Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Hoàng Triều Sử Ký-Hội thảo thường niên về Nghiên cứu Hán Nôm năm 2017 (Tóm tắt)

Tóm tắt bài viết Giá trị nội dung Hoàng Triều Sử Ký
(Hội thảo thường niên về Nghiên cứu Hán Nôm năm 2017)
Nguyễn Đức Toàn
Taucha, CHLB Đức
Trang bìa - ảnh chụp tại TVQG năm 2006

Hoàng triều sử ký, văn bản hiện lưu tại Thư Viện Quốc Gia Hà Nội, mang ký hiệu R.2253. Sách dày 51 tờ (102 trang), viết bằng bút sắt mực xanh trên giấy bồi thường, chấm câu mực đỏ. Trang đầu tiên đề là皇朝史記; 奉譯國音夢石/ Hoàng triều sử ký; Mộng Thạch vâng dịch ra Quốc âm. Chữ Nôm viết lối chân phương dễ đọc. Ngay trang đầu tiên, bên trên đóng dấu Thư viện Quốc gia, bên dưới đóng dấu Trần Thúc Ngọc.

Chữ Nôm thể hiện trên văn bản là lối chữ gần gũi, dễ đọc hiểu. Nội dung chính là chép sử nhà Nguyễn từ đời Triệu Tổ Nguyễn Kim tôn dựng vua Lê Trang Tông ở đất Ai Lao, trải chín đời chúa, chín đời vua Nguyễn, đến đời vua thứ chín là Thành Thái (1907). Khả năng thời điểm hoàn thành tác phẩm là năm 1907. Được Thúc Ngọc Trần Văn Giáp chép lại, hoàn thành vào tháng 4 năm 1972. Vậy là, nguyên bản vẫn còn đến trước năm 1972. Nhưng hiện nay chúng ta không biết hiện trạng nguyên bản, nhưng căn cứ vào bản chép tay rõ ràng, lại là của một nhà nghiên cứu thư tịch hàng đầu như Trần Văn Giáp, chúng ta có thể tin tưởng vào độ chính xác của bản chép này.
Văn bản trình bày mạch lạc, ngắn gọn theo lối lịch đại. Từ thứ tự các chúa, đến Gia Long thống nhất. Rồi từ Gia Long đến thời Thành Thái 19 (1907), bằng văn xuôi chữ Nôm. Chủ yếu tập trung vào các sự kiện chính, và tiểu truyện những nhân vật lịch sử có ảnh hưởng. Đặc biệt là phần thơ văn bình luận của Mộng Thạch (Dương Lâm) và Báo Chi (Nguyễn Thượng Hiền). Trong đó, lời tổng bình của Dương Lâm thể hiện một cách sâu sắc quan điểm, cách nhìn nhận trước các vấn đề lịch sử, tấm lòng ưu ái với đất nước của dịch giả.

Sau khi đã giới thiệu văn bản trên Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (105) 2011, Tr.76 – 80 (http://yeuhannom.blogspot.de/2017/01/gioi-thieu-van-ban-hoang-trieu-su-ky.html). Chúng tôi qua phiên âm tác phẩm đã tiến hành phân tích đánh giá, xin được giới thiệu giá trị nội dung văn bản qua bài viết của Hội nghị nghiên cứu Hán Nôm thường niên năm 2017. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét