Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Đạo khả Đạo 道可盗盗可道/ Đạo có thể bị trộm; Trộm có thể có Đạo

 Đạo bản dịch gọi là Đạo Dịch盗译; Đạo ý dịch gọi là Đạo Ý盗意
Nhân chuyện Đạo Tặc Trộm Cắp (không phải là Đạo Đức Nhân Nghĩa), suy tư lại. Thế giới ngày nay thật quá ư công bình hoặc giả nó công bình đến mức giả dối. Như cái thời còn gọi là Văn Chương Công Khí. Ai dùng thì dùng, ai trích thì trích có ai dẫn của ai đâu. Nhưng người đọc cũng phải tra suy nó ra  là của ai. Bản thân người trích cũng không có ý đạo tặc, chỉ là theo ý Cổ nhân mà thôi. Và vì là công khí nên tác giả chính đầu tiên cũng có khi cảm thấy vinh hạnh lắm lắm vì câu văn mình được nêu lại mà tóm được ý chính.  Nhưng cái Công khí khi đã được Tư hóa thì lại khác, thành ra cái lợi riêng của Cá nhân, nhóm tập thể. Hoặc giả khi nó đem đến nguồn lợi ích gì đó thì chính người Bị Đạo (dù hồn nhiên vô tư lắm lắm) cũng phải kêu ca phàn nàn.
Trang Wiki mở tiếng Việt có lời như thế này: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o_v%C4%83n
Nhưng nói đến chuyện bị mất cắp thì đương nhiên người bị mất là nghĩ, là trăn trở (Nếu như cái bị mất trở nên có giá trị, còn ngược lại thì ai nói làm gì). Cái người dùng lại ý tưởng văn chương của người khác thì đâu thấy ngại gì, vì nó là cái phi vật chất đâu có tóm được chính tay, day tận chính mặt đâu mà kể chuyện tranh hơn. Chưa kể cái chuyện chưa công ra đã bị ăn cắp. Anh em bạn hữu chén trà câu chuyện, ý tưởng thăng hoa, nhiều khi góp ý cho nhau mà thành chuyện lớn. Thành chuyện thì đã đành người có ý tưởng không bằng người thực hiện ý tưởng. Người viết ra câu văn không bằng người biết dùng câu văn trong trường hợp mang lại hiệu ích cao nhất (cho bản thân mình nhé, chứ cho cả mọi người thì ai nói làm gì). Cũng như cho nhau tấm áo manh quần. Người buông ra có người dùng lại. Người chưa biết dụng vào đâu thì có người biết dùng vào đấy. Ngày xưa các Cao Nho, Thạc Học cũ, gặp thời Cộng đỏ mà suy tàn. Đem thân nương vào bọn Tân trí thức (loại trí mới theo và được đào tạo cho Cộng đỏ), chỉ lo toàn mạng yên gia cắm cúi vào đọc đọc viết viết, dịch dịch. Bản thảo đóng quyển lưu kho cho mối gặm. Người Trí thức thời đại mới lên, cũng chuyên cần đọc đọc, viết viết, dịch dịch sửa lại bản thảo mà đem ấn hành. Thương mà Trọng người cũ có đề tên cám ơn qua qua, còn không thì cứ tuốt tuột mà làm. Các cụ Cao Nho Thạc Học đã được toàn mạng yên gia, cũng mồ yên mả ấm rồi còn đâu mà phàn nàn.
Ngày nào tôi mới vào Hàn Lâm – Tức mới sơ nhập Hán Nôm Viện. Được 2 – 3 năm đầu, tính tình trẻ trung hăng hái, làm gì cũng lăng xăng, người chê không it, nhưng cái người biết dùng cái sức thanh xuân của bọn như tôi mà trả tiền cũng không phải số ít. Cứ số má bằng cấp khen chê mà trả giá cho các cháu, cầm bản thảo về dịch dịch sửa sửa rồi đem trả địa phương kiếm chút lời. Lắt nhắt mà cũng đủ sống. Các cháu thanh xuân như tôi đương lúc thời thế ít việc lương thấp, giá xăng chưa tăng, xe máy chưa có, Handy chưa dùng, Laptop còn xa vời vợi chứ kể gì đến Internet cũng hân hoan biết ơn những người dẫn dắt. Thế rồi đánh đùng cái in thành sách. Quý hóa quá, Cô (hay Chú hay Bác) có đề tên Cháu đấy, nhưng kinh phí chả được bao nhiêu, có quyển sách biếu đây. Cái bệnh của bọn Sĩ là đúng  là Bệnh về Danh. Được quyển sách lưu danh xem chừng quý hóa lắm (Bây giờ mới thấy Tức cười).
Nhân chuyện Đạo Tặc Chữ Nghĩa. Nghĩ lại phải tội. Trước năm 2003 tôi có được cụ Hoàng Giáp thuê tôi dịch cuốn Cao Bằng thực lục, cụ viết hợp đồng hẳn hoi, theo giá “nhà nước” nhé. Tôi giữ hợp đồng làm Bằng, nhưng sau cũng nghĩ chả thiết nên vứt quách đi. Bản thảo nộp rồi, tiền chao cháo múc, định bụng giữ file ấy lại, đem cái Cao Bằng thực lục ấy mà công ra ở Viện Hán Nôm làm cái đề tài kiếm thêm chút đỉnh. Hồi ấy máy móc ít, tôi lại không thạo nên máy cứ hay đem đi hỏi người này người khác, có khi phải cài lại. Có ông đồng niên, cũng là người thành thạo. Có lần nhờ cài lại, ông ý dạy tôi copy hết các file cũ lại, chuyển sang máy ổng để khỏi mất, sau lại chuyển lại máy tôi. Thực tôi cũng cám ơn lắm lắm. Cái ý thức về private nó chưa nhận thức được. (Kỳ thực ông bạn tôi đã “chơi” hết các file tôi đang làm)
Sau bẵng đi, một dạo có người nói với tôi có chị Dương nào đó trong Trường Khoa Học Xã Hội Nhân văn làm Luận án Hán Nôm về Cao Bằng thực lục.

Vốn là đã có ý nên cũng lưu tâm, hỏi thăm cặn kẽ, vì cái quyển ấy tôi làm thì tôi biết cái độ khó, độ hay của nó rồi. Sinh viên làm Luận án mấy tháng xong cũng vất. Hỏi ra thì là có thầy Đinh  hướng dẫn -thầy Lê giúp đỡ. Tôi ngờ ngợ, hỏi lại anh Lê mượn xem cuốn Luận án của chị Dương xem sao. Nói ra phải tội, chỉnh sửa văn phong 1 chút, có lẽ ý tưởng lớn gặp nhau. Nhưng thôi phần viết lách khảo của các bạn đó tôi xin thua(vì tôi chỉ dịch thuê, không làm văn bản). Nhưng tiện mượn được Luận án đây, lại còn nguyên File cũ. Giờ không làm ở Viện Hán Nôm nữa, cũng chẳng mong đăng ký đề tài gì nữa. Xin công cả đôi lên cho Thiên hạ cùng làm của chung, kẻo lỡ sau này ai làm lại dịch thành sách lại bẩu không tham khảo. Ai cũng có mắt, tự xem tự định vậy thôi. Búa rìu phong thanh nhĩ ngoại – Thị phi thức mục tịnh quan. Cũng không ghét gì chị kia, vì thân nữ nhi thơ liễu, có cái bóng tùng bóng bách mà nương cũng không tội gì. Thày trò đã trau chuốt lại cho đẹp văn, giảm trùng lặp. (Thậm chí có chỗ còn thêm hơn nữa. Nhưng Câu cú thì y y). Những chương đoạn có thơ khó dịch vì họ ... (theo ngu ý của tôi: dịch không nổi, sợ bê nguyên cả thì lộ quá. Nhưng cứ xem bài họ dịch Thơ của Lê Hoàng đế đề núi Ba Điềm trong mục Chuyện cũ về Khắc Thiệu, đối chiếu với bản dịch của tôi thì ... mọi người tự xem thôi, tôi không phải nói).
Nguyễn tôi dịch là
Bản Nguyễn dịch
Chẳng  từ  muôn dặm chỉnh cơ đồ
Chỉ mong biên viễn dân đủ no
Trời đất không dung quân gian ở
Xưa nay phả tặc chỉ diệt chu
Hiếu trung tự khắc thêm nhiều phúc
Bạo nghịch thân kia khó thoát cho
Mài dũa chẳng mòn thần tử tiết
Cô sơn muôn thủa với danh lưu
Bản  Phạm dịch
Chẳng nề vạn dặm quyết ra quân
Muốn tới biên cương cứu sống dân
Trời đất há dung quân phản tặc
Xưa nay ai xá tội gian thần
Trung lương ắt được ban nhiều phúc
Phản nghịch khó mà giữ tấm thân
Đá mài chẳng quên tiết thần tử
Tiếng cùng núi ấy mãi muôn năm

Lần đầu tôi công bản Nguyên văn chữ Nho, chua dưới là lời dịch của tôi (vì tôi còn nguyên file word, mà file nó có số má ngày tháng đặt tạo file hẳn hòi nhé, kể cả copy nó cũng lưu được, cấm có sửa được. Lần sau tôi công bản chụp Luận án của nhà chị Kia(có lời cám ơn Thầy nhé. Tôi không có Đạo dịch văn, vẫn để nguyên tên các vị nhé. Chỉ là để so sánh mà thôi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét