Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Điểm qua những phần dịch Sai trong sách Dương Danh Lập cuộc đời và sự nghiệp


Điểm qua một số phần dịch Sai trong sách
Dương Danh Lập cuộc đời và sự nghiệp
(Bài gửi dự Hội nghị Nghiên cứu Hán Nôm thường niên 2019 – Tiểu ban 3)
Th.s. Nguyễn Đức Toàn[1]
Leipzig, CHLB Đức
          Dương Danh Lập (1839-1903) hiệu Sơn Nông, người xã Khắc Niệm, Tiên Du, Bắc Ninh, đỗ Tú tài năm 1861, đỗ Cử nhân năm 1864, năm sau đỗ Phó bảng. Từng được bổ các chức Án sát Hà Tĩnh, quyền Tuần phủ Thái Nguyên. Sau thôi quan về mở trường dạy học ở Hà Nội. Học trò rất đông. Cũng được Trí sĩ đương thời suy tôn là bậc thầy văn chương, đức hạnh lúc bấy giờ. Những nghiên cứu về Dương Danh Lập còn rất ít và mới mẻ. Gần đây, hậu duệ của ông là Dương Xuân Thự có biên tập 1 cuốn sách tiêu đề là Dương Danh Lập cuộc đời và sự nghiệp. Trong đó có các phần dịch về tư liệu Hán Nôm, do chủ biên chia ra, thuê các cán bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm thực hiện. Mỗi người làm 1 phần khác nhau, không ai liên quan đến ai. Nhưng phần dịch Điếu văn và Câu đối có nhiều điểm sai đầy ấn tượng. Nhận thấy sự trao đổi góp ý là cần thiết nên chúng tôi điểm qua những phần sai cơ bản, để chủ biên và dịch giả rút kinh nghiệm.
…..

            Sách  Dương Danh Lập cuộc đời và sự nghiệp do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2013. Tác giả chủ biên là Dương Xuân Thự, con cháu của cụ Dương Danh Lập. Sách về cơ bản đã nêu rõ được nhân cách - cuộc đời của nhà khoa bảng Dương Danh Lập trong giai đoạn đất nước đổi thay. Sách có sự tham gia phiên dịch của các cán bộ trong Viện nghiên cứu Hán Nôm. Ở lời giới thiệu nêu rõ tên của 3 người: Cao Việt Anh, Vũ Thị Lan Anh, Nguyễn Đức Toàn. Tuy nhiên về phần giới thiệu các tư liệu Hán Nôm sáng tác liên quan, nhất là phần điếu văn - câu đối được nêu trong sách có nhiều điểm dịch sai cơ bản. Cho thấy đây là những phần dịch cẩu thả không có đối chiếu, không có sự kiểm tra hiệu đính, góp ý của những người hiểu biết về Văn chương - Cổ học. Tác giả đã chủ quan tin tưởng hoàn toàn vào khả năng phiên dịch của những dịch giả thuê theo giá dịch vụ này, không có sự trao đổi đính chính trước khi xuất bản. Sau khi đối chiếu và thư từ email lại với chủ biên là Dương Xuân Thự[2], thì phần dịch Điếu văn – Câu đối là của Vũ Thị Lan Anh. Khi chuyện trò thì cũng được dịch giả này nhấn mạnh: đã được ông Nguyễn Tá Nhí hiệu đính rồi mà[3]. Chúng tôi đã thực hiện kiểm tra lại những phần dịch này, dù không có nguyên văn chữ Hán. Nhưng chúng tôi cũng cố gắng dựa vào phiên âm để chỉ ra những sai nhầm nghiêm trọng về kiến thức của phần dịch này. Dưới sự khuyến khích của dịch giả, chủ biên Dương Xuân Thự đã thành khẩn xin lại tôi bản sách đã được phê bút sửa đỏ để chỉnh sửa. Đến nay, chúng tôi đã đối chiếu thêm và thấy cần thiết góp ý về những phần dịch sai sót này. Để thấy sự thiếu thốn về kiến thức chuyên nghành và trách nhiệm của người làm dịch thuật cổ văn học.
Sách gồm 3 phần: Cuộc đời của Dương Danh Lập; Sự nghiệp của Dương Danh Lập; Phụ lục – các thơ văn khen tặng của những danh gia đương thời với Dương Danh Lập. Phần dịch sai của Vũ Thị Lan Anh nằm tại Phần 1.
Phần 1 - Cuộc đời Dương Danh Lập, sau khi giới thuyết một hồi về tinh thần Dương Danh Lập với đất nước quê hương. Tác giả dẫn lại những bài văn, câu đối điếu tang của Dương Danh Lập và vợ của ông. Nhưng lại để những phần về vợ ông lên trước. Chắc vì bà mất trước ông nên đưa lên trước chăng. Cả 2 phần văn điếu này cũng của dịch giả Vũ Thị Lan Anh, chỉ có phiên âm – dịch nghĩa không có nguyên văn. Duy bài Dương Danh Lập tế nội văn (tr45,46,47) có phụ minh họa nguyên văn, nên chúng tôi đối chiếu được chính xác. Phần Phiên âm, dịch giả chấm phẩy lung tung không theo mạch lạc câu cú gì hết.

Từ Vị tiền viết: Ô hô ! … chi quan. Dịch giả lôi người ta đi 1 đoạn: 1 cái hai chấm(:)- 1 cái chấm than(!)- 2 cái phảy (,) – 1 cái chấm (.) – 15 cái phảy (,). …
Đến phần dịch nghĩa. Cũng tương tự, chấm phẩy không hài hòa với phần Phiên âm. Chưa kể phiên âm cũng sai: Cù mộc 樛木 phiên thành Giao mộc; Thi cưu quân nhất 鳲鳩均一 phiên thành thi cư quân nhất[4]. Hỏng hết cả chữ nghĩa, khi diễn ra dịch giả cũng lượn luôn câu Cù mộc đãi hạ. Đúng ý câu đó: Cù mộc đãi hạ, Thi Cưu quân nhất, phải dịch là: Phận vợ lẽ hòa dịu ở dưới, tình chồng vợ cùng vui về một nơi. Dịch giả chỉ dường như cố nắn câu chữ cho ra có ý nghĩa thôi.

Tiếc là điều đó cũng không được đúng. Ví dụ câu: 淑人在室,不願之官.綱紀家事,必戒必敬.龍城近地,辰來相省. Thục nhân tại thất, bất nguyện chi quan. Cương kỷ gia sự, tất giới tất kính. Long thành cận địa, thời lai tương sảnh. Đúng ý phải dịch là: vợ ta ở nhà, ta cũng không muốn ra việc quan (xa) nữa. Chỉ ở gần Long thành để có thể thường chăm sóc. Dịch giả diễn đạt thành: phu nhân ở nhà lại không muốn ta ra làm quan. Bà phu nhân này vợ lẽ mà ghê thật, lại không muốn chồng ra làm quan. Nghe có vẻ trái lý thường đạo làm vợ của Nho giáo ngày xưa. Đoạn dưới tả tình cảnh tang gia dài dòng, mà diễn ra thấy ghê: Doanh trai doanh táng营齋营葬 . Đáng lý phải dịch là: Lo việc ma chay, lo việc chôn cất. Đã được người dịch biến thành cảnh thê lương đau đớn: Nhà chay chôn chay. Làm như nhà nghèo lắm, phải cúng cỗ chay, chôn chay. Không hiểu chôn chay là chôn kiểu gì!
Tiếp đến là bài Vãn, đề là của Dương Danh Vọng – tức em chồng viếng chị dâu. Đọc nghe mệt mỏi tức cười. Tiêu đề thì ghi : Dương đại nhân khốc Trắc thất đối liên/ Câu đối Dương đại nhân khóc vợ lẽ. Vì trong lời Vãn này lại có 2 câu đối lát sau nữa lại được đưa vào Phần câu đối viếng lạc khoản ghi là : Dương Danh Vọng khốc Tẩu.  Mà thực thì đây không phải bài Vãn gì cả, mà chỉ là 2 cặp đối mà thôi. Vậy chính xác thì đây là 2 cặp đối, cặp trên là của Dương đại nhân khóc vợ lẽ; cặp dưới là của Dương Danh Vọng khóc chị dâu. Lời như thế này:
Duy Á Thất đãi sự nhị thân, nhi kim chung yên. Minh gian hữu đắc thần hôn, vị vi vô trợ.
Quy ngô gia chung kinh tam kỉ, sai tai dĩ hĩ. Trần thế hồi khán li hợp, năng bất vĩnh hoài.
Dịch giả đã diễn ý 冥間有得宸昏 Minh gian hữu đắc thần hôn ra như thế này: Không gian lại u ám tăm tối thế này, biết lấy ai là người tương trợ ta đây? Trời đất! Tôi tha thiết xin được diễn lại cho đúng ý của văn chương như sau: Chốn âm ty như có 2 buổi sớm hôm (hầu hạ mẹ cha), chẳng thể coi là không phù trợ gì nữa. Dịch giả diễn sai hoàn toàn ý cổ văn nhưng lại rất tự tin đặt lời dịch như thế đấy.

Văn tế thì còn dài dòng. Chúng tôi nhặt không hết. Nhưng có đoạn Điếu văn của con rể trong đám tang Dương Danh Lập (tr.52). Đoạn cuối có câu: 臨風洒淚長嘆息而噫唏 Lâm phong sái lệ trường thán tức nhi y hy. Hai chữ Y Hi cuối chỉ là thán từ mang nghĩa hình thái biểu tỏ đau đớn kêu than. Dịch giả đã manh động mà dịch ra là: Nước mắt tuôn rơi, Hu hu hi hi !!! Nghe rất láu cá, kiểu vừa khóc vừa cười! Không hiểu dịch giả nghĩ gì!

Về phần câu đối thì có 28 cặp đối, dịch sai 22 cặp đối. Chúng tôi lần lượt theo thứ tự kèm ảnh chụp từ nguyên trong sách:
 2.1.Dương Danh Vọng khóc chị dâu
Chữ , đáng lẽ phải phiên là Tướng – nghĩa là trợ giúp. Lại phiên thành Tương; Ngã gia huynh 我家兄 anh của ta, thì lại phiên ngắt ra Ngã – Huynh, diễn ra là cùng với anh em ta.  Đúng ra phải phiên là: Tướng ngã gia huynh quần quí cộng chiêm đường lệ ái/Lễ nghi mệnh phụ hương khuê do đái tảo tần phong .
Dịch đúng là: Giúp đỡ anh ta, các cháu con cùng nhờ ơn bóng mát cây Đường, cây Lệ/ Mệnh phụ lễ nghi nơi phòng khuê còn nhớ đức rau Tảo, rau Tần.
Còn Dịch giả diễn đạt là

Vậy bà này vợ ông anh hay vợ ông em, mà lại tắm gội cho cả 2 ông ?.
2. 2. Thượng thư Dương Khuê
Phiên âm: Tiên sinh kim điệu ngâm, vãn cảnh ký hoài khởi cận Phan lang tình điệu/Thục nhân hữu hiền đức, đại phu chí phụ thượng lưu Nam giản phong huy.
Dịch giả cũng chú thích đàng hoàng lắm. Nào là Phan lang là ai - tức Phan Nhạc, Nam Giản là ai - tức Hàn Nguyên Cát… Nhưng ngắt câu và diễn dịch thì toe toét: 先生Tiên sinh thì dịch là Bậc Thầy (không bằng cả Google dịch nữa); 淑人Thục nhân thì dịch thành Người đẹp? Trong khi ở bài văn tế bên trên đã dịch Thục nhân là Phu nhân – là vợ!
Bậc thầy nay thương tiếc ngâm câu, vãn cảnh gửi nỗi niềm há chỉ có lời Phan lang tình tứ, Người đẹp vốn hiền lành đức độ, bạn đời bậc đại phu, còn lưu truyền nếp Nam giản văn chương.
Vì đây là câu đối vãn, nên tôi xin ngắt và chỉnh ý lại cho đúng này: Ông hôm nay đương khóc (bà) tuổi xế chiều thương nhớ, há giống tình điệu của Phan lang/ Bà nhà có đức lành giúp chồng chí lớn, còn lưu tiếng tốt cho người Nam Giản (ý nói người bên họ nhà bà có đức lành dạy dỗ tính hiền của bà).
2. 3, Câu đối của Tổng đốc Bắc Ninh Đỗ Gia Xuyên, thì được dịch ra cũng nôm na

Đúng ra phải hiểu lời dịch là: Một đời thanh bạch là phúc, tiếng tăm cũng đủ trợ giúp/ Đàn chay thêm cảm động, lời thơ điếu viếng vong linh

Câu đối 2.6, thì phiên âm lại Cù mộc thành Giao mộc. Nghĩa là không tra cứu gì hết, cứ đọc theo cảm tính chữ Giao bên bộ Mộcthì đọc là Giao, tức cây Giao. Chữ Trung quỹ中軌 , thường theo cổ văn là chỉ việc người làm quan lớn nắm giữ việc then chốt. Nhưng ở câu 2.6 này thì lại là Tề gia nội trợ. Khi so sánh với chữ Trung quỹ của câu đối 2.7: Hàn Xương Lê chủ trung quỹ … Vậy là ông Hàn Xương Lê này là làm nghề nội trợ tề gia rồi! Hay chữ Trung quỹ dưới viết khác?
Câu đối 2. 7. Lạc khoản (chữ không rõ)

Dịch giả phiên âm và dịch sai câu này, thiếu kiến thức về Cổ Hán văn. Hàn Xương Lê 韩昌黎tức là Hàn Dũ; Phan An Nhân 潘安仁đây mới chính là Phan Nhạc mà người dịch đã chú thích ở câu đối 2.2. Người dịch đã biến báo dịch thành Nhà Hàn hưng thịnh, nhà Lê làm chủ, trong nhà có người hiền đức … Dường như dịch giả không có hiểu biết gì về Lịch sử, và Văn học sử Hán cổ trung đại, với lối ngắt câu điêu toa vô trách nhiệm: Hàn xương – Lê chủ(?). Còn về cái ông Phan An Nhân – tức là Phan Nhạc kia, bên trên chú số 46 ghi là người đời Tần, đây chú số 49 lại chú là người đời Tấn có chết cười tôi không?


Vế dưới, danh từ đối danh từ: Hàn Xương Lê 韩昌黎đối Phan An Nhân潘安仁. Dịch giả nọ diễn ra là Văn chương lay động lòng nhân con người, ... bó tay.
Câu 2. 8. của Tổng đốc Đoàn Triển

Được cái Phiên âm đúng mà hiểu nghĩa Vô đạc là không cần báo đáp thì lại sai. Hữu ân vô đạc tức là có ơn không đo nổi,
Câu đối 2.9. của Hiệp biện Đại học sĩ Đỗ Văn Tâm, dịch cũng không ra thể thống gì.

Đáng phải hiểu là: Ý chí thửa bình sinh, ai là người hiểu được mình (ai là người mắt xanh- thanh nhãn青眼[5] )/ Công danh muôn lối, dễ làm cho ta mệt mỏi (bạc cả mái đầu).
Câu số 2.10. của Tuần phủ Nguyễn Đôn Bân, Án sát Đặng Đức Cường:

Xỉ đức 齒德 đáng được hiểu là cả về tuổi tác, cả về đức độ. Nhưng dịch giả lướt luôn. Đáng cả đôi nên dịch là: Tuổi tác đức độ đều cao, đường đời nóng lạnh đến nay ai người lịch duyệt/ Khi nói lúc cười như tỏa, trời cao mây khói đã đi rồi.
 Câu số 2. 11. của Tam nguyên Nguyễn Khuyến

Chỉ ngắt câu thôi đã đành hỏng cả vế đối mà dịch nghĩa thì coi như toi cơm vế dưới. Vế dưới câu thục năng dĩ sinh vi thận, tử vi lệ生為慎死為戾 - đáng ra phải hiểu là: ai có thể giữ được là người khi sống thì thận trọng, khi mất được tiếc thương(?[6]).
Câu số 2. 12. của Đốc học Vũ Phạm Hàm

Phiên âm không biết ngừng ngắt gì thì cũng thôi. Nhưng vế một cũng toi cơm khi diễn dịch câu Vãn tiến hạnh chu bồi bát niên gian 晚進幸周陪八年間 thành Tuổi già ý chí giảm nay được trở lại 8 năm. Ý như là cụ già rồi ngu lắm vẫn còn ở lại chức được 8 năm!. Trong khi Vãn tiến  晚進 đây được hiểu là kẻ hậu sinh đến sau ngài. Tôi xin diễn lại cho đúng ý văn Vũ Phạm Hàm rằng: Bọn hậu sinh may được theo hầu cụ 8 năm, …, vị trọng làng văn coi làm mực thước[7].
Câu 2. 13. của anh em Hậu sinh ở Tòa Nhật báo viếng

Lời dịch nghe đã ngô nghê buồn cười, mà lời chú thích Lạc khoản cũng phì cười: Kẻ sinh sau ở tòa nhật báo. Bọn này chắc đẻ rơi! Cả đôi đáng nên diễn là: Đất Giang Bắc bậc kỳ tài đi mất/ Trường Đông Dương buồn mãi đám văn thân.
Câu 2. 15, của Tri huyện Hoàng Thụy Liên

Ý phải hiểu là: Bậc đại nho mẫu mực (như ngài), đền nay mấy người còn/ Văn chương như núi cao như sao đẩu, để đời sau cúi trông. Dịch giả dường như không có chút cảm thụ văn học nào về thể loại văn câu đối cả.
Câu 2. 16. của Án sát Mai Trung Cát

Phiên âm lại sai, điển tích cũng sai theo. Đúng ra phải là: Giáng trướng thập niên ngô vãn cảnh/Thanh tiền nhất mộng sảnh tiền nhân. Giáng trướng 絳帳 là lấy điển của Mã Dung 馬融 đời Hán dạy học buông trướng bằng nhiễu để giảng học; Sau này từ Giáng trướng thường được dùng để ai vãn các bậc làm thầy. Thanh tiền青錢 , không rõ có đúng chữ Hán không. Nếu đúng là ý chỉ bậc người ưu tú có tài. Đáng ý phải dịch ra là: Ơn thầy dạy dỗ 10 năm cũng là cái cảnh tình của tôi về già(Mong khi về già cũng được làm dạy học như ngài thôi)/ Tài tình cũng 1 giấc mộng hỏi thăm đến bậc tiền nhân trước đấy.
Câu đối số 2. 17. của Nguyễn Tấn Cảnh, Nguyễn Tốn Khải

Không có nguyên văn nên không biết diễn nghĩa như vậy là thế nào. Nhưng điển tích Tô lão thì hiểu ngay là văn tài như họ Tô, họ Hàn. Mà Tô thì có thể hiểu là Tô Đông Pha, Hàn có thể hiểu là Hàn Dũ. Đều là những bậc tài giỏi văn chương. Đáng nên dịch là: Văn phong như của Tô lão, từng được dạy dỗ theo hầu trước giường (ngài).(Chúng tôi không có nguyên văn nhưng tạm diễn lại để chờ tham khảo kỹ)/ Tài cao giống Hàn công, bậc nho tôn kẻ sĩ còn nhớ ơn. Nhưng mà dịch giả lại hoang tưởng mà dịch ra là Tô lão nhớ chuyện xưa... – Hàn công chiến đấu trên núi ... ? Hàn công sơn đẩu韓公山斗 , ý nói: ông họ Hàn kia như Thái sơn, như Bắc đẩu, được kẻ sĩ suy làm bậc nho tôn. Vậy mà diễn đạt là Hán công chiến đấu trên núi. Liệu dịch giả có sự giúp sức của Google Translation ?. Copy thử vào Google thì chỉ ra Phiên âm Pinyin: Han Gongshandou.
Câu 2. 18. của Tri phủ Nguyễn Huy Kỳ

Chỉ nghe lời dịch nghĩa thôi đã chả hiểu nổi. Thôi thì ngó phiên âm mà diễn ý : Như vàng đúc(?), nghìn năm gương thầy còn mãi/ Giải ngọc bay(?), một đêm văn sĩ buồn thay.
Câu 2. 20. của Đốc học Đặng Quỹ

Phiên âm và dịch nghĩa kiểu này mà in vào sách thì quá buồn cười. Tùng bách松柏thì ví với tuổi già thì ok. Còn đào lý 桃李 thì ở đây là chỉ đám học trò của ông ta.  Nên hiểu câu này như sau: Cứng cáp mạnh như cây bách cây tùng, tuổi cao còn làm giường cột được/ Đàn học trò như đám đào đám mận, giữa núi non khoe sắc nổi tiếng tăm.
Câu 2. 21. Tuần phủ Nguyễn Đức Tú, Bố chính họ Nguyễn

Nhiều lúc tôi cảm thấy dịch giả biết rất ít chữ Hán cổ nhưng diễn đạt rất bừa bãi. Hai câu đối này 1 câu 8 chữ, 1 câu 7 chữ mà dịch giả cũng nặn ra được Kỷ hứa幾許 Lời hứa(?). Văn kinh nhân ngữ 聞驚人語 thành ra Lời nói của con người tiếng vang xa.
Câu 2. 22. của Tri phủ Nguyễn Mậu Chu

Chưa kể điển tích Ấn tuyết – Thám mai(印雪 -探梅 ). Nhưng dịch như trên thì không ra gì cả. Tôi đành để lại câu này không diễn nổi cho dịch giả.
Câu số 2. 23. của Tri phủ Lê Huy Phan

Phần Phiên âm tôi không thể tìm được từ Hán Việt nào là Trao cả, để đối chiếu. Nhưng Tiên triều trao tế từ … mà dịch thành Triều trước vào hội tế lễ  thì tôi cũng bái phục dịch giả.
Câu 2. 24. của Phiên sứ Nguyễn [. .. ], cũng không đọc nổi tên là gì, vì … khó quá.

Điền thập di là danh từ, Thập di 拾遺 là chức quan, xưa có chức Tả thập di左拾遺 , Hữu thập di右拾遺 . Như Bạch Cư Dị phong Tả thập di; hay Đỗ Phủ được gọi là Đỗ thập di. Để đối với dưới Ngô tiên sinh 吾先生 vế dưới.  Mà người dịch dịch là Nơi đồng ruộng hàng ngày gặt hái sơ sài giản dị. Vậy mà bên dưới thì lại rõ Đệ tử của Ngô tiên sinh  đa phần là bậc hiền tài. Liệu dịch giả có biết câu đối là thể loại văn gì không nhỉ? .
2. 25. Án sát Trần Tán Bình, Lưu Thành

Thì nên hiểu là: Điển hình cho kẻ sĩ thấy đủ cả phong trần, đến nay có mấy ai còn/ Tâm sự của bề tôi cũ chức quan chìm nổi, chưa tròn chí ẩn quy.
2.26. Tri huyện Hoàng Tiệt, Huấn đạo Ngô Văn Vinh

Một lần nữa, ông Xương Lê (tức Hàn Dũ)lại hiện về trong vế câu 1, để đối với ông Lão Đình (?). Mà ông lão này lại buồn vì đạo của ta ngày càng bành trướng mới chết. Có lẽ tôi phải tìm bằng được nguyên văn để xem mặt cái chữ Hán cặp đối này nó thế nào.
Trên đây chúng tôi đã điểm qua 2 đoạn tế văn và 22 cặp đối do dịch giả Viện nghiên cứu Hán Nôm thực hiện trong sách Dương Danh Lập – Cuộc đời và sự nghiệp của Dương Xuân Thự. Tác giả sách này không phải là chuyên gia về Hán Học, nhưng có tinh thần tìm cũ để khơi nguồn cổ là điều đáng quý. Tuy nhiên dịch giả lại là người thiếu kiến thức, chủ quan hay nói cách khác là không có trách nhiệm, dịch bừa, dịch đại, dịch gần như bịa đặt ra một vấn đề mới không khớp với văn cảnh cũng như ngữ nghĩa. Mong rằng tác giả tập sách sẽ nhanh chóng sửa chữa để tái bản. Nhân đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho những người làm sách, làm công tác dịch thuật cổ văn.




[1] Nguyễn Đức Toàn: toanhn09@gmail.com
[2] Theo thông tin từ chủ biên Dương Xuân Thự, thì dịch giả phần Câu đối là Vũ Thị Lan Anh, nguyên cán bộ phòng nghiên cứu Văn bản Văn học Hán Nôm, Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[3] Năm 2013, sau khi đi công tác từ Đức quốc về nhận sách biếu của Chủ biên Dương Xuân Thự. Chúng tôi có ngồi với nhau tại phòng Văn bản học. Và dịch giả Vũ Thị Lan Anh có nói là: đã nhờ ông cụ Nguyễn Tá Nhí hiệu đính.
[4] Truyện Kiều câu 2378 – 2379: Thừa gia chẳng hết nàng Vân/ Một cây Cù mộc một sân quế hòe. Cù mộc là điển trong Kinh Thi: Nam hữu Cù mộc/ Cát lũy luy chi. Sau dùng ý để nói người Vợ Lẽ. Thi Cưu quân nhất: cũng dùng giả tá với chữ Thư Cưu, để nói cái tình vợ chồng trong bài Quan Thư của Kinh Thi mà thôi.
[5] Mắt xanh: chỉ người bạn tri kỷ tri âm, hiểu biết nhau đối đãi nhau bằng con mắt xanh, không thích nhau thì đối đãi bằng con mắt trắng. Theo điển tích chuyện của Nguyễn Tịch阮籍thời Ngụy Tấn. Ngày nay hay dùng từ: lọt vào mắt xanh, là ý này.
[6] Không có nguyên văn để so đối chữ Lệ là Lệ nào. Nhưng cách dịch là khó chịu thì chắc là Lệ này
[7] Qua phạt nhất thanh – Vì không rõ chữ Hán nên chúng tôi cũng chưa biết diễn ra sao. Nhưng bên trên đã dịch sai rồi thì bên dưới cũng hỏng cả câu rồi.

1 nhận xét:

  1. Em phải công nhận là đúng là thầy học rộng lên mới thấy cái sai của người khác mà sửa dùm . Chứ như bọn em thì cũng chỉ nhận thấy phần dịch lời văn nghe không thuận thôi chứ cũng chưa để ý đến phần then chốt của cái sai mà tác giả dịch vậy .

    Trả lờiXóa