Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Lời TẬP LỆ của Hứa Tuấn(Heo Jun허준) trong sách Đông Y Bảo Giám 東醫寶鑑(동의보감)

Lời TẬP LỆ của Hứa Tuấn(Heo Jun허준) trong sách Đông Y Bảo Giám 東醫寶鑑(동의보감)
          
Nguyên văn Tập lệ trong sách Đông Y Bảo Giám.



Dịch nghĩa:
Thần: Ngự y Trung Cần -Trinh Lượng -Hỗ Thánh  công thần, Sùng Lộc đại phu Dương Bình quân, Hứa Tuấn phụng giáo soạn Tập lệ.
Thần kính cẩn theo lời Án[1] rằng, thân thể con người, trong thì có Ngũ tạng五臟, Lục phủ六腑. Ngoài thì có Gân, Xương, Cơ, Thịt, Huyết, Mạch, Da, Lông. Để mà thành cái hình hài con người. Mà cái Tinh, Khí, Thần精、炁、神 cũng là chủ của trăm thể tạng phủ. Thế nên Đạo gia có thuật ngữ Tam yếu三要[2], Phật gia có thuật ngữ  Tứ đại四大[3]. Đều là để nói những cái trên cả. Sách kinh Hoàng Đình黄庭经[4] có phần Nội Cảnh内景. Sách Y thư cũng có các phần vẽ cảnh tượng bên trong, bên ngoài. Đạo gia thì lấy Thanh Tĩnh清淨 tu dưỡng làm gốc. Y gia thì dùng các thức thuốc, ngải, châm cứu針灸 để điều trị. Thế là bên Đạo gia thì đắc được cái tinh tuý bên trong, Y gia thì đắc được cái thô thoáng bên ngoài. Nay sách này, trước hết lâý phần Tinh-Khí-Thần 精、炁、神của Nội Cảnh内景 làm phần Nội thiên内篇. Tiếp đến lấy các phần  bên ngoài Đầu – Mặt – Tay – Chân - Gân – Mạch – Xương – Thịt làm phần Ngoại thiên外篇. Lại trọn lựa ba phép Ngũ vận五運, Lục khí六氣[5], Tứ tượng四象[6] cùng các triệu chứng bệnh của Nội thương内傷, Ngoại cảm 外感xếp làm Tạp thiên雜篇. Cuối sách lại soạn các mục về  Thang dịch 湯液, Châm cứu 針灸cho tận hết cái biến hoá. Để người bệnh khi mở sách này, mắt thâý rõ mà hay cái hư cái thực, cái nặng cái nhẹ, điêù lành điều dữ, triệu sống triệu chết, sáng tỏ như nước chiếu gương soi. Nhờ đây mà không lo cái lối chữa vụng, chết yểu nữa.
Người xưa dùng thuốc đưa vào, số lượng có khi nhiều nên khó đủ để dùng. Phương cục 1 tễ[7] lại càng hơn, nên những nhà đói nghèo  không lấy gì lo liệu.  Vậy nên theo phép chính truyền, lâý 5 tiền[8] làm suất. Lỗ mãng, thô lậu châm trước thành 1 phương, chỉ có 4-5 loại thì cứ 5 tiền là đủ. Đến như thuộc nhiều đến 20, 30 vị, cứ 1 tài[9] chỉ 2-3 phân. Vị Dược tính rất ítsao đủ công hiệu. Gần đây, xem thuốc trong các sách Cổ Kim Y giám古今醫鑒, Vạn bệnh hồi xuân萬病回春[10],  bổ sung lấy 7- 8 tiền, có chỗ đến 1 lạng. Dược vị đâỳ đủ, mà nhiều ít phù hợp với khí bẩm của người đời nay. Vậy nên nay theo phép ấy. Mong là bổ sung thêm được. Rồi sau dùng thêm Tễ, cho càng dễ.
Người xưa noí, muốn học y thì trước tiên nên đọc Bản thaỏ本草[11]. Để biết hết Dược tính. Nhưng Bản thảo 本草daỳ đặc, các nhà nghị luận không thống nhất. Người đời nay không biết được, nên theo đấy một nửa, lấy cái ngắn gọn thôi. Nay thì dùng thông hành chỉ có Thần Nông bản kinh神农本经[12] và các chú giải của Nhật Hoa tử日華子[13], các sách yếu ngữ của Đông Viên東垣[14]- Đan Khê丹溪[15]. Còn chép cả thuốc Tàu, thuốc Ta[16]. Thuốc Ta thì ghi rõ tên Ta và nơi đất sản thuốc đó cùng ngày tháng thu hái, các phép chế biến Âm-Dương, Can-Chính 陰陽, 乾正[17]. Để dễ chế, dễ dùng mà không phải phiền phức cầu tìm, xa xôi khó kiếm nưã.
Vương Tiết Trai 王節齋[18]từng có lời rằng, Đông Viên là danh y phương Bắc, do La Khiêm Phủ 羅謙甫[19]truyền pháp mà lan đến các vùng Giang Triết. Đan Khê 丹溪là danh y phương Nam, Lưu Tông Hậu 劉宗厚[20]nối cái học  thành nổi danh vùng Thiểm Tây. Y học nổi danh có chia Nam – Bắc từ lâu rồi. Nước ta ở phía Đông xa xôi, làm thuốc truyền y cũng nối dài bất tuyệt như suối chảy. Vậy nghề y nghề thuốc nước ta cũng khá xưng là Đông y 東醫được. Còn Giám là gương sáng soi xét sáng tỏ, muôn vật không thoát được khỏi cái hình trạng của nó. Thế nên La Khiêm Phủ羅謙甫 đời Nguyên còn có sách Vệ sinh bảo giám偉生寶鑒. Danh y bản triều ta Cung Tín 龔信[21]có Cổ Kim y giám  古今醫鑒đều lấy từ Giám để đề danh. Cái ý là muốn bảo tồn như vậy. Nay quyển sách này mở ra xem qua 1 lượt, thấy lẽ cát hung, thấy bệnh nặng nhẹ sáng tỏ như gương sáng, vậy lấy tên Đông Y Bảo Giám 東醫寶鑒để đặt tên, cũng là tỏ lòng kính mộ với người xưa vậy.
      Phiên dịch: Nguyễn Đức Toàn
                 Taucha, Deutschland, 2015




[1] Án: lời bàn luận khảo sát để từ đó đưa ra ý kiến củan riêng mình, gọi là Án
[2] Tam yếu chia làm Ngoại tam yếu và Nội tam yếu. Ngoại tam yếu là Mắt, Tai, Miệng眼、耳、口. Nội tam yếu là Tinh, Khí Thần精、炁、神。. Gọi là Yếu要,là chỉ 3 đại yếu điểm tu luyện Nội đan của Đạo giáo. Mắt là cửa của Thần, Tai là cửa của Tinh, Miệng là cửa của Khí. Nhìn mãi không nghỉ thì Thần bị thoát, Nghe nhiều không nghỉ thì Tinh bị thoát, Miệng nói không nghỉ thì Khí bị thoát. Theo cái bên ngoài thì mất cái bên trong, bị lệ thuộc vào tâm dục, là cái Tà của Chín khiếu. Nên tu luyện Tam yếu rất quan trọng
[3] Tứ đại, tức là Tứ đại chủng 四大種.Còn gọi là Tứ giới, thuật ngữ Phật giáo, coi các nguyên tố cấu thành nên thế giới: Đất地、Nước水、Lửa火、Gió. Tất cả sự vật đều từ những yếu tố này hình thành bao hàm cả núi sông, đất đai cho đến các thân thể có sinh mệnh.
[4] Hoàng Đình Kinh黄庭经 là Kinh điển quan trọng của Phái Đạo giáo Thượng thanh, cũng được các nhà tu luyện Nội đan coi trọng. Sách chia là Hoàng Đình Nội Cảnh ngọc kinh黄庭内景玉经 và Hoàng Đình Ngoại cảnh ngọc kinh黄庭外景玉经 Hoàng Đình Ngọc cảnh trung kinh黄庭中景玉经. Sách quan niệm rằng cơ thể con người các bộ phận đều có Thần, rồi đề ra Tam Đan điền lí luận, nhiều phương pháp Tồn tâm Quán tưởng. Sách còn có nhiều tên gọi khác nhau.
[5] Gọi chung là Lí luận v Ngũ vận Lục khí, gọi tắt là Vận khí học, là học thuyết thông qua các ghi chép v Thiên Can – Đia chi; Âm Dương ngũ hành tương quan tương hỗ để tính năm tháng, ngày giờ, thời tiết khí hậu để lí giải v trạng thái động thực vật cùng cơ thể con người. Là lí luận cơ bản trong Y học cổ Trung Hoa, xuất phát từ sách Hoàng Đế nội kinh黄帝内经thời Chiến Quốc. Theo cơ sở đó thì Địa khi mỗi năm chia làm 5 bộ, mỗi bộ 73 ngày, án theo tính chất Ngũ hành tuần tự. Có Mộc木(thuộc Xuân phong ôn春风温)、Hỏa 火(thuộc Hạ thử nhiệt夏署热)、Thổ 土(Thuộc Trường hạ vũ thấp长夏雨湿)、Kim金(thuộc Thu lương táo秋凉燥)、Thủy 水(thuộc Đông hàn冬寒), gọi là Ngũ vậnCòn Thiên khí chia làm 6 bộ, mỗi khí 61 ngày, chia thành: Phong mộc 风木、Quân hỏa君火、Tướng hỏa相火、Thấp thổ湿土、Táo kim燥金、Hàn thủy寒水. Phản ảnh sự biến động của 6 loại Khí tượng tự nhiên: Ôn温、Noãn暖、Thử署、Thấp湿、Táo燥、Hàn, gọi tắt là Lục Khí 六气。          
[6] Tứ tượng, trong văn hóa cổ Trung Quốc dùng để chỉ Thanh long青龙, Bạch hổ白虎, Chu tước朱雀, Huyền vũ玄武, đại biểu cho 4 phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Kết hợp với Nhị thập bát tú để chia định phân dã tinh tú trên trời, còn gọi là Tứ tinh, Tứ linh, hay Tứ thánh thú. Cũng là 1 khái niệm để tính định Thiên khí vận chuyển, thời tiết.
[7] Tổng hợp nhiu vị lại gọi là 1 T
[8] Tin đơn vị đđo tính lượng. Tương đương với Đồng cân, 10 đồng cân là 1 lạng.
[9] Tài, có thể là 1 đơn vị đđo lương. Chưa rõ, xin để tham khảo.
[10] 萬病回春Vạn bệnh hồi xuân. Sách Y học cổ, do danh Y đời Minh Cung Đình Hiền龔廷賢 soạn. Cung Đình Hiền (1522 – 1619), tự là Tử Tài子才,hiệu là Vân Lâm Sơn nhân云林山人,có hiệu khác là Ngộ ChânTử悟真子,danh y đời nhà Minh, người Kim Khê, Giang Tây, từng nhậm chức ở Thái Y viện.
[11] Tên đầy đủ là Bản thảo cương mục本草綱目 là một từ điển bách khoa của Trung Quốc v dược vật học được thầy thuốc Lý Thời Trân李時珍 biên soạn vào thế kỷ 16 đầu thời nhà Minh. Đây được coi là tác phẩm y học hoàn chỉnh và chi tiết nhất trong lịch sử Đông y.
[12]Thần Nông bản thảo kinh神农本草经 còn gọi là Bản thảo kinh本草经 hoặc Bản kinh本经 là 1 trong 4 tác phẩm Kinh điển của Y học truyền thống Trung Quốc, do Thần Nông thị khởi thảo. Kết tập chỉnh lí vào thời Đông Hán, được nhiều nhà danh y các đời sưu tập tổng kết, chỉnh lí. Toàn sách chia làm 3 quyển ghi chép 365 loại thảo dược, chia thành 3 phẩm Thượng, Trung, Hạ. Là cốt tủy của Dược lí Trung Quốc.
[13] Nhật Hoa tử, là nhà nghiên cứu Bản thảo học đời Đường. Có soạn Chư Gia Bản thảo 諸家本草đã bị thất lạc, nay chỉ còn lại lời chú giải trong sách Bản Thảo Cương Mục本草綱目
[14] Lý Đông Viên, tức Lý Cao李杲, 1180 - 1251tự là Minh Chi明之hiệu là Đông Viên lão nhân東垣老人người đời sau xưng gọi là Lý Đông Viên. Người quê Hà Bắc, là 1 trong Tứ đại danh y thời Kim – Nguyên. Vì Lý Đông Viên ở phương Bắc nên Y học của ông được người ta gọi là Bắc Y北醫
[15] Chu Đan Khê朱丹溪1281 - 1358tên là Trấn Hanh震亨tự là Ngạn Tu彥修. Gia đình nhiu đời ở Đan Khê nên người đời xưng goi là Chu Đan Khê, hay gọi là Đan Khê ông, người Nghĩa Ô Thị, Triết Giang. Cùng Lưu Hoàn Tố劉完素Trương Tòng Chính張從正Lý Cao 李杲 được người đời xưng tụng là Tứ đại danh y thời Kim- Nguyên, là người khởi xướng trường phái Tư Âm滋陰 trong Y học Trung Hoa. Vì ông ở vùng Giang Triết min Nam, nên trường phái Y học của ông cũng gọi là Nam Y
[16] Nguyên văn Đường dược Hương dược 唐藥鄉藥
[17] Thuật ngữ trong Bào chế Đông y dược. Gọi là Âm Dương, Can Chính. Âm là phơi Râm, Dương là phơi Nắng, Can là để Khô, Chính là Nguyên vị. (Chưa rõ, để tham khảo thêm)
[18] Vương Tiết Trai, tức Vương Luân王纶,danh y đời Minh, tên tự là Nhữ Ngôn汝言,hiệu là Tiết Trai节斋,người Từ Khê, Triết Giang, đời Minh Hoằng Trị từng nhậm chức Lễ Bộ Lang trung, sang đời Chính Đức thăng Hữu Phó đô ngự sử, Tuần phủ Hồ Quảng. Từng soạn các sách Bản Thảo tập yếu, Danh y tạp trứ, Y luận vấn đáp, Tiết Trai y luận.
[19] Tức La Thiên Ích天益, danh y đời Nguyên, tên tự là Khiêm Phủ, là học trò hàng đầu của Lý Đông Viên. Có soạn sách Vệ sinh bảo giám偉生寶鑒
[20] Lưu Tông Hậu tức Lưu Thuần, 劉醇,tự là Tông Hậu宗厚,người Ngô Lăng đời Nguyên – Minh. Nguyên là cháu 9 đời của danh y Lưu Hoàn Tố. Đầu đời Minh di cư đến Thiểm Tây. Cha là Lưu Thúc Uyên劉叔淵 học y với Chu Đan Khê. Từ nhỏ đã theo cha học nghiệp, sau lại theo học các danh y đương thời.
[21] Cha Cung Đình Hiền là Cung Tín龚信,tự là Thụy Chi瑞芝,hiệu là Tây Viên西园,giỏi Y thuật, nổi tiếng trong Y giới Trung Nguyên, từng được tiến cử là Y quan trong Thái Y viện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét