ĐƯỜNG THI
QUỐC ÂM CỔ BẢN.
TỰA
Mai Đình Đinh Thanh Hiếu
Mai Đình Đinh Thanh Hiếu
Đề tựa cho cuốn
sách: ĐƯỜNG THI QUỐC ÂM CỔ BẢN. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
Sưu tầm và biên dịch:
Nguyễn Xuân Diện - Trần Ngọc Đông.
Sách dày 536 trang. Khổ 15.5 x 23.5
Sưu tầm và biên dịch:
Nguyễn Xuân Diện - Trần Ngọc Đông.
Sách dày 536 trang. Khổ 15.5 x 23.5
Người xưa có nói: “Thơ là tâm của trời đất”, là vì người là đức của trời
đất, là giao hòa của âm dương, là hội tụ của quỷ thần, là tú khí của ngũ hành;
mà thơ là nói lên cái chỗ mà tâm người ta hướng tới, ở tại tâm là chí, phát ra
lời là thơ. Thế cho nên cổ nhân cho rằng chính đắc thất, động thiên địa, cảm
quỷ thần thì không gì gần bằng thơ, cũng vì thơ là tiếng nói của lòng người, mà
có sức lan tỏa, sức lay động rất lớn vậy.
Thơ Trung Hoa đến đời Đường được xem là cực thịnh, danh gia nối nhau
xuất hiện, danh tác lưu truyền ở đời, ngân nga như tiếng Cung tiếng Vũ cùng
vang, rực rỡ như sao Khuê sao Lâu cùng chiếu, độc chiếm Phong Tao mà làm chuẩn
tắc mô phạm cho đời sau, là điều mà ai cũng biết.
Tuy nhiên, thơ là thứ màu sắc ở ngoài màu sắc, mùi vị ở ngoài mùi vị, đã
không dễ gì mà nhìn ra vẻ đẹp của nó, cảm nhận vị ngon của nó, lại thêm nam bắc
bất đồng âm, nên nguyên tác Đường thi, không phải người trong Hán học thì cũng
khó thưởng thức. Vì thế, việc dịch ra quốc ngữ để công ra cho độc giả không
rành Hán văn thưởng lãm là điều cần thiết lắm. Nhưng ở thời Hán học còn thịnh,
người đọc được nguyên tác còn nhiều, thì việc các cụ dịch Đường thi ra quốc âm
có lẽ cái chính chỉ là để thỏa cái lạc thú tinh thần, để phô cái tài Nôm trác
tuyệt, mà làm một thú du nghệ dưỡng chân thôi vậy.
Các soạn giả lục tìm trong kho cổ tịch được năm pho sách dịch Đường thi
ra chữ Nôm của các nhà nho đời trước. Trong đó có tên tuổi thì có cụ Tú tài họ
Trần, có quan Cung Bảo họ Dương, có ngài Cư sĩ Đông Sơn, còn lại thì không thể
khảo được. Giở xem ngót ba trăm bài Đường thi Quốc âm, thực là muôn màu muôn
sắc, Ngụy tía Diêu vàng. Tùy theo nguyên tác và khí chất, văn tài của dịch giả
mà mỗi bài mỗi vẻ, đều có sở trường. Bài thì bình đạm tự nhiên, bài thì giản
phác chất thực, bài thì cô cao tiễu bạt, bài thì ôn hậu nhu hòa, tựu trung thì
cụ Tú tài Tử Thịnh đáng phục là tài Nôm tuyệt diệu, thơ dịch mà đến chỗ hồn hóa
cơ hồ không còn thấy dấu vết của dịch nữa.
Cách đây ngót trăm năm, cụ chủ bút báo Nam phong họ Phạm có nói: “Ngày
nay thời giờ đã coi là vật rất quý ở đời, người đời đối với ngày giời đã sinh
lòng bủn sỉn, thì cái hồn thơ lấy đâu mà lai láng được như xưa!”. Ở cái thế
giới bôn mang sau cụ trăm năm này thì hẳn cái sự bủn sỉn với ngày giời so với
thời cụ còn nhiều hơn gấp bội. Bây giờ mấy ai còn được ngồi bên văn kỷ, đốt
đỉnh trầm hương, pha chén nước trà, ngắm bông hoa nở mà ngâm thơ rung đùi làm
một cái thú đặc biệt thanh cao như cụ nói khi xưa, thế nhưng sự yêu thơ, thích
thơ, chơi thơ thì vẫn không đời nào thiếu.
Các cụ xưa đã vì lạc thú mà dịch Nôm, thì ta nay cũng vì nhã thú mà
thưởng thức. Ngâm nga ở miệng, lý thú ở lòng mà dung hội với nguồn tâm của cổ
nhân, âu cũng được nửa ngày nhàn trong cõi phù sinh này vậy.
Các soạn giả hiếu cổ cố công tìm trong di thư để cung cho độc giả, sự
dụng tâm đã thành mà sự dụng lực cũng gắng. Thế nên tôi đáp lại hậu tình mời
viết Tựa, dám lạm viết mấy dòng, cũng để tùy hỷ mà thôi.
Tháng nhất dương năm Bính thân (2016)
Hậu học Đinh Thanh Hiếu tự Kính Phủ viết tại Tâm Viễn Trai.
Hậu học Đinh Thanh Hiếu tự Kính Phủ viết tại Tâm Viễn Trai.
Tạm đọc mấy bài Phụ bản cho nó vui:
Ngày thu triêu sớm soi gương(Tiết Tắc)
Dạ khách kinh cây rụng
Đêm ngồi lặng gió thu
Sớm ngày nom mái tóc
Gương chiếu cảnh thêm sầu
Từ chàng đi ra vậy (Trương Cửu Linh)
Từ lúc chàng đi rồi
Chẳng sửa khung cửi thoi
Nhớ chàng như trăng tròn
Đêm đêm kém sáng soi
Chim kêu ở suối
Ngày nhàn hoa quế rụng
Đêm vắng núi đìu hiu
Trăng mọc chim rừng sợ
Trong khe thoảng tiếng kêu
Đất Mạnh Thành
Làm nhà cửa Mạnh Thành
Liễu yếu còn cây cũ
Sau lại biết về ai
Sông Hán người trước có
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét