Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Lưu Ngọc Quân/ Lược thuật về Kinh Học ở Việt Nam

LƯỢC THUẬT VỀ KINH HỌC Ở VIỆT NAM
劉玉珺Lưu Ngọc Quân
Nguyễn Đức Toàn dịch từ nguyên bản chữ Hán do tác giả gửi
Tóm tắt nội dung:
Từ cuối đời Tần, khi Triệu Đà xây dựng nhà nước Nam Việt độc lập, khu vực bắc Việt Nam mới bắt đầu tiếp thu văn hóa Lễ nhạc và giáo dục của Nho giáo, từ đó lấy học thuật Nho giáo làm mục đích giáo hóa dân chúng. Kinh học Việt Nam với chủ thể truyền bá là giai cấp thống trị quan phương được hình thành. Các phương diện giáo dục kinh điển, cơ cấu giảng kinh cho đến thiết lập quan chức đều được xây dựng trên hình mẫu truyền thống của Trung Quốc. Các điển tịch Kinh học được lưu truyền vào Việt Nam chủ yếu thông qua ba con đường chính là: Do truyền miệng từ thầy sang trò; Do các Sứ thần mua về; Do Thiên triều ban tặng.
Kinh học Việt Nam có đầy đủ các sắc thái văn hóa không tương đồng của cả hai giai tầng, sĩ đại phu và trí thức bình dân, mang đậm sắc thái văn hóa thông tục, đó là: Các bản san khắc kinh điển của các phường khắc dân gian chiếm số lượng lớn; Giá trị chủ yếu nhằm mục đích giáo hóa; Phát triển trên cơ sở chế độ khoa cử; Hàm lượng học thuật khá thưa thớt.
Trong hoàn cảnh chỉ gặt hái được những nghiên cứu học thuật đơn thuần của giáo dục luân lí và giáo dục khải mông*, ở Việt Nam do ảnh hưởng của lịch sử ngôn ngữ văn tự, lại sản sinh ra các tác phẩm Kinh học dịch Nôm theo thể ngâm Lục bát của dân gian, nó phản ánh thế giới Kinh học thông tục, đại biểu của văn hóa bình dân.
Kinh học là một trong những môn loại học thuật quan trọng nhất của Trung Quốc, Lục Kinh và văn minh Lễ Nhạc không chỉ là nền văn minh sâu sắc uyên bác của riêng Trung Hoa, nó còn có ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm tới Việt Nam, một nước nằm trong khu vực vành đai văn hóa Hán. Lịch sử thời sơ khai của hai nước Việt Trung được dung hòa trong một khối, khu vực Miền Bắc Việt Nam thời viễn cổ được gọi là “Giao Chỉ交趾”, Thiên Tiết dụng trong sách Mặc Tử ghi: “Thời viễn cổ, vua Nghiêu trị thiên hạ, phía nam vỗ về Giao Chỉ, phía bắc hàng phục U Đô, phía đông và tây đến tận chỗ ra vào của mặt trời, không đâu không đến phục 古者堯治天下,南撫交趾,北降幽都,東西至日所出入,莫不賓服(墨子·節用)[1]. Những ghi chép kiểu như vậy cùng thấy trong các thư tịch cổ của cả Trung Quốc và Việt Nam như: “Thượng thư đại truyện尚書大傳”, “Hoài Nam tử淮南子”, “Lã Thị xuân thu呂氏春秋”, “Hàn Phi tử韓非子”, “Tân thư新書”, “Sở từ楚辭”, “Sử ký史記”, “Đại Đái Lễ ký大戴禮記”, “Đại Việt sử ký toàn thư大越史記全書”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục欽定越史通鑒綱目”. Mối quan hệ mật thiết về chính trị và nguồn gốc lịch sử sâu xa, đã đặt cơ sở nền móng xã hội vững chắc cho Kinh học truyền bá tại Việt Nam. Từ thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên đến năm 1919, bản chất văn hóa Nho Giáo được thúc đẩy tại Việt Nam là dựa vào chế độ khoa cử. Với tư cách là phần trọng yếu của văn hóa Nho gia, Kinh học, nội dung chủ yếu của thi cử khoa trường đã tìm được một môi trường tốt để tồn tại và phát triển.
Căn cứ vào những ghi chép của lịch sử, từ thời Tần Hán, việc dạy chữ Hán đã được triển khai ở Nam Việt, và về sau chữ Hán được ứng dụng và lưu truyền rộng rãi. Theo dòng truyền bá và ảnh hưởng của văn hóa Hán, trên cơ sở các phương pháp tạo chữ của chữ Hán sản  sinh ra một loại văn tự mới để ghi âm tiếng Việt, tức là chữ Nôm (được xây dựng trên các phương pháp tạo chữ là: Hội Ý, Giả Tá, Hình Thanh). Văn học chữ Nôm xuất hiện, khiến cho các thư tịch Kinh học của Việt Nam lại càng trở nên phức tạp đa dạng về tính chất, thể loại, và phương thức lưu truyền đều có nét khác biệt so với các trước thuật Kinh học của Trung Quốc. Đồng thời, dưới sự ảnh hưởng của kinh học Trung Quốc, lại nảy sinh những tác phẩm Kinh học được phiên dịch ra chữ Nôm, về hình thức mang đậm nét đặc sắc bản địa của Việt Nam.
Mối quan hệ đồng nguyên 同源 về lịch sử văn hóa, khiến cho Kinh học Việt Nam trên thực tế đã  trở thành một phân chi của Kinh học chữ Hán. Việc nghiên cứu và tìm hiểu về Kinh học Việt Nam sẽ có ích cho việc bổ sung hoàn chỉnh việc nghiên cứu về Lịch sử Kinh học nói chung. Các bài viết “Ảnh hưởng của Kinh học Trung Quốc đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam - ” của Chu Vân Ảnh, “Cổ tịch Kinh học chữ Hán hiện còn của Việt Nam ” của Vương Tiểu Thuẫn là những nghiên cứu có tính chất khai thác[2]. Bài viết này trên cơ sở những thành quả nghiên cứu đã nêu, lấy thư tịch cổ và bối cảnh giao lưu văn hóa Trung – Việt làm trung tâm, từ các phương diện sao chép, in ấn, hình thái và kết cấu của thư tịch cổ, bước đầu tìm hiểu khái lược về tình hình Kinh học của Việt Nam.
Sự truyền bá Kinh học tại Việt Nam[3]: Cuối đời Tần, Quận úy ở Nam Hải là Triệu Đà thôn tính các vùng Quế Lâm, Tượng Quận tự lập làm Vương, xây dựng chính quyền cát cứ ở Nam Việt. Từ đó, chính quyền địa phương bắt đầu tiến hành các chính sách giáo dục Nho học ở Bắc Việt Nam. Những ghi chép của Lê Tung về Triệu Đà trong “Việt giám thông khảo tổng luận” có ghi: “Vũ công khiến Tàm Tùng* phải kinh sợ, văn giáo khiến Tượng Quận được chấn hưng, lấy thi thư mà biến đổi tục nước, lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng người[4]. Các sách vở của Nho học như “Thi”, “Thư” có khả năng đã được lưu truyền vào Việt Nam, vả lại từ bước đầu lưu truyền đã có ý nghĩa Kinh thế 經世* của việc “hóa huấn quốc tục化訓國俗*”. Năm Nguyên Đỉnh thứ 5 đời Hán (tức năm 112 Trước Công nguyên), Hán Vũ đế diệt nước Nam Việt, đem đất của Nam Việt chia làm chín quận, trong đó bao gồm các khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện nay là Giao Chỉ và các quận Nhật Nam, Cửu Chân. Giáo dục Nho học và văn hóa Lễ Nhạc ở ba quận nay thông qua việc thúc đẩy của tầng lớp quan liêu vẫn được duy trì  thâm nhập, sử sách còn ghi:
Mới đầu, thời Bình đế, Tích Quang ở Hán Trung làm Thái thú Giao Chỉ, dạy dỗ dân man, dần thành lễ nghĩa, tiếng tăm của giáo hóa cũng ngang với Diên” (Hậu Hán thư. Nhâm Diên truyện)[5]
Các vùng Ba Thục Việt Huề, Uất Lâm Nhật Nam, Liêu Đông Lạc Lãng thời nhà Chu còn xõa tóc, búi như cái vồ, nay đã đội mũ; Thời Chu còn phải trùng dịch, nay đã biết đọc Thi Thư. (Luận Hành. Khôi quốc)[6]
Tích Quang làm Giao Chỉ, Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân, dạy dân cày cấy, khiến cho biết đội mũ; đặt chức môi giới, mới biết việc sính lễ hôn thú; xây dựng trường học, dạy cho kinh nghĩa. Từ đó về sau, hơn bốn trăm năm cũng cùng tương tự như vậy”(Ngô thư. Tiết Tông truyện)[7]
Thông qua các chi tiết như “xây dựng trường học, dạy cho kinh nghĩa.” Thì thấy được diện mạo của giáo dục Nho học đã sâu rộng, nhưng phải chờ đến Sĩ Nhiếp của thời Tam Quốc mới thực sự bước đầu thiết lập một cơ sở xã hội vững chắc cho Nho học ở Việt Nam. Sĩ Nhiếp, bố đã từng làm Thái thú ở Nhật Nam, sau khi bố mất, Sĩ Nhiếp đậu Mậu tài và chuyển đến làm Thái thú ở Giao Chỉ, là người có hàm dưỡng sâu sắc phong phú về Kinh học. Nghiêm Tòng Giản, người đời Minh từng nhắc về Sĩ Nhiếp trong “Thù vực chu tư lục殊域周咨錄” như sau: “lấy kinh truyện của Hoa Hạ, phiên dịch âm nghĩa để dạy người bản quốc, mới biết được cái nghiệp học tập取中夏經傳,翻譯音義,教本國人,始知習學之業[8]. Trong Ngô thư, Sĩ Nhiếp truyện thì ghi:
Tổ tiên là người ở Phần Dương, nước Lỗ, gặp loạn Vương Mãng thì lánh đến Giao Châu …. Nhiếp thửa nhỏ đi học ở Kinh sư, thờ Dĩnh Xuyên Lưu Tử Kỳ làm thầy, chuyên trị Xuân Thu Tả truyện. … . Nhiếp là người khí độ khoan hậu, khiêm tốn với kẻ sĩ. Kẻ sĩ Trung Quốc đến nhờ lánh nạn có đến hàng trăm. Mê kinh Xuân Thu, thường làm chú giải. Trần Quốc Viên Huy viết thư cho Thượng thư lệnh Tuân Bưu có nói: Sĩ phủ quân ở Giao Chỉ học vấn uyên bác, lại thành đạt ở chính sự, … Việc quan nhàn rỗi được một chút, thì vui với sách vở kinh truyện, Xuân Thu Tả thị truyện lại càng tinh, tôi mấy lần lấy những điều nghi trong lời truyện để hỏi thì đều có lời giải của bậc thày(đáp lại), ý tứ rất kín kẽ. Lại riêng sách Thượng Thư thì kiêm thông cả Kim Cổ văn, đại nghĩa rất rõ ràng. Nghe nói học thuật Kim văn Cổ văn ở kinh sư thật giả phân tranh, nay muốn điều lí phân giải cái trường nghĩa của Tả thị, Thượng Thư để dâng lên[9]
Sĩ Nhiếp truyền bá Nho học, khiến cho văn minh Lễ Nhạc chính thức được lưu hành thấm sâu vào các giai tầng xã hội Việt Nam, đặt cơ sở vững chắc cho vùng Giao Châu thoát ly một cách triệt để với những lạc hậu của giai đoạn Thị tộc nguyên thủy. Kinh điển Nho gia cũng từ đó trở thành điểm hội tụ của văn hóa Việt. Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá rất cao công trạng của Sĩ Nhiếp: Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?[10]
Trước giai đoạn tự chủ ở Việt Nam, phương thức truyền bá Nho học với chủ thể là tầng lớp quan liêu được duy trì liên tục và đạt được hiệu quả rõ rệt, được người Việt chấp nhận và ủng hộ. Dưới đời Đường, có Vương Phúc Trù và Mã Thông là nổi bật, “Đời Đường, Vương Phúc Trù làm chức lệnh ở Giao Châu, gây dựng giáo hóa, nhân dân tôn đức, đến nay vẫn còn thờ phụng, gọi là Đền Vương phu tử 唐王福畤爲交趾令,大興文教,士民德之。至今祀之,號王夫子祠[11];“Thời Nguyên Hòa, lấy Kiền Châu Thứ sử đến làm Đô hộ ở An Nam, làm quan thanh liêm không nhũng nhiễu, dùng Nho thuật để nắn thói tục, chính sự được tốt đẹp, dân man được yên ổn[12]. Cũng trong giai đoạn này, các quan lại địa phương ở Việt Nam qua các giai đoạn đã thiết lập được truyền thống dùng Nho thuật dạy dân. Quá trình hình thành truyền thống này cũng chính là quá trình thai ngén cho bối cảnh xã hội để Kinh học phát triển, để Kinh học dễ dàng thâm nhập sâu sắc vào văn hóa Việt Nam.
Sau khi Việt Nam giành được tự chủ, các triều đại cai trị cũng tiếp tục truyền thống này, đồng thời trực tiếp đề nghị thiên triều ban cấp cho các thư tịch kinh điển. Năm Ứng Thiên 14 (1007)Lê Long Đĩnh “sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký là Hoàn Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống, xin kinh Đại Tạng. ... vua Tống ban cho”[13]Sau nhà Lê, nhà Lý (10101225) bắt đầu thực hành chế độ thi cử độc lập, tuyển chọn Minh kinh bác học. Phần Lý kỷ trong Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Thái Ninh thứ 4 [1075]. Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.[14]
Việc truyền bá Kinh học ở Việt Nam có mối tương quan mật thiết với sự phát triển Kinh học của Trung Quốc. Cuối đời Tống, cái học Trình Chu đã lan rộng khắp ở Trung Quốc, thì tại Việt Nam, nhà Trần (12251400) cũng mở đầu cho việc thiết lập cơ quan chuyên trách giảng dạy Tứ thư Ngũ kinh, chuyên tuyển dụng những người giỏi về Kinh học. Như: Năm Nguyên Phong thứ 3 (1253) tháng sáu, lập Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu công và Á thánh, vẽ tranh 72 người hiền để thờ. ... Tháng 9, xuống chiếu cho vời Nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng Tứ thư Lục kinh”[15];“Năm Thiệu Long thứ 15 (1272), mùa đông tháng 10, xuống chiếu tìm người tài giỏi đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách”[16]. Dựa vào sự cổ vũ của giai cấp thống trị, học thuật Trình Chu được lưu truyền vào tầng lớp trí thức, sĩ đại phu ở Việt Nam, và đã xuất hiện những nhà Lý học có tiếng như Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Đỗ Tử Bình. Phan Phu Tiên thời Lê đã có những nhận xét rất công bằng khi so sánh ba nhân vật trên: “Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu An [4b]*, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được dự vào đó, thì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật, An sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết, không cầu hiển đạt, thì cũng tạm được. Đến như Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được len vào chổ đó?[17]
Việt Nam cũng có truyền thống tôn trọng đạo học như ở Trung Quốc, đối với những người có công lao cống hiến lớn cho sự phát triển của Nho học sẽ được suy tôn phụng thờ tại Văn Miếu. Sách “Chu Văn công hành trạng朱文公事狀” có ghi: “Năm Thiệu Khánh nguyên niên (1370), mùa đông tháng 12, nguyên Tư nghiệp Quốc tử giám Chu An mất, truy tặng tước hiệu Văn Trinh công, ban cho được tòng tự ở Văn Miếu”, mà Chu Văn An là người chuyên trị Kinh học, “thời Minh Tông phong làm Tư nghiệp, dạy dỗ Kinh điển cho Thái tử”[18]
Trải qua những giai đoạn phát triển, ở Việt Nam đã hình thành đội ngũ trí thức Nho học đông đảo để duy trì học thuyết Nho giáo và nghiên cứu sâu sắc về kinh điển. Cuối đời Trần, quyền thần Hồ Quý Li âm mưu chuyện cướp ngôi, soạn ra mười bốn thiên “Minh đạo”, “coi bọn Hàn Dũ là "đạo nho"; cho bọn Chu Mậu Thúc, Trình Di, Dương Thi, La Trọng Tố, Lý Diên Bình, Chu Tử*, tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt[19].  Được bốn năm sau, lại soạn  bài Tựa Thi nghĩa bằng Quốc âm, “Bài tựa phần nhiều theo ý mình, không theo tập truyện của Chu tử”. Sử thần Ngô Sĩ Liên cực lực phản đối hành động này, tái khẳng định công lao của Chu Hi đối với sự phát triển của Nho học:
Từ sau khi Mạnh Tử mất, người làm thầy đều chỉ chuyên dạy môn của mình, người đi học cũng chỉ học riêng theo một học thuyết . Nguồn chia, dòng tách, sai một ly đi một dặm! Có khi thì chảy tách thành một dòng khác, có khi lại quay giáo mà đánh lẫn nhau, không sao quay về một mối được! Những học giả đáng ca ngợi, tuy gọi bậc đại nho cũng không tránh khỏi còn có vết tỳ vết nhỏ, chưa có ai là được hoàn hảo cả . Chu Tử sinh vào cuối đời Tống, kế tiếp công việc chú giải lục kinh1 của các nhà nho Hán, Đường, ngược dòng tìm nguồn, hiểu được ý của thánh nhân ở các bộ kinh để lại, rõ được đạo thánh nhân ở những lời huấn giải, vắt óc nghiền ngẫm, lý và tâm dung họp . Ông giải thích thì tường tận, chỉ dẫn thì xa rộng, thực là tập đại thành của các tiên nho và cũng là khuôn mẫu cho những kẻ hậu học. Huống chi lại có Trình Tử xướng ơ trước, và Chu Tử bổ sung chỗ chưa hoàn hảo ở sau, thì nghĩa đã tinh lắm rồi. Người sau mà có trước tác, thì cũng chỉ là mở mang cho rộng thêm, tô chuốc cho bóng thêm, có thế mà thôi, sao lại được chê bai bàn cải?[20]
Đời nhà Lê (14281527) độc tôn Nho thuật, vua Lê Thánh Tông rất coi trọng Nho học, lần đầu tiên cho đặt chức Ngũ kinh Bác sĩ ở Việt Nam, với mục đích nhằm cải biến tình trạng Nho sĩ coi trọng Thi Thư mà xem thường kinh sách khác. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bắt đầu đặt Ngũ kinh bác sĩ*. Bấy giờ các giám sinh học Kinh Thi, Kinh Thư thì nhiều, học Lễ Ký, Chu Dịch, Xuân Thu thì ít, cho nên đặt chức Ngũ kinh bác sĩ, mỗi người chuyên nghiên cứu một kinh để dạy học trò.[21].
Sang đến nhà Hậu Lê (15331788), do sự suy thoái của vương quyền, việc tôn kinh trọng đạo vẫn được duy trì như trước. Thời Hôn Đức công Lê Duy Phường đã từng có nghị bàn về việc tôn sùng Kinh học, Phủ Liêu xem xét thấy Nho sinh đọc Kinh chủ yếu chỉ quan tâm đến tiểu chú mà sơ lược phần chính văn, nên thân sức các Nho sinh phải học thuộc Kinh Sử. Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi rằng:
“Năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732), Bàn định tôn sùng kinh học. Phủ liêu bàn định rằng: Sách vở thánh hiền là ông tổ văn chương. Gần đây theo lối học thuộc lòng: người đọc sách Kinh, sách Truyện chuyên sưu tầm tiểu chú mà phần nhiều bỏ sót chính văn; người đọc sách Sử thì thiệp liệt sách ngoài mà quên mất Cương mục. Học thuật thô sơ mỗ mãng. Cần phải gia công chấn chỉnh để thay đổi tập tục của sĩ phu. Bên sức rõ cho các học trò: hết thảy phải học thuộc chính văn sách Kinh, sách Truyện, ngoài ra, về phần tập chú, tiểu chú, thì chọn tài nào tính tùy sẽ đọc. Đến như sách Tả truyện và Thông giám Cương mục cần phải thuộc kỹ. Chấn chỉnh lại như thế, để học trò biết phương hướng mà theo. [22]
Triều Nguyễn (1802- 1907), vương triều phong kiến cuối cùng tại Việt Nam, định đô ở Phú Xuân (tức Thuận Hóa - Huế), từ đó trung tâm truyền bá Kinh học bị thay đổi. Vì Kinh học với vai trò văn hoá chính thống bền chắc, nên việc thay đổi vị trí  địa lý của chính quyền sẽ dẫn đến sự thay đổi về trung tâm truyền bá. Đúng như Chu Vân Ảnh nhận xét, các vương triều trước đều định đô ở Bắc Kỳ, nên bề mặt phản ánh của Kinh học chủ yếu nằm ở khu vực phía Bắc, cho nên khi nhà Nguyễn dời đô thì bề mặt biểu hiện của Kinh học cũng dần chuyển di sang Trung kỳ và Nam kỳ[23].  Theo ghi chép của Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 5, thì đương thời ở Trung Kỳ và Nam kỳ xuất hiện không ít các nhân vật rất tinh thông Kinh học, như Vũ Đình Phương ở Quảng Bình “đọc rộng sách vở, lại thông cả Binh thư”; Vũ Xuân Nồng người Quảng Bình, “hiểu sâu Kinh học, văn chương hàm súc, thường cùng các kẻ sĩ bàn luận ý nghĩa sâu sắc của Kinh sách, say sưa không biết mệtPhạm Hữu Kính người Quảng Nam “rất được Vũ Xuân Nồng coi trọng, có hôm cùng với Nồng bàn luận đến chỗ nghi ngờ trong Kinh nghĩa, cùng nhau phân tích, biện luận, Kính kiên cường ý kiến của mình mà không thể khuất phục đượcNguyễn Đăng Đàn người Thiên Hương, “đọc sách lướt qua là thuộc, nổi danh Lý học[24]
Triều đình nhà Nguyễn, từ vua Thế tổ Nguyễn Ánh (18021819) trở đi, đã kế thừa truyền thống coi trọng giáo dục kinh điển của các triều trước. Nhà vua đã từng “phái 2 quan Thị giảng, 8 quan Hàn Lâm thị học, 6 quan Quốc học thị học, hàng ngày sớm tối cùng các quan Đốc học tụ tập nhà Thái học đường để giảng tập Kinh sử. Phàm hành vi ngôn luận của Đông cung, quan Thị học phải ghi lại, hàng tháng dâng lên một lần để xem tiến bộ của đức nghiệp”[25]. Hoàng tử là người sẽ đứng đầu đất nước trong tương lai, cho nên kinh điển của Nho gia không chỉ là để dạy dỗ giáo hóa rộng rãi cho dân chúng, nó còn là một phần quan trọng trong văn hóa giáo dục dành cho các Hoàng tử. Sau khi Thánh tổ Minh Mệnh hoàng đế lên ngôi, nhà vua lại càng chú ý coi trọng việc dạy dỗ Kinh học cho các Hoàng tử, Đại Nam thực lục, Chính biên, đệ nhị kỷ có ghi lời tấu thỉnh về quy trình giảng dạy cho các Hoàng tử của đám đại thần Ngô Đình Giới:
“Bọn Ngô Đình Giới dâng lời tâu rằng: Toàn vẹn của việc thành đức, ở Kinh học đã rõ ràng, không thể nói hết được. Nay xin định làm quy trình giảng học, phàm 11 điều như sau:
- Một là giảng kinh điển (Cẩn án, lời tựa Ngự chế Lạc Thiện đường toàn tập của Thanh Cao Tông nói rằng: Ta mới 9 tuổi đã đọc sách, đến 14 tuổi học thuộc văn. Đến nay 20 năm rồi,  sớm tối trong khoảng ấy, có các sách như Tứ thư Ngũ kinh, Tính lý, Cương mục, Đại học diễn nghĩa, Cổ văn uyên giám. Đó là các sách mà vua Cao tông học khi còn là Hoàng tử tự thành biểu như thế. Vả lại các sách ấy đều có ý nghĩa sâu sắc của Thánh hiền, chính sự các đời đều đầy đủ, nơi nhà học nên dâng giảng các sách ấy)
- Hai là học trích yếu trong Kinh sử (Tứ thư Ngũ kinh từ đời Tống trở đi đã qua các bậc chân Nho biểu dương lên mà các quyển giảng giải thì nhiều. Có chỗ thuần tạp lẫn lộn. Đọc sử thì ngoài Tư trị thông giám của Ôn công, Cương mục của Chu tử thì chọn lựa tuyển tập, không tính nhiều ít mà bỏ bớt chỉ lấy những chỗ không giống nhau, chê khen khác nhau thôi. Nếu không phải người được dạy dỗ sâu xa thì không thể truy cứu được yếu chỉ, mà hợp thành một thuyết được. Vậy nên các bậc Hoàng đế Đại Thanh đã giản tiết đi, sai các Nho thần cùng hội đồng biên tập thành sách của một đời, gọi là các sách Khâm định, Ngự định, Ngự toản, Ngự phê đều là ý chí của muôn người mà thành thiên thành chương, lấy điều ngay chính ở trên, mà ý nghĩa cùng một, có chỗ thích hợp để theo được. Nay nơi nhà giảng học xin được lấy các sách Nhật giảng Tứ thư giải nghĩa, Nhật giảng Thư kinh giải nghĩa, Nhật giảng Lễ ký giải nghĩa, Nhật giảng Xuân Thu giải nghĩa, Nhật giảng Dịch kinh giải nghĩa, Ngự toản Thi nghĩa triết trung, Ngự định Hiếu kinh tập chú, Hiếu kinh ngự phê, Lịch đại thông giám tập lãm làm các sách giảng học.
- Ba là thứ tự giảng học. Các Hoàng tử vào học, lúc đầu học Tiểu học, xong đến Tứ thư, hết đến giảng Ngũ kinh, thêm các sử sách nữa. Phàm kinh sách giảng đến thiên nào,  thì nên phải giảng thuộc lời văn, khiến cho trầm tư trong lời lẽ của thánh hiền. Sử thì theo ghi chép của lịch đại, cốt yếu giảng rõ sự tích mà thôi, không cần học thuộc lòng.”[26]
“Giảng tập kinh điểnđược đưa vào làm điều thứ nhất trong quy trình giảng dạy cho thấy việc giáo dục Kinh học là một nhân tố quan trọng trong việc dạy dỗ khai tâm  cho các Hoàng tử của triều Nguyễn và hoàn toàn mô phỏng theo phương thức của Trung Quốc.
Tóm lại, như đã trình bày ở trên, việc lưu truyền Kinh học ở Việt Nam có thể tổng kết thành ba đặc điểm chính như sau:
- Phương thức truyền bá kinh điển với đội ngũ trí thức quan phương làm chủ thể thúc đẩy. Truyền thống giáo dục coi việc truyền bá văn hóa tiến bộ và giáo hóa dân chúng là mục đích chính.
- Kinh học được thâm nhập một cách toàn diện theo không gian địa lý và các giai tầng văn hóa.
- Giáo dục Kinh học tại Việt Nam, trên các phương diện phổ biến thúc đẩy, cơ cấu truyền giảng cho đến đội ngũ trí thức đều học tập theo mô hình Trung Quốc.



* Khải mông: Dạy cơ sở, từ vỡ lòng chưa biết gì gọi là Khải mông
[1] 孫詒讓《墨子閒詁》卷六,《諸子集成》四,上海書店1986年版社,102
[2] 朱文見《中國文化對日韓越的影響》第一編,第二節.臺灣黎明文化事業公司1981年版 ;王文載《經學研究論叢》第7,臺灣學生書局1999年出版
[3] Liên quan đến tình hình truyền bá Kinh học ở Việt Nam, bài viết của Chu Vân Ảnh đã trình bày qua. Chúng tôi do hạn chế về nguồn tài liệu, những điều căn cứ phần nhiều trích từ chính sử, những đoạn văn dẫn ở đây không tránh khỏi có sự tương đồng.
* Tàm Tùng: tên của một rợ man ở phía Nam. (*: chú của người dịch)
[4] Đại Viết sử ký toàn thư, quyển thủ.
* 經世至用﹕Quan điểm học thuật của nhà Nho, vừa thông hiểu kinh nghĩa theo hướng học thuật, vừa đem ý nghĩa của Kinh áp dụng để thực thi giáo hóa giúp đời.
* Giáo hóa để thay đổi thói tục trong nước trở nên tốt đẹp.
[5] 《後漢書》卷七十六中華書局1965年版,2462
[6] 《論行》卷一九,《諸子集成》七第,193-194
[7] 《三國志》卷五十三,中華書局1982年版,1251
[8] 《殊域周咨錄》卷六,余思黎點校,中華書局1993年版,236
[9] 《三國志》Sđd,1191-1192
[10] Đại Việt sử ký toàn thư(ĐVSKTT). Sđd, Sĩ vương kỷ
[11] 《越南輯略》卷二,名宦.光緒三年1877刻版
[12] 《新唐書》卷一六三《馬揔傳》,中華書局1975年版,第5033
[13] Khâm định Việt sử thông giám cương mục(KĐVSTGCM). Chính biên ,quyển 1.
[14] (ĐVSKTT). Sđd
[15] (ĐVSKTT). Sđd
[16] (ĐVSKTT). Sđd
* Số trang trong (ĐVSKTT). Sđd
[17] (ĐVSKTT). Sđd
[18] Chu văn công hành trạng cập thi văn. Viện nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN)
* Các vị tiên Nho của Trung Quốc.
[19] (ĐVSKTT). Sđd
[20] (ĐVSKTT). Sđd
* Chức quan chuyên trách nghiên cứu giảng giải một Kinh.
[21] (ĐVSKTT). Sđd
[22] (KĐVSTGCM),Sđd
[23] Xem chú số 2. 59
[24] Đại Nam thực lục (ĐNTL).
[25] Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên.
[26] (ĐNTL), Sđd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét