Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Đăng Khoa Lục Sưu Giảng 登 科 錄 搜 講


Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I: CÁC SÁCH THAM KHẢO. II- ĐĂNG KHOA LỤC/ Đăng Khoa Lục Sưu Giảng

19. Đăng Khoa Lục Sưu Giảng

Tác giả: Trần Tiến

Sách chép tay, bằng giấy bản, khổ giấy 26x 14, trong sách không chia số quyển, gồm 78 tờ (1+77), tờ 2 trang, trang 10 dòng, dòng 30 chữ, chữ cũ viết thảo khá tốt và cẩn thận. Tên tác giả mới tìm thấy qua bài khảo luận của Phạm Đình Hổ (xem bản A.3188).

Nội dung: Ngoài 77 tờ sách, có 1 tờ mục lục, ghi đủ tên 123 cụ đậu tiến sĩ, từ triều Trần đến cuối Lê, cách chép lộn xộn: có theo thế thứ, nhưng không tuyệt đối chính xác. Sau mục lục, có bài tựa, không đề tên tác giả, cũng không đề niên hiệu. Trong bài tựa, đại ý nói, ghi chép các vị đậu tiến sĩ văn chương, sự nghiệp có tiếng tăm, nghe sao chép vậy, nghe đến đâu chép đến đấy; cho nên có những mẩu chuyện về 1 cụ mà chép 2, 3 chỗ. Chuyện về Lê Quy Đôn đã thấy ở trang 37, lại thấy thêm 1 mẩu khác ở trang 63, v.v … Theo bài tựa, sách chép cùng nhiều tài liệu trong Công Dư Tiệp Ký, phần nhiều theo lời truyền thuyết, thiên về âm đức, mồ mả; nhưng ngoài sự mê tín ấy ra, cũng có nhiều chuyện về thơ văn, về đời sống riêng của các cụ Nghè xưa; ta có thể cân nhắc cẩn thận dùng làm tài liệu sử được. Như chép về Ngô Thời Nhiệm, ngoài thơ văn đặc sắc, có ghi rõ tác phẩm An Nam nhất thống chí (?) xem số 369) v.v … nói ông còn soạn sử ký triều Lê và triều Tây Sơn.

Nội dung:

Trước hết có bài tựa, tương tự bài tựa trong số sách A.3188 nói trên, nhưng sau cùng, cuối bài tựa ấy có chua : „Lê Hiển tông thế, Thượng thư Trần Tiến trứ, công Hải Dương nhân“ (quan Thượng thư, đời Lê Hiển tông, là Trần Tiến; ông là người Hải Dương).

Thứ đến Mục lục, cũng như trong sách có truyện về 122 vị đậu Đại khoa. Từ tờ 148 trở đi, có phụ lục bài Hành trình ca của Nguyễn Tú, người làng Phương Để, huyện Chân Ninh , được bổ làm Tuần phủ Phiên An (sau đổi làm Gia Định), bằng văn Nôm và 3 bài thơ Nôm, một bài của con cụ Bạch Đông Ôn (triều Nguyễn), 2 bài của Hồ Xuân Hương; 1 bài văn Tế Phạm Đình Trọng của vua Cảnh Hưng, trích trong Hoàng Việt địa dư, v.v … 1 bài hát Đào nương của cụ Dương Khuê; sau cùng có niên hiệu Tự Đức thứ 14, năm Tân dậu (1861) dựng đền Lê Tiết Nghĩa ở Hà Nội. Các truyện trong sách còn có nhiều đoạn mới chua thêm, đề niên hiệu Tự Đức mà không thấy trong bản số A.3188 như truyện Phạm Quý Thích có chua thêm năm Tự Đức thứ 6, là năm Quý Sửu, các học sinh làm nhà thờ ông ở Hà Nội (tờ 110); sau truyện Trần Danh Án, cũng có nói thêm năm Tự Đức Tân dậu (1861) làm đền Tiết Nghĩa ở Hà Nội, ông có dự trong số 33 vị được thờ, v.v … Sau truyện Nguyễn Tự Cường, có chua rõ, có 3 ông Nguyễn Tự Cường đậu tiến sĩ, một ông người làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, đậu Tiến sĩ năm Hồng Thuận thứ 6(1514); 1 ông người làng Lan Mạc, huyện Yên Lạc, đậu Tiến sĩ năm Sùng Khánh thứ 7 (1572) triều Mạc; 1 ông người làng Xuân Lôi, tức ông trong sách Đăng Khoa Lục Sưu Giảng, v.v … Những lời chua ấy không có trong bản A.3188.

Trong sách Quần Thư Tham Khảo (quyển thứ 2, trang 5 mặt sau), tác giả Phạm ĐÌnh Hổ, chép về Mạc ĐĨnh Chi, có ghi tên bộ sách khác của Trần Tiến, như sau: „… Về sự nghiệp, văn chương của MẠc Đĩnh Chi, ta sẽ thấy trong sử triều Trần và sách Cát Xuyên Tiệp Bút của cụ Trần Tiến, người Điền Trì, huyện Chí Linh, nay không nói nữa, sợ thừa …“ Xem thế, ta có thể đoán định, sách Cát Xuyên Tiệp Bút cũng như Công Dư Tiệp Ký, cùng 1 nội dung tư tưởng, cùng 1 lề lối biên chép. Vậy Đăng Khoa Lục Sưu Giảng là của Trần Tiến.

Vậy sách này, A.224, có thể là 1 bản chép lại một bản sách Sưu Giảng nào, chép vàp khoảng đời Tự Đức, khi chép có chua thêm các lời dẫn, và phụ thêm phần Phụ lục. Bản này tuy khi chép, chữ viết xấu, sai lầm nhiều, nhưng cũng vẫn Bổ ich cho sự Hiệu thù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét