Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Nỗi khổ đàn bà là chính mình/ANNIE VU·12 THÁNG 8 2017

Người Việt Nam rất khổ khi không tự giải phóng tư duy. Đọc được bài này cũng đáng suy nghĩ lắm:
https://www.facebook.com/notes/annie-vu/n%E1%BB%97i-kh%E1%BB%95-%C4%91%C3%A0n-b%C3%A0-l%C3%A0-ch%C3%ADnh-m%C3%ACnh/10207859711770946/

Nỗi khổ đàn bà là chính mình
ANNIE VU·12 THÁNG 8 2017
Sáng nay, tôi gọi điện cho cô bạn thân hỏi han cô ấy cuộc sống thế nào, có gì mới không. Chủ yếu là để hỏi han sinh nhật cổ tôi không có ở bên có gì vui vẻ không kể tôi nghe. Lập tức, tôi nhận được một tràng than vãn. Tôi cũng cố để động viên cổ, lấy nhau bao năm nay, cái câu chuyện muôn thủa (chồng không tâm lý) ấy mà sao mãi không tìm được cách giải quyết thỏa đáng. Thế là, tự dưng tôi bâng quơ nghĩ, đàn ông Việt Nam mình kể ra cũng khổ thật, mà càng ngày càng khổ vì những lẽ thế này.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á vốn là mẫu hệ nhưng ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, cùng với bao nhiêu năm phong kiến và hiện tại có một nền bình đẳng giới non trẻ... về cơ bản, phụ nữ có vị trí rất cao trong việc quản lý gia đình (đa phần phải kiếm tiền, quản tiền, quản nhà, quản bép, quản con, quản cháu... ), phụ nữ luôn được dạy đảm việc nước giỏi việc nhà, công dung ngôn hạnh, hiền lành nết na, ngoan ngoãn, trinh tiết, ‘sống theo gia đạo bên chồng’, bla bla... Kể ra, cái thế giới đàn ông phương Bắc họ cũng nghĩ ra lắm ‘luật cho phụ nữ ’ ghê cơ. Tôi quê Kinh Bắc, nơi bạo lực gia đình thuộc hàng top của đất nước, từ đồng bào cho đến Kinh ta đều thấy đa phần là phụ nữ phải chịu nhiều ức hiếp. Từ bé, thấy phụ nữ dù có nanh nọc đến đâu cũng vẫn phải theo lề theo thói mà quê quán tự hình thành. Lại thêm, hồi trung học lúc nào cũng có mấy bài làm văn về ‘thân phận người phụ nữ’ trong văn học... Đôi khi, thấy chán cái đề tài phụ nữ, chúng ta cứ nhay đi nhay lại mấy bài ca muôn thủa, nhưng theo lối than thân trách phận, thương cho phận đàn bà bèo trôi với bèo nổi, nhưng lại không đi làm gì để thay đổi cái việc ấy, mà cứ tạo thêm căn cứ củng cố cho nền tảng ấy ngày càng vững chãi hơn.
Cho tôi hỏi các bà mẹ? Ai là người đẩy con trai mình vào bàn học, nhồi cho nó cái suy nghĩ con trai thì phải học hành làm quan, việc nhà- tức là việc của đàn bà phụ nữ thì không cần mó? Ai là người con trai mình lớn thì muốn nó có một đứa vợ ngoan hiền, mà chủ đạo là ngoan ngoãn theo kiểu đến nhà bố mẹ chồng là nhảy bổ vào việc gì cũng biết? Ai là người chửi con dâu không biết lo lắng cho gia đình, không biết chăm sóc chồng con, không biết gánh vác việc nhà, không biết để nên đẻ toàn con gái? Ai là người chăm mấy thằng cháu đích tôn như chăm vàng, còn mấy đứa cháu gái, đặc biệt là cháu ngoại thì coi như người dưng nước lã? Nếu những hành động trên, là do các MẸ, thì các mẹ còn trách ai nữa? Là do chính các mẹ không giải phóng cho mình, kiên quyết không muốn giải phóng cho ĐỨA CON GÁI NGƯỜI DƯNG NƯỚC LÃ, nói rộng ra, thì PHỤ NỮ ít nhất là thế hệ các mẹ và con các mẹ không thể nào giải phóng nổi, là do đấy mà ra chứ đâu nữa?
Trở lại vấn đề, là cái sự THAN VÃN của các mẹ thật sự không thể giải quyết việc gì cả. Tôi lấy ví dụ thế này, các mẹ lấy chồng, sao không yêu cầu nhiễu sách ông chồng từ hồi chưa cưới ấy? Tôi có cô đồng nghiệp, trước khi cưới bố mẹ cô ấy đã phái người điều tra lai lịch rõ ràng của anh chồng sắp cưới, gia đình ra sao, bố mẹ anh em thế nào, có tiền không, công ty thuộc loại gì, có khả năng vào công chức, vào đảng gì không... ngoài ra, trong ‘hợp đồng’ trước hôn nhân cô ấy đọc cho đồng nghiệp nghe, có các điều khoản anh chồng PHẢI ĐỐI XỬ thế nào với vợ, với con. Nghe phi lý nhỉ? Quá phi lý với truyền thống í chứ. Nhưng mà, nghĩ đi nghĩ lại, sau khi cưới chồng cô ấy quả thực đối đãi như thế với vợ, còn kính vợ hơn kính quan, kính tiền bà con ạ. Vậy thì có sao đâ người họ chấp nhận nhau và hạnh phúc chẳng phải là điều quan trọng nhất sao? Còn các bà các chị, trước khi cưới chưa có chiêu này, hoặc không dám ra chiêu này, mà cũng không dũng cảm ly hôn, thì TÌM CÁCH KHÁC đi, đừng than thân trách phận mãi nữa. Mình tự than mình còn mệt, huống chi là ông chồng.
Tôi để ý thấy là, thế hệ tôi có nhiều thay đổi với ông à ta lắm. Giờ các bạn tôi rất nhiều người thậm chí còn không muốn kết hôn, mỗi người một lý do, nhưng về căn bản là họ chưa tìm được đối tượng mà họ đủ yêu thương để CHẤP NHẬN CUỘC SỐNG HÔN NHÂN TRUYỀN THỐNG. Họ sợ, sợ lắm chứ, lại lấy phải đám dở hơi, lấy phải chồng vũ phu, chồng vô trách nhiệm, bla bla... Tôi là tôi cổ vũ họ, kiên quyết đừng có lấy làm gì khi mình chưa thấy cần thiết, chưa tìm được người thích hợp, nhưng mà nếu có thể hãy có TÌNH YÊU. Ta đến cuộc đời bằng đôi chân trần, không áo quần nói gì tới tiền bạc, khi trở về cát bụi cũng chỉ có thế không hơn, nhưng những tháng năm sống trên đời, có được TÌNH YÊU thì cuộc sống sẽ thêm nhiều màu sắc.
Còn các bạn đã lấy chồng, trừ khó khăn về kinh tế không nói, nhưng vẫn còn vô vàn phụ nữ NGỒI CHỜ CHỒNG ĐEM HẠNH PHÚC CHO. Vẫn vậy, các cô gái lãng đãng của tôi cứ ngồi chờ quà, chờ hoa, chờ niềm vui bất ngờ từ ông chồng/bạn trai mình trong các dịp lễ. Để rồi, có thì hạnh phúc mấy giây đâu, nhưng không có thì đau khổ, dằn vặt mình, dằn vặt người. Lại bài ca than vãn, chồng không yêu, không quan tâm, không biết chăm sóc cho NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA MÌNH, không biết màu sắc... không biết đủ điều NHƯ CHỒNG NHÀ NGƯỜI TA. Buồn cười nhỉ, tụi trẻ con nó ghét cái từ CON NHÀ NGƯỜI TA, thì tôi tin các ông chồng cũng ghét cụm từ trên thậm chí còn hơn vậy. Cô bạn tôi (thế hệ trước), hiện đại lãng mạn ngọt ngào, chịu khó học hỏi con cháu nhưng lại lấy một ông chồng truyền thống chả quen lời lẽ văn hoa, cũng chẳng biết tặng vợ mình một bông hoa bao giờ cả. Và tôi tin, có nhiều đàn ông miền Bắc (không dám nói cả VN vì sợ chưa đủ hiểu biết) nhà mình cũng thế, làm gì biết đến từ LÃNG MẠN. Có ai dạy họ đâu? Mà cũng chả có môi trường nào để khiến họ cảm thấy cần phải như thế cả. Mà cái lỗi này, cơ bản là do CÁC MẸ ra cả đấy!
Ông bà tôi, các cụ 50 tuổi đã ngủ riêng, thằng em tôi cứ thắc mắc mãi là sao xưa ngủ với nhau có hơn chục mặt con, mà già rồi ko nằm chung, thậm chí đứng ngồi cạnh nhau, nhìn vào mắt nhau còn e ngại. Buồn cười nhỉ? Nhưng buồn cười thì giải quyết được việc gì đâu, cũng chẳng phê phán được, đơn giản, vì cả xã hội như thế, vì HỌ KHÔNG CÓ THÓI QUEN ẤY, thế thôi.
Thế nhưng, nói thế không có nghĩa là ta đành chấp nhận thói quen của cả xã hội, mà ngậm ngùi, để rồi cứ phải hâm mộ ông hàng xóm chiều vợ. Sao các bà không tự thay đổi đi nhỉ? Chúng ta cứ coi ông chồng như một tờ giấy trắng đi, vẽ lên cái gì là do ta cả. Tôi hâm mộ một cô bạn thời trung học, điệu hết phần người, nhưng chồng cũng yêu cổ hết cả phần của hàng xóm bà con ạ. Thế hóa ra phụ nữ có những chiêu khiến đàn ông đắm say quên lối về, nói gì là mấy cái thứ cỏn con LÃNG MẠN, LÃNG XẸT, quá ư đơn giản chứ. Thay vì ngồi đợi cả ngày chờ hoa, quà rồi tiệc tùng lãng mạn như phim ảnh, sao không chủ động luôn từ buổi sáng, thậm chí từ vài hôm trước ấy. Thay vì buổi tối và những ngày sau đó cằn nhằn, gắt gỏng, dỗi hờn, tiếc nuối thì hãy làm điều gì cho chính mình đi? Phụ nữ VN mình ạ, xem phim để nâng cao tầm hiểu biết thôi, đừng chờ đợi HẠNH PHÚC từ tay kẻ khác- kể cả chồng mình. Nếu không chủ động, trừ bố mẹ ta, thì có bao giờ ai cho ta cơm ăn áo mặc không? Chẳng nói tới những thứ cao siêu như HẠNH PHÚC mà làm gì.
Thế nên, bên trên tôi mới nói đàn ông VN mình sẽ khổ thôi, là vì những nỗi lòng này của chị em. Có lẽ hiếm ở đâu như ở mình, xã hội hiện đại rồi, phụ nữ có tiền rồi, mà mỗi cuộc hẹn hò vẫn phải để cho đàn ông trả hết. Cuộc hẹn có vài phần: đón đưa, tặng hoa, đi xem phim, đi ăn, đi uống café... đều là đàn ông chi trả. Thế mới lạ, và có lẽ đây cũng là tiêu chí quyết định để các chị em KÉN bạn trai, tìm chồng. Giá mà ông nào cũng làm được như thế cả đời, tức là trước và sau khi lấy đều y hệt vậy thì tốt bao nhiêu nhỉ? Chả thế mà bao nhiêu cô than vãn, trước khi cưới chồng suốt ngày lãng mạn tặng quà, sau cưới chả còn được nửa bông hoa ngày lễ. Khổ vậy, là lỗi do ai? Có trời mới giải đáp nổi.
Rồi chốn công sở, trên mạng xã hội nhà nhà người người đều KHOE cả, làm cho chị em lại càng sôi máu. Hôm nay hàng xóm tặng vợ nước hoa, ngày mai anh chồng bạn tặng nó iphone, đồng nghiệp được bạn trai đưa đón. Rồi trên mạng biết bao nhiêu lời hay ý đẹp dành cho CON GÁI, cái kiểu ‘em là để yêu thương ’, khuyên răn phụ nữ ‘những điều để phụ nữ luôn hạnh phúc ’... Chúng ta thi nhau share, mà càng share càng sôi máu với ông chồng, biến ổng thành đại diện cho cuộc đời đến làm khổ ta. Cái cục máu điên này nó sẽ nhân theo cấp số, cứ mỗi ngày một lớn, khiến ta muốn xả vào mặt ông chồng, cho ổng biết là cả thế giới đang yêu vợ thế nào, chạy ra mà học ngay đi. Khốn nỗi, chồng ta thuộc loại khó đào tạo, học mãi chẳng thông, biết làm sao?
Thế thì giải phóng cho nhau đi! Mà bằng cách nào nhỉ? Câu hỏi khó và đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình có lẽ phải tự tìm cách sao cho phù hợp mà thôi. Kaka, kinh nghiệm cá nhân là, từ dạo tôi CAI THAN VÃN, anh chồng yêu thương vợ nhiều hơn hẳn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét