Tư liệu về Hải Quận công -Tiến sĩ Phạm Đình Trọng trong gia phả
Phạm Thị Hà
Châu
Nguyễn Đức Toàn
Viện nghiên cứu Hán Nôm
Phạm Đình Trọng(1714-1754), nhân vật lịch sử ở thế kỉ XVIII. Đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu 5 (1739) đời
Lê Ý Tông. Là người có công lớn với triều đình Lê-Trịnh trong công cuộc bình ổn
các cuộc nổi dậy của phong trào nông dân Đàng Ngoài. Đặc biệt sự đối đầu giữa
ông với Thủ lĩnh khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu lưu truyền đến nay thành một giai
thoại. Trước đã có nhiều nhận định về tài năng đức độ của ông, được các sử gia phong kiến ghi nhận.
Là người xuất thân khoa bảng, nhưng sự nghiệp của ông vẻ vang nhiều trên đường
binh nghiệp. Là
vị “tướng quân có Nho học”[1], rất
được chúa Trịnh Doanh tín
nhiệm. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu
gây chấn động lớn, vì Hữu Cầu dũng mãnh hơn người, lại táo bạo quyết liệt, quan quân triều
đình đều sợ. Duy ông
không sợ, chính sử còn ghi rõ: “chỉ một mình Đình Trọng thề quyết chí giết cho bằng được, nên triều
đình vững lòng dựa vào Đình Trọng. Đình Trọng cầm quân có kỷ luật, hễ trận nào
Hữu Cầu gặp Đình Trọng liền bị thua. Các tướng lúc bấy giờ, Hữu Cầu chỉ sợ có
Đình Trọng mà thôi”[2], “Trịnh Doanh nhận thấy Hữu Cầu vốn sợ Đình Trọng, nên
sai Đình Trọng đi đánh”[3]. Khi làm Trấn thủ Nghệ An, ông đã vâng
theo chỉ dụ đề xuất nhiều cải cách sửa đổi các tệ hại cho dân vùng này[4].
Ông mất khi đang tại nhiệm lúc mới 40 tuổi, triều đình mất đi trụ cột. Năm 2010,
đã có cuộc “Hội thảo khoa học về thân thế
và sự nghiệp của tiến sĩ Phạm Đình Trọng”. Trên Tạp chí Hán Nôm cũng đã có
2 bài viết liên quan đến Phạm Đình Trọng[5].
Chúng tôi trong quá trình nghiên cứu đã được tiếp cận tập gia phả của dòng họ
Phạm, trong đó có những tư liệu Hán Nôm liên quan đến cụ tổ của dòng họ, Hải
quận công Phạm Đình Trọng. Gia phả được biên tập, chép lại dưới thời Nguyễn,
một số điểm nhầm lẫn cần được đính chính, nhưng giá trị tư liệu vẫn được ghi
nhận. Nhận thấy giá trị của tập gia phả sẽ bổ sung thêm cho nghiên cứu về nhân
vật lịch sử này. Chúng tôi xin trích dịch nghĩa trong gia phả và giới thiệu
phần chép về cụ Triệu tổ Hải quận công Phạm Đình Trọng, mong góp phần tư liệu
cho nghiên cứu nói chung.
Tổng thể thông tin về
Phạm Đình Trọng trong gia phả có thể chia thành các phần:
-
Giới
thiệu về nguồn gốc Triệu tổ Hải quận công Phạm Đình Trọng từ các cụ thời Lê
Hồng Đức.
-
Điềm
thần giáng sinh.
-
Thi
đỗ, làm quan và quá trình tham chính.
-
Văn tế Phạm Đình Trọng.
Phạm gia phả chí tiền biên.
Triệu tổ Hải quận công Phạm Đình Trọng. Người Khinh
Dao, Giáp Sơn, Hải Dương. Là chắt của cụ Thừa tuyên Phạm Bỉnh Di thời Lê Hồng
Đức. Cụ Phạm Bỉnh Di sinh ra cụ Phạm Đình Nguyên. Cụ Phạm Đình Nguyên thi đỗ khoa Hoành từ
đời Quang Thiệu, quan làm Hàn lâm Học sĩ. Cụ Phạm Đình Nguyên sinh ra cụ Phạm
Đình Giáp. Cụ Phạm Đình Giáp đỗ Hương cống đời Nguyên Hòa. Sau lại theo Trịnh
Chiêu Tổ[6]
đánh nhà Mạc, được ban chức Hữu tham quân. Cụ Phạm Đình Giáp lấy vợ là con gái
Lê Chỉ huy người Khoái Châu, sinh ra hai người con trai. Người con trai lớn tên
là Phạm Đình Bình. Năm Vĩnh Hựu thứ nhất(1735), Phạm Đình Bình thi đỗ Hương
cống, làm quan Hàn lâm. Triệu tổ là con trai thứ hai.
Ban đầu, Lê phu nhân nằm mộng thấy thần Ngũ Hồ[7] vào
nghỉ, từ đó có thai rồi sinh ra ông. Ông tướng mạo tuấn tú, nghiêm trang như
thần. Thuở còn nhỏ khi chơi, ông thường tập bày các đồ tế lễ, tập tành lễ nghi.
Lại thường tự ngâm nga rằng: “Trời chẳng
già đất chẳng già. Năm hồ bảy miếu một mình ta”[8].
Quan Tham quân mỗi lần thấy vậy thường lấy làm lạ kì. Sau này, có một người
Trung Quốc xem tướng cho ông, thấy tướng mạo trông giống tượng thần Ngũ Hồ, thầm
cho là kì dị, dò hỏi, biết rằng giờ ngày tháng năm sinh của ông đúng vào thời[9]
gian miếu thần Ngũ Hồ xảy ra sự biến động lạ kì. Khi đó mới hay ông là do thần
Ngũ Hồ giáng sinh. Khi 16 tuổi, ông tham gia kì thi tiến sĩ năm Vĩnh Hựu thứ 5
đời vua Lê Ý Tôn[10] (1739).
Khảo quan Nguyễn Trọng Quát xem văn ông đã dự biết triều đình tìm được người tài.
Năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740), ông được ban chức Giám sát Ngự sử.
Có hôm, vào trầu trở về, lưu nghỉ lại ở Kim Thành, xã Hoàng Xá. Có bắt
được trùm giặc là Quận Gió[11]
trốn dưới đống củi. Ông lệnh sai giải về nộp được ban thưởng ba trăm quan tiền.
Khoảng trong năm Ất Sửu (1745)[12],
ông làm Hiệp đồng kiêm Phòng ngự sứ, lần lượt bắt được giặc Nguyễn Cừ, Nguyền
Tuyển[13] ở
núi Ngọa Vân. Khi đó, trong nước đạo tặc nổi lên như ong. Trong đó có Nguyễn
Cầu[14]
là ghê gớm hơn cả. Cầu là người ở Lôi
Động, Thanh Hà, Hải Dương, tục gọi là Quận He[15].
Tương truyền đó là thần Hải Ngư thác sinh. Trước đây, Cầu cùng với ông cùng học
với thầy Tiến sĩ họ Đặng ở Chương Đức. Nguyễn Cầu thường bài chiếm được hạng
ưu, tính hay ngạo ngịch tự phụ tài năng của mình, xem thường những người đồng
lứa. Đặng Tiến sĩ vì thế thưa nhạt với Cầu mà lại quý trọng ông. Vì lẽ cả sự học và phẩm hạnh của ông đều tốt.
Cầu do đó sinh lòng đố kị, dần thành ra đối địch với ông. Thường lấy văn từ để
khiêu khích, nhưng ông chỉ coi sơ qua không để bụng. Khi vào kì thi Hương, Cầu
không đỗ, nhưng thấy ông đoạt giải. Cầu lại càng bất bình không làm gì được.
Sau ông lại lừng lững đỗ đại khoa. Cầu
chất chứa lòng đố kị thành sự thù hằn, liền kết bè đảng làm loạn ở Nam Sách,
đào phần mộ tổ tiên ông, bắt giữ mẹ đẻ của ông, lại muốn bắt được ông mới cam
tâm. Cầu có dũng lực như thần, mỗi khi lâm trận thường cầm đao lên ngựa lao
thẳng về phía trước không ai đương địch. Người đương thời thường gọi Cầu là
Hạng Vương nước Nam [16]. Quan
quân mỗi lần lâm trận đều bị Cầu đánh bại.
Ông phụng mệnh thống lĩnh thủy quân đóng ở bờ biển Đông Triều, dùng kì
binh, bày thế hiểm yếu, thề quyết không đội trời chung với giặc. Có hôm, ông
ngồi trong khoang thuyền, Cầu liền lặn xuống nước bơi đến chỗ thuyền đậu rồi
nhảy lên thuyền ông. Ông nhanh chóng đến cửa khoang hô lớn rằng: “Ta đã chém
được đầu Quận He”. Các tướng sĩ nghe tiếng đều đã nhất loạt chạy xô lại. Cầu sợ,
nhanh chân nhảy xuống nước, lặn xuống dưới mái chèo. Ông lệnh tướng sĩ cầm giáo
đâm thẳng xuống nước. Cầu ngay lập tức liền trốn mất.
Hôm khác, ông ghé qua bến sông, giặc Cầu bất ngờ đem quân đến vây. Ông
dẫn thủ hạ gia sức đánh, giết chúng khá nhiều. Cầu mới phải rút quân về. Vua
Hiển Tôn nghe tiếng, khen ông dũng tráng,
chiếu phong là Dao Lĩnh hầu.
Khoảng năm Nhâm Tuất (1742), ông được triệu về kinh làm chủ khảo thi Hội[17]. Việc
xong, ông lại cùng Tuân Quận công lĩnh binh đi dẹp giặc. Vua Hiển Tôn chiếu hỏi về việc quân cơ, ông ứng đáp mình
bạch đâu vào đấy. Nhà vua vui mừng, gia phong ba cấp, ban thưởng ba trăm quan
tiền.
Lúc bấy giờ, giặc Cầu chiếm cứ Đồ Sơn, với thuộc hạ 18 người đều xưng là quận
công, tinh binh có hơn ba vạn. Lại xây nhà Hoàng ốc, dựng cờ Tả đạo[18];
đắp thành đào hào nghiễm nhiên lập nước chống nghịch. Nhân dân ven biển đều chấn
động. Ông thống lĩnh quân tiến thẳng đến Kinh Môn. Lệnh cho ba quân tìm nơi cao
hạ trại, ngầm lệnh cho thủy quân cắt đường biển tuyệt đường lương thực của
giặc. Lại cho quân đặt pháo trên đỉnh núi bắn vào đồn giặc. Quân giặc không đề
phòng, bị đánh bất ngờ mà tự vỡ tan. Cầu liền bỏ thành chạy về Kinh Bắc. Ông
lại chỉ huy quân truy đuổi, đánh bại chúng ở Thương Giang. Nghe tin thắng trận,
vua Hiển Tôn vui mừng, ngự bút viết bốn
chữ đại tự “Văn võ toàn tài文武全才” ban cho[19],
đồng thời thưởng mười lạng vàng. Ông lĩnh thưởng tạ ơn, luôn lấy việc bình giặc
dã làm trách nhiệm[20]
của mình. Khi ấy, giặc Cầu bị thất bại nhiều lần, binh lính ít, sức cùng kiệt, mưu tính
chạy trốn nơi xa. Một hôm, sai người đưa thư cho ông. Ông mở xem thấy có một vế
đối: “玉藏一点出为主入为王Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa nhập vi vương/ Kĩ càng
ngọc báu, một khi đã lộ, ra thì làm chúa, vào thì xưng vương”. Tỏ cái lòng tự đại
như vậy đấy[21]. Ông bèn trả lời lại rằng “土截半横顺者上逆者下Thổ tiệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ/ Đất xẻ nửa
bên, người theo ý trời, thuận đấy là lên, nghịch
đấy là xuống”. Có ý coi Cầu là giặc phản nghịch[22].
Cầu hổ thẹn.
Năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), Cầu trốn vào Nghệ An, kết bè đảng ở vùng Thanh Hóa. Ông
cùng với một người trong họ là Viêm Thọ hầu Phạm Đình Sĩ[23] dẫn
quân tiêu diệt chúng. Qua hơn mười trận giao chiến, mới bắt được Cầu ở Quỳnh Lưu, đóng cũi áp giải về kinh. Trong khoảng mười
năm Nguyễn Hữu Cầu tác loạn đến giờ, ông rong ruổi chiến trường, nhung mã gian
nan có thể thấy được. Sau khi khải hoàn, vì có chiến công mà được tăng lên chức
Thượng thư Bộ binh, gia phong hàm Thiếu bảo, sắc phong Dương Vũ Tuyên Lực công
thần, Hải Quận công, được ban ruộng thế nghiệp 150 mẫu.
Trước đây, ở châu Vạn Ninh có bến Hồng Đàm[24]
là một nơi hiểm yếu của biển Đông, thường có thổ phỉ tụ tập bè đảng cướp bóc
thương lái. Trải qua nhiều năm, Tổng đốc Quảng Châu cùng Trấn thủ Yên Quảng[25]
nhiều lần hợp sức đánh, nhưng không trừ được. Ông phụng mệnh đi tuần tra vùng biển,
dùng kế đánh úp tận sào huyệt, bắt sống kẻ cầm đầu thổ phỉ cùng đồ đảng 70 tên,
đóng cũi áp giải về
Quảng Đông. Ông lại đích thân đến tận Long Môn[26] cùng
gặp mặt quan Trấn thủ. Người Trung Quốc thấy ông đều khen ngợi không ngớt, tiếc
rằng ông tài lớn sinh ra ở nước nhỏ, bậc chính nhân quân tử mà phải phụng sự
quyền thần[27]. Sau đó
Tổng đốc Quảng Đông đem việc này tâu với vua nhà Thanh. Vua nhà Thanh cũng khen
ngợi, sai sứ ban cho ông mười lạng vàng và một trăm tấm lụa Tàu, đồng thời ban
cho hàm Thượng thư. Do đó người đương thời thường gọi ông là Lưỡng quốc Thượng
thư.
Năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751), ông phụng mệnh đến cai quản đất Nghệ An, kiêm quản châu Bố
Chính, cai trị dân chúng có nhiều công tích. Ông từng phân định một vụ tranh
tụng như sau[28]:
“Năm Tân Mùi (1751), ta phụng mệnh đến trấn, thường ra chơi ở
gần đình, thăm hỏi dân chúng nghèo khổ bệnh tật. Một hôm, thấy một ông lão,
tuổi chừng hơn sáu mươi, miệng ngậm cỏ, tay cầm đơn, lưng còng,
đứng trước đình. Hỏi thì ông lão trả lời rằng lão là người xã Yên Sơn châu Bố
Chính này, trước đây đã bị xã Tiên Lăng bên cạnh tranh đoạt địa giới. Vì thế mà ông cụ vừa khóc vừa buồn rầu bày tỏ tâm
tình, người nghe nào cũng thấy cảm động, buồn bã. Ta cũng không thể cầm lòng,
tức thì sai Lí Tam, Trương Nhị[29]
câu tra cả hai xã kêu kiện và bên bị kiện. Tìm hiểu nguyên do, thì chúng dẫn
viện chứng cứ, chỉ ra chỗ nọ là suối Côn Bố, chỗ kia là đỉnh núi Động Am, ruộng
kia là ruộng Thùy Hoạch. Đồng thời nghe rằng trước đây, vụ việc này đã từng được
quan châu phân giải. Ngang dọc đặt đá bốn phía, dấu cũ rõ ràng như thế, thế mà câu
tra hai xã ở sân, nghe lời tranh giành như chuyện nước Ngu nước Nhuế[30],
thị phi không thể nào phân biệt. Tiếp đó, ta sai người xem xét trong bản đồ,
thì sông suối, núi non miêu tả
không chân thật. Ta cũng thấy nghi ngờ. Thời gian trôi qua, vào mùa xuân năm Nhâm
Thân (1752), ta dẫn quân giải quyết việc biên thùy phía nam, xử lý việc biên
ải, vô tình lại được qua vùng đất này. Nhớ lại việc ấy, tức thì gọi người quản
voi đưa voi lên đỉnh núi cao. Nhìn về bên phải kênh le[31]
đá dựng lởm chởm, nhìn về bên trái vực nước thẳm mênh mông; Ngó về phía nam
nước sông Tranh xanh thẳm, trông về phía đông cồn Sa sơn cát trắng. Lặng nhìn
bốn phía, tầm thu hết cả nước non miền Bố Chính. Tức cảnh sinh tình, ngâm mấy câu
thơ “Hoành sơn trời một góc, Nam
hải nước muôn trùng” như thế như thế. Ngâm xong cúi xuống quan sát hình thế
hai xã Tiên Lăng, Yên Sơn, đích thân nhìn ngắm, rõ ràng như thu hoạch được cả. Khi đó dân hai bên nguyên đơn và bị
đơn hai xã mấy chục người la liệt bái lậy bên trái đầu voi. Ta nhất nhất chỉ
thị, đây không phải là núi chùa Động Am hay sao? đây không phải là suối nước
Côn Bố hay sao? Đấy chẳng phải là nơi các người tranh chấp đấy ư. Chúng đều “dạ,
dạ” thưa vâng. Duy bên xã Tiên Lăng có mấy người điêu toa tranh cãi không thôi,
cứ khăng khăng nói đi nói lại về dấu chùa nọ đá kia. Ta giải cho biết điều rằng:
“Các ngươi đúng là bọn dân ngu tối hẹp hòi. Chùa có thể nghiêm trang thế, nhưng
núi có thể dời được chăng!. Đá có thể chuyển được, nhưng suối có thể đổi được
chăng!. Các ngươi quan sát một dải ven núi này xem, từ phía tây bắc lại, từ
Lũng Bộc đến Động Công, tiếp Động Cao, lên đến Động Am rồi thôi. Hết núi rồi
lại suối, phía đông suối có một khoảng ruộng muối chẳng phải là xứ Chú Trầm hay
sao. Hết suối rồi đến sông, phía bắc
sông là một con đường đó chẳng phải là xứ Thùy Hoạch hay sao. Lại tiếp xem cổ
bạ, ruộng của Yên Sơn phía tây thì gần đến chùa Am, phía nam thì đến tận giữa
dòng suối, rõ ràng như thế. Đỉnh núi phân đông tây, dòng suối chia trên dưới.
Trên phía tây là Tiên Lăng, trên phía đông là Yên Sơn. Hai trăm năm trước quan
Hiến ti đã từng đoán định, sự tích rõ ràng như thế. Các ngươi lại dấy khởi tà
tâm, cậy mạnh ức hiếp người yếu, là kẻ sai trái. Luận đầu mối khởi sự tranh chấp.
Đấy là tội xâm lấn đất láng giềng đã càng rõ, lại theo dấu đá lì gian ngoan,
càng thêm đáng ghét, là lẽ làm sao! Các người đã biết tội hay chưa? Bọn người Tiên Lăng mặt mũi dò xét như câm
như dại. Thật đúng là “những kẻ vô tình không
thể điêu gian hết lời nữa”[32]. Lập tức trị tội mấy tên điêu ngoa, còn thì
đuổi xuống cả. Rồi sai dân xã Yên Sơn, đem đá vứt xuống sông, lại dạy từ nay về
sau không được tranh đoạt với láng giềng, tự có núi có suối làm ranh giới. Mọi
người đều vui mừng nghe theo. Nhân đó chép lại sự việc này để răn bảo hậu thế.
Đó là ngày tháng ba năm Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752)”.
Có quan Tham tụng Kiều Quận công Nguyễn Công Thái[33],
vốn là liêu hữu của ông. Khi Nguyễn công về trí sĩ, ông có có thơ tặng Nguyễn công
rằng:[34]
Khuê
chương danh giá khắp Nam thiên,
Gặp gỡ
lòng ưa cá nước duyên.
Vâng
bổng hai vầng trên mặt biển,
Rạng
ngời tám cõi chiếu mây xuyên.
Tể tướng
vững ngôi triều đình trọng,
Quy nhàn
hương xã sướng vô biên.
Xuất xử
hành tàng thời xoay vận.
Trụ nước
cao trông bậc huân hiền.
Văn chương ông hùng vĩ, ngâm vịnh khá
nhiều, đại lược được chép tường tận trong Hoàng
Việt cổ văn[35]. Ở đây không chép
hết được. Năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754), ông
mất ở tại trấn sở. Vua Hiển Tôn thương tiếc, sai quan đến dụ tế, lệnh cho Tham
tụng Nguyễn Nghiễm[36] soạn tế
văn rằng:
“Ô hô,
núi Hoành Sơn có thể mài gươm, sông La Hà[37]
có thể rửa giáp. Non sông còn mãi mà ông giờ ở đâu!. Cổ nhân nghe tiếng khánh
thì nhớ tưởng bề tôi giữ biên cương. Lòng ta thật là cảm khái. Ông một thân khí
đảm, bụng chứa giáp binh. Hơn mười năm sương tuyết xông pha, đốc sát chẳng từ
gian khó. Trải trăm trận bạt núi băng sông, cơ đồ lớn còn ghi sử sách. Nghìn
chung thấm nhuần chưa báo đáp. Vạn dặm rong ruổi càng thêm. Mỗi bàn, trọng ký
Trường Thành, còn hẹn tiếng trung nghĩa Đường triều[38]; Đồn xa
Ngũ Trượng[39], báo
đèn tàn tướng quân Hán đại. Cửa dinh hàng liễu mượt mà thủa trước, cờ mao quân
lệnh văng vẳng tiếng truyền. Ta mới cảm hoài nỗi nhớ trong bài thơ “Thái dĩ”[40], ông
sao nỡ bỗng chốc đã đến nơi ước hẹn. Nhớ ông phong thái hùng hồn, lẫm liệt giặc khiếp như gió lạnh. Nghĩ ông lòng trung
son sắt, ngưỡng trông gương sang thiên tâm. Buồn thay, tiếc thay. Đại nghĩa vua
tôi vạn cổ trường tồn. Sai quan dụ tế, mong ông hâm hưởng”.
“Ô hô, tướng
công sao sớm qua đời! Nước nhà dựa vào ông làm trụ cột, trong triều ngoài
quận dựa vào ông làm chuẩn mực. Dân chúng ngửa trông ông làm mưa ngọt, địa
phương coi ông làm dậu phên. Một thân liên hệ nặng, như Bùi Độ đời Đường, như
Hàn Kì nhà Tống[43]. Đức độ
ông đủ để trấn phục lòng dân, như phượng hạc khác thường. Tài trí ông đủ để
vượt xông vạn dặm, liệu địch như cỏ Thi, như mai rùa[44].
Khí lượng ông vạn trượng núi vàng cũng không thể leo vượt. Tấm lòng ông nghìn
tầm biển ngọc cũng khó soi cùng. Đường mây khởi lộ, cờ nha diệu toán thần cơ.
Bắt giặc dữ đưa về. Lại diệt hải tặc, trừ thảo khấu. Định Nam quốc, trấn Đông biên. Bắt sống giặc
đầu sỏ, xứ xứ yên bình. Đấy đều chỉ là thử thách võ công, chưa đủ để tận hết kì
tài thao lược của ông. Chưa đến 40 đã nhận Thượng thư, người khác là sớm, như
ông là muộn. Kẻ Nho sinh mà đốc suất quân cơ, đối với người là việc lạ, đối với
ông lại là việc đúng. Cho đến nay, danh vọng hiển vinh, triều đình dân chúng
đều suy tôn. Nhân dân Hoan Diễn e ông sớm về triều mà họ luôn cầu Phật. Nhân
dân Đông Nam
sợ ông ở mãi biên cương mà kiễng chân ngóng trông. Giặc dã chưa trừ, dân mong
ông thảo phạt. Chính trị thiếu sót, dân mong ông chỉnh sửa. Những gì còn yếu
kém dân mong được ông chấn khởi. Những gì điêu tàn, dân mong được ông làm tốt
tươi. Được tiếng tăm bình định, công trạng ông đã ghi cờ lớn khắc đỉnh cao. Sự
nghiệp kinh luân còn chưa khắc vào vàng đá để truyền bá tiếng tăm. Phận thần tử
còn chưa tận hết chức trách, thực chưa phải lúc ông đi. Nhưng nài sao, hoàng
lương một giấc chiêm bao. Bệnh tật chưa kịp chữa chạy, triều đình tấu chưa kịp
dâng, bạn bè chưa kịp ký thác, vợ con chưa kịp dặn dò. Vội đi xa dằng dặc, không
biết làm sao. Há thẻ ngọc, triều vinh chẳng đủ để mộ tài; nhà cao cờ hiển cũng
không đủ giữ; giúp dân mà vô lộc nên trời chẳng chịu lưu. Ông vội trốn đời ô
trọc, chẳng quay lại việc tướng ruổi rong. Cửu trùng nghe tin mà ngỡ ngàng,
bách tính nghe tin mà ngơ ngác. Đến như những kẻ phục uy của ông, đội đức của
ông, yêu mến khí lượng của ông chẳng ai không đau xót, nước mắt giàn giụa hướng
về. Tôi lỗ mãng tối tăm, lạm dự tán việc quân cơ, ba năm đồng sự, chè rượu đồng
cam. Tình thân như kim hướng nam châm. Vừa cùng trông kinh thành bái lậy, bỗng
chốc đã dứt áo chia li. Dằng dặc tâm tình, ai cùng chia sẻ. Ô hô! Y hi! Núi
Hoành sơn mây lấp, biển lớn gió tung. Tướng công ra đi, cỏ cây đều buồn bã. Giữa
đường điện lễ, trên vì thiên hạ xót thương, dưới vì tình riêng than khóc. Ô hô!
Đau đớn lắm thay.
Tướng hiệu trong bản doanh cùng trí tế rằng:
Ô hô ! Đời người như khách quán, thế sự tựa cờ bày. Bùi Tấn Quốc tu gì,
ngoài bảy mươi còn thêm tuổi thọ[45]; Quách Phần Dương phúc lớn, hơn tám chục vẫn hưởng niên cao[46].
Ôi ! Tướng công ra
đi, thực than thiên đạo
chẳng công bình. Cội Cam đường mưa tưới, ba năm như còn thấy Thiệu công[47]. Liễu mảnh tuyết sương, bốn vách như
tướng Chu còn sống[48]. Truy tưởng trần tích một thời, còn lưu
muôn thủa tiếng thơm.
Giáo yên cung áo, nhện giăng thêu loạn; Lầu thuyền đài các, chim chóc kêu thương. Thương
thay ngậm nỗi sầu Tùng Nhạc, mênh mang niềm hận uất biển khơi[49]. Các chư tướng chan hòa gìan dụa,
theo châu quận gần vái đài tinh. Khi năm xưa dưới trướng hạ đàm binh, vẻ ôn tồn như đó, ngày hôm nay giữa đường dong quan
đưa tiễn[50], thảng
thốt sự đi xa. Hằng nhớ công đức bao dung, chịu khôn xiết tình chia sầu thảm. Lễ bạc một
giỏ, nơi âm cách thấu đạt mồ sâu[51].
Sau khi ông mất, người địa phương nhớ công đức
lập đền ở núi Hương Càn huyện Kì Hoa[52],
Nghệ An. Sau này, Kế Liệt hầu Bùi Huy Bích[53]
kế quản trị lí Hoan Châu, yết kiến đền thờ ông và có đề thơ rằng:
Văn võ toàn tài vượt quá phần.
Từng nơi sử quán chép danh thần.
Chưa bàn sau khuất còn lưu mãi.
Mà lúc sinh tiền đã như thần.
Một tấm lòng trung ngang vũ trụ.
Mười năm đàn kiếm định phong trần.
Làm sao cũng mũ nhà Nho ấy.
Chỉ có tầm thường mấy tiểu nhân.
Chúa Trịnh cũng sai quan trí tế, truy tặng ông
là “Thái phó Thượng đẳng Phúc thần”, lệnh nhân dân lập đền ở huyện Giáp Sơn,
lại đích thân soạn một đôi câu đối: 蓋世英雄今古少;在人功德地天長/ “Cái thế
anh hùng xưa nay ít; Công đức còn mãi đất trời lưu”.
Năm Chiêu Thống thứ nhất (1787) sắc phong là “Thượng
Đẳng Cương Chính Anh Uy Linh Cảm Đại Vương”.
Hàn Lâm học sĩ Ngô Thời Sĩ soạn chế có câu:
Dải núi vươn anh khí, khôi giáp vọng ngời ngời. Quạt lông khăn lượt bể chướng yên, lễ thư tiết chế thực tướng tài. Đai ấm áo cừu, vững Hoành sơn trung
tín dậu phên. Văn kinh võ vĩ, công tích còn lưu thư khoán, ơn sủng hoa càng tỏ nghi chương.
Các đời vua triều ta[54]
có khen ngợi sống làm tướng, chết làm thần, ấy là nói về ông vậy. Ông thọ 50
tuổi, mai táng ở Kì Sơn Nghệ An. Nay từ
đường phụng thờ ông tại Khinh Dao, Hải Dương, tức là nguyên quán của ông. Thế
mạch trường lưu, hương hoa không dứt, con cháu sau này tuy có thiên chuyển nơi
khác nhưng vẫn không mất, nối dõi làm bậc hào trưởng, rạng rỡ đời sau. Điều đó
há chẳng phải là sự mở mang sau này tất phải nhờ người đi trước hay sao.
Vợ cả họ Lý, húy là Thường, là con gái của Tham quân họ Lý ở Sơn Tây. Bà
sinh hạ được một con trai tên là Đình Trực. Năm Cảnh Hưng thứ ba (1742) đỗ
Hương Cống, được bổ Hàn Lâm Thị Giảng. Phái ấy được ghi chép vào Gia phả ở Hải
Dương, con cháu đời đời kế tục đỗ đạt đăng khoa. Có một con gái tên là Ngọc
Tường gả cho Tiến Sĩ họ Ngô ở Hoài Đức. Thọ 28 tuổi, mất năm Cảnh Hưng thứ nhất
(1740).
Bà vợ kế họ Trần húy là Kiều, là thứ nữ của Thị Lang họ Trần người Thanh
Hóa, là bào tỉ của Trần Danh Lâm, Đốc Thị ở Hoan Châu. Năm 18 tuổi về với Quận công ta, rất có đức vợ hiền, chăm
sóc con đích như con mình đẻ ra. Gặp thời loạn giặc Cầu, Quận công 10 năm ở bên
ngoài, phu nhân trị gia rất đáng khen. Bà sinh hạ được ba con trai, trưởng là
Đình Long được ấm thụ hàm Hàn Lâm, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử. Con trai
thứ là Đình Xương, năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) đỗ Phó bảng[55],
làm Đốc học ở Hải Dương, sau được thăng chức Binh Bộ Thị Lang. Hai phái ấy được
ghi chép riêng vào Gia Phả ở Hải Dương. Con cháu nhiều đời đỗ đạt. Lại có một
con gái tên là Ngọc Sính gả cho Cống Sinh họ Nguyễn ở Thanh Hà. Con trai thứ ba
là cụ Thái tổ họ Phạm nhà ta.
Kết thúc phần tư liệu về Phạm Đình
Trọng, một nhân vật lịch sử, một danh tướng Nho học thời Lê - Trịnh. Chúng tôi
xin được dùng lại lời nhận định về ông trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục như sau: Đình Trọng cầm quân đánh
giặc, từng thống lãnh quân các đạo, đi đến đâu giặc đều tan vỡ. Nói về công
đánh dẹp, Đình Trọng là người chiếm giải nhất. Trịnh Doanh viết lối "phi bạch"
bốn chữ "văn võ toàn tài" ban cho, lại cho biển ngạch khắc chữ
"đồng hưu công thần", phong cho thái ấp vài ngàn hộ. Đình Trọng là một
viên tướng có nho học, giữ vị vọng quan trọng, dầu ở nơi biên trấn mà sĩ phu
không ai là không tưởng mến nghi phong thái độ[56].
Thư mục tham khảo
1. Nguyễn Minh Tường. Phạm
Đình Trọng và bài Tượng đầu đoán tụng ký (Tạp chí Hán Nôm, Số 3(88) 2008;
Tr.50-59);
2.
Nguyễn Minh
Tường–Đỗ Lan Phương. Bài Văn tế
Phạm Đình Trọng của Tiến sĩ Trần Danh Lâm (Tạp chí Hán Nôm, Số 3(100) 2010; Tr.
51-57).
3. Ngô Đức Thọ. Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều
đại. Nxb Văn Hóa, 1997.
4. Văn bia đề danh tiến sĩ
Việt Nam.Trịnh Khắc Mạnh. Nxb Giáo dục
Hà Nội 2007.
5.
Quốc
Sử Quán Triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông
giám cương mục (Viện Sử Học) Nxb Giáo Dục - Hà Nội 1998.
6.
皇越文选Hoàng Việt
văn tuyển. Bùi Huy Bích biên tập.
7.
范家谱志前编Phạm gia phả chí tiền biên. Tư liệu Hán Nôm sưu tầm
10.
vi.wikipedia.org/wiki/Phạm_Đình_Trọng_(tướng_nhà_Lê-Trịnh)
[5] Nguyễn Minh Tường. Phạm Đình Trọng và bài Tượng đầu đoán tụng
ký (Tạp chí Hán Nôm, Số 3(88) 2008; Tr.50-59); Nguyễn Minh Tường – Đỗ Lan
Phương. Bài Văn tế
Phạm Đình Trọng của Tiến sĩ Trần Danh Lâm (Tạp chí Hán Nôm, Số 3(100) 2010; Tr.
51-57).
[6] Chữ Chiêu 昭viết kiêng húy triều Nguyễn, bớt nét trong
bộ Nhật日. Trịnh Chiêu Tổ tức Trịnh Căn. Văn bản viết dưới thời Nguyễn, mang quan
điểm phong kiến bài Trịnh tôn Lê, nhiều chi tiết liên quan đến chúa Trịnh đều
được gia phả thể hiện thay bằng vua Lê.
[7] Ngũ Hồ: là năm hồ lớn nổi tiếng cảnh đẹp
ở Trung Quốc là: Thái Hồ, Động Đình Hồ, Tây Hồ, Đan Dương Hồ, Nhạc Châu Hồ.
[8] Nguyên văn chữ Nôm.
[11] Quận Gió: nguyên văn chữ Nôm, có thể là
một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa Đàng Ngoài, chưa rõ là nhân vật nào. Giai thoại
Việt Nam cũng có chuyện về một nhân vật trộm của giàu chia cho người nghèo,
xưng là Quận Gió. Có thể Quận Gió là từ chỉ quân ăn trộm nữa chăng?
[12] Nguyên văn là Tân Sửu, tra niên đại thì
không đúng. Một năm 1721, Phạm Đình Trọng mới 7 tuổi; một năm 1781 là năm Cảnh
Hưng 45, lúc ấy Phạm Đình Trọng đã mất hơn 30 năm. Theo chính sử thì Phạm Đình
Trọng bắt được Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển là năm Ất Sửu 1745.
[13] Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển là hai thủ lĩnh
nông dân khởi nghĩa Đàng Ngoài. Nguyễn Hữu Cầu lúc đầu đi theo Nguyễn Cừ, được
Cừ gả con gái cho.
[14] Nguyễn Cầu: tức Nguyễn Hữu Cầu là một
lãnh tụ nông dân khởi nghĩa nổi tiếng thời Lê Trịnh ở Đàng Ngoài.
[15] Quận He: nguyên văn chữ Hán là Quận Hiểu.
Chữ Hiểu có thể đọc là Hẻo, nhưng không chính xác vì Nguyễn Hữu Cầu hiệu là
Quận He, nên phải đọc là He. Có thể Gia phả có chút nhầm lẫn, vì tương truyền
Nguyễn Hữu Cầu thường được xưng là Quận He, vì Cầu có tài bơi lặn giỏi như cá
He ngoài biển. Tương truyền là thần cá biển thác sinh. Còn Quận Hẻo là tên xưng
gọi của Nguyễn Danh Phương, người làng Hẻo, cũng là một lãnh tụ khởi nghĩa Đàng
Ngoài, sau cũng bị bắt cùng thời gian với Nguyễn Hữu Cầu.
[16] Hạng Vương: tức Hạng Vũ, nhân vật lịch sử
Trung Quốc, sức lực hơn người, có thể tay không nhấc đỉnh lớn. Diệt Tần đánh
Hán, người ta quen gọi là Hạng Vương.
[17] Theo Bia
Văn miếu Hà Nội thì Phạm Đình Trọng tham gia chủ khảo kỳ thi Tiến sĩ năm
Quý Hợi đời Cảnh Hưng thứ 4 (1743), bia Tiến sĩ khoa này dựng năm Giáp Tí Cảnh
Hưng thứ 5 (1744). Có thể có nhầm lẫn, hoặc giả thời điểm nhận chiếu Nhâm Tuất
1742, đến khi thực hiện 1743 và kết thúc quá trình lập bia đề danh là 1744.
[18] Hoàng ốc, Tả đạo: là nhà mái vàng, cờ cắm
bên trái là những ngi thức lễ riêng dành cho Hoàng đế. Đây nói Nguyễn Hữu Cầu
làm loạn, có ý xưng vương.
[19] Theo Khâm
định Việt sử thông giám cương mục thì chúa Trịnh Doanh ngự bút viết lối phi
bạch bốn chữ Văn võ toàn tài ban cho,
lại ban biển ngạch Đồng hưu công thần.
Vì gia phả biên tập dưới thời Nguyễn nên tư tưởng bài Trịnh tôn Lê, tác giả
chép là vua Lê ngự bút còn theo chính sử thì là chúa Trịnh Doanh viết.
[21] Chữ Ngọc玉, có 1 chấm bên phải, nếu ẩn dấu chấm đi
thì thành chữ Vương王, nếu thò dấu chấm lên đầu thì thành chữ Chúa主.
[23] Theo Khâm
định Việt sử thông giám cương mục thì Phạm Đình Sĩ là thuộc tướng của Phạm
Đình Trọng.
[24] Địa danh thuộc Trấn Yên Quảng, sau đổi là
Quảng Yên, nay thuộc Quảng Ninh.
[25] Yên Quảng: tức tỉnh Quảng Ninh ngày
nay.
[26] Long Môn: địa danh vùng biên của Đại
Thanh, sát biên giới An Nam.
[27] Gia phả soạn vào thời nhà Nguyễn, có tư
tưởng bài xích họ Trịnh.
[28] Bài này đã được Nguyễn Minh Tường giới
thiệu trên T/c Hán Nôm,3/2008. Tuy nhiên để thống nhất về mạch văn bản theo
nguyên văn, chúng tôi tham khảo bản dịch của Nguyễn Minh Tường và bổ sung thêm.
[29] Lí Tam, Trương Nhị là cách gọi chung
chung chỉ những kẻ thuộc hạ tả hữu theo hầu.
[30] Đời Chu có hai nước là nước Ngu và nước
Nhuế gần nhau kiện cáo về ruộng đất, sau phải sang nước Chu nhờ phân giải.
[31] Nguyên văn là Phù Kênh: chưa rõ địa danh
này, nhưng chữ Phù cũng có nghĩa là chim le le. Bản dịch của Nguyễn Mình Tường
chỉ nói là „bên tả kênh phù lởm chởm“
[32] Trích lời trong Đại học ý nghĩa là “kẻ không
chân thật thì không thể tận hết được lời nói của mình”
[33] Nguyễn Công Thái, chữ Thái còn có âm đọc
là Thể, người làng Kim Lũ, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1715, chức Quốc Tử Giám Tế
tửu, Đông các Hiệu thư, hành Thị lang các Bộ Công, Bộ Hình, Bộ Lại. Một số tư
liệu chép là tước Quảng Quận công. Là văn thần tể tướng hành Bồi tụng phủ chúa
thời Lê Dụ Tông.
[34] Hoàng Việt thi tuyển (Q.5,
tờ 23) Tiễn nhập thị Tham tụng Kiều Quận công Nguyễn Công Thái trí sĩ.
[35] Tức Hoàng
Việt văn tuyển do Bùi Huy Bích biên tập.
[36] Nguyễn Nghiễm: người Tiên Điền, Nghi
Xuân, Hà Tĩnh. Là người có tài văn võ, được chúa Trịnh tin dùng, cũng là một
bậc trọng thần đời Lê Trung hưng. Ông là thân phụ của Nguyễn Du.
[37] Hoành Sơn, La Hà: 2 địa danh núi
sông nổi tiếng ở Hà Tĩnh.
[38] Trung nghĩa Đường triều: nói tấm gương
Nhan Chân Khanh đời Đường, làm quan ở ngoài biên ải mà trung thành không hàng
giặc.
[39] Ngũ Trượng: gò Ngũ Trượng, nơi tướng nhà
Hán là Gia Cát Lượng thấy điềm sao sa, mang trọng bệnh mất ở trong quân thứ
trên đường hành quân phạt Ngụy.
[40] Thái Dĩ: Tên bài thơ trong Kinh Thi –
Tiểu Nhã, nói về tướng quân Phương Thúc đời Chu Tuyên vương chinh phạt man di,
trị quân nghiêm mật, uy danh lớn, đánh đâu thắng đó. Có ý ví với Phạm Đình
Trọng.
[41] Trần Danh Lâm: Người làng Bảo Triện, Gia
Bình, Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ năm 1731, làm quan có nhiều công trạng, từng trấn
giữ các địa phương, đánh dẹp họ Mạc. Công lớn được giao chức Bồi tụng, trong
phủ Chúa. Gia đình dòng họ ông có nhiều người thi đỗ hiển đạt, như anh ông Trần
Danh Ninh, con trai ông Trần Danh Án. Trần Danh Án có Bào tỉ là Kế thất của
Phạm Đình Trọng
[42] Bài này cũng được Nguyễn Minh Tường-Đỗ
Lan Phương giới thiệu trên T/c Hán Nôm,3.2010. Để đảm bảo thống nhất mạch văn
bản, chúng tôi cũng tham khảo bổ sung và dịch lại.
[43] Bùi Độ, Hàn Kì: là các danh tướng đời
Đường, đời Tống.
[44] Cỏ thi, mai rùa là những món để bói, dự
đoán được coi là rất chuẩn xác.
[45] Bùi Tấn Quốc: tức Bùi Độ, được phong Tấn
Quốc công. Xưa Bùi Độ nhà hàn vi, có vị tăng xem tướng bảo là sau tất chết đói
phải sớm tu nhân hành thiện. Bùi Độ ra sức hành thiện tu nhân. Thời gian sau
lại gặp lại vị tăng kia, xem tướng lại thấy ngạc nhiên vì thấy Bùi Độ có tướng
làm Tể tướng triều đình. Sau quả nhiên như lời.
[46] Quách Phần Dương: tức là Quách Tử Nghi,
danh tướng đời Đường. Dù công cao tột bậc vẫn trung vua ái quốc. Có công dẹp
loạn An Sử, không cậy công trạng, nhiều lần bị bãi vẫn không hai lòng. Thọ hơn
80 tuổi. Được phong Phần Dương vương.
[47] Thiệu Công: Em Chu Công, có công giúp nhà
Chu diệt Thương, bình định nội loạn được phong ở đất Yên, dân chúng nhờ ơn đội
đức. Ông thường làm việc dưới gốc cây Cam Đường. Nhân dân lây đó làm kỉ niệm,
cứ thấy bóng Cam Đường như thấy Thiệu Công ở đấy.
[48] Tỏ ý nhớ tướng tài nhà Chu, cũng như
Thiệu Công ở trên.
[49] Tùng Nhạc: tức là chỉ núi Thái Sơn;
Thương Minh: tức là nói biển khơi
[51] Cửu kinh九京: chỉ mộ của quan Đại phu thời Xuân Thu, sau cũng chỉ mộ nói chung, cùng
nghĩa như Cửu Tuyền.
[52] Chữ Hoa kiêng húy.
[53] Bùi Huy Bích: người làng Định Công, Hà
Nội. Đỗ Tiến sĩ năm 1770, sau thăng Nhập thị Bồi tụng, từng có thời gian làm
Đốc đồng, Hiệp trấn Nghệ An.
[54] Tức triều Nguyễn.
[55] Đời Lê chưa có danh hiệu Phó bảng. Đây là
lối chép đời Nguyễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét