Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

BIA AM TUỆ MINHchùa Đại Khánh (chùa Vồm) làng Đại Khánh.Nay là xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá.

https://www.facebook.com/notes/178530525998488/BIA%20AM%20TU%E1%BB%86%20MINH/214941729024034/
Phiên âm và dịch nghĩa: Sa môn Thích Nguyên Đạt
Cẩn án: Cư sỹ Chân Thanh

Thác bản văn bia Tuệ Minh am, thuộc am tháp Tuệ Minh, chùa Đại Khánh (chùa Vồm) làng Đại Khánh, tổng Đại Bối, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hoá. Nay là xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Kí hiệu thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm 9408. Bia 1 mặt, khổ 84cm x 43cm, không trang trí, tên và văn bia viết bằng chữ Khải rất đẹp. Toàn văn 29 dòng, tổng cộng 700 chữ, được khắc năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717).

Phiên âm:
Tuệ Minh am
Cái văn: Tâm nguyên trạm tịch sơ vô thượng - hạ chi sai thù, giác hải thanh trừng hà hữu vị kinh chi phán đoán. Thảng nhất xuyến tâm châu bất muội, tất liễu minh tội tính giai không. Lương do thiện - ác, mê - ngộ chi bất đồng; sở dĩ thánh phàm, thăng trầm chi hữu dị. Cố, cử nhất niệm thiện nhi thiên đường trực chí, tạo nhất niệm ác nhi địa ngục lập thành. Mê giả vĩnh kiếp trầm luân, ngộ giả đa sinh giải thoát. Hội thử chính sở vị, vi thiện tại nhân, phúc thiện tại thiên. Thiên nhân chi báo ứng, khởi năng sai hồ?
Việt dĩ, Hoàng cung giáng chất, tuyết lĩnh tu nhi quả chứng chân thường; ngọc diệp đản sinh, phổ môn hiện nhi viên thông tại tự. Đệ đệ tương thừa tổ giáo, miên miên vĩnh trấn từ phong. Khắc tuân tượng giáo phong song, bái hạ thiền môn tông chủ.
Kính duy tông sư, ma ha Tì kheo Chân Hỷ Tuệ Minh Hoà thượng, phúc tuệ trang nghiêm, liễu vô sở đắc, hoá thân Bồ tát, gia truyền y bát, tâm ngộ chân không. Thác tích tùng lâm, song mẫn thị phi chi cảnh; thê tung vân quật, lưỡng vong danh lợi chi tràng. Cư trần bất nhiễm trần duyên, tại thế bất ki thế thái. Thiền hà tĩnh vong hung bất động, thu nguyệt hiện minh trí kính viên. Trần nghiệp vật xâm, tịch quang phổ chiếu. Huề vạn vựng đồng tu Tịnh độ, tiếp tứ chúng cộng chủng thiện duyên. Nhận không hoa nhi quả chứng Niết bàn, cao du giác ngạn; nhiên tuệ cự nhi trà tì huyễn tướng, hỗn nhất thái hư. Thanh công đức bất khả tư nghị, sử chân tục cụ giai khát ngưỡng.
Tư thần đệ tử: Sa di tự Như Ngọ cập đạo tràng Tục đế: Như Tĩnh, Như Hiểu, Như Bân, Như Tuyển, Như Công. Chân đế: Tính Hoàn. Tục đế: Tính Thuyên, Tính Nghiêm, Tính Bảo, Tính Truy, Tính Hồ, Tính Tường, Tính Dung, Tính Trường, Tính Khoan, Tính Trạm, Tính Bổng, Tính Hân, Tính Thuỷ, Tính Thống, Tính Đăng, Tính Trinh, Tính Trụ, Tính Hiển, Tính Tùng, Tính Trì, Tính Điểm, Tính Chuyên, Tính Quỳnh, Tính Kính, Tính Trọng, Tính Hoành, Tính Truyền, Tính Cục, Tính Thận.
Sinh phùng thịnh thế, trưởng ngộ minh sư. Mông pháp nhũ chi trạm trạm, quyên ai vị báo; mộc sư ân chi miểu miểu, nhuận trạch vô nhai. Nan vong cốt tuỷ chi thâm ân, hà hạ truy tư chi hậu ý. Viên, mệnh công tu bảo tháp, phụng đáp trọng ân. Doanh chi bất nhật viên thành, đắc dĩ ức niên hương hoả. Phục nguyện, tuệ đăng diệu nhĩ, chân tính trạm nhiên. Hiện diệu tướng vu Phạm cung, hiển uy quang vu bảo tháp. Tỉ môn nhân cộng chứng Bồ đề, thiền tông vĩnh mậu; bảo Thích tử đồng viên ích trí, đạo mạch trường lưu. Dương dương nhi tổ ấn trùng quang, ái ái nhi chân tông trường diễn. Biến chu sa giới, tận nhập huyền môn. Cẩn bái hồ, thuật chi. Vĩnh bảo, kì truyền vu hậu thế.
Minh viết:
Thiện tai! Phật tử,
Bất nhiễm thế duyên.
Tri thân thị huyễn,
Ngộ tướng phi kiên.
Truyền đăng kế tổ,
Xả tục đầu thiền.
Chân thừa quả chứng,
Thượng hạnh công viên.
Tam quan thấu đạt,
Vạn pháp quy nguyên.
Tâm chu sa giới,
Lượng khuếch nhất nguyên.
Vô giá vô ngại,
Hữu nhân hữu duyên.
Nhất nhân tu đạo,
Cửu tộc sinh thiên.
Thân minh vu thạch,
Vĩnh bảo kỳ truyền.
Hoàng triều Vĩnh Thịnh thập tam niên Xuân nguyệt cốc nhật.
Dịch nghĩa:
Am Tuệ Minh
Thường nghe: Nguồn tâm vắng lặng, vốn chẳng có trên - dưới sai biệt; biển giác lắng trong, nào đâu phân đục trong đôi ngả. Giả như ngọc tâm trong sáng, ắt hiểu tội tính đều không. Chỉ do thiện - ác, mê - ngộ chẳng đồng; cho nên Thánh phàm, lên xuống mới khác. Vì vậy, một ý niệm thiện khởi lên thì thiên đường thẳng đến, một tư tưởng ác sinh ra thì địa ngục liền thành. Kẻ mê thì vĩnh kiếp trầm luân, người ngộ thì nhiều đời giải thoát. Sở dĩ nói, làm thiện ở người, phúc thiện ở trời chính là như vậy. Báo ứng của trời người, há có thể sai khác được ư ?*
(Nhớ đức Thích Ca xưa) (Người) Thị hiện chốn bệ ngọc cung vàng, tu hành nơi núi Tuyết, chứng đắc quả vị Chân thường; đản sinh làm lá ngọc cành vàng, hiện bày vô lượng pháp môn, đạt đến viên thông tự tại. (Từ đó về sau) Lớp lớp truyền thừa tổ giáo, đời đời vững chấn từ phong. Mỗi mỗi đều nghiêm cẩn vâng theo Phật pháp, người người đều xứng danh tông chủ thiền môn.
Kính lễ đức tông sư ta, là ngài Ma ha Tì kheo Chân Hỷ Tuệ Minh Hoà thượng . Bậc phúc trí trang nghiêm, liễu ngộ vô sở đắc, Bồ tát hoá thân, kế thừa y bát , tâm ngộ chân không. Nương thân chốn tùng lâm, dứt sạch thị phi cõi tục; ẩn tích nơi động mây, quên bặt danh lợi thế gian. Ở nơi trần thế mà không nhiễm trần duyên, sống trong đời thường mà không vương thế thái. Sông thiền trong lặng, sóng dồn chẳng lay; trăng thu hiện đầy, gương trí tròn đủ. Nghiệp trần không mảy may xâm phạm, trí tuệ lặng chiếu khắp muôn nơi. Dắt dìu muôn loài đồng tu Tịnh độ3, tiếp dẫn Tứ chúng cùng tạo thiện duyên. Nhận rõ vạn pháp tựa không hoa mà chứng quả Niết Bàn , dạo chơi trên bờ giác; thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ để trà tì thân huyễn, hoà nhập cùng thái hư . Công đức Ngài thật chẳng thể nghĩ bàn, khiến chân tục ai nấy đều khát ngưỡng.
Nay có đệ tử là Sa di tự Như Ngọ, cùng với các đệ tử tại gia trong đạo tràng: Như Tĩnh, Như Hiểu, Như Bân, Như Tuyển, Như Công. Đệ tử xuất gia là Tính Hoàn. Các đệ tử tại gia: Tính Thuyên, Tính Nghiêm, Tính Bảo, Tính Truy, Tính Hồ, Tính Tường, Tính Dung, Tính Trường, Tính Khoan, Tính Trạm, Tính Bổng, Tính Hân, Tính Thuỷ, Tính Thống, Tính Đăng, Tính Trinh, Tính Trụ, Tính Hiển, Tính Tùng, Tính Trì, Tính Điểm, Tính Chuyên, Tính Quỳnh, Tính Kính, Tính Trọng, Tính Hoành, Tính Truyền, Tính Cục, Tính Thận.
(Chúng con có phúc duyên) sinh ra vào lúc thịnh thế, lớn lên gặp được minh sư. Thấm gội sư ân vô bờ bến, nương nhờ pháp nhũ chưa báo đền. Ơn nặng khó quên, nghĩ sao báo đáp? Vậy nên, cho thợ xây dựng bảo tháp, ngõ hầu báo đáp trọng ân. Chẳng bao lâu thì kiến thiết viên thành, việc hương hoả được lưu truyền muôn thuở. Xin nguyện, đèn tuệ rạng ngời, chân tính sạch trong. Hiện diệu tướng vào Phạm cung, hiển uy quang nơi Bảo tháp. Gia trì cho môn nhân cùng chứng Bồ đề, thiền tông mãi mãi hưng vượng; phù trợ cho Thích tử trí tuệ tăng trưởng, đạo mạch muôn thuở lưu truyền. Tổ đạo sáng chói muôn nơi, chân tông chảy dài khắp chốn. Rộng đến hằng sa cõi pháp, tất thảy đều nhập huyền môn. Xin được kính cẩn thuật ra đây, để lưu truyền mãi cho hậu thế.
Bài minh rằng:
Lành thay Phật tử,
Chẳng nhiễm trần duyên.
Biết thân như huyễn,
Ngộ tướng không bền.
Truyền đăng kế tổ,
Xả tục theo thiền.
Chứng quả chân thừa,
Công hạnh chu viên.
Tam quán thấu triệt,
Đạt nguồn vạn pháp.
Tâm trùm vạn cõi,
Lớn tựa hư không.
Chẳng bị ngăn che,
Có nhân có duyên.
Một người tu đạo,
Cửu tộc sinh thiên.
Xin khắc vào đá,
Mãi mãi lưu truyền.
Ngày lành tháng mùa Xuân niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717).
Chú thích:
*Từ “Trời” trong hai câu cuối này nên hiểu là vũ trụ vạn hữu hay quy luật tự nhiên mà không phải là một đấng Thượng Đế quyền năng nào cả. Hai câu này là hai câu tổng kết toàn bộ nội dung đoạn văn, ý nói muôn việc đều do tâm tạo ra, nhưng kết quả của những hành động đó lại tuân theo quy luật tự nhiên, hay nói cách khác là tuân theo quy luật nhân quả của vũ trụ, bản thân chúng ta không thể quyết định được.

Cẩn án:
Bia Tuệ Minh am gắn ở mặt trước tháp am Tuệ Minh, thuộc tháp thứ 3 bên phải chùa Vồm (Đại Khánh, cũng gọi là chùa Đại Hùng, chùa Bàn A) thuộc xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo Đại Nam nhất thống chí q6 Tỉnh Thanh Hóa phần Chùa quán cho biết chùa “nhân vách núi Bàn A mà làm thành tường chùa, giữa chạm phù điêu tượng Phật rất lớn, không rõ từ khi nào…”. Theo hệ thống văn bia và ma nhai, dù mờ, đã phản ánh chùa muộn nhất đã đã có từ thời Trần.
Theo truyền pháp kệ của Trí Bản Đột Không thì Thiền sư pháp danh Chân Hỷ, pháp hiệu và tháp hiệu đều có tên là Tuệ Minh thuộc đời thứ 36 Thiền phái Lâm Tế Đàng Ngoài. Theo văn bia Kim Cương bảo tháp bi ký do Dạ Mạt cư sỹ người Thái Nguyên là Vương Thị Nhị Xá soạn vào năm Vĩnh Trị 1 (1676) và Vĩnh Phúc Thiền tự bi, do đệ tử của Minh Lương là Tỷ kheo Chân Tường (nguyên là Quan viên tử xã Hoằng Trung, huyện Thuần Lộc, phủ Hà Trung, Thừa tuyên Thanh Hoa) soạn vào năm Chính Hòa 13 (1692) đều xác nhận: Chân Hỷ là đệ tử của Thiền Sư Minh Lương. Cụ thể Kim Cương bảo tháp bi ký xếp Chân Hỷ đứng thứ 2 trong số môn nhân dựng tháp, còn Vĩnh Phúc Thiền tự bi thì sau Chân Môn, Chân Tường, Chân Nguyên thuộc hàng Tỷ kheo, thì Chân Hỷ đứng thứ 3 sau Chân Phúc và Chân Thăng ở hàng Sa di. Với hai mốc thời gian trên, đều xác nhận sự có mặt của Chân Hỷ và môn nhân Sơn môn Vĩnh Phúc đã cùng Minh Lương trùng tu chùa Vĩnh Phúc năm 1663 - khi đó Chân Hỷ vẫn còn là Sa di và cùng tham gia dựng tháp cho Bản sư Minh Lương vào năm 1676.
Với nguồn tư liệu hãn hữu hiện còn, chỉ xác định được Chân Hỷ, Chân Tường nói trên và Sa di Lê Tiến Thư, pháp danh là Chân Lai Không Quảng Đức Thiền sư (Theo văn bia Kiến lập Tam bảo điền tự sự Tổ sư Ân Quang tháp bi ký, khắc năm Chính Hòa 7 (1686) dựng ở chuà Phật Tích thì lại ghi là “Ma ha Tỷ kheo Chân Lai Thanh Tịnh Quảng Đức Liên Hoa Bồ tát Thiền sư”, Lai người xã Bất Một, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Thiên, Thừa tuyên Thanh Hoa) là nhóm người cùng quê Thừa tuyên Thanh Hoa, cả 3 cùng đứng chữ “Chân” đời thứ 36, cùng thuộc môn nhân của Thiền phái Lâm Tế Đàng Ngoài. Trong khi Chân Hỷ và Chân Tường là đệ tử Minh Lương, thuộc sơn môn Vĩnh Phúc thì Chân Lai lại theo về Minh Hành, thuộc Sơn môn Phật Tích.
Theo ước đoán thì, sau khi bản sư Minh Lương mất vào năm 1676, Chân Hỷ mới tạm biệt Vĩnh Phúc mà về trụ trì và hoằng dương Thiền tông Lâm Tế tại chùa Đại Khánh. Tại đây Chân Hỷ đã biệt lập thành một Sơn môn riêng đúng như ghi nhận của văn bia Tuệ Minh Am, khi cho Chân Hỷ là bậc “Thiền môn tông chủ” của Sơn môn Đại Khánh nói riêng và của Phật giáo xứ Thanh thời Trung hưng nói chung. Khi tả về công đức và phẩm hạnh của Chân Hỷ, văn bia ghi: “Hòa thượng là bậc Tông chủ phúc tuệ cả thẩy trang nghiêm, hiểu thấu cái không có chỗ chứng. Là bậc Bồ tát hóa thân, chân truyền y bát, lòng ngộ niềm không. Gửi thân rừng Thiền, đoạn tuyệt với cảnh thị phi; neo bóng hang mây, nghễnh tai với trường danh lợi. Ở giữa cõi trần mà không ô nhiễm duyên trần; sống trong thế tục mà không ràng buộc thế thái. Nguồn thiền lắng, sóng lòng chẳng bợn mà trăng Thu hiện lên vành vạnh; gương Tuệ sáng, bụi trần không bám khiến hào quang rọi chiếu nơi nơi. Dìu muôn người cùng tu Tịnh độ, đỡ bốn chúng gieo mầm duyên thiện. Ngắm không hoa liền chứng quả Niết Bàn, ngao du trên bờ Giác ngộ; khêu đèn Tuệ mà thiêu tướng huyễn hoặc, hòa hợp cùng cõi Thái hư. Diễn phô công đức không thể nghĩ bàn, khiến Chân – Tục đều đem lòng ngưỡng mộ”.
Lần sửa lại tháp Tuệ Minh vào năm 1717, do Sa di Như Ngọ là trưởng tử đứng ra làm chủ hưng công, ngoài ngôn từ tán dương chung chung, soạn giả tạm thời cho ông là người Thanh Hóa cho dù văn bia không cho biết Chân Hỷ người quê ở đâu, hành trạng thực hư ra sao? Và tạm lấy trước năm sửa tháp 1 năm làm năm sư viên tịch.
Văn bia Nam Mô A Di Đà Phật tạo hậu Phật bi ký soạn năm Dương Đức 3 (1674) thuật lại việc bầu hậu Phật cho Dật sĩ Nguyễn Tài Khiêm là tác phẩm còn lại hiện được biết đến của Chân Hỷ, dưới bút danh “Tiểu Tiểu Đệ tử.
Bia và tháp đá nay vẫn còn, thác bản văn bia một mặt hiện lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. No 9408

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét