Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Giá trị nội dung Hoàng triều sử ký 皇朝史記 R.2253 - Hội thảo thường niên “Nghiên cứu Hán Nôm năm 2017

Giá trị nội dung
Hoàng triều sử ký 皇朝史記 R.2253
Nguyễn Đức Toàn
Taucha, CHLB Đức
(Hội thảo thường niên “Nghiên cứu Hán Nôm năm 2017”)
Bản tóm tắt: http://yeuhannom.blogspot.de/2017/09/hoang-trieu-su-ky-hoi-thao-thuong-nien.html
Bài Giới thiệu bản:http://yeuhannom.blogspot.de/2017/01/gioi-thieu-van-ban-hoang-trieu-su-ky.html
Hoàng triều sử ký皇朝史記, do Mộng Thạch Dương Lâm dịch ra chữ Nôm và viết lời bình, bản sao do Trần Văn Giáp chép, tuy chỉ là một bộ sử ngắn giản lược về triều Nguyễn. Nhưng nó đã thâu tóm trong nó nội dung của gần 400 năm lịch sử dòng họ Nguyễn kể từ đời Nguyễn Kim dựng cờ “Phù Lê diệt Mạc” trên đất Thanh Hóa (1533 - 1907) và 100 năm lịch sử vương triều Nguyễn. Có quan điểm đánh giá đúng đắn về công lao của dòng họ này trong công cuộc khai thác mở mang bờ cõi đất nước về phía cực Nam của tổ quốc. Nếu như dưới thời thịnh trị của phong kiến Việt Nam là thời Lê Thánh Tông, biên giới nước ta mới chỉ đến được Quảng Nam thì vào thời các chúa Nguyễn, ta đã đưa dân xuống khai thác tận Hà Tiên, mở mang khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vượt đường ngăn cách đến tận Cao Miên, gây sự ảnh hưởng to lớn ở đây với cả nước Xiêm La. Cho đến công cuộc Bảo hộ của Pháp trên đất nước ta. Nội dung tác phẩm khá ngắn gọn, nhưng đem đến cho người đọc cái nhìn tổng quan rõ ràng về chiến lược của quân Pháp và sự lúng túng dè dặt không quyết đoán của triều đình Huế. Ngoài thì cường địch, trong thì giặc cướp, đã không lo được mình lại đi ghánh thêm con bệnh quân Cờ Đen, rồi trông cậy hổ già Đại Thanh. Không có sự thấu đạt tình hình quốc tế để tạo nên sự thay đổi cơ bản. Từ quan điểm chủ chiến quyết liệt, đến mức căm ghét quân Pháp rồi sợ uy lực quân Pháp, chuyển sang chủ hòa. Sau cái chết của Nguyễn Tri Phương, trụ cột của phái chủ chiến, triều đình Huế từng bước hoàn toàn thỏa hiệp. Hành vi lộng quyền, quyết định nóng nảy vội vàng không tính toán của Tôn Thất Thuyết, càng đẩy nhanh sự chấp nhận bảo hộ của Pháp, đưa phe chủ hòa lên nắm quyền lực.
Dịch giả phân tích rõ cái sai căn bản của ta. Sự thực về nước Tàu mà ta vẫn thần phục từ xưa, và cái thế không thể mất được của nước Tàu. Nhưng bên cạnh những trang u ám chua xót, dòng văn của Hoàng triều sử ký 皇朝史記 vẫn bừng sáng hào khí lịch sử, truyền thống dựng nước giữ nước với lời bình lời tán của dịch giả. Gợi cho người đọc lòng yêu nước thương nòi vô hạn, tinh thần dân tộc bền bỉ, ý thức được người nước ta không phải là người kém cỏi. Tất cả do vận trời xoay chuyển, trời giúp Cao Miên thoát sự ta bảo hộ, trời đặt ách cho ta bị sự bảo hộ. Năm trăm năm lại đến một vận bĩ. Qua đó cũng thấy tinh thần mong chờ sự vững mạnh của nước nhà mau tiến.
Tác phẩm ngắn gọn, cô đọng, từ những thông tin sử liệu được tác giả trình bày diễn dịch với tinh thần dân tộc yêu nước, thấm đậm tư tưởng trung quân ái quốc của Nho gia, niềm tự hào lớn lao về lịch sử tiền nhân để lại. Lời thơ giản dị mà xót xa tiếc nuối, nhưng cũng thấp thoáng hi vọng, mong cầu cho đất nước bước lên con đường phú cường tự chủ. 
Qua những dòng của Hoàng triều sử ký皇朝史記tác giả thể hiện được những tinh thần chủ đạo đan xen xuyên suốt tác phẩm.
1. Đó là tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, từ những vị vua anh hùng đến những tôi trung tướng giỏi.
Ngay ở phần đầu, từ đời đức Triệu Tổ Nguyễn Kim. Hoàng triều sử ký 皇朝史記đã vang lên lời thơ tha thiết với đất nước:
Nhìn xem phong cảnh sơn hà
Nước non vẫn nước non nhà từ xưa
Tổ tông gây dựng cơ đồ
Nặng lòng ái quốc mới là thần dân[1b]
Về võ công oanh liệt của các chúa Nguyễn, thì từ đời chúa Hiếu Chiêu, đem quân chống Trịnh, mà trận thắng vang dội chiếm được châu Bố Chính, bắt tù binh 3 vạn người:
Xem trong các nước hoàn cầu
Mấy khi một trận hiến phù[1] ba muôn
Dẫu mà sông cạn đá mòn
Nước non ghi tạc vẫn còn tiếng xưa
“Trận ấy là võ công đệ nhất. Nghiệp chúa ba đời, võ công một trận”.
Đến thời vua Gia Long thống nhất được đất nước, niềm tự hào dân tộc lại được nhắc lại:
Nào là đất cũ Nam bang
Nào là mở rộng Cao Miên, Chiêm Thành
Nào là trời giữ nước mình
Nào là tổ trước để dành vua sau
Truyện Tả chép việc Lỗ Hầu[2]
Hơn hai mươi chữ cũng đâu thế này
Bình phẩm công lao và tài năng của vua Gia Long vất vả hơn hai mươi sáu năm trời, bôn ba sóng gió lênh đênh, cầu viện khắp trong ngoài để khôi phục cơ nghiệp. Kể cũng là một đấng vua anh hùng ở nước Nam:
Trong hai mươi sáu năm trời
Kể tài bát loạn gấp mười Cao Quang[3]
Biết bao hiểm trở gian nan
Giang sơn mấy có giang sơn đến giờ
Tinh thần dân tộc không chỉ ở vua sáng tôi hiền, mà cả đường văn hiến học thuật, dịch giả Hoàng triều sử ký皇朝史記 cũng giữ nguyên tinh thần vô tốn Trung Hoa 無遜中華của kẻ sĩ nước Nam. Như khi so sánh thời Thịnh Lê của Lê Thánh Tông với thời Thịnh Nguyễn của Nguyễn Dực Tông:
Nói về luật lệ thời sánh mấy nhà Đại Thanh cũng không thua.
Nói về văn chương thì nước ta không có khi nào mà thịnh được như hai đời ấy vậy [37a]
Tôi hiền nhà Nguyễn thì phải kể đến ông Đào Duy Từ, là hàng khai quốc nguyên huân:
Phi long gặp hội Ngọa Long tài
Nhớ đến vua hiền phải nhớ tôi
Sơn thủy mới hay đàn có bạn
Phong trần dám rẻ hát không loài
Lũy Thầy ngăn chống chia hai đất
Ngôi chúa nghênh ngang đứng cõi trời
Cuộc thế hơn thua người nặng nhẹ
Khen ai mà lại tiếc cho ai.
Rồi đến hai ông Vũ Tính, Ngô Tòng Chu, rồi đến hai ông Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt.
2. Hai là tư tưởng hoài cựu, khêu gợi truyền thống vẻ vang của ông cha trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Như nhắc đến câu Sấm của Trạng Trình, với điềm được “nước” khi chúa Nguyễn Hoàng mới vào Thuận Hóa:
Mới hay thanh thủy thất đàm.
Xem ra dâng nước là điềm hưng bang
Dẫu rằng một giải [2a] Đèo Ngang.
Mà xưa khai đó nan gian đã nhiều
Truyền thống dựng nước giữ nước ấy được còn được dịch giả ghi nhớ qua lời than vãn trong tình cảnh Thực dân Pháp hoàn toàn đặt ách Bảo hộ trên nước Đại Nam. Vần thơ như khiến người đọc xót xa:
Ở đất ta thuộc nước ta
Chép đến câu ấy muốn sa giọt dài
Hỏi ta có ở đất ta
Hỏi ta lại hóa ra ngoài bạ ta
Nhớ xưa khai thác sơn hà
Những công liệt tổ thực là gian nan
Hay như câu ở trước, khi chúa Hiếu Vũ khai thác mở rộng các vùng của Chân Lạp như Sa Đéc, Định Tường, Kiên Giang, Cà Mau, cho thuộc về Hà Tiên:
Xem trong các tỉnh thủa xưa
Trăm năm cõi đất một nhà mở mang
Bút hoa chép đã tỏ tường
Mà lòng càng tiếc càng thương càng dầu [7a]
Lời thơ của Mộng Thạch còn tiếc nuối cho công nghiệp khai thác của các vua đầu triều, và những cơ hội phú cường của nước nhà:
Tiếc thay vận hội thế này
Văn minh nỡ để bước trầy vì đâu
Hay còn hoài vọng quá khứ chiến đấu kỳ lạ của quân nhà Nguyễn qua bài Vịnh quân Đồng Nai:
Lòng trời cơ hội cũng hay
Đời xưa tiếng hạc đời này tiếng nai
Nghe nai đã đủ sợ người
Tiếng nai còn đó tiếng ai bây giờ [13a]
Những lúc vận nước gian nguy, lòng dân lại còn mong người hiền ra giúp nước. Lời thơ lúc nào cũng bám vào hoàn cảnh đất nước bị đô hộ mà trình bày cảm xúc. Khi bình về đời chúa Hiếu Chiêu với sự giúp đỡ của Đào Duy Từ hoạch định kế sách chống Trịnh:
Có vua thì phải có tôi
Ngọa long phi hổ thực tài ưng dương
Than ôi nhớ đức tiền vương
Xem trong lúc thịnh mà thương lúc hèn
Đề cao hình tượng trung quân qua lời bình về Võ Tính và Ngô Tòng Chu. “Muốn cho dân khỏi sự lầm than, thì dầu lửa cháy nung kia cũng là mát; muốn cho dân khỏi điều cay đắng, thì dẫu uống thuốc độc nọ cũng là ngon. Trước là vì vua mà dựng cơ đồ, sau là cũng vì nước mà trừ tàn bạo, chết là chết cùng loài giống, chết là chết mấy giang sơn; Nghìn năm danh tiết rõ ràng, Sử xanh còn đó thiên vàng còn đây”.
Ngay cả những bài học lịch sử gần kề là chuyện nước Chiêm Thành cũng là những lời nhắn nhủ sâu sắc:
Mấy câu chép việc Chiêm Thành
Thương ai mà lại giật mình cho ta
Hồng Bàng còn lại giống nhà
Lo gần cũng phải lo xa thế nào

3. Tác phẩm có tinh thần phê phán những vấn đề tệ hại trong nhận thức và truyền thống của người nước ta.
Phê phán sự lạc hậu của dân ta mà cứ bo bo thủ cựu. “Lại nói về việc khí giới, thì nào là tàu cột buồm, nào là súng cò máy đá, là những đồ dùng những bao giờ. Nói về việc học hành, nào là Kinh Nghĩa, nào là Thi Phú, là những đồ hủ đã lâu nay, đến nỗi trong một nước không được một người nào ra ngoại quốc đi học. Hễ có thông dịch việc chi chăng nữa, thì phải mượn người Linh mục. Cư trong một nước không được một người nào ra ngoại quốc thông thương. Hễ có mua bán cái chi, thời phải nhờ người Nguyễn Đức Hậu.”
Đặc biệt, là Hoàng triều sử ký皇朝史記 còn có những nhận xét phê phán thói hư tật xấu của người nước ta, chỉ trọng làm quan, trọng cái học bề thi cử. Thói hủ bại ấy, mà có lẽ đến nay vẫn chưa sửa được: “Nói về việc học trò, thì ai cũng lo chi đi học, ai nấy cũng muốn làm quan [49a]. Nghĩa là làm quan để nuôi vợ nuôi con, không phải đi học để thương loài thương nước.”
Phê phán thói tự ti mà ích kỷ, ra ngoài chẳng dám tranh ai, mà với người đồng hương đồng chủng thì tranh cạnh hơn thiệt để so để bì: “Nói về việc canh nông thì chen chúc nhau trong một làng một xóm, tranh cạnh nhau trong một tấc một sào. Nói về việc xuống bể thì chê rằng nước mặn đồng chua. Nói về lên rừng thì chê ma thiêng nước độc.”
Xấu xa từ trong tư duy chụp giật, lừa dối, làm ăn xảo trá của người dân: “Nói về việc thuyền thợ thì vốn một muốn bán ra mười, chưa khéo thì đã làm giả dối. Đồ sơn thì mới mua về đã lở gióc, đồ khảm thì mới dùng đã long. Nói về buôn bán thì chạy quanh trong tỉnh này hoặc tỉnh khác. Đồ thì mua của chú Khách không thì ông Tây. Cao su thì đem lộn mấy đá, lúa ngô thì đem tẩm nước. Việc học hành như thế, việc làm ăn như thế, muốn cho nước mạnh mạnh được làm sao, muốn cho dân giàu giàu làm sao được.”
Kê hết thói hư tật xấu, mong dân ta sửa chữa mau, với niềm hy vọng dặn dò vào lớp sau. Tỏ rõ tâm trạng thực sự của một nhà Nho yêu nước. Đây mới thực là tấm lòng của Dương Lâm, chứ không phải như một số nhận xét về tư tưởng “thoát ly, hưởng lạc”[4] trong thơ cụ:
Nay ta kể hết bệnh ta
Mượn thầy mượn thợ thuốc tra ma cầu
Vì là nguyên khí hồi mau
Hồng Bàng giống trước sinh sau muôn đời
Bằng ta cũng phải lo người
Tính đường vận khí liệu bài liệu phương
Khí hư thuốc mấy lưu hoàng
Lấy bệnh trợ bệnh bệnh càng thêm lên
Cổ phương thập bổ đại toàn
Những phương bất dị xin chàng nhớ cho
Mây câu tâm huyết dặn dò
Nào ai có thấy ta lo cuộc đời
Bên cạnh những dòng thơ phê phán “quốc bệnh” của ta, Dương Lâm vẫn dành những dòng khách quan khi đánh giá những ưu điểm của ta qua những gương trí thức canh tân. Như ông Phạm Phú Thứ, ông Nguyễn Trường Tộ, ông Nguyễn Đức Hậu:
Thế thì ta chẳng dại đâu
Có người biết trước lo sau đó rồi
Chẳng qua còn mặc vận trời
Một người tuấn kiệt mười người hèn ngu
4. Rồi đến những nhận định đánh giá khách quan những sai lầm trong lịch sử với sự trông mong thay đổi của tương lai. Đầu tiên là không chịu kết giao với nước ngoài. Nhớ lúc vua Gia Long còn cảnh gian nan, được một số người Tây giúp đỡ, giá nước ta có tinh thần hòa hợp để tiếp thu văn minh người ta từ bấy giờ thì nước ta đã nên bậc phú cường rồi:
Lại vì Nam hợp Tây hòa. Không giúp lính cũng giúp tàu giúp súng.
Việc khôn khéo mở đầu từ đó. Nước Nam ta đã gần bậc phú cường.
Cách văn minh kém bước do đâu. Gió Tây nọ trách vì ai ngăn đón.
Lời thơ tự trách, trước thì cũng gần gũi với phương Tây, mong cầu giúp đỡ mà sau lại đóng cửa cấm đoán, khiến đất nước phải cảnh đói nghèo:
Xưa kia một dạ tương thân
Giao lân nào phải cừu lân mà nghờ
Sự nhầm cũng bởi tại ta
Để cho thảo mộc sơn hà xác sơ
Nhất là sau khi những cựu thần người phương Tây từng giúp đỡ vua Gia Long, đến đời Minh Mệnh không được trọng dụng nữa thì văn minh phương Tây bị đứt đoạn không được tiếp xúc nữa:
Nước Việt Nam tưởng phú cường bởi đó. Nào ai nghĩ vận đỏ hóa ra đen
Gió Thái Tây mà ngăn đón từ đây. Cũng là sợ loài vàng chung mấy trắng.
Sự giao thiệp với phương Tây là “đem sự tiền bạc đến cho mình, đem sự khôn ngoan đến cho mình, thực là những việc ích lợi. Tiếc là thửa trước các quan đều là những người thủ cựu, ai ai cũng đều xin đừng.”
Tình trạng ngoài thì địch mạnh, trong thì trộm cướp mà còn dung dưỡng quân Cờ Đen. Các dịch giả phê phán rất rõ ràng để ta không nhầm về bản chất quân đó vẫn là một đảng làm vạ ăn cướp, qua lời nhận xét: “Nhưng mà tiếng rằng nó hàng phục mấy mình, mà mình có sai nó việc chi nó không muốn làm thì thôi. Nghĩa là  [31b] mình không kiềm chế được nó vậy.”
Còn vấn đề cơ bản thì lại không được nhìn nhận. Học tập văn minh Trung Quốc hơn nghìn năm, nhưng so với cái văn minh tân thời này thì lại là tụt lùi, vẫn bảo thủ cố chấp: “Học vấn đã ít tinh thông, công việc lại nhiều sai ngộ; Tin lấy chữ Thành chữ Tín mà bảo rằng Thành khả dĩ hóa hùm beo; Tin lấy chữ Nghĩa chữ Nhân mà bảo rằng khả dĩ thay tàu súng. Cho nên một lần đánh nhau thì thêm một lần hòa ước, ký một lần thì thêm mấy mươi điều. Lúc đương đánh thì duy tân chắc ở phen này, khi đã hòa thì thủ cựu lại hơn lúc trước.”
Trông cậy vào sự giúp đỡ của Đại Thanh. Nhưng hóa ra Đại Thanh cũng chẳng có ý tốt mà chỉ nhân cơ hội trục lợi, đem quyền lợi của ta để thỏa hiệp với nước Pháp “Nước Tàu không dám ra mặt chống mấy Đại Pháp, nhưng mà sai ông Đường Cảnh Tùng sang tỉnh Sơn Tây, ông Từ Diên Húc[5] sang tỉnh Bắc Ninh, là có ý đợi khi nào nước Đại Pháp có lấy nước ta rồi thì chiếm các phần đất ấy cho nước Tàu.”
Những vần thơ vịnh sự gian xảo của Đại thần nhà Thanh là Lý Hồng Chương càng làm người đọc thấu hiểu dã tâm Trung Quốc, dã tâm của các nước lớn, sẵn sàng đánh đổi quyền lợi nước nhỏ để bảo đảm lợi ích cho mình:
Hồng Chương là chú phú thương
Cũng tay buôn bán cũng phường sỏ xiên
Đã toan sâu xé láng giềng
Của người thì vét cho yên của mình
Cái nỗi thần phục Trung Quốc đã ăn sâu vào tâm tưởng người ta từ xưa. Cái lỗi lầm của nước ta cũng chính là cái lỗi có từ của Trung Quốc. Đoạn văn nhận xét rất thấm thía: “Vì chưng ta thần phục nước Tàu từ đời nhà Đinh cho đến nay đã gần tám trăm năm. Vì sợ nước Tàu người nhiều đất rộng, nên phải giữ chữ nội thần ngoại đế. Dẫu mà có phen đánh nhau mà quân Tàu mới chạy về đất ải quan[6], thời đã dâng biểu tạ tội, sứ ta theo rõi cửa Nam Quan. Đời trước đã bày ra đời sau cũng theo thế. Cho nên dẫu có giao hảo mấy Đại Pháp mà vốn còn giữ câu thần phục nước  [43a] Tàu vậy, mà không nghĩ rằng nước Ta, nước Tàu cùng cách học hành hủ hoại như nhau, thời cũng một cách suy đồi vậy. Từ năm Tự Đức thứ mười (1857) về trước, nước Tàu đã mất Hương Cảng mà vua Hàm Phong[7] phải chạy. Cũng là nước ta lúc đã mất ba tỉnh Gia Định rồi. Có đi học sao không học thầy hay mà cứ học thầy giở, có đi vay sao không vay nhà giàu mà cứ vay nhà nghèo.
Mượn anh yếu dắt anh gầy
Hai anh không gậy có ngày lăn pheo
Trông theo dở thẹn dở chào
Chú trê đổ dại cho nheo mấy lần”
Triều đình Huế “vẫn chắc rằng có Tàu để [43b]chống lại mấy Tây, cho nên cuộc hòa mấy trở ra cuộc chiến. Ông Ngạc Nhi chơi Cầu Giấy có một mình, vậy mà khi quân Lưu Vĩnh Phúc đã bắt được thời kể như là một tướng Liễu Thăng[8]. Ông quan năm[9] cũng lên phủ Hoài chỉ có bốn trăm quân, mà khi quân Lưu Vĩnh Phúc đã đánh thua thì kể như là trận Yên Ngựa (Chi Lăng)[10]. Còn như nước Tàu sai ông Đường Cảnh Tùng, ông Từ Diên Húc sang nước ta, là có ý chia đất mấy nước Đại Pháp, mà ta cứ nói rằng cứu viện cho mình. Ông Lý Hồng Chương ký hòa ước ở Thiên Tân, thực là lấy đất ta mà bán cho nước Đại Pháp. Thế mà vẫn giữ câu thần phục. Công việc sai nhầm như thế, cũng bởi vì nhầm việc thời thế mà ra.”
Lời nhận định chỉ rõ ra sự nguy hiểm cho ta sau trận thắng ở Cầu Giấy. “Ai nấy cũng đều lấy làm trận này là sự vinh hiển cho nước ta mà không biết sự nguy hiểm cho nước ta vậy”.
Dương Lâm còn chỉ ra được cái thế lớn không thể mất của Trung Quốc, họ khác với cái thế của nước ta. “Nói rằng nước Tàu không mất vì có hai cớ. Một là đất nước Tàu rất rộng, dẫu mà các nước có chia nhau, thì cũng không thể nào cai trị cho khắp được. Hai là vì nước Tàu giao thông mấy nhiều nước. Dẫu nước này có muốn lấy, nhưng nước khác cũng không ưng. Xem như các nước đã lấy được Bắc Kinh rồi về sau cũng phải giả lại. Mới biết nước Tàu là một nước người nhiều đất rộng. Nếu mà biết lo đường tự chủ, thời hai mươi năm nữa không nước nào địch được. Mà không biết lo đường tự chủ, thời trong năm mươi năm nữa cũng chẳng khác chi Ấn Độ, Triều Tiên mấy ta vậy”.
Trong nội bộ thì lủng củng, quanh co không lối thoát. Chỉ biết đấu tranh giữa “chiến” với “hòa” mà không chịu thay đổi cái căn bản. Hành động nóng nảy của phe chủ chiến, chuyên quyền của nhóm phụ chính mà Tôn Thất Thuyết cầm đầu bị Dương Lâm phê phán trái đạo của Nho gia:
“Vua bốn tháng làm chi ra lỗi lớn, chiến vì đâu mà hòa cũng vì đâu.
Bút nghìn thu trách những kẻ lộng quyền, thí phải chép mà phản đành phải chép.”
“Vua dẫu đức hiền, tôi còn thế lớn. Mấy lần thay thay đổi đổi, đau lòng vì năm tháng đặt ba vua.”
Và sự mất quyền tự chủ của ta cũng không thể tránh khỏi.“Ta không biết cách học cách buôn, cho nên sự khôn ngoan ta một ngày một kém, sự tiền của ta một ngày một nghèo. Như thế thì nước Đại Pháp không lấy, nước khác cũng lấy mà thôi.”
5. Cuối cùng là tác giả vẫn còn bảo lưu tư tưởng Thiên mệnh, trung quân ái quốc của Nho giáo. Tư tưởng Thiên mệnh của Nho giáo cũng là một hướng tích cực đối với những kẻ sĩ như Dương Lâm hi vọng, trông đợi vào một vận hội mới cho đất nước: “Xem đạo trời trong mười năm thì có một lần một tiểu biến, trăm năm thì có một lần trung biến, năm trăm năm thì có một lần đại biến, nên cái thịnh suy trị loạn từ đó mà ra”. “... Xem thế thì biết vận thịnh suy là vận chung của trời đất, thuận nghịch là cảnh riêng trong một đời [38b] Cảnh nghịch thì là gặp vận suy, cảnh thuận thì là gặp vận thịnh. Đọc sách phải lấy thịnh suy mà xem việc vận hội, không nên lấy hơn thua mà bàn đấng anh hùng.
Năm trăm năm một vận trời
Năm trăm năm cũng một đời thánh sinh
Tính ra đến vận hà thanh
Hay là số ấy ông xanh quên rồi
Nhưng những hạn chế về mặt tư tưởng và điều kiện xã hội đương thời cũng là một nhân tố tác động trong cách tiếp cận thỏa hiệp của Dương Lâm khi cụ nhận xét về các ưu điểm của nhà nước Bảo hộ: “May có ông A La Nát San (De Lanessan ) lại làm Toàn quyền, dùng nhiều sự khôn ngoan, giao quyền phép cai trị lại cho quan ta. Được phép mà đặt lính cơ, được phép dùng súng đạn. Vả lại phát súng cho dân Thượng du để cho nó chống lại mấy những quân ăn cướp bên Tàu. Từ đó, việc giặc cướp một ngày một yên. Nước Đại Pháp trông thấy như vậy, mới chịu cho nước ta vay tiền để làm đường xe hỏa là những việc có ích lợi. Theo như khi ông ấy làm Toàn quyền, thì quan dân ta ai cũng bằng lòng cả.”
Nhưng trên tầm đánh giá, một tập Hoàng triều sử ký皇朝史記 102 trang, do Mộng Thạch Dương Lâm dịch ra chữ Nôm, có kèm lời bình tán của ông và của Nguyễn Thượng Hiền là những vần thơ yêu nước của nhà Nho Việt Nam trước cảnh đất nước nghèo đói bị xâm lăng. Kẻ sĩ Nho học cho dù có tìm đường cứu nước, nhưng vẫn không rời ngòi bút, dùng phương pháp chép sử, bình sử mà khơi dòng nguồn yêu nước cho nhân dân, tô điểm các hình tượng vua hiền tôi giỏi trong lịch sử để khích lệ niềm tự hào về lịch sử đấu tranh dựng nước của dân tộc. Hơn nữa, Hoàng triều sử ký皇朝史記 còn là tiếng lòng của Dương Lâm với đất nước.
Đọc lên đã khá lòng rồi
Biết người làm sách là người khổ tâm [39a]
Nó chứng minh cho tâm sự ưu tư của cụ với đất nước, như lời GS. Dương Thiệu Tống, cháu nội cụ đã viết trong cuốn Tâm trạng Dương Khuê Dương Lâm[11]. Những vần thơ tổng bình cuối văn bản Hoàng triều sử ký皇朝史記 cũng là những cảm xúc của cụ Nghè Dương gây dựng cho chúng ta khi đọc tác phẩm này:
Suốt một cây gốc nguồn dòng
Hồi long cố tổ nghĩa trong sách này
Từ Hồng Bàng đến thủa nay
Có thay  thời thế chẳng [49b] thay giống loài
Có ta cùng lẫn có người
Có thời có vận có trời chủ trương
Thịnh suy bĩ thái là thường
Sau đây ta biết tang thương thế nào
Kìa kìa sơn thủy thanh cao
Xin ai nhớ lấy Nam Giao cõi này
Tôi nay đã trải đắng cay
Phong trần chẳng kẻo chống tay vào giàm
Giám đâu khoát luận cao đàm
Lạc Long còn giống nước Nam là mừng
Rút giây vẫn biết động dừng
Bút nghiên nhờ nghiệp cao tằng thửa xưa
Cho nên kẻ chép người phê
Ái ưu một bụng chê khen mặc người
Kẻ trước khóc kẻ sau cười
Một câu thời thế nghìn đời như nhau
Chúng tôi hy vọng tác phẩm sẽ sớm được phiên âm, chú thích và giới thiệu toàn văn đến với độc giả trong thời gian sắp tới. Để hiểu hơn về lịch sử nước nhà giai đoạn này mà cũng là để hiểu hơn về con người và tâm sự của Dương Lâm.

Ảnh minh họa 1 trang sách Hoàng triều sử ký với số Thư viện R.2258 (Chụp tại TVQG 2006)


Thư mục sách đã dẫn:
  1. Hoàng triều sử ký皇朝史記. Mộng Thạch dịch quốc âm. R.2253 Thư viện Quốc Gia Hà Nội
  2. Dương Lâm. Bắc Kỳ châu quận canh hoán phân hợp phú 圻州 . VHb.283
  3. Dương Thiệu Tống. Tâm trạng Dương Khuê–Dương Lâm, Nxb.KHXH.H,.2005
  4. Dương Quảng Hàm. Việt Nam văn học sử yếu. Nxb. Hội nhà văn.H,.2002
  5. Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu. Nxb.KHXH.H,.1993
  6. Trịnh Khắc Mạnh. Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin – H,. 2007
  7. Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990.
  8. Trần Văn Giáp. Lược truyện các tác gia Việt Nam. Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1972.





[1] Hiến phù: Là lễ dâng nộp tù binh ở nhà Thái miếu để báo công lao.
[2] Truyện Tả: tức Tả truyện左傳, sử của nước Lỗ.
[3] Cao Quang高光: tức Hán Cao tổ và Hán Quang Vũ là hai vua đời Tây Hán và Đông Hán có tài dẹp loạn yên đời, thống nhất đất nước.
[4] Dương Thiệu Tống.Tâm trạng Dương Khuê-Dương Lâm. Nxb.KHXH.H,.2005, Lời giới thiệu có nhắc đến ý, một số sách Văn học sử đương thời đã nhận xét sai lầm về thơ văn hai cụ Dương là có tư tưởng “thoát li, hưởng lạc” hay xu hướng “trào phúng”.
[5] Đường Cảnh Tùng, Từ Diên Húc: Hai quan lại cao cấp của nhà Thanh đem quân sang nước ta chiếm đóng các tỉnh trung du miền Bắc để giữ lợi thế với quân Pháp.
[6] Nguyên văn chép chữ Hán là Dật quan溢關. Dật quan là một phép nghiệm trong xem mạch của Đông y, chắc không có liên quan gì mà do chắc là chép nhầm của Ải quan 隘關.
[7] Hàm Phong hoàng đế (1831 – 1861),  là vị Hoàng đế thứ  8 của nhà Thanh, trị vì từ năm 1851 – 1861 với niên hiu là Hàm Phong.
[8] Liễu Thăng (柳昇, ?-1427) là một danh tướng nhà Minh, tử trận tại Vit Nam trong trn Chi Lăng năm 1427.
[9] Tức chỉ Rivière, chỉ huy quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882)
[10] Hay cn gọi là trận Mã Yên sơn, quân ta chém đầu Liễu Thăng ở đây.
[11] Dương Thiệu Tống. Tâm trạng Dương Khuê- Dương Lâm. Sđd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét