Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Tư hương vận lục/ Ghi chép linh tinh chút cảm xúc về quê hương

Con trai: Bố! Con không thích đi sang Việt Nam.
Bố: Vì sao?
Con trai: Vì đi máy bay, có thể rơi.
Bố: Thì mình về với Chúa! Không sợ nữa.
Con trai: Nhưng con không thích Việt Nam, vì Việt Nam không có Freunde  (Bạn bè)của con
Bố: Sao lại không có? Con có em Sóc, chị Hân, anh Nhật Anh, …
Con trai: Nhưng không phải richtig Freunde (bạn thực sự) của con. Con thích ở Deutschland (Đức) vì có những người bạn thực sự của con. Họ hiểu con muốn gì! Nói gì! Ở Việt Nam thì không.
Bố: Nhưng mà ở VN, bố cũng có những người bạn thực sự của bố. Họ hiểu bố muốn gì ! Nói gì! Còn ở Deutschland thì không.
Con trai: Bố cũng có thể có bạn ở Deutschland mà, bố có thể kết bạn, tìm bạn mà!
Bố: Nhưng bố không giỏi nói tiếng Deutsche (tiếng Đức) như con, bố không nói được nhiều, người Deutsche (người Đức) không hiểu bố nói gì cần gì.
Con trai: Bố nói không đúng, bố có nói Deutsche, đấy vừa nói đấy.
Bố: Nhưng đấy không nhiều, đấy chỉ là làm việc, là bán hàng thôi, chỉ 1 ít thôi.
Con trai: Bố có thể học mà!
Bố: Nhưng bố già rồi không học được nhiều và nhanh như con.
Con trai: Ô Ồ ! (Chán nản) Bố vẫn học mà, langsam (chậm) mà, rồi ok!
Bố: Ở VN vẫn còn Oba, Oma (ông bà), các bác, các cô, các chú, còn nhiều Verwanten (họ hàng) của mình mà. Mình phải về besuchen (thăm) nữa, làm sao không thích được?
Con trai: Như thế thì chỉ cần 1 Woche(1 tuần) thôi.
Bố: 1 Tuần làm sao mà đủ được. Phải 1 Monat (1 tháng). Mình còn phải kaufen (mua) nhiều thứ nữa mà!
Con trai: Ô Gott! Bố bảo tất cả mọi người muốn Kaufen đều phải về VN hả!. Cả thế giới này phải về VN để mua đồ hả! Mọi thứ đồ trên thế giới này đều ở VN mua được hả! Ở khác thì Không?
Bố: Nhưng 1 tuần không đủ!
Con trai: Con nói là ein paar Woche (1 vài tuần)
Bố: Thế thì con ở lại Deutschland đi. Bố về VN.
(Cau có, quay mặt vào tường.)
(Vài phút sau)
Bố: Ok, chỉ về thăm thôi. 1 vài tuần. Nhưng mà bố không giỏi tiếng Đức. Con chả bao giờ dạy papa.
Con trai: Vì bố niemal(không bao giờ) hỏi.
Bố: Ok từ bây giờ bố hỏi, thì con phải dạy bố. Con phải dịch cho bố nhé.
Con trai: Ok!
Bố: Bố muốn nói là Bố yêu con thì nói thế nào
Con trai: Ich liebe dich!
Bố: Ok, Ich liebe dich. Bố muốn nói là Bố yêu Mẹ thì nói thế nào?
Con trai: Ich liebe dich auch!
Bố: Ok. Ich liebe dich auch.

Nhớ đoạn Kinh Thánh – Cựu ước/ Giô-suê 1:3-4/  3Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến, thì ta ban cho các ngươi, y như ta đã phán cùng Môi-se. 4 Địa phận các ngươi sẽ lan ra từ đồng vắng và Li-ban này cho đến sông cái, là sông Ơ-phơ-rát, tràn cả xứ dân Hê-tít cho đến biển cả về hướng mặt trời lặn.

Nhớ bài Tiếng hát con tàu / Chế Lan Viên
Khi ta ở, chi là nơi đất ở 
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn! 

Nhớ bài ĐỘ TANG CÀN - Giả Đảo賈島

Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương, 
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương. 
Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ, 
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
Tinh Châu đất khách trải mươi hè, 
Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê 
Qua bến Tang Càn, vô tích nữa 
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê.(
Tản Đà dịch/Tạp chí Ngày nay, số 79, ngày 3-10-1937).

Nhớ tời Tư Hương vận lục của Lê Quang Bí. 

Tìm thấy bài Gửi thư mượn nhạn – Lê Quang Bí/ Tô công phụng sứ thi.

Khôn lấy mồi thơm dỗ tiết ngay,
Cho nên lưu lạc nước non này,
Bốn mùa đắp đổi kho trăng gió,
Một áng thừa lưa lộc tháng ngày.
Chẳng những lòng vàng trên bể Bắc,
Đã nguyền đầu bạc dưới đền Tây.
Tấc niềm bộc bạch hàng thư lụa,
Phó mặc bên trời chiếc nhạn bay.
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Quang_B%C3%AD

Nhớ đến bài văn của 1 nữ sinh Trung Quốc- Tổ quốc tôi ông là ai ? http://tinhhoa.net/bai-dien-van-chan-dong-sau-sac-cua-nu-sinh-17-tuoi-to-quoc-toi-ong-la-ai.html

Lại nhớ đến câu chuyện Tổ quốc trong tập truyện ngắn của Liên Xô (Hãy tha thứ cho em- một người không có lỗi) đã đọc từ lâu lâu lắm.

Vậy cái Tư hương vận lục của Tô quận công còn ý nghĩa gì trong thời kỳ Toàn cầu hóa này. Khi nơi nào đó trên thế giới này chiến tranh bom đạn, cướp giết cùng hủy diệt. Kẻ mạnh đè đầu kẻ yếu, có tiền vênh vang với nghèo đói, … tống tiền, hãm hiếp, cướp giật … đâu đâu đó. Thì 1 nơi yên bình với gia đình nhỏ bé 5 người, với 1 công việc đơn điệu có thể mang đồ ăn đến đủ hàng ngày, môi trường trong lành tĩnh lặng … có phải là Tổ quốc, có phải là quê hương?.

Sao khi sinh ra, con người ta đã phải mang 1 trách nhiệm nặng nề với bản thân mình là phải yêu thương cái gọi là Tổ Quốc, cái gọi là Quê Hương, khi mà Tổ quốc và quê hương đó còn ngập ngụa trong bao điều trăn trở, lo toan. Phải Yêu nước, phải hướng về đất nước ư! Phải ủng hộ Kiều hối ư! Phải nghe nghe đâu thấy tiếng nói quê hương thì phải tìm đến, phải tụ bạ nhau với những thói thường của dân Việt: Nhậu nhẹt, chè chén, bài bạc, trăng hoa, sắm sửa khoe khoang, cúng giỗ ông bà, mê tín dị đoan … vào cái gọi là Tổ Tiên, cái gọi là Bản sắc, cái gọi là … nói thẳng ra là cái Ngôi chùa Phật giáo mà ngày nay dân Việt đi đâu cũng tha nó theo. Coi nó như là quy tụ về tinh thần dân tộc, dân túy lắm lắm. Nhưng biết đâu rằng có những người đã nhận ra từ lâu, nó là cái ổ của dâm ô, dục vọng, cái ổ của rửa tiền, để thánh hóa mọi thứ tội lỗi và ban u mê tăm tối cho người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước. Cái Phật giáo ngày nay đã mất đi cái phần nhân văn sâu lắng trong cõi tâm hồn mà nặng nề về hình thức, hủ bại về nội dung, coi trọng về vật chất, khoe khoang về cái trí thức nhỏ bé của cá nhân. Câu chuyện càng đi càng xa. Như dân Do Thái ngày xưa tin vào lời hứa của Đức Chúa trời mà ra đi tìm đất mới. Lưu lạc mấy nghìn năm, bị bức hại mấy nghìn năm. Giờ lại trở về Phục quốc trên đất cũ đã bị mấy ông anh Ả-rập Hồi giáo chiếm giữ. Theo Kinh Thánh thì cả dân Do Thái lẫn dân Ả- rập đều là con cháu của Áp-braham.  Tổ tiên Người Do Thái là em, nhưng lại tranh quyền trưởng nam của Tổ tiên người Ả-rập (là anh). Nhưng trong Kinh Thánh có chép là anh em đã hòa giải. Vậy mà giờ đây họ coi nhau như kẻ thù, chiếm giữ nhà nhau, cướp giết hủy diệt nhau. Trong khi họ cùng thờ lạy 1 đấng duy nhất là Đức Chúa Trời, một bên gọi bằng Bố, một bên gọi bằng Papa.
Vậy quê hương tôi ơi! Thực sự ông ở đâu! Cũng như những bạn bè xuất ngoại khác, người đi Mỹ, đi Úc, người Pháp, Canada, người Nga, người Tiệp, người Đức, … Con cái họ cũng hỏi đáp như con trai người đàn ông ở Đức đã nói ở bên trên thì Quê hương tôi ơi! Thực sự ông ở đâu.
Có phải như lời Kinh Thánh Cựu ước, Giô-suê 1, câu 3 và 4. Chúa đã phán cùng con: Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến, thì ta ban cho các ngươi, y như ta đã phán cùng Môi-se.
Vậy nơi nào chân ta đặt đến là nơi đất chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta còn quê hương nào khác là Thiên đàng nơi Chúa đang chờ chúng ta – Đứa con hoang đàng trong ngày trở về.

Không, quê hương của chúng ta là nơi có tình yêu thương. Nơi nào có tình yêu thương thì nơi đó chính quê hương. Câu trả lời là như thế nhưng mà con người ta cứ giằng xé trong lòng, như thấy cái cảnh sắp về với Chúa mà vẫn mong Chúa cho sống thêm, khỏe mạnh để làm việc này việc kia. Không biết người đã Khuất thì thế nào chứ người đang sống khỏe mạnh thì đúng là họ mong như thế đấy. Than ôi! Quê hương tôi ơi. 
Viết lại suy tư, tại quê nhà ....; Ngày ... tháng ... năm 20... 
Danh Kim 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét