Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Di sản Hán Nôm/ Bài thơ khắc gỗ, khảm trai của Cử Nhân Hoàng Thúc Hội

Bài thơ khắc gỗ, khảm trai, đề ở một ngôi đền thuộc khu vực ven đê sông Hồng, mạn Văn Giang, Hưng Yên. Nhân chuyến công vụ Hưng Yên năm nào đã đọc. Hồi đó chỉ nhăm nhăm chép câu đối và tìm Bia Đá, còn phải dành thời gian đi di tích khác, nên đền mới dựng lại không có chữ nghĩa gì. Duy có bức này là cổ kính. Đọc xong không có thời gian, phải đi ngay. Không có máy ảnh mà chụp. Giờ lại gặp trên Facebook, đúng là kỳ ngộ vườn Face. Dịch cho nó khuây khuây ngày Chúa Nhật, đêm vắng nơi đất khách. 
Nếu tôi nhớ không nhầm thì Đền gần chùa Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên.
Vì bài thơ 4 câu, có 2 địa danh là Lão Động (còn đọc là Liêu Động) và Nhị Thủy.
Có thể ý nói về 1 vị thời Lý Nam Đế (cũng có thể là chính vịnh về Lý Nam Đế). Vì  Lý Nam Đế gắn với địa danh Động Khuất Lão và mất ở đây (có thể gọi tắt là Lão Động).
Chữ thứ 4 câu 2, nhiều bạn đọc là Vân, theo tôi là không đúng. Tự dạng, mạch văn, vần thơ có thể luận ra đây là chữ Trọng, do các bác thợ khắc làm khéo nên giông giống chữ Vân, tưởng là Mây nhưng không phải Mây. Đúng là Mây Tan/ Vân Tĩnh đó. 

Nguyên văn chữ Nho:
成泰丙午十二月上澣吉日敬書
獠洞煙嵐事不平
綱常繫重此身輕
興亡底局英雄恨
宿夜風涛珥水聲
舉人黄叔會拜題邑子阮伯澗黄玉芽奉
Phiên âm chữ Nho:
Dịch nghĩa chữ Nho:
Kính viết ngày tốt Thượng tuần tháng 12 năm Bính Ngọ niên hiệu Thành Thái (1906)
Sương khói nơi động Lão chuyện bất bình xảy đến,
Trụ cột cương thường mới là trọng thì thân này xem nhẹ có xá chi.
Thịnh suy rút cục lưu hận cho người anh hùng,
Chỉ còn tiếng ầm ầm sóng gió Nhị thủy ngày đêm.
Cử nhân là Hoàng Thúc Hội cúi đề.
Người tông ấp là Nguyễn Bá Giản, Hoàng Ngọc Nha kính khắc.
Dịch thơ:
Chuyện xưa động Lão sương mờ,
Cương thường làm trọng thờ ơ thân này.
Thịnh suy để hận xưa nay,
Chỉ còn sóng gió đêm ngày Nhị giang. 
Nguyễn Nam Đường dịch t7/2016

Chú thích:
Tác giả Hoàng Thúc Hội (1870 - 1938), hiệu Cúc Hương, tự Gia Phủ; là một nhà thơ, nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc.
Ông sinh năm Canh Ngọ (1870) tại làng Hạ Yên Quyết (về sau gọi là làng Cót), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).
Năm Bính Ngọ (1906), ông thi đỗ Cử nhân, nhưng không ra làm quan.
Năm 1932, đền Hai Bà Trưng (Hà Nội) trùng tu. Dịp này, báo Trung Bắc tân văn mở cuộc thi thơ để kỷ niệm. Sau đó, bài của ông đã trúng giải nhất, và được khắc vào bia đá nơi đền thờ ấy [1].
Ông mất năm Mậu Dần (1938), hưởng thọ 68 tuổi. Sinh thời, đạo đức và tài văn chương của ông được nhiều sĩ phu kính trọng [2].
Con ông là Hoàng Thúc Trâm (1902 - 1977), cũng là một người có tiếng trong sử học  văn học Việt.
Tác phẩm của Hoàng Thúc Hội có:
·         Trưng vương lịch sử
·         An Sơn tùy bút tập (3 quyển).
·         Sài Sơn thực lục.
·         Hà đê đối sách.
·         Đàm Phật lục.
Dưới đây là bài thơ Vịnh Hai Bà Trưng đã đạt giải vừa nói trên:
Ngựa Gióng đã lên không,
Rừng Thanh voi chửa lồng.
Nẩy chồi hoa lưu Lạc,
Mở mặt nước non Hồng.
Trăng dọi gương hồ Bạc,
Mây tan dấu cột đồng,
Nén hương lòng cố quốc,
Xin khấn một lời chung.

Nhà gần đền Hai Bà Trưng, khi nào có dịp xin chụp ảnh giới thiệu cả bộ cho quý hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét