Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Về bài thơ vịnh Mã Yên sơn lăng của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm

Về bài thơ vịnh Mã Yên sơn lăng của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm
Có duyên với cụ Vũ Phạm Hàm từ khi mới vào Viện nghiên cứu Hán Nôm. Làm chuyên đề Tập sự chọn Tập Đường thuật hoài của cụ vừa mỏng vừa nhẹ, chỉ độ hơn 20 tờ. Nhưng làm vào thì thấy nhiều chuyện. Cái tính của Văn nhân cao nhã khó lường. Mình chỉ được cái hiếu cổ ghi lại về cụ một đôi dòng đánh lên Blog cho con cháu cụ hiểu mà nhớ, cho người Hiếu sự như mình khi cần thì tìm hiểu thêm. Cũng là cái duyên người cổ người kim với nhau. Lục lại trong Từ điển thấy khen tài thơ cụ mà không thấy dịch, khảo được Nguyên văn cùng đăng lên cả. Cám ơn TS Hoàng Hồng Cẩm đã hướng dẫn, cám ơn đồng nghiệp Mai Thu Quỳnh đã chụp hộ tài liệu, cám ơn đồng nghiệp Hoàng Thúy Ngà đã cung cấp nguyên văn.
Chân dung Vũ Phạm Hàm trong quan phục


Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế / Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Trang 934 – 935

[1] Phạm Hàm
(Vũ Phạm Hàm)
(Giáp tí 1864 – Bính ngọ 1906)
Danh sĩ, tự Mộng Hải, hiệu Thư Trì. Quê xã Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông[2] (nay là tỉnh Hà Sơn Bình[3]).
Năm Giáp thân 1884 đỗ Giải nguyên[4]. Năm Nhâm thìn 1892 đỗ Hoàng giáp (Tam nguyên[5]).
Làm Giáo thụ phủ Kiến Thụy[6], rồi lãnh chức Đốc học Hà Nội, kiêm sung quán Đồng Văn[7], hàm Quang Lộc tự Thiếu khanh. Đương thời giới trí thức rất hâm mộ tài học và đức độ của ông.
Năm Bính ngọ 1906 ông mất, hưởng dương 42 tuổi.
Các tác phẩm của ông:
Kinh sử thi tập A.133, Tập Đường thuật hoài A.2354, Mộng Hồ gia tập, Hưng Hóa phúA.1055, Thám Hoa văn tập  A.528, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách  A.173.
Thơ văn ông còn truyền tụng nhiều vì nội dung, nghệ thuật sâu sắc. Có nhiều hình tượng mà giới yêu thơ thán phục. Bài Đề vịnh Mã Yên sơn lăng (lăng Đinh Tiên hoàng ở núi Mã Yên) được nhiều người tán thưởng:
Phủ hám Hoàng Long khóa thạch lương,
Hoa Lư thành thượng tối cao cương.
Bán không thiên vụ trì thiên cổ,
Nhị đế thần linh giá bát hoang.
Kì kiếm dư uy không thảo thụ,
Kim ngân cố chỉ biến tinh sương.
Thánh triều hậu ý siêu tiền liệt,
Đặc kiến phong bi biểu tích vương.


Lăng mộ Tam nguyên Thám hoa Thư trì Vũ đại nhân tại quê nhà Đôn Thư

Dưới đây là nguyên văn chữ Hán chép trong Tam nguyên Thám hoa Thư Trì Vũ đại nhân thi tập ký hiệu HN902 ĐH Sư phạm Hà Nội.
三元探花 書池 武大人 詩集 HN902
馬 鞍 山 在 嘉 遠  縣 長 安 上 社 分 丁 先 皇 陵 在 山 頂 黎 大 行 陵 在 山 腳 均 有 石 碑 標 識 國 朝 明 命 年 間 奉 敕 建
俯 瞰 黃 龍 跨 石 梁
花 閭 城 上 最 高 崗
半 空 煙 霧 馳 千 古
二 帝 神 靈 駕 八 荒
旗 劍 餘 威 空 草 木
金 銀 故 址 剩 星 霜
聖 朝 厚 道 超 前 轍
特 建 豐 碑 表 昔 王
金 江 相 公 評 第 八 句 嫌 太 直 仿 作 敬 讀 豐 碑 論 世 長。


Dịch nghĩa
Thi tập của Tam nguyên Thám hoa Thư Trì Vũ đại nhân. HN902
Núi Mã Yên sơn ở địa phận xã Trường Yên thượng, huyện Gia Viễn. Có lăng vua Đinh Tiên hoàng ở đỉnh núi, lăng vua Lê Đại Hành ở chân núi, đều có bia đá  ghi dấu năm Minh Mệnh bản triều ta vâng sắc xây dựng.
Cúi trông xuống dòng sông Hoàng Long[8] như một trụ đá bắc qua,
Thành Hoa Lư[9] nằm trên đỉnh sườn cao nhất.
Trời cao mây tỏa suốt nghìn năm,
Anh linh 2 vua[10] đã ngự về vùng Bát hoang [11].
Cờ kiếm uy xưa nay chỉ còn hư không với cây cỏ,
Tích cũ vàng son còn lại với sương sao.
Thánh triều ta[12] ý hậu vượt hơn các đời trước,
Đặc dựng bia cao để biểu dương các vua xưa.
Kim Giang tướng công[13] bình rằng: Câu thứ 8 hiềm hơi quá thẳng. Phỏng tác sửa lại thành: Kính đọc bia cao mà luận dài việc thế sự.
Dịch thơ
Ngắm dòng Hoàng Long cầu đá qua,
Hoa Lư thành cũ đỉnh là non cao.
Nghìn năm mây khói tuôn trào,
Anh linh nhị đế đã vào Bát hoang.
Uy xưa cờ kiếm hoang tàn,
Vàng son tích cũ chỉ còn sương sao.
Triều ta thánh hậu hơn bao,
Bia to dựng để khen triều tiền vương.
           Lời của cụ Kim Giang: Bia cao kính đọc luận triều dài lâu.

Deutschland, Taucha, 2015       Đồng Hữu Hoành  仝有橫 tạm dịch.






[1] Do cách đọc Bắc Nam khác nhau nên Việt Nam bây giờ dùng Quốc ngữ ghi âm thành ra 2 họ Võ – Vũ. Thực là 1 mà thôi.
[2] Tên tỉnh cũ, sau này là tỉnh Hà Tây (sát nhập Hà Đông với Sơn Tây)
[3] Hà Sơn Bình: tên tỉnh cũ từ 1975 – 1991. Do 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình sát nhập.
[4] Giải nguyên là đỗ đầu kỳ thi Hương tổ chức ở địa phương.
[5] Sau kì thi Hương thì lên Kinh thi Hội, đỗ đầu kì thi Hội gọi là Hội Nguyên. Sau kì thì Hội thì được vào thi Đình (Đình thí), đỗ thi Đình thì gọi là Hoàng Giáp, nhưng đỗ đầu thi Đình còn gọi là Đình Nguyên. Người đỗ đầu cả 3 kì Hương – Hội- Đình thì gọi là Tam Nguyên.
[6] Địa danh thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay.

[7] Năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3 (1891 Tây lịch)… Tháng 8… Đặt Đại Nam Đồng văn nhật báo (ở Hà Nội), chuẩn cho Bố chánh Lục Nam Dương Lâm lấy hàm Tham biện Nha Kinh lược quản lãnh. Trước là năm Đồng Khánh thứ 1 đã đặt Nam công báo, về sau vì nhiều việc nên đình bãi không thi hành. Đến lúc ấy Toàn quyền đại thần De Lan-essan bàn nên đặt lại, phàm những công văn tư lục ở kinh có quan hệ đến chính thể và những việc có quan hệ tới dân tình, thương chính ở Bắc Kỳ đều nhất nhất in lên báo, mỗi tháng bốn kỳ, phát giao cho các bộ nha ở kinh và các phủ tỉnh ở ngoài xem”; nhân sự của tờ báo từ Dương Lâm, Phan Văn Tâm, Vũ Phạm Hàm thời gian 1891 – 1893 tới Kiều Oánh Mậu, Phan Văn Đại năm 1904 . Cao Tự Thanh/ Sự chuyển tiếp từ Đại Nam Đồng văn nhật báo qua Nam Việt quan báo & Đại Nam Đăng cổ tùng báo. https://anhbasam.wordpress.com/viet-su-ky/su-chuyen-tiep-tu-dai-nam-dong-van-nhat-bao-qua-nam-viet-quan-bao-dai-nam-dang-co-tung-bao/

[8] Sông Hoàng Long là một trong 4 con sông lớn chảy trong địa bàn tỉnh Ninh Bình do trung ương quản lý. Sông được tính từ nơi hợp lưu giữa sông Bôi và sông Lạng tại Kênh Gà đến cầu Gián Khẩu. Đoạn mang tên sông Hoàng Long dài khoảng 25 km. Lưu vực sông Hoàng Long bao gồm nửa phía bắc Ninh Bình  Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình.
[9] Hoa Lư 華閭 là kinh đô của 2 triều Đinh- Tiền Lê, là quê của Đinh Tiên Hoàng. Kinh đô này tồn tại 42 năm (968 - 1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… Kinh đô Hoa Lư xưa, nay chỉ còn là Cố đô Hoa Lư với diện tích tự nhiên 13.87 km² nằm trọn trong quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình.
[10] Ý nói Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.
[11] Bát Hoang là nói 8 hướng hoang vu xa xôi cùng cực. Có ý nói anh linh 2 vua đã về thế giới khác
[12] Chỉ triều Nguyễn.
[13] Kim Giang tướng công, tức Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902), là quan nhà Nguyễn trải qua bảy triều vua từ Tự Đức đến Thành Thái, đại thần nhà Nguyễn chủ chốt trong việc nghị hòa với người Pháp. Ông có tên tự là Trọng Hợp仲合, hiệu là Kim Giang(金江), tên thật là Nguyễn Tuyên(阮瑄), sau dùng tên tự là Trọng Hợp nên thường được gọi là Nguyễn Trọng Hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét