Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Góp đôi chữ cho bản dịch Kim Vân Kiều ca R.560 do GS Nguyễn Văn Sâm giới thiệu trên Tập san Việt học



(BÀI GỬI ĐĂNG TẠP CHÍ HÁN NÔM SỐ 1/2023)
Nhất nhật bất độc thư; Khẩu trung sinh kinh cức(一日不讀書口中生荊棘/Nghĩa là: Một ngày không đọc sách, thì miệng sinh đầy gai góc./ 安仲根An Trọng Căn.).  Lâu ngày cũng không đọc sách. Nhân nhờ mạng truyền thông mà biết thêm được nhiều điều. Hay cũng có mà Dở cũng có. GS. Nguyễn Văn Sâm, người hăng say sưu tầm và phiên âm các bản Nôm cổ cũ. Nếu là các bản đã từng có người đi trước Phiên âm giới thiệu thì không bàn tới. Nhưng những bản mới gần đây thì rất đáng quý. Trong đó GS có 2 bài viết giới thiệu về văn bản 金雲翹歌Kim Vân Kiều ca ký hiệu R.560 của Thư Viện Quốc gia Hà Nội. Cả 2 bài đã đăng trên Tập san Việt học – Một tập san ở Hải ngoại chuyên viết về văn học, văn hóa Việt Nam. Tôi chú ý và khảo sát cả 2 bài viết này trên các nguồn:

http://viethocjournal.com/2021/02/kim-van-kieu-ca/
http://viethocjournal.com/2020/02/kim-van-kieu-ca-pho-pham-doan-truong-tan-thanh/
Vì 2 bài có nội dung gần giống nhau. Tôi xin phép copy và đăng lại 1 bài trên trang này:
http://yeuhannom.blogspot.com/2022/07/kim-van-kieu-ca-ban-dich-cua-nguyen-van.html
Sau đó lần theo nguồn văn bản trên Thư viện quốc gia theo:
https://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/21/page/4
Và cũng đăng lại trên trang này để làm tư liệu:
http://yeuhannom.blogspot.com/2022/07/nguyen-ban-kim-van-kieu-ca-cua-thu-vien.html

Sau khi đọc kỹ càng nguyên bản chữ Nho toàn văn chứ không chỉ đoạn Kim Vân Kiều ca, cũng như cả 2 bài giới thiệu của GS. Nguyễn Văn Sâm. Tôi xin trình bày suy nghĩ của mình, cũng như bổ sung vài chỗ cho bản dịch của GS. Nguyễn Văn Sâm, qua 3 chủ điểm: Nguồn gốc văn bản, Niên đại văn bản và các chỗ phiên âm Sai.


Thứ nhất, về nguồn gốc tác phẩm. Ngay tiêu đề /GS. Nguyễn Văn Sâm đã nêu đây là bản thế kỷ thứ 19 ở vùng Nam Kỳ Lục tỉnh.
Tôi dựa theo văn bản tại thư viện quốc gia đã đăng thì tôi không thấy có một dấu hiệu nào của Nam Kỳ trên văn bản này. Văn bản Kim Vân Kiều ca chỉ có 4 tờ  trong một tập văn bản chép tay gồm 14 tờ. Được Scan rõ ràng. Phần  phía sau  của văn bản thì có các bài khác có địa danh nhân danh của Bắc Kỳ.


Tờ 5a - 6a có các địa danh nhân danh như: Xã Đại Đồng, Trần Mỹ - Tuần phủ Thái Bình(ông là thân sinh của nhà văn Khái Hưng), hay các địa danh của Bắc bộ trong bài Văn Con gái tế mẹ (nhà bán than) : Núi Nùng, sông Nhị. ... Hồ Tây.

Các tờ sau còn chép thêm thơ văn của các vị: Phạm Ngọc Lan, Tam nguyên Yên Đổ, Lê Lượng Thái, Ông Tú Xương, Nguyễn Thượng Huyền, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Lương Hữu Khánh (con trai của bản nhãn Lương đắc Bằng); các bài thơ như: Đề khán đài Sơn, Phạm Trọng Yên đề Nghiêm Lăng từ, độ Giang Vịnh, Thơ Say càng hay, Cẩu tướng thi, Trị phòng thất kiêm các tích chứng hoàn. Không có dấu ấn, vết tích nào của Nam Bộ trên phần còn lại của văn bản.
Khảo sát về phông sách tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, chúng ta được biết sách Hán Nôm ở đây không hề nhiều. Và thư viện này thành lập đầu thế kỷ 20, ngay từ những ngày đầu tiêu chí của thư viện này  không phải là lưu trữ các tài liệu Hán Nôm. Nhưng từ sau năm 1954, người ta mới bắt đầu chú ý sưu tập tư liệu viết bằng chữ Hán chữ Nôm. Theo ông Phạm thế Khang (Nguyên giám đốc thư viện Quốc gia Hà Nội) trong bài viết Khảo sát sơ bộ kho sách chữ Nôm tại thư viện Quốc gia Hà Nội, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 6 năm 2004. Một số được chuyển về từ văn phòng trung ương ở chiến khu, một số do nhà Thư tịch học Trần Văn Giáp chép, sưu tập dâng tặng vào thư viện, một số có nguồn gốc thất lạc từ thư viện tòa Khâm sứ cũ, thư viện nha kinh lược Bắc Kỳ cũ, thư viện Viễn đông Bác cổ Pháp cũ, thu mua sưu tầm từ trong dân gian ... Các mốc thời gian điểm sách: 1954, 1961, 1963. 
Vâng! Đường xá xa xôi, giao thông khó khăn, lại thêm chiến sự Nam-Bắc. Không có lý nào một quyển sách từ Nam Kỳ lại chạy bộ ra Bắc Kỳ để vào bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Hà Nội? 

Thứ hai, Các chứng tích văn bản chỉ ra rằng: Đây là Văn bản chép lại của thế kỷ thứ 20 chứ không phải thế kỷ thứ 19 như GS Nguyễn Văn Sâm tự tiện xác nhận trên tiêu đề. Vì tớ thứ 8 của văn bản có 1 bài thơ mang thông điệp của thế kỷ 20. Đó là bài: Mạc giang Phạm Ngọc Lan đề Hùng Vương từcó câu
Hai mươi lăm triệu con Hồng Lạc.
Vâng ! thưa các độc giả ! Dân số nước ta khi đạt 25 triệu dân thì không phải là thế kỷ thứ 19 được. Chúng ta còn ghi nhớ câu thơ than tuyệt của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đề Mậu Thìn xuân (1928)cảm tác in trong Khối tình con III năm 1932
"Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con"
Con số 25 triệu dân năm 1928 của Tản Đà và 25 triệu con Hồng Lạc của Phạm Ngọc Lan cho thấy : Không có cơ sở khẳng định văn bản của thế kỷ 19. Như GS Nguyễn Văn Sâm viết ở tiêu đề.

Thứ ba, về bản Phiên âm. GS. Nguyễn Văn Sâm đã phiên âm trọn vẹn phần Kim Vân Kiều ca. Từ tờ 1a đến hết tờ 4b. Với dòng kết: 翹錄終Kiều lục chung/ Chép về Kiều hết. Bản này chép tay chữ Nôm phóng khoáng, liền mạch chữ rất đẹp, đọc rất thích. Chỉ có khoảng 25 chỗ cần chú ý. Tôi đã đánh dấu đỏ và chú thích theo ảnh:
Tờ số 1 : GS phiên chữ số 1 là : Hỏi Vương Quan cho tỏ sự duyên do.
Đúng là: Hỏi Vương Quan cho tỏ biết duyên do. Chữ BIỆT別 viết thảo, đọc là BIẾT.

Chữ BIỆT trong sách dạy Thảo thư của Trung Quốc; 
Chữ BIẾT trong nguyên bản
Chữ số 2 thì viết như chữ PHÂN分, nhưng thực ra là chữ NGHI 疑 viết Thảo - Đọc là NGHỜ. Đối chiếu với các câu dưới thì GS đọc chữ này đúng, tôi chỉ bôi đỏ để chú ý cách viết kỳ lạ này.
Chữ số 3: GS phiên là TRỞ, tôi thấy tự hình là chữ TÚC 足+ PHẢN反. Nếu để đọc là PHẢN cho đúng với Thanh phù. Nhưng đọc TRỞ là theo nghĩa cũng không sao. 
Chữ số 4: là chữ KIM 金viết thảo. GS phiên là: Gốc phù dung gặp gã Trọng lang.
(Tôi chưa từng biết một nhà nghiên cứu Truyện Kiều nào, một nhà Kiều học nào lại gọi Kim Trọng bằng từ Trọng lang重郎?; Đến ngay cả Thúy Kiều là người yêu của Kim Trọng cũng không dám gọi: chàng Trọng重郎. Mà phải thốt lên: Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!)
Đúng là:  Gốc phù dung gặp gã Kim lang金郎
Cụm bôi đỏ số 5 - 6 là cụm có chua thêm hàng chữ nhỏ bên cạnh. 

Số 5: thì GS không đọc theo chú tác giả sửa mà vẫn đọc chữ trong hàng: XẾP KHÚC HOẠ攝曲画. Chữ Họa viết dị thể.

Lắng tai nghe vẳng vẳng tiếng nàng,

Xếp khúc họa cung đàn xang cống.   
Chữ chua nhỏ bên cạnh số 5 là ba chữ "拔渃眛VẠT NƯỚC MẮT". Đây là đoạn diễn tả lại cảnh Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe. Với những vần thơ rất là nổi tiếng. Vần thơ ai oán Bi sầu: 
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần Luyến chúa nửa phần tư gia.
Tác giả Kim Vân Kiều ca đã diễn lại bằng hai câu, nhưng trong đó viết nhầm ba chữ nên họ đã chú thích ở bên cạnh sửa lại là: 
Lắng tai nghe văng vẳng tiếng nàng,
Vạt nước mắt cung đàn sang cống.
Cụm bôi đỏ số 6: thì GS lại đọc chữ của dòng chú thích bên cạnh, nhưng không đọc được hết. Chú 5 chữ thì GS chỉ đọc có 3: GIỮ TIẾT TRINH. 

Lúc mê man toan giở giọng lần khân.

Giữ tiết trinh vâng chịu ân cần,   
Đoạn này cũng vậy, đoạn mô tả rất quan trọng trong truyện Kiều. Khi Kim Trọng mê say có thái độ lả lơi: 
Sóng tình giường đã siêu siêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.
Và kiều đáp lại: 
Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt lại đền bồi có khi!
Cụm số 6, nguyên hàng chính chép là: nể lòng chàng vâng chịu ân cần. Bên cạnh chua sửa lại 5 chữ. GS Sâm đã đọc 3 chữ là GIỮ TIẾT TRINH, còn thiếu hai chữ. Ở đây GS đã nhầm chữ GIỮ 𡨸và chữ CHỮ𡦂 Tôi xin phép đọc lại cho đúng và thêm 2 chữ mờ mà GS không đọc được là: Chữ tiết Trinh chớ gấp.𡦂 節 貞勿吸
Đọc đúng cả cụm là: 
Lúc mê man toan dở giọng lần khân,
Chữ tiết Trinh chớ gấp ân cần.

Tờ số 2: Ở đây có hai từ rất quan trọng mà GS đã nhầm. Là chữ bôi đỏ số 7: DU LÃM/ 遊覽. Chữ LÃM viết giản thể 览 GS đọc là "DU GIÁC 遊覺" chú thích đó là từ "VƠ VÉT". Đọc giọng Nam bộ là "DƠ GIÉC". Một sự nhận LẦM, nhận VƠ cho Nam Bộ - RẤT ĐÁNG YÊU. Ở đây GS. Nguyễn Văn Sâm đã suy diễn rất tùy tiện. Vì phương ngữ Nam Bộ tuy có hơi khác Bắc Bộ nhưng viết chữ thì họ viết giống nhau. Ví dụ bằng chữ Quốc ngữ, nếu như họ nói mời ai vào nhà thì phương ngữ là: DZÔ NHÀ. Nhưng viết thì người Nam Bộ vẫn viết: V-Ô: VÔ/ VÔ NHÀ. GS lại suy diễn ngược là viết chữ Nôm DU GIÁC để ghi âm từ VƠ VÉT. Thật là buồn cười!DU LÃM ở đây chỉ có ý nói, bọn sai nha lởn vởn.
Chữ bôi đỏ số 7a: GS đọc nhầm chữ PHÚT丿. Đúng ra đó là chữ Tiền 钱viết thảo dị thểり. GS đọc là: Bán mình đã tờ giao PHÚT lấy. Đúng cả câu là: Bán mình đã tờ giao TIỀN lấy. 
Chữ bôi đỏ số 8: GS đọc là TRÁT扎 là không đúng. Đây là chữ LỄ 礼giản thể, sát nghĩa hơn là chữ TRÁT 扎. Vì đây là HỐI LỘ.
Chữ bôi đỏ số 9: GS đọc là CHIỀNG cũng đúng, với nghĩa là TRÌNH BÀY . Nhưng âm Nôm đọc là TRÌNH cũng đúng. Đọc là CHIỀNG nghe quá cổ. 
Cũng hoàn cảnh ngữ pháp này ở câu dịch số 46 tờ 1b, khi Kiều nói chuyện với Kim Trọng. GS đọc là: Trình song thân định liệu nhơn duyên; Đến câu 70 tờ 2b GS lại phải đọc: Chiềng song thân sau trước cụ trần. Vậy là không nhất quán trong ngữ pháp và cách đọc? 
Chữ bôi đỏ số 10: GS đọc là HỮU TƯỚC 有爵, là nhận nhầm tự dạng của chữ HỮU, và không chú thích. Đây là hai chữ TIẾN TƯỚC進爵: nghĩa là dâng chén trong thờ cúng. Ý chỉ nơi có bàn thờ của thần Bạch My. Có 2 người con gái đứng dâng chén cúng làm lễ. Tôi bôi đỏ để làm dấu chú ý cách chú thích của người xưa. Đọc lại là:
Thấy hai ả cài trâm rắt lược,
Đứng đôi bên Tiến tước Bạch Mi thần.
Chữ bôi đỏ số 11: GS băn khoăn giữa chữ BẢO保 và chữ NGƯỜI𠊚. Tôi xin bôi đỏ xác nhận chữ đó là chữ Bảo保.
Chữ bôi đỏ số 12 là chữ NHỮ 汝đọc NHỠ. Nhưng GS lại đọc NHỞ, ra giọng Nam Bộ? Kỳ quá! (Chữ 1 đằng lại phiên giọng 1 nẻo, không chịu phiên theo giọng Bắc, cứ phải giọng Nam mới chịu)
Cụm bôi đỏ số 13: GS đọc là "NỖI ẾCH浽螠", là nhầm. Chữ đó là 咹虫盖ĂN TRỘM. Nguyên đoạn đó là nói Thúy Kiều muốn Thúc sinh về trình báo với Hoạn Thư, về việc lấy Kiều làm vợ lẽ. Để cho êm đềm gia đạo. Nguyên tác trong Truyện Kiều chữ Nôm là:
Dễ lòa yếm thắm chôn Kim,
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng.
Điển bưng mắt bắt chim, về sau còn được cụ lương y Trương Cam Vũ dịch ngược ra Hán Văn là đạo linh yêm nhĩ/盜鈴掩耳/bịt tai trộm chuông. Âm đúng của hai chữ đó là "ĂN TRỘM". Chữ TRỘM = bộ Trùng  + chữ Cái盖. Chữ CÁI nghĩa là TRÙM, CÁI LỌNG, CÁI TÁN (trong nghĩa BAO TRÙM),- mượn ÂM theo Nghĩa. Bộ Trùng dùng như dấu Nháy Cá. 
Đọc cả câu đúng là:
Đêm ngày giục thúc Sinh quy cáo,
Phận tiểu tinh ngại có tương lai.
Chẳng ai ngờ ăn trộm bưng tai,
Cho đến nỗi lâu đài tan tác.
Tờ số 3: Chữ bôi đỏ số 14: GS đọc là MUỐN闷. Nếu đọc là MUỐN nghe hơi kỳ. Vì Kiều lúc này đã là nô tì, không thể muốn chồng người khác được. Nên đọc là MUỘN, với nghĩa là động từ làm cho phiền muộn chồng ta. Đúng với lời Hoạn Thư trong nguyên tác truyện Kiều: 
Tiểu Thư vội thét con Hoa!
Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn.
Hay đoạn sau bắt Kiều gảy đàn trong nguyên tác:
Tiểu thư lại thét lấy nàng:
Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi\?
Cụm từ bôi đen số 15: là hai từ đã bị bôi sửa. GS đọc là CHÓNG TỰU扌+眾就. Nhưng mà không đúng. Hai chữ đó không phải là hai chữ CHÚNG TỰU ghép thành, mà là hai chữ LIỄM THỦ撿取 (nghĩa là nhặt lấy, thu vén vào) viết tháu, viết có xóa sửa. Mượn nghĩa chữ Hán. Nguyên câu sẽ là:
Sẵn mọi đồ chuông khánh Kim Ngân,
Đem dắt để hộ thân liễm thủ
Cụm bôi đỏ số 16: GS đọc âm Nôm là CỨNG CỔ. Chỗ này tôi muốn cười một chút! Vì GS cứ cố gắng đọc Nôm một số từ Hán Việt. Nếu như tôi là một người xuất thân Hán học, tôi sẽ đọc CẮNG CỔ 古 với Nghĩa Hán. Ý tứ oai hùng hơn rất nhiều. Vì nghĩa của từ CẮNG CỔ, có nghĩa là xuyên suốt xưa nay hiếm, thường có câu 古英雄Cắng Cổ Anh Hùng, với nghĩa là người anh hùng xưa nay hiếm có. Hoặc tra Google là ra ngay, CẮNG CỔ là 1 từ cực kỳ nhã dụng trong Cổ Hán ngữ, người xưa hay dùng: Cắng cổ dĩ lai亘古以来: từ xưa tới giờ, Cắng cổ chí kim亘古至今/ từ xưa đến nay, Cắng cổ vị hữu亘古未有/Xưa nay chưa từng có, Cắng cổ bất diệt亘古不灭 /Bất Diệt Từ xưa
(https://cd.hwxnet.com/view/dghbngiieljknjmf.html)



Tờ số 4: Chữ bôi đỏ số 17: GS đọc là Ô VIỆN. Nhưng không có ông nào tên Ô VIỆN, chỉ có ông MÃ VIỆN. Chữ MÃ 馬chép nhầm thành chữ Ô烏. Mã Viện cũng xuất thân là dân khởi nghĩa, sau theo hàng nhà sau theo hàng nhà Đông Hán thành bậc nguyên lão đại thần trung hưng Hát thất. . Ý tác giả Kim Vân Kiều ca đang dùng điển Hoàng Sào và Mã Viện, thay ngôn từ của Kiều khuyên Từ Hải về với triều đình. Hoàng Sào bị chê, Mã Viện thì được phong hầu:
Xem chàng dở những đồ chinh chiến,
Như Hoàng Sào - Mã Viện có ai khen
Chữ bôi đỏ số 18: GS đọc là chữ MỖI, nhưng SAI. Đúng là chữ CAO 高 viết theo lối Thảo.
 Chữ bôi đỏ số 19: GS đọc là chữ ĐẾN, nhưng SAI. Đúng là chữ THẢ 且 đúng với nghĩa của nó: VẢ LẠI, ĐẾN KHI. Chứ không phải là chữ viết nhầm của chứ ĐÁN 旦 như GS suy luận.
Chữ bôi đỏ 19a: thiếu chữ LÀM, người viết chú thêm bên cạnh. Đúng đủ cả câu: Ép nàng vào LÀM vợ thổ quan.
Chữ bôi đỏ số 20: là chữ THUYỀN船. Tôi không hiểu vì sao mà giáo sư lại đọc là chữ THOÀN?  Có phải chữ THOÀN cổ hơn hay Nam Bộ hơn? Đọc là Thoàn thì sẽ ép vận với chữ 錢Tiền câu ở dưới. 
Cụm bôi đỏ số 21: GS còn để "chất chính", và đặt nghi ngờ là viết nhầm của Ô TRƯỢC, nghĩa là Ô TRỌC, là bẩn thỉu. Làm ý thơ thành ra "Rửa sạch ô trọc". Nhưng mà là SAI, vì nếu sai chữ TRƯỢC 濁 ra chữ THƯỚC thì lại sai cả chữ Ô, phải là Ô 汙trong cụm Ô NHIỄM 汙染chứ. GS suy luận NHẦM, vì cứ thích đọc giọng Nam Bộ. Chữ đọc là Ô THƯỚC烏鵲 là ĐÚNG, là điển Cầu Ô Thước trong sự tích Ngưu Lang-Chức Nữ, chỉ sự xa cách chia phôi. Nay "rửa sạch mùi Ô thước" là rửa sạch Mùi chia li xa cách bấy lâu.
Chữ bôi đỏ số 22: GS đọc là chữ NGHĨ, nhưng đây lại là chữ CŨNG 拱.
Cụm bôi đỏ sô 23+24: là hai cụm từ y hệt nhau ở gần nhau như vậy mà GS lại đọc một cụm trên là NẢI HỐI, cụm dưới là SÁM HỐI懺悔. (Chữ SÁM viết dị thể 忄bộ tâm+ 乃nãi. Gần nhau như vậy mà cũng không THẤY?)
Cuối bài viết của mình giáo sư còn có đôi dòng chữ Nôm. Bày tỏ tình cảm với một người bạn bị ốm, không thể đọc chọn hết được quyển sách cuộc đời(?). Người bạn này có vai trò quan trọng trong quá trình Phiên âm Nôm của GS(?).

" 孫賢被瘖 (愴過)空体讀𠓻巻冊局𠁀 (隈斷膓)
𢖵 𡨸 “愴”…Tôn Hiền bị ốm(Thương quá), không thể đọc trọn quyển sách cuộc đời(Ôi ! Đoạn Trường); Nhớ giữ Thương ..." 
Trên đây là những ý kiến của tôi về bản dịch Kim Vân Kiều ca R.560 TVQG, do GS Nguyễn Văn Sâm giới thiệu trên tập san Việt học. Bài này GS đã nhận LẦM đây là văn bản có nguồn gốc Nam Bộ, nhưng không đúng, vì không hề có Dấu Ấn Nam Bộ nào trong văn bản. Chưa tính đến, các tác giả được nêu ở các trang sau của văn bản như: Trần Mỹ(thân sinh của nhà văn Khái Hưng), Nguyễn Khuyến, Tú Xương, thì văn bản này cũng phải của đầu TK 20 chứ không phải của thế kỷ 19 như tiêu đề GS đã nêu. Trong phần Phiên dịch, GS đã phiên hết nhưng có vài chỗ Phiên âm, Chú thích và Suy luận hơi miễn cưỡng. Chỉ cố gắng đọc cho ra Nôm Nam Bộ cho đến hết. Xử lý văn bản thiếu chuyên nghiệp, dường như không có so sánh đối chiếu với Nguyên tác của Truyện Kiều, dù GS thể hiện rằng mình rất yêu thích Truyện Kiều nhưng lại không đối chiếu Truyện Kiều. (?). Các chú thích, chua bên cạnh, bôi xoá chữ đọc được, chữ không đọc được. Có nhiều chỗ rất cơ bản của Thư pháp chữ Thảo, của chữ Dị thể, của Cổ Hán ngữ thì bài dịch của GS lại không trình bày. Cuối bài viết GS có mấy chữ Nôm cảm xúc. Tôi thấy cách dùng Nôm và đọc Nôm của GS khá là đặc biệt. Chắc là GS có tiêu chuẩn của riêng mình! Dẫu sao, thì một bản Kim Vân Kiều ca cũng đã ra mắt độc giả, dù là xuất phát của Bắc kỳ hay Nam kỳ thì nó cũng làm phong phú hơn cho kho tàng truyện Kiều, kho tàng văn học Nôm Việt Nam. Tiếng Bắc hay tiếng Nam thì cũng là một chữ viết của ông cha để lại. Đọc sao cho trúng ý của người xưa, trúng với tinh thần 崇文尚学Sùng Văn Thượng Học của dân tộc.Với tình yêu văn học cổ Việt Nam, 隻字無遺Chích Tự Vô Di. Tôi sẵn lòng góp ý thêm cho các bài viết khác, nếu thấy cần thiết ... và Có Thời Gian.
Tôi xin cảm ơn các độc giả! 

越西侶盥Việt Tây lữ quán. 2022
舜民阜元氏Thuấn dân phụ nguyên Thị khảo.
Nguyễn đức Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét