Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam- Tập 1. Lời nói đầu

Yêu thích Hán Nôm, muốn cống hiến cho bạn bè đồng đạo những trang tư liệu quý và cần. Chúng tôi trong nghành từ lâu đã quen với một số sách công cụ thuộc loại gối đầu giường, giúp ích rất nhiều cho công việc tra cứu. Trong đó không thể không kể đến Lược truyện các tác gia Việt-nam của nhóm Trần Văn Giáp. Nhưng sách cũ, tái bản ít, không có nhiều để mà tra. Lại thêm sự phát triển của công nghệ. Nếu có ai mất công Scan lại các sách công cụ mà dâng hiến cho các người yêu thích, làm nghiên cứu thì thật là tốt lắm. Nhiều sách đã được làm như vậy. Nhưng vì luật lệ, tác quyền, động cơ làm, nên nhiều người làm sách điện tử đăng tải còn kèm nhiều ý vụ lợi, cá nhân để trao đổi kiếm trác. Thậm chí có khi load được sách để mà bán lại cho những người ít hiểu biết về Công nghệ (Việc này cũng không có gì là sai.)  Riêng trang của tôi nhiều năm nay đã ấp ủ đánh máy hay Scan lại các sách này để dâng lên cho người cần tìm hiểu. Tôi cũng đã tìm sách này nhiều lần nhưng không load được. Nay tôi trích lại từng phần, đánh máy đăng lên cho các bạn cần tra cứu có thể tiện mà tra trên IT. Dẫn nguồn rõ, không vì mục đích gì khác mà chỉ muốn người Ta hiểu người Ta, cho cái Tư Văn của Ta được rộng, người Ta nay trân quý di sản người Ta xưa mà thôi.
Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam- Tập 1. Nxb:KHXH.
Lời nói đầu(trang 7-27). Tập 1.
Lược truyện các tác gia Việt- Nam là 1 cuốn sách ghi rõ tên tuổi, sự nghiệp, văn chương các nhà trứ thuật của Việt-nam, từ thế kỷ XI đến thế kỷ thứ XX. Chúng tôi quan niệm tác gia là tất cả các vị nào đã có làm sách, về bất cứ một môn loại nào, từ thi văn, sử truyện, cho đến bút ký, phiên dịch, v.v…
Nước Việt-nam ta, từ thời tự chủ, tách khỏi hẳn ách thống trị của phong kiến Trung-quốc, kể từ triều Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay, theo các sử sách, đã có biết bao nhiêu các tác gia: từ sử gia, văn gia, thi gia, cho đến kỹ thuật, y dược gia; nên đã có rất nhiều sáng tác phẩm. Nhưng hoàn cảnh địa lý, điều kiện lịch sử của nước ta đã làm mất nhiều những sách vở ấy. Trong khoảng mấy chục thế kỷ, hầu như không có thế kỷ nào là không có chiến tranh chống xâm lăng, hoặc về phía Nam, hoặc về phía Bắc. Binh hỏa đã tàn phá; lại không mấy năm không bị lụt lội, gió bão. Lại khí hậu ẩm thấp nữa, cũng làm tiêu tan mất một số lớn các sách vở xưa, các tài liệu cũ[1]. Cho nên, đến nay, số sách còn lại không được bao nhiêu. Trong số còn lại ấy, loại sách liệt truyện, tuy cũng có, nhưng không một bộ nào gọi là đầy đủ, biên chép được lược truyện các nhân vật lịch sử một cách có hệ thống, đáp ứng được nhu cầu của các nhà nghiên cứu các môn lịch sử, văn học, nghệ thuật, nông nghiệp, công nghiệp, v.v… và các nhà giảng dạy ở các trường về những môn ấy.
Vì vậy, một tập sách Lược truyện các tác gia Việt-nam thấy cần thiết. Sách này, như tên của nó đã nói rõ, chỉ giới hạn trong lĩnh vực lược ghi tiểu truyện từng nhà đã có sáng tác, nhất là các tác phẩm về đủ mọi nghành học thuật: sử học, văn học, triết học, kỹ thuật, y dược, nghệ thuật, v.v… Chúng tôi ghi tên các tác gia người Việt-nam đã sáng tác các sách viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, Chữ Quốc ngữ, và cả các sách viết bằng chữ Pháp, chữ Anh, v.v…
Mục đích nghiên cứu và biên soạn sách này chỉ giới hạn trong việc ghi chép lược truyện các tác gia và những tác phẩm của từng tác gia; viết thật gọn, thật đủ, để giúp cho việc nghiên cứu được nhanh và tương đối vững chắc. Trong quá trình sưu tầm và nghiên cứu các tác gia xưa, có vị thì biết rõ họ, tên, quán chỉ, nhưng lại không biết được quá trình học tập, quá trình sáng tác; có vị biết rõ sự nghiệp văn chương, hoàn cảnh sáng tác, thì lại thiếu niên canh, quán chỉ. Đối với các tác phẩm còn lại, phần thì tàn khuyết, lẫn lộn; phần thì có tên không có sách, có sách không có niên đại. Cho nên, chúng tôi giới hạn sách này trong một phạm vi nhỏ hẹp, chỉ nói những điều thật cần, thật rõ rệt. Ngoài ra, chỉ nhận xét tổng quát một vài nét bằng một vài chữ vè tác gia và tác phẩm, theo trào lưu tư tưởng, thực trạng xã hội, v.v… qua các thời đại, mà không trình bày tỉ mỉ, lấn vào lĩnh vực văn học sử hay lĩnh vực khoa học khác, phẩm bình từng tác gia, phê phán từng tác phẩm.
Theo hiện trạng thực tế các thư lịch Việt-nam, chúng tôi chia sách Lược truyện các tác gia Việt –nam làm hai tập:
Tập 1, lược truyện những tác gia các sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nghĩa là trong hệ thống chữ khối vuông, bắt đầu từ thời Lý, Trần, đến khi chữ Hán, chữ Nôm không còn tác dụng lớn ở Việt-nam nữa, không được phổ biến lắm nữa; nói gọn lại, là đến năm 1945, đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, sau khi Đảng Cộng sản Đông-dương thành lập đã được 15 năm, 27 năm sau khi bỏ các trường thi hương ở toàn quốc Việt-nam.
Tập II, lược truyện những tác gia các sách viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, chữ Anh v.v…, nghĩa là trong hệ thống chữ la-tinh.
Về mỗi tập, các tác gia đều được xếp theo niên đại, lấy từng thế kỷ làm giới hạn, và có chua rõ các thời đại cũ, như Lý, Trần, Lê, Tây-sơn, v.v…, cho mãi đến cận đại, để tiện việc khảo cứu.
Về mỗi tác gia của chung cả 2 tập, chúng tôi đều cố gắng sưu tầm, ghi đủ những phần cốt yếu: tên tự, hiệu, biệt hiệu, bút hiệu, tước phong, quan chức[2], quê quán, năm sinh, năm mất, thành phần gia đình, quan hệ xã hội, sự nghiệp chính trị, văn chương, v.v…, chú trọng nhất là tên những tác phẩm đã sáng tác. Những sách viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ ghi đúng theo trong bản thư mục hiện có của các Thư viện Khoa học trung ương và Thư việc Quốc gia trung ương; có ghi ký hiệu riêng của từng thư viện ấy.
Về mỗi tác phẩm, chúng tôi không phân tích sơ lược nội dung, sợ sẽ lấn vào địa hạt văn học sử, lạc mất hướng chính của lược truyện các tác gia; chú tôi chỉ ghi tên tác phẩm và nói qua vài nét về nộidung thuộc loại nào. Thí dụ:
Nguyễn Văn Siêu (1795-1872): Tự Tốn –ban, hiệu Phương-đìnhThọ-xương cư sĩ; sinh năm 1795(niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 3, triều Tây-sơn) gốc tích ở làng Kim-lũ (nay gọi là làng Đại-kim) huyện Thanh –trì(ngoại thành Hà-nội). Sau di cư ra ở phường Dũng-thọ, huyện Thọ-xương, tỉnh Hà-nội (nay là phố Ngõ Gạch, còn gọi là phố Án sát Siêu, thuộc khu Hoàn-kiếm, thành phố Hà –nội. Năm 1838(tức khoa Minh-mạng mậu tuất năm thứ 19), đậu phó bảng. Năm ấy ông 43 tuổi. Sau làm quan đến án sát sứ. Năm 1849 (Tự-đức thứ 2) được cử làm phó sứ sang triều Thanh; sau bị giáng xuống hàn lâm thị độc. Ông cáo quan về ở phường Dũng-thọ, xây một lớp nhà vuông để giảng sách; học trò theo học rất đông, nhiều người thành đạt. Do đó có hiệu là Phương-đình.
Nguyễn Văn Siêu là người học rộng, nổi tiếng. Thời đó, nhiều học giả nhà Thanh đã phải thán phục; có câu „văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán; thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường“(Văn chương như văn ông Siêu, ông Quát, thì không còn có văn hay nhà Tiền Hán; thơ hay, đến như ông Tùng, ông Tuy, đã làm lu mờ cái hay của thơ thời Thịnh Đường). Siêu tức Nguyễn Văn Siêu. Về điển này, xem chuyện Cao Bá Quát, trong sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện của Kiều Oánh Mậu, viết năm Thành Thái tân sửu, 1901(A.997). Người ta còn thường gọi: „Thần Siêu, Thánh Quát“, ý nói Siêu, Quát là hai tay có tài thơ văn thời đó.
Tác phẩm:
1.      Phương –đình địa dư chí, A.72 và A.1711(địa, sử);
2.      Phương-đình thi tập, A.187(văn);
3.      Phương –đình văn tập, A.188; A.190 (văn, sử);
4.      Phương-đình tùy bút lục, A.189; A.2671 (văn, sử);
5.      Phương-đình vạn lý tập, Vhv.23 (văn; tập thơ làm trong dịp đi sứ Trung-quốc);
6.      Chư kinh khảo ước (văn, sử, triết);
7.      Chư sử khảo thích (cổ sử)
8.      Tứ thư bị giảng (văn, sử, triết) v.v…
Ngoài ra ông còn phê bình tập thơ của Chu Doãn Chí, tên đề: Tạ hiên thi tập phê bình, A.1110. Về Nguyễn Văn Siêu xem thêm Nam phong, số 23, trang 328.
Về Tập I, chúng tôi dùng một số sách Sử chí, Đăng khoa lục, Thi văn tuyển tập, v.v… làm tài liệu cơ sở. Những tài liệu ấy, chúng tôi sẽ phân tích và trình bày qua từng loại, từng bộ sách liền sau đây.
Trong phần chính của sách, chúng tôi đã sưu tầm, lựa lọc được hơn 700 tác gia. Khi lựa chọn, chúng tôi nặng về chất hơn về lượng. Chúng tôi chọn lựa từ các vị còn để lại được một bài thơ, một bài văn, cho đến các vị có mấy chục bộ sách về đủ các môn loại, không kể ít nhiều. Có những vị có một bài thơ, một bài văn như Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Đình Trọng, v.v… Có những vị có nhiều bộ sách về nhiều loại, như Nguyễn Trung Ngạn, Trần Nguyên Đán, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thu, v.v…
Riêng về các thời Lý, Trần, vì là thời kỳ phôi thai của nền văn học nước nhà, nhiều tác phẩm thời kỳ này bị mất mát đã lâu, đến nay chưa tìm thấy, cho nên chúng tôi ghi chép tất cả tên những vị có thơ văn, nhất là các nhà sư, dù chỉ có một bài thơ khó hiểu hay không điêu luyện, nhưng đến nay vẫn còn được lưu truyền. Chúng tôi lựa chọn từ một người dân thường, một vị sư, một ẩn sĩ, một nữ sĩ, cho đến các vua, quan, không theo đẳng lệ giai cấp xã hội. Ngoài tiêu chuẩn thơ văn hay, chúng tôi còn lựa chọn lấy những vị có đức nghiệp gương mẫu, tài năng siêu việt, khí tiết bền bỉ, giàu lòng yêu nước, thương dân. Đó là phương châm và tiêu chuẩn chính cho việc lựa chọn, thí dụ: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hoàng Diệu, v.v…
Mặt khác chúng tôi cũng có thu nhặt lấy một số người tiêu biểu cho giới, chỉ có thơ văn hay mà đức hạnh kém, hoặc có tác phẩm mà tư tưởng lại phản động. Về những hạng này, chúng tôi nghiêm khắc phê phán, để làm nổi rõ thêm các vị có đức, có tài; và để người đời sau biết mà phẩm bình cho đúng sự thật, thí dụ: Lê Trắc, Hoàng Cao Khải, Tôn Thọ Tường, Phạm Quỳnh, v.v…
Về cách sắp xếp, chúng tôi theo trình tự lịch sử, nghĩa là theo thứ tự từng năm, trong từng thế kỷ. Chúng tôi cố gắng sưu tầm lấy năm sinh và năm mất của từng vị; sau mỗi tên, viết rõ năm sinh và năm mất, như thể lệ thường, thí dụ: Nguyễn Văn Siêu (1795-1872). Khi sắp xếp trước sau, thì lấy năm mất của từng vị làm chính. Nếu không sưu tầm được đầy đủ, vị nào mà chúng tôi chỉ biết được một năm sinh, hay một năm mất, thì theo năm biết được ấy; vị nào mà chỉ biết có năm thi đậu tiến sĩ hay cử nhân , thì theo năm thi đậu ấy; vị nào mà ngoài các lệ trên, chỉ biết được sinh vào thế kỷ nào, thì xếp sau từng thế kỷ ấy. Trong phong trào cách mạng vào thế kỷ gần đây (Cần vương, Văn thân, Đông-kinh nghĩa thục, Duy tân, Đông du, Kháng chiến, v.v…), có nhiều vị có thơ văn cần được thu lượm, nhưng còn tản mát nhiều nơi, chưa sưu tầm được đầy đủ và chính xác, chúng tôi xin bổ sung sau.
Việt-nam ta là một nước gồm nhiều dân tộc. Về phương diện văn hóa, cố nhiên là dân tộc Kinh phát triển mạnh hơn về các mặt văn học, nghệ thuật, kỹ thuật, v.v… Nhưng, trong quá trình lịch sử, các dân tộc khác như Thái, Nùng, Mường, Dao, v.v… cũng đóng góp một phần không phải là ít. Thí dụ: Nguyễn Hựu Cung hay Bế Hựu Cung là người dân tộc Tày ở Cao Bằng, còn để lại một tập sách về lịch sử Cao-bằng  rất có giá trị, nhan đề Cao-bằng thực lục.A.1129. Con ông là Bế Hựu Nhân, trong khi lưu lạc ở Trung Quốc, đã viết ra nhiều thi ca, tập thành bộ sách Lạc-sơn thi tập, sách này đã được khắc ván gỗ, in tại Trung Quốc. Cụ Đồ Hậu (Hoàng Đức Hậu), một nhân sĩ yêu nước, sống ở thế kỷ gần đây, đã làm nhiều thơ ca Nôm, thóa mạ bọn phong kiến nhà Nguyễn và thực dân Pháp. Tiếc rằng, điều kiện và hoàn cảnh chưa cho phép sưu tập được nhiều tác gia thuộc các dân tộc ấy; hiện nay mới ghi trong tập Lược truyện này được một số ít như đã kể trên. Sau này, chúng tôi sẽ xin cố gắng bổ sung vào tập Tục biên.
 Về Tập II, chúng tôi đã sử dụng các sách kinh tịch chí,các bản mục lục các sách viết bằng chữ la-tinh,  nhất là các sách lưu tàng ở thư viện Quốc gia trung ương và thư viện khoa học trung ương, đại khái như các loại sau đây là các tài liệu chính:
1-    Catalogue des ouvrages publiés júq´à ce jour của Trương Vĩnh Ký (Thư viện khoa học, ký hiệu Q.80176).
2-    Bibliotheca Indosinica của Henri Cordier.
3-    Bibliographie de l`Indochine của Bourgeois và (sic)
4-    Inventaire du Fonds Européen de l´Ecole francaise d`Etreme-Orient.
5-    Liste des imprimés déposés aus Service du dépot légal của Direction des Archives es Bibliothéques của chính phủ thực dân ở Đông-dương xưa. Chế độ lưu trữ của thực dân Pháp ở Đông-dương chỉ mới được thi hành từ 31-1-1922. Trong đó, có chia ra nhiều loại sách, theo từng thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Pháp, v.v… và xếp theo các loại: báo chí (périodisques) và không phải báo chí (non périodisques) tức là sách, để riêng từng xứ trong lĩnh vực gọi là Đông-dương xưa. Vì vậy ngoài các sách kinh tịch chí nói trên (1-4), về thời gian từ năm 1922 trở về sau, cần tham khảo danh sách này, đó là danh sách các sách báo lưu trữ tại Thư viện Quốc gia trung ương.
6-    Bibliography of the peoples and cultures of mainland Southeast Asia của Embree (F.John) và Dotson (L.O.) (New Haven, Yale Univesity, Southeast Asia Studies, 1950, 821 pages). Số ký hiệu sách của Thư viện Khoa học: 808502. Đây là một bản kinh tịch chí của các nước phương Tây; đứng trên phương diện khoa học, chúng tôi cũng dùng tham khảo them, để biết them về những sách nói về các tác gia và tác phẩm Việt-nam.
7-    Việt-nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm.
8-    Sơ thảo lịch sử văn học Việt-nam của Văn Tân, Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan.
9-    Mục lục sách Việt-nam bằng chữ Quốc ngữ của Thư viện Khoa học Trung ương, của nhiều tác giả.
10- Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan.
11- Thi nhân Việt-nam của Hoài Thanh, v.v… [3]
Còn về một số lớn những tác gia ở vào thời kỳ từ khi nước ta bị thực dân Pháp xâm chiếm đến 1945, chúng tôi tìm trong các báo chí, các sách viết về tác gia, tác phẩm, như đã nói trên là chính. Ngoài ra chúng tôi xem ngay ở những tác phẩm của từng tác gia đó. Điều nào nghi ngờ, chúng tôi liên lạc thẳng với các tác gia ấy, và nhờ các cơ quan đoàn thể hữu quan chỉ bảo và giúp đỡ (như Viện Văn học, Hội nhà văn, v.v …), để tìm hiểu thêm cho được chính xác. Các vị nào đã có nói ở Tập I thì cũng chỉ dẫn rõ số ở Tập II.
Trong khi khởi thảo tập Lược truyện các tác gia Việt-nam này, chúng tôi đã gặp một số khó khăn. Về các tác gia cổ đại, tiểu sử ghi có khi rất sơ sài, niên biểu lại không chính xác, mỗi sách ghi theo chủ quan của người làm sách, nên phải đối chiếu trên cơ sở tài liệu có phê phán, rút ra một kết luận để ghi cho đúng. Về nhiều tác gia cận đại, tiểu sử hoặc có, hoặc không, rất khó tra cứu; có khi biết tên mà không biết phát tích từ đâu, có khi có tác phẩm mà tên không rõ, hoặc còn ngờ; chúng tôi đã gắng sức đi tìm hỏi trong các nhà văn, các nhà báo, được đến đâu ghi đến đấy, nhưng thực ra cũng chưa lấy gì làm thỏa mãn, đầy đủ.
Ngoài ra, còn về các tên người, tên sách, cũng như tên đất, và các đoạn văn trích ở nguyên văn ra, do điều kiện vật chất không cho phép, không thể in được chữ Hán hay chữ Nôm kèm theo; đó là một điều đáng tiếc.
Về cách thức viết những tên riêng, chúng tôi theo thể lệ viết đã quy định như sau:
1.     Tên người, về tên chính, thì cả ba chữ, hay hai chữ đều viết chữ hoa, không có dấu gạch nối. Thí dụ: Lê Quý Đôn, Nguyễn Du.Vì khi để một tên chính, theo đặc tính dân tộc Việt –nam, người ta có thể gọi cả ba chữ một lúc, như Lê Quý Đôn, Nguyễn Du; hay chỉ gọi hai chữ: Quý Đôn; hay chỉ gọi một chữ Đôn: cụ Đôn, Bảng Đôn.
2.     Về tên tự, tên hiệu thì, chỉ viết chữ hoa ở một chữ đầu, có gạch nối liền với chữ dưới. Thí dụ: Doãn-hậu, Quế-đường là tự, hiệu của Lê Quý Đôn; Tố-như, Hồng-sơn-liệp-hộ là tự, hiệu của Nguyễn Du; ta không thể gọi cụ Hậu hay cụ Như được, phải gọi cả tên. Miếu hiệu, thụy hiệu các vua, các quan cũng thuộc loại tự, hiệu này: Trần Nhân-tôn, Lê Thánh-tông, Chu Văn-trinh, v.v…
3.     Về phức tính (họ đôi) nghĩa là tên họ có hai chữ, thì viết hai chữ nối liền bằng một gạch nối. Thí dụ: Nguyễn-phúc Tần, Tôn-thất Thuyết.
4.     Về tên đất, có gạch nối liền, và viết chữ hoa một chữ đầu, thí dụ: Thăng-long, Tức-mặc, Hồng-lĩnh, Nhị-hà, Đọi-sơn.
5.     Niên hiệu cũng viết nối liền và chỉ viết chữ hoa một chữ đầu. Thí dụ: Cảnh-hưng (1740-1787); Thiên-chương-bảo –tự (1133-1138). Về năm viết bằng chữ can chi thì viết chữ thường: giáp tí, quý hợi.
Tập Lược truyện các tác gia Việt-nam này, như đã trình bày trên, có mục đích giúp các nhà nghiên cứu nói chung, để tìm một số tác gia, hoặc sử gia, hoặc thi văn gia, chính trị gia, kinh tế gia, đến cả các quân sự gia, nghệ thuật gia, v.v… đã có những tác phẩm góp phần vào việc xây dựng văn hóa Việt-nam, từ thế kỷ XI đến XX, nghĩa là từ thời Lý đến năm 1945.
Riêng về Tập I cuốn Lược truyện các tác gia Việt-nam, ngoài phần chính nói về các tác gia và các tác phẩm qua các thời đại, về lược truyện các tác gia từ thế kỷ XI đến 1945 (Hán,Nôm), còn có một phần giới thiệu về cuốn sách này và phân tích một số tài liệu chính làm cơ sở cho việc biên soạn.
Toàn tập Lược truyện các tác gia Việt-nam là một công trình tập thể. Nhóm biên soạn gồm có bốn người: Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu; Trần Văn Giáp chủ biên.
Tập I, dành riêng về các tác gia sách chữ khối vuông, nghĩa là chữ Hán và chữ Nôm, do Trần Văn GiápNguyễn Tường Phượng khởi thảo; Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu góp ý kiến và bổ sung trong việc biên soạn. Đỗ Thiện góp phần trong việc làm sách dẫn và cung cấp tài liệu.
Tập II, dành riêng về các tác gia sách chữ la-tinh(chữ Quốc ngữ, chữ Anh, chữ Pháp, v.v…), do Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tường Phượng, Tạ Phong Châu khởi thảo; Trần Văn Giáp góp ý kiến và bổ sung trong việc biên soạn; Hoàng Trường, Bùi Cán làm sách dẫn.
.
.     .
Trên đây mới nói qua về lý do, mục đích, phương châm và tiêu chuẩn công việc biên soạn cùng là cách thức trình bày tập sách Lược truyện các tác gia Việt-nam, từ thế kỷ XI đến năm 1945. Nay xin giới thiệu kỹ thêm về ý nghĩa và sự quan trọng của nó.
Muốn sản xuất tốt, cần phải có tư liệu sản xuất đầy đủ. Muốn khai thác tư liệu dễ dàng, nhanh chóng, cần phải có công cụ tốt. Công cụ tốt thì năng suất sẽ được nâng cao, mà đỡ tốn sức lao động; kết quả sẽ được nhanh, nhiều, tốt và dễ dàng.
Việc nghiên cứu về khoa học xã hội cũng không ngoài quy luật ấy. Công cụ chủ yếu dùng để khai thác tư liệu các môn sử học, văn học, kinh tế học, chính trị học, v.v…, nhất là về cổ đại, là những sách Kinh tịch chí, Địa dư chí, Nhân vật chí . Trong ba loại sách ấy, cố nhiên Kinh tịch chí là rất cần thiết, nhưng Địa dư chí Nhân vật chí cũng không kém phần quan trọng.
Trong hoàn cảnh nghiên cứu các môn sử học, văn học, v.v… của ta hiện nay, chúng ta khi muốn tìm một tên đất, một tên người, vẫn còn phải mò mẫm, lục soát năm bảy bộ sách, giở từng tờ, đọc từng dòng, mới tìm thấy một sự kiện lịch sử, một tác phẩm thơ văn, một tác gia nào đó cần thiết cho việc nghiên cứu; đôi khi lại uổng công không tìm thấy gì.
Về các sách cổ, bằng chữ Hán, chữ Nôm, thì các thiên Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn[4], Văn tịch chí của Phan Huy Chú[5], cơ hồ là những công cụ độc nhất cho việc tìm tòi, nghiên cứu. Hai thiên này, tuy đã được nghiên cứu sơ bộ và xuất bản năm 1938, nhưng do hoàn cảnh xã hội lúc đó, đã phải viết bằng Pháp văn, nên không được phổ biến[6]. Cả hai thiên này, cũng chỉ ghi được tên những sách viết từ thế kỷ thứ XI trở về sau, nghĩa là từ triều Lý đến cuối thời Lê-Trịnh (thế kỷ thứ XVIII)[7]. Việc chia loại các sách , tuy đã theo một phương pháp khoa học, nhưng tổng số mới được non 400 tên bộ sách, phần nhiều lại trùng nhau. Trong Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn, ghi có 113 tên sách; trong Văn tịch chí của Phan Huy Chú, ghi nhiều hơn, là 207 tên sách; trừ đi chỉ còn non một tram tên sách là các sách mới, không thấy trong Nghệ văn chí, một số lớn lại bị thất lạc.
Vì vậy, năm 1957, sau khi tiếp thu Thư viện Bác cổ cũ, chúng ta đã gấp rút biên soạn, sắp xếp các sách Hán, Nôm, Việt còn lại, làm thành bảy quyển Mục lục, do Thư viện Khoa học trung ương xuất bản, in bằng giấy nến (ronéo), tháng 8-1958. Đó là một công trình tập thể. Người Pháp xưa kia muốn làm và phải làm công việc ấy, mà trong khoảng thời gian hơn 50 năm, vẫn không làm nổi. Công việc trên đã do sang kiến riêng của Thư viện, với những phương pháp và phương châm mới: không cầu toàn, kịp thời phục vụ các nhà học giả trong nước và ngoài nước; mỗi bộ sách chỉ biên tên sách, tên tác giả, năm xuất bản, số ghi của Thư viện và xếp vần theo vần Quốc ngữ cho dễ tìm. Bảy quyển Mục lục, tuy chỉ mới là công cụ còn thô sơ, mới là bước đầu của môn kinh tịch chí, nhưng chúng ta đã chiếm kỉ lục nhanh chóng, hoàn thành được trong thời gian tám tháng, và nó cũng đủ để tạm gọi là đủ, để phục vụ kịp thời các nhu cầu cần thiết.
Về các sách ghi các tên đất, thì lại còn hiếm nữa. Trong hoàn cảnh lịch sử Việt-nam, cũng như lịch sử Trung-quốc, mỗi cuộc phế hung của các triều đại, mỗi lần thay đổi chế độ chính trị, các tên đất phần nhiều đều bị thay đổi, nhiều tên cũ nay không còn biết là ở đâu. Sách Địa danh chí cốt để so sánh tên đất ngày xưa với tên đất hiện nay cho sát thực tế thì lại càng thấy cần thiết. Vì vậy, một quyển từ điển về tên đất là rất cần thiết cho việc khảo cứu lịch sử, địa lý, kinh tế, v.v… và nhất là cho việc giảng dạy ở các trường học.
Năm Kiến-phúc, đầu năm 1884, các cụ Phan Đình Phùng và Thái Khắc Tuy đã có sang kiến soạn ra sách Việt sử địa dư toát biên (ký hiệu A.971). Trong bộ sách này, tác giả trích biên đủ các tên đất đã tra khảo, ghi trong Việt sử thông giám cương mục. Đầu sách có một bản mục lục, ghi đủ các tên đất đã có nói trong bộ sử trên. Mỗi tên đều ghi rõ tìm thấy trong quyển nào. Làm như thế là theo phương pháp cổ của sách Trung-quốc; khi tìm một tên đất nào, phải xem toàn bộ mục lục, nên vẫn chưa tiện, chưa nhanh; có khi lại còn bỏ sót không tìm thấy. Năm 1957, Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa, tức là tiền thân của Viện Sử học, trong khi biên dịch sách Việt sử thông giám cương mục đã có sang kiến làm các Sách dẫn để giúp cho việc tìm các tên đất, cũng như tìm các sự kiện lịch sử khác, một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Đối với hai thứ công cụ khảo cứu về sách, về tên đất ấy, sách của ta hiện nay tuy còn sơ lược nhưng trong khi chờ đợi biên soạn lại thật kỹ, thật hiện đại, một bộ Kinh tịch chí Việt-nam, một bộ Từ điển tên đất Việt-nam, thì những sách ta hiện có, cũng có thể đáp ứng tạm thời nhu cầu trước mắt.
Duy, còn một quyển truyện các tác gia Việt-nam, nghĩa là các nhà viết sách từ loại sử học, văn học, kinh tế, chính trị, cho đến các tạp loại, các hồi ký, bút ký, biên dịch v.v… nhất là về các tác gia cổ đại, thì chưa thấy có quyển sách nào thích ứng cho nhu cầu.
Nói đến những sách của ta, về các tên người và tiểu truyện nói chung, tức là liệt truyệnnhân vật chí của Việt-nam, tuy chúng ta đã có một số sách cổ, nhưng thực ra cũng không lấy gì làm nhiều. Những sách có nói đến các nhân vật quan trọng đời Lý, Trần, chẳng qua chỉ có mấy bộ: An Nam chí lược, Việt Sử lược, Việt Kiệu thư, v.v… Trong các sách đó, đều nói về nhân vật chung, giữa những truyện về các mục sử gia, văn gia, có xen lẫn các mục võ tướng, hậu phi, thiền dật, v.v… Các sách Sử ký toàn thư, Cương mục, có ghi rõ các vua, quan, một số ông hoàng, bà chúa, các học giả thi đậu tiến sĩ; nhưng cách biên chép theo lối kỷ niên, về các sự việc, các công trình trứ tác, đôi khi có tường tận; nhưng còn linh tinh tản mác, khi tra cứu không tiện chút nào. Hiện nay, ta có một số văn bia, đến hơn hai vạn cái, là những tài liệu rất quý, tương đối chính xác nhất, so với các sách, các sử. Nhưng, số hơn hai vạn bài văn bia ấy vẫn chưa được chỉnh lý, biên mục, nên muốn dùng cũng khó. Những văn bia ấy có ghi nhiều sự việc lịch sử, kinh tế, chính trị, văn học, sinh hoạt xã hội v.v… và nhiều tên người; nhưng đến nay vẫn chưa khai thác được. Văn bia ở Văn miếu Hà-nội và ở Văn miếu Huế, gồm có khoảng gần 200 tấm, ghi đủ các học giả đậu tiến sí. Thật ra, nào ai đã mỗi khi tới tận nơi mà tìm tên, tìm sự tích một vị tiến sĩ, thám hoa có nhiều tác phẩm.
Khoảng đầu thế kỷ thứ XIX, Lê Cao Lãng, khi làm tri phủ Hoài-đức, đã có công biên tập các văn bia ấy thành một bộ sách: Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký. Sách này đã giúp ích khá nhiều cho các nhà học giả. Nhưng sách này chỉ ghi được niên canh, quê quán sơ lược của các tiến sĩ triều Lê, còn thiếu hẳn truyện các tiến sĩ triều Nguyễn và từ triều Lê trở về trước. Sách văn bia của họ Lê thiếu hẳn các vị tiến sĩ triều Nguyễn, thì trái lại, sách Đại Nam liệt truyện, cả tiền biên lẫn chính biên, lại thiếu hẳn người triều Lê và về trước Lê. Sách có thể giúp ích cho việc sưu tầm các tên người, có hai bộ đăng khoa lục sau đây là tiện lợi và chắc chắn cho sự khảo cứu: một là Đại Việt lịch triều đăng khoa lục của Nguyễn Hoản (1713-1791); hai là Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo của Phan Huy Ôn. Bộ thứ nhất đã có in, là một tập niên biểu các khoa thi đại khoa, sau tên mỗi vị tiến sĩ, có ghi qua tiểu truyện và tác phẩm của vị ấy, nhưng còn sơ sài. Kế tiếp vào bộ này, lại có thêm các bộ Quốc triều hương khoa lục Khoa bảng lục, của Cao Xuân Dục, ghi đủ các văn gia, sử gia triều Nguyễn, cũng theo thứ tự niên đại, và có ghi tiểu truyện sơ lược từng vị. Bộ thứ hai của Phan Huy Ôn, trái lại, còn là sách chép tay, xếp theo đơn vị từng huyện, mỗi huyện ghi rõ tên các người đậu đại khoa, từ đời Lý, Trần đến mãi cuối Lê, ghi cả quê quán, sự nghiệp và tác phẩm của từng người. Sách họ Phan ghi được tường tận hơn các bộ khoa lục khác, nhất là có ghi kỹ sự việc đi sứ Trung-quốc của từng người. Thêm vào hệ thống loại đăng khoa lục đó, lại có các bộ đăng khoa lục từng huyện riêng, như các bộ Đông-yên huyện đăng khoa lục (Đông-yên nay là Khoái-châu, thuộc Hải-hưng, sách gồm 30 tờ, ký hiệu A.1824) và bộ Từ -liêm huyện đăng khoa chí (Từ-liêm nay thuộc Hà-nội, ký hiệu A.507); sách Từ-liêm … của Bùi Xuân Nghi, tự Dục-tăng, hiệu Ước-trai, người làng Vân-canh, đậu cử nhân năm Tự-đức thứ 20 (1867). Cũng thuộc hệ thống khoa cử, ta còn các sách văn tuyển, như Lê triều hương tuyển, Hội thí văn tuyển, Hương thí văn tuyển, Hội đình văn tuyển (ký hiệu A.2306) v.v… Trong các sách đó, cũng ghi tên các người thi đậu, tức là các văn nhân, thi nhân có thể có những tác phẩm có giá trị.
Về các nhân vật lịch sử nói chung, trong đó có tên các tác gia, nhất là các sử gia và thi, văn gia, ta có thể tìm thấy trong các tập vịnh sử, như sách Thoát hiên vịnh sử tập của Đặng Minh Khiêm (ký hiệu A.44); các thiên liệt truyện trong Đại Việt thông sử, trong Kiến văn tiểu lục cuả Lê Quý Đôn, Nhân vật chí của Phan Huy Chú, v.v… Khoảng năm 1924, Cổ học viện ở Huế có biên tập một bộ sách tên gọi là Nhân vật tính thị khảo, do Lê Trọng Phiên, Trịnh Luyện phụ trách, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Bá Trác; nhưng sách xếp theo các họ, gồm cả vua, quan, v.v… lược trong các sử sách cũ ra, phương pháp ghi chép sơ sài, không có trọng tâm và mới làm được ba quyển, ước được 170 tờ (68-90-145), mới chép được các tên họ Đinh (C.1) và họ Lê (C.2-3). Thứ đến các sách thuộc loại địa lý, mỗi bộ cũng có mục Nhân vật hay Liệt truyện, như các sách Phủ biên tạp lục cuả Lê Quý Đôn, Nghệ- an ký của Bùi Dương Lịch, Đại Nam nhất thống chí của triều Tự-đức, v.v… Thứ nữa đến các thi văn tập, thi văn tuyển, như Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên và Chu Xa, Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt thi tuyển, Văn tuyển của Bùi Huy Bích, Việt thi tục biên của Nguyễn Thu, v.v… Các sách này đều là những sách có giá trị đối với các tác gia Việt-nam; trên các bài thơ, bài văn trích lục, có ghi rõ tiểu truyện các tác gia, văn gia Việt-nam. Những tiểu truyện ấy tuy ngắn, nhưng gọn và đủ, gồm từ các vua, quan, đến các phụ nữ, nhà sư, các đạo sĩ, từ đời Lý đến đời Nguyễn, đôi khi lại ghi rõ các tác phẩm của từng vị. Ngoài ra, tên và tiểu truyện các vị học giỏi, thơ hay còn thấy ghi trong các gia phả các họ lớn, như Gia phả họ Vũ Mộ-trạch, Gia phả họ Nguyễn Tiên-điền, v.v… Và trong các dã sử, như Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề đời Lê, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, cuối đời Lê đầu đời Nguyễn v.v…
Muốn việc nghiên cứu về các môn học được tiện lợi, nhanh chóng và gọn gang, chúng ta cần có một tập sách tổng hợp tất cả các tiểu truyện các tác gia Việt-nam ghi trong các loại sách nói trên, và trích lược các tác phẩm cho rõ ràng và dễ hiểu. Một tập Lược truyện các tác gia Việt- nam, từ thế kỷ thứ XI đến XX, nghĩa là từ Lý, Trần đến cận đại, là rất cần thiết và cần được phổ biến kịp thời.
Loại sách này, tuy hiện nay ta chưa có, nhưng không phải trước kia chưa ai nghĩ tới. Việc biên soạn và chuẩn bị biên soạn sách này đã được nhiều học giả trong nước lưu tâm từ mấy chục năm nay, nhưng không thoát khỏi khuyên sáo cũ, chưa thấy đặt rõ vấn đề. Năm 1912. Thọ-xuân Lê Văn Phúc ở Nam bộ đã làm bản sách dẫn sách Đại Nam liệt truyện, in trong tạp chí Tri tân. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Ứng- hòe Nguyễn Văn Tố cũng soạn một tập tiểu truyện Các ông nghè triều Lê, in trong Tri tân(1942). Nhưng tập Sách dẫn của Lê Văn Phúc quá gọn và quá đơn giản, sinh ra phiền toái cho người sử dụng mỗi khi tra xong một tác gia nào, lại phải đi tìm sách mà coi, sách lại viết bằng chữ Hán và lại là của hiếm, khó tìm. Trong hoàn cảnh đó, việc sử dụng Sách dẫn ấy thật chưa tiện; mặt khác nó lại chỉ giới hạn trong phạm vi người triều Nguyễn, nên còn thiếu sót nhiều. Tập sách Các ông nghè triều Lê cua Nguyễn văn Tố, tác giả đã dịch bộ Đăng khoa lục sưu giảng, nên có nhiều thần thoại, nhiều chuyện hoang đường, khiến người đọc dễ chán, người khảo cứu thấy thừa, hơn nữa nó cũng chỉ giới hạn trong các tiến sĩ triều Lê, nên phần thiếu sót không phải là ít, tác dụng của nó cũng bị hạn chế nhiều.
Thật vậy, soạn một tập Lược truyện các tác gia Việt- nam chưa nói đến bộ Việt-nam nhân danh đại từ điển quả là một công trình khá phức tạp và cũng không kém phần lâu dài. Do nhu cầu phục vụ công tác chung cho việc nghiên cứu chúng tôi đã cùng nhau họp thành một nhóm, cố gắng thực hiện ý muốn chung, phục vụ kịp thời các nhà nghiên cứu. Chúng tôi không quản khả năng có hạn, tài liệu phức tạp, hết sức mạnh dạn, cùng nhau bàn bạc, thảo ra một bản đề cương cùng nhau biên soạn một tập Lược truyện các tác gia Việt-nam, giới hạn trong thời gian từ thế kỷ thứ XI đến XX, nghĩa là từ Lý, Trần đến cận đại, năm 1945, và giới hạn trong một phạm vi nhỏ hẹp, thật gọn, thật đủ, phục vụ được nhanh và vững chắc.
Vi những lý do trình bày trên đây, chúng tôi thiết tưởng muốn nghiên cứu về lược truyện từng tác gia nghĩa là lấy tác phẩm làm trọng tâm, tức là phần chính của sách này, trước hết phải đặt cơ sở cho vững chắc Cơ sở ấy tức là các tài liệu chính nói về các nhân vật lịch sử Việt- nam. Rồi từ đó, lựa lọc lấy truyện các tác gia, sắp xếp thành một hệ thống, theo trình tự lịch sử. Khi bắt tay vào công việc biên soạn Tập I, chúng tôi đã vấp phải nhiều khó khăn trong phần cổ đại, phần các sách Hán, sách Nôm. Một số lớn những tài liệu ấy là sách chép tay, trong đó có nhiều sai lầm, và cũng xen lẫn nhiều tài liệu không thật chính xác, nghĩa là tài liệu giả mạo. Vì vậy, mỗi tài liệu đem dùng cần phải phân tích thật tỉ mỉ, cần phải tra khảo và so sánh thật kỹ. Sau đây là bảng phân tích các tài liệu chính, dùng làm căn cứ để viết Lược truyện các tác gia Việt- nam(tập I). Các tài liệu cơ sở ấy, chia lam ba loại: 1. Sử chí, 2. Đăng khoa lục 3. Thi văn tuyển tập, xếp theo trình tự lịch sử, cớ ghi số thứ tự, từ 1 đến 30.
Chúng tôi thành thực cám ơn các đồng chí ở các cơ quan, đoàn thể, các thư viện, đã giúp đỡ chúng tôi trong công tác sưu tầm nghiên cứu các tài liệu, nhất là các đồng chí nghiên cứu ở Viện Sử học, đồng chí Văn Tân, đã góp ý kiến và khuyến khích chúng tôi rất nhiều về tập sách này. Chúng tôi không thể quên được sự giúp đỡ tận tình của các vị công tác tại Thư viện Khoa học trung ương: các ông Đặng Xuân Khanh, Nguyễn Ngọc Thụ và Thái Văn Liễn, xin thành thực cám ơn.
Dù sao, chúng tôi cũng xin nhắc lại rằng tập sách này không thể không còn có nhiều thiếu sót; mục đích thì lớn mà phần thể hiện chưa được bao nhiêu. Vì vậy, nó chỉ là một tập sơ thảo về tiểu truyện các tác gia Việt- nam và cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ hơn nữa.
Chúng tôi mạnh dạn đưa ra để kịp thời phục vụ các nhà nghiên cứu về đủ các ngành sử học, văn học cũng như về kinh tế, chính trị nghệ thuật, giáo dục, v.v… Mong cac vị lưu tâm giúp đỡ thêm tài liệu, góp thêm ý kiến, để chúng tôi có thể tiếp tục bồi đắp thêm, xây dựng thêm, thành một bộ sách đầy đủ hơn, góp phần nhỏ vào bộ từ điển lớn về Các danh nhân Việt-nam sau này. Mong các vị rộng lượng, coi nó là một tập sách dùng tạm cho việc khảo cứu, cũng như ngạn ngữ thường nói: “Không có cá, lấy rau má làm trọng.”
Ngày 15 tháng 12 năm 1961
NHÓM BIÊN SOẠN




[1] Xem bài tựa thiên Nghệ văn chí trong Đai Việt thông sử của Lê Quý Đôn và bản dịch trong: Les chapitris bibliographiques de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú (Bul. de la Sociètè des Études Indochinoises, N.S.t.XIII. N01, trang 37-42)
[2] Về tước phong và quan chức, mới coi ta tưởng là thừa, nhưng đối với sách Hán, Nôm ta xưa, rất là quan trọng; vì người xưa có tục tránh gọi tên thật mà dùng tên hiệu, tên làng, đôi khi dùng tên tước, tên quan chức để gọi thay tên thật và tên sách. Thí dụ: Hồ Thượng thư gia lễ  là của Hồ Sĩ Dương; Đông-khê thi tập là của Nguyễn Văn Lý, v.v… Đây thực không phải quá chú trọng đến lịch sử khoa hoạn của từng tác gia.
[3] Những sách dùng làm tài liệu cơ sở và tài liệu tham khảo của Tập II sẽ được phân tích và trình bày kỹ trong Tập II.
[4] Xem: Lê Quý Đôn-Đại Việt thông sử,  sách chép tay của Thư viện Khoa học, ký hiệu A.1387, và phần tài liệu số 8, sau này.
[5] Xem: Phan Huy Chú-Lịch triều hiến chương loại chí, C.42-45, phần tài liệu số 11, và bản dịch của nhà xuất bản Sử học, 1959-1962.
[6] Xem: Les chapỉtes bibliographiques de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú, của Trần Văn Giáp-Sài Gòn, 1938 (Bul.de la Socíeté des Etudes Indochinoises, N.S.,t.XIII, N01)
[7] Về khoảng thời gian lịch sử sau triều Mạc, thường gọi là „Lê trung hưng“, cũng có một phần nào đúng. Nhưng nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, từ năm 1527 (tức năm Minh-đức thứ nhất) đến tháng 9-1667 là năm Thuận -đức thứ hai, Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng chạy sang Trung-quốc, thì nhà Mạc mới thật hết. Lê trung hưng bắt đầu từ Lê Ninh tức Lê Trang-tông, năm Nguyên-hòa thứ nhất là 1533. Trong khoảng giữa thế kỷ XVI và XVII, hai họ Mạc và Lê vẫn tồn tại cài răng lược trên đất Việt-nam. Vì vậy chúng tôi gọi là thời „Lê-Trịnh“ cho phân biệt rõ hơn. Vì họ Trịnh (Trịnh Kiểm) xuất hiện cùng với nhà Lê trên lịch sử một cách rõ rệt từ năm 1545, chỉ sau Lê Trang-tông có 12 năm, mà mãi đến Trịnh Phùng (Yến-đô vương, năm Quang-trung thứ nhất, 1788) mới thật hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét