Xin được cô Kim Anh một bức ảnh của cô Hoà. (Chưa xin phép - nhưng đăng làm minh họa)
Nhớ về cô Vũ Thị Hòa giáo viên dạy Văn của chúng tôi (Trường phổ thông trung học Bạch Mai - nơi chúng tôi học từ 1992-1995)
Chúng tôi những chàng trai cô gái, năm 1992 đến năm 1995 mới chỉ khoảng 16- 18 tuổi. Được vào phổ thông trung học Bạch Mai (nay là trường phổ thông trung học Trần Nhân tông). Bố mẹ thở phào. Nhưng cái tuổi ấy bất Trị, ngổ ngáo, ngang ngạnh và ngu ngốc, ngây ngô. Năm lớp 10 chúng tôi được cô Nguyễn Thị Toàn- giáo viên vật lý, người gốc Quảng Bình làm chủ nhiệm.
Tuổi hung hăng ấy, chúng tôi lên lớp ầm ĩ nhộn nhạo hết cả lên. Những thầy cô nào yếu bóng vía dễ bị học sinh bắt nạt. Các thầy thì ít chứ các cô thì nhiều. Vì cái độ tuổi 15- 17 ấy cơ thể đã có sự phát triển Kỳ lạ. Có đứa Dậy thì, cao lớn, vỡ giọng, ... Có đứa thì vẫn còn bé tí. ... Những hiện tượng sinh lý sớm muộn của cả con trai lẫn con gái. Cũng như bản tính của một đứa trẻ chưa hoàn Toàn trưởng thành.
Tôi có ấn tượng với một cô giáo dạy Văn. Cô là cô Hòa. Người cô nhỏ bé, gầy gò, tác phong của cô nghiêm nghị, ít cười và rất đơn giản.
Trong giờ học của cô chúng tôi ầm ĩ hết cả lên. Cô không nặng lời, nhưng cô gọi tôi lên: "em cho biết suy nghĩ của em về ….?”
Tôi có tập trung nghe giảng đâu mà biết cái gì? Tôi trả lời thủng thẳng: "Em không biết !".
Gương mặt của cô đanh lại: "người ta nói: con người ta tư duy thì tồn tại; em không có tư duy".
Nghe xong câu nói ấy của cô. Trầm trầm trong lòng tôi một cảm xúc gì đó rất khó tả. Tôi sợ và nể cô. Tôi băn khoăn mãi. Rất buồn rất hối hận vì phản ứng vô cảm của mình.
Từ đó trở đi, đến giờ của cô Hòa là tôi ngay ngắn, tập trung nghe bài, không nghịch ngợm nói chuyện luyên thuyên nữa. Vì tôi cay đắng câu nói của cô: "em không tồn tại".
Những năm 1990. Ở Hà Nội xe máy cũng chưa phải là nhiều. Chúng tôi phần lớn đi xe đạp. Có một lần tôi đi xe đạp từ nhà bà ngoại trên đường về, trên phố Bạch Mai tôi gặp cô Hòa. Tôi chào cô và sóng đôi vừa đi vừa hỏi thăm cô (hoá ra nhà cô ở phố hàng Bông). Không biết Cô có hề nhớ đã từng nói tôi câu gì! Nhưng trong lòng tôi thầm ngưỡng mộ một người phụ nữ giản dị, mộc mạc và nghiêm túc như cô.
Trong năm học ấy, có lần cô giao cho một đề tài về nhà để làm: "có câu nói:"người ta là hoa đất.". Em hiểu như thế nào về câu nói này?. Có thể cho thí dụ minh họa."
Vì đã khâm phục cô từ lâu, tôi rất trăn trở vì đề bài này. Mới 15 16 tuổi, sức đọc còn ít chả hiểu gì về cái ý nghĩa câu nói ấy cả. Tôi về nhà hỏi bố tôi: "người ta là hoa đất là có ý nghĩa như thế nào hả bố?"
Bố tôi không tập trung lắm, nhưng ông bảo: "thì đại khái là con người ta sống ở trên đời là làm người tốt có ích cho đời cho xã hội, gọi là hoa đất, là Hoa của đất thế thôi".
Với đầu óc non nớt của tôi, cũng như không gian tư liệu đơn điệu của thời đại chưa có internet, chưa có nhiều thư viện và báo chí. Tôi tìm báo để đọc, xem ai có thể xứng đáng là Hoa của đất. Vô tình thay hồi đấy nhà tôi có một cuốn tạp chí điện ảnh. Tôi đọc thấy một bài viết về nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân(là ông nhạc phụ của ông tổng bí thư ngày nay). Vậy là tôi viết về ông Ngô Mạnh Lân.
Bài nộp cho cô. Khi trả bài tôi được 7 điểm bài đó, với lời phê: "có tư liệu".
Thực ra thì tôi cũng không hài lòng với điểm 7. Đi theo cách tính điểm của Việt Nam 8 9 10 mới là tốt. Còn 567 là trung bình. Dưới 5 thì coi như vứt. Vậy là cảm giác về văn chương trung bình. So với các bạn cùng học với tôi là Trần Thị Quỳnh Mai, Phạm Thị Mỹ Hạnh, Hằng Hải phòng .. Dường như là không có cửa. Một số bạn được cô giáo dạy văn rất là khen, nhất là sau này khi học cô giáo khác là cô Nga (cô này họ Vưu- chủ nhiệm lớp E, lớp tôi là lớp D.) cô Nga này khen bạn Trần Quỳnh Mai hết lời. Hình như tôi nhớ còn cử bạn ấy đi thi học sinh giỏi Văn.
Tôi thì vẫn tiếp tục đam mê cổ học, với Hán nôm, với một hi vọng sau này sẽ học một ngành liên quan đến cổ học về văn hóa phương Đông.
Đúng như lời nguyện, thi đại học lần 2 tôi đã đậu vào trường khoa học xã hội và Nhân văn ngành Hán nôm thuộc khoa Ngữ văn. Mấy bạn kia thì vào ngành báo chí - một chuyên ngành cũng liên quan đến văn chương và kỹ năng viết lách, tất cả đều rất trưởng thành.
Bây giờ thì chúng tôi đã gần 50 tuổi, các cô cũng hơn 80. Mạng xã hội và công nghệ internet phát triển. Đôi khi trong cuộc đời chúng ta lại vô tình gặp lại nhau. Rất gần trên mạng xã hội. Tôi lại nhớ đến cô Hòa dạy Văn năm xưa. Hỏi thăm cô giáo trẻ hơn dạy Anh văn là cô Kim Anh. Được biết cô Hòa đã về hưu và chuyển vào trong Nam sinh sống cùng con cháu.
Trong thâm tâm tôi từng nghĩ, một giáo viên giản dị, nghiêm túc như cô Hoà, lúc phát ngôn luôn dùng ngôn từ Kín đáo thể hiện sự tôn trọng người khác, cũng như cuộc đời người giáo viên tận tụy hết trách nhiệm trong phận vị giảng dạy. Dù không phải giáo viên chủ nhiệm, dù chỉ lướt qua cuộc đời chúng tôi như một ánh sao đêm. Cô cũng xứng đáng là một “bông hoa của đất”.
Nhớ cô và những ấn tượng đầu tiên về cô trong sự nghiệp học văn của tôi. Viết một chút làm kỷ niệm.
——-
Việt Tây toàn nguyễn 12D Bạch Mai. Viết mùa hè tháng 5 năm 2025.
Xúc động quá ông bạn ạ. Sao không đăng hẳn bài vào page của Lớp mà đưa mỗi cái link thế
Trả lờiXóa