書, cho dù đúng ra là như vậy. Những lối đọc Nôm cổ tôi vẫn thích nên cứ để đọc kiểu cũ: như chữ Mấy, chữ Mới, chữ Nhời với cái nghĩa hiện đại là Với, là Lời. Tôi cố tình đọc theo âm nôm Mấy, Mới, Nhời. Tôi chú thích theo những kiến thức có thể tra cứu được ở mọi nguồn. Còn tất cả đều nhờ tay Nxb làm giúp. 

Ưu tư muốn gửi nó cho nhà in, để đưa tình cảm của nhà nho Dương Lâm ra trước thời đại. Nxb.Th.TP.HCM đã cho tôi vinh dự được đề tên là dịch giả trên ấn phẩm của họ. Trân trọng cám ơn Nxb.Th.TP.HCM, với ban Giám đốc và BBT, Hành chánh Kế toán, mà tôi mới chỉ quen qua bạn bè trên Internet. Cám ơn những bạn bè đã yêu mến trân trọng khích lệ bản dịch nhỏ bé của tôi.

Taucha/ Sachsen/Deutschland

Sau ngày nhớ mẹ. 2021/3/9  

Đồng hữu Hoành nhàn ngữ 仝有橫閒語


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét