GIỚI THIỆU TẤM BIA “TRÙNG TU NGỌA VÂN THIỀN TỰ BI KÝ” CHÙA NGỌA VÂN NÚI YÊN TỬ
ThS. Dương Văn Hoàn
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Chùa Ngọa Vân nằm ở vị trí trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài (Vây Rồng), ở độ cao trung bình
588m – 644m so với mặt nước biển, tựa lưng vào núi Bảo Đài. Chùa là một cụm các công trình phân bố từ chân lên đỉnh của ngọn Ngọa Vân (Ngọa Vân phong), nơi nhân dân hiện nay quen gọi là khu Chùa đổ hay Nhà Mẫu và Bàn Cờ tiên.
Thời Lê Trung hưng, sau thời gian dài bị xuống cấp, năm 1707 Ngọa Vân được trùng tu và xây dựng mở rộng. Năm 2009, các
nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu vết nền móng của chùa Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng.
Am Ngọa Vân nay là chùa Ngọa Vân, nằm cách chùa Ngọa Vân khoảng 200m về phía Bắc, lấy ngọn Ngọa Vân làm tay ngai phải (hữu bạch hổ) và cánh núi phía Đông của núi Bảo Đài làm tay ngai trái (tả thanh long). Tháng 5 năm 1307, sau một thời gian tu hành, giảng pháp và vân du khắp nơi để dạy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, Trúc Lâm đại sĩ đã lên tu tại một am nhỏ trên Ngọa Vân, am nhỏ đó được gọi tên theo tên của ngọn núi nơi dựng am tức là am Ngọa Vân.
Các ghi
chép về hành trạng tu hành của Trúc Lâm đại sĩ và các di tích, di vật mà khảo cổ học tìm được tại Ngọa Vân cho thấy, ban đầu khi Trúc Lâm đại sĩ đến Ngọa Vân ngài chỉ cho dựng một am nhỏ gọi là am Ngọa Vân để tu hành. Giờ Tý, ngày 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308),
Ngài “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tử nằm, Ngọa Vân đã trở thành điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Sau khi
Trúc Lâm đại sĩ hóa Phật, đệ tử của Ngài tiến hành hỏa thiêu Ngài ngay tại am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng một tòa bảo tháp để lưu giữ một phần xá lỵ của Ngài tại đây. Ngọc cốt và xá lỵ còn lại được chuyển về kinh đô Thăng Long rồi sau đó được phân chia đi an trí ở nhiều nơi Là nơi Phật hoàng tu hành và đắc đạo, Ngọa Vân trở thành thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm, nên ngay sau khi Ngài mất, người nối dòng của Ngài là tổ Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang Ngọa Vân. Đến đây, Ngọa Vân không chỉ là am nhỏ nữa mà đã trở thành một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn trên dãy Yên Tử. Trong đó am Ngọa Vân là nơi thờ Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trải qua một thời gian dài suy vong của Phật giáo nói chung,
Phật giáo Trúc Lâm
nói riêng, các công trình kiến trúc ở Ngọa Vân được xây dựng dưới thời Trần không còn nữa. Đầu thế kỷ XVIII, thiền sư Đức Hưng đã cho xây dựng lại Ngọa Vân. Tại khu vực am Ngọa Vân, ông cho xây dựng lại Phật Hoàng tháp, nhà
tổ làm nơi thờ tam tổ Trúc Lâm và một số công trình khác[1].
Hiện nay, chùa Ngọa Vân vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật cổ có giá trị như tháp tổ Phật Hoàng, bia bài bị Trần Nhân Tông cùng một số vị thiền sư, đặc biệt là tấm bia 2 mặt ghi chép về việc trùng tu chùa do Thiền sư Đức Hưng tạo dựng. Bia có tên Trùng tu Ngọa Vân tự công đức chi bi ký (Trùng tu Ngọa Vân thiền
tự bi ký). Bia làm bằng đá xanh gồm 2 phần đế và thân, đế bia hình chữ nhật, cao 20cm, dài 129cm, rộng 52cm; thân bia rộng 91cm, cao 125cm, diềm thân trang trí văn mây, trán bia hình bán nguyệt trang trí mặt nguyệt ở giữa, hai bên văn
mây hóa rồng. Bia được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707).
Bia
Trùng tu chùa Ngọa Vân Ảnh: Nguyễn Văn Anh (2013)
Qua nội dung của văn bia, chúng ta được biết chùa đã được chúa Trịnh ban lệnh chỉ cho dân địa phương làm tạo lệ, miễn phu phen tạp dịch để lo thờ phụng đèn nhang. Đặc biệt cho chúng ta được biết Thiền sư Đức Hưng hiệu Viên Trí, trụ trì chùa Ngọa Vân đã đứng ra đại trùng tu sửa sang lại ngôi chùa, cũng như xây dựng thêm nhiều hạng mục mới, cụ thể văn bia ghi “sửa sang tu tạo các tòa thượng điện, hậu đường, gác chuông, tăng phòng, cả thảy là 25 gian; xây hai tòa tháp, dựng một tấm bia, với lại khai sáng các chùa thiền Kim Am, chùa thiền Linh Quang, các am Hương Vân, am Vân Tuyết, am Tri Kiến, am Giải Thoát”. Trong công cuộc xây dựng quy mô lớn này, nhà sư được sự hậu thuẫn, giúp đỡ của hai quý bà, đó là Thị nội tư quan, Giáo phường ty Dương Thị Phương hiệu Diệu Tín và bà Vương phủ Thị nội đệ nhất cung tần Chiêu nghi Dương Quý thị Ngọc húy Trinh người xã Khắc Niệm huyện Tiên Du phủ Từ Sơn. Hai bà là chị em nhà dòng dõi quyền quý, mộ đạo Phật, từng nhiều lần đến chùa cầu cúng và được hiển ứng, nên phát tâm
công đức tôn tạo lại chùa có quy mô to đẹp. Nhận thấy đây là tấm bia giá trị, cung cấp nhiều thông tin về lịch sử ngôi chùa, đời sống Phật giáo, cũng như xã hội đương thời, nên chúng tôi
xin giới thiệu toàn văn tấm bia này để độc giả tham khảo.
Dưới đây chúng tôi xin
giới thiệu toàn văn bản dịch của tấm bia này[2].
Mặt trước:
Thác
bản mặt trước bia Trùng tu chùa Ngọa Vân – kí hiệu 4552 Nguồn: Viện Nghiên cứu
Hán Nôm
Trùng tu chùa Ngọa Vân
Văn bia trùng tu chùa thiền Ngọa Vân
Từng nghe: tịnh độ[3] bỏ bụi trần, kim điền[4] lưu sắc tướng. Ấy là khu nổi tiếng muôn đời của ngôi chùa Phật. Cho nên, Khe Tào múc nước, thắng tích chùa Bảo Lâm dựng lúc ban đầu[5]; chống gậy tích bay lên không, chùa U Thê núi Chung Lĩnh một mình riêng chiếm. Các ngôi đàn lâm, tinh vũ[6] này
trải qua biết bao số kiếp, trường tồn cùng với vũ trụ bát ngát bao la. Há chẳng phải vì là nơi phúc địa có khí thiêng chung đúc, có cao
nhân thấu ngộ nên mới truyền lại được dài lâu không
nát đấy ư!
Nay xem
chùa Ngọa Vân xã tạo lệ[7] An Sinh huyện Đông Triều phủ Kinh Môn đạo Hải Dương thực là nơi danh lam cổ tích hàng đầu ở trời Nam. Núi non
chót vót nghìn tầm, cao vời muôn nhận. Nơi nơi u nhã, vật vật thanh kỳ. Dãy núi tựa đám cháu con sắp bày la liệt; trăm dòng như những dải lụa phơ phất lưng chừng. Đứng đây có thể hái được trăng sao chín tầng cao thẳm; là một bầu tiên cảnh mãi mãi tươi xuân. Thực là do quỷ thần đẽo gọt, bởi trời đất đặt bày; dường như từ Linh Thứu[8] bay về, cõi La Phù[9] đưa lại. Ngỡ chẳng thể có được ở cõi nhân gian.
Cho đến Hoàng đế triều Trần[10] rũ bỏ ngôi cao quyền quý, dấn bước chốn hiểm rừng sâu. Phát gai mở ngôi phương trượng[11], đẽo đá dựng chốn cửa thiền. Trăm năm rồng khuất Đỉnh Hồ[12], dấu Tiên còn mãi; thần tượng cao vời đỉnh núi, mãi gắn tịnh duyên[13]. Dẫu là mến chuộng một thời, nhưng cũng bởi từ sông này núi này khéo sắp đặt, khéo đưa đến mà ra. Cho nên rốt cuộc [cũng] không [thể] đem thứ này đổi cho thứ kia[14]. Há cái thú vị tầm thường mà có thể khiến người ta hâm mộ cuồng nhiệt đến như vậy ư? Từ xưa đã mở dấu tích lạ kỳ, sau này sẽ gây nên nền phúc đức. Gần trông xa ngóng, nước cúng dân cầu. Chuông mõ luôn
vang, đèn nhang chẳng dứt, truyền tới ngày nay đã được hơn bốn trăm năm rồi. Chùa cũ trải biết bao năm tháng, vốn là vật hữu hình thì có quy luật; mọi người biết bao lực lượng, đâu dám coi nhẹ sửa sang. Ngẫm rằng hưng phế là có lúc, cho nên cơ hội đến vừa hay.
Nay có
vị Tỷ khưu tự Đức Hưng hiệu Viên Trí[15] trụ trì chùa Ngọa Vân núi Bảo Đài đứng ra sửa sang tu tạo các tòa thượng điện, hậu đường, gác chuông, tăng phòng, cả thảy là 25 gian; xây hai tòa tháp, dựng một tấm bia, với lại khai sáng các chùa thiền Kim Am, chùa thiền Linh Quang, các am Hương Vân, am Vân Tuyết, am Tri Kiến, am Giải Thoát. Sư là người kiên trì giới hạnh, thấu đạt uyên vi. Tỏ tường sắc không không sắc nhiệm màu, đốn ngộ tâm Phật Phật tâm huyền diệu. Miệng không ưa cay mặn, chí chẳng để tiền tài, vứt bỏ duyên trần tứ khổ[16]; tính là giác ngộ, tâm là từ bi, ngầm hợp bảo quyết tam thừa[17]. Đắc đạo đã lâu, lòng người càng tín mộ; đạo lại cao quý, mọi người tự tôn sùng. Vì thế xa gần sang hèn không
ai là không tôn kính quy y, đến dâng lễ chật cửa, người nườm nượp lại qua. Chỉ hễ mở miệng một câu là mọi người ghé vai gánh vác, mở lối làm đường đi thông
thoáng, việc nặng cả nghìn cân bỗng nhẹ tựa lông hồng, dường như chẳng cần khó nhọc cũng tự nhiên đạt được như thế vậy.
Bấy giờ, có bà Thị nội tư quan, Giáo phường ty Dương Thị Phương hiệu Diệu Tín và bà Vương phủ Thị nội đệ nhất cung tần Chiêu nghi Dương Quý thị Ngọc húy Trinh người xã Khắc Niệm huyện Tiên Du phủ Từ Sơn là chị em nhà dòng dõi quyền quý, thích nghe điều thiện, ngưỡng mộ nhân phong, nhiều lần đích thân đến chùa cầu khấn, lại được hiển ứng bao lần, bèn đứng ra tu sửa lại chùa, tự thuê mướn thợ thuyền, chọn mua vật liệu. Qua vài năm thì hoàn thành quy mô to đẹp. Ngoài ra còn cúng dàng tượng đẹp, chuông to, cùng là đồ pháp khí bằng vàng bằng đồng để rạng rỡ dài lâu.
Ôi! Há
phải chăng là việc làm ngẫu nhiên ư? Có lẽ do sự linh thiêng của ngôi chùa này
đã ứng nghiệm rõ ràng cho nên người người tôn kính tin theo, không tiếc tiền của; cũng bởi vị sư trụ trì tinh thâm đạo Phật, khế hội được tâm ấn của Đức Phật, túc duyên của sư tổ nên mới làm được như vậy chăng? Tấm lòng ấy, đã cảm thông tới ba cõi, thấu suốt chín tầng trời. Đời này dân này cùng bước lên cõi nhân thọ, có lẽ chẳng khó khăn chi. Công việc đã xong xuôi trọn vẹn, cũng muốn truyền lại dài lâu, bèn xin bài văn khắc vào bia đá, dựng ở nơi mây vờn ráng phủ.
Bấy giờ là ngày tốt tháng cuối đông [tháng Chạp] năm Đinh Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh 3 [1707] triều Lê.
Đệ tử thờ Phật là Trần Tước Lộc tự Viên Liêu viết
Thợ đá Nguyễn Duy Sĩ người xã An Hoạch huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên vâng khắc.
Mặt sau:
Nguồn: Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Thác
bản mặt sau bia chùa Ngọa Vân (Ảnh do TS. Phạm Văn Tuấn cung cấp.)
Văn bia công đức
Cung phụng lệnh chỉ của Đại nguyên soái Thống quốc chính Thượng thánh Phụ sư Thịnh công Nhân minh
Uy đức Định vương [chúa Trịnh Căn] ra lệnh cho Nguyễn Diễn, Nguyễn Duy Cao, Nguyễn Như Vệ, Nguyễn Văn Khuể, Nguyễn Quang Kỳ, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Đức Độ, Nguyễn Công Sính, Nguyễn Đức Học, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Đức Nhật, Nguyễn Công Hán, Nguyễn Minh Đội, Nguyễn Huy Đỉnh, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Trí, Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Duy Lại, Nguyễn Đức Hào, Nguyễn Dật, Nguyễn Đức Chiêm, Nguyễn Như Mi, Nguyễn Đức Thịnh cùng toàn thể dân xã tạo lệ An Sinh huyện Đông Triều.
Nay
viên Khâm sai Tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh, kiêm Chưởng chính quyền Thái úy Tấn quốc công [Trịnh Bính], được ủy quyền giải quyết các công việc quốc gia, đảm nhận việc binh dân trọng trách, có dâng lời khải nói rằng: Nguyên bản xã đã được cấp lệnh chỉ, chỉ thị, chuẩn cấp cho làm dân tạo lệ phụng sự 5 vị Hoàng đế triều Trần tại điện An Sinh[18] và các chùa Ngọa Vân, Tư Phúc[19]. Số lương quý, tiền gạo, các việc bồi đắp, sửa sang đê điều đường xá và các việc hộ phận, bài biểu, tế khoán sưu sai hàng năm đều được miễn trừ cả. Vào năm Nhâm Tuất [1682] do bị hỏa hoạn, cháy mất lệnh chỉ, chỉ còn các tờ chỉ thị và tờ phê, kính xin được cấp [làm tạo lệ] như cũ. Do đã qua tra xét thấy đúng thực. Vì vậy vẫn ban cho làm dân tạo lệ, miền trừ các việc sưu sai tạp dịch như trước kia, để tiện việc thờ phụng, kéo dài mạch nước. Quan phụng sai và các nha
môn không được nhũng nhiễu bắt bớ. Ai trái lệnh đã có phép nước trừng trị. Nay ban lệnh!
Ngày 24 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 10 (1689).
- Công
đức: Trung Kính
quân doanh, Trung quân [Đô đốc] phủ Tả đô đốc Phó Đô tướng, Thái bảo, Đông quận công Trịnh Hoàn tự Viên Minh - quận phu nhân Lê Thị Ngọc Ân hiệu Diệu Thụy.
- Công
đức: Hậu Khuông quân doanh, Đông quân [Đô
đốc] phủ Tả đô đốc Phó Đô tướng, Thái phó, Phái quận công Trịnh Du - quận phu nhân Đinh Thị Ngọc Phương hiệu Diệu Hương.
- Công
đức:
Xã An
Sinh: Nguyễn Như Vệ tự Phúc Tín, Nguyễn Công [Sính], Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Đức Lượng vợ Bùi Thị Thảo, Nguyễn Phụ Phượng vợ Nguyễn Thị Uyên, Nguyễn Đức Hà vợ Đoàn Thị Trừu, Nguyễn Đức Vinh, Nguyễn [Quang] [ ] tự Phúc Hợp vợ hiệu Từ Huệ.
Xã Phúc
Đa: Sở sứ Phạm Trung Gián vợ Nguyễn Thị Tông hiệu Diệu Lộc.
Xã Đạm Thủy: Đinh Văn Quận tự Phúc Trường vợ Phạm Thị Do.
Xã An
Sinh: Phạm Văn Giảng tự Phúc Tín vợ Nguyễn Thị Ta hiệu Diệu Thành.
Xã Phú
Ninh: Nguyễn [] []
[tự] Viên Hương vợ Nguyễn Thị Mũi(?) hiệu Diệu [Lộc].
Xã []
Khê: Nguyễn Công [] và vợ.
Xã
Khinh Dao huyện Giáp Sơn: Lưu Hán tự Viên Khoan thê
Nguyễn Thị Lời hiệu Diệu Huệ.
Xã Lạc Sơn huyện Chí Linh: Nguyễn Thị Chuyên hiệu Diệu Lộc.
Xã Bình
Quân huyện Lương Tài: Nguyễn Thị Điển hiệu Diệu Lộc, con trai là Lê
Quang Đăng tự Viên Thiệu; Nguyễn Thị Xướng hiệu Diệu Năng.
Xã Cổ Bi huyện Gia Lâm: Nguyễn Thị Hân hiệu Diệu Thành Pháp Tính [Chân nhân].
Xã Triền Dương[20]: Đoàn Thị [ ] hiệu Diệu Quý, Nguyễn Thị Xuyến hiệu Diệu Đắc….
CHÚ
THÍCH:
[1]
Theo Nguyễn Văn Anh, Am Ngọa Vân, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2013.
[2] Mặc dù hiện nay tấm bia này đã được một số người dịch, có bản dịch được in vào sách, nhưng do căn cứ trên bia thực địa đã bị vỡ và mờ mòn nhiều chữ, nên bản dịch chưa thực đúng. Chúng tôi tìm được thác bản mặt trước được EFEO rập từ thế kỷ XX, nội dung còn rất đầy đủ, do đó dịch lại toàn bộ tấm bia này.
[3] Tịnh độ: 淨土; S: buddhakṣetra; C: jìngtǔ; J: jōdo; nguyên nghĩa Phạn ngữ là Phật độ, cõi Phật, cõi thanh tịnh. Trong Ðại thừa, người ta hiểu mỗi cõi Tịnh độ thuộc về một vị Phật và vì có vô số chư Phật nên
có vô số Tịnh độ. Ðược nhắc nhở nhiều nhất là cõi Cực lạc (s: sukhāvatī) của Phật A-di-đà (s:
amitābha) ở phương Tây. Tịnh độ phía Ðông là cõi Phật Dược Sư (s: bhaiṣajyaguru-buddha), có khi cõi đó được gọi là Ðiều hỉ quốc (s: abhirati) của Phật Bất Ðộng (s: akṣobhya). Phía Nam
là cõi của Phật Bảo Sinh (s: ratnasambhava), phía Bắc là cõi của Phật Cổ Âm (s: dundubhisvara). Ðức Phật tương lai Di-lặc (s: maitreya), là vị đang giáo hoá ở cõi Ðâu-suất (s: tuṣita), sẽ tạo một Tịnh độ mới. Tịnh độ được xem là “hoá
thân” của thế giới, là cõi xứ của người tu hành muốn được tái sinh. Muốn đạt được cõi này, hành
giả không phải chỉ trau dồi thiện Nghiệp mà còn phải nguyện cầu các đức Phật của các cõi đó cứu độ được tái sinh. Trong nhân gian, người ta thường hiểu Tịnh độ là một nơi có vị trí địa lí nhất định, nhưng thật ra Tịnh độ là một dạng của tâm thức giác ngộ, không bị ô nhiễm và các phương hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc chỉ có tính chất hình tượng. Tịnh độ không phải là mục đích cuối cùng trên con đường tu tập – chỉ là nơi được xem là cõi cuối cùng mà hành giả phải tái sinh để rồi đạt Niết-bàn (Tịnh độ tông).
[4] Kim
điền (ruộng vàng): từ Phật giáo chỉ nơi ở của Bồ tát, cũng là cách gọi khác của chùa Phật.
[5] Khe
Tào múc nước: Đời Lương có vị cao tăng là Trí
Dược từ nước Thiên Trúc vào Trung Quốc. Thuyền đến cửa Khe Tào ở Thiều Châu, thoảng thấy mùi thơm, múc nước nếm rồi bảo: "Thượng lưu dòng nước này có thắng địa". Bèn khai núi làm chùa, đặt tên là Bảo Lâm.
[6] Đàn
lâm 檀林 (danrin): nguyên lai, nó là từ gọi tắt của Chiên Đàn Lâm (旃檀林là nơi chúng tăng hòa
hợp, tập trung tu hành; thường chỉ cho tự viện; cho nên nó cũng là tên gọi khác của tự viện Phật Giáo. Tinh vũ: tức tinh xá, là cách gọi tắt của Kỳ Hoàn tinnh
xá 祇洹精舍,còn gọi là Kỳ Viên Tinh Xá (祇園精舍), tên gọi của tinh xá nằm ở Thành Xá Vệ (s: Śrāvastī, p:
Sāvatthī, 舍衛城), kinh đô của nước Kiều Tát La (s:
Kauśala, p: Kosala, 憍薩羅) vào thời Ấn Độ cổ đại. Lúc bấy giờ, trưởng giả Tu Đạt (p: Sudatta, 須達, còn có tên là Cấp Cô Độc [給孤獨]) của Thành Xá Vệ mua khu rừng của Thái Tử Kỳ Đà (s, p:
Jeta, 祇陀) để xây dựng tu viện cho giáo đoàn đức Phật.
[7] Tạo lệ: là dân được triều đình phong kiến cho phép miễn các khoản tô thuế, lao dịch để chuyên lo phục dịch các đền miếu, chùa chiền được triều đình xếp vào loại "quốc lễ" do nhà nước thờ cúng.
8] Theo
sách Hợp bích: ở Tây Vực (Ấn Độ) có núi Thiết Linh, hình núi giống chim Thứu, Phật thường ngự ở đó, nên gọi là non Thứu để chỉ nơi Phật ở. Tiếng Phạn gọi núi này là: Grudhakuta, phiên âm là Kỳ-xà-quật, Phật giáo thường gọi là: Linh Thứu sơn, Linh sơn, Thứu Đầu sơn, Thứu lĩnh. Thêm nữa, cánh rừng phía Nam thành Vương Xá có nhiều người chết, lũ chim ó thường đến đó ăn thịt, rồi bay về đậu nơi núi Kỳ Xà Quật, nên người đương thời gọi núi nầy là Thứu Đầu sơn. Núi này rất cao và to, có nhiều rừng và suối đẹp, là nơi ở của Thánh nhân. Lúc
Đức Phật Thích Ca còn sanh tiền, Đức Phật thường đến ở núi này để thuyết pháp độ chúng sanh.
9] La
Phù: là tên một ngọn núi ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tương truyền Cát Hồng đời Đông Tấn học được phép thuật của tiên ở đây. Do vậy điển này chỉ cảnh tiên.
[10] Tức vua Trần Nhân Tông, sau đi tu trở thành vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm
Yên Tử.
[11] Phương trượng: chỉ chùa.
[12] Đỉnh Hồ: Đời Hoàng đế đúc vạc ở núi Kinh, khi đúc xong vạc, thì cưỡi rồng bay đi. Người bấy giờ đặt tên xứ ấy, gọi là Đỉnh Hồ. Sau dùng điển Đỉnh Hồ là nói vua băng hà. Đây là nói vua Trần Nhân Tông chết.
[13] Tịnh duyên: không còn sinh diệt.
[14] Đoạn này ý nói tính kế thừa thành quả của đời trước là tính tất yếu, không thể khác được.
[15]
Thiền sư Đức Hưng hiệu Viên Trí là người đã giải âm sách Lý tướng công minh ty lục, được thiền sư Từ Hòa Chiếu Thường (1780-1840) chùa Khê Hồi, Thường Tín, đứng ra hưng công trùng san lại vào thời Minh Mệnh, dựa trên bản giấy in trước đó của Thiền sư Viên Trí chùa Ngọa Vân. (Xem thêm: Đồng Dưỡng, Trở lại với ván khắc sách Giải âm Lý Tướng công Minh ty lục, Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 146. Nguồn: http://vanhoaphatgiaoblog.com/nghie...
(2014)).
[16] Tứ khổ: là bốn nỗi khổ theo Đạo Phật, đó là: sinh (sinh ra), lão (già
đi), bệnh (bệnh tật), tử (chết).
[17]
Tam thừa: (三乘, sa. triyāna) là ba
cỗ xe đưa đến Niết-bàn, đó là
Thanh văn thừa (zh. 聲聞乘, sa. śrāvakayāna), Độc giác thừa (zh. 獨覺乘, sa. pratyekabuddhayāna) và Bồ Tát thừa (zh. 菩薩乘, sa. bodhisattvayāna). Đại thừa gọi Thanh văn thừa là Tiểu thừa (sa. hīnayāna) với sự đắc quả A-la-hán (sa. arhat) là mục đích, Độc giác thừa là Trung thừa (sa. madhyamāyāna) với quả Độc giác Phật. Bồ Tát thừa được xem là Đại thừa (sa. mahāyāna) vì nó
có thể cứu độ tất cả chúng sinh và hành giả trên xe này cũng có thể đắc quả cao nhất, quả Vô thượng chính đẳng chính giác (zh. 無上正等正覺, sa. anuttarasamyaksaṃbodhi).
[18] Điện An Sinh tức nay là đền An Sinh thuộc quần thể Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều thuộc huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh.
[19]
Chùa Tư Phúc: tên chữ của chùa Côn Sơn, nay thuộc xã Côn Sơn huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
[20] Xã
Triền Dương: nay là thôn Lý Dương xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Anh, Am Ngọa Vân, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2013
2. Đồng Dưỡng, Trở lại với ván khắc sách “Giải âm Lý Tướng công Minh ty lục”, Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 146. (Nguồn: http://vanhoaphatgiaoblog.com/nghie...
(2014)).
3. Thiền phái Trúc Lâm và danh thắng Yên Tử (TT.
Thích Thanh Quyết -Trịnh Khắc Mạnh chủ trì biên soạn; Trịnh Khắc Mạnh, Trần Trọng Dương, Dương Văn Hoàn, Phạm Văn Tuấn và Lê Quốc Việt sưu tập và biên dịch). Bản thảo chưa xuất bản.
Nguồn: Bài đăng trên Thông báo Hán Nôm học năm 2015 (có chỉnh
sửa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét