Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Chuyện cũ nhắc lại



Câu tiếng vang trên Công nghệ
Ngày trước có vụ Canh gà Thọ Xương. Lúc ấy mình chưa có Blog, nghĩ cũng thương cô giáo. Nhưng cũng ghét bọn câu danh trên Công nghệ Thông tin. Bức quá cũng viết 1 bài cảm xúc. Công nghệ nhiều, ai cũng muốn nổi. Từ nhà nọ đến nhà kia, thành lập đủ các thứ trang web, blog, facebook, ... đăng tải nhiều thứ, chia sẻ lung tung cả ... Đặc biệt các bác báo chí, hết vụ giật gân nọ đến vụ cướp hiếp kia; Rau thuốc sâu, bún phở chất tẩy, ... Đấy cứ xem mặt báo là biết. Mảng chính luận (chiếm mất mặt bìa) thì mấy bác Tư tưởng TƯ kiểm soát toàn bài vớ vẩn, chả ma nào đọc. Đọc dần về sau thì cướp hiếp, nghiện dâm, lừa đảo, ... Người dân cứ đọc mãi cướp hiếp nghiện dâm rồi cũng ... hỏng cả đầu óc tư tưởng. Giáo dục thì cẩu thả. Thầy cô thì quá chủ quan, ai cũng có lỗi cả. Thông cảm cho cô, mà thêm ghét cái bọn pro đểu. Dù đã qua 1 năm, gửi lại bài này lên Blog của mình, cũng là dòng suy nghĩ về sự nước ta vậy. Đây là cách hiểu của riêng tôi, nhưng cũng cần nhận thức lại Văn hóa Giáo dục của mình xem hỏng do đâu để mà sửa. Hỏng mất vốn cổ rồi mà không cứu chữa ngay, để dân chúng mê muội trong đủ thứ tà thuyết dị đoan, cúng bái, cầu hồn, phong thủy, tử vi, ... Đường khoa học, đường luân lí nhân văn còn đâu nữa.
Cảm nhận qua „Canh Gà Thọ Xương“
Trong thời gian qua, giới truyền thông đang nhiều cảm xúc và đánh giá với „vụ Canh gà Thọ Xương“ của cô trò trường Lômônôxốp. Trên Facebook xuất hiện hẳn 1 trang "Tìm lại công bằng cho cô Hà Thuỷ và danh dự của trường Lômônôxốp". Tôi không để tâm lắm, nhưng cũng lướt tin. Qua những bài viết, phân tích, giải thích, nhìn nhận về „canh gà Thọ Xương“. Người thì phê phán, người thì cảm thông, các trò thì bênh cô, một cô giáo trẻ triển vọng. Tôi có xem qua 2 bài trên Blog Người hiếu cổTễu Blog. Cũng có nhiều người truy nguyên nguồn gốc của câu ca dao về „canh gà Thọ Xương“. Vì cũng là người học Văn học, tôi thấy cách hiểu sai của các em không có gì lạ. Cô giáo có trách nhiệm trong việc sâu sát bài vở của các em, nhưng cũng không đến nỗi búa rìu vì một câu ca dao bị hiểu khác với cách hiểu truyền thống. Và giới truyền thông đang phát triển mạnh có cơ hội đánh quả đậm. Tôi chỉ xin trình bày cảm nhận của riêng tôi về „canh gà Thọ xương“ và cách hiểu ngày nay lí giải về sự nhầm lẫn dễ dàng như sau.
Ngôn ngữ biến đổi, gắn liền với sự phát triển của văn hóa xã hội. Có nhiều từ ngữ xưa mà ngày nay không dùng nữa, có thể tìm thấy nhiều trong văn học, ca dao, tục ngữ, ... Trong kho từ vựng Hán Việt của chúng ta ngày nay cũng không ít từ bị hiểu sai, thậm chí chính những người làm công tác chuyên môn cũng sai và nhầm.
„Canh gà“ ngày xưa dùng để chỉ tiếng gà báo canh; „canh gà“ cũng là từ chỉ một món ăn rất phổ biến. Nếu tra từ điển Tiếng Việt ai cũng sẽ tìm thấy từ Canh gà với nghĩa là món ăn. Còn từ Canh gà với nghĩa là tiếng gà báo canh có lẽ sẽ ít thấy hơn(tôi không khẳng định là không thấy, nhưng nếu có thì sẽ ít hơn món canh gà). Chưa kể những từ điển nước ngoài chỉ toàn thấy canh gà: chicken soup, kê thang, ... Ngày nay từ Canh gà với nghĩa gà báo canh không phổ biến nữa. Và như vậy khi các em đọc bài này, đương nhiên các em sẽ hiểu đây là món Canh gà ở Thọ Xương. Nếu các em may mắn được người lớn giải thích thì vỡ lẽ cái nghĩa cũ, nếu không thì các em sẽ hiểu là món canh thế đến hết đời. Còn nếu là các em học sinh dân tộc thiểu số, vốn tiếng Kinh ít thì cô giáo cũng khó mà dùng tiếng dân tộc để giải nghĩa cho được. Nhưng bù lại, vùng dân tộc chắc gà nhiều, giảng 1 lần chắc các em vỡ lẽ ngay. Đã có không ít chuyện hài hước với các trò thành phố lần đầu về nông thôn, nhìn con bò cho là con trâu, trông cỏ tranh lại khen lúa tốt. Bản thân tôi khi còn bé, lần đầu tiên trong đời đọc câu ca dao này, tôi cũng không cắt nghĩa canh gà là tiếng gà báo canh, về sau tôi mới hiểu là tiếng gà báo canh. Còn câu chuyện tiếng gà báo canh bị suy diễn là món canh gà thì đã có từ lâu, những người đọc ca dao tục ngữ yêu văn chương đôi lúc cũng hóm hỉnh suy diễn câu ca ngược, khác với ý của nguyên bản. Trong khi ý nghĩa của nguyên bản, dễ bị hiểu nhầm.
Tôi còn nhớ anh bạn cùng cơ quan có lúc vui kể chuyện đùa cho anh em, là nghe 1 tay ngoại quốc nào đó học tiếng Việt, cố học câu ca dao này và dịch nó ra tiếng Anh, sau đó có 1 người Việt biết tiếng Anh lại dịch lại câu ca dao về tiếng Việt. Tôi không nhớ chính xác, nhưng cũng đại khái: Gió thổi cành tre rụng xuống đất, chùa Trấn Vũ đánh một tiếng chuông, bát canh gà đầy xương. Nghe xong mấy anh em cùng cười ngất ra với nhau. Tưởng là chuyện đùa góp vui cho rừng cười. Mà nay lại là chuyện thật của cô trò Lômônôxốp. Tôi tự nhận thấy các em có cách hiểu rất độc đáo, thú vị. Đây là cách hiểu không đúng ý nguyên văn nhưng các em đã tự cảm nhận với vốn kiến thức văn hóa non nớt của mình và dám diễn đạt nó trong bài làm của mình. Chứng tỏ các em có năng khiếu suy diễn. Các em làm bài không gò bó cảm xúc theo hướng cảm xúc được định hướng của người thầy, mà cảm xúc theo vốn cảm nhận ngôn ngữ của bản thân. Cô giáo thấy trò hiểu không đúng ý nguyên văn, cô nhắc nhở sửa lại là đúng. Còn cảm xúc của các em, dù là cảm xúc non nớt nhầm lẫn nhưng nó đánh dấu quá trình nhận thức. Xem các nước Phương Tây giáo dục, họ không ép các trò cứ như nhất phải thầy mới đúng, mà họ để các em phát huy cá nhân, dạy các em tư duy độc lập lắm. (Nhưng độc lập đến mức hiểu sai thì không nhé).
Ngày xưa chúng tôi văn tả con mèo, được sự gợi ý của cô giáo đứa nào chả viết: con mèo nhà em lông mượt như nhung, mắt như hai hòn bi ve ... ; hay con lợn nhà em, mình như cái thùng phi, tai đỏ hồng hồng, lông đuôi nghoe nguẩy. ... (đấy là văn lớp 4 không phải lớp 7 nhưng cũng là 1 giai đoạn nhận thức) Giờ vẫn còn kể cho nhau nghe mà cười. Còn kỷ niệm hồi lớp 9, trước khi hết cấp Trường cho thi thử bài Lão Hạc, có bài còn kể lể nỗi khổ của Lão Hạc là khổ quá phải ăn „bả chuột“ để tự tử, ... cô giáo nêu giữa toàn khối để rút kinh nghiệm. Thực sự thì không có cô thầy nào dạy thế, chỉ có bạn nào đó đọc không kĩ, rồi tư duy ngôn ngữ về „bả“ mà bấy giờ chỉ có bả diệt chuột là bán nhiều nhất nên biết là viết vậy.  
Đấy là tôi nói lại chuyện cũ mà tôi còn nhớ. Còn „vụ Canh gà Thọ Xương“ thực ở trường Lomonoxop. Các em hiểu sai, không đáng trách. Lỗi không hoàn toàn ở người dạy. Nguyên nhân chính là sự phát triển ngôn ngữ với kẽ hở trong định hướng văn hóa không nối kịp truyền thống đến thế hệ trẻ. Vì bản thân định hướng văn hóa hiện nay, rất nhiều bài vở, kiến thức xã hội nhân văn bị sai lệch. Các giáo viên môn sử những năm gần đây cũng đang kêu trời chẳng thấu vì những bài thi Sử bị điểm 0. Nói chi đến văn học có một câu ca dao. Thực tế, môn văn và môn sử hiện nay rất bị xem nhẹ. Các môn tự nhiên được coi trọng hơn. Từ xưa ai cũng có cách nhìn nhận học Văn Sử Địa là học thuộc lòng, là kém mà không ai nhận thức rằng Văn Sử Địa là những môn thuộc khoa học nhân văn rất sâu sắc và khó học. Sẽ có nhiều câu chuyện lúc đầu chỉ là hài hước hóm hỉnh nhưng một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực. Như: Ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương, Hàm Nghi là vua Trung Quốc, Nước ta quốc hiệu Đại Ngu, Thọ Xương có món canh gà, ... Vậy là chúng ta đang cười trước một tương lai đầy mất mát. Chưa kể nhiều từ gốc Hán bị lệch hướng đến mức: Nội trợ là mẹ ở nhà hay đi chợ; khoan dung khác với Khoan bê tông đảm bảo không rung, ... Đấy là nói chung chung, còn ngay đến những người làm chuyên môn, có kiến thức được đảm bảo bằng cấp rõ ràng, nhưng đến khi vấp vào văn học cổ với những thuật ngữ gốc Hán Việt còn dịch sai toe toét. Có những GS chuyên nghành còn tranh luận mãi về từng câu chữ trong Truyện Kiều kia mà. Có hẳn 1 ông Tiến sĩ ngành gì gì đó trong buổi diễn thuyết mồm, phê phán mục Trình độ văn hóa trong Mẫu sơ yếu lí lịch nên đổi là Trình độ học vấn cơ mà. Ghê chưa?
Cô giáo trường Lomonoxop ở đây mới 25 tuổi, tôi cũng đồ rằng cô đã biết về câu ca dao này từ lâu, nhưng môi trường văn hóa ngôn ngữ giai đoạn này đã vắng bóng tiếng gà báo canh từ rất rất lâu rồi, không còn môi trường hành chức từ này nữa. Cô chấm bài cho ngần ấy các em, lớp 7 hiếu động, giảng đúng chưa chắc chúng đã nghe mà hiểu, trách gì cô. Mà bọn nhất quỷ nhì ma cứ cái thói giảng đúng thì nhanh quên, mà giảng hóm thì dễ nhớ. Các em làm bài sai, về lại phô với bố mẹ. Tôi cũng đồ chừng em này đã hiểu rõ nghĩa nguyên văn, nhưng thấy cô không gạch chân, lại được cô rộng lượng cho điểm 8, nên vui chuyện phô cô ra. Bố mẹ em này chắc cũng dân báo trí truyền thông hoặc không cũng có liên ngành chộp được cơ hội là phát huy ngay. Trời, phụ huynh nói là đến góp ý với cô, nhưng chắc đã scan bài gửi cho giới truyền thông rồi. Vậy là đạo nghĩa thầy trò, tôn sư trọng đạo tan tành cả. Sau chắc hối hận lại up lại ảnh khác có gạch đỏ dưới chân câu sai. Tôi trộm nghĩ nghề làm thầy cũng khó, thầy cô không phải lúc nào cũng đúng cả đâu. Nhưng nếu góp ý đúng và chân thành thì cũng giữ được thể diện cho thầy cô. Còn làm thầy cô mất thể diện thì nhãn tiền ngay đấy, thầy mất dạy trò thất học. Than ôi! Xã hội ta khi mà cái danh hão và sự nổi tiếng, giật gân trở thành trò dễ kiếm trác thì người ta cũng không ngại làm những điều chướng tai gai mắt nho nhỏ để đạt mục đích vì chướng tai tí ngoáy cái là hết, gai mắt nhỏ dụi qua là xong có làm sao đâu. Tôi chợt nhớ đến đạo thầy trò của Lí Trần Quán đời Lê mạt, học trò ông tin cậy bán đứng chúa Trịnh Tông cho Tây Sơn, lại còn cứng cổ nói với thầy: Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình.
Cũng đừng vội trách giới truyền thông lắm chuyện khi họ đang làm tốt nhiệm vụ của họ một cách quá nhiệt tình. Từ xưa đến giờ, hết Phở có Phoocmon, Mắm tôm có khuẩn tả, Bưởi gây ung thư, ... Chụp ảnh thằng đái đường cũng up lên thành mẩu bài, có biết đâu chính ông đứng đái rồi thằng bạn đứng sau mà chụp, mặt quay vào trong, bố đứa nào biết là đứa nào.
Chung quy lại, vụ Canh gà Thọ Xương tuy là một sai sót trong nhận thức văn học nhưng nhờ đó mà nhiều người cũng được bài học, bổ sung kiến thức, sửa chữa cách hiểu sai. Nó nhắc nhở chúng ta đừng quên cái gì thuộc về quá khứ, đừng vội vàng rũ bỏ quá khứ mà bước vội đến hiện đại. Đầu tư cho giáo dục, cải cách giáo dục để tốt hơn, nhưng đừng vội cắt cái gốc truyền thống đi. Tôi muốn nói đến sự dạy học Hán Nôm ngày nay cũng như sự thay đổi quan niệm xã hội về những nghành khoa học nhân văn như Văn học, Sử học.  Nếu trong quá trình đào tạo, chúng ta đầu tư khoảng thời gian học hiểu giải nghĩa từ Hán Việt một cách chu đáo. Để những từ gốc Hán như từ Canh (có canh là canh giờ, có canh là món canh), Xương (thịnh vượng khác với xương là xương xẩu), Ngu (ngu là tốt lành khác với ngu là ngu xuẩn), Nội Trợ (lo toan việc nhà), Khoan Dung (lòng rộng rãi), .... được các em hiểu thấu đáo thì sẽ giảm những vụ sai lầm quá đáng như „canh gà Thọ Xương“. Mà dù có hiểu sai thì cũng dễ dàng giải thích. Cô trò trường Lomonoxop cũng đừng vội tiêu cực, hãy coi đó là một tai nạn nghề nghiệp nhỏ, đứng dậy và sửa sai. Có sai mà sửa còn hơn đúng không bao giờ sửa.
                                                                  20-10-2012/ Tha hương khách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét