Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Chùa Ngô - Phường Thạch Bàn, Long Biên

CHÙA LÀNG NGÔ PHƯỜNG THẠCH BÀN

(nhớ người đã đi xa- Ni sư Thích Đàm Yên)

Mái chùa che chở hồn dân tộc; Nếp sống muôn đời của tổ tông. Câu thơ ấy lời ca ấy, như âm hưởng vang vang của mấy nghìn năm lịch sử dân tộc. Từ xa xưa người dân Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều hướng về quê hương đất nước, mà cụ thể là chính làng quê, thôn xóm, nơi nuôi nấng tâm hồn của con người. Nơi ấy có cây đa bến nước, có mái chùa làng cong cong cổ kính. Nói đến chùa Việt, nhiều người không thể không ngỡ ngàng vì chùa Việt có một vẻ đẹp riêng của từng làng quê Việt. Ở Việt Nam, nhất là khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, điểm nhấn của một làng quê văn hóa không thể thiếu Đình Làng và Chùa Làng. Làng nào không có đình hoặc chùa là làng nhỏ, là kém hơn các làng khác. Chùa làng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, là nơi thờ tự, tu tập của tăng ni, mà cũng là nơi dân làng hội họp các dịp lễ tết hội hè. Chùa là nơi truyền bá Phật giáo, giảng dạy những điều nhân ái, lòng từ bi, đức trí tuệ. Theo câu tục ngữ  "đất vua, chùa làng", các ngôi chùa đa số là thuộc về cộng đồng làng xã. Xây chùa bao giờ cũng là một việc trọng đại đối với làng quê. Việc chọn đất xây chùa thường bị chi phối bởi quan niệm phong thủy. "phải chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không, hoặc có sông ngòi, ao hồ ôm bọc. Núi hổ (hay tay hổ) ở bên phải phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hình hoa sen, tràng phướn, lọng báu hoặc có hình rồng, phượngquy chầu bái. Thế là đất tốt ...

Là một nước có truyền thống theo đạo Phật, trải qua nhiều tháng năm biến thiên của lịch sử, thiên tai, nhân họa. Mái chùa cũng theo đó mà thăng trầm. Việc bảo vệ các di tích chùa làng ở Việt Nam đang là một vấn đề nhức nhối, đáng được quan tâm từ lâu. Nhiều ngôi chùa cổ danh thắng, nhờ ơn Phật pháp, nhờ sức nhân dân mà được gìn giữ đến nay. Nhưng cũng nhiều ngôi chùa bị mai một, dần dần tên gọi chỉ còn lại trong ký ức. Tên chùa thường gắn với tên làng, như chùa Sét, chùa Hà, chùa Ngô, chùa Thổ Khối, chùa Đống Lim, ... Đã có chùa, phải có cảnh chùa. Chùa mà không có cảnh thì có khác gì nhà dân có tượng Phật. Do đó, khuôn viên cảnh chùa là một phần cơ bản tất yếu của mỗi ngôi chùa làng. Khiến cảnh thiền thêm tĩnh mịch, khiến nơi thờ tự có không khí thoáng đãng mà tôn nghiêm.

Nằm trong quần thể di tích khu vực quận Long Biên, phường Thạch Bàn. Chùa Ngô thuộc thôn Ngô là một ngôi cổ tự lâu đời với tên chữ Hán là Linh Ứng Thiền Tự靈應禪寺. Ngôi chùa gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng Ngô. Qua nhiều năm tháng chùa bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Đất đai rộng rãi bị lấn chiếm theo thời gian, theo tốc độ phát triển của kinh tế và đô thị hóa. Ngót hơn 10 năm về trước, chùa Ngô còn hoang vu trong một vùng cây cỏ rậm rạp gần 1 hec – ta. Không có người trông nom, chùa mất mát gần hết. Từ những năm 90 trở lại đây, nhờ sự khuyến khích tu sửa của sư thầy trụ trì, sự hợp tác của nhân dân, chính quyền sở tại và công đức của thập phương. Chùa Ngô ngày càng được sửa sang khang trang, sạch đẹp. Ngoài khuôn viên thờ tự, sân chùa và các hạng mục di tích khác, đất chùa được sự dụng để phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình VAC. Mô hình này đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, giúp cải thiện cuộc sống, góp phần hỗ trợ các công tác từ thiện khác.

Trong công cuộc xây dựng đổi mới phát triển kinh tế hiện nay. Nhiều làng quê ven đô đang mất dần vẻ thanh bình hiền hòa vốn có, mà việc mất đi mái chùa quê cổ kính là một điều đáng sợ, đáng báo động hơn cả. Đôi khi vì lợi ích kinh tế, vì tư lợi cá nhân. Không ai lên tiếng, vì thường quan niệm sai lầm là “của chùa” mà khiến biết bao di tích lịch sử, bao công trình kiến trúc, văn hóa tín ngưỡng của làng quê bị đem ra chia sẻ, làm tổn hại đến vật chất, tinh thần, đến nét đẹp truyền thống của làng cổ ven đô. Nguy hại không phải ở ngay trước mắt. Tương lai lâu dài đến các thế hệ mai sau, lấy đâu ra truyền thống tốt đẹp để giáo dục con cháu, lấy đâu ra chỗ dựa tâm linh, ra niềm tin tôn giáo để nâng đỡ tinh thần con người những lúc trải qua các biến cố của cuộc đời. Lấy đâu nơi để hoằng dương Phật pháp, lấy đâu ra bến đỗ của từ bi hỉ xả.

Với ý nghĩa to lớn và giá trị tinh thần cao qúy của mái chùa làng. Sự đóng góp của chùa Ngô cho lịch sử làng Ngô, cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nơi đây và thập phương thiện tín khắp nơi. Là tấm gương sáng cho việc tự túc xây dựng phát triển quy mô kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ từ thiện, phúc lợi xã hội của địa phương. Việc xây dựng, bảo vệ, tôn tạo di tích làng Ngô, trong đó có chùa Ngô với khuôn viên rộng lớn, vừa đảm bảo không khí thanh u tĩnh mịch giúp cho tăng ni tu tập, cho nhân dân có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, vừa đem lại nguồn lợi kinh tế là công việc đáng được khuyến khích và nêu gương. Chúng tôi xin bày tỏ nguyện vọng, mong mỏi các cơ quan chức năng, ban nghành hữu quan cùng nhân dân sở tại, thập phương thiện tín. Một lời phát ra, muôn lời hưởng ứng, giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan khuôn viên chùa, phụng sự Phật pháp. Cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh thường lạc.

Làng đẹp có chùa, chùa đẹp có cảnh, giữ gìn cảnh chùa cho làng đẹp;

Dân yên phụng Phật, Phật độ dân yên, trang nghiêm đất Phật giúp dân yên.

Nam Mô Hoan Hỉ Bồ tát ma ha tát.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét