Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Thông tin về Đàn Xã Tắc trên văn Bia Đình Đông Các


1. PHẠM THỊ THÙY VINH
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
11/08/2009
VỊ TRÍ ĐÀN XÃ TẮC QUA VĂN BIA THẾ KỶ XVII http://hannom.vass.gov.vn/noidung/thongbao/Pages/baiviet.aspx?ItemID=905
2.
BÀI KÝ TRÊN BIA VỀ VIỆC XÂY DỰNG
ĐÌNH NGHĨA PHÊ
(NGHĨA PHÊ TẠO ĐÌNH BI KÝ)
Số 360
BÀI KÝ TRÊN BIA VỀ VIỆC XÂY DỰNG ĐÌNH ĐÔNG CÁC
Đình đặt tên “Đông Các” là để ghi việc đình do toàn giáp Đông Các dựng nên.
Nguyên xưa ngôi đình này: nền đức rộng rãi, thềm phúc sáng ngời[1]. Phía phải, đối diện chùa Thanh Nhàn, phía trái, ngang đàn Xã Tắc. Mặt trước, về phía chu tước (nam), có núi đứng che. Mặt sau, về phía huyền vũ (bắc), có sông bao bọc.
Thật là nơi cảnh đẹp vào bậc nhất ở đế đô.
Cơ sở ấy xây dựng đã lâu năm. Tuy nhiên kiểu cách sơ sài, còn theo lối cổ. Muốn được quy mô chỉnh đốn, phải đợi người sau.
Ngày nay, quan viên, hương lão, toàn thể trên dưới giáp Nghĩa Phê hiệp đồng với toàn thể lớn bé giáp Mỹ Phê bàn tính việc xây dựng lại, ai cũng đồng lòng.
Bấy giờ, ứng xuất tiền của, tìm mua các loại gỗ, dựng lên 5 gian đình ngói ngay chỗ nền cũ. Hoàn thành vào ngày tốt, năm Kỷ tị (1689).
Kìa xem: rường cột nguy nga, hiên đao văn vẻ[2], thế cao to, hình mỹ lệ, so với ngày trước, hơn gấp mấy lần.
Kiểu cách đổi mới, miếu mạo như xưa.
Trong có chỗ thờ thần, trên có đài chúc thánh.
Những lúc mở đám trò vui theo tục đời Hán[3], thì khoe lục phô hồng lụa là óng ánh, hay hay múa dẻo, kèn sáo xen nhau. Đình này nổi tiếng về nhạc, âm nhạc đã rát mực vui hoà.
Những lúc tổ chức hương ẩm theo lễ nhà Chu[4], thì lớn bé bày hàng, nâng bầu chuốc chén, thánh hiền cũng vui ngắm nguyệt thưởng hoa. Đình này điển hình về lễ, lễ nghĩa đã trở thành nề nếp.
Lễ, nhạc, y, quan[5], sum vầy tốt đẹp; sĩ, nông, công, cổ[6], đời sống tươi vui.
Chỉ thấy: thờ thần như có thần trước mắt, cầu phúc là được phúc tới ngay.
Văn toàn bậc quán các tài cao, đỗ đạt thăng tướng văn tướng vũ; vũ đáng mặt can thnfh đại dụng, nối đời làm đến tước công tước hầu.
Trai trở thành của quí đất nước, gái làm nên rạng vẻ cửa nhà.
Tre tiến tới đài xuân, già bước lên cõi thọ.
Đường thênh thang tiến bước, nếp thuần hậu sum vầy.
Tất cả muôn vạn phúc lành sẽ tập trung vào đình này hết thảy.
Vậy làm bài ký.
Dựng vào ngày tốt, tiết mạnh thu (tháng 7), năm Nhâm thuân Chính Hoà 13 (1692).
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh tuất (1670), Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Binh bổ Tả thị lang, Thọ Giang tử, người Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, Nguyễn Độn soạn[7].
Thi đỗ thư toán khoa Ất mão, (1675), phụng điều sang Lại khoa nha môn Đô lại Nguyễn Năng Nhậm vâng lệnh viết. (…)
Tham khảo các nguồn:
1. Tuyển tập văn bia Hà Nội - Quyển II. Ban Hán Nôm/ỦY BAN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM Sưu tầm dịch và giới thiệu. Nxb KHXH., Hà Nội 1978
2. Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập văn khắc Hán Nôm

  • Công trình tập hợp, tuyển dịch khoảng 150 văn bản khắc trên bia đá, chuông, khánh đồng của 14 quận huyện thuộc thành phố Hà Nội (chỉ tính đến trước ngày 31/8/2008 khi Hà Tây chưa sát nhập vào với Hà Nội). Đây là những bài minh văn tiêu biểu phản ánh về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và đời sống cộng đồng của Thăng Long - Hà Nội trong suốt gần 1000 năm lịch sử. Với những bài minh văn khắc trên chất liệu có tính bền vững như đá và đồng, các bài văn này là tư liệu gốc, nguyên bản, chính xác về từng thời kỳ lịch sử trong quá trình phát triển đi lên của Thăng Long Hà Nội.
  • Tác giả :   PGS.TS Phạm Thị Thuỳ Vinh (Chủ trì tuyển trọn, giới thiệu)




[1] Nguyên văn là “Khoan quảng đức cơ, thịnh quang phúc chỉ” còn có nghĩa: “(trên) địa bàn rộng huyện Quảng Đức, nền phúc phường Thịnh Quang” nhắc vị trí ngôi đình.
[2] Nguyên văn mờ mất vài chữ, chúng tôi đoán ý bổ sung mà dịch. Hiên đạo:. nguyên văn là “thiềm a”, “thiềm” là mái hiên, “a” là cái cột, chúng tôi tạm dịch thoát là “hiên đao” (hiên và mái đao).
[3] Trò vui theo tục đời Hán: Nguyên văn là “Hán tịch tàng câu” (trò vui tàng câu ở chiếu rượu đời Hán), chỉ trò vui ngày hội (đã chú ở bài trên).
[4] Hương ẩm theo lễ nhà Chu: sách Lễ ký có thiên Hương ẩm tửu nghĩa nói về lệ tổ chức uống rượu ở làng, gồm có 4 việc: 1) ba năm một lần tiến cử người hiền tài, tổ chức để tiễn người được tiến cử; 2) chiêu đãi người hiền tài trong nước; 3) tổ chức tập bắn; 4) tổ chức tế chạp.
[5] Lễ nhạc y quan: (lễ nghi, âm nhạc, áo mũ) chỉ chung về sinh hoạt văn hoá.
[6] Sỹ, nông, công, cổ: đi học, làm ruộng, làm thợ, đi buôn. Chỉ mọi tầng lớp nhân dân xưa.
[7] Nguyễn Độn: “Độn” ý nói khiêm. Tức Nguyễn Danh Nho (1684-?), đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp khoa thi năm 1670, người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (nay thuộc huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng) làm quan đến chức Tả thị lang bộ Công, tước Nam (theo Đăng khoa lục).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét